Kinh tế

Chuyển giao kiến thức giữa các chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông

TĐKT – Sáng 17/11, tại Hà Nội, Fijitsu đã tổ chức Hội nghị Châu Á của Fijitsu 2017. Việt Nam là một trong những điểm dừng chân quan trọng trong chuyến hành trình của Fijitsu đi qua 28 quốc gia, 6 châu lục với chủ đề “Digital Co-creation” (công nghệ kỹ thuật số), tập trung vào hợp tác dựa trên công nghệ kỹ thuật số nhằm tạo ra những giá trị lớn và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh cho mọi doanh nghiệp. Những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và internet kết nối vạn vật (IoT) đang giúp hiện thực hóa công cuộc chuyển đổi số cho doanh nghiệp và xã hội. Các mối quan hệ hợp tác với nền tảng là dữ liệu đã vượt ra ngoài ranh giới của mỗi lĩnh vực, mỗi ngành công nghiệp, hoặc mỗi quốc gia, ngày càng lan rộng và tạo ra các dịch vụ sáng tạo cũng như các mô hình kinh doanh mới. Hợp tác dựa trên công nghệ kỹ thuật số đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra giá trị lớn hơn để đạt được tăng trưởng kinh doanh. Nhiều người tham dự được trải nghiệm các sản phẩm phần mềm tiên tiến của Fijitsu Hội nghị đã giới thiệu các công nghệ mới nhất, từ AI, IoTcho đến bảo mật và công nghệ điện toán đám mây, các giải pháp về chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, trong khuôn khổ của sự kiện này, người tham dự được trải nghiệm các sản phẩm phần cứng như dòng thế hệ máy chủ mới nhất RX2540 M4, tủ lưu trữ toàn diện DX100 S4, máy tính siêu mỏng – siêu bảo mật Fujitsu LifeBook U937, sản phẩm máy scan và máy in, cùng với các công nghệ hàng đầu, các quá trình kinh doanh… Hội nghị Châu Á của Fujitsu đã mang lại kiến thức và cơ hội cho hàng trăm doanh nghiệp để hợp tác cùng Fujitsu nhằm hiện thực hóa công cuộc chuyển đổi số thông qua nhiều hoạt động như những bài thuyết trình chuyên sâu đến từ các chuyên gia cao cấp Fujitsu và đối tác, hoạt động triển lãm và trình diễn giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới. Phát biểu tại sự kiện, ông Toshio Hirose, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch, quản lý khu vực Châu Á, Fujitsu Limited cho biết: ngày nay công nghệ thông tin và truyền thông đang nhanh chóng thay đổi thế giới của chúng ta bằng một sức mạnh to lớn. Với một tốc độ chưa từng thấy, giờ đây chúng ta có thể truy cập kho tàng dữ liệu và tri thức khổng lồ. Những điều mà nhiều năm về trước dường như là khoa học viễn tưởng thì giờ đây đã dần dần trở thành hiện thực. Trong một thời đại với những thay đổi to lớn như vậy, những tri thức chỉ đến từ một doanh nghiệp hoạt động độc lập là không đủ. Vì vậy, Fujitsu giới thiệu tới khách hàng khái niệm Co- creation. Co- creation có nghĩa là hợp tác cùng khách hàng để tạo dựng nên những giá trị. Fujitsu mong muốn được là 1 thành viên trong đội ngũ của khách hàng, cùng khách hàng tạo ra những giá trị mới mẻ. Fujitsu từ lâu đã cam kết phát triển công nghệ nhằm mục đích tăng trưởng kinh doanh và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Cùng với khách của mình, Fujitsu cũng đúc kết được những kinh nghiệm phong phú với các hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp thế giới. Bằng những kinh nghiệm và kiến thức này, Fujitsu sẽ tiếp tục phấn đấu để phát triển và ứng dụng các công nghệ then chốt trong kỷ nguyên số, thực hiện hóa công cuộc chuyển đổi số và tạo ra các giá trị hoàn toàn mới thông qua Co- creation. Mai Thảo

3 ngày mua sắm trực tuyến sôi động trong tháng 12 tại TP Hồ Chí Minh

TĐKT – Để tiếp nối thành công của sự kiện Online Friday mùa Thu diễn ra vào ngày 29/09/2017 - “Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday” năm nay với chủ đề “New Home Better Life” sẽ diễn ra vào thứ 6 đầu tiên của tháng 12, ngày 1/12/2017 trên website www.onlinefriday.vn. Ngày mua sắm trực tuyến được tổ chức nhằm tạo thói quen mua sắm trực tuyến và khuyến khích các hoạt động mua sắm uy tín, tiện lợi đồng thời đẩy mạng thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam. Bên cạnh 24 giờ vàng “săn” hàng giảm giá khủng, người tiêu dùng sẽ có cơ hội tham gia sự kiện BIG –OFF thuộc khuôn khổ chương trình được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1/12 - 3/12. Đây có thể nói là một trong những sự kiện về thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến lớn nhất năm, có sự góp mặt của hơn 100 thương hiệu đến từ các doanh nghiệp tốp đầu cả nước. Hình ảnh minh họa một góc trong sự kiện BIG OFF sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh Trong 3 ngày của sự kiện, người tiêu dùng sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động: trải nghiệm mua sắm trực tuyến tại các gian hàng, 3 ngày vàng “săn” khuyến mãi khủng – quà tặng lớn với các hoạt động hấp dẫn như đấu giá, vòng quay may mắn, quét mã trúng thưởng...; thưởng thức chương trình nghệ thuật giải trí hàng đầu có sự quy tụ các nghệ sĩ nổi tiếng và các hoạt động cộng đồng đầy ý nghĩa. Mô hình 3D của các gian hàng VIP sẽ xuất hiện tại sự kiện của Online Friday 2017 Ban tổ chức mong rằng Sự kiện BIG –OFF Online Friday 2017 sẽ là cơ hội kết nối doanh nghiệp gần gũi hơn với thói quen mua sắm và tiếng nói của người tiêu dùng. Sự kiện Online Friday – Ngày mua sắm trực tuyến không chỉ góp phần kích cầu và tăng doanh thu vượt bậc cho các doanh nghiệp trong dịp cuối năm 2017, mà còn mang tới cơ hội giúp các doanh nghiệp tri ân tới khách hàng cũ bằng những sản phẩm với mức giá ưu đãi và tiến gần hơn tới những khách hàng mới trong những năm tới đây. Thông tin chi tiết vui lòng truy cập website: www.onlinefriday.vn Thục Anh

Khai mạc Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất

TĐKT - Sáng 15/11, Diễn đàn bất động sản (BĐS) Việt Nam thường niên lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Khách sạn J.W Marriott - Hà Nội. Diễn đàn do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp cùng Kênh Truyền hình VITV tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng. Dự Lễ khai mạc, có: ông Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, các hiệp hội; các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực BĐS, đại diện các Hiệp hội BĐS Singapore, Phillipines, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Hoa Kỳ… Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Lễ khai mạc Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA cho biết: từ năm 2015 đến nay (nhất là từ đầu năm 2017); cùng với đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế; đồng thời được sự chỉ đạo điều hành sát sao, linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Bộ Xây dựng, thị trường BĐS Việt Nam đã đón nhận những luồng sinh khí mới; thực sự vượt qua khủng hoảng và bước vào một chu kỳ phát triển mạnh và ổn định. Các chỉ số thị trường cho thấy nhiều tín hiệu tích cực: lượng tồn kho BĐS đã giảm triệt để; sức cầu thị trường tăng mạnh; nhiều phân khúc thị trường phát triển bùng nổ; hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS đã có những thay đổi tích cực cả về lượng và chất; hoạt động đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài đều tăng cao… Bên cạnh đó, sự hồi phục của thị trường bất động sản trong thời gian qua cũng đã tạo ra những đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế và an sinh xã hội của đất nước; góp phần quan trọng vào công tác thực hiện các chiến lược quốc gia về Nhà ở và Du lịch; đồng thời góp phần tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của các thị trường tài chính – chứng khoán, lao động, dịch vụ và các ngành công nghiệp liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng… Diễn đàn sẽ tập trung đề cập, thảo luận, làm rõ các vấn đề: Một là tập trung tổng kết, đánh giá một cách khách quan, khoa học về thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời dự báo, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và những yếu tố tác động tới thị trường trong thời gian tiếp theo… Từ đó, tạo cơ sở kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước có các biện pháp hỗ trợ, điều chỉnh chính sách kịp thời và cũng để khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chủ động có các giải pháp ứng phó phù hợp. Hai là nêu lên những kinh nghiệm thực tế về việc phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam; đồng thời trao đổi các kinh nghiệm quốc tế có nhiều khả năng ứng dụng cho Việt Nam. Ba là chia sẻ các giải pháp, sáng kiến, kiến nghị để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển minh bạch, bền vững. Phát biểu tổng quan về thị trường bất động sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định: nhận thức được tầm quan trọng của thị trường BĐS, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng về xây dựng và hoàn thiện thị trường BĐS trong nhiều văn kiện, pháp luật và chính sách. Từ đó thị trường BĐS Việt Nam đã hình thành, phát triển và có những đóng góp rất quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước khắc phục, kiềm chế hạn chế, yếu kém, rủi ro của thị trường này. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường BĐS Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch, một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối. Bộ trưởng đánh giá các nội dung được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất đưa ra thảo luận trong Diễn đàn hôm nay là rất thiết thực, nhìn nhận một cách khách quan, đánh giá đúng thực trạng về thị trường hiện nay, cũng như giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý, điều tiết thị trường, đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả. Phương Thanh

Tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả cuối năm 2017

TĐKT - Bộ Tài chính vừa có công văn 15259/BTC-QLG gửi các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả cuối năm 2017. Bình ổn giá cả dịp cuối năm 2017 Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Thứ nhất, triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Thông báo số 884/TB-BCĐĐHG ngày 08/11/2017 về ý kiến kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý III năm 2017 nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường cuối năm 2017. Thứ hai, trước tình hình bão, lụt diễn biến phức tạp, để ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm...), các bộ, ngành và các địa phương tăng cường phối hợp theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để thương nhân lợi dụng hiện tượng thiên tai, bão lụt để nâng giá, găm hàng, đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng về vùng bão, lụt; tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, hỗ trợ, cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, hàng hóa, vật tư để ổn định đời sống cho nhân dân và khôi phục sản xuất, nuôi trồng tại các địa bàn chịu ảnh hưởng của thiên tai; đảm bảo thông suốt về giao thông vận tải. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị do đang trong mùa mưa bão nên các bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ kinh phí phòng, chống thiên tai. Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia, thực hiện việc điều tiết hàng hóa cho các vùng dân cư bị cô lập khi bị ngập lụt, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời đưa ra các thông tin chính xác, chuyển tải các thông tin để hỗ trợ các cơ quan chức năng tại địa phương và người dân đối phó với bão, lụt; tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân. Về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ thời điểm cuối năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.  Rà soát, đánh giá lại nhu cầu và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện bình ổn thị trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trong các dịp lễ, Tết. La Giang  

Bộ Tài chính, thu ngân sách tháng 10 tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017

TĐKT – 10 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách của Bộ Tài chính ước đạt 126 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 10 tháng đạt 972,6 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán năm, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Thu ngân sách 10 tháng đầu năm tằng 13,8% Kết quả, thu nội địa tháng 10 ước đạt 109 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 47 nghìn tỷ đồng so với tháng 9. Lũy kế thu 10 tháng đạt 776,8 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán năm, tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, ước đạt 605,7 nghìn tỷ đồng, bằng 77,4% dự toán năm, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2016. Tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán và cùng kỳ năm trước. Ước tính có 47/63 địa phương thu đạt trên 81% dự toán năm và 58/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, 5 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ chủ yếu do nguyên nhân khách quan. Thu ngân sách từ dầu thô tháng 10 ước đạt 4,09 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng thu đạt 37,86 nghìn tỷ đồng, bằng 98,8% dự toán năm, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2016, trên cơ sở sản lượng dầu thanh toán đạt 11,26 triệu tấn, bằng 91,8% kế hoạch, giá dầu thanh toán bình quân đạt 53,9 USD/thùng, cao hơn 3,9 USD/thùng so với giá tính dự toán năm. Bên cạnh đó, nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 10 ước đạt 23 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 10 tháng đạt 237 nghìn tỷ đồng, bằng 83,2% dự toán năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng ước đạt 346,2 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho NSNN tăng mạnh. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 81,6 nghìn tỷ đồng, thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 155,3 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán năm, tăng 20,9% so cùng kỳ năm 2016. Song song với đó, tổng chi NSNN tháng 10 ước 108,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 10 tháng đạt 1.013,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Chi đầu tư phát triển tháng 10 ước 25,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 10 tháng đạt 191,9 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7% dự toán năm, tăng 8,2% cùng kỳ năm 2016. Riêng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 10 tháng đạt 53,3% dự toán năm, trong đó vốn đầu tư từ nguồn NSNN đạt 61,1% dự toán năm (9 tháng 2017 đạt 53,1% dự toán năm; cùng kỳ 10 tháng năm 2016 đạt 61,4% dự toán năm); vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch giải ngân chỉ đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán năm. Ngoài ra, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch 2016 được chuyển sang năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội giải ngân đến nay đạt xấp xỉ 3 nghìn tỷ đồng, bằng 17,2% số chuyển nguồn. Chi thường xuyên tháng 10 ước 76,67 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 10 tháng đạt 735,9 nghìn tỷ đồng, bằng 82,1% dự toán năm, tăng 6,7% so cùng kỳ năm 2016; cơ bản đáp ứng kịp thời đầy đủ các nhiệm vụ chi theo dự toán và tiến độ triển khai của đơn vị sử dụng ngân sách. Trong tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trích 550 tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ 15 địa phương khắc phục hậu quả của do bão số 10 và mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 10/2017. Về cân đối ngân sách nhà nước, đến hết tháng 10/2017, bội chi ngân sách trung ương khoảng 69,6% dự toán năm; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi. Cơ quan Kho bạc Nhà nước đã thực hiện phát hành 155,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trên thị trường với kỳ hạn từ 5 năm trở lên, lãi suất bình quân 6,1%/năm, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách trung ương theo dự toán. Tính đến ngày 31/10/2017, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phát hành là 236,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ là 218,1 nghìn tỷ đồng, bao gồm 155,1 nghìn tỷ đồng phát hành trên thị trường, đạt 84,6% kế hoạch phát hành (183,3 nghìn tỷ đồng), 63.000 phát hành cho Bảo hiểm xã hội, đạt 84% kế hoạch phát hành (75 nghìn tỷ đồng); đối với trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 18,2 nghìn tỷ đồng. Hồng Thiết  

Lần đầu tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam

TĐKT - Sáng 14/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức gặp gỡ báo chí Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I - năm 2017 với chủ đề "Thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam". Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 9/12 - 11/12/2017 tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng, với nhiều hoạt động phong phú: Lễ khai mạc; Hội thảo quốc tế về thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam; trưng bày, giới thiệu những sản phẩm cà phê chất lượng đến từ các vùng trồng cà phê nổi tiếng trên cả nước; giới thiệu mô hình sản xuất, chế biến cà phê năng suất, chất lượng cao. Gặp gỡ báo chí Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I – năm 2017 Tại Hội thảo quốc tế về thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam, các đại biểu từ nhiều quốc gia sản xuất, kinh doanh cà phê trên thế giới sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ cà phê. Đồng thời, trao đổi, thảo luận về các biện pháp làm thế nào để thực hiện được 2 mục tiêu: Việt Nam giữ vững vị trí nước sản xuất và chế biến cà phê lớn thứ 2 thế giới; nâng giá trị xuất khẩu cà phê nhân và cà phê chế biến lên gấp đôi hiện nay (khoảng 6 tỷ USD) trong chu kỳ tới của cây cà phê, với phương châm "Năng suất - chất lượng - giá trị - gia tăng". Hạt giống cà phê được người Pháp đem đến cho người nông dân Việt Nam trồng từ năm 1857. Sau khi giải phóng miền Bắc, diện tích cà phê cả nước mới đạt trên 10.000 ha. Ngày 10/12/1961, trong khi cả nước lo giải quyết nạn đói và diệt giặc dốt, Bác Hồ đã về thăm nông trường cà phê Đông Hiếu - Nghệ An, động viên những người công nhân nông trường trồng cây công nghiệp và đề ra chủ trương phát triển cây cà phê nói riêng và cây công nghiệp nói chung. Khi đất nước thống nhất, giang sơn quy về một mối, Đảng và Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh phát triển cây cà phê, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên. Sau 30 năm nỗ lực, đầu năm 2000, Việt Nam đã đạt được vị trí sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil. Kết thúc năm 2016, Việt Nam xuất khẩu được 1,79 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 3,2 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê chế biến, rang, xay và hòa tan chiếm trên 10% tổng giá trị. Năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới đạt 1% thị phần thế giới, đến niên vụ 2015/2016, cà phê Việt Nam đã chiếm gần 20%. Ngày 29/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 6306/VPCP - KTN đồng ý chọn ngày 10/12 là Ngày Cà phê Việt Nam và chọn cà phê là cây nông sản chủ lực của Quốc gia. Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ nhất năm 2017 là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cà phê thành công, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Đặc biệt, đây cũng là dịp để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Phương Thanh - Mai Thảo

Họp báo Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ II năm 2017

TĐKT – Sáng 9/11, tại Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ II năm 2017. Ngày hội diễn ra từ ngày 25/11 – 27/11 nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đến đông đảo nhân dân sự đặc sắc, phong phú, đa dạng các loại trái cây của tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng với chất lượng cao, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Qua đó, giúp cho nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản được thuận lợi; tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân; tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý. Đồng thời, Ngày hội sẽ thu hút du khách để phát triển du lịch sinh thái, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho một số cây ăn quả chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững. Giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách ưu đãi của tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn nhằm thu hút các nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững. Họp báo thông tin về Ngày hội Ngoài Lễ khai mạc và bế mạc, Ngày hội sẽ diễn ra với các hoạt động chính: Hội thảo khoa học ứng phó biến đổi khí hậu trong phát triển cây ăn quả; Hội thảo kết nối cung, cầu nông sản Bắc giang và tổng kết cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND huyện Lục Ngạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Bắc Giang II với Công ty TNHH Gia To (phân bón Sumagrow). Trong khuôn khổ Ngày hội, còn có các hoạt động: tổ chức các trò chơi dân gian, tổ chức cho đại biểu tham quan vùng trồng cây ăn quả Lục Ngạn; trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm của tỉnh Bắc Giang; tôn vinh 10 nông dân và 10 thương nhân huyện Lục Ngạn tiêu biểu trong sản xuất, tiêu thụ trái cây; khen thưởng một số tập thể, hộ nông dân tiêu biểu đã áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cây ăn quả; thi chất lượng trái cây được trồng tại Lục Ngạn (cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh…). Bắc Giang là tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc – Bắc bộ, có nhiều vùng đất đai, khí hậu phù hợp với phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Vùng đồi núi thấp có thể trồng được nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp như vải thiều, bưởi, cam, chanh, na, hồng…, nhất là ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế. Lục Ngạn là một huyện miền núi nằm phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, tạo nên một vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả hàng hóa chất lượng cao: vải, nhãn, cam, bưởi, táo… Có những giống cây là đặc sản nổi tiếng của các vùng miền đem về trồng tại Lục Ngạn đã cho năng suất, chất lượng tốt (vải thiều, cam, bưởi). Hiện Lục Ngạn có trên 26.600 ha cây ăn quả các loại, trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc nước ta. Trong đó: vải thiều chiếm 15.200 ha, sản lượng bình quân 100.000 tấn/năm; cây có múi chiếm 5.290 ha, sản lượng năm 2017 ước đạt khoảng 4000 tấn. Ngoài vải thiều và cây có múi, Lục Ngạn còn có một số cây ăn quả khác có chất lượng, sản lượng và giá trị kinh tế cao: nhãn, ổi, táo… Phương Thanh    

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp

TĐKT - Ngày 8/11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo khoa học "Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp". Quang cảnh Hội thảo Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ về các vấn đề nội hàm của tăng trưởng xanh, mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh với phát triển bền vững; vai trò của Nhà nước cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với vấn đề bảo vệ môi trường; tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là nghĩa vụ, hay còn là quyền lợi của các chủ thể tham gia quá trình tăng trưởng kinh tế; giải pháp để lồng ghép tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách hiện hành của quản trị quốc gia, cũng như trong chiến lược kinh doanh trong quản trị doanh nghiệp. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một chiến lược phát triển bảo đảm kinh tế tăng trưởng cao, cùng với việc tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực sẵn có làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn với việc đưa công nghệ xanh vào thúc đẩy phát triển. Đây cũng chính là mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hơn lúc nào hết, trong thời điểm hiện nay Việt Nam cần tập trung vào đạt được GDP xanh, phải quan tâm ngay từ đầu đến tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đến giảm thiểu tác động của biến đối khí hậu, phải quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo cũng như tiến bộ và công bằng xã hội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý  cho rằng Việt Nam cần thiết phải xem tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là con đường phát triển duy nhất đúng của mình và cần quán triệt 5 quan điểm phát triển: tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tăng trưởng xanh là dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Theo Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Bùi Tất Thắng, một vấn đề đáng lưu ý trong thời gian gần đây, vừa là thách thức lớn, vừa là cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng là internet, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, khoa học vũ trụ, khoa học về đại dương, năng lượng tái tạo… Cuộc cách mạng này có những bước tiến mang tính bước ngoặt, tác động rất mạnh đến quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mọi quốc gia. Trong quá trình thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Việt Nam nhất thiết phải nắm lấy cơ hội này, nếu không muốn bị tuột ra bên lề của dòng chảy phát triển chung của thế giới. Minh Phương

Lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Bất động sản Việt Nam

TĐKT - Sáng 8/11, tại Hà Nội, được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp cùng Kênh truyền hình Kinh tế Tài chính VITV họp báo Diễn đàn Bất động sản (BĐS) Việt Nam thường niên lần thứ nhất. Họp báo Diễn đàn BĐS Việt Nam thường niên lần thứ nhất Diễn đàn sẽ diễn ra vào ngày 15/11 tại Hà Nội, với khung chương trình rộng bao gồm các chuyên đề được quan tâm nhất và thu hút sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia tài chính, kinh tế, BĐS uy tín hàng đầu trong nước và quốc tế hiện nay. Dự kiến sẽ có 4 phiên báo cáo chính được trình bày tại Lễ khai mạc. Trong đó, Bộ Xây dựng có tham luận tổng quan tình hình BĐS Việt Nam; Bộ Tài chính có tham luận cải cách thuế cho thị trường BĐS; Bộ Tài nguyên và Môi trường có bài phát biểu về chính sách và thủ tục đất đai - định hướng và sửa đổi; Ngân hàng Nhà nước có tham luận chính sách tín dụng cho thị trường BĐS. Hàng loạt các chủ đầu tư, doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực BĐS sẽ có những đề xuất, kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề đang tồn tại, vướng mắc cần giải quyết. Ngoài phần tọa đàm cấp cao, Diễn đàn sẽ liên tục tiếp nối với các chuyên đề hấp dẫn diễn ra song song. Sau mỗi chuyên đề "Nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội", "Cải tạo chung cư cũ", "Công trình xanh", "BĐS nghỉ dưỡng" là các phiên thảo luận. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA chia sẻ: Diễn đàn sẽ là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá các phân khúc thị trường, các điểm mạnh cần duy trì, phát huy, các điểm yếu cần khắc phục, hạn chế. Đồng thời, dự báo khuynh hướng thị trường để điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp, định hướng thị trường theo nhu cầu thực tế và khuynh hướng chung quốc tế. Qua đó, giới truyền thông cũng nắm bắt tốt hơn thông tin để truyền tải tới doanh nghiệp và người dân. Chính quyền các cấp cũng được dịp lắng nghe những vướng mắc về chính sách, cơ chế do doanh nghiệp phản ánh để giúp tháo gỡ ách tắc... Diễn đàn BĐS Việt Nam thường niên lần thứ nhất sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh về thị trường BĐS năm 2017 và cập nhật các dự báo, xu hướng mới nhất về thị trường BĐS năm 2018. Diễn đàn được kỳ vọng tạo cơ hội giao lưu, trao đổi trực tiếp giữa các cá nhân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, hiệp hội, chuyên gia... trong lĩnh vực BĐS. Bên cạnh đó, đây là cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho các doanh nghiệp đến các đối tác hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, phân phối và quản lý vận hành BĐS trong nước và quốc tế. Phương Thanh

Xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và minh bạch

TĐKT - Sáng 7/11, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit - VBS) chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Với chủ đề “Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy”, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam được kỳ vọng tạo nên những kết nối đỉnh cao giữa nền kinh tế Việt Nam và giới kinh doanh toàn cầu. Diễn ra trong 1 ngày, Hội nghị có 6 phiên thảo luận về các chuyên đề: nông nghiệp thông minh; dịch vụ tài chính; y tế và giáo dục; kết cấu hạ tầng; du lịch và đặc khu kinh tế; doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - VBS 2017 Phát biểu khai mạc Hội nghị, điểm qua những thành tựu chính về kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thủ tướng cho biết: năm 2017 dự kiến GDP Việt Nam sẽ tăng 6,7% và phấn đấu trong 2016 - 2020 tăng 6,5-7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của Việt Nam tăng lên khoảng 2.300 USD (tính theo PPP là khoảng 6.800 USD). Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC. Đến nay đã có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP. Trong đó, riêng vốn đầu tư FDI từ các nền kinh tế APEC vào Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 thập niên qua. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017 - 2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng 2018 về môi trường kinh doanh (DB) của Việt Nam là 68/190 quốc gia, tăng 14 bậc so với năm trước (thuộc ASEAN-5). Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tháng 5/2017, đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII 2017), Việt Nam đã tăng hạng lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc). Những kết quả mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay chính là nguồn động lực quan trọng để Việt Nam tự tin, vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Nhấn mạnh đến những định hướng lớn của Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá. Cùng với đó là phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ cũng như trong khuôn khổ các FTAs mà Việt Nam tham gia. Việt Nam cũng sẽ thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD. Thủ tướng tin tưởng, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, hướng tới chủ đề APEC 2017: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của châu Á - Thái Bình Dương vì hoà bình, ổn định, gắn kết, phát triển năng động và thịnh vượng. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: là một nền kinh tế đi sau, tiềm năng về tài chính và công nghệ của Việt Nam còn thấp, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung mới được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, kiến thức và kinh nghiệm chưa nhiều, mô hình kinh doanh, trình độ quản trị, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa còn chưa đạt tới được những chuẩn mực tiên tiến nhất. Vì vậy, tại diễn đàn này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hy vọng các đại biểu quốc tế, các doanh nghiệp hàng đầu của thế giới sẽ chia sẻ những giải pháp và khuyến nghị cho môi trường thể chế và mô hình kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang thử nghiệm: nông nghiệp thông minh, đặc khu kinh tế, nền kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo… Phương Linh

Trang