Điển hình tiên tiến

Công đoàn ngành Giao thông Vận tải biểu dương 78 nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2013 - 2017

TĐKT - Ngày 11/10, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua trong nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và biểu dương nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2013 – 2017. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng tới dự. Công đoàn GTVT Việt Nam hiện đang trực tiếp quản lý 66 công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc với tổng số 77.959 CNVCLĐ, trong đó có 19.318 nữ CNVCLĐ (chiếm 25%).   Hầu hết các lĩnh vực đều có sự tham gia, đóng góp tích cực của nữ CNVCLĐ vào kết quả và thành tích của ngành. Với vai trò vừa là người lao động xã hội, người vợ, người mẹ trong mỗi gia đình, các chị đã luôn cố gắng, phấn đấu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng trao bằng khen của Công đoàn GTVT cho 78 nữ cán bộ công đoàn xuất sắc Trong những năm qua, phong trào nữ công nhân, viên chức ngành GTVT phát triển hiệu quả. Hàng năm Công đoàn các cấp chủ động phối hợp với cơ quan quản lý đồng cấp tổ chức phát động các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ, thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nữ CNVCLĐ trong ngành. Đặc biệt, qua các phong trào thi đua, nữ CNVCLĐ ngành GTVT ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong nghiên cứu, sáng tạo. Thời gian qua, đã có trên 400 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật do nữ chủ trì hoặc tham gia đạt kết quả tốt, được áp dụng trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, giảng dạy ở nhà trường và trong cải cách hành chính... đạt hiệu quả, giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng, Nữ CNVCLĐ cơ bản có đủ việc làm (98%), được bố trí công việc phù hợp, thu nhập ổn định, năm sau cao hơn năm trước, hàng năm tăng trên 7%, năm 2013 thu nhập bình quân là 4,7 triệu đồng/người/tháng, hiện nay thu nhập bình quân đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng.  Điều kiện làm việc của nữ công nhân, lao động tại các công trường, phân xưởng sản xuất đã được chính quyền và công đoàn quan tâm cải thiện bằng việc trang bị, thiết kế lắp đặt thiết bị giảm thiểu bụi, chống ồn, chống nóng, trang bị, cấp phát đầy đủ bảo hộ lao động trong quá trình làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và sức khỏe cho nữ công nhân, lao động, không bố trí, sắp xếp lao động nữ vào những nơi làm việc có môi trường độc hại, nặng nhọc. Tại Hội nghị, các nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu từ các đơn vị ngành GTVT đã giao lưu, chia sẻ về kinh nghiệm trong việc vừa hoàn thành tốt công việc cơ quan, công việc gia đình và vừa tích cực tham gia, lôi kéo đoàn viên vào các hoạt động công đoàn, thi đua…. Tại Hội nghị, Công đoàn ngành GTVT đã tặng Bằng khen cho 78 nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu suất sắc đến từ các đơn vị trong toàn ngành giai đoạn 2013 - 2017. Hưng Vũ

Phát động Giải thưởng “Cây Chổi Vàng” 2017

TĐKT – Chiều 11/10, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu về Giải thưởng “Cây Chổi Vàng”, góp phần tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường, những người lao động vất vả, thầm lặng trong xã hội.  Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam Đặng Vương Hưng cho biết: với nguồn kinh phí từ hoạt động xã hội hóa, giải thưởng được hy vọng sẽ góp phần xây dựng “Môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”. TS. LS Đồng Xuân Thụ - Tổng Biên tập và Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam chủ trì buổi họp báo Giải thưởng sẽ được tổ chức đề cử, xét chọn và trao giải hàng năm vào dịp cận Tết Nguyên đán năm 2018. Theo đó, Ban tổ chức sẽ trao 40 giải thưởng có giá trị cho 40 gương mặt tiêu biểu, bao gồm: 10 giải khuyến khích (trị giá mỗi giải 1 triệu đồng và túi quà Tết);  20 “Cây chổi Bạc” (trị giá mỗi giải 1 đồng bạc trắng và  2 triệu đồng); 9 “Cây chổi Vàng” (trị giá mỗi giải 01 chỉ vàng 9999 và túi quà Tết); 1 “Cây chổi Kim cương” (trị giá 1 cây vàng (lượng) 9999 và túi quà Tết). Trước mắt, việc đề cử “Cây chổi vàng” 2017 sẽ do các BCH Công đoàn cơ sở các Công ty Môi trường Đô thị; các Khu đô thị, Khu công nghiệp, Khu chế xuất; Liên đoàn lao động địa phương và các đơn vị cơ sở có công nhân vệ sinh môi trường và báo chí đề cử. Sự kiện trao giải sẽ được tổ chức vào dịp cận Tết Nguyên Đán 2018. Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc bảo vệ môi trường không chỉ của các cơ quan chuyên ngành, mà còn là trách nhiệm của từng người dân trong xã hội. Một trong những vấn đề chủ yếu của môi trường đó là “rác”. Rác liên quan trực tiếp tới sự phát triển của con người cả về công nghệ và xã hội. Và mỗi ngày, góp phần vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường là những con người với công việc thầm lặng, đó là những công nhân vệ sinh môi trường. Với ngành nghề xã hội, họ được gọi là “công nhân vệ sinh môi trường” hay còn theo cách dân dã thì đó là những “người quét rác”. Lặng thầm với công việc của mình, họ thức khuya, dậy sớm, không quản nhọc nhằn, chẳng nề hà bụi bặm, hôi hám để dọn dẹp, gìn giữ cho môi trường… Phố phường sạch sẽ thì mồ hôi của những người công nhân vệ sinh đổ xuống mặt đường lại càng nhiều. Đời sống đô thị từ thành phố đến nông thôn không thể một ngày nào thiếu vắng những anh, chị công nhân vệ sinh môi trường. Người dân ai cũng biết họ, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu và đồng cảm với đặc thù nghề nghiệp này. Hàng ngày, các công nhân môi trường phải tiếp xúc với hàng trăm thứ rác thải, nhiều loại rác trong số đó là chất thải nguy hại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Đó là chưa kể ô nhiễm tiếng ồn, không khí… Vì thế, tỷ lệ công nhân môi trường bị mắc bệnh về đường hô hấp rất lớn, lên đến 80%. Nguy cơ bị tai nạn giao thông của những người quét rác do người điều khiển phương tiện giao thông trên đường gây ra cũng rất cao. Thậm chí, cũng do phải làm việc đêm, đơn lẻ, nên nhiều người còn bị cướp giật, hành hung; công nhân nữ còn có khả năng bị kẻ xấu tấn công tình dục… Vất vả là thế, nhưng những công nhân vệ sinh môi trường vẫn có những niềm vui giản dị và thầm lặng của mình; đó là trực tiếp góp phần làm cho các đô thị trở nên sáng - xanh - sạch và đẹp hơn. Dù ẩn sau những niềm vui bình dị và nhỏ bé đó, họ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và hiểm nguy. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời dạy rất hay dành cho những công nhân vệ sinh môi trường: “Người nấu bếp, người quét rác, cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”. Người nhấn mạnh: “Dù làm công việc quét rác hay moi cống cũng đều là công việc vẻ vang. Có nhận thức thế mới đúng. Thế là bất kỳ công việc nào có ích nước lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội đều vẻ vang. Không có việc nào sang, công việc nào hèn”… Mai Thảo

Bác sĩ, thương binh già gần 30 năm chữa bệnh miễn phí

TĐKT – Đến phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội hỏi thăm đường vào nhà bác sĩ, thương binh già Đặng Cát, ai ai cũng biết. Họ nhiệt tình chỉ dẫn vào tận ngôi nhà nhỏ trong con ngõ 416/22 đường Lạc Long Quân. Có người dân ở đầu ngõ còn cười bảo “địa chỉ khám bệnh miễn phí, chất lượng cao, ai chẳng biết”. Năm nay đã bước sang tuổi 82 tuổi, nhưng dường như ngày nào lịch làm việc của ông cũng kín. Lúc thì khám bệnh, kê đơn tại nhà; lúc thì đạp xe đến tận nhà người bệnh để thăm, khám, điều trị. Điều đáng nói là suốt 30 năm nay, ông thực hiện công việc khám, chữa bệnh hoàn toàn miễn phí. Ông vốn là người lính, từng vào sinh ra tử thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trở về thời bình, là một thương binh hạng 4/4, được cử đi học và trở thành bác sĩ Quân y thuộc Bộ đội Biên phòng. Bằng sự đam mê nghề, bác sĩ Đặng Cát hàng ngày khẳng định được uy tín, vị thế trong thực hiện nhiệm vụ. Sau này, năm 1969, ông được điều về nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Quân y Trường Sĩ quan Biên phòng. Ở đâu ông cũng thể hiện được phẩm chất, trí tuệ, tài năng, sự đam mê với nghề. Bác sĩ Đặng Cát (thứ 6 từ trái sang) được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017  Năm 1989, sau khi nghỉ hưu, không lựa chọn cuộc sống an nhàn bên gia đình, ông tiếp tục đem kiến thức y học của mình phục vụ người nghèo, mở phòng khám bệnh miễn phí. Ông  bảo “giúp mọi người, mọi người được sức khỏe, còn mình thì được niềm vui vì cảm thấy mình hữu ích cho đời”. Bệnh nhân của ông lúc đầu là bà con lối xóm trong khu dân cư. Sau đó là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn ở nội thành Hà Nội và lân cận. Thậm chí càng về sau, tiếng lành đồn xa, bệnh nhân khắp trong Nam, ngoài Bắc, cả ở nước ngoài cũng tìm đến ông để được nghe ông tư vấn, chữa bệnh… Đáng quý ở ông là  khi gặp những bệnh nhân quá nghèo, ông còn bỏ tiền túi để mua thuốc giúp họ. Đối với những bệnh nhân nặng, dù ở xa hay ở gần, không phân biệt bệnh nhân giàu nghèo, không ngại khó vất vả, không nề hà đêm ngày, ông đều đạp xe đến tận nhà, khám, chữa bệnh hoàn toàn miễn phí. Đại đức Thích Quảng Trí, chùa Tảo Sách (Lạc Long Quân, Tây Hồ), một trong những bệnh nhân của ông chia sẻ: “Nếu không có bác sĩ Cát thì tôi không biết xoay xở thế nào. Bị thoát vị đĩa đệm gần 3 tháng nay, tuy đã đến 12 địa chỉ, bệnh viện uy tín, tốn nhiều tiền, nhưng bệnh vẫn không giảm. Nay được bác sĩ Cát đến tận chùa chữa trị chu đáo, tôi đã khỏe hơn nhiều.  Giữa mảnh đất Thủ đô phồn hoa, có một bác sĩ giản dị, tiết kiệm khi điện thoại không dùng, xe máy không đi, nhưng sẵn lòng cứu người, không tính toán, quả thật đáng quý”. Bác sĩ Đặng Cát cho biết, bình quân mỗi ngày, ông khám bệnh cho khoảng 10 -20 người. Nếu biết bệnh nặng cần phẫu thuật hay dùng phương tiện hiện đại điều trị, ông lại tư vấn, hướng dẫn và có khi còn cùng gia đình bệnh nhân đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị. Bác sĩ quân y Đặng Cát chữa bệnh cho bệnh nhân tại nhà Không chỉ khám và điều trị những căn bệnh thông thường, ông còn điều trị có hiệu quả hơn 100 trường hợp mắc những căn bệnh khó như nấm, hẹp van tim, thiểu năng tuần hoàn não, u phổi... Từ những năm về nghỉ hưu, ông còn nghiên cứu nhiều về u bướu. Tính đến nay đã có hơn 100 ca u phổi, u tuyến giáp, u dạ dày, u đại tràng… được ông điều trị khỏi, cho kết quả tốt. Tận tình với người nghèo là thế, nhưng ngay cả những bệnh nhân có điều kiện khá giả tìm đến, ông cũng khám, chữa bệnh miễn phí. Rồi những bệnh nhân nhỏ tuổi như cháu Đặng Văn Việt (9 tuổi) bị u máu, bệnh nhân tên Mạnh ở Bắc Ninh bị u phổi được ông cứu chữa... Chẳng thể kể hết những câu chuyện về ông Cát, mà ông cũng không nhớ nổi đã có bao nhiêu người bệnh tìm đến ông.  Không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân mà bác sĩ Đặng Cát còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học phường Nhật Tân và Bí thư Chi bộ 3 từ khi nghỉ hưu đến năm 2014. Đến nay mặc dù tuổi cao, sức yếu không thể đạp xe đi chữa bệnh nhưng hàng ngày ông vẫn khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí tại nhà cho những bệnh nhân nghèo. Với những thành tích trên, năm 2009, ông đã được Quận ủy Tây Hồ tôn vinh, khen thưởng vì có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2013, ông vinh dự được TP Hà Nội tặng thưởng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”; năm 2014, ông được tôn vinh là 1 trong 124 gương điển hình tiên tiến tại Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2014). Mới đây, bác sĩ Đặng Cát vinh dự là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017, góp phần làm ngát hương vườn hoa người tốt, việc tốt Thủ đô. Hưng Vũ  

Hà Nội: Biểu dương "Người tốt, việc tốt" và vinh danh 10 "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2017

TĐKT - Sáng 8/10, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến; người tốt, việc tốt tiêu biểu; vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2017. Tới dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Cùng dự, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, 25 năm qua, nhờ nhận thức rõ về vai trò, tác dụng của phong trào “Người tốt, việc tốt”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể đã tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào với nội dung ngày càng thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị và đời sống xã hội trên địa bàn Thủ đô. Chính vì vậy, phong trào đã tạo được sự lan tỏa, thu hút ngày càng đông đảo các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng. Thông qua các phong trào thi đua, đã có trên 24 nghìn người tốt, việc tốt tiêu biểu cấp thành phố, hơn 32 vạn người tốt, việc tốt được các quận, huyện, thị xã, đơn vị biểu dương, khen thưởng. Để cổ vũ phong trào “Người tốt, việc tốt”, từ năm 2010 đến nay, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 hằng năm, thành phố đã tổ chức xét chọn và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” nhằm tôn vinh các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp cho Thủ đô và đất nước. Các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2017 cho 10 cá nhân tiêu biểu Tại Hội nghị, mỗi tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt tiêu biểu, Công dân Thủ đô ưu tú đã chia sẻ công việc, việc làm của mình, mang đến những cảm xúc, suy nghĩ nhân văn trong cộng đồng. Đó là công dân Thủ đô ưu tú năm 2010 Trần Mai Anh, người sáng lập chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”. Suốt nhiều năm nay chị vẫn đang miệt mài với các hoạt động thiện nguyện đem lại hạnh phúc, cơ hội cuộc đời cho hàng ngàn trẻ em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, nhất là ở các vùng thôn quê có nhiều trường hợp các em bị tổn thương bộ phận sinh dục do tai nạn như: bị điện giật, bị chó cắn, bị ngã…Hành trình yêu thương ấy đã, đang và sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, kết nối ngày càng nhiều người tốt trong xã hội chung tay. Chương trình giao lưu với các điển hình tiên tiến Đó là vận động viên Dương Thúy Vi (sinh năm 1993), thuộc Đội tuyển wushu Hà Nội, Quốc gia. Dù còn trẻ tuổi nhưng đã không ngừng nỗ lực, vượt qua những khó khăn như bị chấn thương, từ nhỏ đã xa gia đình đi tập luyện…để đạt được mong ước được đứng lên bục cao nhất, được nhìn thấy Quốc kỳ kéo lên trên đấu trường quốc tế. Đó là một học sinh giỏi, gương mẫu Hoàng Đức Mạnh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Hồng Quang. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã không quản ngại khó khăn, ngày 2 buổi đạp xe đón bạn, cõng bạn cùng lớp bị gãy chân đến lớp….. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, bên cạnh những tấm gương “Người tốt, việc tốt” được tuyên dương, khen thưởng, vẫn còn rất nhiều những hành động đẹp, những việc làm tốt thầm lặng, của rất nhiều người dân đang ngày đêm cống hiến cho công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Những tấm gương nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, những chân dung sống động, dung dị, đời thường của rất nhiều những người đã có những việc làm tốt, nghĩa cử cao đẹp, có tính nhân văn trong cộng đồng, mang đậm nét văn hóa của người Hà Nội, rất đáng trân trọng, tự hào... Để phong trào thi đua Người tốt, việc tốt tiếp tục phát huy sức mạnh, hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của phong trào, đồng thời tập trung triển khai 5 nhiệm vụ chính. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung và giải pháp theo Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 1/6/2017 của UBND thành phố về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy chế xét tặng danh hiệu người tốt, việc tốt trên địa bàn thành phố. Hằng tháng, các đơn vị xem xét, tổ chức khen thưởng theo thẩm quyền, chú trọng phát hiện đề xuất giới thiệu thành phố khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Trong đó, chú trọng đề xuất khen thưởng người lao động như công nhân, nông dân, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực thi nhiệm vụ; chú trọng phát hiện những người dân từ em nhỏ đến người già trong các cộng đồng dân cư có việc làm tốt để kịp thời biểu dương, khen thưởng... Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và in sách Những bông hoa đẹp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt, việc tốt với sự vào cuộc tích cực của báo chí. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện phong trào người tốt, việc tốt, kịp thời khắc phục những tồn tại, bảo đảm phong trào được thực hiện thường xuyên, liên tục và rộng khắp... Tại Hội nghị, các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2017 cho 10 cá nhân tiêu biểu. Mai Thảo

Quận Thanh Xuân biểu dương 163 người tốt, việc tốt

TĐKT – Chiều 6/10, quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2017. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, quận Thanh Xuân đã phát động, triển khai có hiệu quả phong trào Người tốt, việc tốt. Đặc biệt, năm 2017, phong trào đã thực sự lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị từ quận đến phường, thu được nhiều kết quả đồng bộ. 5 cá nhân đã được UBND TP Hà Nội khen thưởng Với tinh thần lấy phong trào thi đua Người tốt, việc tốt làm trọng tâm, các đơn vị đã đồng loạt tổ chức thi đua trên các lĩnh vực, ngành nghề, gắn liền với những sự kiện chính trị tiêu biểu, những công việc cụ thể hàng ngày. Từ phong trào đã xuất hiện ở địa bàn dân cư nhiều người tốt, việc tốt xứng đáng được biểu dương, khen thưởng, nhân rộng. Điểm nổi bật của phong trào Người tốt, việc tốt quận Thanh Xuân năm 2017 là luôn bám sát đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, thực hiện các chỉ tiêu khó, các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị, đời sống dân sinh. Nội dung các phong trào, hoạt động đã tạo sự chuyển biến mạnh từ cơ sở, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tích cực vào cuộc; được các cấp, các ngành và thành phố ghi nhận, đánh giá cao. Điều đó đã tiếp tục khẳng định sự chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết của cán bộ, nhân dân quận Thanh Xuân đang ngày đêm chung sức chung lòng xây dựng quận ngày càng phát triển. 20 cá nhân tiêu biểu đại diện cho 163 người tốt, việc tốt được quận Thanh Xuân biểu dương, khen thưởng. 9 tháng đầu năm 2017, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế trên địa bàn quận tiếp tục tăng trưởng, thu ngân sách ước đạt 3.470 tỷ đồng. Ngành giáo dục và đào tạo quận Thanh Xuân 3 năm liên tiếp đứng đầu thành phố. Quận Thanh Xuân là quận đầu tiên của thành phố mở cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát; đồng thời có nhiều mô hình hay trong cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội… Hội nghị lần này đã ghi nhận và biểu dương 163 gương người tốt, việc tốt. Tại Hội nghị, 5 cá nhân đã được UBND TP Hà Nội khen thưởng; 20 cá nhân tiêu biểu đại diện cho 163 người tốt, việc tốt được quận Thanh Xuân biểu dương, khen thưởng. Thục Anh

Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Tới dự, có: Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. MIC khởi nghiệp bắt đầu cách đây 10 năm với số vốn khiêm tốn là 300 tỷ đồng, doanh thu năm đầu tiên chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng. Sau 10 năm hoạt động, đến nay vốn điều lệ của MIC đạt gấp 2,7 lần (800 tỷ đồng), doanh thu gấp hơn 20 lần (đạt 2.150 tỷ đồng), tổng tài sản gấp 13 lần (đạt hơn 3.000 tỷ đồng), có hơn 160 sản phẩm bảo hiểm, cổ tức thường xuyên 7-10%/năm (nằm trong Top 5 doanh nghiệp chi trả cổ tức đều và ổn định). MIC có 62 công ty thành viên cùng mạng lưới kinh doanh rộng khắp, thu hút được nhiều chuyên gia nước ngoài và nhân tài các tập đoàn lớn về làm việc. Tính đến hết tháng 6/2017, tổng doanh thu của MIC đạt 1.017 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 47% kế hoạch năm. Thị phần của MIC đạt 5%, giữ vững vị trí Top 6 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, sáng 5/5/2017, MIC (mã chứng khoán MIG) đã có phiên giao dịch cổ phiếu đầu tiên tại sàn Upcom trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Số liệu tính đến 30/6/2017, tổng nguồn vốn và quỹ cho hoạt động đầu tư của MIC đạt gần 1.400 tỷ đồng. Thương hiệu MIC chính thức lọt vào Top 4 doanh nghiệp bảo hiểm uy tín năm 2017 (tăng 3 bậc so với năm 2016). MIC vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Đặc biệt, MIC đã thể hiện được bản lĩnh, ý chí, quyết tâm của mình bằng việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm khác biệt đảm bảo cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh trong thời kỳ hội nhập, bảo hiểm các công trình trọng điểm lớn của quốc gia và liên tục phát triển các sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng thuộc mọi thành phần kinh tế. MIC đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho Ngân sách nhà nước, chi hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Ghi nhận những kết quả trên, MIC đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, Bằng khen của Bộ Tài chính, Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội 4 năm liên tiếp; Giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2013 và 2015; Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm uy tín do người tiêu dùng bình chọn… và rất nhiều danh hiệu cao quý khác. Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, MIC đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Bằng khen của Bộ Tài chính cho các thành tích xuất sắc, Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của UBND TP Hà Nội. Phương Thanh

Biểu dương 442 cán bộ mặt trận cơ sở tiêu biểu giai đoạn 2014 - 2017

TĐKT - Chiều 4/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Họp báo thông tin về Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chủ trì buổi họp báo. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chủ trì Họp báo Hội nghị biểu dương Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014 - 2017 diễn ra từ ngày 12/10 - 13/10 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thiết thực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp để Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam tôn vinh, ghi nhận về những thành tích đóng góp nổi bật của Chủ tịch Uỷ ban MTTQ cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014 - 2017. Thông qua Hội nghị, các đại biểu trao đổi, giới thiệu những mô hình tốt, những cách làm hay, những điển hình tiên tiến trong việc tổ chức và triển khai các hoạt động của công tác Mặt trận tại cơ sở. Trong ngày 12/10 Đại biểu tham dự Hội nghị sẽ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài Bắc Sơn, thăm khu di tích Phủ Chủ tịch và thăm toà nhà Quốc hội. Ngày 13/10, Hội nghị chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 700 đại biểu. Chiều cùng ngày Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị sẽ tham quan khu di tích lịch sử Đền Hùng tỉnh Phú Thọ. Hội nghị  sẽ vinh danh, biểu dương 442 đại biểu ưu tú: 156 đại biểu là Chủ tịch Ủy  ban MTTQ cấp xã và 286 đại biểu là Trưởng ban công tác Mặt trận đại diện cho hơn 11.000 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cơ sở và hơn 100.000 Trưởng ban Công tác Mặt trận trong cả nước. Số đại biểu nữ là 88 người, chiếm 19,91%. Đại biểu các dân tộc thiểu số là 92 người, chiếm 20,81%. Đại biểu các tôn giáo là 7 người, chiếm 1,58%. Đại biểu từ 70 tuổi trở lên là 40 người, chiếm 9,05%. Đại biểu dưới 35 tuổi là 11 người, chiếm 2,49%. Đại biểu cao tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Huấn 78 tuổi, dân tộc Kinh, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố Giáp Tiêu, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang và ông Phùng Huy Đan 78 tuổi dân tộc Kinh, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 5, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đại biểu trẻ nhất là ông Hồ Văn Khu, 31 tuổi, dân tộc Giẻ Triêng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trần Minh Phượng  

Liên đoàn Vật lý Địa chất đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

TĐKT - Sáng 5/10, tại Hà Nội, Liên đoàn Vật lý Địa chất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì  và kỷ niệm 50 năm thành lập (1967 –2017). Tới dự, có: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương. Cục Vật lý Địa chất (tiền thân của Liên đoàn Vật lý Địa chất) được thành lập trên cơ sở sát nhập Phòng Địa vật lý - Vụ Kỹ thuật với Đoàn 55 thuộc Tổng cục Địa chất theo Quyết định 141/CP ngày 1/9/1967 của Hội đồng Chính phủ, là đơn vị vừa đảm nhận chức năng chỉ đạo kỹ thuật địa vật lý toàn ngành, vừa triển khai thực hiện một số nhiệm vụ điều tra địa chất, tìm kiếm khoáng sản bằng các phương pháp địa vật lý. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã vượt mọi khó khăn, đoàn kết nhất trí, không ngừng phấn đấu và phát triển trên các lĩnh vực công tác, đạt nhiều kết quả trong sản xuất, nghiên cứu, có những đóng góp xứng đáng vào công tác điều tra cơ bản địa chất và đánh giá khoáng sản ở nước ta. Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Liên đoàn Vật lý Địa chất Từ khi thành lập năm 1967 đến nay, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã được Nhà nước giao thực hiện hơn 300 đề án, báo cáo sản xuất và nghiên cứu khoa học với quy mô lãnh thổ, tỷ lệ khảo sát và tổ hợp công nghệ đo ghi khác nhau. Đây là nguồn tài liệu, thông tin vô giá không chỉ đã đóng góp, phục vụ cho sự nghiệp điều tra địa chất, tìm kiếm khoáng sản giai đoạn đã qua mà còn có ý nghĩa sử dụng lâu dài, tiếp tục được xử lý, phân tích nhằm khai thác phục vụ cho công tác nghiên cứu, điều tra đánh giá khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản sâu trong giai đoạn mới cũng như phục vụ cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân. Liên đoàn đã phát hiện, đánh giá tiềm năng của các mỏ đất hiếm, thân quặng, điển hình là một số mỏ như mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh, vùng mỏ phóng xạ - đất hiếm có trữ lượng lớn ở Nậm Xe, Phong Thổ, Lai Châu, urani trong vùng trũng Nông Sơn là vùng có triển vọng nhất về urani ở nước ta hiện nay. Cùng với công tác điều tra, đánh giá, thăm dò các mỏ, điểm khoáng sản bằng tổ hợp các phương pháp địa vật lý, địa chất, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã phối hợp với các đơn vị khác thực hiện trong những năm qua, có những đóng góp không nhỏ vào công tác tìm kiếm, phát hiện mới và nâng cao trữ lượng tài nguyên khoáng sản cho đất nước: pyrit (Giáp Lai); vàng (Bồng Miêu, Tiên Hà, Tiên Cẩm…); sắt (Cao Bằng); Cu-Ni (Tuyên Quang, Cao Bằng)… Bên cạnh đó, Liên đoàn còn hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác: lập các bộ bản đồ trường từ, trọng lực, phóng xạ có mạng lưới số liệu theo tỷ lệ 1:500.000; điều tra địa chất công trình, đánh giá hiện tượng tai biến địa chất và đề xuất giải pháp khắc phục với quy mô, đối tượng khác nhau. Do có những thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Liên đoàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể và cá nhân… Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, Liên đoàn được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Bình Nguyên

Họp báo công bố 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017

TĐKT - Ngày 5/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tổ chức Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” năm 2017 đã tổ chức họp báo công bố 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017, 24 gương mặt 30 năm Đổi mới và Chương trình truyền hình trực tiếp “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 5.  Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam chủ trì họp báo.  Cùng dự có nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Danviet, Phó trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” năm 2017. Tiếp nối thành công từ 4 lần tổ chức Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc các năm 2013, 2014, 2015, 2016, năm 2017 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã tiếp tục tổ chức bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm. Đồng thời, giao Báo Nông thôn ngày nay chủ trì, phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Cty IDCC tổ chức thực hiện Chương trình truyền hình trực tiếp “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 5. Ban tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí Về kết quả bình chọn, năm 2017, trên cơ sở 137 hồ sơ đề cử của 63 tỉnh, thành phố, Hội đồng bình chọn chung khảo của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” đã chọn ra được 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu nhất xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017”. Đây là những hội viên, nông dân có thành tích tiêu biểu nhất trong 3 phong trào thi đua lớn của Hội Nông dân Việt Nam: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” và “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017 được bình chọn, có 9 người là nữ giới, 54 người là nam giới; 10 người là người dân tộc thiểu số. Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017 lớn tuổi nhất là ông Võ Văn Ten, sinh năm 1942, hội viên Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh. Ít tuổi nhất là anh Nguyễn Văn Nữa, sinh năm 1988, hội viên Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp. Đối chiếu với 4 nhóm tiêu chí của Chương trình thì trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017 có: 54 người đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; 3 người có thành tích xuất sắc trong sáng chế, sáng tạo giải pháp kỹ thuật; 1 người có thành tích xây dựng nông thôn mới và 5 người có thành tích xuất sắc trong tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo Tổ quốc. Kỷ niệm 5 năm Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” (2013 - 2017) và 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (1986 - 2016), bên cạnh 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017, Ban Tổ chức Chương trình cũng đã tìm kiếm và bình chọn ra 24 gương mặt tiêu biểu cho thời kỳ đổi mới. Đây là những nông dân, doanh nhân xuất phát từ nông dân có những thành tích tiêu biểu nhất trong 30 năm đổi mới đất nước ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong số này có những nông dân từng là cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp thời kỳ “Đêm trước đổi mới” ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc dám chịu trách nhiệm trước Đảng, thực hiện ý nguyện của nhân dân trong việc tổ chức khoán sản phẩm (khoán chui) những năm trước khi Đảng ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý trong nông nghiệp (khoán 10) năm 1988. Bên cạnh đó còn có những Anh hùng Lao động, những vua phát minh sáng kiến, những con người bình dị nhưng đã tạo nên nhiều kỳ tích trong công cuộc Đổi mới.  Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 5, tuyên dương 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017 và 24 gương mặt tiêu biểu 30 năm Đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ được tổ chức vào tối ngày 14/10 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương (Hà Nội). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Mai Thảo

Vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2017

TĐKT - Ngày 10/10 tới, Thành ủy – Hội đồng nhân dân – UBND- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu và vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017. Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua “người tốt, việc tốt” và biểu dương các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu của TP Hà Nội năm 2017; phát động phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2018. Đây là hoạt động có ý nghĩa được tổ chức đúng vào dịp thành phố kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2017). Dịp này, TP Hà Nội sẽ biểu dương 790 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu; trong đó có 10 công dân Thủ đô ưu tú. Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú được thành phố Hà Nội tổ chức xét tặng từ năm 2010, đến hết năm 2016 đã có 70 cá nhân được  tặng danh hiệu này. Năm 2017 là năm thứ 8 Hà Nội tiếp tục xét tặng và tổ chức vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú. Đã có 27 cá nhân được các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã giới thiệu, đề nghị thành phố xét tặng. Đến ngày 3/10, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017 cho 10 cá nhân. Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội thông tin với báo chí về Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu và vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017 Theo ông Nguyễn Công Bằng, Phó Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội: Hội nghị năm nay có nhiều đổi mới so với các năm trước: thay đổi căn bản nội dung và kết cấu báo cáo tổng kết phong trào “người tốt, việc tốt”; đổi mới về kịch bản và nội dung của phóng sự; thay việc tham luận của các đại biểu bằng hình thức giao lưu với các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt… Đánh giá về hiệu quả tích cực của phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” trong cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội năm 2017, ông Nguyễn Công Bằng cho biết: phong trào đã góp phần nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, đổi mới thái độ, phong cách phục vụ, sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và tổ chức, công dân, làm việc tốt cho cộng đồng xã hội, qua đó giúp củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Phong trào “Người tốt, việc tốt” trong nông dân, công nhân được triển khai gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, kinh doanh… với những cách làm mới, sáng tạo, phong phú và đa dạng của nông dân, công nhân, đã góp phần phát triển kinh tế, cải thiện an sinh xã hội của địa phương. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hưởng ứng phong trào “Người tốt, việc tốt” bằng nhiều việc làm, hoạt động vì cộng đồng, vì sự bình yên của Thủ đô. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động và các hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội, phong trào “người tốt, việc tốt” được lan tỏa trong cả cộng đồng, lôi cuốn được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi, từ người cao tuổi đến các cháu thiếu niên, nhi đồng; từ cán bộ, công chức các cơ quan Trung ương đến người nước ngoài học tập, công tác trên địa bàn. Thông qua phong trào, nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được phát hiện, biểu dương và nhân rộng. Đó là những tấm gương lao động sáng tạo, đề xuất nhiều mô hình, giải pháp trong mọi lĩnh vực khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh, cải cách hành chính… đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi ích xa hội to lớn; gương dũng cảm quên mình vì việc nghĩa, những hành động, nghĩa cử cao đẹp vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 11.250 điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được khen thưởng, biểu dương 970 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt.   Danh sách 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017 Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng (sinh năm 1918), thuộc Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Hà Nội. Vận động viên Dương Thuý Vi, Đội tuyển Wushu Hà Nội, Quốc gia, sinh năm 1993, tại Hà Nội. PGS.TS Trần Xuân Bách (sinh năm 1984), Giảng viên Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy (sinh năm 1958), nghiên cứu viên cao cấp; giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm (sinh năm 1956), Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Hữu Lộc (sinh năm 1960), Trưởng phòng Thanh tra 6, Thanh tra thành phố Hà Nội. Ông Đặng Cát (sinh năm 1938), phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Nghệ nhân Lê Bá Chung (sinh năm 1960), xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Anh Tạ Đình Huy (sinh năm 1983), thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Thượng tá Đào Anh Tuấn (sinh năm 1967), Phó Trưởng phòng PC52, Công an thành phố Hà Nội. Hưng Vũ

Trang