Xây dựng nông thôn mới

Xã Thượng Đình phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao

BTĐKT- Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2017, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nâng cao các tiêu chí làm bước đệm để thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Với sự quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, xã Thượng Đình đã khoác lên mình diện mạo mới, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên. Ông Dương Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Thượng Đình cho biết: Năm 2023, Thượng Đình là một trong ba xã nằm trong kế hoạch xây dựng NTM nâng cao của huyện Phú Bình. Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Đảng bộ, chính quyền xã Thượng Đình đã đề ra phương châm dựa vào nội lực là chính, đồng thời tranh thủ các nguồn lực xã hội, khơi dậy và phát huy tính tích cực, tự chủ của nhân dân nhằm nâng chất lượng cuộc sống, mức thụ hưởng về đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao cho người dân. Cũng theo ông Tám, căn cứ vào kết quả xây dựng NTM trong năm 2022, hiện nay địa phương đang tiến hành rà soát các tiêu chí. Trên cơ sở rà soát sơ bộ, đến thời điểm này về cơ bản xã đã đạt khoảng 15 - 16 tiêu chí NTM nâng cao. Còn một vài tiêu chí xã đang tập trung củng cố và hoàn thiện, phấn đấu đến cuối năm 2023 xã sẽ về đích NTM nâng cao. Một góc của trung tâm xã Thượng Đình nhìn từ trên cao xuống có tuyến đường Quốc lộ 37 chạy qua, tạo thuận lợi cho việc giao thương phát triển Trong số những tiêu chí chưa đạt, hiện nay xã Thượng Đình đang gặp khó khăn ở 3 tiêu chí môi trường, giao thông và liên kết chuỗi sản phẩm. Trong đó, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí mà nhiều địa phương đang vướng mắc. Đối với tiêu chí giao thông, hiện Thượng Đình có trên 11 km đường trục chính thì 100% tuyến đều đã được cứng hóa; gần 97% đường trục xóm, liên xóm và trên 71% đường ngõ xóm được bê tông hóa. Cuối năm 2022 đến nay, xã đã nâng cấp, mở rộng 4,5 km đường, với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng, trong đó người dân ở các xóm đã hiến trên 2.500 m2 đất để mở rộng các tuyến đường; 4 km đường đã được trồng cây xanh, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Tiêu biểu trong về phong trào xây dựng giao thông nông thôn có là xóm Trại Mới. Nhiều hộ gia đình nơi đây đã tự nguyện hiến đất mở đường giao thông; nhiều gia đình xây dựng, chỉnh trang khuôn viên sân vườn, tường rào, đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp... Ông Dương Đình Hoan, Trưởng xóm Trại Mới cho biết: Trước đây, tuyến đường này chỉ rộng 3,5 m, mặt đường xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ngay khi nhận được hỗ trợ gần 500 tấn xi măng của Nhà nước, tháng 2 vừa qua, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con hiến 500 m2 đất để mở rộng mặt đường từ 3,5 m lên 5,5 m, lề đường mỗi bên 1 m. Đến nay, tuyến đường có chiều dài 1,5 km, trị giá trên 2,8 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Con đường bê tông đi từ xóm Đông Yên đến hết xóm Hòa Bình có chiều dài 1 km cũng mới được hoàn thành. Trước đây, đường cũ chỉ dài 3 m, hiện tại được nâng cấp từ thành con đường mới có chiều rộng 8 m, chiều dày bê tông 30 cm, đảm bảo thuận lợi cho giao thông, vận chuyển hàng hóa với trọng tải lớn. “Khi mở rộng đường đã ảnh hưởng đến trên 30 hộ dân trong 2 xóm. Tuy nhiên, do địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân địa phương đã hiến trên 2000 m2 đất mở rộng đường. Không chỉ có được sự đồng thuận của người dân, việc mở đường cũng nhận được sự chung tay của doanh nghiệp đang đầu tư vào địa phương”, ông Dương Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Thượng Đình chia sẻ. Bên cạnh giao thông, môi trường là tiêu chí khó mà xã Thượng Đình ưu tiên thực hiện trong thời gian qua. Xã đang triển khai rất quyết liệt bằng việc tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn trước khi mang đi xử lý. Xã có một điểm trung chuyển rác thải để tập kết rác thải tại đây, sau đó mới vận chuyển về bãi rác thải của huyện để xử lý. Đây là giải pháp thực hiện được đa số người dân ủng hộ và hưởng ứng tích cực. Đồng thời, xã cũng chỉ đạo các ngành từ xã đến xóm ra quân thu gom rác thải để làm sạch môi trường. Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã chia sẻ: Phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện tiêu chí môi trường, chúng tôi đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân và hội viên hàng tuần vệ sinh đường làng, ngõ xóm; vận động 100% hội viên tham gia phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “3 có”. Nhờ đó, đến nay tình trạng vứt rác thải bừa bãi ra nơi công cộng gần như không còn; lượng rác thải phát sinh ra môi trường cũng được hạn chế hơn rất nhiều; ý thức của người dân trong việc thu gom rác thải được nâng cao… Đối với tiêu chí liên kết chuỗi sản phẩm OCOP, sản phẩm VietGAP, hiện địa phương đã có sản phẩm nem bùi Hải Tuyết được chứng nhận sản phẩm OCOP. Ngoài ra, xã cũng đang có kế hoạch phát triển thêm một số sản phẩm khác. Cụ thể, xã đang quy hoạch và xây dựng cánh đồng mẫu để đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất hướng tới các sản phẩm mang tính chất tiêu dùng mở rộng. Theo ông Dương Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Thượng Đình cho biết, hơn 10 năm qua xã đã huy động được trên 219 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 75 tỷ đồng. Các mô hình sản xuất đã tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững; thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm (tăng 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2018). Tin rằng, với sự đồng thuận, chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thượng Đình sẽ về đích xã NTM nâng cao đúng theo lộ trình đề ra. Tùng Chi  

Xã Yên Lộc: Chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới nâng cao

BTĐKT - Yên Lộc được biết đến là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Bước vào công cuộc đổi mới, phát triển, Yên Lộc lại tiếp tục nổi bật lên là địa phương đi tiên phong trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Ra sức thi đua xây dựng NTM rồi NTM nâng cao đã mang đến những trái ngọt cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.   Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã (6/1/1948 - 6/1/2023), Yên Lộc đã vinh dự đón Bằng công nhận Xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao Với quan niệm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015, Đảng bộ, chính quyền xã Yên Lộc tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2022. Theo đó, Đảng ủy xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM và Ban Phát triển tại các xóm; chỉ đạo UBND xã xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đảng ủy, chính quyền xã đã thực hiện việc phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy viên, cán bộ, công chức, đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phải thực sự tâm huyết, gương mẫu, trách nhiệm để tuyên truyền đến nhân dân, tạo thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Trong quá trình thực hiện, Yên Lộc tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung về xây dựng NTM nâng cao đến mọi đối tượng, các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú nhằm cung cấp đầy đủ thông tin để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình. Đảng ủy, UBND xã tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư, cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, đồng thời, mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Dưới sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, công cuộc xây dựng NTM nâng cao của Yên Lộc đã đạt được những giá trị to lớn. Yên Lộc đã trở thành một vùng quê đổi mới toàn diện, với cơ sở hạ tầng khang trang, cuộc sống người dân ngày càng văn minh, tiến bộ. Từ năm 2015 đến năm 2022, tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới nâng cao là trên 220 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 107 tỷ đồng, chiếm 47,8%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: Điện, đường, trường, trạm được quy hoạch, nâng cấp, xây mới tương đối đồng bộ. Diện mạo nông thôn mới ở Yên Lộc được thay đổi rõ rệt, nhận thức của người dân được nâng lên; công tác giảm nghèo ngày càng đi vào thực chất, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,83%. Thu nhập bình quân đạt trên 64 triệu đồng/người/năm. Xã đã có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng. Hành trình xây dựng xã NTM nâng cao của Yên Lộc cán đích cuối năm 2022 càng góp phần củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tố Quyên

Phú Bình – huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn Huyện nông thôn mới

BTĐKT - Sau 12 năm, từ một huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Phú Bình đã trở thành điểm sáng của tỉnh Thái Nguyên trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trung tâm huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) 12 năm qua, huyện Phú Bình đã huy động được gần 5.400 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Từ nguồn lực này, huyện đã đầu tư nâng cấp gần 900km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, cải tạo trên 210 công trình thủy lợi; lắp đặt, nâng cấp hơn 50 trạm biến áp và 500km đường dây điện; xây dựng gần 1.000 phòng học; hệ thống nhà văn hóa xã, xóm cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân. Về phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt cao nhất từ trước tới nay, với trên 715 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với năm 2021. Toàn huyện có 3 sản phẩm được công nhận “Nhãn hiệu tập thể” (gồm gà đồi Phú Bình, tương Úc Kỳ và gạo nếp Thầu Dầu); 15 sản phẩm được công nhận OCOP. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm 1,1%/năm (đạt 162% kế hoạch tỉnh giao); thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm… Kết thúc năm 2022, huyện Phú Bình có 5 đơn vị đạt xã NTM nâng cao là Tân Đức, Dương Thành, Xuân Phương, Úc Kỳ và Tân Khánh (vượt 3 xã so với kế hoạch); thị trấn Hương Sơn đạt đô thị văn minh; 14 xã còn lại đạt tiêu chuẩn xã NTM giai đoạn 2021 - 2025… Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Phú Bình đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2022. Như vậy, Phú Bình là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận đạt chuẩn NTM. Thành quả này đã minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc trách nhiệm, nhiệt tình của đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân trong huyện. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Bình đề ra: Xây dựng Phú Bình cơ bản hoàn thành các tiêu chí của thị xã vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030. Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, huyện Phú Bình quyết tâm tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí; trong đó tập trung vào những tiêu chí “động” (môi trường, an ninh trật tự); tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân… Trang Lê    

Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình: Xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững

BTĐKT - Là huyện ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình, đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn lực, sự thay đổi về cơ chế, chính sách nhưng với tinh thần quyết tâm, đến nay huyện Kim Sơn đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM). Trong quá trình xây dựng NTM, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được huyện Kim Sơn triển khai sâu sát, quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, rộng rãi, làm thay đổi cơ bản về nhận thức, hành động của cán bộ và người dân trong xây dựng NTM. Huyện đã chỉ đạo các địa phương trên cơ sở đa dạng nguồn vốn huy động, đầu tư xây dựng các công trình theo thứ tự ưu tiên và hiện không còn nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nhờ đẩy mạnh xây dựng NTM, diện mạo huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã đổi thay toàn diện Đến nay, Kim Sơn có 23/23 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 33 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, 2/2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia. Tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới, đạt 99,53%; tỷ lệ người dân hài lòng ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng NTM đạt 90%. Hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn đã được hoàn thiện. Đến nay, 100% số xã đã có đường tới trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định; thôn, xóm có đường bằng bê tông, nhựa; các xã đã lắp đặt biển báo, chỉ dẫn giao thông, xây dựng rãnh thoát nước, vỉa hè, lắp đặt đường điện chiếu sáng, trồng đường hoa, cây xanh ven các trục đường và ở các khu dân cư. Riêng năm 2022, huyện đã cấp 3.650 triệu đồng cho 22 xã mua xi măng làm đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, huyện Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài huyện... để nâng cao thu nhập nhân dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân năm 2022 là 57,2 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,43%. Công tác giáo dục được quan tâm, huyện đã chỉ đạo đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của các cấp học. Theo đó, chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT của huyện Kim Sơn luôn xếp ở thứ hạng cao trong tỉnh Ninh Bình… Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tích cực, hiệu quả. Nhận thức của cán bộ và người dân về xây dựng NTM đã chuyển biến rõ rệt, người dân ngày càng tích cực, chủ động tham gia xây dựng NTM bằng nhiều cách làm sáng tạo. Tổng huy động nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Kim Sơn đạt trên 485.869 triệu đồng, vốn trung ương 29.767 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương 57.780 triệu đồng; vốn huy động nguồn lực trong nhân dân và cộng đồng 156.100 triệu đồng. Theo đồng chí Trần Anh Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, nhờ sự sâu sát của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tinh thần đoàn kết, đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân địa phương nên mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM luôn được tháo gỡ kịp thời... Thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, huyện sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng NTM ở tầm cao hơn, biến mỗi kết quả thiết thực đạt được ngày hôm nay là nền tảng vững chắc để Kim Sơn tiếp tục vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Minh Phương

Thái Nguyên: “Đánh thức” tiềm năng du lịch nông thôn gắn với phát triển nông thôn mới

BTĐKT –Bên cạnh loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, về nguồn, sinh thái nghỉ dưỡng, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp gắn với sản phẩm và văn hóa trà. Đây là hướng đi mới của tỉnh Thái Nguyên, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững. Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2023 Thái Nguyên là vùng đất trù phú có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái… Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ mà còn bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc với nhiều danh thắng nổi tiếng như hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, điểm du lịch sinh thái Dũng Tân, điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà... Sườn Đông dãy Tam Đảo trùng điệp thuộc tỉnh Thái Nguyên có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nhiều dòng suối, thác nước, bãi đá được thiên nhiên kiến tạo làm nên nét độc đáo, riêng có nơi đây. Vùng đất “Đệ nhất danh trà” còn nổi tiếng với những đồi chè xanh ngút ngàn trên những vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài... Đó chính là nguồn lực quan trọng để Thái Nguyên phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là khai thác, phát triển du lịch nông thôn. Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; một trong số đó là hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn bền vững gắn với sản phẩm OCOP; xây dựng các tour, tuyến, trục du lịch trải nghiệm kết nối giữa các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, các xóm, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Với những hướng đi đúng đắn, cách làm sáng tạo, những năm gần đây, sản phẩm du lịch của Thái Nguyên đã dần khẳng định được thương hiệu và hình ảnh, trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng, phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Đặc biệt, Thái Nguyên đang tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn theo Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Đến những nơi này, du khách không chỉ được trải nghiệm không gian xanh mát của những đồi chè, mà còn trực tiếp trải nghiệm lao động sản xuất cùng người dân, thưởng thức đặc sản do tự tay mình sản xuất, chế biến; đồng thời nghỉ ngơi, thư giãn giữa khung cảnh đồng quê. Được biết, một số cơ sở hiện nay có thể phục vụ đồng thời từ 300 - 500 khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất và thưởng trà. Các đoàn khách có thể kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, họp lớp gắn với hoạt động tham quan, dã ngoại tại các vùng chè. Hiện nay, bên cạnh các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa trà, tại Thái Nguyên còn xuất hiện nhiều mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp khác như: Mô hình trải nghiệm vườn cây ăn trái (vườn nho, dâu tây tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ), mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công), vườn hoa ATK (xã Phú Đình, huyện Định Hóa) ... Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, năm 2022 số lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của Thái Nguyên đạt 2.160.200 lượt, doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Tính riêng quý I năm 2023 số lượt khách du lịch đạt trên 1 triệu lượt khách. Có thể nói, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Thái Nguyên là hướng đi mới, mang tính bền vững, cần được phát huy, góp phần tạo việc làm cho người lao động, hình thành các điểm du lịch mới thu hút khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phương Thanh  

Thái Nguyên phân bổ trên 46 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

BTĐKT - Năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên phân bổ trên 46 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, nguồn vốn thực hiện ở cấp tỉnh là trên 23,3 tỷ đồng, còn gần 22,7 tỷ đồng thực hiện ở cấp huyện, xã. Cùng với nguồn vốn trên, tỉnh sẽ tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương; đồng thời lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và huy động sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp để tạo nguồn lực xây dựng NTM. Mô hình sản xuất chè an toàn tại xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) (ảnh: Lương Hạnh) Thời gian qua, với những cách làm chủ động, sáng tạo và linh hoạt, tỉnh Thái Nguyên là một trong 2 địa phương có kết quả xây dựng NTM cao nhất khu vực miền núi phía Bắc và cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 119 xã (bao gồm 9 xã đã lên phường của thành phố Phổ Yên), đạt 86,9%. Theo chuẩn mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,14% xuống còn 4,35% (giảm 1,79% so với năm 2021). Về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, toàn tỉnh Thái Nguyên có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm NTM kiểu mẫu. Năm nay, tỉnh phấn đấu có 11 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt NTM nâng cao, 5 xã đạt NTM kiểu mẫu; huyện Định Hóa đăng ký đạt chuẩn NTM, huyện Đại Từ phấn đấu đạt chuẩn NTM. Cùng với việc tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, toàn tỉnh phấn đấu có 20 xóm trở lên đạt xóm NTM kiểu mẫu và 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên... Nguyệt Hà    

Tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

BTĐKT - Phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) nói chung và của xã Pú Xi nói riêng luôn được Đảng, chính quyền quan tâm phát triển và đầu tư. Tuy nhiên, quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng còn hạn chế; xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động nhân dân tình nguyện hiến đất và tích cực đóng góp vốn đầu tư, ngày công lao động. Ngoài ra, xã Pú Xi là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo, bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Thế nhưng, đã có không ít hộ dân tình nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa bản Hát Khoang, xây dựng trạm giao thông đường thủy Nậm Mức và chính họ đã xây dựng thành công nông thôn mới. Một trong những tấm gương điển hình đó là gia đình ông Lò Văn Châm, bản Hát Khoang, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Ông Lò Văn Châm bên ngôi nhà của gia đình Vợ chồng ông Lò Văn Châm đều là nông dân, gia đình có 3 nhân khẩu, thu nhập chính chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng gia đình ông đã nhận thức rõ được trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng quê hương phát triển. Trong những năm qua, gia đình ông luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; luôn phấn đấu rèn luyện theo tấm gương của Bác Hồ, nói và làm theo Nghị quyết của  Đảng. Từ năm 2018 đến nay, gia đình ông Châm luôn đạt gia đình văn hóa tiêu biểu, được Ủy ban nhân dân xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên công nhận. Với tinh thần tích cực, nhiệt tình, không ngại khó khăn, luôn là đảng viên gương mẫu tham gia các phong trào ở địa phương, sau khi được các cấp, các ngành của xã vận động gia đình hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, gia đình ông Lò Văn Châm đã nhất trí hiến mảnh đất 200 m2  để làm đường nông thôn mới tại bản để bà con nhân dân đi lại thuận lợi; hiến 2803 m2 đất để xây dựng trạm giao thông đường thủy Nậm Mức và 110 m2 đất để làm nhà văn hóa bản Hát Khoang cho bà con trong bản có nơi sinh hoạt với tổng diện tích là 3.113 m2 đất, trị giá khoảng 400 triệu đồng. Trạm Giao thông đường thủy Nậm Mức (hoàn thành năm 2017) Hơn nữa, gia đình ông Lò Văn Châm còn là hộ gia đình làm kinh tế giỏi, trong những năm qua, tận dụng nguồn nước từ các khe suối, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi thủy sản, bản thân đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm và đầu tư nuôi cá tổng hợp. Hiện tại, gia đình có 2 lồng bè nuôi cá trắm và cá lăng, 4 con trâu, 8 con bò, 12 con lợn, có máy xay xát thóc để phục vụ gia đình và người dân trong bản cùng với buôn bán nhỏ lẻ nên kinh tế của gia đình ngày một khá hơn. Gia đình cũng động viên, tạo điều kiện cho các con được học hành hết các cấp học, hiện tại gia đình ông Châm đang có con phục vụ trong ngành Công an nhân dân. Từ những đóng góp to lớn, mang ý nghĩa tích cực kể trên, năm 2017 gia đình ông Lò Văn Châm đã được Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo tặng Giấy khen; được tặng Giấy khen của Đảng ủy xã Pú Xi lần lượt các năm 2019, 2021 vì đã có thành tích trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Số tiền đóng góp trên không phải là nhỏ đối với người dân vùng đặc biệt khó khăn, nhưng vì ý nghĩa lớn lao của nông thôn mới, gia đình ông Châm cũng như các hộ gia đình trong xã đã chấp nhận hi sinh một phần lợi ích riêng của bản thân, gia đình. Việc hiến đất của một gia đình nông dân mang ý nghĩa nhân văn cao cả trong xã hội cần được nhân rộng, phát huy, nêu gương cho nhân dân học tập, cần hi sinh lợi ích cá nhân để cống hiến công lao, tài sản của gia đình cho xã hội… vì những công trình phúc lợi tiện ích phục vụ cho nhân dân. PV

Nâng cao năng suất nông nghiệp từ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo

BTĐKT - Ngày 23/3, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức "Hội thảo ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp". Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khai mạc hội thảo Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút sự quan tâm của Chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống. Từ lâu, Đảng và Chính phủ đã có những quyết sách nhằm phát triển nền nông nghiệp nước nhà, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Ngày nay, những loại thiết bị, máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển. Trong sản xuất nông nghiệp, máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp năng suất cây trồng được tăng lên, cây trồng khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; tổ chức dữ liệu cho nông dân, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm. Những tiến bộ trong chế tạo rô bốt điều khiển bằng AI đang giúp nhà nông trong việc tăng gia sản xuất, sử dụng ít đất và ít nhân công hơn. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu cung cấp các phân tích, đánh giá thực tiễn về điều kiện và hiện trạng của nền nông nghiệp; tham mưu cho cơ quan quản lý có thẩm quyền xây dựng các chính sách phù hợp; kết nối và thu hút các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Phương Thanh

Khảo sát mô hình trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh

BTĐKT – Ngày 24/2, đoàn công tác của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã đi khảo sát mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo, chuyên viên Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Đoàn công tác tham quan mô hình sản xuất cây mai cảnh của gia đình ông Nguyễn Tấn Phong, xã Bình Lợi Trao đổi với đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh cho biết: Với nhận thức, xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, là cơ hội để phát triển toàn diện hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và tinh thần của người dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Chánh đã tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch triển khai, thực hiện và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện. Các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm triển khai, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều nội dung phong phú, sáng tạo. Tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được đưa vào nội dung các cuộc họp giao ban tháng, quý, hội nghị sơ kết, tổng kết, giai đoạn để đánh giá kết quả thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 14/14 xã (100%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2010 đến nay, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt 12.595,323 tỷ đồng và không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Nhìn lại chặng đường sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, diện mạo của huyện đã đổi mới mạnh mẽ theo hướng hiện đại; hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đảm bảo được giữ vững ổn định. Đoàn công tác khảo sát mô hình nuôi cá cảnh của gia đình ông Nguyễn Tấn Phong, xã Bình Lợi Đoàn công tác đã khảo sát mô hình nuôi cá cảnh của ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Cá cảnh Bình Lợi. Ông đã gắn bó với nghề nuôi cá cảnh hơn 16 năm. Hiện tại, với 12 ao nuôi cá cảnh (có nhiều loại nổi tiếng như cá cảnh Nhật, cá koi, cá Nam Dương) trên diện tích khoảng 5ha, mỗi tháng gia đình ông bán ra khoảng 300 kg cá, với giá trung bình 250.000 đồng/kg, cho doanh thu gần 100 triệu đồng/tháng. Ông Phong cho biết, thời gian tới sẽ đưa cá cảnh giới thiệu tại các hội chợ triển lãm, siêu thị. Cùng với các hộ thành viên khác, ông Nguyễn Tấn Phong đã gây dựng Hợp tác xã Cá cảnh Bình Lợi thành một trong những mô hình tiêu biểu trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại địa phương. Hợp tác xã ra đời đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, lúc vào vụ có thể tăng lên hơn 100 người. Mối liên kết giữa các hộ thành viên chặt chẽ, hiệu quả, thu nhập tăng lên rõ rệt, gấp 5-7 lần so với trước đây, đồng thời giải quyết đầu ra ổn định, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã. Phương Thanh

Đắk Lắk: Cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Ngày 22/11, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ III làm Trưởng đoàn đã giám sát việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Đắk Lắk. Đoàn Giám sát đã làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk và khảo sát mô hình HTX nông nghiệp và dịch vụ Tân Phát. Đoàn Giám sát làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 14 xã đạt 17 - 18 tiêu chí; 11 xã đạt 15 - 16 tiêu chí; 20 xã đạt 13 - 14 tiêu chí; 33 xã đạt 10 - 12 tiêu chí, 3 xã đạt 8 - 9 tiêu chí. Tỉnh có TP Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, thu hút người dân hăng say, nhiệt huyết tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, đã chuyển sang chủ động, xác định rõ lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng, xác định được vai trò chủ thể của cộng đồng tự lựa chọn công trình, phần việc thiết thực, phù hợp để xây dựng nông thôn mới tại địa phương, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ. Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến từ phong trào thi đua yêu nước được quan tâm thực hiện và có nhiều đổi mới, nhiều gương điển hình thật sự tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh đã được ban hành kịp thời; hệ thống cơ chế, chính sách để vận hành Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được xây dựng cơ bản. Tỉnh đã chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng (thôn, xã) đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các địa phương, sự tham gia của người dân, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn xã hội thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Khảo sát mô hình HTX nông nghiệp và dịch vụ Tân Phát Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến; việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã được nhiều địa phương chỉ đạo thực hiện; mô hình hợp tác xã kiểu mới đã hình thành ở hầu khắp các xã, trong đó, nhiều hợp tác xã đã tham gia vào chuỗi liên kết phát triển sản xuất, góp phần tích cực nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn. Vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất. Ở những nơi xây dựng nông thôn mới thành công, niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước được nâng cao; nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư ngày càng gắn bó, sâu sắc hơn. Đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, kế hoạch, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án, thực hành dân chủ ở nông thôn. Có cơ chế chính sách để tổ chức thực hiện và động viên khen thưởng kịp thời, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của tỉnh. Nguyệt Hà

Trang