Kinh tế

Hải quan Việt Nam với 5 vai trò quan trọng tại Hội nghị và Triển lãm công nghệ 2023 của WCO

BTĐKT - Ngày 28/9, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) họp báo chuyên đề về việc Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hoàng Đình Trung cho biết, theo đề nghị của WCO và trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với WCO đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO từ ngày 10 - 12/10/2023 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội, Việt Nam). Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO sẽ điễn ra trong 3 ngày. Đây là hội nghị quốc tế thường niên lớn nhất của WCO, với chủ đề của năm 2023 là “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới và nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”. Bên cạnh đó, ngày 10/10 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là ngày Chuyển đổi số quốc gia (từ năm 2022). Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã chọn ngày 10/10/2023 là ngày khai mạc hội nghị - một sự kiện về công nghệ toàn cầu của WCO do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức. Phó Vụ trưởng Hoàng Đình Trung nhấn mạnh, tại Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO, Hải quan Việt Nam sẽ đóng góp 5 vai trò lớn. Tại buổi tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ trao đổi về các vấn đề cụ thể như: Vai trò của công nghệ trong chia sẻ kiến thức và làm cho nghề hải quan trở nên thu hút đối với thế hệ trẻ; các yếu tố chính cần cân nhắc khi sử dụng công nghệ và những lĩnh vực còn tồn tại khoảng cách nhất định; quản trị dữ liệu trong hải quan và thương mại quốc tế và cách thức xây dựng mô hình hoạt động giúp thu thập và khai thác được dữ liệu từ toàn bộ hệ sinh thái thương mại với sự trợ giúp của công nghệ; các cách tiếp cận mang tính chiến lược khác nhau đối với việc đổi mới và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan nhằm khai thác sức mạnh của công nghệ để ứng phó với các thách thức mới nổi của thương mại toàn cầu; cách thức thúc đẩy về yếu tố con người để xử lý các vấn đề công nghệ, đảm bảo tính bền vững và quản trị tốt trong quá trình áp dụng công nghệ. Ngoài ra, Hải quan Việt Nam cũng sẽ tham gia làm điều phối, dẫn dắt Phiên thảo luận chuyên đề về “Hải quan xanh vì tương lai bền vững: Các giải pháp đổi mới dành cho quản lý thương mại và quản lý biên giới”. Trong đó, đặt ra các vấn đề về kinh tế xanh như logistics xanh, sử dụng bao bì bền vững, chuỗi cung ứng tuần hoàn; các giải pháp để tăng cường hiệu quả kiểm soát về tuân thủ môi trường, ngăn chặn các lô hàng phế liệu; các giải pháp giảm lượng khí thải carbon trong hoạt động hải quan. Tại phần triển lãm, khu vực triển lãm của Hải quan Việt Nam sẽ bố trí không gian triển lãm giới thiệu về lịch sử phát triển, các nỗ lực hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam, các thành tựu đạt được trong công tác kiểm soát hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Đặc biệt, hội nghị cũng là cơ hội để Hải quan Việt Nam giới thiệu về các nỗ lực hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam trong việc triển khai các nội dung chuyển đổi số, xây dựng Hải quan thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam. Việc đăng cai hội nghị cũng sẽ mở ra cho Hải quan Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam nói riêng cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước. Song Linh

OpenInfra Days 2023: Thúc đẩy sử dụng hạ tầng và ứng dụng nguồn mở

BTĐKT - Ngày 30/9, tại Hà Nội, được sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp với cộng đồng Vietnam Open Infrastructure (VietOpenInfra), Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC) tổ chức sự kiện OpenInfra Days 2023 với chủ đề “Empowering the Future through Open Infrastructure, Cloud & AI” (Trao quyền cho tương lai thông qua cơ sở hạ tầng mở, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI)). Đây là diễn đàn kết nối các nhà quản lý, kiến trúc sư, kỹ sư chính, lập trình viên thúc đẩy sử dụng hạ tầng và ứng dụng nguồn mở. Sự kiện OpenInfra Days 2023 Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, sự kiện OpenInfra Days lần đầu được tổ chức tại Việt Nam từ năm 2018 nhằm hưởng ứng sự kiện OpenInfra Days quốc tế tổ chức bởi cộng đồng các chuyên gia về công nghệ mở tại nhiều quốc gia trên thế giới. Qua 4 lần tổ chức, sự kiện thu hút cộng đồng các chuyên gia công nghệ thông tin tạo dựng cơ sở hạ tầng mở. Tổ chức Open Infrastructure Foundation hiện có hơn 110.000 thành viên từ 187 nước trên thế giới và là tổ chức quy tụ số lượng chuyên gia nguồn mở lớn nhất trên toàn cầu. Sản phẩm nổi tiếng của Open Infrastructure Foundation là OpenStack, một nền tảng mã nguồn mở được phát triển vào năm 2010 nhằm xây dựng hạ tầng trên công nghệ điện toán đám mây. Tại Việt Nam, việc ứng dụng Openstack vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Hầu hết các công ty đang ứng dụng OpenStack hiện nay tập trung ở các doanh nghiệp lớn hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ viễn thông. Do đó, sự kiện OpenInfra Days Vietnam 2023 tiếp tục tạo ra một sân chơi về công nghệ, bổ ích đối với người sử dụng và người tham gia phát triển các sản phẩm liên quan tới hạ tầng mở đồng thời tạo ra mối liên kết và sự gắn kết bền vững giữa người sử dụng, người phát triển, công ty kinh doanh và phát triển các sản phẩm về hạ tầng, phần mềm trên nền tảng nguồn mở. Bên cạnh đó, sự kiện còn là cơ hội để những người tham dự được tiếp cận các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới nhất về OpenStack, Private Cloud, máy chủ ảo, giải pháp lưu trữ dữ liệu và công nghệ bảo mật an toàn an ninh mạng. Sự kiện còn là dịp kết nối đầu tư công nghệ, tạo cơ hội trao đổi trực tiếp, chia sẻ kiến thức, tìm kiếm hợp tác và đầu tư. Phương Linh    

Hợp tác triển khai hoạt động bất động sản gắn với du lịch

BTĐKT - Chiều 26/9, tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA). Hai Hiệp hội thống nhất cùng nhau phối hợp thường xuyên, lâu dài và bền vững trên cơ sở phát huy chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên theo điều lệ hoạt động, quy định pháp luật để thực hiện có hiệu quả các hoạt động của hai ngành bất động sản và du lịch. TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam ký kết biên bản thỏa thuận Trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, xác định mục tiêu “Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh về du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững”, thị trường bất động sản gắn liền với du lịch, nghỉ dưỡng sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian tới, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm đến lĩnh vực này. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của từng đơn vị, đại diện lãnh đạo 2 bên đã thống nhất hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong việc phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo, hội nghị, các chương trình hợp tác nhằm xúc tiến quảng bá du lịch, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành bất động sản nói chung và lĩnh vực bất động sản du lịch nói riêng. Phát biểu tại lễ ký kết, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Tại Đại hội Đảng, Chính phủ đã nêu rõ việc phát triển du lịch sẽ là trọng tâm hàng đầu. Tuy nhiên, để phát triển được ngành du lịch thì việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết và nó liên quan mật thiết đến bất động sản. Do đó, việc hợp tác giữa VNREA và VITA không chỉ là cơ hội để hai bên có thể giao lưu, hiểu biết lẫn nhau mà còn là cơ sở cho việc hỗ trợ, phối hợp và phát huy thế mạnh của từng đơn vị trong việc thúc đẩy sự phát triển của hai ngành du lịch và bất động sản”. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết thêm: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tác động trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế khác và bất động sản là một điển hình. Do đó, việc ký kết hợp tác giữa VITA và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ là cầu nối thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của hai ngành du lịch và bất động sản theo đúng chủ trương của các cơ quan quản lý Nhà nước”. Theo nội dung ký kết, thời hạn hợp tác giữa hai bên là 5 năm kể từ ngày 26/9/2023 đến hết ngày 30/9/2028. Đặc biệt, theo nội dung hợp tác, VNREA đã chỉ đạo và giao cho Trung tâm Phát triển Bất động sản RED Center phối hợp triển khai thực hiện các chương trình hợp tác cụ thể ngay sau lễ ký kết. Trung tâm phát triển Bất động sản - RED Center là đơn vị trực thuộc Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA). RED Center tập trung kết nối, phục vụ khách hàng là các chủ đầu tư, nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm sản phẩm bất động sản giá trị để đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, RED còn tổ chức các sự kiện kết nối, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề, chuyên sâu về bất động sản, giúp nhà đầu tư mua đúng - bán đúng - đầu tư đúng. Nằm trong khuôn khổ hợp tác, từ 1 - 3/12/2023, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức phân khu “Triển lãm bất động sản du lịch sinh thái nghỉ dưỡng” trong khuôn khổ của “Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Cần Thơ 2023”. Hội chợ, triển lãm sẽ thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế, 40 tỉnh/thành phố, 350 nhà triển lãm, 1.500 doanh nghiệp đến tham dự và làm việc tại hội chợ và đặc biệt thu hút khoảng 30.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham dự. Phương Thanh

Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam

BTĐKT – Chiều 20/9, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam”. Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS. TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định: Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng trên quy mô toàn cầu. Đặc biệt, đây lại đang là thời điểm nền kinh tế các quốc gia trên thế giới cố gắng khắc phục hàng loạt khó khăn để phục hồi sau những “cú sốc” từ đại dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, khủng hoảng năng lượng toàn cầu gây ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam, dù quá trình chuyển dịch năng lượng của nước ta đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Diễn đàn “Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam” Các thống kê cho thấy, Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng tương đối đa dạng. Tuy vậy, nước ta vẫn còn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp. Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai. Trước các thực trạng trên, để có cái nhìn tổng quan và dự báo các kịch bản biến động năng lượng trên thế giới, phân tích, làm rõ tác động của khủng hoảng năng lượng đến tăng trưởng toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế..., được sự đồng ý của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình Diễn đàn “Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam”. Tại diễn đàn, các chuyên gia đã đưa ra các ý kiến, cùng thảo luận và tìm giải pháp trong tình huống giá năng lượng thế giới tăng cao khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh; đánh giá thực trạng và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam… GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, để thay thế điện than thì việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng sạch, không carbon ở Việt Nam là điều tất yếu. Bên cạnh đó, Việt Nam lại có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời khá lớn, thuộc nhóm nước tiềm năng nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Do đó, thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể và hiệu quả để hỗ trợ phát triển hai loại điện từ năng lượng tái tạo này. Ngoài hỗ trợ về cơ chế chính sách, Chính phủ đã có hỗ trợ kinh phí khá cao cho giá bán điện gió, điện mặt trời để các doanh nghiệp có thể hoạt động lâu dài. Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu điều tra nghiên cứu cơ bản, chưa sản xuất được thiết bị phát điện gió, điện mặt trời, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện. Bên cạnh đó, do giá thành phát điện từ hai loại năng lượng này còn cao nên rất cần các tổ chức, các cơ quan quản lý, các cộng đồng nhận thức rõ để có hành động, hoạt động hỗ trợ phát triển điện gió và điện mặt trời để từng bước thay thế điện than trong tương lai. Từ đó, GS.TS Hoàng Xuân Cơ đề nghị, Bộ Công thương sớm đưa ra lộ trình tăng giá bán điện cho người tiêu dùng trên cơ sở tăng mua điện gió, điện mặt trời giá cao trong giai đoạn tới, trước mắt là đến năm 2030 và xa hơn. Về phía người dân và doanh nghiệp cũng phải sớm có phương án điều chỉnh mức sử dụng điện hợp lý và hiệu quả (theo hướng tiết kiệm) và nếu mức tăng giá điện hợp lý thì phải coi đây là mức “sẵn lòng trả” để có điện sạch cho tiêu dùng. Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân. Phương Thanh

VIETBUILD Hà Nội 2023 lần thứ hai: Kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

BTĐKT – Sáng 20/9, tại Hà Nội, Triển lãm Quốc tế VIETBUILD Hà Nội 2023 lần thứ hai với chủ đề “Bất động sản - Trang trí nội ngoại thất - Xây dựng và vật liệu xây dựng” đã khai mạc tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia. Triển lãm diễn ra từ ngày 20/9 - 24/9/2023, do Trung tâm Thông tin, Bộ Xây dựng và Công ty Tổ chức Triển lãm Quốc tế Xây dựng VIETBUILD phối hợp tổ chức thực hiện. Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm Triển lãm Quốc tế VIETBUILD lần thứ hai trong năm 2023 tại TP Hà Nội là sự kiện chào mừng 65 năm ngày truyền thống của ngành Xây dựng Việt Nam (29/4/1958 – 29/4/2023) và kỷ niệm 25 năm Triển lãm Quốc tế VIETBUILD trưởng thành và phát triển (1998 – 2023). Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhìn chung, những tháng đầu năm, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay, nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại. Triển lãm VIETBUILD Hà Nội 2023 lần thứ hai là sự kiện quan trọng, góp phần vào việc hỗ trợ các nhà doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, kết nối giao thương, kết nối cung cầu, kết nối công nghệ trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số… đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, đảm bảo bình ổn và phát triển thị trường trong năm 2023 theo chủ trương của Chính phủ. Triển lãm lần này đã thu hút được sự tham gia của hơn 1000 gian hàng của gần 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước với những sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến ngành bất động sản, trang trí nội ngoại thất, xây dựng và vật liệu xây dựng.  Hầu hết các sản phẩm trưng bày đã được các doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư với các sản phẩm vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất có mẫu mã mới, tính năng và chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, xây dựng và trang trí nội ngoại thất ngày càng phát triển. Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra các chương trình hội thảo, giao lưu doanh nghiệp, tạo cơ hội và điều kiện tốt cho các doanh nghiệp cùng nhau phát triển, chuyển giao khoa học công nghệ và trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư tài chính, liên kết nhằm cho ra đời các dòng sản phẩm mới trên các lĩnh vực bất động sản, trang trí nội ngoại thất, xây dựng và vật liệu xây dựng cao cấp. Phương Thanh

Hải quan Quảng Bình thu ngân sách đạt kết quả cao

BTĐKT - Theo báo cáo mới nhất của Hải quan Quảng Bình, tháng 9, thu ngân sách đạt 351,8 tỷ đồng, bằng 133% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao 265 tỷ đồng, bằng 70% chỉ tiêu HĐND tỉnh giao (500 tỷ đồng), tăng 122% với cùng kỳ năm 2022 (157,98 tỷ đồng). Cán bộ Hải quan cửa khẩu Cha Lo kiểm tra, kiểm soát hành lý xuất nhập cảnh. Thời gian qua, Cục Hải quan Quảng Bình đã triển khai có hiệu quả Quyết định số 2554 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023; Chỉ thị số 479 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023. Trên cơ sở Kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2023 xây dựng ngay từ đầu năm, đơn vị đã thường xuyên phân tích, đánh giá và dự báo sát với thực tế tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn để triển khai các biện pháp thu ngân sách hiệu quả; theo dõi, quản lý sát tình hình thu nộp ngân sách; chú trọng tạo nguồn thu mới và nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả việc nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc thu và nộp ngân sách nhanh chóng, rút ngắn thời gian luân chuyển chứng từ nộp thuế, tránh sai sót cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Chủ động liên hệ với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết. Kịp thời giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế; tiếp thu các phản hồi của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi, động viên, khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục làm thủ tục qua địa bàn quản lý. Hỗ trợ, tư vấn kịp thời về chế độ, chính sách, quy trình, thủ tục cho cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng và phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp giúp cho cộng đồng doanh nghiệp nắm, hiểu, chấp hành tốt pháp luật hải quan, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ hải quan nhằm kiểm soát chặt chẽ địa bàn, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Song Linh  

Hải quan Lạng Sơn: 70 năm xây dựng và trưởng thành

BTĐKT - 70 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Hải quan Lạng Sơn đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt và liên tục gặt hái những thành tích đáng khích lệ, nổi bật là những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Lạng Sơn, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của Hải quan Việt Nam. Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu nghị kiểm tra hàng xuất đi Ngày 10/9/1953, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Nghị định số 206/TC-NĐ “thành lập Chi sở thuế XNK biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai trực thuộc Sở Thuế đặt dưới quyền lãnh đạo của Ủy ban Kiểm chính hành chính và Ty Quản lý XNK Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai”, đặt nền móng để Cục Hải quan Lạng Sơn xây dựng và phát triển đến ngày nay. Với sự phấn đấu liên tục, bền bỉ, bản lĩnh và trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo cùng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), 70 năm qua, Cục Hải quan Lạng Sơn đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Dấu ấn đột phá mà Hải quan Lạng Sơn đạt được là đã trở thành đơn vị hải quan điện tử hiện đại, triển khai hiệu quả, hiệu lực các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về hải quan, là cơ quan quản lý nhà nước đi đầu trong cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Không những vậy, Hải quan Lạng Sơn đã đẩy mạnh hợp tác với Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) nhằm tạo điều kiện tối đa cho hoạt động thương mại. Trong đó, để tiến tới xây dựng Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh, Hải quan Lạng Sơn đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào tất cả các khâu nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập của đất nước; xây dựng lực lượng Hải quan Lạng Sơn chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, được trang bị và làm chủ các trang thiết bị công nghệ hiện đại. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, công tác thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) qua địa bàn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng với sự cố gắng, Hải quan Lạng Sơn đã thu ngân sách đạt 7.750 tỷ đồng. Ði đôi với kết quả thu NSNN, Cục Hải quan Lạng Sơn đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động XNK trên địa bàn. Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới luôn là một trong những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương giao cho Cục Hải quan Lạng Sơn từ những ngày đầu thành lập cho tới nay. Cùng với việc Trung Quốc đã xây dựng hàng rào cứng, đồng thời lực lượng chức năng hai nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới nên tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới từ đầu năm 2020 đến nay cơ bản được kiểm soát, ngăn chặn. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Hải quan Lạng Sơn luôn chủ động thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đáp ứng mục tiêu tăng năng lực thông quan. Ngoài ra, cơ quan Hải quan thường xuyên trao đổi với phía Trung Quốc để nắm thông tin, tình hình liên quan đến công tác quản lý hàng hóa, kịp thời thông tin cảnh báo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động, linh hoạt trong hoạt động XNK hàng hóa, giúp giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian khi thực hiện các hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản XK. Cục trưởng Nguyễn Hồng Linh cho biết, Hải quan Lạng Sơn quyết tâm thực hiện nghiêm “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng” và phương châm hành động “Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả”, siết chặt kỷ cương, kỷ luật lao động, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phát huy mọi nguồn lực của Hải quan Lạng Sơn để tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói chung và kiến tạo hình ảnh Cục Hải quan Lạng Sơn trong mắt cộng đồng doanh nghiệp, bạn bè thế giới nói riêng. Thời gian tới, Hải quan Lạng Sơn sẽ chủ động rà soát, nghiên cứu để đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện những cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực hải quan phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian thông quan hàng hóa, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm soát hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh biên giới, cửa khẩu; bảo đảm các hoạt động XNK an ninh, an toàn, đúng quy định của pháp luật. Chú trọng chăm lo công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; quyết tâm xây dựng đội ngũ CBCC Hải quan giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỷ cương và liêm chính. Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành của Hải quan Lạng Sơn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn, bằng sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo và quyết tâm, chắc chắn rằng, Hải quan Lạng Sơn sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với ngành trong thời kỳ mới. Với những nỗ lực không ngừng, Cục Hải quan Lạng Sơn đã được tặng nhiều Bằng khen cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Song Linh  

Quảng bá nông sản tỉnh Gyeongbuk (Hàn Quốc) tại Hà Nội

BTĐKT – Chiều 14/9, Festival ẩm thực tỉnh Gyeongbuk (Hàn Quốc) chính thức khai mạc tạichuỗi siêu thị K-Market Hà Nội. Chương trình do Công ty TNHH Thương mại K&K toàn cầu và tỉnh Gyeongbuk phối hợp thực hiện. Lễ cắt băng khai mạc Festival Ông Kim Joo-ryung, Cục trưởng Cục Phân phối nông thực phẩm tỉnh Gyeongbuk cho biết: Gyeongbuk nằm ở phía đông của Hàn Quốc, là tỉnh lớn nhất Hàn Quốc với bờ biển dài 335 km, là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa Hàn Quốc và văn hóa Nho giáo. Đây cũng là nơi tập trung các địa danh nổi tiếng, nhiều ngôi làng cổ trăm năm với các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc. Với vị trí thuận lợi, nền ẩm thực nơi đây rất phong phú và đa dạng, nhất là nguồn nông sản và thủy hải sản, có thể kể đến như nhân sâm, ớt, các loại hoa quả (nho, dâu tây, táo, hồng…), các loại cá, tôm cua… Hiện nay, Gyeongbuk đang cung cấp 2/3 sản lượng táo và 50% sản lượng nho cho thị trường Hàn Quốc. Nhận thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng để phát triển, từ năm 2017, tỉnh Gyeongbuk đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động này, sản lượng nông, thủy hải sản xuất khẩu của tỉnh sang Việt Nam ngày càng tăng cao. Tham gia chương trình, người tiêu dùng có cơ hội nếm thử các nông sản đặc trưng của tỉnh Gyeongbuk Chương trình Festival ẩm thực tỉnh Gyeongbuk giới thiệu những sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh tới người tiêu dùng Hà Nội: Từ hoa quả tươi cho đến nước ép, các loại thực phẩm chế biến như mực khô, gia vị (bột ớt, sốt gà…). Chương trình diễn ra tại các siêu thị K-Market Keangnam, K-Market Gardenia, K-Market Goldmark Ruby (Hà Nội). Phương Thanh      

Tổng cục Hải quan nỗ lực xây dựng, phát triển Hải quan

BTĐKT - 78 năm qua, các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng Hải quan Việt Nam lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, đóng góp quan trọng vào kết quả công tác hàng năm của ngành Tài chính, vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Hải quan TP Hồ Chí Minh làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm trên 100 tỷ USD Những năm gần đây, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình thế giới nhiều biến động phức tạp, khó lường, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột địa chính trị xảy ra, kéo dài đã ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và trong nước. Ngành Hải quan luôn quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để tập trung hoàn thiện về thể chế, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích, kết quả công tác nổi bật trên các mặt công tác, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Tiêu biểu như: Duy trì tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu; công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu ngày càng được củng cố, phát huy; kết quả thu ngân sách nhà nước đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời, góp phần đảm bảo ổn định tiềm lực tài chính quốc gia; vai trò, vị trí, uy tín quốc tế của Hải quan Việt Nam ngày càng được nâng cao… Công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại được ngành Hải quan xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiều năm. Đặc biệt những năm gần đây, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường áp dụng trang thiết bị hiện đại như: Máy soi container, camera giám sát, seal định vị điện tử… để giảm thời gian thông quan, chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó Việt Nam lần đầu tiên đạt được quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu 700 tỷ USD vào năm 2022. Trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và thời điểm hậu đại dịch, ngành Hải quan đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tạo thuận lợi thương mại như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan; đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại; tăng cường công tác quản lý, giám sát hải quan trên tất cả các khâu, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại… Ngoài ra, với vai trò cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện các cơ chế một cửa và tạo thuận lợi thương mại. Tính đến ngày 15/8/2023, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64.700 doanh nghiệp. Về ASW, Việt Nam duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN và đang tích cực mở rộng kết nối với một số nước ngoài ASEAN. Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại như: Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của WCO; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại vào kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan… Cùng với đó, ngành Hải quan sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiếp tục cắt giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài các giải pháp về mặt thể chế; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, yếu tố quan trọng hàng đầu đặt ra là xây dựng đội ngũ công chức Hải quan chuyên nghiệp, chuyên sâu, có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xác định vấn đề con người luôn là yếu tố then chốt, vì vậy, ngành Hải quan sẽ tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại. Để thực hiện nghiêm minh vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, những năm qua, ngành Hải quan đã đề ra và triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp kết hợp giữa phòng và chống. Để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, năm 2023, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng, chống tham nhũng trong Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan. Song Linh  

Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt 240.390 tỷđồng

BTĐKT - Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8/2023 đạt 27.771 tỷ đồng, tăng 0,54% so với tháng trước. Công chức Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 240.390 tỷ đồng, bằng 56,6% dự toán, giảm 19,2% (tương đương giảm 57.077 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Về hoạt động xuất nhập khẩu, tháng 8 năm 2023, tổng kim ngạch đạt 62,08 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước (tương ứng tăng 5,01 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng 2,69 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 29,32 tỷ USD, tăng 8,6% (tương ứng tăng 2,32 tỷ USD). Hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8%, tương ứng giảm 64,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. 8 tháng xuất khẩu đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 24,79 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm 39,42 tỷ USD). Trong tháng 8, Việt Nam xuất siêu 3,44 tỷ USD, qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế trong 8 tháng đầu năm 2023 lên 19,9 tỷ USD. Song Linh  

Trang