Thái Nguyên xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn
20/12/2024 - 20:53

BTĐKT - Thái Nguyên hiện đang dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới tại khu vực trung du miền núi phía Bắc. Điểm đặc biệt trong thành công của tỉnh là sự kết hợp hiệu quả giữa chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch nông thôn. Đây được xem là chiến lược phát triển sáng tạo, khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế đặc thù của địa phương, qua đó không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư.

Ngày 8/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Căn cứ vào đó, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 10/4/2023 để triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Kế hoạch này không chỉ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch, mà còn chú trọng việc phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống của địa phương. Các giải pháp cụ thể như hoàn thiện chính sách phát triển du lịch, huy động nguồn lực cho phát triển bền vững, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch nông thôn và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch đều là những yếu tố thiết yếu trong việc xây dựng nền du lịch nông thôn bền vững.

Khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại Hợp tác xã chè Khe Cốc

Xác định rõ Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông thôn nhờ vào di sản văn hóa phong phú, hệ thống 277 làng nghề và 301 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng phát triển các loại hình du lịch đa dạng như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp. Các điểm du lịch như Khu du lịch văn hóa dân tộc Tày Thái Hải, điểm du lịch Bản Quyên (Định Hóa), thác 7 tầng xóm Khe Cạn (Đồng Hỷ) và Bản Tèn (Văn Lăng, Đồng Hỷ) đã mang lại những trải nghiệm đặc biệt về thiên nhiên, đồng thời giúp nâng cao giá trị kinh tế cho cộng đồng địa phương. Mỗi điểm đến đều có nét đặc trưng riêng, gắn kết chặt chẽ với văn hóa và cảnh quan thiên nhiên của vùng đất Thái Nguyên.

Một trong những điểm nhấn đặc sắc của Thái Nguyên là việc khai thác cây chè - sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh - để phát triển du lịch sinh thái. Với diện tích trồng chè trên 22.400 ha, các địa phương như Tân Cương, La Bằng, Hoàng Nông, Trại Cài và Sông Cầu đã phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm chè. Tới đây, du khách vừa được tham gia vào quá trình thu hoạch và chế biến chè, vừa được thưởng thức những đặc sản địa phương trong không gian thiên nhiên yên bình, tạo nên sự kết nối giữa con người và đất đai.

Thái Nguyên cũng chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng, đặc sản của tỉnh như chè, gạo, mỳ gạo, thịt hươu sấy khô, cao ngựa bạch, na, miến... nhằm gia tăng giá trị kinh tế chung và thúc đẩy tăng trưởng cho ngành du lịch địa phương. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị, sự kiện đối ngoại của trung ương và các địa phương, đồng thời là những món quà dành cho du khách khi đến thăm quan, nghỉ dưỡng ở Thái Nguyên. Sự kết hợp này vừa mang lại động lực cho sự phát triển bền vững, vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Toàn cảnh Điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ.  (Ảnh: Ngọc Linh)

Theo Đề án phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của tỉnh là xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc, đặc biệt với các sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa trà, một thương hiệu đặc trưng có sức cạnh tranh cao. Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP dựa trên các thế mạnh địa phương, đặc biệt là dược liệu, dịch vụ và du lịch sinh thái. Đồng thời, tỉnh cũng hướng đến việc thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản của mình.

Thành tựu trong công tác xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên cũng rất ấn tượng. Tính đến nay (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã), toàn tỉnh có 115/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 95%. Trong đó, có 39 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.

Những thành quả này không chỉ là kết quả của nỗ lực phát triển kinh tế mà còn là minh chứng cho sự thành công trong việc kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch nông thôn. Đây là hướng đi chiến lược giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Thái Nguyên.

Hưng Vũ