TĐKT – Ngày 26/4, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc”.
Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định, ghi nhận và tôn vinh những công lao to lớn và phẩm chất cao đẹp của người anh hùng cách mạng Đào Phúc Lộc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã làm rõ về thân thế, sự nghiệp cũng như những công lao to lớn của Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo. Đây là một nhân vật đặc biệt và một nhân cách đặc biệt.
Hội thảo khoa học “Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc”.
Ông là tác giả của “Con đường sáng” – một trong những đường dây liên lạc hải ngoại đầu tiên của Cách mạng Việt Nam (1940 – 1945). Mục đích của “Con đường sáng” là để đưa đón và kết nối các chiến sĩ Cách mạng trong nước (trong đó, có những nhân vật nổi tiếng như Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái và nhiều người khác) với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trong suốt những năm 1940 – 1945.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng: Nếu không có “Con đường sáng” Móng Cái – Bách Sắc, rất có thể lịch sử Cách mạng Việt Nam năm 1945 và bây giờ sẽ khác. Bởi vậy, sự kiện này đang được các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt. Nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế hiện nay, phía Trung Quốc kỳ vọng việc xây dựng đường cao tốc từ Bách Sắc được kết nối với tất cả các tỉnh phía Tây Nam của nước này để qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) đến Lạng Sơn, Quảng Ninh và ra biển. Dự kiến, sẽ có một hội thảo khoa học chuyên đề này vào đầu năm 2019…
Liệt sĩ Đào Phúc Lộc từng là người chỉ huy đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng và người có công sắp xếp lại tổ chức trong ngành tình báo Việt Nam, thống nhất từ Trung ương Bộ Tổng Tham mưu đến các địa phương.
Đào Phúc Lộc là người đưa phong trào cách mạng của Hải Ninh (Quảng Ninh ngày nay) từ không đến có, giáo dục, bồi dưỡng đào tạo nhiều hạt giống tốt, nhiều người đã trưởng thành, là cán bộ của quân đội, của ngành tình báo trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, hào hùng của dân tộc.
Ông đồng thời là “Chủ nhiệm Hợp tác xã C1000” người tổ chức và lãnh đạo bí mật, quyết định sự thành công của “Phong trào Đồng khởi” tại miền Nam (1959 – 1960). Ông cũng là người duy nhất trong số các Anh hùng, liệt sĩ được tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý.
Thục Anh