Văn hóa - Thể thao

Lan tỏa tình yêu tiếng Anh qua Gala CEC’s Got Talent 2017

TĐKT – Tối 20/1, tại Nhà văn hóa quận Thanh Xuân,  Hội đồng Anh ngữ Canada (CEC) tổ chức Đêm Gala CEC’s Got Talent 2017 và trao phần thưởng Gương mặt CEC 2017 cho các học sinh có thành tích học tập xuất sắc nhất trong hệ thống. Đêm Gala được tổ chức trong không khí sôi động với 15 tiết mục đặc sắc nhất lọt vào chung kết. Điểm đặc biệt, sân chơi được tổ chức hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các tiết mục ca nhạc, vũ đạo được dàn dựng công phu. Các tiết mục kể chuyện có biên đạo chi tiết. Các em nhỏ đạt giải CEC’s Got Talent 2017 Bà Vũ Lưu Chinh, Giám đốc hệ thống CEC chia sẻ về ý nghĩa của chương trình: “Chúng tôi muốn lan tỏa tình yêu tiếng Anh đến tất cả thế hệ học sinh Việt Nam. Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng học tiếng Anh chỉ giống như một môn học. Tôi muốn mọi người nhìn tiếng Anh chính là cuộc sống mà ở đó những đứa trẻ của CEC, thông qua tiếng Anh, đã trải nghiệm mọi khía cạnh cuộc sống theo cách của chúng... Chúng tôi sẽ giữ truyền thống Gala này để tạo sân chơi bổ ích cho các em nhiều hơn”. Năm 2017, đánh dấu chặng đường 8 năm phát triển và đồng hành của hệ thống CEC với các em học sinh và gia đình. Năm 2017 cũng là năm ghi lại rất nhiều dấu ấn của các em học sinh trong các lĩnh vực năng khiếu, nghệ thuật và cả học tập. Trao giải thưởng Gương mặt CEC 2017 cho các học sinh xuất sắc nhất Nhân dịp này, CEC đã trao giải thưởng Gương mặt CEC 2017 cho 100 bạn nhỏ đại diện cho 2500 học sinh trên toàn hệ thống CEC với thành tích học tập xuất sắc nhất. Trong đó, nhiều học sinh đạt điểm tuyệt đối trong các cuộc thi quốc tế. Đây là một món quà đặc biệt nhằm tôn vinh những gương mặt tiêu biểu đã và đang đại diện cho toàn bộ thế hệ học sinh đang học tại CEC hiện nay. Phương Thanh - Mai Thảo

Giới thiệu vùng đất và con người Điện Biên đến du khách Thủ đô

TĐKT – Thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 – 2020 giữa 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lào Cai, chiều  20/1, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường trao đổi thông tin và liên kết chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên và TP Hà Nội; tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch 2 địa phương; thảo luận, trao đổi, bàn các giải pháp nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm du lịch và thu hút khách du lịch đến Điện Biên trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên Phạm Việt Dũng phát biểu tại Hội nghị Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên Phạm Việt Dũng cho biết, năm 2017 lượng khách du lịch đến Điện Biên tăng 25% so với năm 2016, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 950 tỷ đồng, tăng 33,8%. Hoạt động du lịch đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động; trong đó có hơn 5.000 lao động trực tiếp. Để đạt được những kết quả đó có sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch và nhất là sự đóng góp rất tích cực, hiệu quả của các đơn vị kinh doanh lữ hành trong cả nước, trong đó TP Hà Nội đóng vai trò quan trọng. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải mong muốn qua Hội nghị này, Sở Du lịch Hà Nội và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các doanh nghiệp du lịch; từ đó, xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch chất lượng kết nối Hà Nội với Điện Biên và các tỉnh, thành phố khác trong nước cũng như quốc tế nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, đồng bào hai địa phương. Tối cùng ngày, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức Lễ khai mạc chương trình giao lưu, giới thiệu quảng bá văn hóa, du lịch Điện Biên tại khu vực tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và phụ cận. Chương trình diễn ra đến hết ngày 21/1 với một số nội dung hoạt động chính gồm: Giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch Điện Biên; trưng bày, triển lãm ảnh đẹp du lịch Điện Biên; chiếu phim lưu động; giao lưu chụp ảnh cùng Người đẹp hoa Ban 2017 và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên… Các hoạt động sẽ tập trung giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người Điện Biên Phủ anh hùng, quảng bá đặc trưng, thế mạnh về văn hóa và du lịch tỉnh Điện Biên, đặc biệt là Lễ hội hoa Ban đến với du khách và nhân dân Thủ đô. Điện Biên là tỉnh miền núi Tây Bắc có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch lịch sử, sinh thái và văn hóa. Một số di tích lịch sử gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc, tiêu biểu: Tháp Mường Luân, thành Tam Vạn, thành Bản Phủ và đặc biệt là quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ - di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt năm 2009 gắn với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Du lịch văn hóa với 19 dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; cùng với đó là các lễ hội độc đáo, những món ăn đặc sản mang đậm nét vùng Tây Bắc. Tiêu biểu là Lễ hội hoa Ban, được tổ chức dịp đầu năm. Năm  2017 lễ hội này đã hút 130 nghìn lượt khách, trong đó gần 30 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng. Một số điểm du lịch sinh thái: Hồ Pá Khoang, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, điểm cực Tây tổ quốc ngã ba biên giới A Pa Chải, rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, động Pa Thơm, hang Thẩm Púa, hang động Xá Nhè ... các điểm khoáng nóng Hua Pe, U Va (huyện Điện Biên), bản Sáng (huyện Tuần Giáo), hồ thủy điện Sơn La tại khu vực thị xã Mường Lay... Các điểm du lịch tâm linh thu hút du khách: Các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao), đền Hoàng Công Chất, điểm văn hóa Linh Sơn, Linh Quang. Hiện nay đang chuẩn bị cho đầu tư các dự án xây dựng Tượng đài Thanh niên xung phong Điện Biên Phủ tại huyện tuần Giáo, khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng, công trình văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi E2. Hiện nay, Điện Biên có 142 cơ sở lưu trú (trong đó có 19 khách sạn từ 1 đến 4 sao), trên 150 nhà hàng, 10 bản văn hóa du lịch có khả năng đáp ứng được tối thiểu nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Cùng với đó, Điện Biên sẽ nâng cấp sân bay với quy mô lớn hơn. Mai Thảo  

133 tác phẩm đạt giải sáng tác văn học - nghệ thuật về "Tình đoàn kết chiến đấu ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia"

TĐKT - Chiều 18/1, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc vận động sáng tác văn học - nghệ thuật về "Tình đoàn kết chiến đấu ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia" (gọi tắt là CVĐ). Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ chủ trì Lễ tổng kết, trao giải. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo trao giải cho các tác giả đạt giải A. CVĐ do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức, phát động từ đầu năm 2017, có sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của cán bộ, chiến sĩ và cựu chiến binh của cả ba quân đội: QĐND Việt Nam, QĐND Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia. Qua 9 tháng triển khai, Ban Tổ chức CVĐ đã nhận được 1.707 tác phẩm của 791 tác giả. Qua 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, có 133 tác phẩm đạt giải thưởng. Trong đó, có: 14 tác phẩm đạt giải A (Việt Nam có 5 tác phẩm, Lào 4 tác phẩm, Campuchia 5 tác phẩm). 27 tác phẩm đạt giải B (Việt Nam 10 tác phẩm, Lào 8 tác phẩm, Campuchia 9 tác phẩm). 40 tác phẩm đạt giải C (Việt Nam 15 tác phẩm, Lào 12 tác phẩm, Campuchia 13 tác phẩm). 52 tác phẩm đạt giải khuyến khích (Việt Nam 20 tác phẩm, Lào 16 tác phẩm, Campuchia 16 tác phẩm). Theo đánh giá của Hội đồng chung khảo, đa số các tác giả, tác phẩm dự thi đều bám sát chủ đề, nội dung, chấp hành tốt thể lệ CVĐ. Việc tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan. Nhiều tác phẩm có giá trị nội dung, nghệ thuật cao; thực sự có ý nghĩa, góp phần ca ngợi, tuyên truyền, giới thiệu, củng cố tình đoàn kết chiến đấu ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, đồng thời, góp phần bổ sung, làm phong phú kho tàng di sản văn học - nghệ thuật của mỗi nước. Đây là một hoạt động tiêu biểu trong "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào", "Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia". Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ đánh giá cao sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, sự chủ động, sáng tạo trong điều hành, cũng như tinh thần nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; đồng thời chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đạt giải lần này. Thông qua các tác phẩm của mình, các tác giả và cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh ba nước đã góp phần phản ánh, làm bừng lên sức sống mãnh liệt, tiếp tục thắp sáng tình đoàn kết chiến đấu ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Tại buổi lễ, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đã trao giải thưởng cho các cá nhân đạt giải trong CVĐ và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai CVĐ. 133 tác giả, nhóm tác giả được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen và Giấy chứng nhận. 3 tập thể, 5 cá nhân được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức, tham gia CVĐ. 12 tập thể, 9 cá nhân được Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức, tham gia CVĐ. Phương Thanh

Tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất

TĐKT - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Biểu diễn múa rồng trong lễ hội khai Xuân năm 2017 Theo đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, vui xuân, đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định của Đảng và Nhà nước về lễ hội, về giá trị lịch sử - văn hóa di tích và lễ hội. Đồng thời, hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, mừng Xuân Mậu Tuất 2018 và các ngày kỷ niệm... thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, với tinh thần tiết kiệm, tuyệt đối an toàn và không sử dụng ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, không để xảy ra các hiện tượng phản cảm: Tranh cướp lộc, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc (hoặc cờ bạc trá hình), ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch... Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc; không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống.  Xây dựng phương án đảm bảo trật tự, an ninh, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi tham gia hoạt động lễ hội; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại di tích. Song song với đó, cần quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội trong giờ hành chính (trừ trường hợp đang thực thi nhiệm vụ).  Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vào thời điểm lễ hội, dịp Tết Nguyên đán; phát hiện, xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm. Hồng Thiết

Hướng đến Lễ hội chùa Hương 2018 an toàn và xứng tầm

TĐKT – Nhằm hướng đến mùa Lễ hội chùa Hương an toàn và có quy mô xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt, năm 2018, công tác quản lý, tổ chức Lễ hội sẽ có nhiều điểm mới, tích cực. Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2018 đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 16/1. Theo đó, Ban tổ chức sẽ phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ để hướng dẫn du khách và kiểm tra vé tham quan thắng cảnh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp dẫn khách trốn vé thắng cảnh, sử dụng vé thắng cảnh giả hoặc quay vòng vé. Lễ hội chùa Hương 2018 cấm xuồng máy UBND huyện Mỹ Đức cũng bố trí lực lượng không để các hộ bán hàng chiếm lòng đường từ khu vực ga cáp treo số 3 đến cổng động Hương Tích và lòng đường, cầu đường bộ, lối ra, không để tình trạng nướng thực phẩm gây khói ảnh hưởng cảnh quan, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối với các chủ hộ trực tiếp kinh doanh, UBND huyện yêu cầu các chủ hộ phải được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định. Được biết, năm nay, với hai sự kiện đặc biệt là kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ dành cho Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương), Lễ hội chùa Hương năm 2018 đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) dành nhiều tâm sức chuẩn bị tổ chức nhằm có được một mùa lễ hội an toàn, văn minh, đồng thời gìn giữ và phát huy hiệu quả các giá trị của di sản. Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch”, Lễ hội chùa Hương năm 2018 sẽ chính thức khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 21/2/2018). Thục Anh  

10 sự kiện văn hóa, thể thao Hà Nội tiêu biểu năm 2017

TĐKT - 10 sự kiện văn hóa, thể thao Hà Nội tiêu biểu năm 2017 vừa được Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội công bố. Sự kiện xếp ở vị trí số 1 là Tổ chức thành công các lễ kỷ niệm cấp quốc gia chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô trong năm 2017: 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga... Nguyễn Thị Thành Tâm giành Huy chương Vàng đầu tiên cho boxing Việt Nam tại đấu trường châu Á Xếp ở vị trí thứ 2 là Thành phố Hà Nội ban hành và triển khai bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Tiếp đến là, Di tích Lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức và Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Chèm, quận Bắc Từ Liêm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic 2017. Trưng bày chuyên đề "Tìm lại ký ức Hà Nội" tại di tích nhà tù Hỏa Lò chào mừng 45 chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Đổi mới trong công tác tuyên truyền, trang trí, cổ động trực quan trên địa bàn TP Hà Nội. Đại hội Thể dục Thể thao Thủ đô lần thứ IX - 2017. Tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 - SEA Games 29. VĐV Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Tâm giành HCV đầu tiên cho boxing Việt Nam tại đấu trường châu Á. Hồng Thiết

Phát huy giá trị của các Di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia

TĐKT - Ngày 28/12, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Gặp mặt báo chí, truyền thông. Đến dự có ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I; bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cùng các phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan báo chí đã tích cực hợp tác với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trong thời gian qua. Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, truyền thông Tại buổi gặp mặt, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng điểm lại những hoạt động phát huy giá trị tài liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói chung và các đơn vị thuộc Cục nói riêng trong năm 2017. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả các phóng viên, biên tập viên, nhà báo trong việc đưa những thông tin về các các khối tài liệu lưu trữ có giá trị của quốc gia tới công chúng, cộng đồng. Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cũng thông tin tới các phóng viên, biên tập viên, nhà báo dự kiến Kế hoạch phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trong năm 2018 và bày tỏ mong muốn các phóng viên, biên tập viên, các nhà báo tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cũng như các Trung tâm Lưu trữ quốc gia để làm sâu sắc hơn nữa những giá trị của tài liệu lưu trữ - tài sản vô giá của nhân loại. Trong năm 2018, Cục sẽ tích cực tổ chức các hoạt động phát huy giá trị của các Di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia. Trong đó phải kể đến một số hoạt động như triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản triều Nguyễn” (tháng 5/2018); Trưng bày di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia “Tổ chức bộ máy Nhà nước qua các thời kỳ” (tháng 8/2018) và Triển lãm di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia “Hà Nội 36 phố phường” (tháng 10/2018). Với những giá trị đặc biệt đáp ứng đầy đủ tiêu chí về nội dung và hình thức, tính độc đáo, tính xác thực, tầm ảnh hưởng quốc tế, ngày 30/10/2017, Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là 1 trong 78 Di sản tư liệu thế giới năm 2017. Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn (1802-1945), triều đại phong kiến Việt Nam và khu vực. Đây là khối tài liệu gốc, duy nhất có bút tích phê duyệt trực tiếp của Hoàng đế còn lưu giữ tại Việt Nam và cũng là số ít tài liệu trên thế giới lưu giữ được bút tích của các Hoàng đế trên văn bản. Để công chúng được tiếp cận và hiểu thêm về tư liệu này, tài sản vô giá của nhân loại, đặc biệt, vào tháng 12/2018, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ trưng bày Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn “Các Hoàng đế triều Nguyễn”. Ngoài ra, Cục cũng sẽ biên soạn một số cuốn sách như "Kiến trúc Pháp ở Hà Nội", "Văn bản quản lý Nhà nước triều Nguyễn qua Châu bản triều Nguyễn", "Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua tài liệu lưu trữ"... Hồng Thiết  

Trao giải và triển lãm cuộc thi ảnh “Hành trình Di sản 2017”

TĐKT - Chiều 19/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm ảnh “Hành trình di sản 2017” và trao “Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản”. Ban tổ chức Giải cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh "Hành trình di sản 2017" Ban tổ chức cuộc thi đã chọn triển lãm 18 bộ ảnh phóng sự và 19 ảnh bìa đã xuất sắc lọt vào vòng Chung kết. Triển lãm trưng bày 25 tác phẩm là tập hợp các sáng tác trong các chuyến photo tour trong suốt 3 năm qua từ năm 2015 đến năm 2017. Đây là hoạt động trong khuôn khổ của Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản hàng năm, do tạp chí Heritage phối hợp với các đối tác như Ford Vietnam, Câu lạc bộ các khu di tích văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tổ chức. Năm 2017 là năm thứ 5 liên tiếp Tạp chí Heritage, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam tổ chức “Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản” dành cho nhiếp ảnh báo chí trong nước. Triển lãm “Hành trình di sản 2017” cũng là triển lãm tổng kết chặng đường 5 năm đầu tiên của Giải. Với mục tiêu quảng bá vẻ đẹp danh lam thắng cảnh của đất nước, cuộc sống con người, đặc biệt là các di sản thế giới tại Việt Nam, Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản đã trở thành một hoạt động hàng năm được mong đợi của giới nhiếp ảnh trong nước. Năm 2018, “Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản” sẽ tiếp tục được thực hiện với một nội dung và hình thức hoàn toàn mới, để tạo một sức thu hút với cộng đồng sáng tác nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Giải sẽ được phát động từ 1/3 - 31/8/2018 và các chuyến photo tour sáng tác thực địa trong nước và quốc tế. Phương Thanh    

Ngày 27/4 sẽ diễn ra Festival Huế 2018

TĐKT - Chiều 19/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu Festival Huế năm 2018. Chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2017 Festival Huế là lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và mang tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn. Trải qua 9 kỳ tổ chức, Festival Huế đã đạt được những thành quả nhất định, khẳng định vị thế và thương hiệu trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới. Kế thừa và phát huy thành công của các kỳ Festival trước đây, Festival Huế 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản” sẽ khai mạc vào thứ sáu ngày 27/4/2018 và bế mạc thứ tư ngày 2/5/2018.  Festival Huế 2018 quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới, là cơ hội để quảng bá Huế, thành phố văn hóa, thành phố di sản, TP Festival, thành phố du lịch đặc trưng của Việt Nam. Đây là dịp để giới thiệu với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống và cung đình Huế.  Đặc biệt, tham gia Festival Huế cũng là cơ hội được tìm hiểu, thăm thú và trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016). Mới đây, Huế cùng với 11 tỉnh, thành phố miền Trung đồng chủ sở hữu 1 di sản phi vật thể vừa được UNESCO công nhận vào tháng 12/2017 là nghệ thuật bài chòi.  Festival Huế diễn ra trong năm 2018, gắn kết với nhiều sự kiện lịch sử văn hóa có ý nghĩa của Thừa Thiên Huế và của đất nước: Kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788 - 2018); 50 năm tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu thân (1968 - 2018); 25 năm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993 - 2018); 15 năm âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003 - 2018). Festival Huế 2018 sẽ có mặt hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Israel, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Anh, Đan Mạch, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia, Brazil, Colombia, Mexico, Peru, Chilê, Australia, Ma rốc… hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa. Nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra trong 6 ngày đêm. Bên cạnh đó, còn có các sự kiện, chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, các hoạt động văn hóa cộng đồng: Festival Khoa học (Đại học Y Dược Huế); Liên hoan Ẩm thực Quốc tế; Hội chợ “Thương mại Quốc tế Festival Huế 2018”; Lễ hội “Hương Xưa làng Cổ” (tại làng cổ Phước Tích - Huyện Phong Điền); Lễ hội “Chợ quê ngày hội” (tại Cầu Ngói Thanh Toàn - Thị xã Hương Thủy); Lễ hội “Sóng nước Tam Giang” (tại Huyện Quảng Điền)… Một số lễ hội cung đình và các lễ hội khác được tổ chức trước và sau Festival sẽ tiếp tục được tổ chức trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng: Lễ Tế Giao, Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Điện Hòn Chén, Lễ Phật Đản... Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai. Festival Huế 2018 hứa hẹn một mùa lễ hội ở cố đô Huế với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách gần xa. Hồng Thiết    

Trao giải cuộc thi vẽ tranh “Sải cánh vươn cao”

TĐKT - Ngày 16/12, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Vietnam Airlines phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Lễ trao giải và triển lãm cuộc thi vẽ tranh “Sải cánh vươn cao” thường niên dành cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là năm thứ tư liên tiếp cuộc thi vẽ tranh “Sải cánh vươn cao” dành cho học sinh khối tiểu học trên địa bàn Hà Nội được tổ chức.  Với chủ đề “Chiếc máy bay ước mơ của em”, cuộc thi vẽ tranh “Sải cánh vươn cao” năm 2017 đã nhận được khoảng 200.000 bài dự thi của học sinh các trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô. Những tác phẩm dự thi đa dạng về chất liệu, sinh động về màu sắc, thể hiện trí tưởng tượng phong phú của các em học sinh. Các tác phẩm đạt giải được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Qua vòng sơ khảo, 1.518 bài thi đã được chọn vào vòng chung khảo cấp thành phố. Sau đó, 100 tác phẩm xuất sắc nhất được xét giải và lựa chọn trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao 5 giải đặc biệt, 10 giải A, 35 giải B và 50 giải C cho 100 học sinh có tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi. Cháu Lương Bảo An (học sinh lớp 4A3, trường Tiểu học Nam Trung Yên) – một trong năm học sinh đã xuất sắc giành được giải đặc biệt của cuộc thi – cho biết: Cháu rất vui vì đã được trao giải.  “Cháu tự nảy ra ý tưởng của bức tranh. Trong tranh, cháu vẽ cảnh máy bay của Vietnam Airlines đang bay ở trên miền quê. Ở dưới đất là các bạn thiếu nhi đang vui vẻ chơi ô ăn quan. Cháu mong muốn các bạn ở nông thôn cũng sẽ được đi máy bay đến những nơi mà các bạn ấy thích. Cháu sẽ dùng giải thưởng để đi du lịch ở nước ngoài. Cháu cũng muốn cảm ơn thầy Sơn ở trường Nam Trung Yên đã dạy cháu vẽ và cô Hà chủ nhiệm đã tận tình chỉ bảo để cháu được như ngày hôm nay”, cháu Lương Bảo An chia sẻ. Hưng Vũ  

Trang