Xây dựng nông thôn mới

Ông Hai Thành tình nguyện xây cầu dân sinh

TĐKT – Ông Hai Thành tình nguyện bỏ ra cả trăm triệu đồng để xây cầu cho thôn xóm trong khi thu nhập hàng ngày của gia đình chỉ tính từng cân gạo, ký sắn… Đó là câu chuyện mà nhiều người vẫn luôn nhắc đến khi đi qua cây cầu Vườn Bộng bắc qua địa phận 2 xóm Thọ Phú Nam và Thọ Phước, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xã Nhơn Thọ vào thời điểm học sinh tan học trở nên nhộn nhịp hẳn lên bởi những tiếng cười nói vui vẻ của các cô cậu học sinh sau giờ tan trường. Chúng đang vừa đạp xe băng băng qua cây cầu Vườn Bồng, vừa tán chuyện với nhau rất sôi nổi. Cảnh tượng đó có lẽ đối với mọi người sẽ chẳng có gì đặc biệt, nhưng với ông Lê Văn Thành lại là niềm vui sướng, hạnh phúc trong tâm. Ông bảo, kể từ khi cầu Vườn Bồng được dựng nên, ông đi làm ruộng không phải chứng kiến và lo lắng cảnh bọn trẻ đi học cực khổ qua cây cầu tre lắc lẻo; có đứa không may trượt chân rơi tõm xuống suối nước, nguy hiểm lắm. Ông Thành bên cây cầu do mình tích góp tiền bạc cả đời để xây dựng Trước đây, giữa xóm Thọ Phú Nam và xóm Thọ Phước thuộc thôn Thọ Lộc 1 có một con kênh chia cắt (chiều rộng khoảng 7 mét và chiều sâu gần 2 mét). Từ bao đời nay, nhân dân 2 xóm đều góp tiền và công sức để xây dựng cầu tre tạm bợ. Tuy vậy, hàng ngày, nông dân chăn thả gia súc, vận chuyển nông sản đi lại rất khó khăn. Nhất là vào mùa thu hoạch không thể vận chuyển lúa qua cây cầu tre này bằng xe cơ giới, phải gánh từng gánh lúa rất cực khổ. Vào mùa mưa, nước chảy xiết khiến việc đi qua cầu tre rất nguy hiểm. Các cháu nhỏ đi học phải có người lớn cõng qua; nếu không thường sẽ bị rớt xuống suối, gây nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi lần lũ về thường cuốn trôi luôn chiếc cầu tre ấy, bà con đành phải chờ lũ rút mới làm lại cầu để đi.   Do đó, nhân dân nơi đây luôn khát khao, mong mỏi xây dựng được cầu kiên cố tạo điều kiện để phát triển hàng hóa giữa 2 xóm nói riêng và nhân dân trong xã nói chung được thuận lợi; con em được đi học bình thường như bao trẻ khác. Tuy nhiên, ngân sách của địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên mong ước đó vẫn chỉ dừng lại ở cây cầu tre lắc lẻo. Dù là một người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng hằng ngày ông Lê Văn Thành làm ruộng ở khu vực gần cầu, phải liên tục chứng kiến cảnh bất tiện đó nên cảm thấy không an tâm. Ông nghĩ, mình cần phải có trách nhiệm với vấn đề này. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình ông cũng còn nhiều mối lo toan. Ngôi nhà đang ở của gia đình ông  được xây từ năm 1998, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Ông bảo, phải xây dựng 3 lần mới nên căn nhà rộng 90 m2 ấy, nhưng ngôi nhà chỉ được làm từ 120 bao xi măng, còn lại toàn vôi, vữa. Nhà xây xong, 3 năm sau mới trát được tường vì hết kinh phí. Khi ấy, chất lượng gạch dùng xây nhà cũng kém, nên bây giờ mảng tường bên trái đã bóc lớp vữa, lớp gạch bên trong lộ ra ngoài, gạch cũng không còn nguyên vẹn, đã bục, chỉ cần lấy ngón tay chọc vào là thủng, vỡ. Sau hơn 30 năm vừa làm thợ nề, vừa làm nông, chăn nuôi, ông Thành đã tích lũy được gần 110 triệu đồng, nhiều đêm ông nghĩ sẽ dùng số tiền trên để sửa sang lại nhà cửa. Nhưng chứng kiến cảnh bất tiện của nhân dân, ông đã bàn bạc với gia đình và quyết định xin phép chính quyền cho xây cầu bê tông bắc qua hai xóm, còn nhà xuống cấp sau này tích góp được sẽ tính sau. Nghĩ là làm, ông Thành đã gặp gỡ chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các hộ dân trong thôn để bàn bạc, quyết tâm xây dựng cầu. Ông đến các gia đình 2 xóm gặp gỡ, trao đổi, vận động người dân trong thôn góp tiền, công sức để xây dựng. Khi nhân dân đã đồng thuận cao, ông cùng Ban điều hành thôn trực tiếp báo cáo và xin ý kiến chính quyền địa phương để xây dựng cây cầu Vườn Bộng nối liền giữa xóm Thọ Phú Nam và xóm Thọ Phước. Sau khi được sự cho phép của chính quyền địa phương ông và Ban thôn đã tham mưu UBND xã nhờ đơn vị có tư cách pháp nhân là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Thiên Phát lập giúp thiết kế không thu tiền, dự toán với tổng kinh phí 157.646.000 đồng. Sau khi có dự toán thiết kế ông cùng với thôn, xóm đã vận động nhân dân hai xóm đóng góp tiền và ngày công. Nhân dân 2 xóm đóng góp được 1.550.000 đồng, hơn 150 ngày công lao động cùng các dụng cụ thi công, 110 gốc tre, UBND xã đã đầu tư 4 dầm sắt chữ I mỗi cây dài 6 mét, số tiền còn lại 90 triệu đồng do chính gia đình ông tự nguyện đóng góp. Trong quá trình thi công, ông đề nghị thành lập ban giám sát công trình, huy động con em hai xóm có chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật xây dựng tham gia và nhờ UBND xã phân công cán bộ giám sát thi công theo dõi theo đúng thiết kế, bản vẽ. Đến năm 2016 cây cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chịu lực theo đường bê tông tải trọng 10 tấn, chiều dài cầu 6 mét, chiều rộng 3,5 mét để giúp bà con hai xóm đi lại chăn thả gia súc, vận chuyển nông sản góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Cầu Vườn Bộng hoàn thành, bà con 2 xóm và cả thôn Lộc Thọ 1 cũng như nhân dân xã Nhơn Thọ vui mừng, hạnh phúc. Học sinh trong làng vừa đạp xe đạp qua cầu vừa kêu “cầu ông Hai Thành”. Việc làm, hành động của ông Thành và gia đình đã được cán bộ và nhân dân thôn, xã ghi nhận. Ông được bình bầu là cá nhân xuất sắc tiêu biểu đi đầu trong thôn về tích cực tuyên truyền, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông hàng năm liên tục được công nhận gia đình văn hóa xuất sắc. Năm 2016, ông được UBND xã Nhơn Thọ và UBND thị xã An Nhơn tặng Giấy khen về phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, được Thị ủy An Nhơn tặng Giấy khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; năm 2017 được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Từ những điển hình tiên tiến như ông Thành mà phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở xã Nhơn Thọ và thị xã An Nhơn đã đạt được những kết quả cao, nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng, làm theo. Bộ mặt nông thôn quê hương ông đã thay đổi, từ những con đường chưa được bê tông hóa đến nay đã được bê tông hóa, đường làng, ngõ xóm trong thôn không còn đường đất, đặc biệt là chiếc cầu Vườn Bộng nối liền giữa xóm Thọ Phú Nam và xóm Thọ Phước đã được kiên cố hóa tạo điều kiện để phục vụ dân sinh. Đến cuối năm 2016 xã Nhơn Thọ vinh dự được UBND tỉnh Bình Định công nhận về đích xây dựng nông thôn mới. Mai Thảo  

Nữ cán bộ nhiệt huyết với phong trào xây dựng nông thôn mới

TĐKT – Công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình từ năm 2002, từ một cán bộ hội cho đến khi làm công tác quản lý, đến nay chị Võ Thị Thanh Thủy (sinh năm 1978), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lệ Thuỷ  đã 15 năm gắn bó và có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào thi đua và công tác Hội Phụ nữ. Đặc biệt, chị là một trong những hạt nhân quan trọng góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương nhanh chóng “cán đích”. Là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, chị luôn năng động nhiệt tình trong công tác. Năm 2011, chị được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện. Đây cũng là thời điểm Thủ tướng phát động phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.  Với vai trò là người trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về phong trào hoạt động của Hội Phụ nữ trong toàn huyện, chị nhận thức sâu sắc rằng: xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, vai trò của các đoàn thể là rất lớn, phụ nữ chiếm hơn 60% lao động ở nông thôn, do đó sự đóng góp của các tầng lớp phụ nữ có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện chương trình NTM.  Vì vậy, chị đã chủ động tham mưu cho Ban thường vụ Hội xây dựng, triển khai chương trình xây dựng NTM đến toàn thể hội viên thông qua nhiều hoạt động thiết thực gắn với các phong trào thi đua của Hội phụ nữ. Xác định được việc tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng cuộc vận động “5 không, 3 sạch” sẽ góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí NTM (cụ thể là các tiêu chí 2, 9,10,11,14,15,16,17,19), trong những năm qua, chị cùng với tập thể Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã triển khai các hoạt động thiết thực, thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ, tạo động lực cho chị em cống hiến và phát huy năng lực tổ chức của tổ chức Hội cơ sở. Tiêu biểu: tổ chức hội thi “Phụ nữ Lệ Thủy chung tay xây dựng nông thôn mới” cho đội ngũ cán bộ Hội; chú trọng tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, xây dựng chuyên mục phụ nữ Lệ Thủy phát sóng định kỳ hàng tháng, biểu dương các mô hình dân vận khéo tại cơ sở… Thông qua công tác tuyên truyền vận động, cán bộ, hội viên đã tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM với những việc làm thiết thực, hiệu quả gắn với xây dựng các mô hình dân vận khéo của Hội.  Bên cạnh đó, trên cơ sở nhận thức sâu sắc việc phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo vừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho phụ nữ, vừa là việc làm có tác động lớn đến các tiêu chí 10 về thu nhập, tiêu chí 11 về hộ nghèo và tiêu chí 12 về lao động có việc làm, chị Thủy đã tham mưu cho Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo, gắn việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm của huyện. Chủ động phối hợp với Phòng nông nghiệp, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật, tranh thủ các chương trình dự án… tổ chức được các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng chế biến thủy hải sản….; các lớp đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ. Mặt khác, chị Thủy chủ động triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền khác nhau: phổ biến kinh nghiệm thông qua hình thức tổ chức Hội nghị biểu dương các điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, động viên chị em ứng dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, khôi phục nghề truyền thống; thành lập các tổ hợp sản xuất kinh doanh như  khoai gieo, chế biến thủy sản… . Để góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của toàn huyện, chị trực tiếp chỉ đạo các cấp Hội vận động cán bộ, hội viên xây dựng các mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác hết tiềm năng của từng vùng miền. Cùng với đó, các cấp Hội  hỗ trợ vốn, tư vấn kiến thức, kỹ thuật... tạo điều kiện cho chị em mạnh dạn đầu tư sản xuất. Đến nay tổng số mô hình toàn huyện là 1.518 mô hình sản xuất giỏi, trong đó có 763 mô hình có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Đáng quý ở chị Thủy là luôn chủ động tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các chương trình dự án của UBND huyện để thúc đẩy vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng NTM. Điển hình, trong thực hiện tiêu chí về môi trường, cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã tích cực vận động các hộ gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh của chương trình dự án Choba tại 15 xã, tập trung ưu tiên cho các xã thực hiện nông thôn mới. Kết quả, đến nay, trên địa bàn huyện đã hoàn thành và phát thưởng 5.282 công trình, với số tiền 3,5 tỷ đồng, nâng tỷ lệ hộ dân có nhà vệ sinh tự hủy toàn huyện lên 68%. Năm 2017, sau khi được UBND huyện mời tham quan phong trào NTM kiểu mẫu tại Hà Tĩnh, chị Thủy cùng với Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch và trình UBND huyện xin chủ trương và kinh phí thực hiện các đoạn đường nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả trong dịp kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội phụ nữ đã tổ chức phát động 3 đoạn đường nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Phú Thủy, Mai Thủy và Mỹ Thủy, với chiều dài 3,5 km (vượt 0,5 km theo kế hoạch). Các công trình ý nghĩa này đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng dân cư, góp phần thay đổi ý thức trong việc xây dựng vườn kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Nhìn vào khối lượng công việc mà chị Thủy đã nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua, nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ và đánh giá cao. Tuy nhiên chị luôn khiêm tốn: “Là cán bộ trẻ, tuy năng động, nhiệt tình nhưng kinh nghiệm của tôi về việc chỉ đạo các hoạt động trong phong trào xây dựng NTM chưa nhiều, chỉ với tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm” – chị bộc bạch. Còn trong con mắt của các đồng nghiệp và những hội viên phụ nữ huyện Lệ Thủy, chị Thủy là con người nhiệt huyết, sáng tạo, luôn chủ động trong công tác, sống vui vẻ, chan hòa. Nhiều năm qua, chị được tập thể cơ quan và Khối Mặt trận xếp loại công chức xuất sắc, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;  đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2012, 2013, 2014, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2015 và được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành. Hưng Vũ  

Xây dựng nông thôn mới ở xã San Thàng (Lai Châu)

TĐKT - Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn xã San Thàng, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã có nhiều đổi thay, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức của người dân trong việc thực hiện tiêu chí xây dựng NTM, vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân nông thôn đã được nâng lên, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của xã. Đến San Thàng hôm nay, được đặt chân đi trên những con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ, hai bên nhà cửa mọc lên san sát sẽ cảm nhận rõ hơn những đổi thay đó. Với 11 bản, 5 dân tộc, trên 1.200 hộ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trình độ dân trí không đồng đều; đến cuối năm 2016 thu nhập bình quân của mỗi người dân trên địa bàn xã đã đạt 27 triệu đồng/người/năm. Tuy thu nhập chưa phải là cao nhưng đối với một xã vùng cao, còn gặp khó khăn trong lao động sản xuất thì đây là một sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương và người dân xã San Thàng. Ông Hoàng Chí Tình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã San Thàng, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu cho biết: được công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã San Thàng. Tuyên truyền vận động luôn song hành Triển khai chương trình nông thôn mới từ năm 2011, xác định công tác tuyên truyền, vận động là bước đi đầu tiên, quan trọng, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, về chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng, nhằm quán triệt tới toàn thể nhân dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Đồng thời phổ biến tới nhân dân nắm được 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nêu rõ những việc Nhà nước đầu tư hỗ trợ và những nội dung công việc bản và nhân dân thực hiện, những tiêu chí còn thấp; triển khai công bố Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới đã được UBND thành phố phê duyệt để nhân dân biết, thực hiện; triển khai và huy động nhân dân tham gia thực hiện các nội dung công việc theo đề án đã được phê duyệt. Nhân dân xã San Thàng, Lai Châu góp công làm đường giao thông nông thôn   Từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã tổ chức được gần 10 lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho hơn 600 lượt cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ cấp xã và các thôn, bản. Tổ chức các hội thi, hội thảo chủ đề về xây dựng NTM với nhiều nội dung phong phú; cấp phát 300 cuốn thông tin Nông dân Lai Châu, “ Sổ tay tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới”; 3000 tờ rơi, 200 pa nô, áp phích và các băng rôn khẩu hiệu trên địa bàn tuyên truyền trên các tuyến đường, trung tâm thôn, xã. Thông qua phong trào thi đua, xã đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ được gần 1 tỷ đồng và 3 phòng học; nhân dân đã hiến 2000 m2 đất và 1500 ngày công lao động, 200 m3 cát, đá, sỏi ... góp phần đưa cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã đi vào hoàn thiện. Đáng chú ý, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mạng lưới giao thông nông thôn của San Thàng nhanh chóng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt và lao động sản xuất. Hiện xã có trên 15 km đường giao thông nội đồng mở mới do nhân dân hiến đất; trên 45 km đường nội bản được cứng hóa bê tông do nhà nước và nhân dân cùng làm; kiên cố trên 12 km kênh mương thủy lợi. Xã đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng dọc trục đường quốc lộ 4D – khu vực bản mới, bản Trung Tâm và dọc trục đường đi ngã ba Duy Phong đến bản Tả Xin Chải I; bản Lò Suối Tủng; Chin Chu Chải, San Thàng 1. Bên cạnh đó, San Thàng xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển y tế, văn hóa, giáo dục trên địa bàn. Bên cạnh đầu tư xây dựng mới 1 nhà hiệu bộ, 14 phòng học, 19 phòng chức năng, sửa chữa nâng cấp 6 phòng học cũ; mở rộng khuân viên bãi tập, công trình phụ trợ, đầu tư trang thiết bị dạy và học tại các trường đảm bảo có 4/6 trường đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1..., xã còn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân đưa con em đến trường, duy trì phổ cập trung học sơ sở, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đến nay, xã có 6/6 trường đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường học và có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, thông qua đó đã hoàn thành tiêu chí số 5 về trường học. Ngoài ra, xã triển khai xây dựng 4 nhà văn hóa bản, sửa chữa, nâng cấp 6 nhà văn hóa. Đến hết năm 2017, toàn xã có 11/11 bản có nhà văn hóa; đầu tư nâng cấp thêm 3 đường nước sinh hoạt với tổng chiều dài gần 7000 m. Đến nay có 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân Bên cạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, San Thàng xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố then chốt để xây dựng nông thôn mới thành công. Thông qua nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, bước đầu trên địa bàn xã đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung: vùng sản xuất rau xanh tập trung tại bản khu vực Duy Phong gồm bản Séo Xin Chải, Thành Công, San Thàng 2 với quy mô trên 15 ha; vùng sản xuất hoa tại bản San Thàng 2; vùng cây ăn quả có múi bản Lò Suối Tủng trên 30 ha; vùng nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm tại bản Lò Suối Tủng, Phan Lìn và khu vực Bãi Đông; vùng nguyên liệu chè trên 200 ha... Hiện nay, xã đang triển khai mô hình thâm canh lúa Tẻ dâu tại cánh đồng Can Hồ, Lùng Than với quy mô 60 ha. Cùng với đó, San Thàng tích cực huy động nhân dân đẩy mạnh sản xuất thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất. Nhờ đó, đến nay diện tích sản xuất tăng vụ trên địa bàn xã tăng từ 50 ha (năm 2010) lên trên 300 ha. Đồng thời, cơ bản phương thức sản xuất của nhân dân trong xã đã thay đổi, góp phần tăng thu nhập cho người dân từ 9,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 tăng lên 27 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm rõ rệt. San Thàng vinh dự trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Lai Châu cán đích xây dựng nông thôn mới năm 2014, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và Cờ thi đua. Năm 2015 xã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".  Ông Hoàng Chí Tình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã San Thàng khẳng định: thành quả hôm nay của San Thàng được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Đó là động lực để chính quyền và nhân dân chúng tôi tiếp tục phấn đấu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong thời gian tới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Mai Thảo

Hiệu quả xây dựng nông thôn mới thành công từ xã Tân Sơn

TĐKT - Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Tân Sơn (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã “thay da, đổi thịt” hàng ngày và vinh dự đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Tân Sơn nằm về phía Bắc của TP Pleiku, có diện tích tự nhiên 864,633 ha. Toàn xã có 1.350 hộ gia đình với 5.269 nhân khẩu; gồm có 7 thôn, làng (4 thôn, 3 làng). Ngay khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Tân Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban. Đồng thời, UBND xã Tân Sơn cũng thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới, Ban Giám sát xây dựng nông thôn mới của xã. Hàng năm, Đảng ủy, UBND xã thường xuyên củng cố, kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Ban Giám sát xây dựng nông thôn mới của xã nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, căn cứ các văn bản hướng dẫn của cấp trên và thực trạng các tiêu chí của địa phương, hàng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Tân Sơn đều xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, xác định rõ những việc làm cụ thể trong năm. Từ đó, huy động sự hưởng ứng của nhân dân địa phương và các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cùng chung tay, góp sức xây dựng Tân Sơn trở thành xã nông thôn mới. Bộ mặt xã Tân Sơn ngày một đổi thay Kết quả, trong 5 năm (2011 - 2016), xã Tân Sơn đã tổ chức 43 đợt tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho 3.250 lượt người dân trên địa bàn; triển khai đề án và lộ trình xây dựng nông thôn mới hàng năm; các kế hoạch giảm nghèo, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội. Vận động nhân dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tập trung vào các cây trồng dài ngày có hiệu quả kinh tế cao: cà phê, hồ tiêu… Huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng như làm nhà ở kiên cố, tường rào, công trình phụ khép kín đảm bảo hợp vệ sinh; phát quang đường làng, ngõ xóm … Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Sơn trên 104,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là hơn 19,4 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 77,6 tỷ đồng;  vốn tín dụng, doanh nghiệp là hơn 7 tỷ đồng; vốn từ các nguồn tài trợ khác là 407 triệu đồng. Hiện nay, 100% các đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa; 79% các đường trục thôn, xóm đã được cứng hóa; 67,8% đường ngõ, hẻm đã được cứng hóa; 100% hộ sử dụng điện thường xuyên từ lưới điện quốc gia; 88,1% hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (1.190/1.350 nhà), không có nhà tạm, nhà dột nát… Theo thống kê năm 2016 thu nhập bình quân đầu người của xã là 29,7 triệu đồng/năm. Mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã vượt so với quy định. Hiện nay trên địa bàn xã có 85 hộ nghèo, chiếm 6,3% tổng số hộ; người làm việc trong độ tuổi lao động là 96%; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 74,02%; các hộ trên địa bàn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia là 100%. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, hiện nay, đời sống của nhân dân ổn định và từng bước phát triển, thu nhập của nhân dân tăng lên hàng năm. Bộ mặt của xã có những thay đổi rõ rệt khi các chính sách xã hội được quan tâm giải quyết. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Chia sẻ kinh nghiệm thành công từ phong trào xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Ksor Nam cho biết: ngay khi bước vào chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn hệ thống chính trị cùng bắt tay vào cuộc và tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư vào cây trồng dài ngày có hiệu quả kinh tế cao; huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng như làm nhà ở kiên cố, xây dựng tường rào, công trình phụ khép kín đảm bảo hợp vệ sinh. Đồng thời, phát triển sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được nhân dân đồng lòng hưởng ứng. Các phong trào hành động diễn ra sôi nổi. Đây chính là những tiền đề quan trọng, là cơ sở để địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, từng bước đưa xã nhà ngày càng phát triển. Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm cao của cán bộ, nhân dân trong xã, Tân Sơn ngày một đổi mới và tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vượt qua những khó khăn phía trước để phát triển giàu mạnh hơn nữa. La Giang

Hành trình đạt chuẩn nông thôn mới tại xã Gio Hòa

TĐKT - Gio Hòa là một xã thuộc vùng kinh tế mới miền Tây của huyện Gio Linh, có xuất phát điểm thấp, khi mới xây dựng nông thôn mới (NTM) xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã, đến nay Gio Hòa đã trở thành một trong những điển hình xây dựng NTM, đạt 19/19 tiêu chí (năm 2016) và đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân Mặc dù không phải là xã điểm về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của huyện, nhưng xã Gio Hòa luôn tự lực, tự cường, sáng tạo tìm hướng đi riêng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để quyết tâm về đích 19 tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2016. Mô hình trồng cây tiêu ở xã Gio Hòa Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Gio Hòa đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, cải tạo vườn tạp, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Vốn là một xã trung du gò đồi đất đỏ bazan nằm ở miền tây của huyện Gio Linh, Gio Hòa rất thuận tiện cho việc phát triển các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cao su, cây ăn quả. Nắm bắt được những thuận lợi mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất và con người nơi đây, chính quyền xã tích cực phối hợp với các đơn vị thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề cho lao động tại địa phương; mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, cao su, phòng bệnh cho gia súc gia cầm, sử dụng thuốc thú y, kỹ thuật chăn nuôi lợn, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt… nhằm trang bị cho bà con kiến thức để mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Nhờ đó, hiện nay trên địa bàn toàn xã có trên 90% lao động có việc làm thường xuyên. Song song với đó, xã Gio Hòa tập trung lựa chọn phát triển các loại cây, con phù hợp. Trong trồng trọt, Gio Hòa thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp thành những vùng trồng cây tập trung. Từ 6,5 ha diện tích trồng hồ tiêu năm 2011, đến năm 2016 diện tích tiêu toàn xã đã tăng lên 15,5 ha;  13 ha trồng cây bơ (năm 2011) đã mở rộng gần 27 ha (năm 2015);  80 ha cao su (năm 2011) đã mở rộng thành gần 126 ha (năm 2016)… Ngoài ra, 6 năm qua xã quy hoạch vùng trồng tre măng bát độ và một số loại cây ăn quả mang lại thu nhập lớn cho nhiều gia đình với mức thu nhập hàng năm đạt 90 - 100 triệu đồng/mô hình. Cùng với quy hoạch trồng cây, Gio Hòa phát triển các mô hình chăn nuôi phù hợp: duy trì mô hình nuôi bồ câu pháp, nhím, chồn hương mang lại thu nhập bình quân khoảng 100 - 120 triệu đồng/ mô hình. Ngoài ra, phát triển thêm các mô hình nuôi cá chình lồng, mô hình laisin, zebu hóa đàn bò, mô hình nuôi bò nhốt gia trại, nuôi lợn bán công nghiệp, mô hình nuôi cá nước ngọt trên lòng hồ Hà Thượng… Kết quả, nhờ chọn và phát triển phù hợp các mô hình kinh tế, đời sống của nhân dân trong xã ngày càng nâng cao.  Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm rõ rệt, từ 28,3 %  (năm 2011 ) giảm xuống còn 4,3% (năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9,1 triệu đồng/người/năm (năm 2011)  lên  26 triệu đồng năm 2016. Khẳng định sức mạnh từ phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” Về  xã Gio Hòa hôm nay, người ta không khỏi ngỡ ngàng bởi nó như khoác lên mình chiếc áo mới. Từ một địa phương gặp nhiều khó khăn, hôm nay hệ thống điện, đường, trường, trạm được quy hoạch, xây dựng một cách đồng bộ. Những ngôi nhà tạm bợ năm nào đều đã được làm mới, khang trang, sạch sẽ. Người dân phấn khởi, thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương. Nhân dân xã Gio Hòa tích cực tham gia bảo vệ môi trường Ông Lê Thanh Quý, Chủ tịch UBND xã Gio Hòa cho biết: có được thành quả đó là nhờ sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân. Là một đơn vị cấp xã tuy còn nhiều khó khăn nhưng Gio Hòa lại triển khai rất tốt việc huy động nguồn lực xây dựng NTM. Hơn 5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, cộng với 600 ngày công lao động phục vụ công tác chỉnh trang nông thôn, vệ sinh đường làng ngõ xóm; gần 3500 m2 đất hiến để làm đường giao thông nông thôn và sân tập thể thôn; hàng trăm cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao trị giá gần 300 triệu đồng chặt bỏ, di dời phục vụ cho nông thôn mới… Đó là những con số biết nói, cho thấy công cuộc xây dựng NTM được nhân dân đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình. Tất cả các công trình, cơ sở hạ tầng xây dựng và sửa chữa trên địa bàn xã đều thấm đẫm những giọt mồ hôi của từng người dân, cán bộ, đảng viên trong xã. Từ nâng cấp hồ chứa Bàu Đưng, đến bê tông hóa kênh mương, xây dựng, chỉnh trang hệ thống các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa;  xây dựng tuyến đường điện thắp sáng đường quê dài 4,5 km….đều có sự vào cuộc của chính quyền và nhân dân. Trên địa bàn, 5/5 thôn được công nhận danh hiệu làng văn hóa cấp huyện, trong đó 1 thôn được công nhận làng văn hóa xuất sắc cấp tỉnh. Số hộ gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 88%. Các thôn đều đã phát động ra mắt khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự… Tuy thời gian triển khai chương trình NTM trên địa bàn xã Gio Hòa chưa dài nhưng kết quả đạt được thực sự đáng ghi nhận. Năm 2016, xã đạt 19/19 tiêu chí. Mới đây, chính quyền và nhân dân xã Gio Hòa vinh dự đón nhận xã đạt chuẩn NTM. Đây là niềm tự hào đồng thời là động lực để chính quyền và nhân dân tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, phát huy tốt những thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực của địa phương để phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu. Hưng Vũ  

Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở Thanh Trì (Hà Nội)

TĐKT - Sau Đan Phượng và Đông Anh, mới đây, Thanh Trì là huyện thứ ba của TP Hà Nội vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Chính quyền và nhân dân nơi đây đang nô nức, phấn khởi như bước sang một trang mới trong tiến trình phát triển, tiến tới xây dựng Thanh Trì trở thành 1 trong những quận tiêu biểu của TP Hà Nội đến năm 2020. Huyện nông thôn mới thứ 3 của TP Hà Nội Vốn là huyện ngoại thành nằm trong quy hoạch đô thị trung tâm mở rộng của Thủ đô Hà Nội, có 15 xã, 1 thị trấn, huyện Thanh Trì bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2012. Đến nay, huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 100%. Tổng vốn đã bố trí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2016 của huyện là 2.360 tỷ đồng. Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, hàng năm, huyện đã chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế với tổng số tiền trong 5 năm là 23,61 tỷ đồng. Hỗ trợ đầu tư 92 máy phục vụ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp. Xây dựng, phát huy hiệu quả vùng trồng rau an toàn với diện tích 140 ha tại Yên Mỹ, Duyên Hà. Xây dựng thành công chuỗi liên kết thực phẩm rau – thịt trên địa bàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thanh Trì vừa được trao Bằng đạt chuẩn huyện nông thôn mới Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa gần 817 ha đất nông nghiệp, đạt 100% kế hoạch. Hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được ưu tiên đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Vùng sản xuất tập trung đã bước đầu được hình thành, đem lại hiệu quả cao: vùng cây ăn quả tập trung (các xã: Vạn Phúc, Yên Mỹ); lúa tập trung (các xã: Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng); rau an toàn (các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà); vùng nuôi trồng thủy sản (các xã: Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Đại Áng)... 38 trang trại trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả, trong đó có 12 trang trại tổng hợp. Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện hoạt động khá hiệu quả với 33 doanh nghiệp, thu hút trên 4.000 lao động. Huyện đang từng bước đưa Cụm công nghiệp Tân Triều vào hoạt động. 3 làng nghề truyền thống là dệt Triều Khúc (Tân Triều); bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (Duyên Hà); miến bánh đa Phú Diễn (Hữu Hòa) được thành phố công nhận, bước đầu đã khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Phấn đấu hết năm 2017 là 38 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm. Các hộ nghèo trên địa bàn huyện đều được quan tâm hỗ trợ để ổn định cuộc sống đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để từng bước thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn dưới 2%. Tiếp tục phấn đấu nâng cao các tiêu chí nông thôn mới Ngay từ khi mới bắt đầu, huyện Thanh Trì xác định nông thôn mới là chương trình trọng điểm của huyện nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng đô thị. Được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới là niềm tự hào to lớn, tuy nhiên chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì xác định đây chỉ là thành công bước đầu, bởi phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài. Thanh Trì sẽ quyết liệt duy trì, cải thiện điều kiện môi trường nông thôn Thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm giữ vững danh hiệu huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời phấn đấu xây dựng xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển huyện đồng bộ theo hướng đô thị. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô tập trung và vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố để phát triển sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, huyện sẽ quyết liệt chỉ đạo duy trì, cải thiện điều kiện môi trường nông thôn. Đối với môi trường trong khu dân cư, huyện sẽ quy hoạch và xây dựng đồng bộ các điểm tập kết rác, quy định giờ vận chuyển không để rác tồn đọng qua ngày; chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch tổng thể chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh trên toàn hệ thống giao thông nông thôn. Mỗi năm, lựa chọn ít nhất một ao, hồ trong khu dân cư để kêu gọi xã hội hóa cải tạo môi trường, nạo vét, kè bờ, làm lan can, đường dạo và trồng hoa, cây xanh chống lấn chiếm, tạo khu vui chơi cho cộng đồng. Đối với môi trường các dòng sông, huyện duy trì ra quân tổng vệ sinh môi trường các tuyến sông Nhuệ, sông Tô Lịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình dọc hai bên bờ sông cam kết không xây dựng các công trình vi phạm, tập kết vật tư, vật liệu; cắm cọc tiêu, làm đường gom, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm, tổng vệ sinh, trồng hoa cây xanh dọc tuyến kênh trên địa bàn huyện. Ngoài ra, môi trường tại khu công nghiệp, làng nghề sẽ được quan tâm sâu sắc hơn. Huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý rà soát nâng cấp các trạm xử lý nước thải tập trung, chấp hành nghiêm quy chế vận hành; phối hợp tốt với các sở, ngành của thành phố đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường như Nhà máy Pin, Phân lân Văn Điển.... Thục Anh

Huyện Thanh Trì (Hà Nội) đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Sáng 26/10, huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tới dự, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng Đến nay, huyện Thanh Trì đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Tổng vốn đã bố trí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2016 của huyện là 2.360 tỷ đồng. Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế với tổng số tiền trong 5 năm là 23,61 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư 92 máy phục vụ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp; xây dựng, phát huy hiệu quả vùng trồng rau an toàn với diện tích 140 ha tại Yên Mỹ, Duyên Hà; xây dựng thành công chuỗi liên kết thực phẩm rau – thịt trên địa bàn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Thanh Trì Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa gần 817 ha đất nông nghiệp, đạt 100% kế hoạch. Hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng được ưu tiên đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Vùng sản xuất tập trung đã bước đầu được hình thành, đem lại hiệu quả cao: vùng cây ăn quả tập trung (các xã: Vạn Phúc, Yên Mỹ); lúa tập trung (các xã: Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng); rau an toàn (các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà); vùng nuôi trồng thủy sản (các xã: Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Đại Áng)... 38 trang trại trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả, trong đó có 12 trang trại tổng hợp. Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện hoạt động khá hiệu quả với 33 doanh nghiệp, thu hút trên 4.000 lao động. Huyện đã từng bước đưa Cụm công nghiệp Tân Triều vào hoạt động. 3 làng nghề truyền thống là dệt Triều Khúc (Tân Triều), bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (Duyên Hà), miến, bánh đa Phú Diễn (Hữu Hòa) được thành phố công nhận, bước đầu đã khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Phấn đấu hết năm 2017 là 38 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm. Các hộ nghèo trên địa bàn huyện đều được quan tâm hỗ trợ để ổn định cuộc sống đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để từng bước thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn dưới 2%. Mai Thảo

Tam Điệp quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2017

TĐKT - Để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay, TP Tam Điệp (Ninh Bình) đang tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, hoàn thiện nốt tiêu chí cuối cùng. Sau gần 7 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, đến nay Tam Điệp có 4/4 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã đều hoàn thành tiêu chí NTM trước thời hạn theo Đề án từ 3-4 năm. Đã có trên 93% hộ dân được lấy ý kiến hài lòng với kết quả xây dựng NTM của thành phố. Để có được kết quả này, những năm qua Tam Điệp tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Các giải pháp trong xây dựng NTM được thành phố chú trọng là đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Làm đường giao thông nông thôn”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “5 không, 3 sạch”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”... Với cách làm này, Tam Điệp đã huy động được hơn 1000 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp hơn 160 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đường giao thông ở xã Yên Sơn (TP Tam Điệp) được bê tông kiên cố Hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố được đầu tư nâng cấp, cải tạo đồng bộ từ thành phố cho đến xã, phường, thôn, xóm. 7 năm qua, Tam Điệp đã mở rộng, nâng cấp, cải tạo gần 12 km đường trục xã, hơn 20 km đường trục thôn. Thành phố cũng tiếp nhận và hỗ trợ gần 3.550 tấn xi măng để nâng cấp, cải tạo hơn 40 km đường liên thôn, xóm, ngõ; 1 km đường trục chính nội đồng; lát hơn 4 km vỉa hè đường trục xã. Bên cạnh việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, Tam Điệp đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao thu nhập cho người dân. Thành phố đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa. Nhờ vậy, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao: mô hình trồng sen kết hợp thả cá, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, mô hình sản xuất lúa tái sinh kết hợp với nuôi cá vụ… Đồng thời, Tam Điệp còn tích cực vận động nhân dân đưa các giống cây có giá trị như dứa cayen, lạc tiên, nhãn muộn, thanh long ruột đỏ, cây dược liệu... vào cơ cấu cây trồng vùng đồi và liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm. Thành phố cũng tiếp tục duy trì và phát triển 10 làng nghề trồng đào phai với diện tích 172 ha, giá trị sản phẩm đạt 190 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, sản lượng, chất lượng sản phẩm hàng năm đều tăng. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 109 triệu đồng/ha. Nhờ những chính sách hỗ trợ sản xuất, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt trên 33,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã chiếm 1,75%. Ngoài ra, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển.  Môi trường sinh thái được bảo vệ. Tình hình an ninh trật tự tại địa phương được giữ vững. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng NTM trên địa bàn TP Tam Điệp vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Đặc biệt là vấn đề nợ xây dựng cơ bản tại các xã đã đạt chuẩn xây dựng NTM. Trong khi đó để thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo quy định phải đảm bảo các điều kiện: 100% số xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn theo quy định; không có nợ đọng xây dựng cơ bản; tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 90%. Do vậy để được công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của thành phố là tập trung xử lý vấn đề nợ xây dựng cơ bản tại các xã đã đạt chuẩn xây dựng NTM. Để giải quyết thực trạng này, thành phố đã có kế hoạch huy động nguồn lực từ các nguồn khác nhau từ ngân sách Nhà nước, đấu giá quyền sử dụng đất và các nguồn huy động hợp pháp khác. Cùng với các giải pháp thanh toán nợ xây dựng cơ bản, những tháng cuối năm 2017, thành phố sẽ đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt chuẩn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Tùng Chi

Huyện Đan Phượng đẹp hơn với mô hình “con đường có hoa”

TĐKT – Tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 3/10, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng đã thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2017. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân huyện, sự tập trung chỉ đạo, điều hành của UBND huyện cùng sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong huyện, 9 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh huyện Đan Phượng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 8.162 tỷ đồng, đạt 77,89% kế hoạch, tăng 9,02% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 254 tỷ 102 triệu đồng. Con đường có hoa, con đường bích họa ở huyện Đan Phượng Nổi bật, trong triển khai thực hiện chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân theo hướng “sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”. Phong trào xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, có hộ gia đình đã tự nguyện hiến 270 m2 đất, ủng hộ 2,1 tỷ đồng để xây dựng ao môi trường, làm đường giao thông. Huyện đã đẩy nhanh tiến độ rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã. Tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc đặt tên đường, gắn biển số nhà ở các xã, thị trấn; xây dựng được 74 tuyến đường với 12,3 km “đường có hoa”. Những con đường có hoa và con đường bích họa của xã Đan Phượng, Đồng Tháp, Liên Hồng được triển khai nhân rộng đã tạo diện mạo mới cho miền quê nông thôn mới. Thục Anh

Đơn Dương thành công từ xây dựng nông thôn mới

TĐKT- Đơn Dương là huyện thuộc cao nguyên Lâm Viên nằm ở khu vực phía Đông của tỉnh Lâm Đồng. Là huyện thuần nông, sau khi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn làm điểm, huyện đã chọn 2 lĩnh vực căn bản làm “điểm đột phá” để phát triển công nghệ cao trong xây dựng NTM là trồng trọt và chăn nuôi. Với sự chỉ đạo khá quyết liệt nhằm huy động mọi nguồn lực thực hiện chủ trương của Đảng, bước đầu huyện đã thu được những kết quả khả quan. Chỉ trong vòng 5 năm, huyện Đơn Dương đã vươn lên trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên. Thành quả ấy là công sức của các tập thể, chính quyền địa phương nhưng hơn cả là sự đồng lòng, chung tay xây dựng của nhân dân.   Huyện Đơn Dương đón nhận danh hiệu Huyện đạt chuẩn nông thôn mới Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Đinh Ngọc Hùng cho biết:  để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (MTM) tại địa phương. 78/78 thôn đều thành lập Ban phát triển thôn. Ban chỉ đạo cấp huyện, xã thường xuyên được củng cố kiện toàn, nhằm đảm bảo sự hoạt động thông suốt trong quá trình triển khai thực hiện. Song song với đó, Ban chỉ đạo của huyện đã xây dựng Quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch với nội dung, lộ trình bước đi cụ thể, kịp thời phân bổ nguồn lực hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng giai đoạn ở các xã. Đồng thời huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động có nội dung phù hợp và đi vào chiều sâu, bằng nhiều hình thức: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sinh hoạt hội họp, qua tuyên truyền miệng, vận động cá biệt, cổ động trực quan… Trong đó, huyện tập trung tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân, những gương điển hình có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM trên hệ thống truyền thanh, truyền hình và các hội nghị sơ kết, tổng kết của huyện. Cụ thể các phong trào “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với xây dựng NTM”; “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng NTM”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững… Nhiều hội thi gắn với chương trình xây dựng NTM được tổ chức sâu rộng, thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện khẳng định xây dựng  NTM đã được hưởng ứng tích cực và trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân. Có được thành công như ngày hôm nay đấy chính là huyện Đơn Dương đã phát huy được thế mạnh của một huyện miền núi có ưu thế về nông nghiệp và lấy đó là điểm mạnh để thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Tiếp đó, Đảng bộ và chính quyền huyện đã rà soát lại quy hoạch, xây dựng dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn có ứng dụng khoa học, công nghệ, gây dựng những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Trong 5 năm qua, từ một huyện hầu như chưa phát triển được ngành rau hoa, Đơn Dương đã dần chuyển những diện tích đất nông nghiệp trồng các loại cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng rau, hoa; trong đó phần lớn là diện tích trồng rau hoa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và trở thành vùng rau hoa trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Số liệu thống kê cho thấy, trong tổng số hơn 8.000 ha đất canh tác nông nghiệp của toàn huyện Đơn Dương thì diện tích trồng rau hoa chiếm đến hơn 6.000 ha và trong hơn 6.000 ha này, diện tích ứng dụng công nghệ cao chiếm đến hơn 70%. Về đàn bò sữa, với chính sách khuyến khích hộ nông dân vay vốn để phát triển chăn nuôi gia đình quy mô vừa và lớn, đàn bò sữa của Đơn Dương từ hơn 4.400 con năm 2010, hiện nay đã tăng lên 10.567 con;  đưa Đơn Dương trở thành huyện đứng đầu tỉnh Lâm Đồng về chăn nuôi bò sữa, trở thành một trong những trung tâm bò sữa lớn của cả nước. Nhờ đẩy mạnh phát triển hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, bộ mặt của các xã ở huyện Đơn Dương đã đổi thay rõ rệt, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Giá trị sản xuất bình quân toàn huyện đạt trên 150 triệu đồng/ha. Huyện có mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao cho giá trị trên 500 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,19% (967 hộ), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 8,46% (523 hộ). Tất cả các chỉ tiêu này đều tốt hơn so với mức bình quân chung khu vực nông thôn trong tỉnh, vùng và cả nước. Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Đơn Dương, thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao chính là điều kiện tiên quyết để người dân chủ động đóng góp công sức, tiền của cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Nhờ đó, huyện đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thị trấn phát triển theo hướng văn minh đô thị. Đến nay đã huy động được tổng số vốn hơn 4.300 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 358 tỷ đồng, vốn tín dụng 3.851 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 73 tỷ đồng…Toàn huyện hiện có 94,5 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa (chiếm 100%); 77,4 km kênh mương đã được kiên cố hóa (chiếm 68,7%); 100% số thôn có điện lưới quốc gia và đường truyền internet băng thông rộng... Trong 5 năm xây dựng NTM trên địa bàn, Đơn Dương đã ghi nhận được rất nhiều những kinh nghiệm, những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong huy động sức dân xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, xóa nhà tạm, cải tạo, xây dựng nhà ở, nhà văn hóa, hiến đất làm đường, bắc điện chiếu sáng công cộng… Kết quả trong xây dựng NTM của Đơn Dương đã, đang và sẽ có những tác động nhất định đến việc xây dựng NTM ở phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng. Bởi vậy, việc củng cố chất lượng NTM của Đơn Dương trong thời gian tới đây là điều hết sức cần thiết và có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng NTM của tỉnh. Phát huy những thành tích đã đạt được, hướng đến năm 2020, huyện Đơn Dương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM đã đạt được và từng bước xây dựng các cộng đồng dân cư kiểu mẫu, tiến tới xây dựng các xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu 8/8 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM theo quy định. Thu nhập bình quân năm sau tăng 15% so với năm trước. Với những nỗ lực không ngừng, huyện Đơn Dương đang nỗ lực từng ngày để đến năm 2019 huyện sẽ đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và đến năm 2020 có 1 đơn vị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và 2 xã, 3 cơ quan, đơn vị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Hồng Thiết

Trang