TĐKT - Vào những ngày cuối năm 2020, Tổng cục Hải quan triển khai đồng bộ, quyết liệt thi đua nước rút trong thu ngân sách với mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 2020, ngành Hải quan được giao chỉ tiêu thu 338.000 tỷ đồng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, tác động từ dịch Covid-19 cùng với mưa lũ, bão lụt liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), giao thương hạn chế, nhu cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, nguồn lao động và “sức khỏe” của doanh nghiệp bị giảm sút, giá hàng hóa giảm mạnh.
Ngành Hải quan thi đua nước rút thu ngân sách
Ngoài ra, trong những tháng đầu năm 2020, nhất là sau khi bùng phát dịch Covid-19, giá dầu liên tục lao dốc giảm từ bình quân 60 USD/thùng xuống còn 45 USD/thùng làm giảm trị giá xăng dầu nhập khẩu (NK), dẫn đến giảm thu cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và các hiệp định thương mại tự do nói riêng, cụ thể là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cam kết đến 86% số dòng thuế và kim ngạch NK hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế NK có hiệu lực từ 2/2020 khiến cho số thu từ hoạt động XNK tiếp tục giảm sâu. Với tác động đó, dự kiến giảm thu từ các FTA trong năm 2020 khoảng 13.900 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, để hỗ trợ tối đa cho hoạt động XNK và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 1040/CT-TCHQ triển khai nhiệm vụ thu ngân sách và giao chỉ tiêu phấn đấu, chỉ tiêu thu hồi nợ cho từng đơn vị hải quan. Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết nghiệp vụ trong các lĩnh vực trị giá, phân loại, xuất xứ, quản lý nợ thuế…
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải; giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan.
Nhờ vậy, tính đến hết ngày 16/12 toàn ngành đã thu ngân sách đạt 299.292 tỷ đồng, đạt 88,5% dự toán, 84,3% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, theo đại diện Cục Thuế XNK trong tháng cuối năm này, số thuế còn phải hoàn cho các doanh nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, hoàn cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP khoảng 790 tỷ đồng, hoàn do nộp bổ sung C/O xăng dầu khoảng 210 tỷ đồng.
Để có được kết quả trên, theo đánh giá của Cục Thuế XNK, đến thời điểm hiện tại nhiều cục hải quan đã thu vượt dự toán được giao, tạo động lực cho các cục hải quan tỉnh, thành phố phấn đấu thu đạt chỉ tiêu được giao năm 2020. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã khiến cho công tác thu tại 10 đơn vị hải quan đóng góp số thu lớn của toàn ngành sụt giảm mạnh.
Cụ thể, theo dự kiến, năm 2020 các Cục Hải quan: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nam Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa sẽ đóng góp trên 88% tổng dự toán toàn ngành. Nhưng tính đến hết ngày 15/12, số thu NSNN tại 10 đơn vị này chỉ mới đạt 234.867 tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, giảm 19,12% so với cùng kỳ năm 2019.
Để quyết liệt trong những ngày này, Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các chính sách mới ban hành như: Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP; Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về Biểu thuế XK ưu đãi, Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020 - 2020, đồng thời theo dõi xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách nêu trên hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý.
La Giang
Kinh tế
TĐKT - Chiều 10/12, tại Hà Nội, Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hóa đã chính thức ra mắt (http://www.infovietrade.vn). Đây là nền tảng trực tuyến cung cấp các thông tin liên quan đến các thủ tục xuất nhập khẩu sản phẩm, mô tả từng bước về thủ tục xuất nhập khẩu từ góc nhìn của doanh nghiệp.
Lễ cắt băng khởi động Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hóa
Sự kiện do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) tổ chức, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA).
Mục đích chính của Cổng thông tin này là hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp của Việt Nam nâng cao nhận thức và hiểu biết về các thủ tục và quy trình xuất nhập khẩu sản phẩm.
Với hai giao diện tiếng Anh và tiếng Việt, Cổng thông tin là công cụ thân thiện, dễ sử dụng và dễ tra cứu thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức có thể tìm kiếm thông tin chính xác và cập nhật về các thủ tục xuất nhập khẩu mà doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình xuất và nhập khẩu sản phẩm.
Đặc biệt, cổng thông tin hướng dẫn và liệt kê chi tiết các tài liệu liên quan như chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản pháp lý mà doanh nghiệp cần phải có trong bộ chứng từ. Các thông tin như thời gian, chi phí (phí và lệ phí) để xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa cụ thể tại Việt Nam doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể tra cứu tại cổng thông tin này.
Ngoài những yếu tố như minh bạch về thời gian và chi phí cho các quy trình, Cổng thông tin hỗ trợ nhiều chiều cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc nhìn và hiểu rõ các quy trình trong một bức tranh tổng thể, thúc đẩy những cải tiến và tạo điều kiện thuận lợi nhằm đơn giản hóa các thủ tục.
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Vũ Bá Phú cho biết, với việc tham gia vào thị trường quốc tế, thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Việt Nam đã và đang tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Các hoạt động phát triển xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng đang được từng bước mở rộng và đa dạng về cách thức và loại hình.
Ngoài những thuận lợi do các FTA mang lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ tiến trình này, đặc biệt là những thách thức về thông tin và quy định thị trường trong giao thương quốc tế. Thực tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường, các doanh nghiệp vừa kinh doanh, vừa phải tính đến các phương án đối phó với những thay đổi trong phương thức giao dịch. Trung tâm ITC và Cục Xúc tiến Thương mại đang nỗ lực để các doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hiệu quả thông qua những công cụ tra cứu thông tin đơn giản và hiệu quả.
Đến nay, Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hóa đã có thông tin về 39 nhóm sản phẩm (xuất khẩu: 24, nhập khẩu: 15). Các sản phẩm được hiển thị chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam. Cổng thông tin ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp có thêm kênh thông tin tham ứng dụng hiệu quả trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa còn là nguồn dữ liệu thiết thực cho các tổ chức hỗ trợ thương mại trong đào tạo doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư và cơ quan xúc tiến đầu tư...
Trong thời gian tiếp theo, nhóm công tác cho Cổng thông tin sẽ tiếp tục theo dõi những thay đổi về luật pháp và quy định liên quan đến thủ tục thương mại quốc tế, đồng thời sẽ cập nhật thông tin theo những thay đổi và phát triển của các văn bản pháp luật để đảm bảo rằng thương nhân nắm rõ những sửa đổi này. Đồng thời, dự án cũng có kế hoạch bổ sung thêm các sản phẩm xuất nhập khẩu vào nền tảng để phản ánh nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Phương Linh
Thái Nguyên tiếp tục phát triển lĩnh vực bất động sản năm 2021
TĐKT - Năm 2021, Thái Nguyên tiếp tục phát triển lĩnh vực bất động sản. Trong đó, đất nền được đánh giá là sản phẩm bảo toàn giá trị và sinh lời tốt nhất so với các phân khúc khác và đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Dự báo trong thời gian tới, phân khúc này sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Vị trí đắc địa, tiềm năng phát triển lớn khiến Thái Nguyên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Đất nền vẫn là kênh đầu tư hàng đầu Xét về mặt lâu dài, đất nền luôn là kênh đầu tư lý tưởng vì đầu tư vào đất nền chỉ có lên chứ ít khi xuống giá. Đất nền là sản phẩm ít chịu ảnh hưởng bởi sự thăng trầm của thị trường, tính thanh khoản cao và có tỷ suất sinh lời hơn nhiều so với các loại hình bất động sản còn lại. Ngoài ra, so với các kênh đầu tư khác trong bối cảnh hiện nay như: Lãi suất tiết kiệm ở nhiều ngân hàng đang có xu hướng giảm sâu, giá vàng tăng giảm thất thường, biến động chỉ số của VN-Index lùi sâu và khó dự báo... thì đất nền là kênh đầu tư “vua”, dẫn đầu về tính an toàn và tiềm năng sinh lời. Trên thực tế, khi quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục chuyển dịch sang các tỉnh thành có bán kính khoảng 50km từ trung tâm Hà Nội đã và đang thu hút mạnh mẽ giới đầu tư. Đặc biệt, những tỉnh có kinh tế phát triển, sở hữu nhiều khu công nghiệp, hạ tầng hiện đại như Thái Nguyên có nhiều lợi thế đắt giá để có thể thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh của thị trường bất động sản. Phối cảnh khu dân cư Thiên Lộc tại Thành phố Sông Công Đặc biệt, Thái Nguyên hiện đang là một trong những địa phương đi đầu trong hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài với các khu công nghiệp hàng đầu tại Sông Công, Phổ Yên... Đây là động lực và vận hội rất lớn cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Thái Nguyên. Người lao động tập trung đông, kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng cao, thị trường đất nền tại Thái Nguyên sẽ luôn được săn đón trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thái Nguyên là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thái Nguyên được cải thiện, minh bạch, bình đẳng, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phát triển mạnh với trên 90 dự án được cấp mới và bổ sung tăng vốn, sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Từ sự phát triển vượt bậc của kinh tế, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng từ 7.485 tỷ đồng (năm 2015) lên hơn 15.500 tỷ đồng năm 2020, gấp 2,1 lần so với đầu nhiệm kỳ. Khảo sát cho thấy, thị trường bất động sản Thái Nguyên đang có rất nhiều dự án đất nền, nhà xây sẵn, căn hộ đang được chào bán với đủ các mức giá, từ vài trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng. Thị trường bất động sản Thái Nguyên đã đón nhận hàng loạt các dự án quy mô được triển khai. Trong đó, giá bán tại nhiều dự án ghi nhận tăng nhanh, nhất là những dự án nhà ở được quy hoạch bài bản, có cơ sở hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, phần lớn giao dịch tập trung ở những dự án đất nền giá hợp lý và được phát triển bởi những thương hiệu uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản. Mo Bach Central Hills được các chuyên gia đánh giá slà quả “bom tấn” thị trường địa ốc Thái Nguyên Là một trong những nhà đầu tư tiên phong tại Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc đã nhận định tiềm năng lớn của vùng đất này và phát triển những dự án với quy mô lớn, được coi là các dự án trọng điểm của tỉnh. Đối với mỗi dự án, công ty đều luôn thực hiện đúng những cam kết với khách hàng về tiến độ, chất lượng công trình, đồng thời có trách nhiệm cao trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý để khách hàng được nhận ngay sổ đỏ ngay khi mua đất. Tại TP Sông Sông, Dự án Khu đô thị Thiên Lộc của công ty được quy hoạch theo tiêu chuẩn đô thị đồng bộ, hiện đại, văn minh, tạo thành một quần thể môi trường sống đầy đủ tiện ích công cộng. Tại phường Quang Vinh và phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, Công ty Thiên Lộc hợp tác đầu tư với Công ty TNHH MTV Khoáng sản và BĐS Anh Thắng đầu tư Dự án Mỏ Bạch Central Hills cũng được giới chuyên gia nhận định là “quả bom tấn” của năm 2020, tạo nên cơn sốt đối với không chỉ thị trường Thái Nguyên mà còn với các tỉnh phía Bắc ven Hà Nội. Dự án Mỏ Bạch Central Hill - TP Thái Nguyên đã hoàn thiện 90% cơ sở hạ tầng Theo nhận định của nhiều chuyên gia các dự án như Khu đô thị Thiên Lộc Sông Công hay Mỏ Bạch Central Hill Thái Nguyên được các nhà đầu tư ưa chuộng do giá trị phù hợp với tài chính của số đông người đầu tư, tính thanh khoản cao, đáp ứng được cả hai yếu tố an toàn trong hiện tại và tiềm năng trong tương lai, là bài toán đầu tư an toàn, thông minh trong bối cảnh hiện nay. Trường hợp thị trường chững lại thì rủi ro không đáng kể so với một số sản phẩm có giá cao, điều này có thể dễ dàng kiểm chứng qua những buổi công bố các dự án nói trên với hàng ngàn khách hàng tham gia. Trong dịp cuối năm, dự án tiếp tục một đợt mở bán với nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho nhà đầu tư. Khách hàng quan tâm dự án có thể liên hệ đơn vị phân phối chính thức là Công ty Đất Xanh miền Bắc - Hotline: 0833908383. Trúc AnTĐKT – Ngày 3/12, tại Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược thường niên lần thứ 27 tại Việt Nam (VIETNAM MEDI-PHARM EXPO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã hỗ trợ cho 15 doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm
VIETNAM MEDI-PHARM EXPO lần thứ 27 đã khai mạc tại Hà Nội với mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giữa nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và phân phối. Đây là triển lãm duy nhất của ngành Y Dược được tổ chức trong năm 2020.
Bà Trần Thị Thanh Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết: “Theo báo cáo PCI hàng năm của VCCI, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là việc tiếp cận thị trường. Chính vì vậy, trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu năm 2020, VCCI phối hợp với đơn vị tổ chức (Vinexad) hỗ trợ một phần chi phí gian hàng cho 15 DNVVV”.
Việc tham gia triển lãm lần này, theo bà Trần Thị Thanh Tâm là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh, tiếp cận với những phương tiện kỹ thuật cao, ứng dụng những thành tựu y học tiên tiến của thế giới và trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân để giúp các doanh nghiệp Việt Nam dần dần có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khu trưng bày DNNVV Việt Nam
Một gian hàng được Trung tâm hỗ trợ DNVVV, VCCI hỗ trợ tham gia triển lãm
Năm 2020 là một năm khó khăn với thế giới do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, do đó, quy mô Triển lãm lần này cũng bị ảnh hưởng. Triển lãm VIETNAM MEDI-PHARM EXPO năm nay quy tụ 70 gian hàng của 60 công ty trong lĩnh vực y dược đến từ 3 quốc gia Nga, Đức, Hàn Quốc... và nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế hàng đầu tại Việt Nam.
Các mặt hàng trưng bày đa dạng, phong phú thuộc lĩnh vực chính như trang thiết bị y tế (thiết bị chẩn đoán, cấy ghép, phục hồi chức năng, phẫu thuật…); thiết bị thí nghiệm; sản phẩm chăm sóc sức khỏe; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm; thiết bị nha khoa; thiết bị nhãn khoa; thẩm mỹ; dược phẩm (bao gồm nguyên liệu và máy chế biến, đóng gói).
Ông Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế đánh giá, đây là triển lãm chuyên ngành Y Dược duy nhất được tổ chức trong năm nay với mục tiêu “An toàn trong kinh doanh, sản xuất là lợi thế”. Trong khuôn khổ triển lãm lần này có các hoạt động giao thương trực tuyến của các doanh nghiệp phía Hàn Quốc, Cộng hòa Liên Bang Nga và Việt Nam. “Hình thức này sẽ đáp ứng nhu cầu gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng thị trường lĩnh vực y tế của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp” – ông Nguyễn Đình Anh nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đình Anh, các nhà sản xuất, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế trong nước và quốc tế cần tích cực trao đổi, tìm hiểu thị trường, đối tác, liên doanh, liên kết, đầu tư, nhằm góp phần vào việc phát triển mạnh hơn nữa trao đổi thương mại, hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực dược phẩm, trang thiết bị y tế, mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam và các doanh nghiệp.
Triển lãm VIETNAM MEDI-PHARM EXPO sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 12 tại Trung tâm triển lãm Quốc tế Hà Nội – ICE (Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội) – 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Phương Thanh
Đại hội Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ VI: “Vượt lên thách thức - Phát triển bền vững”
TĐKT - Chiều 1/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) tổ chức họp báo thông tin về Đại hội nhiệm kỳ VI (2020 - 2025) và tổng kết năm 2020. Đại hội sẽ diễn ra vào ngày 12/12/2020 tại Hà Nội nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động của ngành và của VITAS trong năm 2020 nói riêng và trong nhiệm kỳ V (2016 - 2020) nói chung; chỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà doanh nghiệp hội viên và VITAS cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2035. Họp báo thông tin về Đại hội Cũng trong khuôn khổ chương trình, ngày 11/12 sẽ diễn ra Hội thảo chuyên đề “Ngành dệt may và da giày Việt Nam 1 năm sau Covid-19 và phát triển bền vững”. Hội thảo tập trung vào nội dung đánh giá những thách thức lớn và các đối sách ứng phó mà ngành dệt may và da giày Việt Nam phải đối mặt do đại dịch Covid-19 gây nên trong năm 2020. Hội thảo diễn ra cả ngày với nội dung chính buổi sáng là công bố Báo cáo nghiên cứu toàn diện tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may và da giày Việt Nam, thảo luận các nội dung liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong và sau đại dịch, những khuyến nghị chính sách thích hợp từ góc độ quản lý Nhà nước, nhãn hàng và doanh nghiệp. Buổi chiều với nội dung: Xây dựng Khu Công nghiệp Dệt May Xanh trong bối cảnh yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại thế hệ mới. Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn từ 2016 - 2019. Năm 2016, đạt 28,12 tỷ USD, năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng kép bình quân hàng năm 9,55%. Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương -9,29%, thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%. Kết quả này là một nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương trong phiên họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày ngày 23/11/2020. VITAS đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động. VITAS đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may, kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo và kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu, xây dựng chương trình xanh hóa ngành dệt may hướng dến phát triển bền vững… Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm; tham gia ý kiến vào các dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, Luật Công đoàn, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn; làm tốt vai trò là thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do… Mục tiêu đến năm 2020, ngành phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tăng bình quân 9,4%/năm, sử dụng 3 triệu lao động, thặng dư thương mại đạt 33 tỷ USD và giá trị tăng thêm của sản phẩm dệt may xuất khẩu đạt 65%. Để giúp các doanh nghiệp trong ngành đạt được mục tiêu đề ra và thực hiện khẩu hiệu của Đại hội “Vượt lên thách thức - Phát triển bền vững”, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục đặt mục tiêu vì lợi ích của hội viên làm trọng tâm cho các hoạt động. Cụ thể là làm tốt vai trò kết nối giữa doanh nghiệp hội viên và doanh nghiệp trong ngành nhằm xây dựng chuỗi cung ứng; phối hợp với các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng các nước triển khai hiệu quả các chương trình phát triển bền vững, chương trình đào tạo; chương trình xúc tiến thương mại; chuyển tải kịp thời những thông tin về phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội trong nước và thế giới đến doanh nghiệp hội viên. Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035, chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA thế hệ mới; kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Phương ThanhRa mắt dòng sản phẩm bất động sản đầu tư của Novaland tại Hà Nội
TĐKT - Ngày 30/11, tại Hà Nội, Novaland cùng Toàn Thịnh Land tổ chức sự kiện ra mắt dòng sản phẩm bất động sản đầu tiên của tập đoàn. Sự kiện giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về tiềm năng thị trường và các dự án của Novaland. Tại sự kiện, Tập đoàn Novaland và Toàn Thịnh Land đã giới thiệu tới các nhà đầu tư 2 dự án lớn là Aqua City và NovaWorld Phan Thiết. Lễ ra mắt bất động sản đầu tư của Tập đoàn Novaland Dự án Aqua City được xây dựng với mục tiêu trở thành khu đô thị sinh thái thông minh phía Đông TP Hồ Chí Minh với tổng quy mô 1.000 ha, trong đó 70% diện tích của dự án được dành cho mảng xanh, hạ tầng giao thông và tiện ích nội khu. Điểm nhấn của Aqua City chính là không gian xanh, thoáng đãng và những dòng sông thơ mộng. Vị trí dự án Aqua City kết nối dễ dàng, nhanh chóng tới các khu vực trung tâm khác của miền Nam: 30 phút tới Trung tâm TP Hồ Chí Minh, 15 phút tới TP Bình Dương, 15 phút tới Trung tâm TP Biên Hòa hiện tại, 15 phút tới Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, 20 phút tới sân bay quốc tế Long Thành... Dự án NovaWorld Phan Thiết ở Bình Thuận được Novaland đưa ra gói “đầu tư an toàn” cam kết lợi nhuận 2,3 tỷ đồng khi đầu tư 2,8 tỷ đồng sau 5 năm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư. NovaWorld Phan Thiết cách sân bay quốc tế Phan Thiết 20 phút (dự kiến hoạt động 2023), cách TP Hồ Chí Minh qua cao tốc TP Hồ Chí Minh - Dầu Giây - Phan Thiết ước tính 1 tiếng 40 phút (dự kiến hoạt động năm 2022) nên việc di chuyển hứa hẹn thuận tiện cho du khách khắp mọi miền, bao gồm cả khách quốc tế. Dự án này có đầy đủ các khu vui chơi, giải trí lý tưởng đang trở thành trào lưu của thế giới như khu trường đấu La Mã, khu trò chơi dưới nước, vòng quay khổng lồ trên cao, nhào lộn, mạo hiểm... Đặc biệt là bến du thuyền và đường biển dài 7km thơ mộng, là nơi lý tưởng để thong dong dạo bộ và tận hưởng cuộc sống thượng lưu… Trong chương trình ra mắt nhà đầu tư phía Bắc, Toàn Thịnh Land đã gửi tới 10 khách hàng may mắn chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm TP Hồ Chí Minh - Phan Thiết. PVTĐKT - Sáng 27/11, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 13 năm "Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam" (29/11/2007 - 29/11/2020), Trung tâm ứng dụng công nghệ Khai thác quyền Sở hữu trí tuệ (IPTA) phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình "Diễn đàn phòng, chống hàng giả, hàng nhái" với chủ đề "Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp".
Toàn cảnh diễn đàn
Diễn đàn là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, nhà làm chính sách, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia kinh tế, các diễn giả, học giả cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của doanh nghiệp Việt, từ đó, cùng nhau nhận định, trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay; mang ý nghĩa thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào phòng, chống hàng giả, hàng nhái, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp.
Hiện nay, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân, môi sinh – môi trường, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch. Nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã triển khai công tác đồng bộ, quyết liệt nên nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý, nhiều đường dây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị triệt phá. Cụ thể, trong quý 3/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm (giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp nhà nước 4.386,9 tỷ đồng, khởi tố 369 vụ, 454 đối tượng.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: Đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Bên cạnh đó, trên môi trường thương mại điện tử còn xuất hiện hiện tượng giả mạo tên miền, website, giả mạo thông qua hình thức quảng cáo trực tuyến. Ngoài ra, hàng giả liên quan đến vi phạm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả cũng khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng giày dép, thực phẩm chức năng, điện thoại thông minh…
Ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 tháng năm 2020, Cục đã nhận được 176 khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ. Các nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến hàng hóa không có nhãn phụ, không có thông tin về nhà sản xuất; hàng hóa kém chất lượng, khác so với quảng cáo; hàng hóa giả mạo thương hiệu, nguồn gốc và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong giao dịch thương mại điện tử…
Hàng giả, hàng nhái và dịch vụ kém chất lượng ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng, tạo ra các hệ lụy liên quan đến môi trường cạnh tranh, lòng tin của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Hiện vẫn còn nhiều vụ việc chưa xác định được các chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý, đặc biệt là trong một số giao dịch thương mại điện tử (giao dịch xuyên biên giới).
Ông Nguyễn Xuân Khương, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan cho hay, khi Việt Nam đã cam kết và thực thi các Hiệp định thương mai tự do (FTA), hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo, hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam. Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế, hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường, nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Khương, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, cần thực hiện thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm hành vi vi phạm. Các cơ quan quản lý cần rà soát xác định những giao dịch, công ty xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Phương Linh
TĐKT - Tối 25/11, tại Nhà Hát lớn Hà Nội, Bộ Công thương long trọng tổ chức Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại buổi lễ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khen thưởng các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam (THQG) đã được Chính phủ giao Bộ Công thương quản lý, thực hiện với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về sản phẩm hàng hóa, đa dạng, phong phú về dịch vụ, tăng cường sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Qua 17 năm, chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường thông qua 3 tiêu chí: Chất lượng; đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong.
Chương trình đã gặt hái được rất nhiều thành tựu nổi bật. Các doanh nghiệp THQG đã khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến khó lường trên toàn thế giới.
Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG kỳ này, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động.Các hoạt động xã hội của các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9,5 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid 19 bùng phát ở nước ta, đa số các doanh nghiệp THQG đều triển khai các hoạt động chung tay cùng cộng đồng với số tiền và hiện vật quyên góp lên tới trên 80 tỷ đồng.
Các hoạt động hỗ trợ và tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG được triển khai có hiệu quả, góp phần tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Hoạt động xét chọn THQG năm 2020 được tổ chức triển khai khoa học, khách quan, nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ theo quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, Hội đồng THQG đã công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020. Đây là những doanh nghiệp đáp ứng hệ thống các tiêu chí THQG Việt Nam và là những nghiệp tiêu biểu, đại diện cho thương hiệu Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực cùng những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp THQG Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các doanh nghiệp THQG Việt Nam cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với THQG Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số, cách mạng 4.0.
Các doanh nghiệp THQG Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi các tiêu chí của Chương trình là: “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong”, phấn đấu quyết liệt hơn nữa để xứng đáng là những doanh nghiệp đi đầu, dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, là đại diện cho THQG, hỗ trợ hiệu quả sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Công thương cần tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp; phối hợp có hiệu quả với các bộ/ngành, các cơ quan liên quan để tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, cơ chế và nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp THQG nói riêng tham gia tích cực hơn nữa trong tiến trình xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tin tưởng, trong thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tham gia và đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam như mục tiêu đã đề ra, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Phương Thanh
Tạo lập môi trường kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng minh bạch, thông thoáng
TĐKT - Ngày 23/11, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương và Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam: “Nút thắt, giải pháp phát triển hoạt động kinh doanh LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) tại Việt Nam”. Toàn cảnh Diễn đàn Ngành dầu khí là một trong những ngành kinh tế nòng cốt, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia, tham gia có hiệu quả vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông. Ngành dầu khí cũng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Nhà nước để kịp thời đưa ra những định hướng, chính sách và giải pháp để ngày một phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Năm 2020 là năm thế giới và Việt Nam đã và đang chịu những tác động tiêu cực đến các hoạt động đời sống, kinh tế, xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngành công nghiệp khí đặc biệt là thị trường khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) Việt Nam cũng gặp phải nhiều khó khăn và bất ổn: Giá LPG biến động lớn, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chiếm dụng, làm giả chai LPG gây mất an toàn cho xã hội và người tiêu dùng vẫn còn tiếp diễn… đòi hỏi các bộ, ban, ngành cần có các giải pháp đồng bộ để đảm bảo hoạt động kinh doanh LPG được phát triển bền vững, ổn định, góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Diễn đàn đã tập trung làm rõ thực trạng phát triển hoạt động kinh doanh LPG tại Việt Nam trong thời gian qua, chỉ ra các nút thắt cần sớm tháo gỡ trong thời gian tới. Đồng thời, diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp thảo luận, đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển thị trường khí, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm đang diễn ra, nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh LPG minh bạch, ổn định và phát triển đồng bộ, hiệu quả trong tổng thể hệ thống năng lượng Việt Nam. Chia sẻ tại diễn đàn, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết: Thị trường LPG tại Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong giai đoạn gần đây (khoảng 10%) so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới và khu vực (khoảng 4%). Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh LPG trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Chi phí kinh doanh, chi phí bán hàng còn cao so với giá thành sản phẩm. Giá và cơ chế giá LPG trong nước phụ thuộc hoàn toàn sự biến động giá thế giới, thiếu tính linh hoạt và ổn định... Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai LPG, chiết nạp lậu... vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để. Hệ thống phân phối LPG, đặc biệt là LPG chai chưa được các doanh nghiệp coi trọng, xây dựng bài bản, thiếu sự gắn kết, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao... Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Nguyễn Kỳ Minh cho biết: Trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 4.805 lượt kiểm tra, phát hiện 1.786 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG, tịch thu 3.225 chai LPG các loại, 1.395 chai LPG mini. Tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh LPG cạnh tranh không lành mạnh bằng cách chiếm giữ, trao đổi, mua bán các loại chai LPG không thuộc quyền sở hữu gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính. Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị Hiệp hội Gas Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; vận động người dân nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh LPG... Đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công thương, cơ quan thông tấn, báo chí trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh từ doanh nghiệp cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin, tránh tình trạng các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng cạnh tranh không lành mạnh; thông tin phản ánh không đúng làm ảnh hưởng cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tạo dư luận không tốt cho môi trường đầu tư, kinh doanh trên cả nước. Phương ThanhTĐKT - Chiều 21/11, Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam chính thức ra mắt. Dự buổi lễ có các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT); TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương và hơn 100 doanh nghiệp thành viên Hội đồng.
Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (DNNNVN) là thành viên thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, được thành lập với mục đích kết nối các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong và ngoài nước (đặc biệt là các đơn vị có các sản phẩm phục vụ nông nghiệp; các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, những tổ chức, cá nhân có cống hiến cho ngành nông nghiệp). Hội đồng cũng là nơi các hội viên chia sẻ, hỗ trợ nhau để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế.
Lễ trao quyết định thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam
Đáng chú ý, việc ra mắt Hội đồng sẽ giúp các hội viên có thêm cơ hội kết nối; hợp tác liên kết; hỗ trợ giúp đỡ nhau trong phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên trong các hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp doanh nghiệp; kết nối và mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho sản phẩm nông nghiệp; tìm kiếm, lựa chọn công nghệ, quy trình chế biến phù hợp với mô hình canh tác, các mô hình chế biến sâu trong nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại lễ ra mắt Hội đồng DNNNVN
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT đánh giá cao công tác tổ chức lễ ra mắt Hội đồng của Ban Tổ chức. Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT đánh giá, trong các điều kiện, hoàn cảnh chung của đất nước, nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho sự phát triển chung của đất nước. Trải qua nhiều quá trình tái cơ cấu, nền nông nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp tục thực hiện những sứ mệnh đặc biệt quan trọng là duy trì an ninh lương thực cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng trong việc duy trì, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Việc công bố chương trình hành động sẽ giúp Hội đồng thể hiện vai trò đóng góp của doanh nghiệp trong huy động sức mạnh, nguồn lực cả về tài chính, công nghệ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy quá trình phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Các doanh nghiệp thành viên Hội đồng cần tăng cường kết nối; hợp tác liên kết; hỗ trợ giúp đỡ nhau sâu hơn nữa trong phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên trong các hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp doanh nghiệp; kết nối và mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho sản phẩm nông nghiệp ” – Thứ trưởng Bộ NN và PTNT cho biết thêm.
Thay mặt các thành viên trực thuộc, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam trân trọng cảm ơn các cơ quan Bộ, ban, ngành đã tạo điều kiện tối đa để buổi lễ ra mắt được thành công tốt đẹp; đặc biệt là sự giúp đỡ tích cực của lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong suốt quá trình chuẩn bị. Ông cam kết sẽ cùng các doanh nghiệp thành viên thực hiện đúng quy chế, chức năng, chương trình hành động nhằm sớm bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra. “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hội đồng mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời từ các cơ quan chức năng đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để các hoạt động của Hội đồng được thông suốt, đảm bảo hiệu quả".
Tại lễ ra mắt, cùng với việc công bố các quyết định công nhận các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng; TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã trao các quyết định công nhận hội viên chính thức cho các doanh nghiệp.
DANH SÁCH HỘI ĐỒNG DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (NHIỆM KỲ LẦN THỨ I)
1. Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng
2. Ông Phan Thanh Thiên, Phó Chủ tịch Thường trực
3. Ông Hà Tuấn Anh, Phó Chủ tịch
4. Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Phó Chủ tịch
5. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch
6. Ông Trần Đức Minh, Phó Chủ tịch
7. Bà Lê Thị Thanh Hương, Tổng thư ký
Mai Thảo
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 54
- 55
- 56
- 57
- 58
- …
- sau ›
- cuối cùng »