Kinh tế

Sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuế

TĐKT - Chiều 15/8, Bộ Tài chính đã họp báo chuyên đề  “Giới thiệu Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên (dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuế). Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi phát biểu tại buổi họp báo Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi đã giới thiệu vắn tắt về sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuế nhằm đáp ứng các mục tiêu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế, vừa góp phần khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuế dựa trên những mục đích, quan điểm, nguyên tắc cơ bản sau: Thứ nhất, thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị (Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016), Quốc hội (Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016), Chính phủ (Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016), Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017) và Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra. Thứ hai, cải cách chính sách thuế để đáp ứng, tương thích và phù hợp với những nội dung ưu đãi mà các Luật mới được Quốc hội ban hành như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đầu tư, Luật khoáng sản.. Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thứ tư, đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với các cam kết quốc tế, với cam kết tại các thỏa thuận và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc đang trong quá trình đàm phán để ký kết, tham gia... Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), đơn vị soạn thảo tập trung sửa đổi 7 nội dung, bao gồm 4 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: chuyển phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT. 3 nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó: giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nâng mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12%. Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), tập trung sửa đổi 4 nội dung. Trong đó, 1 nội dung sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu, phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019. Trong khi đó, với Luật thuế TNDN, tập trung sửa đổi 08 nội dung, bao gồm 01 nội dung về giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để đáp ứng và tương thích với Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 mới được Quốc hội ban hành. Tại nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tập trung sửa đổi 8 nội dung. Trong đó, 3 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân; 1 nội dung sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu; 2 nội dung sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính; 2 nội dung sửa đổi nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế. Cuối cùng, đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên: tập trung sửa đổi 4 nội dung. Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên để thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về khoáng sản, pháp luật về điện lực, pháp luật về hải quan) và đảm bảo tính thống nhất của các quy định tại Luật. Hồng Thiết

Lần đầu tiên xuất hiện Chợ bất động sản tại Việt Nam

TĐKT – Sáng 15/8, tại Hà Nội, Công ty TNHH An Quý Hưng Land chính thức khai trương Chợ bất động sản (BĐS) tại tầng 1 tòa nhà 25T1 –Nguyễn Thị Thập (Cầu Giấy, TP Hà Nội). Chợ BĐS – An Quý Hưng Land là sân chơi mới, một mô hình kinh doanh BĐS khép kín chuyên nghiệp và thân thiện, được xây dựng trên ý tưởng kết nối giữa chủ đầu tư, đơn vị phân phối và khách hàng mua BĐS. Với diện tích mặt sàn 1000 m², chợ BĐS được đầu tư trên 20 phòng làm việc riêng biệt, sàn cà phê, phòng hội thảo, ngân hàng, phòng công chứng, tư vấn pháp lý, phòng quy hoạch thiết kế xây dựng… cùng 5 màn hình lớn (1500 inch) để quảng cáo, giới thiệu dự án tới khách hàng. Lễ khai trương Chợ BĐS - An Quý Hưng Land Chợ BĐS - An Quý Hưng Land cung cấp miễn phí mặt bằng văn phòng làm việc cho khách hàng (không bao gồm chi phí vận hành), miễn phí quảng cáo trên 5 màn hình lớn tại sảnh, miễn phí trưng bày tờ rơi, Catalogue dự án bất động sản, miễn phí đăng tin mua bán BĐS trên trang Chobatdongsan.com.vn Lãnh đạo Công ty TNHH An Quý Hưng Land cho biết: “Với các sàn phân phối của mình, chúng tôi mong muốn cùng hợp tác phân phối BĐS, trao đổi thông tin hai chiều về mua bán BĐS, dự án BĐS, nhu cầu của khách hàng tại từng khu vực, phân khúc khách hàng. Với các nhà đầu tư cá nhân, đối với các khách hàng mua BĐS, chúng tôi cam kết sẽ tư vấn, giới thiệu và phân phối đến từng khách hàng các sản phẩm tốt với giá hợp lý, thủ tục pháp lý rõ ràng, bàn giao nhà đúng tiến độ, chất lượng sản phẩm đúng như cam kết. Đồng thời cam kết khách hàng đến với Chợ BĐS - An Quý Hưng Land là đến với ngày hội mua – bán nhà giá trị thật, giá trị cạnh tranh, đa dạng sản phẩm góp thêm phần sôi động tích cực cho thị trường BĐS. Chợ BĐS - AQHL cam kết sẽ phục vụ tốt nhất cho khách hàng với tôn chỉ: “Kết nối sức mạnh, chia sẻ thành công”. Phương Linh

Ra mắt hệ thống đồ tiện ích gia đình Japan Home Centre tại Việt Nam

TĐKT - Sáng 12/8, tại 139 Cầu Giấy, Hà Nội, hệ thống đồ tiện ích gia đình Japan Home Centre (JHC) đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên, đánh dấu sự ra mắt của Hệ thống chuỗi bán lẻ này tại Việt Nam.   Lễ khai trương cửa hàng JHC đầu tiên tại Việt Nam Japan Home Centre đem lại trải nghiệm mua sắm đầy đủ và phong phú cho mỗi khách hàng với hệ thống cửa hàng “one-stop” (mua sắm tại một điểm) chuẩn mực, hiện đại. Dòng sản phẩm đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc và ưu việt về tính năng, bao gồm: sản phẩm nhà bếp, đồ nhựa, đồ điện gia dụng và nhiều sản phẩm gia dụng tiện ích khác. Sản phẩm của JHC đa số đến từ các thương hiệu nổi tiếng nhất Nhật Bản, Hồng Kong, Hàn Quốc, Italy. Sản phẩm giá trị, chất lượng cao, đa dạng và tiện dụng. Mỗi sản phẩm được lựa chọn sau hàng loạt các kiểm tra, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Nhật Bản và thế giới. Ra đời từ năm 1991, JHC là hệ thống bán lẻ của International Housewares Retail (IHR), công ty đồ gia dụng hàng đầu Hồng Kông, với mạng lưới hơn 360 cửa hàng tại Hong Kong, Singapore, Macao, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Ả Rập, New Zealand, Úc,… JHC đảm bảo cung cấp những sản phẩm chất lượng cao với giá thấp nhất có thể. Bằng cách đưa những sản phẩm tiện ích của Nhật Bản trực tiếp đến tay người tiêu dùng không qua nhà cung cấp trung gian, JHC nổi tiếng với thương hiệu “giá bán tốt nhất cho hàng chất lượng cao”. Nhân dịp khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, JHC tưng bừng ưu đãi các mặt hàng vô cùng hấp dẫn với mức khuyến mãi lên đến 49% và nhiều quà tặng tuyệt vời khác. Minh Phương

Khai trương thị trường chứng khoán phái sinh

TĐKT - Ngày 10/8, tại Hà Nội, Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ ra mắt và khai trương thị trường chứng khoán phái sinh. Đến dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.   Khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, sự kiện này là mốc son trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, thành viên thị trường và công chúng đầu tư. Trong quá trình phát triển của TTCK nói chung, sự ra đời của TTCK phái sinh là cần thiết, tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển TTCK trong thời gian tới. Đây là thị trường có các sản phẩm phức tạp, chủ yếu giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, qua đó làm tăng sự hấp dẫn và cơ hội của thị trường chứng khoán. Do vậy, TTCK phái sinh thường được phát triển sau thị trường cơ sở; các nước trong khu vực thường mở cửa TTCK phái sinh sau khoảng 30 năm kể từ ngày mở cửa thị trường chứng khoán cơ sở. Nắm bắt được xu hướng này, ngay từ năm 2007, Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định chủ trương xây dựng TTCK phái sinh vận hành theo các thông lệ quốc tế. Trong suốt từ thời gian đó tới nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, xây dựng thể chế để đưa TTCK phái sinh vào hoạt động trên nguyên tắc thận trọng, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài Chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan ở trung ương và địa phương, tranh thủ sự hợp tác của quốc tế để tập trung thực hiện các nhiệm vụ cơ bản: tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về chứng khoán và thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế đất nước để tiếp tục phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước; vận hành thị trường chứng khoán phái sinh thông suốt, ổn định, đảm bảo an toàn, minh bạch và hiệu quả với nhiều cấp độ, đa dạng hóa các loại sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với mức độ phát triển TTCK. Đồng thời, tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin trên TTCK phái sinh, đảm bảo khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao dịch và thanh toán bù trừ để bảo đảm an toàn, ổn định của thị trường, có khả năng kết nối, đồng bộ với các hệ thống giao dịch và giám sát thị trường. Ưu tiên đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao ở các cấp độ: cơ quan quản lý, công ty chứng khoán... Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trước mắt là Bộ Tài chính phải tập trung xây dựng Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 tầm nhìn 2030, trình Chính phủ phương án cụ thể hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và sửa đổi Luật Chứng khoán, trong đó cần ưu tiên xây dựng cơ sở pháp lý các sản phẩm phái sinh và TTCK phái sinh để tạo tiền đề cho phát triển sau này. Hồng Thiết

Phát triển hơn nữa hợp tác xã tại Việt Nam

TĐKT - Ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án phát triển hợp tác xã tại Việt Nam (VCED) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo sơ kết triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Bà Mai Thị Thu Hường, Vụ HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay các hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam đã có những bước tiến rất quan trọng trong quá trình phát triển. VCED sẽ cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về HTX để giúp Việt Nam có được những thông tin cập nhật đầy đủ về tình hình HTX cũng như những đóng góp của HTX Việt Nam. Luật HTX năm 2012 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.  Các HTX bước đầu đã hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên thông qua việc đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng. Điều này giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng quy mô hoạt động của kinh tế thành viên. Đến nay, số lượng HTX của cả nước đã tăng từ 18.986 HTX (năm 2013) lên 19.569 HTX (tăng 583 HTX), thu hút trên 6,2 triệu thành viên. Tuy tổng số HTX tăng không nhiều nhưng hoạt động đi vào thực chất hơn. Số HTX mới thành lập hoạt động tương đối đúng luật và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các HTX còn có những bất cập: đa số các HTX có ít vốn, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Khả năng huy động vốn của các hộ xã viên rất hạn chế, khó vay vốn trung, dài hạn từ ngân hàng. Điểm hạn chế hiện nay, các thành viên còn chưa thấy vai trò, trách nhiệm của mình đối với các hoạt động và sự sống còn của HTX. Các HTX cũng chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa các thành viên với thị trường. Sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt, chưa mang tinh thần hợp tác. Lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Bên cạnh đó, việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành viên kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao. Phần lớn các HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, trình độ quản lý điều hành hạn chế, lúng túng trong định hướng, xây dựng kế hoạch, giải pháp hoạt động. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, hầu hết ý kiến các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về pháp luật HTX. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công tác quản lý Nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX. Đại diện một số địa phương cho rằng, cần nghiên cứu, khảo sát mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả ở các vùng, đặc biệt ở các vùng kinh tế trọng điểm. Từ đó, xây dựng và nhân rộng mô hình thí điểm ở các vùng đó; bố trí thích hợp nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã điểm. Tổng hợp tất cả các ý kiến có được, Vụ trưởng Vụ HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Đoàn cho hay, cần mở rộng quy mô hoạt động của các HTX. Bên cạnh phương thức sáp nhập, hợp nhất để tăng quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX có thể liên kết kinh tế với các HTX khác cùng hoạt động trên cùng lĩnh vực, ngành nghề trên nhiều địa bàn lãnh thổ khác nhau để nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường… La Giang

Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật - Việt

TĐKT - Ngày 7/8, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu đến từ Bộ Kinh tế, Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản đến thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần Vinafco. Đây là hoạt động nằm trong chương trình hỗ trợ nghiên cứu và tìm hiểu thị trường quốc tế của SME Support JAPAN dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản. Vinafco là một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn và đã có 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực logistics nói chung và vận tải đa phương thức nói riêng tại Việt Nam.   Đoàn đại biểu đến từ Bộ Kinh tế, Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản đến thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần Vinafco Chuyến thăm Vinafco lần này là dịp để hai bên cùng trao đổi về thị trường vận tải tại Việt Nam nói chung và tình hình giao thông giữa Việt Nam và Nhật Bản nói riêng cũng như những thủ tục hải quan cần thiết để đưa hàng hóa thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Tại cuộc gặp, phía Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới bối cảnh kinh doanh cũng như những cơ hội và thách thức khi đầu tư vào Việt Nam.  SME Support JAPAN cam kết là cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản gặp gỡ và trao đổi làm ăn. Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, ông Tokuhiro Imamura – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Imamura  -  một doanh nghiệp chuyên hoàn thiện nội thất có bề dày 30 năm kinh nghiệm của Nhật Bản cho biết, hiện công ty đang lên kế hoạch mở rộng thị trường và dự kiến sẽ xây dựng nhà máy tại Việt Nam trong thời gian không xa. Do đó rất mong muốn được  hợp tác, hỗ trợ với Vinafco trong lĩnh vực logistics thời gian tới. Đại diện Vinafco đã cung cấp các thông tin liên quan đến giấy tờ, thời gian, chi phí cho quá trình thông quan xuất, nhập khẩu và vận tải đường bộ từ cảng Hải Phòng về nhà máy. Vinafco bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ phía bạn khi có nhu cầu nhập các mặt hàng vào Việt Nam. Thục Anh

7 tháng, toàn ngành Hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 8.372 vụ việc vi phạm

TĐKT - Trong 7 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 8.372 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 377 tỷ đồng.   Tính từ ngày 16/6 đến 15/7/2017, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 1.156 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 84,9 tỷ đồng, số thu ngân sách đạt 22 tỷ đồng. Hải quan khởi tố 7 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 9 vụ. Lũy kế từ 16/12/2016 - 15/7/2017, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 8.372 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 377 tỷ đồng, thu nộp ngân sách đạt 178 tỷ đồng. Hải quan khởi tố 27 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 47 vụ án hình sự. Một số vụ việc điển hình trong 7 tháng đầu năm 2017 có thể điểm lại như ngày 16/7 vừa qua, tổ công tác phối hợp đã bắt quả tang 2 đối tượng giấu khoảng hơn 10.000 viên ma túy tổng hợp (3.176,28g). Hai đối tượng này khai nhận số ma túy trên là do 1 đối tượng thuê vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hải Phòng. Ngày 12/7, Chi cục Hải quan cửa khẩu Bình Hiệp – Cục Hải quan tỉnh Long An kiểm tra, phát hiện 1 đối tượng làm thủ tục xuất cảnh tại biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp có mang tiền mặt đi qua cổng xuất cảnh, với số tiền là 166 triệu đồng, vượt mức quy định. Ngày 14/7 tại  cửa khẩu Tịnh Biên – An Giang, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Hội Đông phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, Đội kiểm soát hải quan qua nguồn tin báo quần chúng, trinh sát ngoại tuyến đã phát hiện đối tượng giấu tiền trong người và xe gắn máy, đi qua cửa khẩu Tịnh Biên không khai báo gồm 414,4 triệu đồng, 2.028.500 riel (tiền Cam- pu- chia) và 400 USD. Ngày 10/7,  Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 1 đối tượng, quốc tịch Việt Nam đi chuyến bay EK392 từ Dubai về TP Hồ Chí Minh có hành vi mang hàng hóa cấm nhập khẩu. Cụ thể, tang vật vi phạm gồm 8 mẫu vật là răng nanh của loài báo Gê-pa (Acinonyx jubatus), 123 mẫu vật là móng vuốt và 43 mẫu vật là răng nanh của loài báo Hoa mai châu Phi (Panthera pardus pardus). Ngày 26/6, Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo – Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra 1 xe khách, phát hiện trên sàn xe có một số hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Hàng hóa vi phạm gồm 1.044 chai rượu ngoại các loại, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 518 triệu đồng. Ngày 28/6, Cục Hải quan tỉnh Quảng trị tuần tra, kiểm soát phát hiện 1 lô hàng hóa vô chủ gồm: 2.000 bao thuốc lá Jet, 5.000 bao thuốc lá Hero, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 100 triệu đồng. Ngày 14/7, Đội Kiểm soát Hải quan số 1 - Cục Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện 1 đối tượng vận chuyển hàng hóa trái phép, không có chứng từ hợp pháp bằng xe ôtô 5 chỗ trong địa bàn hoạt động hải quan. Hàng hóa vi phạm gồm 204 chiếc điện thoại di động các loại (37 chiếc điện thoại  iPhone 7 Plus, 34 chiếc điện thoại iPhone 6 Plus, 66 chiếc điện thoại  iPhone 6, 54 chiếc điện thoại iPhone 5,13 chiếc điện thoại nghi Samsung S6) và 30 chiếc vỏ mặt sau iPhone. Toàn bộ số hàng hóa trên đều do nước ngoài sản xuất không có phụ kiện và vỏ hộp kèm theo, trị giá hàng hóa ước tính 1 tỷ đồng. Ngày 18/7, Đội kiểm tra bưu phẩm, bưu kiện xuất, nhập khẩu – Cục Hải quan TPĐà Nẵng, phát hiện 1 bưu phẩm chứa 90 viên thuốc tân dược nằm trong danh mục cấm, và 1 bưu phẩm chứa 1 dùi cui 50cm. Mới đây nhất, ngày 19/7, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, phát hiện 1 doanh nghiệp có hành vi nhập khẩu hàng không đạt tiêu chuẩn, hàng hóa vi phạm gồm 10 tấn hạt giống lúa Nhị ưu 838 do Trung Quốc sản xuất. Hồng Thiết

Kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi

Toàn cảnh hội nghị Đối tượng áp dụng của Thông tư số 08 bao gồm thương nhân kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý giá. Đối tượng thực hiện đăng ký giá là thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa, thực hiện đăng ký giá với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của thông tư này trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá bằng biện pháp đăng ký giá. Về giá đăng ký, thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa đăng ký giá bán lẻ khuyến nghị và có trách nhiệm thông báo kịp thời mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký đối với hệ thống các thương nhân phân phối sản phẩm của mình. Mức giá bán lẻ của các thương nhân phải được niêm yết và không được vượt quá mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký. Mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký là cơ sở để cơ quan tiếp nhận đăng ký giá và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về giá và công bố cho người tiêu dùng. Thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa có thể thực hiện đăng ký các mức giá bán lẻ khuyến nghị phù hợp với từng khu vực địa lý nhất định. Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, so với các quy định trước đây, Thông tư 08/2017/TT-BCT của Bộ Công thương có sự đổi mới. Cụ thể, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức giá kê khai theo đúng chế độ hoạch toán kế toán hiện hành. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ giám sát và kiểm tra việc kê khai, đăng ký và thực hiện giá bán này. Đại diện Bộ Công thương cho hay để phù hợp với thực tế nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ đã quy định cho phép doanh nghiệp kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối theo khu vực địa lý nhất định hoặc theo đặc thù hoạt động phân phối đặc biệt. Đối với các loại hình phân phối có chi phí bán hàng cao thì thương nhân bán lẻ có thể kê khai giá bán lẻ của mình với cơ quan chức năng theo phân cấp nhưng phải giải trình đẩy đủ, cụ thể chi phí phát sinh này. Bên cạnh việc quản lý giá bán của hàng hóa, Bộ Công Thương cũng yêu cầu doanh nghiệp khai báo về hệ thống phân phối sản phẩm để giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện giá bán trên thị trường, đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng. Thông tư 08/2017/TT - BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2017. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các thương nhân sản xuất, nhập khẩu thông báo bằng văn bản danh mục giá bán lẻ khuyến nghị đối với các sản phẩm đang bán trên thị trường nhưng chưa có giá lẻ khuyến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá. Hồng Thiết

7 tháng đầu năm 2017 ngành Hải quan thu ngân sách Nhà nước ước đạt 165.081 tỷ đồng

TĐKT - Theo thông tin từ Tổng Cục Hải quan, trên cơ sở số thu những ngày đầu tháng 7 và ước kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng 7/2017 cũng như tình hình kinh tế nói chung hiện nay, ước thu tháng 7/2017 sẽ đạt 22.000 tỷ đồng, ước thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 7 tháng đầu năm 2017 ngành Hải quan đạt 165.081 tỷ đồng, tăng  8,94% so với cùng kỳ năm 2016 (151.528 tỷ đồng). Điển hình, số thu NSNN tính từ ngày 1/7 đến ngày 24/7/2017 của ngành do Kho bạc nhà nước cung cấp đạt 16.447 tỷ đồng, lũy kế đến ngày 24/7/2017 là 159.538 tỷ đồng, đạt 56% dự toán. Năm 2017, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN là 285.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với thực hiện thu NSNN năm 2016. Trong đó: thuế xuất khẩu 6.000 tỷ đồng; thuế nhập khẩu 72.600 tỷ đồng;  thuế tiêu thụ đặc biệt 22.500 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường 600 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng 183.300 tỷ đồng. Thông tin thêm về tình hình xuất, nhập khẩu cả nước, Tổng cục Hải quan cho biết: trong tháng 7/2017, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 35,3 tỷ USD, giảm hơn 1,6% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 1,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 17,8 tỷ USD, giảm 1,6%. Với kết quả ước tính trên thì trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt gần 233,52 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 115,22 tỷ USD, tăng 18,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 118,3 tỷ USD, tăng 17,7%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2017 ước tính thâm hụt 300 triệu USD. Qua đó, nâng mức nhập siêu của Việt Nam đến hết tháng 7/2017 lên gần 3,08 tỷ USD, bằng 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. La Giang

Xử lý vi phạm liên quan đến hàng hóa quá cảnh

TĐKT -  Ngày 1/8,  Tổng cục Hải quan đã có thông cáo báo chí về tình hình xử lý vi phạm liên quan đến hàng hóa quá cảnh, trong đó cho biết Tổng cục Hải quan đang phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh – Bộ Công an và Công an TP. Hồ Chí Minh khám xét, điều tra các container và doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực này. Hàng hóa XNK qua cảng Cát Lái Quá cảnh hàng hóa là một phương thức phổ biến trong vận tải hàng hóa quốc tế. Đây là phương thức nhằm giúp hàng hóa được luân chuyển, lưu thông một cách dễ dàng, thuận tiện giữa các quốc gia. Đặc biệt, đối với những quốc gia có điều kiện thuận lợi với hệ thống đường bờ biển dài, có những cảng biển nước sâu được xác định là địa điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực và trên hệ thống vận tải biển quốc tế như Việt Nam. Hoạt động quá cảnh hàng hóa của Việt Nam được áp dụng theo những hiệp định, điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên: Hiệp định quá cảnh giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, Trung Quốc và Thông tư hướng dẫn các hiệp định này; Công ước Kyoto sửa đổi năm 2006. Để tạo thuận lợi cho hoạt động quá cảnh hàng hóa và đảm bảo công tác quản lý, đáp ứng thông lệ quốc tế, Việt Nam đã ban hành hệ thống văn bản tương đối đầy đủ, thống nhất để quy định về hoạt động quá cảnh hàng hóa: Luật Thương mại, Luật Hải quan, Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 187/2013/NĐ-CP… Ngành Hải quan đã tích cực, chủ động thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá hải quan, áp dụng thông quan điện tử nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, tuân thủ đúng thông lệ quốc tế về tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa, cũng có không ít doanh nghiệp lợi dụng các hoạt động xuất nhập khẩu này để thực hiện hành vi vi phạm. Trước những nghi vấn về hiện tượng lợi dụng loại hình quá cảnh để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt hàng loạt các giải pháp để chủ động đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm. Liên quan đến vụ việc này, Tổng cục Hải quan xác định ngoài nguyên nhân một số công chức thừa hành tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I - Cục Hải quan TP Hà Nội chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ (cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng vận chuyển hàng hoá; truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích...) thì có những nguyên nhân rất quan trọng là: đối tượng đã lợi dụng các yếu tố thuận lợi trong khâu cấp phép đăng ký kinh doanh và quản lý sau cấp phép để hoạt động buôn lậu (qua xác minh của cơ quan Hải quan thì 56 doanh nghiệp có 213 container nêu trên đều đã không còn hoạt động hoặc không có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký). Hiện tại Tổng cục Hải quan đang phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh – Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh khám xét, điều tra các container và doanh nghiệp vi phạm Từ những nội dung nêu trên, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh xem xét, xử lý nghiêm những công chức có hành vi sai phạm, đồng thời kiến nghị cần phải chấn chỉnh khâu cấp phép và tăng cường công tác quản lý sau cấp phép đối với doanh nghiệp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại theo chủ trương của Chính phủ, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan, phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động xuất, nhập khẩu, đồng thời tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra nội bộ và kiên quyết xử lý nghiêm minh công chức có hành vi vi phạm. Hồng Thiết  

Trang