Xây dựng nông thôn mới
Huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới
BTĐKT - Tối 30/10, tại Quảng trường ATK Định Hóa (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), UBND tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Định Hóa. Những năm qua, cùng với sự giúp đỡ của trung ương, của tỉnh và các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn, sự quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận của nhân dân, Định Hóa đã nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang tính đột phá. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Định Hóa có xuất phát điểm thấp. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, huyện Định Hóa đã triển khai rà soát, đánh giá từng tiêu chí và từng giai đoạn để ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch xây dựng đạt chuẩn NTM. Đồng thời, phát động phong trào thi đua "Định Hóa chung sức xây dựng NTM", được các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, đồng thuận cao. Đặc biệt, Định Hóa đã huy động, lồng ghép, sử dụng các nguồn lực để tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt hoặc đạt chưa cao. Sau 13 năm xây dựng NTM (2011 - 2023), huyện đã huy động được trên 7.971 tỷ đồng thực hiện Chương trình. Trong đó, nguồn vốn thực hiện Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM vào năm 2023 là 1.787 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, địa phương đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, khang trang; diện mạo kinh tế - xã hội từng bước thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm vượt xa so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đều thực hiện đạt và vượt 15 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,67%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,8 triệu đồng/người/năm (tăng 31,86 triệu đồng/người so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,98%. Kết thúc năm 2023, huyện Định Hóa có 22/22 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Chợ Chu đạt chuẩn đô thị văn minh. Vì vậy, Chủ tịch nước quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Định Hóa. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận Định Hóa đạt chuẩn huyện NTM năm 2023. Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trao Bằng công nhận huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa nhấn mạnh, toàn huyện xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, do vậy, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa sẽ tiếp tục giữ vững và phát triển hơn nữa thành quả của quá trình xây dựng NTM, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những kết quả mà huyện Định Hóa đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng đề nghị huyện Định Hóa tuyệt đối không chủ quan, bằng lòng, thỏa mãn với kết quả hiện tại mà phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa, đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về xây dựng NTM, thực hiện xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM... Nhân dịp này, các tập thể, gia đình, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Nguyệt HàBTĐKT - Thời gian qua, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” do UBND huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên phát động đã được các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện hưởng ứng tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Cảnh quan môi trường của huyện ngày càng “sáng – xanh – sạch – đẹp”, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới (NTM).
Các đồng chí lãnh đạo huyện cùng tham gia hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” tại các xã, thị trấn vào dịp các ngày cuối tuần
Hưởng ứng phong trào do UBND huyện phát động, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân toàn huyện đã duy trì các hoạt động tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” định kỳ 2 lần một tháng. Các xã, thị trấn đã phân công các tổ chức, đoàn thể phụ trách từng tuyến đường hoa, cây xanh, tuyến đường tự quản, mô hình bảo vệ môi trường và tổ chức cắm biển các tuyến đường phụ trách; phối hợp với các đơn vị quân đội thực hiện vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, kênh mương, xử lý điểm đen về môi trường…
Anh Nguyễn Văn Hiệu, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Trung Lương cho biết “Từ khi phát động “Ngày Chủ nhật xanh”, lực lượng đoàn thanh niên trên địa bàn xã luôn xung kích đi đầu, tích cực tham gia vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác tại những điểm đen về môi trường. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường”.
Đoàn viên, thanh niên cùng nhân dân tích cực tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”
Đồng hành cùng nhân dân trong thực hiện “Ngày Chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện, các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện đã ủng hộ hàng trăm cây xanh. Đồng thời, hàng tháng đều tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” cùng bà con nhân dân, tạo nên tinh thần, khí thế cho phong trào.
Song hành với phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, huyện còn tổ chức các cuộc tập huấn, tuyên truyền, vận động nhân dân “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”; thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; thành lập mô hình “Phụ nữ nói không với túi ni-lon, sản phẩm nhựa dùng một lần”, “Mô hình thu gom rác thải nhựa gây quỹ”, “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”, “Ngày hội vệ sinh môi trường” của học sinh…
Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng xóm Quang Vinh, xã Trung Lương phấn khởi cho biết: “Hằng tháng, nhân dân trong xóm đều thực hiện theo kế hoạch “Ngày Chủ nhật xanh”. Đến nay đã thành nền nếp, tự mỗi người đều ý thức được vệ sinh môi trường ở khu dân cư là trách nhiệm của bản thân mỗi người. Bây giờ, không chỉ mỗi “Ngày Chủ nhật xanh” theo kế hoạch, mà thường ngày bà con nhân dân thấy đường làng ngõ xóm không được sạch sẽ là đều tự ra vệ sinh cho thật sạch”.
Chị Trần Thị Ngọc, xóm Thịnh Mỹ, xã Tân Thịnh chia sẻ: “Chi hội đã tuyên truyền đến các hội viên để thực hiện trồng đường hoa, mô hình ngôi nhà 3 sạch. Qua đó đã tạo chuyển biến rõ rệt về cảnh quan môi trường trong xóm, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.”
Qua thực hiện phong trào và các cuộc vận động, đến nay trên địa bàn huyện 100% số xã đạt tiêu chí đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh, sạch, đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; toàn huyện có trên 420 km các tuyến đường được trồng cây xanh, trồng hoa, được trang bị, bố trí thùng đựng rác hợp lý. Trên 80% các hộ gia đình thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào cổng, ngõ. Tỷ lệ km đường lắp hệ thống chiếu sáng khoảng 492 km, đạt trên 63%. Toàn bộ trên 513 km các tuyến kênh mương được vệ sinh, nạo vét định kỳ. 150/200 hồ, ao, đầm được gắn biển cảnh báo tại nơi có nguy cơ mất an toàn và được phát quang, tạo cảnh quan sinh thái thường xuyên. Diện tích trồng cây xanh khu vực công cộng đạt 5,24 m2/người.
Đồng chí Lý Văn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: ““Ngày Chủ nhật xanh” là điểm nhấn trong công tác môi trường của huyện, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu về môi trường trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của phong trào này, đồng thời duy trì phong trào theo kế hoạch đề ra, để cho môi trường của Định Hóa ngày càng xanh – sạch – đẹp”.
Từ những hoạt động ý nghĩa, thiết thực mà phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đem lại, bộ mặt nông thôn mới của huyện Định Hóa đã thay đổi rõ rệt. Quan trọng hơn là ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân đã được nâng lên, tạo thành thói quen chung của cả cộng đồng dân cư.
Công Sơn
BTĐKT - Với quan điểm “Nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực không ngừng, tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng xã NTM thông minh…
Lễ công bố xã Tức Tranh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và xây dựng mô hình xã NTM thông minh
Xã Tức Tranh nằm ở vị trí trung tâm cụm của huyện Phú Lương, bà con nơi đây chủ yếu phát triển sản xuất theo hướng kinh tế vườn đồi. Năm 2011, xã Tức Tranh bắt đầu thực hiện Đề án xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Đến năm 2015, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tiếp đó, xã Tức Tranh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021.
Trong quá trình xây dựng xã NTM nâng cao, Đảng bộ xã Tức Tranh đã tập trung tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân. Cùng với đó, địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Xã vận động trên 3.000 ngày công lao động để tu sửa các công trình công cộng như đường giao thông, nhà văn hóa… giúp đỡ xây dựng nhà đại đoàn kết, mái ấm tình thương cho hộ nghèo.
Người dân đã chủ động đầu tư xây mới và cải tạo, chỉnh trang nhà kiên cố đảm bảo theo quy định, xây dựng mô hình thu gom rác thải bảo vệ môi trường; tích cực tham gia hiến đất làm đường giao thông, trường học, công trình thủy lợi, trạm điện… với diện tích lên tới 25.537 m2. Kết quả, xã đã huy động được nguồn lực trên 31 tỷ đồng để xây dựng NTM nâng cao.
Nhờ chương trình xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2016 - 2021, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Tức Tranh đã có những thay đổi mạnh mẽ. 100% xóm có đường bê tông trục xóm; trường học được xây dựng đạt chuẩn, hệ thống điện đáp ứng nhu cầu của người dân sử dụng. Trạm y tế, trụ sở xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang.
Hằng năm, người dân đã chuyển đổi cơ cấu sang trồng các giống chè cho năng suất, chất lượng cao với diện tích trung bình 14ha/năm. Hiện nay, xã có 9 hợp tác xã, 15 làng nghề chè, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,29 triệu đồng/người/năm (2021) và không còn hộ nghèo.
Đánh giá về những lợi ích từ chương trình xây dựng NTM mang lại, bà Nguyễn Thị Hiển, xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh cho biết: "Ngay từ khi xây dựng chương trình NTM, bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, người dân trong xóm đã đóng góp tiền để làm đường bê tông rộng 3m. Đến khi tiếp tục có chủ trương mở rộng đường OCOP, ban đầu có một số hộ mặt đường cũng không đồng tình hiến đất. Nhưng qua trao đổi, tuyên truyền, vận động, chỉ sau một thời gian ngắn người dân đã nhận thức được ý nghĩa, vai trò của NTM nên đã tham gia hiến đất để hoàn thành tuyến đường. Từ khi có con đường rộng rãi này, bà con hết sức phấn khởi vì đường sá đi lại thuận tiện".
Năm 2022, xã Tức Tranh tiếp tục được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện nay, xã đang trên lộ trình xây dựng xã NTM thông minh.
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND xã Tức Tranh
Ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Xã đã tích cực triển khai đồng bộ và nỗ lực thực hiện các tiêu chí liên quan, các chương trình như: Tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức xã và cán bộ ở cơ sở; xây dựng mô hình chợ thông minh không dùng tiền mặt; lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời; lắp đặt hệ thống camera an ninh; lắp đặt Wifi miễn phí; xây dựng trang thông tin điện tử xã…
“Xây dựng NTM thông minh là nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai còn nhiều lúng túng, vướng mắc. Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Qua đó, nhận được sự ủng hộ của nhân dân cùng chung tay hoàn thiện các chủ đề, mục tiêu, chỉ tiêu”, ông Lê Minh Thao chia sẻ.
Đến nay, tại xã, trên 99% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến; có 19 tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng địa chỉ số; 100% cán bộ xã, cán bộ xóm sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, sử dụng ứng dụng Zalo, fanpage, Facebook để chia sẻ thông tin, kết nối, tương tác và nhận phản hồi của người dân.
Tại xã, trà là sản phẩm chủ lực được các hộ kinh doanh, hợp tác xã bán trên kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Đặc biệt, xã đã thực hiện mô hình xóm thông minh tại Khe Cốc, người dân tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, triển khai mô hình chợ thông minh (chợ không dùng tiền mặt), các nhà trường thu các khoản đóng góp qua tài khoản… Tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán trực tuyến hiện đạt 50%.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị xã, chính quyền và người dân, đến nay xã đã hoàn thành nhiều tiêu chí, nội dung theo quy định của Bộ tiêu chí về xây dựng xã NTM thông minh. Xã phấn đấu về đích xây dựng xã NTM thông minh vào năm 2024.
Hà Giang
Huyện Đại Từ (Thái Nguyên): Người dân giữ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới
BTĐKT - Với tinh thần “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra”, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã huy động gần 21.200 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 323,9 tỷ đồng, để hoàn thiện 9/9 tiêu chí theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chúc mừng huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới Năm 2011, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bình quân các xã trên địa bàn huyện Đại Từ chỉ đạt 3,37 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt 17,59 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo là 17,59%. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí còn nhiều khó khăn. Sau hơn 13 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Đại Từ đã phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về cây chè, thương mại, dịch vụ, công nghiệp để phát triển kinh tế cho người dân và xác định xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, do dân làm và phục vụ lợi ích của người dân. Qua đó, người dân đã đóng góp gần 324 tỷ đồng trong tổng số gần 21.200 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn lực này, huyện tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, khang trang, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã của huyện được nhựa hóa và bê tông hóa; gần 97% đường trục xóm, liên xóm được cứng hóa, tạo điều kiện cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn. Sau thời gian ngắn, cấp ủy huyện có sáng kiến phát động phong trào “Mở rộng đường xóm 6 mét” và diện tích đất nhân dân đã hiến là hơn 435.000 m2; ước giá trị công trình, tài sản trên đất đã hiến là khoảng 77,2 tỷ đồng. Hết năm 2023, thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt 50,3 triệu đồng/người (tăng 35,5 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 5,05%, 2/2 thị trấn được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 5 xã nông thôn mới nâng cao. Để đạt được những thành công nêu trên, ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ cho biết, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện do Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban, thành viên gồm đại diện các sở, ngành của tỉnh và huyện Đại Từ. Huyện cũng ban hành Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, vạch rõ lộ trình triển khai thực hiện cho từng năm. Bám sát nội dung đề án, Huyện ủy Đại Từ đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch; Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phát động nhiều phong trào thi đua, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân cùng chung sức thực hiện nhiệm vụ. Quan điểm thống nhất xuyên suốt của huyện Đại Từ là xác định người dân giữ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, mỗi đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình tích cực cùng cộng đồng dân cư tham gia. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền dân chủ ở mỗi khu dân cư và của người dân theo tinh thần “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra”, việc triển khai, thực hiện xây dựng nông thôn mới được gắn với điều kiện thực tế, cụ thể, xác định rõ thực trạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của từng xã, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng địa bàn, địa phương. Nhờ đó, huyện Đại Từ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 theo Quyết định số 371 của Thủ tướng Chính phủ, trước 1 năm so với kế hoạch. Đây là thành quả của sự nỗ lực không ngừng từ cả hệ thống chính trị và người dân địa phương trong việc hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, tạo đà để địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và trở thành thị xã trước năm 2030. Huyện đặt ra mục tiêu có 5 xã về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Xã nào đã về đích nông thôn mới nâng cao sẽ tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện sẽ tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn; nâng cao giá trị và thu nhập của người dân; đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm chè, tạo ra mặt hàng nông nghiệp mũi nhọn của huyện. Cùng với đó, xác định cái tiêu chí môi trường là vô cùng quan trọng với trọng tâm kinh tế là nông nghiệp chất lượng cao và phát triển du lịch sinh thái, huyện sẽ tập trung lên kế hoạch, triển khai các giải pháp giữ gìn, bảo vệ và nâng cao yếu tố môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao… Nhật MinhThái Nguyên: Khơi dậy sức dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới
BTĐKT - Thái Nguyên hiện là tỉnh dẫn đầu vùng trung du miền núi phía Bắc trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Diện mạo nông thôn giàu hơn, đẹp hơn, người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn chính là thành quả sự nỗ lực của phong trào xây dựng NTM. Với sự lan tỏa tích cực, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Người dân đồng lòng cùng nhau xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, chung sức xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thu hút sự tham gia của toàn xã hội với những cách làm sáng tạo. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM; 11 xã NTM nâng cao; 4 xã NTM kiểu mẫu; huyện Đại Từ được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, huyện Định Hóa đã trình trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 118/126 xã NTM, đạt tỷ lệ 93,7%. Các huyện, thị cũng đặc biệt chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình xóm NTM kiểu mẫu, xóm NTM thông minh, đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Điểm nổi bật trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh là việc khơi dậy sức dân cùng tham gia, thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Người dân chủ động giám sát trong việc thực hiện các nội dung từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, nghiệm thu kết quả và sử dụng, như: Đường giao thông, nhà văn hoá, kênh mương... Từ đó, tạo động lực, sự tin tưởng để nhân dân toàn tỉnh cùng chung tay, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã phát động 462 cuộc ra quân hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” với trên 260.870 lượt người tham gia, vận động người dân hiến trên 81,8 ha đất và tài sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hóa đạt trên 86,4 tỷ đồng. Trong đó, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo tại các địa phương. Tiêu biểu là phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” tại huyện Đại Từ. Ông Dương Mạnh Thắng, xã Cù Vân, huyện Đại Từ cho biết: “Tại xóm tôi, mọi người dân đều được họp bàn khi triển khai mở rộng đường 6m. Xóm thành lập tổ vận động để tuyên truyền đến người dân và được người dân đồng tình, ủng hộ”. Từ phong trào này, người dân Đại Từ đã hiến trên 33,8 ha đất và tài sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hóa đạt trên 54 tỷ đồng…, góp phần đưa huyện cán đích NTM trước 1 năm so với kế hoạch. Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: “Có được kết quả đó là nhờ có sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Qua tuyên truyền, giúp mọi người dân đều thấu hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng NTM và đích đạt được chỉ là điểm bắt đầu, từ đây duy trì và giữ vững, ngày càng nâng cao chất lượng các tiêu chí để đáp ứng, phục vụ cuộc sống của người dân." Tại huyện Phú Lương, cán bộ và nhân dân xóm Pháng 2, xã Phú Đô, hiến trên 5.000 m2 đất; cán bộ và nhân dân xóm Thanh Đồng, xã Yên Đổ, hiến trên 4.500 m2 đất. Đáng nói, nhiều gia đình tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn tự nguyện hiến đất, tài sản để đóng góp cho cộng đồng. Tiêu biểu có các gia đình: Ông Hoàng Xuân Cảnh, xã Động Đạt, hiến hơn 1.000 m2 đất; ông Lâm Minh Đức, xã Phú Đô, hiến 1.600 m2 đất; ông La Văn Đậu, xã Phú Đô, hiến trên 2.000 m2 đất... Một số hộ không chỉ hiến đất mà còn phá dỡ tường rào và các công trình trên đất để làm đường giao thông nông thôn, như gia đình các ông: Hoàng Quốc Toản, Nguyễn Trọng Hùng, Hoàng Xuân Thanh, Đỗ Văn Hoan, ở xã Cổ Lũng; Nguyễn Xuân Trọng, xã Vô Tranh; Bùi Văn Minh, xã Vô Tranh hiến 300 m2 đất và đóng góp 50 triệu đồng... Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2024 là có ít nhất 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; đồng thời tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các địa phương đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tin tưởng rằng, với sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Thái Nguyên sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu mới trên con đường xây dựng “những miền quê đáng sống” . Minh Phương“Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” - Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh
BTĐKT - Từ sự chung sức, chung lòng của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, những “Nhà văn hóa cộng đồng – Ngôi nhà trí tuệ” vững chãi cùng với nhiều hoạt động phong phú, bổ ích đã và đang được xây dựng và nhân rộng, tạo nên những giá trị mới trong cuộc sống của người dân Hà Tĩnh. Phát huy tối đa công năng sử dụng của các nhà văn hóa Sau khi tỉnh triển khai xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản xin chủ trương Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 22 của tỉnh triển khai mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”. Trên cơ sở chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo 22 của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban điều hành xây dựng mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” cấp tỉnh gồm 21 thành viên (có 13 thành viên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện) để tổ chức triển khai thí điểm tại 32 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ. Ban điều hành đã ban hành kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai trên địa bàn toàn tỉnh; hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ cấp huyện, xã thành lập các ban điều hành, các thôn, xóm, tổ dân phố hình thành các Ban chủ nhiệm mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”. Bên cạnh hình thành hệ thống điều hành, quản lý từ cấp tỉnh đến huyện với vai trò chủ trì của MTTQ các cấp, Ban điều hành cấp tỉnh đã đề xuất hỗ trợ từ ngân sách tỉnh xây dựng các mô hình điểm và kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ các thôn, xóm, tổ dân phố để hình thành các câu lạc bộ, thư viện sách, lắp đặt các trang thiết bị như: Máy tính, máy chiếu, internet, các thiết chế thể thao, văn hóa… Ước tính mỗi mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” đã nhận được hỗ trợ tối thiểu khoảng 300 triệu đồng và hơn 1000 đầu sách. Không gian đọc sách tại “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thôn Tân Thắng, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh Trên cơ sở hướng dẫn của Ban điều hành cấp tỉnh, huyện, các thôn, tổ dân phố đã quy hoạch không gian sử dụng tại Nhà văn hóa cộng đồng gắn với Ngôi nhà trí tuệ. Ban chủ nhiệm thôn, tổ dân phố bàn bạc kỹ với người dân; sáng tạo, linh hoạt trong mua sắm, bố trí bàn ghế, dụng cụ thể dục thể thao trong nhà và ngoài trời, thư viện sách, các thiết chế văn hóa dân gian, phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhân dân. Ban chủ nhiệm thôn, tổ dân phố đã vận động hình thành các câu lạc bộ văn hóa, thể thao, học tiếng Anh… Mỗi mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” có từ 7 - 10 câu lạc bộ. Đối với thư viện sách, Ban điều hành cấp tỉnh đã kết nối với hệ thống Ngôi nhà trí tuệ, Tủ sách nhân ái Việt Nam, ban hành Thư kêu gọi hỗ trợ, lựa chọn sách phù hợp với độ tuổi, nhu cầu của nhân dân và trước mắt hỗ trợ cho mỗi mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” khoảng 1000 đầu sách. Để duy trì các hoạt động của mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”, Ban điều hành các cấp đã kêu gọi và xây dựng đội ngũ “tình nguyện viên”, lập kế hoạch hàng tháng, tuần và điều phối các hoạt động phù hợp với nhu cầu của người dân. Những lợi ích thiết thực Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Bộ phận Kế hoạch, Nghiệp vụ, Giám sát - Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sau hơn 3 năm đưa vào hoạt động mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết tại khu dân cư, tổ dân phố, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần ở cơ sở, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã ra mắt 116 “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” hoạt động hiệu quả, với kinh phí xã hội hóa hơn 22 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 9,02 tỷ đồng, kêu gọi hỗ trợ được hơn 20.000 đầu sách các loại. Từ khi “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” được xây dựng, người dân trong khu dân cư đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động văn hóa thông qua các câu lạc bộ như dân ca, ví giặm, ôn lại lịch sử truyền thống của mảnh đất, con người nơi mình sinh sống; các cháu nhỏ tham gia chơi các trò chơi dân gian, nghe kể lại lịch sử... Các giá trị văn hóa truyền thống do đó được gìn giữ, phát huy, góp phần tích cực vào thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mỗi ngôi nhà trở thành một thư viện cộng đồng tại khu dân cư với đa dạng các loại sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của các đối tượng khác nhau như sách khoa học kỹ thuật, văn học, kỹ năng sống, trẻ em. Ngoài ra, Ban điều hành các cấp mời các chuyên gia, diễn giả... nói chuyện, trao đổi về kỹ năng sống, kiến thức trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, hình thành các sản phẩm OCOP và tiêu thụ sản phẩm..., từ đó góp phần nâng cao dân trí cho người dân trong thôn/xóm/tổ dân phố, tiến tới xây dựng cộng đồng học tập suốt đời. Các hoạt động thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, hàng ngày như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, cờ vua..., giúp nâng cao thể trạng, sức khỏe và gắn chặt tình làng nghĩa xóm cho nhân dân. Mô hình sau khi đưa vào sử dụng đã góp phần thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương. Điều quan trọng hơn, các mô hình đã góp phần nâng cao vai trò công tác khuyến học, khuyến tài, phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân; trọng tâm là việc rèn luyện kỹ năng sống, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi và người dân, hướng tới một xã hội học tập, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Qua đó, phát huy hiệu quả và tận dụng tối đa công năng sử dụng của nhà văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Những kết quả đã đạt được từ việc xây dựng mô hình đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đặc biệt là xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới thông minh trên địa bàn toàn tỉnh. Hữu ThôngHuyện Yên Khánh (Ninh Bình) cán đích huyện nông thôn mới nâng cao
BTĐKT - Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) đã tập trung, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông thôn. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, Yên Khánh đã hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, trở thành điểm sáng của tỉnh Ninh Bình về xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn Yên Khánh ngày càng khởi sắc Đến nay, huyện đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 12/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 186/268 thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Giá trị sản xuất đạt 168 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2023 đạt 69,52 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,04%. 99,75% người dân hài lòng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên. Môi trường, cảnh quan đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; đô thị được tăng cường đầu tư theo hướng văn minh hiện đại. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên; các thiết chế văn hóa tại cơ sở được tăng cường, sử dụng có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ, liên thông, hiện đại, tạo động lực cho phát triển. An ninh trật tự trên địa bàn huyện luôn được đảm bảo, mang lại cảm giác an toàn cho người dân và du khách đến thăm. Một thay đổi rõ rệt có thể thấy trên địa bàn huyện Yên Khánh là việc chuyển đổi số trong xây dựng xã, thôn thông minh. Người dân ở các xã, thôn như Khánh Cư, Khánh Nhạc... đang áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để phục vụ cho các hoạt động thường ngày như mua bán, tra cứu, giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, tiện lợi, tiết kiệm được thời gian, chi phí... Theo thống kê của UBND huyện, có trên 85% số hộ gia đình sử dụng hạ tầng mạng Internet băng rộng cáp quang; 95% người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh, trên 70% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử. Những thay đổi tích cực đó góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội cho người dân Yên Khánh. Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM huyện chia sẻ: Quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Yên Khánh rút ra được một số bài học. Đó là, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao phải có tính quyết liệt và đồng bộ trong từng thời gian cụ thể; phân công nhiệm vụ, đồng thời kiểm tra, đánh giá, giúp đỡ, hỗ trợ trong việc thực thi nhiệm vụ; phát huy hơn nữa tinh thần dân chủ, đoàn kết, sáng tạo và đổi mới trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành từ huyện, xã đến thôn xóm, nhất là sự nhiệt tình, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu; đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, theo phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết". Ghi nhận những nỗ lực của huyện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 21/6/2024 công nhận huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, UBND huyện Yên Khánh sẽ quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, đồng thời xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa, quy hoạch vùng, bảo đảm thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao bền vững, hiện đại. Minh PhươngThái Bình thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao
BTĐKT - Thời gian qua, tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2021 - 2025 và đã đạt được nhiều thành tựu, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn. Ở tuổi ngoài 70, ông Trần Văn Hân, xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình rất phấn khởi khi được chứng kiến những bước chuyển mình của quê hương. Ông chia sẻ, kinh tế của địa phương ngày càng khởi sắc, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nên việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân thuận tiện hơn trước rất nhiều. Trong xã cũng có thêm nhiều hộ giàu, nhiều mô hình kinh tế mới từ sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Bộ mặt nông thôn mới nâng cao tại huyện Quỳnh Phụ Ông Nguyễn Quang Le, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết: Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, nhất quán phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, người dân làm chủ thể, lấy thôn xóm làm địa bàn chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” nên người dân phấn khởi, yên tâm chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã và các thôn... được đầu tư khang trang, hiện đại. Diện mạo làng quê nơi đây thực sự “thay da đổi thịt”, đẹp như phố. Toàn xã đã huy động 234 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó nhân dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình trên đất phục vụ giải phóng mặt bằng làm đường giao thông với tổng diện tích 9.412m2. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 68,3 triệu đồng. Năm 2023, xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ về đích nông thôn mới nâng cao, đang trên hành trình hoàn thiện các tiêu chí về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024. Từ nay đến cuối năm, An Thanh tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt được; huy động nhân dân góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết: Cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ 500 triệu đồng đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 tỷ đồng với xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hỗ trợ 10 triệu đồng/km đường điện “thắp sáng đường quê” và một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn. Người dân xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đồng diễn thể dục thể thao tại nhà văn hóa thôn Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” đã tạo thành luồng gió đổi mới tích cực, toàn diện cho sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn Thái Bình. Tỉnh, các huyện, thành phố kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo “đòn bẩy” huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân; đồng thời lấy thước đo sự hài lòng của người dân để đánh giá chất lượng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Việc tuyên truyền sâu rộng phong trào thi đua ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương trong tỉnh đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong quá trình thực hiện; từ đó huy động hiệu quả sự đóng góp sức người, sức của trong nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh gần 3.400 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân đóng góp 843 tỷ đồng, chiếm 24,82%. Đến nay, Thái Bình có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 13,73% số xã trong tỉnh; đồng thời đã tiến hành thẩm định và hoàn thiện các thủ tục để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 cho 9 xã. Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” đang diễn ra sôi nổi, lan tỏa rộng khắp vào từng ngõ xóm, khu dân cư, mỗi hộ gia đình trên khắp các miền quê của Thái Bình. Những kết quả đó là động lực quan trọng để Thái Bình vững bước vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra: Đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 10% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 1 huyện trở lên được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao. PVLàng thanh niên “2 không, 2 có” góp sức trẻ xây dựng nông thôn mới
BTĐKT - Làng thanh niên "2 không, 2 có" ở Gia Lai là một trong những cách làm hay, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua mô hình, đoàn viên, thanh niên tỉnh Gia Lai đã góp phần tích cực cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn quỹ tự gây, thanh niên làng Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê) mua chiêng về luyện tập văn hóa, văn nghệ Mô hình Làng thanh niên “2 không, 2 có” do Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Gia Lai triển khai từ tháng 1/2019, với các tiêu chí: 2 không (không có thanh niên thất nghiệp; không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên được kiềm chế so với năm trước); 2 có (có đội nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có mô hình thanh niên phát triển kinh tế). Anh Đỗ Đức Thanh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” nhằm mục tiêu cụ thể hóa Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Do đó, việc lựa chọn 4 tiêu chí với 7 chỉ tiêu cụ thể của mô hình đều phù hợp với tiêu chí trong bộ tiêu chí về xây dựng làng nông thôn mới và sổ tay cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tổ chức khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến từ cơ sở, tham khảo các cơ quan, ban, ngành, những người có chuyên môn, kinh nghiệm và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trước khi triển khai thực hiện trong toàn tỉnh”. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 110 làng thanh niên “2 không, 2 có”, trong đó có 2 làng cấp tỉnh, 34 làng cấp huyện, 74 làng cấp xã. Thời gian qua, tổ chức hội các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền trực quan, giáo dục và hỗ trợ thanh niên. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 180 đợt tình nguyện tại các làng được chọn xây dựng làng thanh niên “2 không, 2 có”; thực hiện 174 công trình, phần việc thanh niên; xây dựng và duy trì hiệu quả 116 tuyến đường thanh niên tự quản. Đồng thời, tổ chức hội các cấp đã hỗ trợ 52 mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số… Từ khi triển khai đến nay, có 49 làng đã đạt 4 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn làng thanh niên “2 không, 2 có”; trong đó có 87 làng đạt tiêu chí “không có thanh niên thất nghiệp”; 107 làng đạt tiêu chí “không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên được kiềm chế so với năm trước”; 99 làng đạt tiêu chí “có đội nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, 102 làng đạt tiêu chí “có mô hình thanh niên phát triển kinh tế”. Nhiều làng từ khi ra mắt mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” tình hình an ninh, trật tự trong làng ổn định hơn, không xảy ra tệ nạn xã hội. Bộ mặt nông thôn của các làng có nhiều khởi sắc. Qua thực hiện mô hình, đa số thanh niên không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà đã tự lực vươn lên, biết sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước và sự hỗ trợ của các cấp bộ đoàn - hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Thanh niên đã chủ động đóng góp ngày công để gây quỹ hoạt động, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, hỗ trợ thanh niên yếu thế... góp phần giúp tổ chức duy trì các hoạt động và phong trào, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo được hình thành, nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng. Làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP Pleiku) là một trong hai làng đầu tiên được chọn thí điểm xây dựng mô hình Làng thanh niên “2 không, 2 có”. Hằng tháng, chi đoàn đều tổ chức sinh hoạt với chủ đề về tệ nạn xã hội và an toàn giao thông nhằm nhắc nhở thanh niên thực hiện tốt các quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Làng đã thành lập đội múa với 10 thành viên, thường xuyên giao lưu với các đơn vị bạn. Trong phát triển kinh tế, đoàn viên, thanh niên tích cực học hỏi các mô hình hiệu quả. Triển khai thực hiện mô hình, Chi đoàn làng Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê) đã mượn 1,4 ha đất từ quỹ đất trống của làng để trồng cây mì gây quỹ. Được sự vận động của tổ chức Đoàn, nhiều đoàn viên, thanh niên làng Keo tích cực góp công, góp sức để sản xuất trên mảnh đất này. Hằng năm, rẫy mì cho thu nhập đều đặn khoảng 25 triệu đồng. Từ số tiền thu được, Chi đoàn làng Keo dùng tổ chức sinh hoạt với các phong trào văn hóa, thể thao cho thanh niên. Năm 2021, Chi đoàn làng Keo mua bộ cồng chiêng hơn 40 triệu đồng để luyện tập, biểu diễn trong những dịp làng có việc cần; đồng thời mua 900 m2 đất trống trong làng đầu tư làm sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, lắp điện năng lượng mặt trời, tạo không gian vui chơi, sinh hoạt cho thanh thiếu nhi... Tại làng Bẹk (xã Ia Bă, huyện Ia Grai), Bí thư chi đoàn đứng ra nhận việc từ các hộ dân có nhu cầu thuê nhân công, rồi kêu gọi thanh niên cùng làm để gây quỹ hoạt động. Tiền quỹ mỗi năm khoảng 7 triệu đồng được chi đoàn, chi hội sử dụng vào việc tổ chức tiệc chia tay và mua quà tặng thanh niên của làng trước khi lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự; mua nước uống cho thanh niên khi tham gia giúp người dân di dời chuồng trại chăn nuôi; mua bóng và lưới duy trì phong trào thể dục thể thao; hỗ trợ quà cho đoàn viên, thanh niên khó khăn vào các dịp lễ, tết... Có thể thấy, mô hình Làng thanh niên "2 không, 2 có" đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong phong trào xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai. Qua triển khai, bộ mặt các buôn làng có nhiều khởi sắc. Đời sống tinh thần và vật chất của thanh niên ngày càng được cải thiện; việc chấp hành pháp luật và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo hơn. Vũ MinhTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- …
- sau ›
- cuối cùng »