Người cha của hơn 150 trẻ em Làng trẻ Birla
24/11/2018 - 15:08

TĐKT - Đặt chân đến Việt Nam năm 1989, đến nay, hơn 3 thập kỷ ông gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây. Nhắc đến ông, người ta không chỉ kể nhiều về một vị Đại sứ đặc biệt, luôn suy nghĩ dùng sức mạnh văn hóa, bên cạnh sức mạnh chính trị, kinh tế để thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Nhật – Việt; mà còn bởi ông đã và đang làm cha của hơn 150 trẻ em đang sống tại Làng trẻ Birla (Hà Nội) và là người cha tinh thần của trẻ em Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Ông là Đại sứ đặc biệt Việt – Nhật Sugi Ryotaro.

Chiếc cầu nối cho mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp

Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau đi một chặng đường dài, cùng nhau xây đắp mối quan hệ hợp tác hữu nghị, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi suốt 45 năm nay. Góp phần quan trọng trong mối quan hệ tốt đẹp đó có công sức, tâm huyết của ngài Đại sứ đặc biệt Nhật – Việt/ Việt – Nhật Sugi Ryotaro.

Đại sứ Sugi Ryotaro chia sẻ tại buổi họp báo Nhạc hội Việt - Nhật 2018

Đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên trong vai trò là ca sĩ - diễn viên biểu diễn tại Thủ đô Hà Nội vào năm 1989, ông Sugi Ryotaro được chứng kiến một đất nước Việt Nam đầy khó khăn, đang nỗ lực vươn lên sau chiến tranh. Cảnh tượng đó đã làm cho chàng ca sĩ trẻ Sugi Ryotaro liên tưởng đến người dân quê hương Nhật Bản nhiều năm về trước cũng lăn lộn vươn lên từ tro tàn chiến tranh.

Với ngài Đại sứ Sugi Ryotaro, câu nói của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Chính phủ Việt Nam (và sau này là Tổng Bí thư) Đỗ Mười  rằng “Nền chính trị và kinh tế của Việt Nam đang ở trong tình trạng đình trệ do ảnh hưởng của một cuộc chiến tranh dài. Đất nước Việt Nam chúng tôi muốn nắm bắt tất cả các cơ hội dù là nhỏ nhất để có thể trở thành một đất nước như Nhật Bản” và những cảm xúc lần đầu đến Việt Nam đã trở thành cảm hứng chính, thôi thúc ông trở thành chiếc cầu nối, thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam.

Đại sứ Sugi Ryotaro và vợ, nghệ sĩ Godai Natsuko tại Đại Nhạc hội Việt -Nhật

Ông suy nghĩ: “để xây dựng quan hệ hữu nghị, bên cạnh chính trị và kinh tế không thể thiếu sự thấu hiểu về văn hóa. Sự thấu hiểu, tôn trọng và giao lưu lẫn nhau là điều quan trọng, do đó sức mạnh của văn hóa phải được coi trọng”.

Với tâm niệm ấy, năm 1991, Đại sứ Sugi đã khởi xướng thành lập Hội Giao lưu văn hóa Nhật - Việt. Với tư cách là một nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng, ông đã tích cực cùng Hội tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, góp phần tăng thêm tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước như kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước với sự tham gia của 500 nghệ sĩ Nhật Bản, lễ hội Hoa Anh Đào; hòa nhạc vì hòa bình, tổ chức các chương trình giao lưu cho các đoàn nghệ thuật hai nước.

Đại sứ Sugi Ryotaro còn chú trọng đến việc kết nối người dân Việt Nam – Nhật Bản cũng như mở ra con đường phát triển cho thế hệ trẻ Việt Nam thông qua thúc đẩy việc dạy và học tiếng Nhật. Năm 1995, ông đã tham gia thành lập Trung tâm Nhật ngữ Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội).

Trong hơn 20 năm qua, từ xuất phát điểm chỉ với 2 giáo viên Nhật và 20 học viên, hiện tại Trung tâm đã có hơn 1.600 học viên, trở thành một địa chỉ tin cậy về giảng dạy ngôn ngữ và truyền bá văn hóa Nhật Bản. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp ở trung tâm đã hoàn thành các kỳ thi tiếng Nhật với kết quả cao, đủ điều kiện làm việc ở các cơ sở kinh tế của Nhật ở Việt Nam, đi tu nghiệp ở Nhật Bản hoặc tìm được công việc lý tưởng có liên quan đến ngôn ngữ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, vị Đại sứ hữu nghị cũng đặc biệt quan tâm đến các dự án viện trợ nhân đạo như kết nối hãng thuốc Shionogi với 14 bệnh viện các tỉnh nghèo để viện trợ không hoàn lại gần một triệu đô tiền thuốc chữa bệnh; vận động quyên góp hàng chục xe cứu thương, xe cứu hỏa cho Việt Nam.

Đến nay, hơn 3 thập kỷ gắn bó với Việt Nam, ông bảo: “Tôi cảm thấy, một nửa trong tôi đã là người Việt”.

Người cha của hơn 150 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Đến Việt Nam hơn 30 năm nay, bên cạnh được biết đến là vị Đại sứ đặc biệt, là nghệ sĩ nổi tiếng với công chúng, ngài Ryotaro còn làm “cha”, thường xuyên hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho hơn 150 cô bé, cậu bé của Làng trẻ em Birla Hà Nội.

Đại sứ Sugi Ryotaro và 4 người con nuôi đầu tiên tại làng trẻ em Birla

Ngài Ryotaro cho biết: Ngay từ lần đầu đến với các em nhỏ ở Làng trẻ em Birla Hà Nội, tôi đã nhận thấy các con trong làng không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn thiếu thốn về tình cảm vì không có bố, có mẹ. Vì vậy, tôi nhận làm “cha” của các em với muốn bù đắp lại phần nào đó cho các con, mong chúng có được chút tình cảm ấm áp từ người cha.

Bên cạnh đó, người nghệ sĩ Nhật Bản Ryotaro còn dùng tiền cá nhân của mình để giúp đỡ mua sắm cơ sở vật chất, trang trải chi phí học tập và sinh hoạt cho các con. Ước tính, tổng số tiền cá nhân ông đã dành cho các hoạt động hữu nghị, thiện nguyện vì Việt Nam là trên 2 tỷ yên.

Ông bảo: Làm cha của một đứa trẻ đã khó, nhưng làm cha của hàng trăm của đứa trẻ trong một thời gian dài là cả một chặng đường đầy khó khăn, thách thức đối với ông. Ngay cả vợ ông, nghệ sĩ Godai Natsuko đã vô cùng ngạc nhiên khi vừa cưới, ông chọn Việt Nam hưởng tuần trăng mật và tự hào giới thiệu ông là người bố nước ngoài có đông con nhất Việt Nam.

Dẫu vậy, khi nhắc về những đứa con của mình, ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào: “Có người con bị bệnh tim, sau nhiều nỗ lực đưa đi chữa trị tại Nhật Bản đã trở nên khỏe mạnh. Nhưng có người con không vượt qua định mệnh đã rời xa tôi, vì bệnh tật. Nhiều con của tôi học giỏi, đã trưởng thành, có công việc ổn định và lập gia đình... Tôi luôn thấy hạnh phúc vì được đồng hành và giúp đỡ các con của tôi”.

Với những nỗ lực đó, Đại sứ Sugi Ryotaro đã nhận được Huy chương Hữu nghị (1992), Huân chương Hữu nghị (1997, 2018); Huân chương Shinju (của Nhật Bản, vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao năm 2009), Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội (2014).

Tuy nhiên, Đại sứ Ryotaro Sugi cho rằng, ông cảm thấy những việc làm của mình còn rất nhỏ nhoi và đến nay, ông vẫn luôn trăn trở làm sao để giúp được Việt Nam nhiều hơn.

Thục Anh