Kinh tế

Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2023 sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh

BTĐKT – Sáng 28/7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (Ban Tổ chức 248) gặp mặt báo chí thông tin về Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” và Chương trình xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” lần thứ ba – năm 2023. Ban Tổ chức thông tin về sự kiện Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với doanh nghiệp" dự kiến sẽ diễn ra ngày 18/11/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế. Diễn đàn cũng là dịp để lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Ban tổ chức Diễn đàn bao gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đơn vị thực hiện là Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) và các đơn vị phối hợp. Diễn đàn gồm 3 hoạt động chính: Hội thảo với chủ đề “Văn hóa Kinh doanh – Dòng chảy Phát triển và Hội nhập”; Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2023; tổ chức Đoàn đại biểu doanh nghiệp tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam  nhấn mạnh: Các hoạt động của diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Sau thành công của năm 2021 và 2022, Chương trình xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2023 tiếp tục được tổ chức nhằm tôn vinh và công nhận các doanh nghiệp đã áp dụng, thực thi tốt văn hóa kinh doanh, đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn dựa trên Bộ tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tham gia xây dựng và có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và báo chí. Theo quy chế xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình sẽ không phải đóng bất cứ một khoản kinh phí nào. Phương Thanh

Tinh hoa dược liệu Việt Nam – thế mạnh kinh tế hợp tác xã

BTĐKT - Ngày 25/7, Diễn đàn kinh tế Dược liệu Việt Nam- Thế mạnh của kinh tế tập thể,hợp tác xãdiễn ra tại TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chương trình do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, với sự tham giacủa đại diện Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa và gần 100 hợp tác xã dược liệu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham quan các gian hàng sản phẩm dược liệu Thông qua hội thảo, các phiên tọa đàm trực tiếp với tham luận của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về chủ đề thực trạng thị trường Việt Nam, công tác bảo tồn dược liệu, diễn đàn là bức tranh tổng thể về tinh hoa dược liệu Việt, về thực trạng các nhà máy, hợp tác xã Việt Nam đang nỗ lực mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó là những ý kiến thảo luận về những khó khăn, thách thức của quá trình sản xuất dược liệu hiện nay để mở ra những kiến nghị, giải pháp gửi đến các bộ, ban, ngành tại Việt Nam. Các diễn giả của chương trình như: TSPhạm Thanh Huyền, Viện phó Viện Dược liệu;PGS.TS Trần Văn Ơn, Trường Đại học Dược Hà Nội;PGS.TS. Nguyễn Đức Bách, Viện Nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm- Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Tiến sĩ Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyềnđã đưa ra những chủ đề trao đổi với tâm huyết đồng hành cùng nông dân trong trồng, chăm sóc thảo dược, phát triển nguồn dược liệu nước ta thời gian tới, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Trong khuôn khổ diễn đàn, triển lãm “Con đường Dược liệu Việt Nam“ trưng bày nhiều loại dược liệu quý đang trồng và sản xuất tại các địa phương. Cùng với đó làcác phiên giao thương, kết nối xúc tiến thương mại của các doanh nghiệpmua và bánđể cùng lan tỏa dược phẩm Việt Nam. Viện Phát triển bền vững và Kinh tế số ký kết hợp tác hỗ trợ các hợp tác xã dược liệu Việt Nam trong tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại đưa sản phẩm thảo dược xuất khẩu Nhân dịp này, Viện Phát triển bền vững và Kinh tế số, Viện Dược liệuđã ký kết hợp tác chiến lược đồng hành với các hợp tác xã dược liệu Việt Nam như Công ty Cổ phần Đông Nam dược miền Trung, Trung tâm chăm sóc sức khỏe y học cổ truyền Bảo Minh Đường, Công ty OCASY, VINANUTRIFOOD, Công ty Cổ phần Lâm dược Ngọc Linh tìm kiếm khách hàng và kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm cho các hợp tác xã dược liệu Việt Nam. Phương Linh

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh mang đến nhiều cơ hội phát triển

BTĐKT - Sáng 26/7, tại Hà Nội, Báo điện tử VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức", với mong muốn nhìn lại công việc chuyển đổi số và chỉ ra những thách thức trong tương lai, nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của chuyển đổi số trong sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế, là tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt qua cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp cho chính phủ các quốc gia hoạt động hiệu quả, hiệu lực và minh bạch hơn. Chuyển đổi số bao gồm 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, bên cạnh hiệu lực của chính phủ số thì kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, hiện nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược/chương trình quốc gia về chuyển đổi số. Nội dung chuyển đổi số của các nước có khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Tại Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng cho lộ trình chuyển đổi số như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự xuất hiện của IoT, Big Data, AI, icloud đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế số đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh đã mang đến cơ hội phát triển của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ, tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế của cả nước. Do đó, Hội thảo "Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhà nước là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa giúp các doanh nghiệp có thêm các tham vấn từ các chuyên gia, các nhà khoa học và kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số. Hội thảo cũng góp phần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số trong giai đoạn tới. Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp đã đi sâu bàn thảo các nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Chuyển đổi cách thức tổ chức; chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động; chuyển đổi cách vận hành; chuyển đổi cách đo lường hiệu quả công việc; chuyển đổi lợi thế cạnh tranh và chuyển đổi bản chất của hoạt động kinh doanh; nêu những vướng mắc, trở ngại, kinh nghiệm thực tế... Phương Thanh

Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023: Hướng tới thương mại điện tử xanh

BTĐKT –Sáng 21/7, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) với sự đồng hành của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 – Hướng tới thương mại điện tử xanh với sự tham gia của trên 300 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo và các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics, hoàn tất đơn hàng. Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, tuy thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường.Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường, bao gồm: Khâu giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói(hộp carton, bao bì ni lông, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần). Giải pháp giao hàng siêu tốc cũng gây nhiều quan ngại vì làm gia tăng phát thải khí carbon. Sự phát triển của thương mại điện tử sẽ tạo ra công cụ hữu ích góp phần bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động mua bán trực tuyến các sản phẩm, dịch vụ gắn với thu gom, tái chế rác thải không thân thiện với môi trường, mua bán, trao đổi tín chỉ carbon hay thực hiện kinh tế tuần hoàn. Để thương mại điện tử nước ta phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường, đồng thời trở thành một công cụ quan trọng hướng tới nền kinh tế xanh và trung hòa carbon, các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai các hoạt động phù hợp. Tại diễn đàn, các diễn giả từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã trao đổi về chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững, tối ưu hóa hoạt động logistics bảo vệ môi trường, kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn và hàm ý cho thương mại điện tử, chiến lược phát triển bưu chính bền vững, xây dựng hệ sinh thái logistics bền vững cho thương mại điện tử, xanh hóa logistics -hướng đi quan trọng cho phát triển bền vững, trao đổi các chính sách, giải pháp để dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng xanh hơn trong giai đoạn tới. Các chính sách về kinh tế số và thương mại điện tử hiện tại đều tập trung vào các giải pháp phát triển nhanh. Trong bối cảnh đó, các đại biểu tham dự diễn đàn đã thảo luận về sự cần thiết phải triển khai mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu và đào tạo nhằm hậu thuẫn cho việc ban hành chính sách và pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững, thân thiện môi trường cho những năm tới. Nhiều giải pháp cụ thể liên quan tới doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics, hoàn tất đơn hàng và người tiêu dùng đã được thảo luận. Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 – Hướng tới thương mại điện tử xanh là sự kiện quy mô lớn đầu tiên gợi mở các hoạt động ở tầm chính sách vĩ mô lẫn các giải pháp cụ thể ở quy mô doanh nghiệp nhằm đưa thương mại điện tử Việt Nam từ giai đoạn phát triển nhanh tới một giai đoạn phát triển bền vững. Phương Thanh      

Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xanh

BTĐKT - Ngày 21 - 23/7, tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức chuỗi hoạt động “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”. Chuỗi hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2023. Tham gia sự kiện, người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm tiêu dùng xanh Sự kiện diễn ra tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, mở đầu là chương trình triển lãm với chủ đề “Tiêu dùng xanh – Cùng sống an lành” với hơn 30 gian hàng, quy tụ hơn 20 doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước. Bên lề triển lãm là phiên thảo luận “Xây dựng ý thức cộng đồng, hướng tới tiêu dùng bền vững” thảo luận các vấn đề về xu hướng sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam; rác thải nhựa và những vấn đề cảnh báo; vai trò của hệ thống phân phối hiện đại trong thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững… Bên cạnh đó, Tọa đàm “Vai trò của công nghệ trong tiêu dùng bền vững” sẽ tập trung vào thực trạng chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu hay khát vọng đưa tri thức Việt vào sản phẩm xanh. Các hoạt động “Sống xanh cùng giới trẻ”, “Sản xuất xanh vì người tiêu dùng” cũng là các hoạt động bên lề thu hút nhiều giới trẻ tham gia với những hoạt động bảo vệ môi trường, phong cách sống xanh… Chuỗi hoạt động trên nhằm đánh dấu sự kiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) mới được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023, trong đó có nội dung quy định về thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Thông qua các hoạt động tại chương trình, doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu và kết nối với các mô hình, đối tác sản xuất xanh, tăng cường giới thiệu, mở rộng phạm vi sản xuất, kinh doanh. Người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm tiêu dùng xanh, tham gia các hoạt động tương tác để nâng cao kiến thức và nhận thức về tiêu dùng bền vững, về vai trò của người tiêu dùng trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Chương trình cũng là cầu nối để ghi nhận đầy đủ thông tin, tham khảo ý kiến phân tích, đánh giá đa chiều từ các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, hiệp hội trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất những giải pháp có tính chiến lược, là nguồn dữ liệu thực tế để các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng trong hoạch định chính sách; để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ, thay đổi phương thức quản lý hướng đến sản xuất sạch và để định hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng hướng đến mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Bình Nguyên

Quảng bá nông sản Wando (Hàn Quốc) tại Hà Nội

BTĐKT - Festival ẩm thực tỉnh Wando, Hàn Quốc diễn ra từ 15/7 - 31/7 tại siêu thị K-Market Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội, trưng bày, quảng bá các sản phẩm nổi tiếng từ vùng biển đảo Wando, một trong 6 hòn đảo lớn của Hàn Quốc. Đến với Festival, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tham quan, mua sắm, thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của Hàn Quốc và vùng Wando như rong biển, bào ngư, lá kim, mì ăn liền... Ông Sin U Cho, Quận trưởng quận Wando phát biểu tại lễ khai mạc Festival Chia sẻ tại lễ khai mạc Festival, ông Sin U Cho, Quận trưởng quận Wando cho biết: Wando là một quận của tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc. Quận được lấy tên theo đảo Wando, đảo lớn nhất quận, cũng là thủ phủ quận Wando. Đảo Wando là một trong sáu hòn đảo lớn của Hàn Quốc. Phía Tây Nam của đảo Wando có những bãi đá, rạn đá ngầm, tốc độ dòng chảy ổn định nên nguồn thủy sản ở đây rất phong phú và giàu dinh dưỡng. Các đại biểu cắt băng khai mạc Festival Ẩm thực đảo Wando rất đa dạng, đặc trưng nhất phải kể tới lá kim, lá rong biển và các loại mỳ rong biển, mỳ tảo biển...Vùng biển Wando nổi tiếng với nước biển sạch và trong lành, thích hợp trong việc phát triển các loại rong, tảo đạt chất lượng tốt nhất, đem lại giá trị dinh dưỡng cao. Sau khi được thu hoạch, các loại rong, tảo biển sẽ được làm sạch, chế biến thành nhiều món khác nhau như lá kim cuộn cơm, lá kim điều vị ăn liền, tảo rêu sấy khô, rong biển nấu canh, tảo bẹ... hoặc kết hợp để tạo ra các loại mỳ thơm ngon, dinh dưỡng. Thông qua Festival lần này, Ban Tổ chức mong rằng sẽ có thêm người tiêu dùng Việt Nam biết đến các sản phẩm đặc trưng của đảo Wando từ bào ngư cho đến rong biển và các nông sản chất lượng cao của Hàn Quốc. Phương Thanh  

Đào tạo định giá bất động sản cho các hoạt động đầu tư

BTĐKT - Trung tâm Phát triển Bất động sản (RED) - Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tổ chức chương trình đào tạo: “Định giá bất động sản cho các hoạt động đầu tư" vào 2 ngày 27 - 28/7/2023 tới đây tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia. PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc,Phụ trách khoa Thẩm định giá - Kinh doanh Bất động sản, Đại học Tài chính Marketing TP Hồ Chí Minh sẽ là giảng viên của chương trình. Chương trình đào tạo sẽ cung cấp cho người tham dự những kiến thức quan trọng từ lý thuyết đến thực tiễn về định giá bất động sản. Đặc biệt, khóa học được đào tạo trực tiếp từ đội ngũ giảng viên, chuyên gia chất lượng, dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản nói chung và giá bất động sản nói riêng. Với 24 năm kinh nghiệm đầu tư bất động sản, 17 năm kinh nghiệm nghiên cứu về các mô hình kinh doanh đảo nước ngọt ở Việt Nam và trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Minh Ngọclà một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu, đầu tư phát triển mô hình kinh doanh bất động sản ở những vùng hồ lớn; chuyên gia đào tạo, huấn luyện đầu tư loại bất động sản nông nghiệp đa dụng. Cùng với đó là khả năng huấn luyện và dẫn dắt cá nhân, tổ chức trong đầu tư, kinh doanh bất động sản. PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc đã viết khoảng 120 bài báo khoa học, bao gồm nhiều nghiên cứu về lĩnh vực bất động sản, đăng trên các tạp chí khoa học Việt Nam và thế giới; là chủ biên và tham gia viết 10 đầu sách kinh tế và giáo trình đào tạo về bất động sản hệ đại học và sau đại học. Ngoài ra, khóa đào tạo “Định giá bất động sản cho các hoạt động đầu tư" có sự tham gia giảng dạy của PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ông đồng thời là tác giả của nhiều đầu sách về pháp lý bất động sản và là chuyên gia cao cấp thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Chương trình đào tạo bồi dưỡng chuyên biệt chủ đề “Định giá bất động sản cho các hoạt động đầu tư” sẽ được RED liên tục tổ chức từ nay đến hết tháng 11/2023. Phương Thanh  

Tổng cục Hải quan ra quy định mới tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu

BTĐKT - Ngày 31/5/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2023. Đây là văn bản hướng dẫn với rất nhiều điểm mới, cởi mở và sát thực tế… tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Tại Thông tư số 33/2023/TT-BTC có nhiều điểm mới đáng chú ý là: Về áp dụng bảo lãnh thuế đối với các trường hợp chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ (CTCNXX) và xác minh xuất xứ hàng hóa; bỏ điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp bổ sung và hàng hóa phải được xác định chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến trong một số trường hợp đặc biệt; quy định cụ thể và hướng dẫn dễ hiểu về khai, nộp, kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu; rõ ràng và phù hợp hơn về hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu… Ngoài ra, còn có một số điểm mới: Về khai chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu; về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; về từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; về kiểm tra CTCNXX; xử lý trong trường hợp có sự khác biệt mã số; trừ lùi chứng từ chứng nhận xuất xứ… theo hướng cải tiến thuận lợi hơn phù hợp với thực tế, tháo gỡ vưỡng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Thông tư mới ra đời nhằm thay thế các Thông tư số 38/2018/TT-BTC, Thông tư số 62/2019/TT-BTC, Thông tư số 47/2020/TT-BTC và Thông tư số 07/2021/TT-BTC. Theo Tổng cục Hải quan, việc ban hành thông tư mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các Thông tư nêu trên, như: Việc khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; nộp bổ sung C/O sau khi hàng hoá đã thông quan; nộp C/O đối với trường hợp hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng; quy định liên quan đến thời điểm nộp C/O; trừ lùi C/O cho hàng hóa gửi kho ngoại quan.... Áp dụng các phương thức quản lý mới phù hợp với xu hướng tạo thuận lợi thương mại, sử dụng chứng từ điện tử thay thế cho chứng từ giấy, bảo lãnh cho hàng hóa nợ, thay đổi hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nộp qua hệ thống V5, nộp bản sao,...). Đồng thời, Hướng dẫn việc kiểm tra xuất xứ tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,…). Song Linh

Chặn buôn lậu hoàng hóa, hải quan phá được hơn 1.400 vụ

BTĐKT - Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trong 6 tháng đầu năm 2023 diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường, tập trung vào việc: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Công tác đấu tranh chống gian lận, buôn lậu hàng hóa được ngành Hải quan đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm 2023. Qua tập trung đấu tranh trong phòng, chống, từ 16/5 - 15/6/2023, hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.421 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 549,23 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 6 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 20,2 tỷ đồng. Lũy kế từ 16/12/2022 - 15/6/2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 8.068 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.674,8 tỷ đồng, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm 2022 . Cơ quan hải quan đã khởi tố 18 vụ, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 59 vụ, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 314,8 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2022. Để nâng cao công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan đã triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát hải quan: Cảnh báo rủi ro đối với các hành vi lợi dụng chính sách, thủ tục từ chối nhận hàng và tái xuất để buôn lậu, GLTM; tăng cường công tác chống buôn lậu, GLTM và thất thu thuế trong; tăng cường công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua đường hàng không; cảnh báo về thực phẩm nhập khẩu có dấu hiệu chứa thành phần cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe và việc lợi dụng đường hàng không để buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa vi phạm. Cùng với đó, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy rất được chú trọng trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm này. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã có các văn bản cảnh báo nghiệp vụ về những phương thức, thủ đoạn cất giấu chất hướng thần, hiện tượng ma túy trôi dạt trên biển và tăng cường quản lý, kiểm soát caffeine; phê duyệt chương trình tài liệu tập huấn công tác phòng, chống ma túy của lực lượng hải quan; phối hợp với Bộ Công an trong công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, GLTM vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tình hình mới; phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Cục C04) Từ 16/5/2023 - 15/6/2023, Tổng cục Hải quan cùng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 47 vụ/36 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 24 vụ. Tang vật thu được gồm: 400gr thuốc phiện; 66,8kg cần sa; 14,7kg heroin; 306,2 kg cocain; 30,3 kg và 4.052 viên Ketamin; 172,8 kg ma túy tổng hợp, 283gr và 990 viên ma túy khác. Lũy kế từ 16/12/2022 - 15/6/2023, Hải quan cùng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 140 vụ/148 đối tượng (trong đó cơ quan hải quan chủ trì 70 vụ). Tang vật thu giữ bao gồm 1.142,8 kg và 13.666 viên ma túy các loại. Song Linh  

Hải quan thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt hơn 183 nghìn tỷ

BTĐKT - Tổng cục Hải quan vừa có thông tin chính thức về hoạt động 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó nổi bật là hoạt động thu ngân sách của hải quan qua công tác quản lý xuất nhập khẩu. Theo đó, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1/6 – 30/6/2023 đạt 29.459 tỷ đồng. Lũy kế từ 1/1 - 30/6/2023 đạt 183.744 tỷ đồng, đạt 43,23% dự toán, giảm 19,19% so với cùng kỳ năm trước. Kỳ vọng 6 tháng cuối năm, ngành Hải quan hoàn thành và vượt dự toán. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 gặp khó khăn, đáng chú ý nhất là việc suy giảm tổng cầu khiến cho nền kinh tế có tính hội nhập cao và gắn với xuất khẩu lớn của Việt Nam bị ảnh hưởng. Kéo theo đó, việc thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, theo nhận định của nhà quan sát kinh tế, việc đảm bảo 43% dự toán là một nỗ lực lớn của hải quan; với sự phục hồi kinh tế và quy luật tăng tốc cuối năm thì hoàn toàn có thể tự tin hoàn thành và vượt dự toán. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 6 năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước (tương ứng tăng 1,93 tỷ USD); trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng 1,26 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% (tương ứng tăng 672 triệu USD). Với kết quả trên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 316,64 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 56,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 22,72 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022 và trị giá nhập khẩu ước đạt 152,19 tỷ USD, giảm 18,2% (tương ứng giảm 33,82 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 6 năm 2023 ước tính thặng dư 2,59 tỷ USD. Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ước tính thặng dư 12,26 tỷ USD. Song Linh  

Trang