TĐKT - Sáng 29/10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" (Ban Tổ chức 248) phối hợp với một số bộ, ngành liên quan gặp gỡ báo chí thông tin về Diễn đàn "Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam".
Ban Tổ chức thông tin với các cơ quan báo chí về sự kiện
Diễn đàn được tổ chức nhằm đem lại một góc nhìn mới về những thách thức và cơ hội từ Covid-19 và hậu Covid-19: Góc nhìn từ văn hóa kinh doanh; góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19; hỗ trợ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thích nghi, tái hoạt động, phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước; tôn vinh doanh nghiệp đã có nỗ lực vượt bậc trong xây dựng, củng cố văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam, từng bước khắc phục tác động bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra.
Diễn đàn là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân kỷ niệm 4 năm Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, được tổ chức ngày 8/11/2020 tại Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia và các doanh nhân, doanh nghiệp đến từ các hội, hiệp hội, doanh nghiệp.
Ngày 26/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1846 QĐ/TTg về Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 28/2/2018 về việc thành lập Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam". Sau gần 4 năm triển khai, Ban Tổ chức 248 và Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - Cơ quan thường trực của Ban Tổ chức 248 đã rất nỗ lực đưa cuộc vận động vào cuộc sống, đã tổ chức các hội nghị triển khai với 63 tỉnh, thành phố và bước đầu đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu cùng hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm, ký kết triển khai cuộc vận động tại các vùng, miền, địa phương, thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các doanh nghiệp.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi cả tư duy, phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, đặt ra trạng thái mới, bối cảnh mới cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy hoạt động của Chính phủ điện tử, chuyển đổi hành vi ứng xử của người tiêu dùng và doanh nghiệp, thay đổi triết lý kinh doanh, triết lý sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử, phương thức giao tiếp, trách nhiệm với cộng đồng, ứng xử với môi trường... Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội để thay đổi, bứt phá, cần được nhận thức và hành động phù hợp. Theo đó, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp vừa là yếu tố phát triển bền vững, vừa là động lực của sự thay đổi đó.
Diễn đàn được tổ chức sẽ góp phần chung tay với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, thúc đẩy việc chuyển đổi triết lý, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, đáp ứng điều kiện mới, phát triển bền vững, động viên, khích lệ các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó.
Phương Thanh