Kinh tế

Năm 2017 ngành Hải quan thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu phấn đấu

TĐKT - Số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Hải quan là 297.060 tỷ đồng, vượt 9,6% dự toán và vượt gần 1% chỉ tiêu phấn đấu Năm 2017, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN là 285.000 tỷ đồng, tăng 4,7% (285.000/272.249) so với thực hiện thu NSNN năm 2016. Tuy nhiên, ở thời điểm chỉ còn hơn 3 tháng để ngành Hải quan hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2017, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính lại giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thêm cho ngành Hải quan, nâng tổng chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách năm 2017 lên 295.000 tỷ đồng. Cán bộ Chi cục Hải quan cảng Cái Lân hướng dẫn chính sách mới cho DN. Bằng mọi nỗ lực và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý nguồn thu NSNN, đến hết ngày 21/12/2017 số thu NSNN của ngành Hải quan đạt 285.020 tỷ đồng, đạt 100,01% dự toán thu NSNN (285.000 tỷ đồng) và đạt 96,6% chỉ tiêu phấn đấu 295.000 tỷ do Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính giao. Tuy nhiên, thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục tăng chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN của ngành Hải quan lên 298.000 tỷ đồng. Tiếp tục nỗ lực để hoàn thành số thu NSNN cao nhất, trong tuần cuối cùng làm việc của năm 2017, toàn ngành Hải quan thực hiện mọi biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi làm thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch làm việc, phân công, bố trí cán bộ, công chức làm việc tất cả các ngày trong tuần (không nghỉ trong các ngày thứ Bảy và Chủ nhật từ nay đến hết ngày 31/12/2017) tại các điểm làm thủ tục hải quan, đảm bảo thời gian thông quan thông suốt 24/7. Có thể thấy, bằng mọi nỗ lực, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ chính sách mặt hàng nhập khẩu thay đổi, ngành Hải quan đã thu vượt chỉ tiêu thu NSNN và đạt số thu cao nhất. Hồng Thiết

10 sự kiện nổi bật của Hải quan Việt Nam năm 2017

TĐKT - Tổng cục Hải quan bình chọn 10 sự kiện của Hải quan Việt Nam năm 2017. Theo đó, 10 sự kiện nổi bật của Hải quan Việt Nam năm 2017 bao gồm: Việc triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hàng không kết quả bước đầu đạt được những kết quả tích cực: Giảm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu; nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động của DN kinh doanh cảng, kho bãi kinh doanh; với cơ quan Hải quan giúp kịp thời nắm bắt thời gian, số lượng đối với lô hàng đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng, kho, bãi... Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái và ông Yasuhiro Kageyama, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Mizuho Bank, LTD- chi nhánh Hà Nội ký kết bản phối hợp thu thuế điện tử 24/7 Tổng cục Hải quan tổ chức “Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD”. Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 100 tỷ USD vào năm 2007, đến giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức kỷ lục 400 tỷ USD. Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước. Ngay từ đầu năm 2017, Tổng cục Hải quan đã tập trung triển khai nhiệm vụ thu NSNN, giao chỉ tiêu phấn đấu cho từng cục hải quan tỉnh, thành phố; đồng thời triển khai các giải pháp quản lý thu NSNN, chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan; đặc biệt chú trọng công tác chống gian lận qua trị giá, thuế suất, xuất xứ... Triển khai Đề án nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7. Đây là bước đột phá trong công tác thu nộp thuế đối với hàng hóa XNK, tạo thuận lợi và hỗ trợ người nộp thuế được nộp tiền mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt… Khai trương Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP). VTIP không những sẽ đáp ứng một cam kết quan trọng trong Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại với WTO mà còn đóng vai trò là một công cụ hữu ích để hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ quan tâm hoặc tham gia các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh. Hải quan Việt Nam chủ trì tổ chức thành công Cuộc họp nhóm Tiểu ban thủ tục Hải quan (SCCP) bên lề Hội nghị Quan chức cấp cao lần thứ nhất (SOM1) và SOM3. Năm APEC 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã định hướng cho các Ủy ban, Nhóm, Tiểu ban chủ động xây dựng chương trình nghị sự và nội dung tập trung làm nổi bật các ưu tiên và mục tiêu Năm APEC 2017 về kết nối khu vực, hội nhập kinh tế và phát triển thương mại trong kỷ nguyên số. Cổng thông tin tờ khai điện tử hải quan chính thức hoạt động vào tháng 3/2017, cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử cho các cơ quan liên quan để giải quyết các thủ tục hành chính. Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm. 11 tháng đầu năm 2017, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ 13.813 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 722 tỷ đồng; khởi tố 41 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 46 vụ; thu ngân sách trên 326 tỷ đồng. Ngày 15/11/2017, Tổng cục Hải quan triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không tại tất cả các cảng hàng không quốc tế trên cả nước. Tổng cục Hải quan đã chính thức vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), mở rộng cung cấp DVCTT tối thiểu mức độ 3 cho 46 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Hồng Thiết  

Thực hiện cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết

TĐKT - Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) Bộ Công Thương vừa ban hành kế hoạch về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo đó, Ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương, Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm; tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Triển khai có hiệu quả đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tổ chức kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; phối hợp lực lượng kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý hoạt động thương mại và quản lý thị trường. Các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện ngay Kế hoạch này đến hết ngày 15/3/2018. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, tính đến hết tháng 10/2017, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện hơn 200.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Theo Văn phòng thường trực 389 quốc gia, trong thời điểm cuối năm, hoạt động buôn lậu sẽ gia tăng, diễn biến phức tạp, trọng điểm là tại các khu vực biên giới thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang... Đặc biệt, tình hình buôn lậu thuốc lá, tại một số tỉnh biên giới Tây Nam bộ có chiều hướng gia tăng. Minh Phương

Công bố kết quả Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2017

TĐKT - Chiều 28/12, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI tổ chức họp báo công bố kết quả Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ II (VPSF II) năm 2017 và Công bố Sách trắng Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam. Toàn cảnh họp báo Theo ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, tại phiên toàn thể lần thứ nhất (VPSF I) vào ngày 3/6/2016, lãnh đạo Chính phủ đã khẳng định Chính phủ trông đợi một Diễn đàn tập hợp tiếng nói từ “gốc lên ngọn” như vậy, mỗi kỳ tập trung vào một vài chủ điểm phát triển, bàn sâu. Trên tinh thần đó, tại phiên họp thứ hai của Diễn đàn ngày 31/7/2017, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, tổ chức đối thoại tập trung và chương trình hành động thực hiện nghị quyết 10, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII và 3 ngành được xác định là ưu tiên phát triển gồm: nông nghiệp, kinh tế số và du lịch. Đặc biệt, trước đề xuất của VPSF II năm 2017 về việc dành ưu tiên quyền tiếp cận cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thay đổi cách thức khai thác và cơ cấu nguồn vốn, Chính phủ đã có nhiều biện pháp và thành công cụ thể trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngay sau diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương dự thảo sửa đổi và lấy ý kiến về sửa đổi hoặc ban hành mới Nghị định thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích cực và thuận lợi hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập cơ quan xúc tiến thương mại chuyên trách và Quốc hội đã sửa Luật về cơ quan đại diện, thông thoáng hơn với đại diện các bộ kinh tế ở nước ngoài. Về lĩnh vực du lịch, Bộ Công an đã mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử lên 46 nước, lãnh thổ thay cho 40 nước trước đây với mức hợp lý hơn. Về kinh tế số, nhiều nội dung được cả nền kinh tế đề cập đã và đang được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực như: ứng dụng kinh tế số vào mọi lĩnh vực kinh tế như thu thuế điện tử, thanh toán điện tử, thực hiện thủ tục hành chính điện tử, thông quan điện tử, giảm giao dịch tiền mặt, ứng dụng số vào quản trị, đào tạo... Đây thực sự là những động thái tích cực, tạo nên một xung lực mạnh mẽ về niềm tin, nỗ lực hợp tác và cùng chung tay thúc đẩy của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Công bố Sách trắng, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký VPSF II khẳng định, Sách trắng VPSF lần I, 2016 đã được luân chuyển báo cáo, trình các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các cấp Đảng, chính quyền, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng các thành viên, các hiệp hội là đối tác liên quan tham khảo. Qua đó, có những tác động nhất định, tạo nên sự thay đổi tích cực,đáng ghi nhận tại các bộ, ngành. Năm 2017, Sách trắng tiếp tục là tài liệu chính thức của Diễn đàn VPSF và chuyển tải những thông điệp tổng hợp tới doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ cùng các cơ quan công quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý và phục vụ doanh nghiệp, các đối tác quốc tế quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Bình Nguyên

Kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới năm 2017

TĐKT - Ngày 28/12, Tổng cục Hải quan (TCHQ) tổ chức họp báo chuyên đề công tác phòng, chống buôn lậu của ngành Hải quan năm 2017, kế hoạch cao điểm chống buôn lậu cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018. Họp báo chuyên đề Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Khánh Quang đánh giá: Trong năm qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam. Trước tình hình đó, ngành Hải quan đã chủ động, quyết liệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nổi bật là việc triển khai quyết liệt, hiệu quả trong toàn ngành 8 kế hoạch lớn và ban hành 17 văn bản chỉ đạo, cảnh báo tập trung vào các mặt hàng, các hiện tượng nổi cộm: Rượu; thuốc lá; khoáng sản; thiết bị y tế đã qua sử dụng; gia cầm nhập lậu qua biên giới; các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; kiểm soát container rủi ro; kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất… Với nỗ lực nêu trên, tính đến 15/12/2017, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý: 15.184 vụ vi phạm pháp luật; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 789,5 tỷ đồng (tăng 89,58%); thu nộp ngân sách hơn 334,8 tỷ đồng (tăng 95%). Đáng chú ý là số vụ việc do cơ quan hải quan đã khởi tố lên tới 51 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 68 vụ. Điều này thể hiện quyết tâm của lực lượng hải quan trong việc điều tra, xử lý nghiêm các vụ buôn lậu có dấu hiệu đường dây, ổ nhóm... Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hải quan góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan. Ngành cũng chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ công tác thu thập, trao đổi thông tin, điều tra, hỗ trợ xác minh đến đào tạo, tập huấn, phục vụ tốt nhất cho công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của Hải quan Việt Nam. Dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa sẽ rất phức tạp vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị đã chủ động chỉ đạo quyết liệt các cục hải quan tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, đặc biệt các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết: Thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm.... Hồng Thiết        

Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt

TĐKT - Sáng 27/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế. Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển, thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Khẳng định tầm quan trọng cũng như hiệu quả thiết thực của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, sau 8 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuộc vận động đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Thông qua cuộc vận động, người tiêu dùng đã quan tâm hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam; năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên và tích cực đầu tư công nghệ, thay đổi quy trình nâng cao chất lượng tăng cao, giảm giá thành phù hợp với người tiêu dùng. Thời gian qua, MTTQ Việt Nam thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phát động các doanh nghiệp phát huy các sáng kiến, cải tiến quy trình sản xuất, công tác quản lý và quản trị doanh nghiệp để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh… Đây cũng là các giải pháp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về thương hiệu Việt của các doanh nghiệp trong xu hướng hội nhập quốc tế. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó cải thiện dần khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa, với nhận thức chưa thực sự đầy đủ về vai trò quan trọng của thương hiệu… Những hạn chế đó làm cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường Việt Nam. Tại Hội thảo, các diễn giả đại diện cơ quan quản lý, đại diện các doanh nghiệp là những người tham gia trực tiếp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ thực tiễn công tác của mình đã khái quát lại những năng lực cạnh tranh của thương hiệu và doanh nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như quốc tế. Bình Nguyên

PVEP hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

TĐKT - Ngày 21/12, tại Hà Nội, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng thực hiện tốt kế hoạch sản xuất 2018. Các cán bộ, công nhân viên PVEP ký giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2018. Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng suy giảm giá dầu trên thế giới, song với những nỗ lực vượt bậc PVEP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, về đích trước kế hoạch 44 ngày và hoàn thành vượt mức mục tiêu sản lượng Chính phủ giao thêm. Cụ thể: PVEP đã hoàn thành thu nổ 1.026 km địa chấn 2D và 416 km2 địa chấn 3D, triển khai 6 giếng khoan thăm dò thẩm lượng với kết quả gia tăng trữ lượng là 1,0 triệu tấn quy dầu, đạt 100% kế hoạch năm. Tổng sản lượng khai thác 4,96 triệu tấn quy dầu, đạt 113% kế hoạch năm, trong đó sản lượng của toàn bộ các dự án, bao gồm các bên liên doanh là 12,21 triệu tấn quy dầu, gia tăng 1,73 triệu tấn so với chỉ tiêu Chính phủ giao thêm là 1,3 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác dầu/condensate đạt 3,87 triệu tấn (toàn dự án: 8,69 triệu tấn), đạt 109% kế hoạch năm; sản lượng khí bán đạt 1,09 tỷ m3 (toàn dự án: 3,53 tỷ m3), đạt 130% kế hoạch năm. Năm 2017 cũng ghi nhận lần đầu tiên, tất cả các dự án ở trong và ngoài nước của PVEP đều hoàn thành kế hoạch và lần đầu tiên PVEP hoàn thành vượt mức kế hoạch (đạt 115%) về sản lượng khai thác dầu tại nước ngoài. Tổng doanh thu của PVEP ước tính 34,05 nghìn tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch năm (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016); nộp Ngân sách Nhà nước 8,63 nghìn tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước tính 8,18 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước tính 3,52 nghìn tỷ đồng. Hồng Thiết

Ra mắt Sàn kết nối tài chính Tima

TĐKT - Ngày 20/12 tại Hà Nội, Công ty cổ phần tập đoàn Tima đã công bố ra mắt Sàn kết nối tài chính Tima. Đây là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), với mô hình sàn kết nối tài chính giữa người có nhu cầu vay vốn với các đơn vị cho vay nhờ ứng dụng công nghệ. Ông Nguyễn Văn Thực, Tổng giám đốc Tima giới thiệu trải nghiệm ứng dụng Tima hoạt động thử nghiệm từ năm 2015 và nhận được khoản đầu tư hàng triệu đô từ quỹ đầu tư Singapore. Mỗi ngày, Tima đang xử lý hơn 1.000 đơn vay mới và tiến tới sẽ mở rộng quy mô trên toàn quốc, đồng thời nâng cao năng lực xử lý 10.000 đơn vay/ngày. Hiện có gần 5.000 đơn vị trên toàn quốc tham gia cho vay trên sàn tài chính Tima, với hơn 800.000 khách hàng. Tổng số tiền lũy kế được kết nối thành công là hơn 15.000 tỷ đồng (xấp xỉ 700 triệu đô la Mỹ). Mục tiêu của Tima là trở thành nền tảng cho vay ngang hàng (P2P lending) có quy mô giao dịch lớn nhất tại Việt Nam, tương tự như các mô hình đã rất phổ biến tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc… Phát biểu tại buổi ra mắt, Tổng Giám đốc Tima Nguyễn Văn Thực cho biết, mỗi ngày Tima đang xử lý hơn 1.000 đơn vay mới, tiến tới mở rộng quy mô trên toàn quốc và nâng cao năng lực xử lý 10.000 đơn vay/ngày nhờ ứng dụng công nghệ. Tima sử dụng công nghệ chấm điểm tín dụng tự động dựa trên mô hình máy học và dữ liệu lớn giúp các đơn vị cho vay có thể nhanh chóng phê duyệt khoản vay và quản trị rủi ro. 100% khoản vay trên Tima hiện nay đều được kết nối trực tuyến qua điện thoại hoặc máy tính. Tima hoạt động thử nghiệm từ năm 2015 và đã nhận được đầu tư hàng triệu đô từ quỹ đầu tư Singapore. Hồng Thiết - Mai Thảo  

Xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 400 tỷ USD

TĐKT - Chiều 19/12, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã tổ chức Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD. Đến dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ Trong vòng 16 năm, từ 2001 tới nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) cả nước từ con số khiêm tốn là 30 tỷ USD, đã tăng trưởng vượt bậc lên tới 400 tỷ USD. Điều đặc biệt là càng về sau, thời gian cán mốc càng được rút ngắn. Cụ thể, năm 2001, tổng kim ngạch XNK là 30 tỷ USD, sau 6 năm, tới năm 2007 mới đạt 100 tỷ USD. 4 năm sau (2011), kim ngạch XNK tăng gấp đôi thành 200 tỷ USD. 4 năm sau (2015), tiếp tục nâng dấu mốc thêm 100 tỷ USD thành 300 tỷ USD. Thế nhưng, để nâng thêm 100 tỷ USD nữa, chúng ta chỉ mất thêm 2 năm, bằng một nửa thời gian của thời kỳ trước. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, hết năm 2017, nhiều khả năng tổng kim ngạch XNK đạt mức 410 tỷ USD. Theo xếp hạng của WTO, thứ hạng XNK của Việt Nam đã tăng đáng kể. Xuất khẩu hàng hóa từ vị trí 50 và nhập khẩu từ vị trí 41 năm 2007 nhảy lên theo thứ tự ở các vị trí 26 và 25 vào năm 2016. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, đến thời điểm này, cả nước đã xuất siêu 2,5 tỷ USD. Dự kiến năm 2017 sẽ là 3 tỷ USD, đảm bảo cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư lớn, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần để Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2017. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan tiếp tục rà soát các thủ tục chuyên ngành, hiện đại hoá, đẩy mạnh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phát triển thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, nâng cao năng lực quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho thông quan, XNK, xuất nhập cảnh cả về hàng hoá, con người và phương tiện, tiếp tục đẩy mạnh và nâng hạng môi trường kinh doanh, thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài.... Hồng Thiết  

Tập trung nghiên cứu phát triển nông nghiệp hữu cơ

TĐKT - Trong hai ngày 15/12 - 16/12/2017, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Tập đoàn TH Truemilk tổ chức Diễn đàn quốc tế: “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Hội nhập và Phát triển”. Dự Diễn đàn có hơn 450 đại biểu là đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương, các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và 27 tổ chức quốc tế, đại sứ quán của các nước tại Việt Nam tham dự. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế, chiều ngày 15/12/2017 sẽ diễn ra 02 phiên hội thảo chuyên đề gồm: “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ” và “Phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ”. Sáng 16/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo phiên toàn thể của Diễn đàn quốc tế quan trọng này. Diễn đàn quốc tế: “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Hội nhập và Phát triển” là sự kiện quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam và là cơ hội quảng bá, kết nối hợp tác, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về phát triển nông nghiệp hữu cơ trong nước và quốc tế để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam từng bước tham gia vào thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao, tiềm năng và ngày càng tăng trưởng mạnh của thế giới. Diễn đàn cũng là cơ hội để Việt Nam tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng định hướng chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ trong tương lai. Việt Nam là nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trên 93 triệu dân trong nước, mà còn xuất khẩu sản phẩm nông sản tới 180 nước với giá trị xuất khẩu năm 2016 là 32,14 tỷ USD và năm 2017 ước đạt trên 36 tỷ USD. Đó là thành quả chung rất đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Diễn đàn quốc tế: “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Hội nhập và Phát triển” Trong giai đoạn phát triển mới hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ và bổ dưỡng cho người tiêu dùng là một đòi hỏi khắt khe và cũng đang là một xu thế tiêu dùng mới. Nông nghiệp hữu cơ trên thế giới hiện đang có xu hướng phát triển nhanh. Thế giới có 50,9 triệu ha được canh tác hưu cơ và tiềm năng thị trường tới 81,6 tỷ USD. Tại Việt Nam, đến nay có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76,6 nghìn ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Nhiều doanh nghiệp đầu đàn đã đi tiên phong vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất hữu cơ theo chuỗi phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới và có thương hiệu được khẳng định trên thị trường. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nông nghiệp hữu cơ là một bộ phận quan trọng của sản xuất nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp Việt Nam phải thành công thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới thành công. Phải tập trung nghiên cứu phát triển nông nghiệp hữu cơ để bảo đảm có một nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Khẳng định rất nhiều sản phẩm của Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu hình thành một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới.  Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn. Nguyệt Hà

Trang