Kinh tế

Khởi động cuộc thi “ Tìm kiếm ngôi sao khởi nghiệp bất động sản”

TĐKT – Vừa qua, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội thành viên trực thuộc Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam phối hợp cổng thông tin batdongsan.vn và một số đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi “ Tìm kiếm ngôi sao khởi nghiệp bất động sản” và khai mạc chính thứcTalkshow “Quốc gia khởi nghiệp góc nhìn từ bất động sản”. Cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp theo chủ trương và định hướng về quốc gia khởi nghiệp của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, tôn vinh và quảng bá những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, đột phá, đem đến những động lực mới cho ngành bất động sản. Đồng thời, qua cuộc thi, ban tổ chức mong muốn phát hiện, ươm mầm và nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cũng như các nhân tài trong lĩnh vực bất động sản; tạo ra sân chơi bổ ích lý thú dành cho những ai đam mê trong lĩnh vực này. Cuộc thi Tìm kiếm ngôi sao Khởi nghiệp bất động sản - cuộc thi khởi nghiệp đầu tiên về bất động sản tại Việt Nam với talkshow đầu tiên “Quốc gia khởi nghiệp góc nhìn bất động sản” là chương trình mở màn, phát động cuộc thi đến với mọi người, mang đến nhiều thông tin quý báu, giúp mọi người hình dung rõ ràng hơn giá trị của hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia và sự đóng góp của ngành bất động sản trong quá trình thực hiện chính sách quốc gia khởi nghiệp. Qua chương trình này, mọi người được biết đến câu chuyện khởi nghiệp của các tập đoàn, doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp bất động sản. Rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp từ các quốc gia phát triển và sáng lập viên cũng được chia sẻ tại talkshow này. Bất động sản là một lĩnh vực mũi nhọn và quan trọng của nền kinh tế. Việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong ngành bất động sản vô cùng thiết thực bởi ngành bất động sản phát triển thì nhiều ngành nghề khác cũng phát triển theo. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện triết lý là chính phủ kiến tạo, phát huy tinh thần khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực, điều này tạo ra luồng sinh khí mới cho mọi người dân. Cụ thể là, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký duyệt quyết định số 844/QĐ- TTg ban hành ngày 18/5/2016. Tinh thần khởi nghiệp đã tác động đến tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế từ nông nghiệp, du lịch, công nghiệp, giáo dục, bất động sản… Tinh thần khởi nghiệp cũng được các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hưởng ứng nhằm đưa những giá trị mới như sáng tạo, đột phá, cách tân doanh nghiệp của mình. Trong đó điển hình là ngành bất động sản.  Mai Thảo

Công bố các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia 2016

TĐKT - Tối 30/11, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia (THQG), Ban thư ký Chương trình THQG phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Lễ công bố các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia "Vietnam Value 2016". Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và trao giải cho các doanh nghiệp.   Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao giải cho các doanh nghiệp Buổi lễ đã vinh danh 88 doanh nghiệp đại diện cho 16 lĩnh vực ngành hàng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam có sản phẩm đạt THQG năm 2016, trong đó có 23 doanh nghiệp đã 5 lần đạt THQG, 9 doanh nghiệp đạt 4 lần liên tiếp, 14 doanh nghiệp đạt 3 lần, 13 doanh nghiệp đạt 2 lần và 29 doanh nghiệp đạt THQG lần đầu. Những đóng góp của các doanh nghiệp THQG cho nền kinh tế nước nhà rất lớn, với tổng doanh thu năm 2015 đạt hơn 662.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2013; giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD; đóng góp cho ngân sách Nhà nước 59.093 tỷ đồng, đóng góp gần 1.800 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện; tạo việc làm cho khoảng nửa triệu lao động… Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao việc các doanh nghiệp đạt THQG trong những năm trước đây đến nay vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp đã nỗ lực gia tăng cao cả về doanh thu và lợi nhuận, giữ vững thị trường nội địa và xuất khẩu dù còn phải đối mặt với không ít khó khăn. Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý các doanh nghiệp THQG tiếp tục theo đuổi các giá trị của chương trình là chất lượng - đổi mới - sáng tạo - năng lực tiên phong để xứng đáng với danh hiệu mà Nhà nước và Chính phủ đã trao cho cũng như lòng tin của người tiêu dùng gửi gắm. Các doanh nghiệp cần hướng tới việc đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến, hiện đại và hoạt động tài chính minh bạch, lành mạnh. Phương Thanh

Tôn vinh doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trách nhiệm xã hội tích cực tại Việt Nam

TĐKT – Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức Lễ trao giải Trách nhiệm xã hội (CSR) lần thứ 6 cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Tới dự, có: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu;  Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan;  Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk. Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk trao chứng nhận cho doanh nghiệp đạt giải thưởng Giải thưởng Trách nhiệm xã hội đã trở thành giải thưởng thường niên kể từ năm 2011 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động hiệu quả và có đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội và người lao động Việt Nam, từ đó nâng cao sự hợp tác cùng phát triển của hai quốc gia. Việc thu thập hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp có hoạt động CSR “Chung tay chia sẻ” xuất sắc đã được tiến hành từ tháng 9 và nhận được gần 100 hồ sơ của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực đa dạng:  sản xuất công nghiệp, vận tải, dệt may, phân phối hàng hóa... Trong vòng gần một tháng, thông qua sự hợp tác và thẩm định chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, ban tổ chức đã chọn ra được 6 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất. Các doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp đang triển khai đa dạng các hoạt động CSR cả về nội dung và phương thức thực hiện, qua đó nhận được sự đánh giá cao từ người dân địa phương. Với những đóng góp thiết thực vào sự phát triển xã hội của Việt Nam, Ngân hàng Nonghyup và công ty Changshin Việt Nam đã nhận được giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Giải thưởng của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam được trao cho Công ty Doosan Vina ở hạng mục doanh nghiệp lớn và Công ty Everpia ở hạng mục doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tập đoàn CJ Việt Nam và công ty Sungbu Vina nhận được giải thưởng của Chủ tịch KOTRA Hàn Quốc. Cũng tại sự kiện này, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã phối hợp cùng các bộ ngành Việt Nam trao học bổng “Chung tay chia sẻ” cho 100 sinh viên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị học bổng là 1 tỷ đồng (mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng). Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cả về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với khoảng 50 tỷ USD, 5.593 dự án. Tính đến nay, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (35 tỷ USD), kinh doanh bất động sản (8,2 tỷ USD), xây dựng (2,7 tỷ USD). Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào 52 tỉnh/thành phố của Việt Nam, lớn nhất là Bắc Ninh (gần 6,2 tỷ USD), Hà Nội (5,8 tỷ USD), Đồng Nai (5,5 tỷ USD), Hải Phòng (5,4 tỷ USD), Thái Nguyên (5 tỷ USD). Phương Thanh

Hà Nội: Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

TĐKT - Ngày 28/11, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị “Gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp năm 2016”, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tới dự, có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô, những đóng góp của các doanh nhân, các nhà đầu tư có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh TP Hà Nội đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng. Ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, trong những năm qua, Hà Nội đã ban hành các kế hoạch và triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014, cùng với những chính sách hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp: chính sách trợ giúp tài chính, chính sách mặt bằng sản xuất, chính sách đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và trình độ kỹ thuật, chính sách xúc tiến mở rộng thị trường… tạo môi trường, điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.     Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp 2016 Tại hội nghị, các địa biểu cho rằng, năm 2016 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp và thu hút đầu tư trong phạm vi cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là năm Hà Nội có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước tới nay với trên 200 nghìn doanh nghiệp, hoạt động ở mọi ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Điều này đã góp phần quan trọng tạo việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân; đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Thủ đô cao nhất trong 6 năm qua. Kết quả đó một mặt cho thấy hiệu quả của các chính sách tạo điều kiện của TP Hà Nội đối với các doanh nghiệp; mặt khác phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với môi trường kinh doanh của thành phố, đồng thời cũng là tín hiệu lạc quan đối với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố vẫn còn có những khó khăn: việc tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ...; mức tăng trưởng vừa qua của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn chủ yếu dựa vào chiều rộng, chưa có chiều sâu. Chủ trương, chính sách của thành phố chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo được động lực cho phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa đảm bảo được cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong điều kiện kinh tế thị trường. Kết quả xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các năm qua của Hà Nội đã khẳng định rất rõ điều này, trong 11 tháng đầu năm 2016 đã có trên 13 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng, nghỉ hoạt động.     Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc Hội nghị Hội nghị chỉ ra rằng, trong năm 2017, Hà Nội sẽ tập trung tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức thực hiện Kế hoạch số 147/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI; thực hiện các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ sau khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh: tiếp cận đất đai; nguồn vốn; nguồn nhân lực; kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại; tiến bộ khoa học, các công nghệ mới nhất để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của hàng hóa. Tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, các loại hình hợp tác xã. Tổ chức xây dựng mô hình Khu dịch vụ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố sẽ nâng cao năng lực dự báo các vấn đề của hội nhập kinh tế quốc tế để từ đó chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội và vượt qua được các thách thức… Mai Thảo

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phát triển

TĐKT - Sáng 25/11, tại Hà Nội, Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) phối hợp với Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hawasme), Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam”. Tại hội thảo, các chuyên gia đã khẳng định: các doanh nghiệp do nữ làm chủ đã đóng góp tích cực cho ngân sách, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam” Hiện tại, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ đang chiếm ¼ số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, nhưng đang gặp phải nhiều khó khăn: thiếu các kỹ năng, thông tin thị trường, khả năng tiếp cận nguồn tài chính; khó tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước; khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc gia đình và công việc điều hành doanh nghiệp. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhu cầu được hỗ trợ của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chia sẻ những bài học thành công từ các tổ chức trong nước và quốc tế, các sáng kiến hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này. Đặc biệt, các đại biểu đến từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã đưa ra đề xuất, khuyến nghị với Chính phủ và các cơ quan có liên quan các giải pháp hỗ trợ thiết thực, cần thiết và hiệu quả nhằm thúc đẩy việc phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Từ đó, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, 4 nhóm giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp nữ đề xuất là giải pháp về chính sách; hỗ trợ xúc tiến thương mại; tiếp cận tài chính; xây dựng năng lực. Bà Ngô Hồng Điệp, chuyên gia về giới của MBI khẳng định: tháo gỡ những rào cản về giới cho doanh nhân nữ không chỉ phù hợp với mục tiêu về bình đẳng giới và thông lệ quốc tế mà còn giúp nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện mục tiêu trong phát triển chiến lược bền vững quốc gia là đến năm 2020 sẽ có 35% doanh nghiệp do nữ làm chủ, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch VWEC  cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách và chương trình hỗ trợ hiệu quả nhằm thu hút sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế; đồng thời tạo điều kiện và chuyển giao các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến cho doanh nhân nữ. Thục Anh

Trang