TĐKT - Ngày 3/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trần Sỹ Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn giữ chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm ông Trần Sỹ Thanh giữ chức Chủ tịch PVN
Tại Lễ trao quyết định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong quá trình hoạt động của PVN cũng đã có những vấp váp do chủ quan, nóng vội, một số cá nhân phải trả giá do có liên quan trong việc quản lý, điều hành tập đoàn. Đây là điều đáng đau buồn vì Đảng và Nhà nước mất một số cán bộ tại PVN.
Cùng với khó khăn trên thế giới, giá dầu suy giảm nhiều năm. Vượt qua khó khăn, với truyền thống tốt đẹp, với những người còn đang làm việc PVN vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, thực hiện vượt mức sản lượng dầu thô và khí so với kế hoạch được giao.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức, các đồng chí đã cố gắng giữ gìn quan hệ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của Tập đoàn. Đảng, nhà nước đã thấy được sự cố gắng này".
Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, tập thể Ban Cán sự Đảng Chính phủ quyết định cử ông Trần Sỹ Thanh về nhận nhiệm vụ tại Tập đoàn PVN. Ông Trần Sỹ Thanh, người đã kinh qua nhiều vị trí công tác, nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh bày tỏ vinh dự và nhận thức sâu sắc trách nhiệm cá nhân để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Tại Lễ trao quyết định, Thủ tướng cũng đã giao cho tân Chủ tịch PVN và tập thể lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên một số nhiệm vụ quan trọng:
Thứ nhất là tiếp tục giữ gìn, phát huy đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, xác định tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao. Trong đó, chú trọng và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên. Củng cố bộ máy tốt hơn nữa, xây dựng bộ máy tinh gọn.
Thứ hai, cần chỉ đạo thực hiện các giải pháp và điều hành phát triển PVN theo chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 tại Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, các Quyết định 1748, 1749 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu PVN bám sát tình hình Biển Đông, phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để triển khai các dự án dầu khí ở vùng xa trên thềm lục địa Việt Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ đóng góp phát triển kinh tế - xã hội song song với việc bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia.
Thứ tư, rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 như đã được phê duyệt. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2018 đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, rà soát cơ cấu lại các nguồn lực, thực hiện cơ cấu sắp xếp, cổ phần hóa, trình Thủ tướng trong quý I đề án tái cơ cấu tập đoàn, cơ cấu sắp xếp đối với Đại học Dầu khí và Viện Dầu khí Việt Nam…
Thứ năm, tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm quốc gia như dự án Cá voi xanh, khí lô B…, nhất là xử lý các vấn đề liên quan đến dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị, để khắc phục tình trạng dự án bị chậm lại so với yêu cầu, các dự án nâng cấp, mở rộng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án điện…
Thứ sáu, Chủ tịch cũng như Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại của 5 dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài mà chưa khắc phục xong, gồm nhà máy xơ sợi Đình Vũ, nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học.
Thứ bảy, tiếp tục tiết giảm chi phí, chống lãng phí, tiêu cực, nâng cao hiệu quả sản xuất. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên của toàn ngành dầu khí.
Hồng Thiết