Kinh tế

Quảng bá nông sản tỉnh Gyeongbuk (Hàn Quốc) tại Hà Nội

BTĐKT – Chiều 14/9, Festival ẩm thực tỉnh Gyeongbuk (Hàn Quốc) chính thức khai mạc tạichuỗi siêu thị K-Market Hà Nội. Chương trình do Công ty TNHH Thương mại K&K toàn cầu và tỉnh Gyeongbuk phối hợp thực hiện. Lễ cắt băng khai mạc Festival Ông Kim Joo-ryung, Cục trưởng Cục Phân phối nông thực phẩm tỉnh Gyeongbuk cho biết: Gyeongbuk nằm ở phía đông của Hàn Quốc, là tỉnh lớn nhất Hàn Quốc với bờ biển dài 335 km, là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa Hàn Quốc và văn hóa Nho giáo. Đây cũng là nơi tập trung các địa danh nổi tiếng, nhiều ngôi làng cổ trăm năm với các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc. Với vị trí thuận lợi, nền ẩm thực nơi đây rất phong phú và đa dạng, nhất là nguồn nông sản và thủy hải sản, có thể kể đến như nhân sâm, ớt, các loại hoa quả (nho, dâu tây, táo, hồng…), các loại cá, tôm cua… Hiện nay, Gyeongbuk đang cung cấp 2/3 sản lượng táo và 50% sản lượng nho cho thị trường Hàn Quốc. Nhận thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng để phát triển, từ năm 2017, tỉnh Gyeongbuk đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động này, sản lượng nông, thủy hải sản xuất khẩu của tỉnh sang Việt Nam ngày càng tăng cao. Tham gia chương trình, người tiêu dùng có cơ hội nếm thử các nông sản đặc trưng của tỉnh Gyeongbuk Chương trình Festival ẩm thực tỉnh Gyeongbuk giới thiệu những sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh tới người tiêu dùng Hà Nội: Từ hoa quả tươi cho đến nước ép, các loại thực phẩm chế biến như mực khô, gia vị (bột ớt, sốt gà…). Chương trình diễn ra tại các siêu thị K-Market Keangnam, K-Market Gardenia, K-Market Goldmark Ruby (Hà Nội). Phương Thanh      

Tổng cục Hải quan nỗ lực xây dựng, phát triển Hải quan

BTĐKT - 78 năm qua, các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng Hải quan Việt Nam lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, đóng góp quan trọng vào kết quả công tác hàng năm của ngành Tài chính, vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Hải quan TP Hồ Chí Minh làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm trên 100 tỷ USD Những năm gần đây, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình thế giới nhiều biến động phức tạp, khó lường, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột địa chính trị xảy ra, kéo dài đã ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và trong nước. Ngành Hải quan luôn quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để tập trung hoàn thiện về thể chế, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích, kết quả công tác nổi bật trên các mặt công tác, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Tiêu biểu như: Duy trì tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu; công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu ngày càng được củng cố, phát huy; kết quả thu ngân sách nhà nước đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời, góp phần đảm bảo ổn định tiềm lực tài chính quốc gia; vai trò, vị trí, uy tín quốc tế của Hải quan Việt Nam ngày càng được nâng cao… Công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại được ngành Hải quan xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiều năm. Đặc biệt những năm gần đây, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường áp dụng trang thiết bị hiện đại như: Máy soi container, camera giám sát, seal định vị điện tử… để giảm thời gian thông quan, chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó Việt Nam lần đầu tiên đạt được quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu 700 tỷ USD vào năm 2022. Trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và thời điểm hậu đại dịch, ngành Hải quan đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tạo thuận lợi thương mại như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan; đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại; tăng cường công tác quản lý, giám sát hải quan trên tất cả các khâu, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại… Ngoài ra, với vai trò cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện các cơ chế một cửa và tạo thuận lợi thương mại. Tính đến ngày 15/8/2023, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64.700 doanh nghiệp. Về ASW, Việt Nam duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN và đang tích cực mở rộng kết nối với một số nước ngoài ASEAN. Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại như: Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của WCO; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại vào kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan… Cùng với đó, ngành Hải quan sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiếp tục cắt giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài các giải pháp về mặt thể chế; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, yếu tố quan trọng hàng đầu đặt ra là xây dựng đội ngũ công chức Hải quan chuyên nghiệp, chuyên sâu, có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xác định vấn đề con người luôn là yếu tố then chốt, vì vậy, ngành Hải quan sẽ tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại. Để thực hiện nghiêm minh vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, những năm qua, ngành Hải quan đã đề ra và triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp kết hợp giữa phòng và chống. Để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, năm 2023, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng, chống tham nhũng trong Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan. Song Linh  

Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt 240.390 tỷđồng

BTĐKT - Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8/2023 đạt 27.771 tỷ đồng, tăng 0,54% so với tháng trước. Công chức Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 240.390 tỷ đồng, bằng 56,6% dự toán, giảm 19,2% (tương đương giảm 57.077 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Về hoạt động xuất nhập khẩu, tháng 8 năm 2023, tổng kim ngạch đạt 62,08 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước (tương ứng tăng 5,01 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng 2,69 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 29,32 tỷ USD, tăng 8,6% (tương ứng tăng 2,32 tỷ USD). Hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8%, tương ứng giảm 64,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. 8 tháng xuất khẩu đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 24,79 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm 39,42 tỷ USD). Trong tháng 8, Việt Nam xuất siêu 3,44 tỷ USD, qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế trong 8 tháng đầu năm 2023 lên 19,9 tỷ USD. Song Linh  

Thu ngân sách từ kiểm tra sau thông quan tăng 136%

BTĐKT - Mặc dù số cuộc kiểm tra sau thông quan giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số tiền thu nộp ngân sách tăng ba con số. Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8 (kỳ 16/7 - 15/8), toàn ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 229 cuộc, trong đó có 108 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 121 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 264,6 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước 211,77 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến 15/8/2023, toàn ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.114 cuộc, trong đó có 466 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 648 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 580,67 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước 511,01 tỷ đồng. Đáng chú ý, so với cùng kỳ 2022, số cuộc kiểm tra sau thông quan chỉ bằng 65% (cùng kỳ 1.708 cuộc), nhưng số tiền thu nộp ngân sách tăng 136%, tương đương tăng hơn 294 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện 158 cuộc (100% tại trụ sở người khai hải quan), thu nộp ngân sách 291,13 tỷ đồng, số với cùng kỳ năm ngoái, số cuộc kiểm tra bằng 99% (cùng kỳ năm ngoái 160 cuộc), nhưng số tiền thu nộp ngân sách tăng 190%, tương đương tăng khoảng 191 tỷ đồng. Song Linh  

Tổng cục Hải quan rà soát, xem xét xử lý trách nhiệm công chức liên quan vụ buôn lậu sợi Polyester

BTĐKT - Liên quan đến vụ việc Công an TP Hồ Chí Minh phá đường dây buôn lậu sợi Polyester, khởi tố 8 đối tượng, trong đó có 4 cán bộ Hải quan Bình Phước, chiều 13/9/2023, Tổng cục Hải quan phát đi thông cáo báo chí về việc Tổng cục Hải quan rà soát, xem xét xử lý trách nhiệm công chức. Thông cáo báo chí nêu rõ, về phía Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Bình Phước ngay sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp và công chức, cơ quan Hải quan đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an TP Hồ Chí Minh để thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc điều tra xử lý vụ án. Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Bình Phước rà soát, xem xét, xử lý trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan. Cụ thể, ngày 31/8/2023, Cục Hải quan Bình Phước đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức có liên quan để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra. Phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh giải quyết vụ việc, cụ thể: Tập trung rà soát toàn bộ hồ sơ vụ việc liên quan; đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến quy trình thủ tục hải quan, Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, xác định trách nhiệm cụ thể của đơn vị và của từng công chức, cán bộ có liên quan (bao gồm công chức, công chức lãnh đạo cấp tổ/đội, chi cục, cục). Căn cứ sai phạm của các cá nhân, đơn vị đối chiếu với các quy định về xử lý kỷ luật công chức, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước xem xét, kiểm điểm, xử lý kỷ luật công chức vi phạm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị (Đảng, hành chính) có liên quan theo quy định. Tập trung bố trí nguồn lực, trang thiết bị đảm bảo thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn 24/7. Song Linh

Khởi động chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”

BTĐKT - Nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước, Bộ Công thương chủ trì tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) từ ngày 13 – 15/9/2023 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Tổ chức họp giới thiệu về chuỗi sự kiện Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết: Chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2022. Bộ Công thương giao Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ làm đầu mối phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác tổ chức. Chuỗi sự kiện bao gồm các hội nghị, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing Expo 2023. Triển lãm với quy mô 8.000 m2 dành cho 300 doanh nghiệp, đại diện cho các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế, sẽ được triển khai cùng thời gian tại SECC, do công ty triển lãm chuyên nghiệp ADPEX tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương. Viet Nam International Sourcing 2023 được giới chuyên môn và doanh nghiệp đánh giá cao bởi sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ trong khâu tổ chức. Các doanh nghiệp được lựa chọn để giới thiệu tới các nhà nhập khẩu, tập đoàn phân phối và các đoàn thu mua quốc tế đều là doanh nghiệp đã đạt các chứng chỉ quốc tế, có sản phẩm chất lượng cao ở các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh và các nhà phân phối, bán lẻ quốc tế có nhu cầu như: Thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, công nghiệp hỗ trợ... Sự kiện hứa hẹn thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 150 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban Tổ chức cũng phối hợp với các địa phương, Sở Công thương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát doanh nghiệp tại một số địa phương. Đặc biệt, chuỗi sự kiện ghi nhận sự vào cuộc chưa từng có của hơn 60 Thương vụ/chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Dưới sự chỉ đạo của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động, tích cực tìm kiếm, tiếp xúc, làm việc vận động, mời các đoàn thu mua, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối nước sở tại vào Việt Nam tham gia chuỗi hoạt động triển lãm, hội thảo nói trên. Sự kiện năm nay cũng ghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới. Trong suốt ba ngày diễn ra Viet Nam International Sourcing 2023, 10 cuộc hội thảo chuyên đề và các diễn đàn doanh nghiệp, kết nối giao thương bổ ích sẽ được tổ chức xuyên suốt. Ngoài hướng đến mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, Viet Nam International Sourcing 2023 còn có thêm các hoạt động bên lề hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực, phát triển bền vững khi bước ra thị trường toàn cầu. Các chuyên gia hàng đầu đến từ châu Âu sẽ có buổi tập huấn trực tuyến dành cho các doanh nghiệp tham dự trưng bày vào ngày 15/8/2023 và hoạt động tư vấn trực tiếp tại SECC vào ngày 12/9/2023 để chuẩn bị cho doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các cơ hội kết nối ngay trước khi sự kiện bắt đầu. Phương Thanh

Ngành Hải quan tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

BTĐKT - Mới đây, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngày Pháp luật Tài chính và Ngày Pháp luật Hải quan năm 2023. Đây là một chương trình lớn, được quan tâm thực hiện của Hải quan Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật hải quan; thúc đẩy mạnh mẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Công chức Hải quan sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật gắn liền với các sự kiện, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính, ngành Hải quan; tạo điều kiện cho việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan. Đồng thời, đảm bảo các quy định của pháp luật về hải quan, các quy chế, quy trình nghiệp vụ của ngành, các quy định của pháp luật có liên quan được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kịp thời, đẩy đủ về nội dung, phù hợp về hình thức cho từng nhóm đối tượng. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc được giao nghiên cứu soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến… hoàn thiện văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành đúng thời hạn nhằm nâng cao công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến xã hội ngay trong quá trình xây dựng; các văn bản mới ban hành, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực hải quan theo các hình thức thích hợp; đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật hải quan, kết quả thi hành pháp luật và cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trên các báo, tạp chí trong và ngoài ngành. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách có tác động lớn đến xã hội, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Kịp thời thông tin pháp luật và đối thoại giải đáp chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp, người nộp thuế, người khai hải quan. Đẩy mạnh hoạt động giải đáp, giải quyết dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính, đặc biệt là các vướng mắc mới phát sinh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, khắc phục sau tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Đẩy mạnh thực thi các giải pháp cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính như: Kiểm soát thủ tục hành chính, đảm bảo không ban hành thủ tục hành chính mới khi không cần thiết; tiếp tục rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành Hải quan, trong đó tập trung nghiên cứu giảm thời gian, hồ sơ, giấy tờ, chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc và kịp thời việc thống kê, công bố, cập nhật và công khai thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định, đầy đủ, chính xác, đồng bộ, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Thống kê, công bố, công khai thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện các chỉ số. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát người dân và doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Được biết, theo kế hoạch đã ban hành, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023 được tiến hành trong 2 tháng cao điểm, từ ngày 29/9/2023 đến ngày 29/11/2023 với khẩu hiệu: “Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong tuân thủ, minh bạch trong thực thi, hiệu quả trong quản lý”. Ngày Pháp luật Tài chính năm 2023 được tiến hành từ ngày 28/8/2023 đến ngày 28/9/2023; tuần lễ cao điểm thực hiện các hoạt động từ ngày 28/8/2023 đến ngày 01/9/2023. Ngày Pháp luật Hải quan năm 2023 được tiến hành từ ngày 01/9/2023 đến ngày 01/10/2023. Song Linh

Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

BTĐKT - Ngày 29/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam”. Tọa đàm “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam” Tọa đàm được tổ chức với mục đích nêu ra những đánh giá, nhận định về tình trạng hiện nay của ngành nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư nông nghiệp, lĩnh vực vật tư nông nghiệp, đồng thời đưa ra những phân tích, báo cáo, tổng hợp các tác nhân tác động chính đến sự khó khăn của nông nghiệp trong năm 2023. Trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả khả quan. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung - đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế. Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao; thị trường bị thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc việc nhập khẩu… Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (từ năm 2017 - 2022), tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 12.094 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số 89.5876 doanh nghiệp cả nước đang hoạt động, chỉ chiếm gần 1,35% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Quy mô đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 90%, doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 4,0% và tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6%. TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Sự phát triển khiêm tốn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp. Hiện nay, chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu tập trung vào hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp nông nghiệp như: Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; ưu đãi tín dụng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ về chế biến sản phẩm; khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới. Lĩnh vực hỗ trợ của chính sách như vậy được xem là khá toàn diện, tuy nhiên tính đồng bộ của chính sách, mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt; đôi khi khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn nên các chính sách có mức hỗ trợ thấp lại tổ chức thực hiện một cách nửa vời, do đó hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: Những hạn chế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân trực tiếp đến từ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư của Nhà nước. Do đó, để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành Nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Phương Thanh

Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội

BTĐKT - Sáng 23/8, tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng Quốc gia, Sở Công thương Hà Nội tổ chức khai mạc Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội năm 2023. Đây là Hội chợ chuyên ngành lớn về ngành công nghiệp hỗ trợ, được TP. Hà Nội tổ chức thường niên từ năm 2017 đến nay. Hội chợ giúp các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thủ đô có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu sản phẩm Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, với định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, TP Hà Nội đã phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Để thực hiện được nhiệm vụ này, TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương và các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trọng tâm là phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 960 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và thế giới. "Việc tổ chức Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội năm 2023 giúp các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu sản phẩm, tham gia chuỗi liên kết - cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô cũng như các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh. Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội năm 2023 cùng với những hoạt động xúc tiến khác góp phần khơi thông dòng chảy hàng hóa trong nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của TP. Hà Nội cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Hội chợ thu hút hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và quốc tế như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… tham gia với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Công ty NC Network Việt Nam - Tập đoàn NC Network Nhật Bản, Công ty TNHH Mitsubishi Electric Asia, Công ty TNHH Hondaseiki… Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại hội chợ đều là các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao... Đặc biệt, trong hội chợ có sự tham gia của gần 40 đơn vị mua hàng đến từ trong và ngoài nước theo hình thức trực tiếp và trực tuyến… giúp cho việc giao thương có trọng điểm, có khả năng thiết lập các hợp đồng thỏa thuận, giao dịch ngay tại hội chợ. Trong khuôn khổ hội chợ diễn ra 2 hội thảo: Hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và hội thảo xây dựng và phát triển các cụm, chuỗi liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội. Hội chợ diễn ra đến hết ngày 25/8/2023. Phương Thanh  

Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực cho thị trường bất động sản

BTĐKT - Ngày 15/8, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường (InNET) nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực cho thị trường bất động sản. Là đơn vị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, InNET hiện là cơ sở đầu mối triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ trong ngành, nhằm chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ đắc lực sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường, trong đó có đất đai và bất động sản.  TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ký văn bản thỏa thuận với TS. Dương Thanh An, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - VNREA là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ V (2022 - 2027) là việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cho thị trường bất động sản. Nhằm tối ưu nguồn lực của mỗi đơn vị trong nhiệm vụ đào tạo mà cả hai đơn vị cùng quan tâm, VNREA và InNET đã thống nhất giao cho hai đơn vị trực thuộc là Trung tâm Phát triển Bất động sản (RED Center - trực thuộc VNREA) và Trung tâm Hợp tác và Phát triển nhân lực (CCDHR - trực thuộc Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường) triển khai thực hiện. Trong khuôn khổ buổi ký kết, Trung tâm Phát triển Bất động sản và Trung tâm Hợp tác và Phát triển nhân lực đã thực hiện ký kết thỏa thuận triển khai các hoạt động cụ thể nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, liên quan tới bất động sản. Phát biểu tại lễ ký kết, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: Việc hợp tác giữa hai đơn vị sẽ tập trung ưu tiên về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực cho thị trường bất động sản. Triển khai cụ thể giao cho 2 đơn vị trực thuộc, phải lưu ý 3 điểm: Những nội dung trọng tâm mà thị trường có nhu cầu, pháp luật cho phép và hiệu quả cho người được đào tạo. Theo nội dung ký kết, thời hạn hợp tác giữa hai bên là 5 năm, từ tháng 8/2023 đến tháng 8/2028. Đặc biệt, RED Center và CCDHR sẽ phối hợp, cấp giấy chứng nhận cho học viên sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực về các lĩnh vực tài nguyên - môi trường và hướng dẫn, tạo điều kiện cho các học viên có đủ điều kiện thực hiện các thủ tục có liên quan theo quy định của pháp luật. Hai đơn vị dùng mọi nguồn lực của mình để phối hợp thực hiện nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công việc; cùng nhau đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực có kiến thức kỹ năng, năng lực tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về các lĩnh vực tài nguyên, môi trường cũng như bất động sản. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt về các lĩnh vực liên quan đến bất động sản sẽ được RED Center và CCDHR liên tục tổ chức ngay sau lễ ký kết. Ngoài việc đào tạo tập trung tại các khu vực trung tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh … RED còn nhận đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo yêu cầu đặt hàng riêng của các tổ chức, doanh nghiệp. Phương Thanh  

Trang