Xây dựng nông thôn mới

Hải Phòng thêm một xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017

TĐKT - Xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng vừa được Chủ tịch UBND TP Hải Phòng ký Quyết định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017. Làm đường giao thông nông thôn ở xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng Đây là một trong 5 xã đăng ký về đích Nông thôn mới của huyện Vĩnh Bảo trong năm 2017 (5 xã bao gồm: Hiệp Hòa, Tân Hưng, Đồng Minh, Tiền Phong, Liên Am). Theo đó 4 xã còn lại cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, đang hoàn thiện hồ sơ để các cấp thẩm định trước khi trình thành phố quyết định công nhận. Đến nay, huyện Vĩnh Bảo có 8/29 xã về đích nông thôn mới là: Nhân Hòa, Tam Đa, Tân Liên, Hòa Bình, Cổ Am, Vĩnh Tiến, Vĩnh Long và Tân Hưng. Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ tiếp tục có 6 xã phấn đấu hoàn thành Nông thôn mới năm 2018 gồm: Cộng Hiền, Hưng Nhân, Thanh Lương, Vinh Quang, Lý Học và Trấn Dương. Huyện phấn đấu 29/29 xã về đích nông thôn mới trước năm 2020. Phương Hoa

Phúc Khoa cán đích nông thôn mới từ phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

TĐKT - Được chọn làm xã điểm của tỉnh để chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM), với xuất phát điểm ban đầu đạt 6/19 tiêu chí, đến nay, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Phúc Khoa trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện cán đích NTM. Xác định xây dựng NTM là xây dựng địa phương phát triển một cách tổng thể và bền vững, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là phải dựa vào sức dân, những năm qua, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, lần lượt hoàn thành từng tiêu chí NTM. Ngay khi được chọn làm xã điểm, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã vào cuộc quyết liệt, ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện các tiêu chí NTM giai đoạn 2011 -2015; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã, Ban phát triển bản. Đồng thời, tiến hành khảo sát, lập quy hoạch... triển khai thực hiện. Là địa phương có nhiều bà con là người các dân tộc cùng sinh sống (8 dân tộc), xã Phúc Khoa xác định công tác tuyên truyền, vận động cần đi trước một bước. Cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên tổ chức triển khai, quán triệt, học tập đầy đủ nội dung các văn bản hướng dẫn của trung ương, của tỉnh, của huyện về xây dựng NTM. Xã đã tổ chức 111 buổi tuyên truyền lồng ghép về NTM với tổng số 6.035 lượt người tham dự; đồng thời cử cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách thôn bản tham gia các lớp tập huấn. Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn toàn xã đã cơ bản nắm được mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp, quy trình các bước tiến hành trong xây dựng NTM. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hoàn toàn của Nhà nước, thay vào đó cán bộ, nhân dân trong xã đã xác định đúng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên đã chủ động, tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM ở địa phương. Đoàn công tác tham quan mô hình trồng ngô tại xã NTM Phúc Khoa Cùng với đó, xã nhanh chóng triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cụ thể là phát động mạnh mẽ đến cán bộ và nhân dân trong xã phong trào làm đường giao thông nông thôn. Nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất để mở rộng mặt đường theo quy hoạch và đề án đã được duyệt. Đặc biệt năm 2012, nhân dân trên địa bàn xã đã hiến 2.382 m2 đất,  trị giá khoảng 767 triệu đồng, để thực hiện bê tông hóa 1,588 km đường giao thông nội bản. Năm 2013, nhân dân hiến 242,48 m2 đất, trị giá khoảng 6,3 triệu đồng, tiếp tục hoàn thiện thêm 1,296 km đường giao thông nội bản. Là vùng đất nông nghiệp, do đó, công tác thủy lợi luôn được xã chú trọng phát triển. Các công trình thủy lợi thường xuyên được tập trung cải tạo, nâng cấp. Đến nay, trên địa bàn xã cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất, dân sinh. Các trường học trên địa bàn cơ bản được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Đến nay 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia. Nhà văn hóa xã, các bản được đầu tư xây dựng khang trang, đảm bảo cho nhân dân các bản tổ chức các hoạt động tập thể, quần chúng.  Bên cạnh đó, UBND xã quan tâm đến công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Cụ thể, xã đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân đẩy mạnh phong trào thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Sản xuất lương thực hàng hóa được nhân dân hưởng ứng, thực hiện hiệu quả. Xã đã phát triển vùng chè nguyên liệu; đồng thời tăng cường chăm sóc diện tích chè trồng mới; kết hợp chuyển đổi phương thức chăn nuôi đại gia súc; phát triển nuôi trồng thủy sản… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong xã đã tăng lên rõ rệt, đạt 22 triệu đồng/người/năm. Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, xã Phúc Khoa duy trì phòng khám đạt chuẩn quốc gia, rà soát cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em, đồng bào dân tộc, đồng thời vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế. Đến nay xã đã đạt tiêu chí về y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ y tế được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân từng bước được cải thiện, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế ở tuyến trên. Ngoài ra, những năm qua, xã Phúc Khoa đã chỉ đạo, huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng với nhân dân tổ chức khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đào hố chứa rác thải và thu gom rác thải. Ý thức bảo vệ môi trường sống trong nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 9/9 thôn bản trên địa bàn xã có công trình nước sinh hoạt, đạt 100%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97%. Đặc biệt, dù có nhiều dân tộc cùng chung sống nhưng trong những năm qua trên địa bàn xã không có tổ chức, cá nhân nào hoạt động chống phá Đảng, chính quyền, phá hoại kinh tế hay khiếu kiện đông người kéo dài. Các bản ổn định, không còn hộ di cư tự do ra khỏi địa bàn; không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội tệ nạn xã hội. Đến nay 100% số bản được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự. Hàng năm Công an xã đều được công nhận đạt danh hiệu "đơn vị tiên tiến" trở lên. Với những nỗ lực đó, xã Phúc Khoa đã vinh dự được UBND tỉnh Lai Châu công nhận xã đạt chuẩn “Nông thôn mới” năm 2015; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, Cờ thi đua có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM. Thục Anh

Xã Tượng Sơn (Hà Tĩnh) dần cán đích nông thôn mới kiểu mẫu

TĐKT – Được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, hiện nay, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang tiếp tục chủ động triển khai thực hiện quyết liệt việc nâng cấp các tiêu chí một cách đồng bộ; phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2017. Tượng Sơn là địa bàn phụ cận TP Hà Tĩnh, giáp ranh với nhiều xã, thuận lợi nhiều song thách thức cũng không nhỏ, nhất là thiên tai, dịch bệnh, giá cả biến động tăng cao, đặc biệt là chính sách cắt giảm đầu tư công và nhiều yếu tố khó khăn khác. Nhưng với sự đồng tâm, hợp lực, sự đồng lòng, nhất trí của toàn thể nhân dân, xã Tượng Sơn quyết tâm thực hiện thành công khung kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã đã chủ động, sáng tạo, có những quyết sách đột phá quyết liệt, bám sát khung kế hoạch, dựa trên 6 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của người dân tại xã Tượng Sơn được nâng lên nhờ phát triển mô hình vườn mẫu Chủ tịch UBND xã Dương Kim Huy khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay, Tượng Sơn khẳng định đã và đang nâng cấp các tiêu chí đã đạt một cách mạnh mẽ, có tính bền vững, là một trong những xã đứng đầu phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đã được đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 113 đoàn trong và ngoài nước đến tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.” Đặc biệt, các tiêu chí đã được công nhận vào cuối năm 2015, bước sang năm 2016, 2017 tiếp tục được xã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nâng cấp, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, Ban chỉ đạo nông thôn mới huyện và tỉnh đánh giá cao. Khắc phục muôn vàn khó khăn, xã đã kiểm soát được nguồn lực, cân đối nguồn trả nợ và tiếp tục đầu tư nâng cấp các tiêu chí, nhất là xây dựng khu dân cư kiểu mẫu thứ 2 một cách phù hợp và có hiệu quả cao. Đồng thời, xã đã kiểm soát chặt chẽ nguồn thu ngân sách trên địa bàn; xác định lộ trình và hướng đi phù hợp; nhất là quan tâm công tác tuyên truyền vận động nhân dân chung tay, góp sức, đồng tâm, hợp lực, quyết tâm thực hiện thành công khung kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đường làng, ngõ xóm xã Tượng Sơn đã được bê tông, kiên cố hóa toàn bộ Với khẩu hiệu thực hiện “Đường có hoa, nhà có số, cơ sở hạ tầng kiên cố, cán bộ được nâng tầm, nhân dân đồng thuận”, các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu đã và đang được chính quyền và nhân dân xã triển khai đồng loạt, sôi nổi, đạt hiệu quả cao. Tiêu biểu: phong trào làm đường giao thông nông thôn, phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; phong trào phát triển sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập, tính đến nay, xã đã mở được 36 lớp đào tạo, tập huấn, với 1.340 lượt người tham gia về các chuyên đề: hạch toán kinh tế nông hộ, kỹ thuật sản xuất rau, củ, quả trái vụ, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Công tác phá bỏ vườn tạp, chỉnh trang, cải tạo vườn được triển khai trên diện rộng với số lượng 536 vườn; trồng mới 4.000 cây ăn quả các loại tại thôn Sâm Lộc, Thượng Phú, Đoài Phú, Hòa Mỹ và Phú Sơn. Đồng thời, xây dựng mới 11 mô hình phát triển sản xuất, trên tổng số 99 mô hình phát triển kinh tế vừa và nhỏ trong toàn xã; nâng giá trị thu nhập bình quân đầu người từ 29,8 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2015 lên 33 triệu đồng/người/năm vào tháng 10 năm 2017. Trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xã tập trung đi vào nâng cao chất lượng từng hạng mục. Thời gian qua, đã làm mới được 11,6 km đường bê tông; mở rộng nền đường, xây bờ kè đường trục xã, trục thôn, lát gạch bờ lốc vỉa hè, làm mới được 8,5 km bồn cây xanh và 120.000 cây hàng rào xanh, 3.200 cây bóng mát trên các trục đường thôn, xóm, tạo tuyến đường xanh thân thiện với môi trường; làm mới 70 biển báo giao thông đạt quy chuẩn trên các trục đường của xã, thôn; làm mới 6,3 km rãnh thoát nước các khu dân cư; xây dựng mới 5 cổng làng vào các khu dân cư. Đến nay, 7/7 làng đã có cổng làng văn hóa thôn. Ông Dương Kim Huy cho biết: tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã huy động lực lượng công đoàn và nhân dân tham gia xây dựng NTM với tổng số đợt ra quân 245 đợt, với 3.235 ngày công huy động. Lực lượng công đoàn xã đã tham gia tích cực vào các ngày thứ 4 và thứ 7 để giúp những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình già cả, neo đơn phá bỏ vườn tạp, làm đường giao thông, xây bờ rào xanh, bồn cây xanh, xây dựng vườn mẫu trên địa bàn xã. Nhân dân hiến 2.350 m2 đất, chủ yếu đất sản xuất nông nghiệp và đất ở để mở rộng đường giao thông liên thôn, đường nội đồng. Đến nay, bộ mặt xã Tượng Sơn nhiều thay đổi rõ rệt: có 6/7 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có 1 khu dân cư kiểu mẫu tiêu biểu. 7/7 thôn đã có trung tâm văn hóa xã khang trang, đảm bảo cho cộng đồng dân cư sinh hoạt; 92% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã Tượng Sơn trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, năm 2016 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tặng Bằng khen cho xã. Thục Anh

Xã Yên Lễ và Hóa Quỳ (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) về đích nông thôn mới

TĐKT - Ngày 9/11, Đoàn thẩm định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) tỉnh Thanh Hóa tổ chức thẩm định xét, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017 cho hai xã Yên Lễ và Hóa Quỳ, huyện Như Xuân. Bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cả 2 xã Yên Lễ và Hóa Quỳ đều có xuất phát điểm thấp. Để thực hiện thành công chương trình này, những năm qua, cả 2 xã đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, mục tiêu, nội dung, ý nghĩa và các chính sách về xây dựng NTM; phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để xây dựng, cải tạo nhiều hạng mục công trình nhằm nâng cao đời sống nhân dân và thay đổi diện mạo nông thôn. Đẩy mạnh công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân… Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp, nên đến nay cả 2 xã đã đạt 19/19 tiêu chí. Đáng chú ý, tuy là các xã miền núi, song quá trình xây dựng NTM không còn nợ xây dựng cơ bản, bình quân thu nhập đầu người đạt tương đối cao, tỷ lệ hộ nghèo thấp.   Đoàn thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM tỉnh thăm mô hình sản xuất tại xã Yên Lễ. Căn cứ báo cáo thẩm tra của UBND huyện Như Xuân về kết quả thực hiện 19 tiêu chí đối với 2 xã, báo cáo thẩm định của các ngành được giao phụ trách tiêu chí NTM và kết quả kiểm tra thực tế, Đoàn thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM tỉnh thống nhất cả 2 xã Yên Lễ và Hóa Quỳ có 19/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM.   Đoàn thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM tỉnh thăm khu trang trại tổng hợp tại xã Hóa Quỳ. Kết quả này là cơ sở để Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh tổng hợp, báo cáo hội đồng thẩm định tỉnh xem xét, bỏ phiếu, trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận các xã này đạt chuẩn NTM năm 2017.            Hương Thơm

Xã Nhơn Lộc “tăng tốc” để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu

TĐKT - Năm 2014 xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí. Bên cạnh việc duy trì các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, từ năm 2015 đến nay xã Nhơn Lộc tiếp tục từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn của xã theo hướng đô thị hóa. Phấn đấu xây dựng xã Nhơn Lộc sớm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. Nhơn Lộc là một trong 15 đơn vị hành chính cấp xã, nằm về phía Tây của thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Toàn xã có 1.228ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp trên 865ha, đất phi nông nghiệp 288ha; xã có 6 thôn, với 2.607 hộ và 9.944 nhân khẩu. Từ một xã thuần nông, đến nay, bộ mặt nông thôn của Nhơn Lộc đã đổi thay đáng kể. Bên cạnh những con đường mới được nâng cấp, mở rộng, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, tô thêm mảng màu tươi sáng của địa phương. Mô hình thắp sáng làng quê được thực hiện và duy trì, giúp sinh hoạt của người dân thuận lợi. Mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt hơn, không còn tình trạng gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản như trước. Bộ máy chính quyền ngày càng vững mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công cuộc xây dựng nông thôn mới dường như đã thổi luồng sinh khí mới, mang lại niềm vui cho người dân khi đời sống được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Xây dựng đường giao thông ngõ xóm tại thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định. Từ năm 2015 đến nay xã Nhơn Lộc tiếp tục từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn của xã theo hướng đô thị hóa; phấn đấu xây dựng xã Nhơn Lộc trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. Các lĩnh vực mà xã đang tập trung đầu tư, xây dựng: giao thông, thủy lợi, chỉnh trang bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân... Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2015 - 2017 thực hiện 24,117 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ 3,905 tỷ đồng, ngân sách thị xã hỗ trợ 1,089 tỷ đồng, ngân sách xã đầu tư 18,141 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 981 triệu đồng. Trên lĩnh vực giao thông, từ năm 2015 đến năm 2017, xã Nhơn Lộc đã tiếp tục đầu tư kinh phí để bê tông hóa 52 tuyến đường ngõ hẻm, nội xóm, nội đồng với chiều dài trên 12 km, nâng tổng số được bê tông hóa lên 22,5 km. Ngoài ra, tiếp tục cứng hóa các tuyến đường còn lại để đủ điều kiện bê tông hóa cho những năm tiếp theo. Đáng chú ý trên lĩnh vực này có 144 hộ dân tự nguyện hiến đất mở đường, với diện tích 3.626 m2 (trong đó đất vườn nhà 1.626 m2, đất ruộng giao quyền 2.000 m2), tương đương với số tiền nhân dân tự nguyện đóng góp là 127 triệu đồng. Trên lĩnh vực thủy lợi, xã tiếp tục thực hiện kiên cố hóa kênh nội đồng do xã quản lý. Do đó, từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã thực hiện bê tông kênh mương với chiều dài trên 2km, nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới đến nay 18/18km, đạt 100%. Tổng kinh phí thực hiện ở giai đoạn này là 1,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương đảm bảo 924 triệu đồng, đạt 65,53%. Ngoài ra, xã tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục cải thiện hơn nữa bộ mặt nông thôn với tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn này trên 16,4 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương, các công trình được xây dựng hoàn thành: Nhà làm việc Ban Chỉ huy Quân sự xã, kinh phí đầu tư 2,430 triệu đồng; Công viên trung tâm xã, kinh phí đầu tư 4,2 tỷ đồng; nâng cấp các hạng mục của Nghĩa trang Liệt sĩ xã, kinh phí đầu tư 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã tiếp tục mở rộng nền đường, xây dựng hệ thống thoát nước thải và bó vỉa 4 tuyến đường trung tâm xã, với chiều dài gần 3,1 km. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 865 ha, trong đó diện tích sản xuất lúa là 660 ha, số diện tích còn lại dùng để trồng các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cỏ chăn nuôi. Hai hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn xã đã duy trì, mở rộng có hiệu quả 5 cánh đồng mẫu lớn, với diện tích 370 ha để chuyên sản xuất lúa giống, kết hợp với Tổ Hợp tác sản xuất lúa giống thôn Đông Lâm. Do đó năng suất, sản lượng lúa giống ở các mô hình này tăng đột biến, tăng trung bình từ 7 – 10 tạ/ha so với ruộng ngoài mô hình. Lượng giống xuất bán trung bình gần 1.500 tấn/năm, nông dân thu lợi nhuận gần 3,5 tỷ đồng. Trong chăn nuôi, xã chú trọng duy trì và phát triển mạnh về số lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra ở đàn gia súc và gia cầm. UBND xã đã đứng ra bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất và tín chấp từ Quỹ Tín dụng nhân dân Nhơn Lộc để nhân dân được vay vốn phát triển sản xuất, tái đàn hoặc nuôi mới. Tổng nguồn vốn nhân dân được vay trên 10 tỷ đồng, trong đó xã đã hỗ trợ 250 triệu đồng lãi suất cho nông dân. Duy trì 4 nhóm chăn nuôi bò cùng sở thích, thu hút gần 100 hộ dân tham gia. Sản phẩm thịt xuất bán cao, nhân dân thu được lợi nhuận đáng kể. Việc phát triển 3 làng nghề truyền thống trên địa bàn xã là rượu Bàu Đá (Cù Lâm), tráng bánh (Trường Cửu), đan nát (Đông Lâm) cũng được địa phương hết sức quan tâm. Bằng hình thức tín chấp, hỗ trợ lãi suất để nhân dân được vay vốn, nhân dân các làng nghề có điều kiện để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhà chế biến sản phẩm đảm bảo đạt chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Thương hiệu sản phẩm từng bước được khẳng định. Có thể nói, với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và kịp thời của địa phương, do đó đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt gần 35 triệu đồng/người/năm, tăng so với thời điểm cuối năm 2014 là 8,7 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất hàng năm tăng trung bình 12,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp tăng bình quân 7,95%, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 15,8%,  thương mại – dịch vụ tăng bình quân 17,5%. Đời sống của người dân có sự thay đổi đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 4,5%. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư xây dựng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã đáp ứng tốt nhu cầu đời sống tinh thần nhân dân. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm, cơ sở vật chất được đầu tư và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; giữ vững phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 100%; 4/4 trường học tiếp tục duy trì chuẩn Quốc gia. Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng được quan tâm đúng mức… Đến nay, xã tiếp tục duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 85%; tỷ suất sinh giảm còn 0,4%o/năm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 11,4%. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo người có công, các đối tượng chính sách và giải quyết việc làm... nhất là tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực… Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, xã Nhơn Lộc vinh dự được Trung ương khen thưởng xứng đáng: Cờ thi đua của Chính phủ các năm 2012, 2013, 2016; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 về chuyên đề xây dựng nông thôn mới; Huân chương Lao động Hạng Nhất giai đoạn 2010 – 2014. Hưng Vũ  

Trung Thành: Dồn sức để cán đích nông thôn mới

TĐKT - Là một xã nghèo của thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) với xuất phát điểm thấp, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cùng hướng chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo xã, sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), Trung Thành đã đạt 16/19 tiêu chí.  Xã quyết tâm cuối năm 2017 sẽ hoàn thành 3 tiêu chí còn lại. Triển khai chương trình xây dựng NTM trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Trung Thành tập trung theo hướng phát triển bền vững, có trọng điểm, trong đó lấy phát triển sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm, đầu tư xây dựng hạ tầng là động lực cho phát triển. Xã đã huy động lồng ghép các nguồn vốn, tập trung phát triển sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao mức sống, thu nhập cho nông dân; chỉ đạo xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất gắn với hiệu quả và nguồn vốn của người sản xuất. Cùng với đó, xã chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất. Ông Đàm Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: các giải pháp trong xây dựng NTM được Trung Thành chú trọng là đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng NTM; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Nông dân tự lực sáng tạo trong xây dựng NTM”, “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng NTM”, “Thắp sáng đường quê”, “5 không, 3 sạch”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”... Đồng thời, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã cũng đẩy mạnh việc huy động nhiều nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, phát triển sản xuất. Trong 5 năm, xã đã huy động được trên 35 tỷ đồng từ các nguồn vốn để tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp trên 29,6 tỷ đồng. Xác định phát triển kinh tế là “đòn bẩy” trong thực hiện phong trào xây dựng NTM, chính quyền xã luôn quan tâm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và tiến tới thoát nghèo bền vững. Xã đã tranh thủ các nguồn vốn lãi suất thấp để hộ nghèo phát triển mô hình kinh tế phù hợp, hướng dẫn cách làm ăn thông qua các lớp dạy nghề ngắn hạn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất: mở rộng diện tích lúa lai, lúa cao sản, lúa thuần chất lượng cao; hình thành và phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao tại xóm Thanh Hoa; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn thịt, gà sinh sản… Nhờ chính sách hỗ trợ, đời sống của nhân dân trong xã đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân xã năm 2016 đạt 33 triệu đồng/người/năm (tăng 45,4% so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%... Người dân Trung Thành tham gia làm giao thông nội đồng Bên cạnh đó, nhận thức giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết với các vùng, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, Trung Thành đã huy động nguồn lực, sức dân từng bước bê tông hoá đường làng, ngõ xóm. Xã đã xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể về phát triển giao thông nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Trung Thành đã xây dựng quỹ giao thông, huy động sức dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức phong phú. Sau hơn 5 năm, người dân trong xã tham gia hiến trên 11.800 m2 đất, tháo dỡ gần 4.500 m tường rào và công trình phụ, huy động hơn 2.000 ngày công để mở rộng, kiên cố hóa các tuyến đường giao thông. Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, người dân trong xã đã chủ động giải phóng hành lang trên 6.000 m đường, hiến trên 3.500 m2 đất các loại. Toàn bộ các xóm có kế hoạch làm mới hoặc mở rộng đường giao thông nông thôn, người dân đã hoàn thành việc đóng góp đối ứng. Với 16 tiêu chí đã hoàn thành, hiện tại, Đảng bộ và nhân dân xã Trung Thành đang dốc sức hoàn thành 3 tiêu chí còn lại: giao thông, cơ sơ vật chất văn hóa và môi trường. Đối với tiêu chí giao thông, xã đang tiến hành thi công 4 km trục đường liên xã, 6,56 km đường trục xóm và 4,9 km đường ngõ xóm. Dự kiến các tuyến đường sẽ hoàn thành trong tháng 9/2017. Với tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá, tính đến cuối năm 2016, xã Trung Thành mới có 3/14 nhà văn hoá xóm đạt chuẩn. Tuy nhiên, nhờ có sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, hiện xã đã hoàn thành xây mới 3 nhà văn hoá và sửa chữa 2 nhà văn hóa. Từ nay đến cuối năm, xã sẽ tiếp tục sửa chữa và xây mới 6 nhà văn hóa xóm còn lại và hoàn thành việc thi công Trung tâm Văn hóa Thể thao của xã. Về tiêu chí môi trường, ông Thao cho biết: hiện nay xã có 92,2% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Những hộ chăn nuôi đều xây dựng hầm Bioga để bảo vệ môi trường. Công tác thu gom và xử lý rác thải trong sinh hoạt và rác thải chăn nuôi được chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Xã cũng đã thành lập hợp tác xã thu gom rác thải Trung Thành và đang hoạt động hiệu quả. Để hoàn thiện tiêu chí môi trường, xã đang chỉ đạo xây dựng 28 điểm thu gom rác thải đặt tại các xóm. Với sự nhất trí, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tin rằng cuối năm 2017 Trung Thành sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Bảo Linh

Kinh Môn – huyện đầu tiên của tỉnh Hải Dương đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Ngày 7/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã ký Quyết định công nhận huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) năm 2017. Nhà văn hóa xã NTM Thái Thịnh (huyện Kinh Môn) Trong 6 năm (2011 - 2017), huyện đã đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí NTM, trong đó có gần 700 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, còn lại chủ yếu là vốn tín dụng và nhân dân tự đầu tư phát triển sản xuất. Toàn bộ nguồn vốn huy động đều được huyện quản lý sử dụng đúng nguyên tắc, mục đích, không xảy ra thắc mắc, khiếu kiện. Theo đó, tính tới giữa năm 2017, tất cả các xã thuộc huyện Kinh Môn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia NTM. Đối với huyện Kinh Môn cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Điểm nhấn của huyện là 25/25 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020. Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện đa khoa Nhị Chiểu (khu vực) được xếp hạng III. Công tác bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho người dân được quan tâm kịp thời. Kinh Môn đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, kết nối với doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu ổn định từ 10% sản lượng nông sản trở lên. Trong đó, có những vùng nuôi, trồng cây con đặc sản đạt hiệu quả kinh tế rất cao như, vùng thâm canh cây tỏi 3.500ha, giá trị sản lượng đạt 180 triệu đồng/ha/vụ, vùng trồng sắn dây 350ha, vùng lúa nếp cái hoa vàng 300ha, và các vùng nuôi ba ba, đà điểu, cá chép giòn... Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng/năm. Với những thành tích trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã ký Quyết định công nhận huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2017. Minh Phương

Trà Vinh hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

TĐKT - UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định dành gần 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của năm 2016 và năm 2017 để đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm. Nghề sản xuất bánh, hủ tiếu ở Trà Vinh thu hút nhiều lao động nữ nông thôn theo học để tự tạo việc làm tại gia. Theo đó, 755 lao động nông thôn sẽ được trang bị những kiến thức nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Học viên tham gia chương trình được hỗ trợ chi phí đào tạo, mua tài liệu, nguyên vật liệu học nghề và được hỗ trợ tiền ăn. Giai đoạn 2015 - 2017, Trà Vinh đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo cho gần 45.000 lao động; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ đào tạo hơn 9.400 lao động, số còn lại được đào tạo từ nguồn xã hội hóa thông qua doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất… Thực hiện Đề án 1956 của tỉnh về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2015 đến nay, các cơ sở trong tỉnh đã đào tạo kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp cho hơn 8.000 lao động và hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp cho gần 3.000 lao động. Trong số này, 76% học viên học nghề nông nghiệp được đánh giá đạt hiệu quả sau đào tạo, các kiến thức được áp dụng vào sản xuất giúp cải thiện năng suất, tăng thu nhập đáng kể và hơn 74% lao động học nghề phi nông nghiệp có việc làm ổn định sau đào tạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất đã truyền nghề cho hơn 37.000 lượt lao động. Nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả cao, nổi bật là các mô hình dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm tại huyện Cầu Ngang, Cầu Kè; mô hình dạy nghề trồng rau màu dưới đồng ruộng tại xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành; mô hình dạy nghề xây dựng và mô hình doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng, kèm cặp nghề, tập nghề cho lao động. Trà Vinh hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; trong đó 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đăng ký tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của tỉnh. Phương Linh

Ông Hai Thành tình nguyện xây cầu dân sinh

TĐKT – Ông Hai Thành tình nguyện bỏ ra cả trăm triệu đồng để xây cầu cho thôn xóm trong khi thu nhập hàng ngày của gia đình chỉ tính từng cân gạo, ký sắn… Đó là câu chuyện mà nhiều người vẫn luôn nhắc đến khi đi qua cây cầu Vườn Bộng bắc qua địa phận 2 xóm Thọ Phú Nam và Thọ Phước, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xã Nhơn Thọ vào thời điểm học sinh tan học trở nên nhộn nhịp hẳn lên bởi những tiếng cười nói vui vẻ của các cô cậu học sinh sau giờ tan trường. Chúng đang vừa đạp xe băng băng qua cây cầu Vườn Bồng, vừa tán chuyện với nhau rất sôi nổi. Cảnh tượng đó có lẽ đối với mọi người sẽ chẳng có gì đặc biệt, nhưng với ông Lê Văn Thành lại là niềm vui sướng, hạnh phúc trong tâm. Ông bảo, kể từ khi cầu Vườn Bồng được dựng nên, ông đi làm ruộng không phải chứng kiến và lo lắng cảnh bọn trẻ đi học cực khổ qua cây cầu tre lắc lẻo; có đứa không may trượt chân rơi tõm xuống suối nước, nguy hiểm lắm. Ông Thành bên cây cầu do mình tích góp tiền bạc cả đời để xây dựng Trước đây, giữa xóm Thọ Phú Nam và xóm Thọ Phước thuộc thôn Thọ Lộc 1 có một con kênh chia cắt (chiều rộng khoảng 7 mét và chiều sâu gần 2 mét). Từ bao đời nay, nhân dân 2 xóm đều góp tiền và công sức để xây dựng cầu tre tạm bợ. Tuy vậy, hàng ngày, nông dân chăn thả gia súc, vận chuyển nông sản đi lại rất khó khăn. Nhất là vào mùa thu hoạch không thể vận chuyển lúa qua cây cầu tre này bằng xe cơ giới, phải gánh từng gánh lúa rất cực khổ. Vào mùa mưa, nước chảy xiết khiến việc đi qua cầu tre rất nguy hiểm. Các cháu nhỏ đi học phải có người lớn cõng qua; nếu không thường sẽ bị rớt xuống suối, gây nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi lần lũ về thường cuốn trôi luôn chiếc cầu tre ấy, bà con đành phải chờ lũ rút mới làm lại cầu để đi.   Do đó, nhân dân nơi đây luôn khát khao, mong mỏi xây dựng được cầu kiên cố tạo điều kiện để phát triển hàng hóa giữa 2 xóm nói riêng và nhân dân trong xã nói chung được thuận lợi; con em được đi học bình thường như bao trẻ khác. Tuy nhiên, ngân sách của địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên mong ước đó vẫn chỉ dừng lại ở cây cầu tre lắc lẻo. Dù là một người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng hằng ngày ông Lê Văn Thành làm ruộng ở khu vực gần cầu, phải liên tục chứng kiến cảnh bất tiện đó nên cảm thấy không an tâm. Ông nghĩ, mình cần phải có trách nhiệm với vấn đề này. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình ông cũng còn nhiều mối lo toan. Ngôi nhà đang ở của gia đình ông  được xây từ năm 1998, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Ông bảo, phải xây dựng 3 lần mới nên căn nhà rộng 90 m2 ấy, nhưng ngôi nhà chỉ được làm từ 120 bao xi măng, còn lại toàn vôi, vữa. Nhà xây xong, 3 năm sau mới trát được tường vì hết kinh phí. Khi ấy, chất lượng gạch dùng xây nhà cũng kém, nên bây giờ mảng tường bên trái đã bóc lớp vữa, lớp gạch bên trong lộ ra ngoài, gạch cũng không còn nguyên vẹn, đã bục, chỉ cần lấy ngón tay chọc vào là thủng, vỡ. Sau hơn 30 năm vừa làm thợ nề, vừa làm nông, chăn nuôi, ông Thành đã tích lũy được gần 110 triệu đồng, nhiều đêm ông nghĩ sẽ dùng số tiền trên để sửa sang lại nhà cửa. Nhưng chứng kiến cảnh bất tiện của nhân dân, ông đã bàn bạc với gia đình và quyết định xin phép chính quyền cho xây cầu bê tông bắc qua hai xóm, còn nhà xuống cấp sau này tích góp được sẽ tính sau. Nghĩ là làm, ông Thành đã gặp gỡ chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các hộ dân trong thôn để bàn bạc, quyết tâm xây dựng cầu. Ông đến các gia đình 2 xóm gặp gỡ, trao đổi, vận động người dân trong thôn góp tiền, công sức để xây dựng. Khi nhân dân đã đồng thuận cao, ông cùng Ban điều hành thôn trực tiếp báo cáo và xin ý kiến chính quyền địa phương để xây dựng cây cầu Vườn Bộng nối liền giữa xóm Thọ Phú Nam và xóm Thọ Phước. Sau khi được sự cho phép của chính quyền địa phương ông và Ban thôn đã tham mưu UBND xã nhờ đơn vị có tư cách pháp nhân là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Thiên Phát lập giúp thiết kế không thu tiền, dự toán với tổng kinh phí 157.646.000 đồng. Sau khi có dự toán thiết kế ông cùng với thôn, xóm đã vận động nhân dân hai xóm đóng góp tiền và ngày công. Nhân dân 2 xóm đóng góp được 1.550.000 đồng, hơn 150 ngày công lao động cùng các dụng cụ thi công, 110 gốc tre, UBND xã đã đầu tư 4 dầm sắt chữ I mỗi cây dài 6 mét, số tiền còn lại 90 triệu đồng do chính gia đình ông tự nguyện đóng góp. Trong quá trình thi công, ông đề nghị thành lập ban giám sát công trình, huy động con em hai xóm có chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật xây dựng tham gia và nhờ UBND xã phân công cán bộ giám sát thi công theo dõi theo đúng thiết kế, bản vẽ. Đến năm 2016 cây cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chịu lực theo đường bê tông tải trọng 10 tấn, chiều dài cầu 6 mét, chiều rộng 3,5 mét để giúp bà con hai xóm đi lại chăn thả gia súc, vận chuyển nông sản góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Cầu Vườn Bộng hoàn thành, bà con 2 xóm và cả thôn Lộc Thọ 1 cũng như nhân dân xã Nhơn Thọ vui mừng, hạnh phúc. Học sinh trong làng vừa đạp xe đạp qua cầu vừa kêu “cầu ông Hai Thành”. Việc làm, hành động của ông Thành và gia đình đã được cán bộ và nhân dân thôn, xã ghi nhận. Ông được bình bầu là cá nhân xuất sắc tiêu biểu đi đầu trong thôn về tích cực tuyên truyền, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông hàng năm liên tục được công nhận gia đình văn hóa xuất sắc. Năm 2016, ông được UBND xã Nhơn Thọ và UBND thị xã An Nhơn tặng Giấy khen về phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, được Thị ủy An Nhơn tặng Giấy khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; năm 2017 được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Từ những điển hình tiên tiến như ông Thành mà phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở xã Nhơn Thọ và thị xã An Nhơn đã đạt được những kết quả cao, nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng, làm theo. Bộ mặt nông thôn quê hương ông đã thay đổi, từ những con đường chưa được bê tông hóa đến nay đã được bê tông hóa, đường làng, ngõ xóm trong thôn không còn đường đất, đặc biệt là chiếc cầu Vườn Bộng nối liền giữa xóm Thọ Phú Nam và xóm Thọ Phước đã được kiên cố hóa tạo điều kiện để phục vụ dân sinh. Đến cuối năm 2016 xã Nhơn Thọ vinh dự được UBND tỉnh Bình Định công nhận về đích xây dựng nông thôn mới. Mai Thảo  

Nữ cán bộ nhiệt huyết với phong trào xây dựng nông thôn mới

TĐKT – Công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình từ năm 2002, từ một cán bộ hội cho đến khi làm công tác quản lý, đến nay chị Võ Thị Thanh Thủy (sinh năm 1978), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lệ Thuỷ  đã 15 năm gắn bó và có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào thi đua và công tác Hội Phụ nữ. Đặc biệt, chị là một trong những hạt nhân quan trọng góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương nhanh chóng “cán đích”. Là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, chị luôn năng động nhiệt tình trong công tác. Năm 2011, chị được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện. Đây cũng là thời điểm Thủ tướng phát động phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.  Với vai trò là người trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về phong trào hoạt động của Hội Phụ nữ trong toàn huyện, chị nhận thức sâu sắc rằng: xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, vai trò của các đoàn thể là rất lớn, phụ nữ chiếm hơn 60% lao động ở nông thôn, do đó sự đóng góp của các tầng lớp phụ nữ có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện chương trình NTM.  Vì vậy, chị đã chủ động tham mưu cho Ban thường vụ Hội xây dựng, triển khai chương trình xây dựng NTM đến toàn thể hội viên thông qua nhiều hoạt động thiết thực gắn với các phong trào thi đua của Hội phụ nữ. Xác định được việc tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng cuộc vận động “5 không, 3 sạch” sẽ góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí NTM (cụ thể là các tiêu chí 2, 9,10,11,14,15,16,17,19), trong những năm qua, chị cùng với tập thể Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã triển khai các hoạt động thiết thực, thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ, tạo động lực cho chị em cống hiến và phát huy năng lực tổ chức của tổ chức Hội cơ sở. Tiêu biểu: tổ chức hội thi “Phụ nữ Lệ Thủy chung tay xây dựng nông thôn mới” cho đội ngũ cán bộ Hội; chú trọng tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, xây dựng chuyên mục phụ nữ Lệ Thủy phát sóng định kỳ hàng tháng, biểu dương các mô hình dân vận khéo tại cơ sở… Thông qua công tác tuyên truyền vận động, cán bộ, hội viên đã tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM với những việc làm thiết thực, hiệu quả gắn với xây dựng các mô hình dân vận khéo của Hội.  Bên cạnh đó, trên cơ sở nhận thức sâu sắc việc phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo vừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho phụ nữ, vừa là việc làm có tác động lớn đến các tiêu chí 10 về thu nhập, tiêu chí 11 về hộ nghèo và tiêu chí 12 về lao động có việc làm, chị Thủy đã tham mưu cho Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo, gắn việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm của huyện. Chủ động phối hợp với Phòng nông nghiệp, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật, tranh thủ các chương trình dự án… tổ chức được các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng chế biến thủy hải sản….; các lớp đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ. Mặt khác, chị Thủy chủ động triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền khác nhau: phổ biến kinh nghiệm thông qua hình thức tổ chức Hội nghị biểu dương các điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, động viên chị em ứng dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, khôi phục nghề truyền thống; thành lập các tổ hợp sản xuất kinh doanh như  khoai gieo, chế biến thủy sản… . Để góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của toàn huyện, chị trực tiếp chỉ đạo các cấp Hội vận động cán bộ, hội viên xây dựng các mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác hết tiềm năng của từng vùng miền. Cùng với đó, các cấp Hội  hỗ trợ vốn, tư vấn kiến thức, kỹ thuật... tạo điều kiện cho chị em mạnh dạn đầu tư sản xuất. Đến nay tổng số mô hình toàn huyện là 1.518 mô hình sản xuất giỏi, trong đó có 763 mô hình có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Đáng quý ở chị Thủy là luôn chủ động tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các chương trình dự án của UBND huyện để thúc đẩy vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng NTM. Điển hình, trong thực hiện tiêu chí về môi trường, cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã tích cực vận động các hộ gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh của chương trình dự án Choba tại 15 xã, tập trung ưu tiên cho các xã thực hiện nông thôn mới. Kết quả, đến nay, trên địa bàn huyện đã hoàn thành và phát thưởng 5.282 công trình, với số tiền 3,5 tỷ đồng, nâng tỷ lệ hộ dân có nhà vệ sinh tự hủy toàn huyện lên 68%. Năm 2017, sau khi được UBND huyện mời tham quan phong trào NTM kiểu mẫu tại Hà Tĩnh, chị Thủy cùng với Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch và trình UBND huyện xin chủ trương và kinh phí thực hiện các đoạn đường nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả trong dịp kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội phụ nữ đã tổ chức phát động 3 đoạn đường nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Phú Thủy, Mai Thủy và Mỹ Thủy, với chiều dài 3,5 km (vượt 0,5 km theo kế hoạch). Các công trình ý nghĩa này đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng dân cư, góp phần thay đổi ý thức trong việc xây dựng vườn kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Nhìn vào khối lượng công việc mà chị Thủy đã nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua, nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ và đánh giá cao. Tuy nhiên chị luôn khiêm tốn: “Là cán bộ trẻ, tuy năng động, nhiệt tình nhưng kinh nghiệm của tôi về việc chỉ đạo các hoạt động trong phong trào xây dựng NTM chưa nhiều, chỉ với tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm” – chị bộc bạch. Còn trong con mắt của các đồng nghiệp và những hội viên phụ nữ huyện Lệ Thủy, chị Thủy là con người nhiệt huyết, sáng tạo, luôn chủ động trong công tác, sống vui vẻ, chan hòa. Nhiều năm qua, chị được tập thể cơ quan và Khối Mặt trận xếp loại công chức xuất sắc, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;  đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2012, 2013, 2014, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2015 và được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành. Hưng Vũ  

Trang