Đổi mới ở huyện miền núi Nho Quan
09/12/2024 - 15:10

BTĐKT - Là một huyện miền núi với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, đến nay, 100% các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Phát huy những kết quả đã đạt được, huyện đang bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Nho Quan bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM với cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng nhỏ lẻ manh mún. Huyện có địa bàn rộng, địa hình đồi núi chia cắt, cư dân sống rải rác, cơ sở hạ tầng thấp kém, tập quán canh tác lạc hậu. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 14,86 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo tới 11,69%.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình trao Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Nho Quan

Hưởng ứng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Nho Quan đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; xây dựng lộ trình, hướng đi phù hợp với từng xã, với quyết tâm tạo sự chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các địa phương, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cấp, làm mới các tuyến đường giao thông, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu giao thương và sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Sau hơn 12 năm thực hiện chương trình, huyện đã huy động tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM đạt gần 9.000 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia chiếm hơn 14%. Đặc biệt, người dân đã hiến trên 74 ha đất và gần 266 nghìn ngày công lao động. Đến nay, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; hộ nghèo giảm còn 1,01%. Đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể.

Đến nay, 7/7 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 2/7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao là Cúc Phương và Văn Phương. Đây là điều kiện quan trọng để hướng đến phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách về thu nhập với vùng phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Diện mạo nông thôn mới thôn Xanh, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan

Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan khẳng định, sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo luồng sinh khí mới, làm "thay da, đổi thịt" khu vực nông thôn. Diện mạo nông thôn mới dần khởi sắc; cơ sở hạ tầng ngày một khang trang; kinh tế địa phương ngày càng được củng cố phát triển đi lên, cuộc sống người dân được cải thiện, nâng cao. Những thành quả trong xây dựng nông thôn mới đã và đang tạo bước chuyển tích cực trong đời sống người dân miền sơn cước. Đây cũng là động lực để Nho Quan không ngừng phát triển trong tương lai.

Nho Quan đang phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030 là huyện NTM nâng cao. Trước mắt, năm 2025, huyện đặt mục tiêu giá trị sản xuất đạt 140 triệu đồng/ha, thu nhập trên 75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1%...

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, huyện sec tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Huyện chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh theo chương trình OCOP, phát triển, nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, hướng đến trở thành miền quê đáng sống.

Minh Phương