TĐKT – Chiều 5/1, tại Hà Nội, Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức “Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phần BSR”.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự hội thảo có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lãnh đạo đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Công ty Kiểm toán Deloitte, các nhà đầu tư chiến lược cùng 250 nhà đầu tư quan tâm đến BSR.
Theo Quyết định số 1978/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, cổ phần Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ tại BSR là 1.333.214.835 cổ phẩn, chiếm 43% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 6.483.000 cổ phần, chiếm 0,21% vốn điều lệ; 241.556.969 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; 1.519.244.812 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù là một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhưng BSR lại có quy mô của một tổng công ty lớn, với vốn điều lệ lên tới hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD), doanh thu hằng năm trên 3 tỷ USD, nộp ngân sách hằng năm trên 10.000 tỷ đồng và tổng nộp ngân sách từ khi hoạt động đến nay là 7 tỷ USD. BSR là một trong số ít những doanh nghiệp Nhà nước DNNN có quy mô lớn ngang tầm các doanh nghiệp trong khu vực và hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.
BSR là một trong những DNNN đầu tiên dự kiến tỷ lệ sở hữu nhà nước giảm xuống dưới 50%, chào bán cho nhà đầu tư chiến lược lên tới 49%. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cổ phần hóa, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư được sở hữu tỷ lệ đáng kể, thậm chí là cổ đông lớn nhất của BSR, đơn vị tiên phong trong ngành lọc – hóa dầu Việt Nam.
Năm 2017, BSR đã hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra các chỉ tiêu về sản lượng và các chỉ tiêu tài chính. Sản lượng sản xuất 6,1 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ gần 6,1 triệu tấn. Doanh thu ước đạt 80.517 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 10.392 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 8.035 tỷ đồng. Kế hoạch 2018, BSR đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu 78.392 tỷ đồng, nộp NSNN 8.326 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 3.473 tỷ đồng. Với đà tăng trưởng và sự ổn định trong vận hành của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất; chắc chắn BSR sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu tài chính 2018.
Sau gần 9 năm đi vào hoạt động, NMLD Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 ngàn tỷ đồng (xấp xỉ 38 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143,1 nghìn tỉ đồng (gần 7 tỷ USD). Các chỉ số tài chính của Công ty BSR trong 11 tháng 2017 đều ở mức cao với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 21,12%. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,56%. Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 11,9%.
Dự kiến vào ngày 17/1, BSR sẽ là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện IPO trong năm 2018. Với quy mô chào bán lên đến hơn 3.500 tỷ đồng (tính theo giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần) thì đây sẽ là một trong những đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng lớn nhất từ trước đến nay, vượt xa các đợt IPO của các doanh nghiệp Nhà nước trước đó như Đạm Cà Mau (thu về khoảng 1.580 tỷ đồng năm 2014); Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV (thu về 1.116 tỷ đồng năm 2015) và VEAM - Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (thu về khoảng 2.136 tỷ đồng năm 2016)”.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc PVN - đơn vị chủ quản BSR cho rằng: Cổ phần hóa BSR sẽ là một trong những bước chuẩn bị cho việc huy động vốn đầu tư cho dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Dự án nâng cấp, mở rộng dự kiến có tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD với tỷ lệ vốn chủ tài trợ 30%, dự kiến sẽ bắt đầu được giải ngân tập trung trong giai đoạn 2019 - 2021. Sau khi dự án đi vào vận hành, dự kiến công suất chế biến của BSR sẽ nâng lên 8,5 triệu tấn/năm, các nguồn dầu thô có thể xử lý được sẽ nâng lên trên 300 loại và chất lượng sản phẩm nhà máy sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Euro V theo đúng lộ trình tiêu chuẩn khí thải được quy định tại Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tương lai gần, BSR sẽ khai thác lợi thế gần mỏ khí Cá Voi Xanh để đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu, tối đa hóa sản lượng các sản phẩm hóa dầu như hạt nhựa PP do nhu cầu thị trường còn rất lớn, biên lợi nhuận của sản phẩm này cũng cao hơn hẳn các sản phẩm lọc dầu, trong khi đó nguồn cung trong nước chỉ chiếm khoảng 15%.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược kinh tế phân tích: Đợt chào bán cổ phiếu ra thị trường của BSR vào thời điểm cực tốt trong cái thế của dòng đầu tư lớn vào nước ta. Ngược lại với chất và lượng của cổ phiếu BSR cũng góp phần thúc đẩy các dòng đầu tư lớn trong năm 2018.
Ông Darrell Ec - đại diện Tập đoàn Vitol cho biết rất mong muốn được hợp tác với BSR, cũng như được trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR khi công ty cổ phần hóa, việc trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR là cơ hội rất tốt để Vitol tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam.
Phương Thanh