TĐKT - Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Franconomics - 2020, Hội thảo quốc tế “Du lịch thông minh: Hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường” do Bộ Ngoại giao, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đã diễn ra chiều 23/10 tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung vào hai phiên thảo luận chính. Phiên thứ nhất với chủ đề “Du lịch thông minh: Từ xu thế đến thực tế, cơ hội và thách thức”. Các diễn giả đã trao đổi về sự chuyển dịch từ du lịch sang du lịch thông minh tại Việt Nam; nhu cầu và triển vọng phát triển của du lịch thông minh tại Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường; vai trò và ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh; những khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam.
Phiên thứ hai với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho phát triển du lịch thông minh của Việt Nam”. Các diễn giả đã giới thiệu kinh nghiệm phát triển du lịch thông minh của một số quốc gia Pháp ngữ có công nghiệp du lịch phát triển (Pháp, Morocco, Bỉ, Thụy Sĩ…); du lịch thông minh hội nhập và hướng ra thị trường quốc tế; phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, trường đào tạo… trong thúc đẩy phát triển du lịch thông minh bền vững và hài hòa tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi cho biết, du lịch vốn được xác định là mũi nhọn của nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, du lịch là ngành bị tác động sớm nhất, nhiều nhất bởi Covid-19 nhưng cũng là ngành được kỳ vọng nhiều nhất. Du lịch Việt Nam thời gian qua đã đạt được những bước tiến lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, thúc đẩy giao lưu văn hóa quốc tế. Du lịch cũng là yếu tố quan trọng mang Việt Nam ra thế giới và mang thế giới về Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, trong thời kỳ các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông được tích hợp trong các công cụ và phương pháp tiếp cận sáng tạo, du lịch thông minh được hình thành và phát triển nhằm đổi mới lĩnh vực du lịch.
Trên thế giới, du lịch thông minh đã được nhiều quốc gia triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, trọng tâm được đặt vào việc tối ưu hóa ứng dụng khoa học công nghệ. Điều này tạo nên những điểm nhấn cho mỗi nước và lợi thế cạnh tranh trong du lịch giữa các nước.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, thời gian qua, ngành du lịch đã và đang tích cực chuyển đổi, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số, tạo ra những chuyển biến đột phá. Các địa phương, doanh nghiệp đã tập trung, phát triển, triển khai ứng dụng kết nối liên thông, hệ thống thông tin phục vụ điều hành quản lý nhà nước. Tổng cục Du lịch đã ra mắt ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn, hỗ trợ kết nối du khách, cung cấp cơ sở du lịch và cơ quan quản lý du lịch trên nền tảng chung...
Ngành du lịch Việt Nam hiện đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đã thích ứng nhanh nhạy, tích cực tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0, chủ động cải tiến để trở thành doanh nghiệp thông minh.
Nhiều địa phương tại Việt Nam đã phát triển được du lịch thông minh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Hòa Bình. Bên cạnh đó, một số địa phương đã có nhiều sáng kiến, ý tưởng mới, đặc biệt là việc triển khai hệ thống sinh thái thông minh để phục vụ cho du lịch.
Minh Phương