TĐKT - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
* Theo đó, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu khi:
Đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của: Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 (đối với xã NTM); Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (đối với xã NTM nâng cao); Quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 (đối với xã NTM kiểu mẫu).
Không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.
Có tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của xã đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Xã không phức tạp về an ninh, trật tự theo quy định của Bộ Công an.
* Huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt chuẩn NTM nâng cao, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM khi:
Đáp ứng đầy đủ các điều kiện và mức đạt chuẩn theo yêu cầu của: Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025 (đối với huyện NTM); Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (đối với huyện NTM nâng cao); quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 (đối với thị xã, thành phố).
Không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn.
Có tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM của cấp huyện đáp ứng yêu cầu theo quy định.
* Cấp tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM khi:
Đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của Quy định cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn.
Có tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM của cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu theo quy định.
* Xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu bị thu hồi quyết định công nhận khi có từ 30% đến dưới 50% số tiêu chí xã (trong đó có một trong các tiêu chí: Thu nhập; Môi trường và an toàn thực phẩm; Môi trường; Chất lượng môi trường sống; Quốc phòng và An ninh) hoặc có từ 50% số tiêu chí xã trở lên không đáp ứng mức đạt chuẩn theo yêu cầu của: Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 (đối với xã NTM); Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (đối với xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu).
Huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt chuẩn NTM nâng cao bị thu hồi quyết định công nhận khi:
Có từ 30% số xã trở lên bị thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn NTM.
Có từ 30% đến dưới 50% số tiêu chí huyện (trong đó có một trong các tiêu chí: Kinh tế; Môi trường; Chất lượng môi trường sống; Hệ thống chính trị - An ninh, trật tự - Hành chính công; An ninh, trật tự - Hành chính công) hoặc có từ 50% số tiêu chí huyện trở lên không đáp ứng mức đạt chuẩn theo yêu cầu của: Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025 (đối với huyện NTM); Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (đối với huyện NTM nâng cao).
Nguyệt Hà
Xây dựng nông thôn mới
TĐKT - Được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên đất đai và thổ nhưỡng, với 12 dân tộc mang bản sắc khác nhau, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh phát triển du lịch. Du lịch trải nghiệm cộng đồng tại các bản đang là những thế mạnh của huyện gắn với việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của du khách và góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho các đồng bào dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu trả lời phỏng vấn về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong huyện.
Phóng viên: Xin bà cho biết vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Mộc Châu?
Bà Nguyễn Thị Hoa: Mộc Châu từ lâu đã xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ huyện đã chỉ đạo xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2025 – 2030. Mặt khác, trong những năm chưa xảy ra dịch bệnh Covid – 19, Mộc Châu đón hơn 1 triệu lượt khách/năm, tổng doanh thu để đóng góp vào KTXH là rất lớn. Từ câu chuyện phát triển du lịch, cuộc sống của người dân thay đổi rõ rệt. Các bản làng, đến những khu vực trung tâm trong huyện đã phát huy được những lợi thế của mình về tài nguyên, thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai… Người dân biết được sự tương hỗ của nông nghiệp và du lịch và sản phẩm của du lịch chính là sản phẩm nông nghiệp. Nói đến Mộc Châu thì sẽ thấy sản phẩm, hoa đẹp và quả rất ngon, chất lượng cao nên chúng tôi đã tổ chức các lễ hội để tôn vinh nông dân và các sản phẩm của Mộc Châu. Ví dụ như: Hội Trà - Cao nguyên; Lễ hội Hái quả; Cuộc thi Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu… Thăm các mô hình trải nghiệm như: Nông trại dâu tây Chimifarm; Khu du lịch sinh thái Hồng Công; điểm du lịch Mộc Sương; trang trại du lịch bò sữa Dairy Farm, làng chè Mộc Châu, vườn hoa nhiệt đới... Thông qua các hoạt động du lịch, giá trị sản phẩm được quảng bá rất nhiều, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,8%, đây chính là thước đo quan trọng để đánh giá du lịch đóng góp rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Phóng viên: Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid đã được kiểm soát, khống chế, cuộc sống trở lại bình thường, nền kinh tế du lịch xanh trên địa bàn được thực hiện ra sao thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hoa: Khi dịch bệnh xảy ra, tất cả các mặt của đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành du lịch. Chúng tôi luôn động viên các doanh nghiệp củng cố cơ sở vật chất và sẵn sàng cho việc đón khách trở lại. Khi dịch bệnh Covid được khống chế thì cầu kính Bạch Long được khai trương đó là những sản phẩm mà chúng tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Ngoài ra, trong 2 năm qua, chúng tôi tập trung nâng cao nguồn nhân lực và đào tạo nâng cao nhận thức cho người dân trực tiếp làm du lịch. Mộc Châu có lợi thế với 12 dân tộc anh em sinh sống, bản sắc văn hóa tương hỗ cho phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi khai thác bản người Mông và người Thái đào tạo xóa tái mù chữ và bắt tay chỉ việc. Thậm chí, ban thường vụ huyện ủy còn phải lên tận bản, ăn ngủ tại bản để hướng dẫn và góp ý cho người dân về cách phục vụ cho khách du lịch. Chính vì vậy, sau dịch bệnh chúng tôi đã sẵn sàng đón lượng khách lớn du lịch và thực tế có những thời điểm Mộc Châu đón hàng chục nghìn lượt khách 1 ngày, nhất là những dịp lễ, Tết… Chúng tôi luôn nhắc nhở các doanh nghiệp làm du lịch, tuy dịch đã được kiểm soát nhưng không được chủ quan, khi tiêm phòng, chúng tôi cũng ưu tiên cho những tuyến đầu như phục vụ du lịch, ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ để đảm bảo yêu cầu đón khách an toàn. Vì vậy, khách đến Mộc Châu sẽ yên tâm về an ninh trật tự và y tế, môi trường, từng bước người dân có nhận thức tốt hơn trong việc làm du lịch.
Phóng viên: Xin bà cho biết định hướng phát triển du lịch hết hợp xây dựng nông thôn mới của huyện?
Bà Nguyễn Thị Hoa: Trong những năm vừa qua, chúng tôi xác định du lịch là mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Mỗi dân tộc trên địa bàn đều có bản sắc riêng. Trên cơ sở Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thấy kết hợp xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng có hiệu quả rất cao. Bản thân các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt được đáp ứng yêu cầu xây dựng bản làng cộng đồng. Như vậy, chúng ta có thể đạt được hai mục đích hoàn thành mục tiêu nông thôn mới và thu hút khách du lịch để nâng cao đời sống người dân.
Hiện nay, chúng tôi khuyến khích 2 bản là bản Vặt và bản Tà Số là đại diện của đồng bào dân tộc Thái và Mông. Nó là sự kết hợp hài hòa và nằm trong bản nông thôn mới, đây là sự tương đồng và hỗ trợ nhau giữa du lịch và nông thôn mới.
Để phát triển giữa du lịch và nông thôn mới cần phải nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân. Bản thân người dân cũng thấy đây là mô hình rất thiết thực khi mà bản làng đạt tiêu chí nông thôn mới theo quy định thì chính bản làng đó sẽ sạch đẹp hơn, gọn gàng hơn, văn minh hơn. Từ đó, sẽ kết hợp với việc đưa khách du lịch đến, người dân sẽ có thêm thu nhập thông qua các sản phẩm dịch vụ.
Phóng viên: Thưa bà, khó khăn nào trong phát triển du lịch cộng đồng mà huyện đã khắc phục và vượt qua?
Bà Nguyễn Thị Hoa: Khó khăn lớn nhất đó là nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân. Chúng ta phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, phải bắt tay chỉ việc và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ xã, bản. Lựa chọn hộ tiêu biểu tham gia làm đầu tàu, tập trung làm trước, khi có hiệu quả các hộ gia đình khác sẽ làm theo. Mặt khác, làm sao để họ có kỹ năng và nâng cao vệ sinh môi trường tại bản đảm bảo tiêu chí xanh, sạch, đẹp. Trên cơ sở nền tảng văn hóa ẩm thực của bà con sẵn có, chúng tôi đã đào tạo thêm nấu những món ăn hiện đại đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách. Cùng với đó là đào tạo ngoại ngữ giao tiếp cơ bản. Cho đến bây giờ, các bản đã cơ bản giao tiếp với người nước ngoài. Từ những khó khăn bước đầu, đến nay lợi ích chung của bản đã có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân và họ hăng say phát triển du lịch cộng đồng. Các hộ gia đình phối hợp với nhau, thành lập ban quản lý rác thải, mô hình mỗi hộ gia đình đều khác nhau để có thể đón đa dạng khách du lịch.
Trong phát triển du lịch cộng đồng, nếu có doanh nghiệp thực sự tâm huyết muốn đầu tư vào bản du lịch cộng đồng thì chúng tôi xác định họ phải thực hiện giữ gìn bản sắc dân tộc của người bản địa. Chính họ là những “bà đỡ” tương hỗ cho người nông dân phát triển du lịch cộng đồng.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
Nhóm PV (thực hiện)
Xã Chư Pơng (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai): Diện mạo phát triển tươi sáng trên quê hương nông thôn mới
TĐKT - Xã Chư Pơng được thành lập từ năm 2005 trên cơ sở tách ra từ xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Sau 17 năm thành lập, xã đã có bước phát triển vượt bậc, chuyển mình từ một xã có điều kiện khó khăn (vùng III) lên một trong những xã phát triển năng động nhất (vùng I) huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Cuối năm 2017, xã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục ra sức thi đua, phấn đấu đưa quê hương vững bước phát triển trên con đường hội nhập. Đại hội Đảng bộ xã Chư Pơng lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Năm 2021, đồng hành cùng huyện và tỉnh, Chư Pơng đã vượt khó vươn lên hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đồng chí Phạm Ngọc Hưng - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Trong một năm nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chư Pơng tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương tiêu biểu, dẫn đầu trong các phong trào thi đua phát triển của huyện Chư Sê. Kinh tế xã phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tổng giá trị sản xuất đạt 599 tỷ đồng, bằng 100,36% kế hoạch, bằng 101,27% năm 2020; tổng diện tích gieo trồng thực hiện 1.846,6 ha, bằng 100% kế hoạch, bằng 100.03% năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 5,7 tỷ đồng, bằng 128,55% dự toán; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 654 triệu đồng, bằng 155,14% dự toán, tăng 72,4% so với năm 2020. Tổng chi ngân sách thực hiện trên 5,6 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm, đạt 100% kế hoạch, tăng 14,6% so với năm 2020. Xã đã và đang giữ vững các tiêu chí nông thôn mới”. Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 99%, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh so với đầu năm học đạt 99%; chất lượng giáo dục đào tạo được nâng cao. Công tác y tế, dân số - kế hoạch hoạch hóa gia đình, trẻ em được quan tâm; cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh được đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tốt; chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt trong năm, công tác phòng, chống và tiêm vắc xin phòng Covid-19 được ngành y tế xã thực hiện hiệu quả. Các hoạt động chính sách xã hội, nhất là chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được chú trọng thực hiện. Đến hết năm 2021, trên địa bàn xã có 12 hộ nghèo, chiếm 0,69%; 60 hộ cận nghèo, chiếm 4,82%”. Có thể khẳng định, xã Chư Pơng hôm nay đã mang hình ảnh một vùng quê nông thôn mới phát triển toàn diện. Đây là những trái ngọt kết tinh từ sự nỗ lực, cố gắng của mỗi người con Chư Pơng. Và sự nỗ lực đó đã được ghi nhận xứng đáng, xã vinh dự được UBND tỉnh Gia Lai tặng Cờ thi đua năm 2013; UBND huyện Chư Sê tặng Giấy khen năm 2017, 2019 - 2021; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen năm 2021. Đặc biệt, xã vinh dự và tự hào được Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2021. Những phần thưởng cao quý này sẽ tiếp thêm sức mạnh, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, để đưa quê hương Chư Pơng cất cánh trong thời kỳ mới. Nguyễn QuânThành phố Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
TĐKT - Với sự linh hoạt, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố (TP), cùng sự chung tay, đồng lòng, góp sức của người dân, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. TP vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận TP hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ngày 21/6 vừa qua. Tuyến đường bê-tông ở xã Ninh Phúc Là trung chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Ninh Bình, TP Ninh Bình có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 11 phường và 3 xã (Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc). Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM, đến nay 3 xã đều đạt chuẩn NTM, trong đó xã Ninh Phúc đạt chuẩn NTM nâng cao. Quá trình xây dựng NTM, TP nhận được tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt trên 1.200 tỷ đồng, trong đó nhân dân tham gia đóng góp và đầu tư xây dựng gần 314 tỷ đồng, chiếm 26% tổng nguồn lực. Với nguồn vốn này, TP đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân. Hiện 100% đường đô thị, tuyến đường nối trung tâm TP đến các xã đã được đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, không còn lầy lội vào mùa mưa. Trường học các cấp của 3 xã đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I và mức độ II. 30/30 thôn của các xã có nhà văn hóa với sân thể thao phổ thông. Trên 97% nhà ở dân cư đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. Về sản xuất, trên địa bàn các xã đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Định hướng cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Nhờ đó, diện tích sản xuất rau màu cho thu nhập từ 200 - 320 triệu đồng/ha/năm; diện tích sản xuất hoa cho thu nhập từ 380 - 830 triệu đồng/ha/năm. Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ cũng phát triển mạnh. Hiện xã Ninh Nhất đã xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã Ninh Tiến tập trung vào các lĩnh vực như: Cơ khí, dịch vụ thương mại, máy gia công… Xã có 40 đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu hút 700 lao động với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Riêng xã NTM nâng cao Ninh Phúc có 618 hộ kinh doanh dịch vụ, với gần 1.000 lao động. Thu nhập trung bình thường xuyên từ 5,5 triệu đồng đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, đúng định hướng. Nhiều hợp tác xã (HTX) đã tổ chức liên kết và cung ứng vật tư; có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; doanh thu bình quân của các HTX nông nghiệp năm 2020 đạt gần 220 triệu đồng. TP Ninh Bình hiện có 5 sản phầm OCOP đã được công nhận xếp hạng. Nhờ các định hướng đúng về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn TP đạt 65 triệu đồng/người/năm, tăng 27 triệu đồng so với năm 2015. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở 3 xã đạt 90,3%, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 3 xã chỉ còn chiếm 1,77 %. Cùng với đó, mức tăng trưởng kinh tế của TP bình quân 5 năm gần đây đạt 14,1%/năm. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt trên 46 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt trên 1.051 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp - xây dựng chiếm trên 67%; thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 32%, nông nghiệp chỉ còn 0,42%). Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới TP sẽ tiếp tục tập trung thực hiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII về phát triển thành phố Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa và con người TP Ninh Bình; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 3 xã của thành phố phát triển thành phường, phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa. Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung xây dựng hạ tầng kết nối, chỉnh trang các đô thị hiện hữu, các công trình có tính chất lan tỏa, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các ngành nghề, dịch vụ; tăng cường thu hút các dự án xây dựng khu đô thị đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính... phấn đấu xây dựng và phát triển TP trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tuệ MinhPhát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới
TĐKT - Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 587/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, triển khai các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu cả nước có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện phong trào thi đua Các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua; tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn, trong đó chú trọng: Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với từng vùng, miền, địa bàn và dân cư làm mục tiêu để tổ chức, triển khai, đánh giá Phong trào thi đua; huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, thành phố, nước ngoài tích cực tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động củng cố, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới. Từng cấp phấn đấu hoàn thành sớm hoặc đúng theo kế hoạch, có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tuyên truyền, vận động, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực Phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tổ chức giám sát thực hiện xây dựng nông thôn góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của phong trào. Đề ra tiêu chí thi đua cụ thể Quyết định quy định tiêu chí thi đua cụ thể đối với từng cấp. Trong đó, các bộ, ban, ngành, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo sự phân công của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương; nghiên cứu để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, người dân thực hiện phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong xã hội về xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tiếp tục đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ (có địa chỉ và kết quả cụ thể) đối với địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh, thành phố) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu; có tỷ lệ hoặc có số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cao nhất trong cụm; có mức tăng trưởng tiêu chí bình quân/xã cao nhất trong cụm; có nhiều mô hình trên các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch nông thôn gắn với phát triển làng nghề và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Các tỉnh, thành phố ban hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn có hiệu quả; triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và là đơn vị tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới so với các tỉnh trong cụm thi đua. Các tỉnh, thành phố trên không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Đối với cấp huyện, kế hoạch nêu rõ: Huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và là đơn vị tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thành phố. Các huyện, thị xã, thành phố trên không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Đối với xã, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và là xã tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện; không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới; đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và là xã có kết quả nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới toàn diện, nổi bật; không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Phương Linh
TĐKT - 11 năm về trước, khi bắt đầu triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), Yên Lâm là một xã miền núi nghèo của huyện Yên Mô (Ninh Bình). Mặc dù có xuất phát điểm thấp thuộc tốp cuối của huyện Yên Mô khi mới chỉ đạt 3 tiêu chí NTM, nhưng đến nay, Yên Lâm đã “chuyển mình” với những con đường, trường học, trạm y tế, kênh mương được xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế mới ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả đang dần tăng thu nhập cho người dân… tạo ra bức tranh đa màu sắc ở các vùng quê nông thôn.
Diện mạo Yên Lâm ngày càng khởi sắc
Xác định xây dựng NTM là một chương trình lớn, là cơ hội quan trọng để đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và huyện về thực hiện phong trào NTM, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, lãnh đạo xã đã nhanh chóng xây dựng, triển khai rộng rãi các nghị quyết chuyên đề, phân công công việc cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú nhằm phát động hưởng ứng thi đua cùng nhau chung sức xây dựng NTM. Những việc làm này đã góp phần nâng cao nhận thức của chính cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân, chủ động phát huy nội lực, tham gia xây dựng NTM.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến năm 2017, Yên Lâm đã vinh dự được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận xã đạt chuẩn NTM. Từ thành quả đó, Đảng bộ, chính quyền xã Yên Lâm đặt ra các mục tiêu mới cao hơn, quyết tâm xây dựng thành công NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Để đạt được mục tiêu đề ra, xã Yên Lâm đã xây dựng phương án nâng cao các tiêu chí, đăng ký lộ trình đạt chuẩn NTM nâng cao, đồng thời báo cáo tình hình triển khai thực hiện cho huyện theo định kỳ. Trong đó, xã chủ động xây dựng nhiều giải pháp, chú trọng việc huy động nguồn lực đầu tư gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang.
Xã tiếp tục quan tâm đề ra các giải pháp trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Với lợi thế giao thông thuận tiện, Yên Lâm đã tích cực tranh thủ sự quan tâm của các cấp, ngành để kêu gọi thu hút đầu tư. Năm 2014, Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam đã tìm đến Yên Lâm để đầu tư xây dựng. Đây cũng là doanh nghiệp FDI đầu tiên của huyện Yên Mô. Sự xuất hiện của công ty đã thu hút trên 6.000 lao động trong và ngoài huyện đến làm việc, trong đó nhiều lao động là người Yên Lâm, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư, Yên Lâm quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ để các làng nghề Đông Đoài, Ngọc Lâm, Đông Yên, Phù Sa phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…, qua đó tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động lúc nông nhàn.
Đồng thời, xã tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, tham gia các chương trình dự án. Nhờ vậy, số lao động có việc làm qua đào tạo của xã đạt tỷ lệ 57%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,2 triệu đồng/người/năm, trên địa bàn xã chỉ còn 0,6% hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, xã cũng tập trung ưu tiên các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Cùng sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đã huy động nhân dân đóng góp công sức, trí tuệ của cộng đồng dân cư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.
Tính từ năm 2018 đến nay, Yên Lâm đã huy động được trên 309 tỷ đồng để xây dựng NTM nâng cao, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư là trên 228 tỷ đồng (chiếm 70,8%) và nhân dân đóng góp 80,2 tỷ đồng để làm đường giao thông ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa thôn xóm, trồng hoa, cây xanh...
Để phát triển cảnh quan chung, xã cũng đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, trồng cây xanh khuôn viên trụ sở, nhà văn hóa, sân vận động trung tâm xã. Nhân dân ở các thôn xóm tích cực chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, nhà cửa, công trình vệ sinh. 100% thôn xóm có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn đáp ứng tốt nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của cộng đồng dân cư.
Hiện 100% các tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, hầu hết các tuyến đường chính trên địa bàn được rải nhựa Asphalt, có hệ thống vỉa hè và rãnh thoát nước, xây dựng bồn hoa, trồng cây xanh, đảm bảo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn xã đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai. Toàn bộ khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất được chủ động.
Với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng với sự đồng lòng, chung sức của người dân trong quá trình thực hiện xây dựng NTM nâng cao, tháng 3 vừa qua, Yên Lâm vinh dự đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là dấu mốc, tiền đề quan trọng để Yên Lâm tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2023.
Tuệ Minh
TĐKT - Ngày 8/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 321/QĐ-TTg quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:
Có 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đối với các huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, phải rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Có 100% số thị xã, thành phố trên địa bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đối với các thị xã, thành phố đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, phải rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo yêu cầu đối với thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Có ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Có ít nhất 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Có Đề án xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2025 được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông qua.
Có ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường.
Đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4 m2/người.
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đạt từ 90% trở lên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Nguyệt Hà
TĐKT - Ngày 8/3/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 320/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt là Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025).
Trong đó, quy định nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương:
Các bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng quản lý nhà nước, công bố chỉ tiêu cụ thể và ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025 trong thời gian 30 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Trong quá trình đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí nêu trên, nếu có vấn đề mới phát sinh, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan kịp thời nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện, tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung Bộ tiêu chí nêu trên, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, quy định cụ thể đối với các nhóm huyện để xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phù hợp với điều kiện đặc thù, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo mức đạt chuẩn không thấp hơn so với quy định của trung ương.
Theo đó, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như sau:
Có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).
Có ít nhất 10% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025).
Có 100% số thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt từ 90% trở lên (trong đó có tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn mới đạt từ 80% trở lên).
Đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm: Quy hoạch; giao thông, yhủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; y tế - văn hóa - giáo dục; kinh tế; môi trường; chất lượng môi trường sống; hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công.
Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025:
Có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).
Có ít nhất 01 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Có 100% số phường trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của thị xã, thành phố đạt từ 90% trở lên (trong đó có tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn mới đạt từ 80% trở lên).
Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị trên địa bàn tối thiểu là 5 m2/người.
Bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025:
Là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).
Có ít nhất 50% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025).
Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện đạt từ 95% trở lên (trong đó có tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt từ 85% trở lên).
Đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm: Quy hoạch; giao thông, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; y tế - văn hóa - giáo dục; kinh tế; môi trường; chất lượng môi trường sống; an ninh, trật tự - hành chính công.
Phương Thanh
TĐKT - Ngày 8/3/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 319/QĐ-TTg quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 là xã:
Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020, phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm.
Có ít nhất một mô hình thôn thông minh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể.
Đạt tiêu chí quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất, về giáo dục, về văn hóa, về du lịch, về cảnh quan môi trường, về an ninh trật tự, về chuyển đổi số…) mang giá trị đặc trưng của địa phương, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 để đánh giá, nhân rộng. Trong quá trình đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí nêu trên, nếu có vấn đề mới phát sinh, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan kịp thời nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện, tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung Bộ tiêu chí nêu trên, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của địa phương, ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 theo lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất, về giáo dục, về văn hóa, về du lịch, về cảnh quan môi trường, về an ninh trật tự, về chuyển đổi số…) mang giá trị đặc trưng của địa phương và tiêu chí thôn thông minh, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trên địa bàn.
Nguyệt Hà
TĐKT - Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2018, xã Tây Phú (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) tiếp tục nâng cao các tiêu chí làm bước đệm để thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao. Với sự quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, xã Tây Phú đã khoác lên mình diện mạo mới, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.
Xã Tây Phú vinh dự đón nhận Bằng công nhận xã NTM nâng cao
Xác định người dân là chủ thể và là người thụ hưởng kết quả trong xây dựng NTM, do đó để thực hiện phong trào đạt kết quả cao, người dân phải thông suốt và đồng tình hưởng ứng một cách tích cực. Bởi vậy, Đảng ủy - UBND xã đã tập trung tổ chức các cuộc họp dân rộng khắp ở địa bàn các ấp để tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao, với phương châm “tích cực, kiên trì vận động”, tạo điều kiện cho “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”.
Đảng bộ xã thường xuyên quan tâm cử cán bộ phụ trách tiêu chí, các thành viên Ban quản lý tập huấn nắm vững về chủ trương, cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Đồng thời, tổ chức triển khai, quán triệt, tuyên tuyền sâu rộng trong cán bộ thuộc các ngành, đoàn thể xã, các ấp và nông dân tiêu biểu có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, dân cư.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền được 192 cuộc về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tham gia giám sát việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, huy động các nguồn lực để cất mới, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, cận nghèo làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hội Nông dân xã tích cực vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thành lập quỹ hỗ trợ nông dân phát triển; xây dựng các mô hình kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với liên kết tiêu thụ nông sản.
Tính từ năm 2018 đến nay, xã có 24 cán bộ, công chức được tập huấn kiến thức, chuyên môn về xây dựng NTM nâng cao do tỉnh, huyện tổ chức; hơn 650 lượt cán bộ và đoàn viên hội viên được triển khai tiếp cận kiến thức tuyên tuyền, vận động xây dựng NTM.
Qua công tác bồi dưỡng, tập huấn đã cung cấp kiến thức cơ bản về cơ chế chính sách, quy trình triển khai thực hiện mà còn trang bị thêm cho cán bộ xây dựng NTM những kỹ năng về xây dựng, lập kế hoạch; kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân...
Bên cạnh việc quan tâm đến công tác tập huấn, để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, xã xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với việc liên kết tiêu thụ nông sản ổn định, nâng cao thu nhập là một trong những mục tiêu phải đạt được trong xây dựng NTM nâng cao. Do đó, những năm qua xã đã chỉ đạo tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã đã triển khai nâng cấp hoàn chỉnh các tiểu vùng đê bao khép kín; tổ chức sản xuất đảm bảo diện tích gieo trồng lúa 3 vụ là 9.450 ha. Hiện toàn bộ diện tích gieo trồng trên địa bàn xã đều được cơ giới hóa 100%. Riêng năm 2020, năng suất lúa bình quân đạt mức 6,6 tấn/ha, (tăng gần 0,3 tấn/ha so với năm 2018), sản lượng lương thực 62.370 tấn, tăng gần 2.835 tấn so với năm 2018. Đặc biệt vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021 đạt 7,6 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ nhiều năm qua, giá lúa khá cao (có lúc lên đến 7.000 đ/kg) lợi nhuận thu được từ 50 - 60 triệu đồng/ha. Đây là yếu tố cơ bản tạo nên mức thu nhập của người dân trong xã.
Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), với diện tích 850 ha (357 hộ tham gia). Thông qua dự án, góp phần giảm chi phí sản xuất bình quân khoảng 2 triệu đồng/ha; sản xuất theo chương trình 3 giảm 3 tăng, có đến 8.505 ha diện tích gieo trồng lúa (chiếm tỷ lệ 90% diện tích), giảm chi phí khoảng 8,2 triệu đồng/ha; chương trình 1 phải 5 giảm, có 4.725 ha diện tích giao trồng lúa (chiếm tỷ lệ 50% diện tích), giảm chi phí khoảng 9,5 triệu đồng/ha.
Xã cũng tiến hành chuyển 27 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, tăng thêm thu nhập 2,7 tỷ đồng so với trồng lúa/năm; chuyển 75 ha đất lúa và đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: Xoài, chanh, thanh long, bưởi, ổi, cam xoàn… tăng thu nhập gần 3,8 tỷ đồng/năm.
Tây Phú đã thực hiện chuyển đổi mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang chăn nuôi heo siêu thịt, bò lai; gà thả vườn; vịt đàn… Đến nay trên địa bàn xã phát triển đàn heo lên 194 con; bò 261 con; gia cầm 18 ngàn con, quy mô đàn tăng từ 15% so năm 2018, tăng thêm thu nhập trên 2,4 tỷ đồng/năm. Xã đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi thủy sản như: Cá tra bột; cá ao hầm, lươn bể bồn, baba, ốc bươu… với diện tích chuyển đổi được 8 ha, tăng thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm.
Xã cũng tập trung triển khai chính sách thu hút, mời gọi đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Hiện toàn xã có gần 250 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể thương mại – dịch vụ. Trong đó có 5 doanh nghiệp, 22 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thu hút, giải quyết việc làm tại địa phương gần 500 lao động.
Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm được quan tâm, chú trọng. Hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể của xã quan tâm phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 360 lao động. Nhờ vậy, hiện nay xã có trên 90% lao động có việc làm thường xuyên. Năm 2021, mức thu nhập bình của xã đạt 63,695 triệu đồng/người/năm, tăng 40,495 triệu đồng/người/năm so với năm 2018.
Bên cạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã cũng đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Từ năm 2018 đến nay, xã đã xây dựng mới 3 cầu giao thông; nâng cấp 4 tuyến đê bao kết hợp với mở rộng giao thông nội đồng, tổng chiều dài 14,91 km; nâng cấp, mở rộng tuyến đường đường giao thông Bắc Mỹ Phú Đông chiều dài 4,03 km, chiều rộng mặt đường nhựa 3,5m…
Với những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, hành trình xây dựng xã NTM nâng cao của xã Tây Phú đã cán đích cuối năm 2021. Tây Phú đã trở thành một vùng quê đổi mới toàn diện, với cơ sở hạ tầng khang trang, cuộc sống người dân ngày càng văn minh, tiến bộ.
Tùng Chi
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- …
- sau ›
- cuối cùng »