Kinh tế

Thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam

TĐKT - Chiều 27/10, Đại hội thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam tập hợp, thu hút được 117 thành viên là các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trên khắp Việt Nam, nhất là từ các làng nghề sản xuất nước mắm lâu đời và có thương hiệu như nước mắm Cát Hải, nước mắm Nha Trang, nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc... Đại diện Bộ Nội vụ trao quyết định thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam Đại hội đã thông qua điều lệ và đặt mục tiêu, phương hướng xây dựng cộng đồng sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam, phát triển thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh truyền thông cho nước mắm truyền thống... Đại hội đã bầu bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiêp hội Nước mắm Phú Quốc là Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam. Đồng thời, đại hội bầu ba Phó Chủ tịch Hiệp hội đại diện cho ba miền gồm: Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết; ông Trần Văn Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Hải sản Thái Bình (nước mắm Thái Bình); ông Trần Trần Hữu Hiền, Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bảy Hồng Hạnh (nước mắm Hồng Hạnh); một Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí là TS Trần Thị Dung, chuyên gia về nước mắm, người đã đeo đuổi xây dựng thành lập hiệp hội từ ban đầu. Phát biểu tại Đại hội, bà Hồ Kim Liên cho biết: Trong bữa cơm gia đình của người Việt Nam không thể thiếu một chén nước mắm. Mỗi khi nhắc đến nước mắm, là nghĩ ngay đến nước mắm truyền thống. Từng vùng miền khác nhau nước mắm có mùi vị, màu sắc khác nhau nhưng có cùng một tính chất giống nhau là kế thừa của ông cha, là niềm kiêu hãnh của người con đất Việt. Hiệp hội nước mắm Truyền thống Việt Nam được thành lập là dấu mốc quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu nước mắm truyền thống trong làng ẩm thực của Việt Nam. Ban Chấp hành Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam ra mắt tại Đại hội Nghề nước mắm truyền thống đã hình thành và phát triển trong 300 năm qua. Nước mắm truyền thống hiện chỉ chiếm 30% thị phần tại Việt Nam. Nhưng nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước, nhiều nhà sinh học, khoa học sự sống... đều khẳng định giá trị ưu việt của nước mắm truyền thống Việt. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất nước mắm truyền thống hàng đầu thế giới với công suất 170 - 180 triệu lít mỗi năm. Nhiều thành viên trong Hiệp hội đã có những bước tiến mới khi thành công trong việc đưa nước mắm truyền thống của Việt Nam có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon và siêu thị ở nhiều nước quốc gia khác. Công nghệ hiện đại cũng được áp dụng trong nhiều xưởng sản xuất nước mắm là thành viên của Hiệp hội. Việc thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam sẽ là một cột mốc hết sức quan trọng trong việc bảo tồn giá trị văn hóa cũng như tạo ra sức mạnh mới cho các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trong bối cảnh hội nhập mới. Phương Thanh

Tuần hàng “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” thành công tốt đẹp

TĐKT - Tuần hàng “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam”, sự kiện lớn đầu tiên được Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND TP Hà Nội và Sở Công thương TP Hà Nội tổ chức, đã kết thúc vào tối 25/10, sau 3 ngày diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện thu hút sự tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm của gần 100 gian hàng là các doanh nghiệp đến từ các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, trà, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, dệt may, da giày, balo, túi xách… Sự kiện “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị của các sản phẩm được làm nên bởi đôi bàn tay Việt với chất lượng hàng đầu, mang trong mình hàm lượng văn hóa, trí tuệ, bản sắc dân tộc. Thông qua sự kiện này, Ban tổ chức mong muốn góp phần khơi dậy tiềm năng tiêu thụ sản phẩm Việt tại thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động năm 2009; đồng thời giúp doanh nghiệp Việt mở mang, tìm kiếm cơ hội đưa các sản phẩm tinh hoa của đất nước đến với thị trường nước ngoài. Lễ khai mạc diễn ra vào tối 23/10 tại Vườn hoa Tượng đài Vua Lý Thái Tổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm,TP Hà Nội.   Trong khuôn khổ của chương trình, diễn ra nhiều hoạt động nổi bật như: Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt vào chuỗi bán lẻ hiện đại của tập đoàn Central Retail tại Việt Nam và Thái Lan dành cho các doanh nghiệp Việt Nam (lúc 9h, ngày 24/10, tại Nhà khách Chính phủ, 2 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội), với hơn 100 doanh nghiệp Việt tham gia, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt và các nhà bán lẻ trong nước và Thái Lan; trình diễn bộ sưu tập áo dài, biểu diễn nghệ thuật múa lụa “Tinh hoa Việt Nam” (diễn ra ngay Lễ khai mạc), chương trình ca nhạc Acoustic (mỗi tối); áp dụng chương trình quảng bá hàng Việt đồng loạt tại hệ thống hơn 200 siêu thị/cửa hàng của Central Retail tại Việt Nam, bao gồm GO!/Big C, Robins, Nguyễn Kim, Lan Chi… Tại mỗi siêu thị thiết kế riêng một khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia Tuần hàng “Made in Việt Nam - Tinh hoa Việt Nam”; kèm với đó là hàng loạt hoạt động dùng thử, trải nghiệm sản phẩm, và các chương trình khuyến mại lớn để quảng bá các sản phẩm Việt Nam.   Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, bên cạnh việc góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động theo nội dung Kết luận số 77-KL/TW ngày 5 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020, Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2020 tại Quyết định số 1457/QĐ-BCT ngày 3/6/2020 của Bộ Công thương về việc phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Công thương nhằm khôi phục và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19. Các gian trưng bày tại tuần hàng Đối với thị trường trong nước, các doanh nghiệp bán lẻ như Central Retail với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước sẽ là kênh tiếp thị, quảng bá truyền thông thiết thực nhất, kênh lưu thông hàng hóa hiệu quả đối với hàng Việt Nam, từ đó không ngừng gia tăng tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống bán lẻ này. Cụ thể, hiện tỷ lệ hàng Việt được kinh doanh tại các siêu thị GO!/Big C của tập đoàn Central Retail vẫn được duy trì ở mức trên 90% trong mảng kinh doanh thực phẩm. Trong những năm vừa qua, kim ngạch hàng Việt Nam xuất khẩu qua Central Retail cũng có sự tăng trưởng đáng kể, từ kim ngạch xuất khẩu 46 triệu USD năm 2016, đến năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 205 triệu USD mặc dù các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam phải cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại tại Thái Lan. Tổng Giám đốc tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Philippe Broianigo cho biết:  “Việt Nam là một quốc gia có sự phong phú về hàng hóa, sản phẩm. Thực hiện tầm nhìn “Đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”, Central Retail sẽ cùng chung tay tôn vinh sản phẩm của các nhà sản xuất Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất trong cách bán hàng. Nhiều nhà sản xuất của Việt Nam làm ra sản phẩm rất tốt, nhưng họ chưa biết làm sao để bán hàng hiệu quả, trong khi đó, những câu chuyện về sản phẩm lại rất quan trọng để tạo nên giá trị gia tăng cho hàng Việt. Điều này rất quan trọng vì nó làm nên sự khác biệt cho từng mặt hàng cụ thể. Chúng tôi hy vọng thông qua Tuần hàng Made in Việt Nam – Tinh hoa Việt Nam lần này, sẽ góp phần thay đổi cách tiếp cận để hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.” Tuần hàng “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” lấy bối cảnh cây cầu Long Biên là hình ảnh chủ đạo, tượng trưng cho cây cầu kết nối tinh hoa, gần 100 gian hàng trong không gian cũng mang đậm tính nghệ thuật và ứng dụng cao. Các gian hàng sử dụng những họa tiết quốc bảo tinh tế trên hình ảnh đậm chất Việt như nón lá, cánh diều, dải lụa, mái ngói phố cổ là điểm nhấn tinh hoa Ban tổ chức muốn giới thiệu đến người dân Thủ đô Hà Nội và vùng lân cận. Sự kiện này sẽ làm tiền đề để năm 2021, Central Retail thực hiện 2 sự kiện: Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan và Tuần hàng “Made in Vietnam” tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước, cũng như nâng tầm cho hàng Việt tại thị trường quốc tế. Cũng nhân dịp này, nhằm chung tay cứu trợ khẩn cấp bà con vùng lũ miền Trung, thông qua Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP Hà Nội, Central Retail trao tặng 10 tấn gạo hỗ trợ miền Trung nhanh nhất có thể. Đồng thời, tại 200 siêu thị, cửa hàng (GO!, Big C, Lan Chi, Nguyễn Kim…) của Central Retail cũng sẽ đặt thùng quyên góp phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhằm kêu gọi tất cả khách hàng cùng chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục lại cuộc sống sau bão lũ. Hồng Thiết

Công ty Vissan được vinh danh Top 10 công ty thực phẩm uy tín và Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020

TĐKT - Ngày 22/10, tại TP Hà Nội, Công ty Vietnam Report tổ chức Lễ vinh danh Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống năm 2020, cùng với Lễ công bố Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. Đây là giải thưởng thường niên của Vietnam Report nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có uy tín và chất lượng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Giải thưởng năm nay ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn trong bối cảnh COVID-19 đạt được những thành tựu nổi bật, đem về lợi nhuận tăng trưởng cho doanh nghiệp và góp phần hồi phục nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới. Công ty Vissan tiếp tục được vinh danh với danh hiệu Top 10 công ty thực phẩm uy tín và Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020 Năm nay, công ty Vissan tiếp tục được vinh danh trong Top 10 công ty thực phẩm uy tín và Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020. Danh hiệu này là nguồn động lực to lớn tiếp sức cho công ty Vissan ngày càng phát triển vững mạnh hơn, đồng hành mang đến những bữa ăn ngon, dinh dưỡng đến hàng triệu gia đình Việt. Chặng đường 50 năm chinh phục người tiêu dùng Việt, công ty Vissan luôn lấy lợi ích của khách hàng làm kim chỉ nam tạo nên các giá trị cốt lõi và phương châm hoạt động; luôn giữ uy tín trong sản xuất, quản lý chất lượng và không ngừng nâng cao chuỗi giá trị từ nông nghiệp chăn nuôi cho đến cung cấp thực phẩm chất lượng thiết yếu đến tận tay người tiêu dùng. Đồng thời, công ty cũng không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để mang đến thực phẩm dinh dưỡng, đa dạng, đáp ứng kỳ vọng và nhu cầu của người Việt. Công ty Vissan hiện là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thực phẩm của cả nước với hệ thống phân phối gồm 130.000 điểm bán trên kênh truyền thống, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và gần 50 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc. Với sứ mệnh cung ứng cho thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng, công ty không ngừng xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững Feed - Farm - Food “Từ trang trại tới bàn ăn”, thực hiện sứ mệnh cung cấp sản phẩm chất lượng cao, dinh dưỡng, góp phần bình ổn giá cả thị trường thực phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng.                                                                      Xuân Phúc

Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp

TĐKT - Ngày 23/10, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo "Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam" nhằm tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến, các mô hình kinh doanh liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Toàn cảnh Hội thảo Hội thảo cung cấp những thông tin cơ bản về vai trò và lợi ích của kinh tế tuần hoàn; những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế tuần hoàn; qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, hướng các doanh nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua sản xuất và tiêu dùng bền vững. Hội thảo là diễn đàn đa chiều để các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra, hướng tới thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Kinh tế tuần hoàn hội tụ 4 lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải ngành này thành nguồn của ngành kia, đồng thời góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Do đó, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đồng bào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và  thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết,  kinh tế tuần hoàn không chỉ là vấn đề chất thải mà cần tiếp cận thực hiện 4 khâu/giai đoạn của vòng đời sản phẩm, bao gồm: Sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, biến chất thải trở lại thành tài nguyên. Tại Việt Nam, nắm bắt được xu hướng và tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn cho phát triển của doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành và các doanh nghiệp triển khai. Tuy nhiên, để phát triển rộng khắp mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn nhiều thách thức. Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng; cần triển khai nghiên cứu sâu rộng. Phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương. Tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường. Tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên. Vấn đề cần phải giải quyết ngay đối với Việt Nam là phân loại rác tại nguồn. Phương Thanh

Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển du lịch thông minh

TĐKT - Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Franconomics - 2020, Hội thảo quốc tế “Du lịch thông minh: Hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường” do Bộ Ngoại giao, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đã diễn ra chiều 23/10 tại Hà Nội. Toàn cảnh Hội thảo Tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung vào hai phiên thảo luận chính. Phiên thứ nhất với chủ đề “Du lịch thông minh: Từ xu thế đến thực tế, cơ hội và thách thức”. Các diễn giả đã trao đổi về sự chuyển dịch từ du lịch sang du lịch thông minh tại Việt Nam; nhu cầu và triển vọng phát triển của du lịch thông minh tại Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường; vai trò và ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh; những khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam. Phiên thứ hai với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho phát triển du lịch thông minh của Việt Nam”. Các diễn giả đã giới thiệu kinh nghiệm phát triển du lịch thông minh của một số quốc gia Pháp ngữ có công nghiệp du lịch phát triển (Pháp, Morocco, Bỉ, Thụy Sĩ…); du lịch thông minh hội nhập và hướng ra thị trường quốc tế; phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, trường đào tạo… trong thúc đẩy phát triển du lịch thông minh bền vững và hài hòa tại Việt Nam. Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi cho biết, du lịch vốn được xác định là mũi nhọn của nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, du lịch là ngành bị tác động sớm nhất, nhiều nhất bởi Covid-19 nhưng cũng là ngành được kỳ vọng nhiều nhất. Du lịch Việt Nam thời gian qua đã đạt được những bước tiến lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, thúc đẩy giao lưu văn hóa quốc tế. Du lịch cũng là yếu tố quan trọng mang Việt Nam ra thế giới và mang thế giới về Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, trong thời kỳ các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông được tích hợp trong các công cụ và phương pháp tiếp cận sáng tạo, du lịch thông minh được hình thành và phát triển nhằm đổi mới lĩnh vực du lịch. Trên thế giới, du lịch thông minh đã được nhiều quốc gia triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, trọng tâm được đặt vào việc tối ưu hóa ứng dụng khoa học công nghệ. Điều này tạo nên những điểm nhấn cho mỗi nước và lợi thế cạnh tranh trong du lịch giữa các nước. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, thời gian qua, ngành du lịch đã và đang tích cực chuyển đổi, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số, tạo ra những chuyển biến đột phá. Các địa phương, doanh nghiệp đã tập trung, phát triển, triển khai ứng dụng kết nối liên thông, hệ thống thông tin phục vụ điều hành quản lý nhà nước. Tổng cục Du lịch đã ra mắt ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn, hỗ trợ kết nối du khách, cung cấp cơ sở du lịch và cơ quan quản lý du lịch trên nền tảng chung... Ngành du lịch Việt Nam hiện đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đã thích ứng nhanh nhạy, tích cực tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0, chủ động cải tiến để trở thành doanh nghiệp thông minh. Nhiều địa phương tại Việt Nam đã phát triển được du lịch thông minh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Hòa Bình. Bên cạnh đó, một số địa phương đã có nhiều sáng kiến, ý tưởng mới, đặc biệt là việc triển khai hệ thống sinh thái thông minh để phục vụ cho du lịch. Minh Phương

Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến VOMF 2020

TĐKT - Để cập nhật các xu hướng, công nghệ, giải pháp marketing giúp các doanh nghiệp ngược dòng ngoạn mục thời kỳ hậu COVID-19, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến VOMF 2020 tại TP Hồ Chí Minh (ngày 21/10) và Hà Nội (ngày 23/10). Diễn đàn đón nhận sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến (Vietnam Online Marketing Forum) VOMF 2020 là sự kiện chính thống về tiếp thị trực tuyến với quy mô toàn quốc. Đây là năm thứ 5 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Quay trở lại sau sự thành công vang dội của Vietnam Online Marketing Forum 2019, VOMF 2020 đón nhận sự quan tâm nồng nhiệt của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân khởi nghiệp, các đơn vị truyền thông, các tổ chức - cơ quan - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực marketing, thương mại điện tử trên khắp cả nước. Có thể nói, VOMF 2020 chính là sự kiện Online Marketing quy mô cấp quốc gia được mong đợi nhất năm 2020. Với chủ đề chính là "Growth Hacking After COVID-19", diễn đàn năm nay tạo cơ hội để các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ tiếp thị trực tuyến có thể nắm bắt các giải pháp mới nhất phù hợp với từng thị trường và quy mô, sản phẩm... Trong đó, các chiến lược tăng trưởng bứt phá được coi như là chiếc phao cứu sinh đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có cách phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian ngắn, với ngân sách thấp nhất có thể, hay còn gọi là chiến lược "growth hacking". Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần triển khai các chiến lược tăng trưởng đột phá, nhất là sau khi cơn bão COVID-19 qua đi. Sự kiện quy tụ nhiều diễn giả hàng đầu về marketing trong và ngoài nước. Các diễn giả tại VOMF 2020 là những chuyên gia uy tín từ những tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh tiếp thị trực tuyến, bao gồm Nielsen, Vinalink, Google, Facebook... VOMF 2020 bao gồm bốn phiên. Phiên 1 với chủ đề “Super App Marketing”, các diễn giả đã cùng trao đổi những xu hướng mới, cách để phát triển kinh doanh tinh gọn để khách hàng có thể tận dụng tối đa lợi ích các app, đồng thời cùng chia sẻ những thông tin số liệu cũng như những case study thực tế. Phiên 2 với chủ đề “Micro Business Go Online” tập trung cung cấp các giải pháp giúp các danh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trực tuyến một cách dễ dàng. Sự nổi lên của các nền tảng xã hội thu hút một lượng lớn người dùng đã làm phát triển thêm các nền tảng tiếp thị, có sự tương tác cao, thuận tiện cho việc chốt đơn hàng. Đây cũng là nội dung của Phiên 3 “ Social Commerce” . Phiên 4 “ Ecommerce Growth Hacking” tổng hợp các chiến lược cụ thể để doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát về các công nghệ, giải pháp có thể áp dụng trong thời gian gần nhất. Phương Thanh

Ra mắt nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC

TĐKT - Ngày 23/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Lễ ra mắt nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC. Các đại biểu bấm nút khai trương nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC Ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT cho biết: “Nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC là sản phẩm cho VNPT làm chủ hoàn toàn về công nghệ, giúp xác minh, nhận dạng và trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh và giấy tờ cá nhân. Nền tảng được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện dựa trên các công nghệ 4.0 mũi nhọn như: Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và nhận dạng sinh trắc học (Biometric Recognition).” Sở hữu tập dữ liệu lớn của riêng người Việt và khả năng OCR (nhận dạng chữ) chính xác cao, VNPT eKYC có thể nhận dạng khách hàng, xác thực giấy tờ, kiểm tra gian lận và hỗ trợ khách hàng thông qua video call. Đặc biệt có thể cảnh báo các trường hợp bất thường như có dấu hiệu tẩy xóa, mờ, nhòe, bị che thông tin, phát hiện giấy tờ chụp lại qua màn hình máy tính, điện thoại, phát hiện CMND cắt góc, quá hạn. Việc tích hợp trên nhiều nền tảng, ứng dụng khác của VNPT giúp sản phẩm có ưu thế nổi bật về tối độ xử lý tức thời và đảm bảo an toàn thông tin. Đặc biệt, VNPT eKYC là sản phẩm ứng dụng công nghệ lõi, là cơ sở để VNPT và các đối tác công nghệ liên kết nghiên cứu giải pháp mới, giúp tích hợp và phát triển chuỗi các giải pháp tổng thể. Mô hình SaaS/PaaS hỗ trợ khách hàng nhanh chóng. Khách hàng có thể chủ động tích hợp API/SDK trên website (https://ekyc.vnpt.vn/vi ) và lựa chọn gói cước phù hợp với nhu cầu của mình. Hiện nay, lưu lượng chạy qua nền tảng VNPT eKYC mỗi ngày từ khoảng 500.000 – 1.000.000 giao dịch. Số lượng giao dịch đang chạy từ hơn 1 năm qua đã gần 200 triệu giao dịch. VNPT cam kết đồng hành cùng Chính phủ, Bộ TT&TT vì mục tiêu chung của quốc gia. Cụ thể trong năm 2020 - 2021, VNPT xúc tiến mạnh mẽ đưa nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC trở thành công nghệ lõi phục vụ phát triển kinh tế số, đáp ứng đa lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục, thương mại điện tử, kho vận… Phương Thanh

Lần đầu tiên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có nữ Tổng Giám đốc

TĐKT - Hai ứng cử viên nữ là bà Yoo Myung-Hee từ đến Hàn Quốc và Bà Ngozi Okonjo-Iweala đến từ Nigeria là những người đã vượt qua vòng 2 (24/9 - 6/10) và lọt vào vòng cuối cùng để trở thành Tổng Giám đốc tiếp theo của Tổ chức Thương mại Thế giới. Ứng viên Yoo Myung – Hee là Bộ trưởng Thương mại đầu tiên Như vậy, việc từ 5 ứng cử viên còn lại, 2 ứng cử viên nữ sau vòng 2 và tiếp theo là vòng 3 - vòng tham vấn cuối cùng(19/10 - 27/10), đồng nghĩa với việc tổ chức này sẽ lần đầu tiên có một nữ Tổng Giám đốc kể từ năm 1995. Sau khi chọn được tân Tổng Giám đốc, các quốc gia thành viên WTO sẽ thông qua quyết định này trong cuộc họp hội đồng chung. Quá trình này dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 11 năm nay. Ứng viên Yoo Myung-Hee là Bộ trưởng Thương mại đầu tiên của Hàn Quốc, một nhà đổi mới, nhà đàm phán và người tiên phong trong suốt 25 năm làm việc trong lĩnh vực thương mại. Bà đã cống hiến cho sự nghiệp phát triển trong lĩnh vực thương mại đa phương từ năm 1995. Khi đó, bà phụ trách các vấn đề của WTO tại Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng với qua vai trò là chiến lược gia FTA chủ chốt của Hàn Quốc. Gần đây, bà từng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), FTA Hàn Quốc-Trung Quốc và đàm phán lại FTA Hàn Quốc-Hoa Kỳ(KORUS). Ứng viên Okonjo-Iweala của Nigeria là nữ Bộ trưởng Tài chính và cũng là nữ Ngoại trưởng đầu tiên của nước này, bà từng là Giám đốc nhiều chương trình của Ngân hàng Thế giới(WB), Chủ tịch Gavi - Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng. Ứng viên Yoo Myung-Hee là hiện Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, đã có kinh nghiệm ký kết các FTA trong hàng chục năm qua, do đó, bà là ứng viên phù hợp để lãnh đạo cải cách WTO. Hiện nay, có đánh giá cho rằng bà Yoo là người có khả năng làm trung gian cân bằng giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước đang phát triển hiện để có thể đương đầu với một loạt các cuộc khủng hoảng của WTO đồng thời bình thường hóa chủ nghĩa đa phương . Ngoài ra, Hàn Quốc còn là hình mẫu của các nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và được hưởng lợi nhiều nhất từ tăng trưởng kinh tế thông qua hệ thống thương mại tự do. Bà Yoo Myung-Hee là ứng thích hợp để khôi phục uy tín của thương mại đa phương và nếu bà thắng cử, bà có kế hoạch sẽ chia sẻ bí quyết về việc phát triển vượt bậc của Hàn Quốc với các nước đang phát triển và tích cực tham gia cải cách WTO. La Giang

Công bố sự kiện tuần hàng “Made in Vietnam – Tinh hoa Việt Nam”

TĐKT - Nhằm quảng bá cho các sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao tới người tiêu dùng cả nước, ngày 15/10, Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo công bố sự kiện tuần hàng “Made in Vietnam – Tinh hoa Việt Nam”. Sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, sẽ thu hút sự tham gia của gần 100 gian hàng là các doanh nghiệp từ các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, trà, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, dệt may, da giày, balo, túi xách… quảng bá và trưng bày, bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, đi kèm với các hoạt động có ý nghĩa góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Giới thiệu sự kiện tuần hàng “Made in Vietnam – Tinh hoa Việt Nam” Sự kiện tuần hàng “Made in Vietnam – Tinh hoa Việt Nam” là hoạt động tiếp nối thành công của 4 sự kiện thường niên Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan – do Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công thương. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu nên Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch tổ chức, thay vì tổ chức tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan như mọi năm, thì chuyển sang tổ chức Tuần hàng Made in Vietnam tại Hà Nội với tên gọi Tinh hoa Việt Nam, nhằm nêu cao giá trị tự hào hàng Việt Nam – tự hào tinh hoa dân tộc và thúc đẩy phát triển tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước với gần 100 triệu dân. Tại tuần hàng Việt Nam Ban tổ chức sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Phương nhấn mạnh, thực hiện tầm nhìn “Đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”, Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam vinh dự phối hợp tổ chức sự kiện quan trọng này. Tập đoàn sẽ áp dụng triển khai chương trình này tới hơn 200 cửa hàng trong hệ thống trên toàn quốc (bao gồm: GO/Big C/ Robins, Nguyễn Kim, Lan Chi). Tại mỗi siêu thị, Tập đoàn sẽ thiết kế riêng 1 khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp tham gia tuần hàng “Made in Vietnam – Tinh hoa Việt Nam”; kèm với đó là hàng loạt hoạt động dùng thử, trải nghiệm sản phẩm và các chương trình khuyến mại lớn để quảng bá các sản phẩm Việt Nam, từ đó, người Việt Nam sẽ hiểu chất lượng hàng Việt, để tin dùng và tự hào về hàng Việt Nam. Ban tổ chức kỳ vọng, Tuần hàng “hàng “Made in Vietnam – Tinh hoa Việt Nam” sẽ thành công tốt đẹp, tạo tiền đề để sang năm 2021, sẽ đồng loạt thực hiện 2 sự kiện: Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan và Tuần hàng “Made in Vietnam” tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước, cũng như nâng tầm cho hàng Việt Nam tại thị trường quốc tế. Hồng Thiết

Tổng cục Hải quan và Học viện Tài chính ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

TĐKT - Ngày 9/10/2020, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan và Học viện Tài chính đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động hợp tác, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giữa hai đơn vị. Dự Lễ ký kết, về phía Tổng cục Hải quan có Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường, Học viện Tài chính có PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc học viện Tài chính làm trưởng đoàn, cùng đại diện lãnh đạo hai đơn vị. Quang cảnh Lễ ký kết Đánh giá kết quả hợp tác giữa hai đơn vị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Hải quan Bùi Ngọc Lợi cho biết, trong 5 năm qua, các hoạt động phối hợp giữa Học viện Tài chính và Tổng cục Hải quan trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học đã được triển khai kịp thời, đúng hướng và ngay từ bước đầu đã có những hợp tác rất chặt chẽ và thực sự có hiệu quả. Các nội dung hợp tác được nêu tại Bản ghi nhớ hợp tác đã được triển khai thực hiện tốt. Cụ thể, nhiều hoạt động đã được triển khai đạt kết quả trên nhiều lĩnh vực như: Hợp tác, hỗ trợ đào tạo; hợp tác, hỗ trợ nghiên cứu khoa học... Hàng năm, Tổng cục Hải quan đã cử một số chuyên gia của Tổng cục trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hải quan cho giáo viên Bộ môn Nghiệp vụ hải quan thuộc khoa Thuế - Hải quan. Tổng cục Hải quan cũng tạo điều kiện cho các giảng viên Học viện tham gia một số khoá đào tạo ngắn hạn do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy về nghiệp vụ hải quan (quản lý rủi ro, trị giá hải quan, sở hữu trí tuệ...). Lễ ký kết Bên cạnh đó, trên cơ sở đề nghị và kế hoạch cụ thể hàng năm của Học viện, một số cục hải quan địa phương và một số đơn vị thuộc Tổng cục đã tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên của Học viện đi thực tế nghiệp vụ Hải quan tại một số chi cục và cục hải quan. Đặc biệt, hàng năm Cục Hải quan Hà Nội và một số cục, vụ thuộc Tổng cục Hải quan đã sắp xếp, bố trí cho sinh viên chuyên ngành Hải quan thực tập cuối khóa tại các chi cục trực thuộc... Đặc biệt, hàng năm Tổng cục Hải quan đã trao nhiều suất học bổng cho sinh viên chuyên ngành hải quan có kết quả học tập đạt từ loại giỏi trở lên. Hai bên đã phối hợp tổ chức các hội thảo trao đổi về kinh nghiệm xây dựng chiến lược đào tạo, tổ chức đào tạo, quy trình quản lý học viên, áp dụng kỹ năng sư phạm, phương pháp dạy học hiện đại, đặc biệt là công tác giảng dạy trực tuyến E- learning trên các nền tảng thông tin đa phương tiện. Ngoài ra, trong 5 năm qua, Học viện cũng phối kết hợp với Tổng cục Hải quan trong việc giới thiệu các sinh viên tốt nghiệp từ loại xuất sắc trở lên để Tổng cục tuyển chọn và xét tuyển vào làm việc tại các cơ quan hải quan theo quy định của Nhà nước... Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị vẫn còn một số hạn chế trong việc trao đổi thông tin; tổ chức hội thảo, diễn đàn khoa học; xây dựng các chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ; hai đơn vị chưa phối kết hợp hiệu quả để xây dựng cơ chế lựa chọn, tuyển dụng, thu hút những sinh viên tốt nghiệp từ loại xuất sắc thuộc chuyên ngành hải quan vào làm việc tại các cơ quan Hải quan. Nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai đơn vị, cùng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được Bộ Tài chính giao, hai đơn vị đã nhất trí tiếp tục hợp tác trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Tại buổi ký kết biên bản ghi nhớ, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Hoàng Việt Cường và PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính đều nhấn mạnh đây là thời điểm cần thiết để hai bên đánh giá lại kết quả hợp tác trong 5 năm qua cũng như định hướng giai đoạn thời gian tới. Đặc biệt, với chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị thì nhu cầu và tiềm năng còn rất lớn. Theo đó, kế hoạch hợp tác trong giai đoạn 2020 - 2025 giữa Tổng cục Hải quan và Học viện Tài chính tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Học viện Tài chính và Tổng cục Hải quan, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa. Hồng Thiết

Trang