Kinh tế

Tọa đàm Doanh nhân với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

TĐKT – Sáng 10/10, tại Hoàng thành Thăng Long được sự bảo trợ của Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam, Hội Bảo vệ Lưu vực và Dải biển Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Sự  kiện và Du Lịch Lửa Việt tổ chức chương trình “Doanh nhân thời kỳ công nghiệp 4.0 với văn hóa, lịch sử dân tộc”. Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 63 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954  –  10/10/2017); kỷ niệm 13 năm ngày thành lập Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004  –  13/10/2017) và chào mừng Hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng tháng 11. Đồng thời, đây là dịp các doanh nhân tri ân và báo công đến những bậc tiền nhân đã có công xây dựng đất nước. Tọa đàm Doanh nhân với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Mở đầu chuỗi sự kiện là Tọa đàm “Doanh nhân với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, là một diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những nội dung, vấn đề đang được quan tâm. Các kết luận rút ra từ những phân tích, đánh giá thực trạng khách quan tại Tọa đàm là cơ sở quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị hữu ích cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ chuyển giao sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời đây cũng là kênh truyền thông hiệu quả giúp các doanh nhân, doanh nghiệp có thể quảng bá hình ảnh cùng với các thông tin về sản xuất, kinh doanh, đầu tư… của mình với xã hội. Sau tọa đàm đã diễn ra Lễ tri ân dâng hương các bậc tiền nhân tại điện Kính Thiên (Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội). Phương Linh

Từ ngày 19/10 - 21/10 sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017

TĐKT - Chiều 9/10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề nhằm thông tin về Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và các Hội nghị liên quan từ ngày 19/10 - 21/10/2017 tại Hội An, Quảng Nam. Cuộc họp báo do đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Lãnh đạo Văn phòng Bộ và Trưởng Tiểu ban Thông tin tuyên truyền đồng chủ trì. Ông Vũ Như Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại cuộc họp Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Vũ Như Thăng cho biết, đảm nhận vai trò chủ trì Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành được những nhiệm vụ quan trọng: chủ trì Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (FCBDM) tháng 2 tại Nha Trang; chủ trì Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp (SFOM) tháng 5 tại Ninh Bình; phối hợp với các đối tác quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng phát triển châu Á tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về các chủ đề ưu tiên, được các đối tác và các thành viên APEC đánh giá cao. Ngày 21/10/2017, Bộ Tài chính sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 24 tại Hội An, Quảng Nam. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế gồm các Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo Ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB và OECD. Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng Tài chính sẽ thảo luận về tình hình kinh tế và tài chính vĩ mô toàn cầu và khu vực, xem xét kết quả tiến trình hợp tác tài chính về bốn chủ đề ưu tiên trong năm, cập nhật tình hình triển khai Kế hoạch Hành động Cebu, và thảo luận các vấn đề quan tâm khác. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng sẽ có phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) và lãnh đạo cao cấp một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực. Bên lề Hội nghị, các Bộ trưởng sẽ có phiên họp kín để thảo luận riêng về các vấn đề quan tâm. Cũng tại Hội nghị, ngày 21/10/2017, kết quả hợp tác trong bốn lĩnh vực ưu tiên đã được thống nhất tại Hội nghị các Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương tháng 2/2017 sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng. Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng sẽ ra Tuyên bố chung thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan đến hợp tác tài chính khu vực, các chủ đề hợp tác ưu tiên trong năm, và định hướng của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong thời gian tới. Kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ được báo cáo lên Ủy ban quốc gia APEC 2017 để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11/2017. Thành công của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ đóng góp thiết thực vào kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 cũng như thành công chung của Việt Nam trong Năm APEC 2017. Trước Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 24, nhằm chuẩn bị nội dung, kiện toàn các báo cáo và văn kiện để báo cáo lên các Bộ trưởng, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC sẽ được tổ chức vào ngày 19/10 - 20/10/2017. Hồng Thiết

Hướng tới một khu vực APEC mở cửa, hội nhập và tăng trưởng bền vững

TĐKT - Sáng 9/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Họp báo về các sự kiện của doanh nghiệp trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Họp báo Tại Họp báo, Ban tổ chức đã thông tin về kết quả kỳ họp lần thứ 3 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) được tổ chức tại Canada từ 24/7 – 28/7.  Với phương châm cởi mở, bao trùm và sáng tạo, tại kỳ họp lần thứ 3, ABAC đã xây dựng Báo cáo 2017 và đưa ra các khuyến nghị hướng tới một khu vực APEC mở cửa hơn và hội nhập hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và mang lại lợi ích cho tất cả cộng đồng khu vực. Về hội nhập kinh tế khu vực, ABAC khuyến nghị ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương; tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự mới về lĩnh vực dịch vụ; xóa bỏ hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020. Về kết nối khu vực và thể chế, hạ tầng và con người, APEC khuyến nghị: ủng hộ chương trình kết nối APEC; nâng cao kết nối kỹ thuật số và internet; tạo thuận lợi cho việc di chuyển của lao động có tay nghề và xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu thông qua kinh tế số và thương mại điện tử. Bên cạnh đó là các khuyến nghị liên quan tới phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế: đẩy mạnh mô hình doanh nghiệp sáng tạo; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn tài chính; tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế; đẩy mạnh tính bao trùm trong kinh tế, tài chính và xã hội; đảm bảo an ninh lương thực; tăng cường an ninh năng lượng; thúc đẩy tăng trưởng xanh; đẩy mạnh tính bao trùm trong phát triển ngành khai khoáng; xây dựng đội ngũ lao động có sức khỏe tốt; tăng cường hợp tác công – tư về phát triển thị trường tài chính. Ngoài ra, tại Họp báo, Ban tổ chức đã cung cấp những thông tin về tình hình công tác chuẩn bị cho các sự kiện của doanh nghiệp trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017 do VCCI tổ chức. Trong đó, phải kể đến Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam và Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng giám đốc APEC (APEC CEO Summit). Hội nghị APEC CEO Summit dự kiến thu hút 1.200 CEO hàng đầu trong khu vực tới tham dự. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Hội nghị APEC CEO Summit sẽ là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp của các nền kinh tế APEC nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm APEC Việt Nam 2017 là dấu mốc đối ngoại quan trọng của Việt Nam và hợp tác doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong APEC. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động đối thoại với các cơ quan Chính phủ cũng như tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư với các đối tác APEC và coi đây là một trong những điểm nhấn của năm APEC Việt Nam. Phương Thanh  

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập

TĐKT – Sáng 6/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Cùng dự, có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa. Hội thảo là một trong những hoạt động thuộc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam năm 2017 do Tạp chí Công thương (Bộ Công thương) thực hiện. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: xác định rõ được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công thương xây dựng cơ chế, chính sách, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Theo đó, Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng một số Đề án, chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020; Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, Chương trình Khuyến công Quốc gia đến năm 2020… Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Hội thảo “Việc tổ chức Hội thảo lần này hết sức có ý nghĩa, góp phần định hình rõ nét hơn nữa về hiện trạng và khả năng của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm xây dựng một hệ thống công vụ kiến tạo, liêm chính và hành động” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh. Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những thông tin về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập; kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương; kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trong công tác phát triển, mở rộng thị trường; kinh nghiệm của các doanh nghiệp phân phối về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng; giới thiệu những thông tin cơ bản của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mở rộng thị trường. Ý kiến đóng góp của các diễn giả và người tham gia Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và chuyển đến các bên liên quan, những người có trách nhiệm. Qua đó, góp phần tham mưu xây dựng chính sách, tạo thuận lợi hóa cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng ở các cấp độ và quy mô phù hợp. Phương Thanh

Khởi động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam 2017

TĐKT - Sáng 3/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Công Thương long trọng tổ chức Lễ khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2017. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tới dự và phát biểu ý kiến. Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2017 là một trong các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 và là nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết 19 -2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi lễ Sau 8 năm thực hiện, cuộc vận động đã hình thành một phong trào mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân cả nước, đã tạo ra xu hướng lựa chọn tiêu dùng hàng Việt Nam. Từ chỗ người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Cuộc vận động không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống của nhân dân, duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước trong điều kiện tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới. Đây là hoạt động có ý nghĩa, mang lại hiệu ứng lan tỏa khích lệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Màn chào hỏi của trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội Ngay trong buổi Lễ khai mạc, Chương trình Sinh viên Nhận diện hàng Việt Nam - Game Show truyền hình lớn đã diễn ra với sự tham gia của sinh viên đến từ 5 trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Công thương, gồm: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội; Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp. 5 đội chơi đại diện cùng tranh tài qua các phần thi: Tài năng sinh viên - Khởi nghiệp với hàng Việt; Đừng để điểm rơi – Nhận diện hàng Việt Nam. Kết quả cuối cùng, Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội giành giải nhất. Cùng ngày, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh và nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã tổ chức các hoạt động treo cờ, phướn; đạp xe diễu hành để cổ động cho chương trình. Mai Thảo

Kim ngạch xuất nhập khẩu hết tháng 9/2017 gấp gần 3 lần so với năm 2007

TĐKT- Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 9, tổng trị giá xuất nhập khẩu (XNK) ước đạt 37,6 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so với tháng trước. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 19 tỷ USD, giảm 3,9% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng 2,3%. Chi Cục Hải quan Quảng Ninh kiểm tra hàng hoá tại cửa khẩu Như vậy, hết 9 tháng, tổng trị giá XNK hàng hoá dự kiến đạt 308,51 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ 2016. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 154,03 tỷ USD, tăng 19,8% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 154,48 tỷ USD, tăng 23,1%. Trong tháng 9, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư 400 triệu USD, giúp kéo giảm mức nhập siêu đến hết tháng 9 xuống còn 442 triệu USD, bằng 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2017, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) là 285.000 tỷ đồng, tăng 5,04% so với năm 2016 (271.388 tỷ đồng), bình quân phải thu 23.750 tỷ đồng/tháng. Số thu NSNN từ 01/9 đến 24/9/2017 đạt 15.396 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến 24/9/2017 là 207. 367 tỷ đồng, đạt 72,8% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2016. Ước thu tháng 9/2017 đạt 22.000 tỷ đồng. Uớc thu 9 tháng đầu năm 2017 đạt 214.000 tỷ đồng, đạt 75% dự toán, tăng 10,16% so với cùng kỳ 2016 (194.261 tỷ đồng). Điểm qua một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng 9 cho thấy, có một số mặt hàng giảm so với tháng trước như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng ước tính trị giá tháng 9/2017 đạt 2,9 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước; Sắt thép các loại ước tính trị giá tháng 9/2017 đạt 782 triệu USD, giảm 1,6% so với tháng trước; Hóa chất ước tính trị giá tháng 9/2017 đạt 330 triệu USD, giảm 3,5% so với tháng trước. Tuy nhiên bên cạnh đó, trong tháng 9 kim ngạch nhiều mặt hàng NK cũng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện ước tính trị giá tháng 9/2017 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 17,4% so với tháng trước; điện thoại các loại và linh kiện ước tính trị giá tháng 9/2017 đạt 1,75 tỷ USD, tăng 19,6% so với tháng trước; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày ước tính trị giá tháng 9/2017 đạt 440 triệu USD, tăng 1,9% so với tháng trước; xăng dầu các loại ước tính trị giá tháng 9/2017 đạt 596 triệu USD, tăng 0,8%; kim loại thường khác ước tính trị giá tháng 9/2017 đạt 500 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng trước. Phân tích tình hình thu ngân sách của ngành Hải quan qua 3 quý cho thấy, nếu như quý I/2017 số thu NSNN của ngành Hải quan tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2016, thì sang quý II chỉ tăng khoảng 13,6% và sang đến quý III chỉ còn tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2016. Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế XNK, đây là xu hướng ngược so với quy luật những năm trước đây, điều này minh chứng cho thấy, càng về những tháng cuối năm 2017 tình hình thu NSNN của ngành Hải quan càng trở nên khó khăn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của kim ngạch XNK vẫn cao so với cùng kỳ nhưng mức độ tăng thu NSNN giảm dần so với cùng kỳ là do thực hiện các cam kết quốc tế và những tác động của các Hiệp định thương mại tự do đã dẫn đến có sự chuyển luồng NK của hàng hóa từ nước trong khu vực không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt sang nước trong khu vực được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới số thu NSNN của ngành Hải quan. Hồng Thiết

Thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách nhà nước

TĐKT- Kho bạc Nhà nước (KBNN) chính thức thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ tháng 10/2017. Đề án này giúp công tác kiểm soát chi được thực hiện theo hướng tập trung, thống nhất vào một đầu mối nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng, đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Hải Phòng Đây là bước cải cách quan trọng để tháng 11/2017, KBNN sẽ triển khai hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến, và tiến tới lộ trình từ nay đến năm 2020, nhiều khoản chi NSNN sẽ được xử lý trong ngày... Trước khi triển khai đề án, công tác kiểm soát chi NSNN trong hệ thống KBNN chưa tập trung vào một đầu mối mà được phân công cho 2 bộ phận để thực hiện (phòng, bộ phận kiểm soát chi thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư; phòng bộ phận kế toán thực hiện kiểm soát chi các khoản chi thường xuyên). Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, với mô hình này, mặc dù tương đối phù hợp với đặc thù của KBNN nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc giao dịch thanh toán với các đơn vị KBNN, chưa đảm bảo nguyên tắc tách bạch giữa nghiệp vụ kiểm soát chi và nghiệp vụ kế toán. Thời gian xử lý kiểm soát chi còn dài: 3 ngày khi xử lý chi thường xuyên, 7 ngày đối với chi đầu tư… Thời gian tới công tác kiểm soát chi sẽ được đặc biệt chú trọng và chuyên nghiệp hóa. Theo đó, trong hệ thống KBNN sẽ tổ chức điều chỉnh lại nhiệm vụ giữa các phòng/bộ phận nghiệp vụ trong nội bộ các đơn vị KBNN theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi phòng. Để đạt được các mục tiêu đặt ra, hiện KBNN đã lên kế hoạch chỉ đạo và hỗ trợ các KBNN địa phương trong thời gian đầu thực hiện Đề án. Theo đó, Ban triển khai thực hiện Đề án sẽ theo dõi, giám sát, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương. Tại KBNN luôn có đội hỗ trợ giúp các đơn vị KBNN trong hệ thống (hỗ trợ cả về kỹ thuật thực hiện trên TABMIS và các phần mềm ứng dụng và hỗ trợ, hướng dẫn xử lý những vướng mắc về cơ chế chính sách - PV) đảm bảo công tác kiểm soát chi, thanh toán và chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng được diễn ra bình thường. Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, KBNN sẽ tiếp tục cùng với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ngành chức năng trong việc rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý tài chính nói chung, quản lý và kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN trên nguyên tắc giảm bớt và đơn giản hơn nữa các hồ sơ thủ tục kiểm soát chi các đơn vị phải gửi đến KBNN; thực hiện phân quyền nhiều hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc quyết định chi NSNN (cả chi thường thường xuyên và chi đầu tư). Qua đó, nâng cao tính chủ động tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, đồng thời giảm tải khối lượng công việc cho các cán bộ kiểm soát chi của KBNN. La Giang

Giải pháp chống thất thu thuế những tháng cuối năm

TĐKT- Để tăng cường các giải pháp chống thất thu thuế những tháng cuối năm, Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung xử lý, thu hồi các khoản nợ thuế. Cán bộ Hải quan hướng dẫn thủ tục thu thuế Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung xử lý, thu hồi các khoản nợ thuế có khả năng thu đã được giao theo Quyết định số 1084/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan. Đối với các khoản nợ thuế phát sinh trong năm 2017, các đơn vị phải thành lập tổ đôn đốc thu đòi nợ thuế, xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp thu hồi kịp thời số nợ phát sinh trong năm 2017. Đặc biệt, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố không hoàn thành chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế được coi là không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách và là một trong những chỉ tiêu để xem xét, đánh giá thi đua cuối năm 2017. Mặt khác, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành trong đó cần tập trung vào các mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp từ các thị trường có nghi vấn; hàng hóa khai giảm giá, mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu; hàng hóa khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế; hàng hóa khai sai loại hình sau đó đề nghị thanh khoản hoàn thuế... Đồng thời, tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các đề án trọng tâm của ngành theo phương thức quản lý mới như: Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển; Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng hàng không; Đề án quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; Đề án thu thuế và thông quan 24/7… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở chính sách để trục lợi, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tránh thất thu NSNN. Được biết, hiện chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN của ngành Hải quan đã được Bộ Tài chính giao là 295.000 tỷ đồng (tăng thêm 5.000 tỷ đồng chỉ tiêu phấn đấu giao trước đó và tăng hơn 10.000 tỷ so với dự toán xây dựng). La Giang  

Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam

TĐKT – Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ diễn ra từ 6/10 – 8/10 tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp (số 489, Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức sáng 2/10. Họp báo Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam diễn ra sáng 2/10 Đây là sự kiện có ý nghĩa, nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm cá tra cho thị trường phía Bắc nói riêng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Hội chợ dự kiến thu hút trên 100 gian hàng, trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước với các sản phẩm: cá tra và sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, các sản phẩm phụ trợ phục vụ sản xuất cá tra. Bên cạnh đó, trưng bày, triển lãm một số sản phẩm thủy sản đặc sản, chủ lực của Việt Nam. Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà phân phối và người tiêu dùng quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra và thủy đặc sản tại thị trường trong nước nói chung và thị trường phía Bắc nói riêng. Đồng thời, mở rộng thị trường quốc tế, khu vực, trong đó, chú trọng đến thị trường Trung Quốc. Hội chợ cũng giới thiệu, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm cá tra và các sản phẩm chế biến từ cá tra chất lượng cao. Hội chợ cũng là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, kết nối các nhà phân phối sản phẩm, các siêu thị, người tiêu dùng trong và ngoài nước… Ngoài ra, thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa góp phần đưa sản phẩm cá tra thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng cao... Trong khuôn khổ hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam năm 2017 sẽ diễn ra 3 chuỗi sự kiện chính: hội thảo chuyên đề về sản xuất và tiêu thụ cá tra; hội chợ với trên 100 gian hàng; chương trình ẩm thực với khu ẩm thực giới thiệu các món ăn được chế biến từ cá tra với sự tham gia của đầu bếp nổi tiếng. Mai Thảo

Chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2017

TĐKT - Ngày 27/9, Bộ Tài chính tổ chức buổi họp báo chuyên đề "Giới thiệu chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2017; tình hình cổ phần hóa DNNN năm 2017 và kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020". Đến dự và chủ trì buổi họp báo có: Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến và  Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngô Chí Tùng.   Quang cảnh họp báo Trong 9 tháng đầu năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các DNNN tập trung thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN. Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, đã có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 11/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 ban hành kèm theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. 23 đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2016. Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.060 tỷ đồng. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước quy mô lớn cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa như triển khai kế hoạch cổ phần hóa tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), các Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; công bố giá trị doanh nghiệp tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... Trong tháng 9/2017, các đơn vị thoái được 125 tỷ đồng, thu về 195 tỷ đồng, bao gồm: thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) được 342 triệu đồng, thu về 6,9 tỷ đồng; thoái vốn ở SCIC: SCIC đã bán vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 125 tỷ đồng, thu về 188 tỷ đồng. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra do một số nguyên nhân: Đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ cho quá trình cơ cấu lại DNNN. Hoàn thiện phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Đồng thời có cơ chế, chế tài để các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ được phân công, phân cấp. Hoàn thiện phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Đồng thời có cơ chế, chế tài để các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ được phân công, phân cấp. Hồng Thiết

Trang