TĐKT – Theo chân các anh chị thợ điện Đội Quản lý điện số 2 (thuộc Công ty Điện lực Chương Mỹ, TP Hà Nội), đến với công tác hỗ trợ và đảm bảo cung cấp điện trở lại cho các hộ dân vừa chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua mới thấu hiểu được những vất vả trong nghề thợ điện trải đầy sương gió.
Không quản ngày mưa bão
Trận mưa bão như trút nước cuối tháng 7 vừa qua đã khiến cho nhiều vùng ngoại ô Hà Nội trở thành những “ốc đảo”, mênh mông nước. Ở vùng “rốn lũ”, những người dân xã Nam Phương Tiến thuộc huyện Chương Mỹ là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất của đợt mưa lũ lần này.
Cách trung tâm Hà Nội gần 40 km, Nam Phương Tiến là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, những đợt nước sông Bùi dâng cao. Theo như lời kể của ông Phùng Văn Tây (65 tuổi, ở xã Nam Phương Tiến), chưa bao giờ những người dân nơi đây chứng kiến cảnh nước dâng cao và ngập kéo dài như vậy.
Còn nhớ hồi năm ngoái (năm 2017), trận vỡ đê sông Bùi cũng làm người dân lao đao, nhưng theo lời ông Tây kể lại, năm nay nước tràn từ từ và kéo dài lâu hơn đến tận 20 ngày, mọi thứ đều bị cô lập, mất điện, mất nước, mất trộm, đối với nhân dân thật sự là những ngày cực khổ.
Toàn xã Nam Phương Tiến có tổng số 831 hộ bị cô lập với hơn 4.000 nhân khẩu trong đó có 637 hộ bị ngập nặng. Thiệt hại ước tính nhiều mặt; lúa 235 ha, hoa màu 115 ha, cây ăn quả 758 ha, thủy sản 85 ha, 118 trang trại, 116.000 con gia cầm, hơn 1.000 con lợn bị chết.
Đảm bảo tốt nhất an toàn điện cho bà con nhân dân mùa mưa lũ
Anh Đặng Xuân Lâm, Đội trưởng Đội quản lý điện số 2 (Công ty Điện lực Chương Mỹ) cho biết: Suốt 20 ngày mênh mông nước ấy, toàn đội của anh không có ngày nào được nghỉ, thường xuyên túc trực, cùng nhân dân sống chung với lũ, nhằm đảm bảo tốt nhất an toàn điện, không để bất cứ tình trạng xấu nào xảy ra. Đội của anh Lâm có 10 người, trong đó có 3 chị là phụ nữ nhưng với sự sẻ chia và trách nhiệm của mình, tất cả đều gác lại công việc gia đình, dành toàn bộ tâm sức cùng những hộ dân trong giai đoạn khó khăn này.
Chị Nguyễn Thị Phương, nhân viên của Đội quản lý điện số 2 cho biết: Gia đình có 2 con nhỏ nhưng vì công việc, chị đành gửi con cho ông bà trông nom để yên tâm làm việc. Là phụ nữ nên chị cũng được các anh ưu ái dành cho những công việc nhẹ nhàng hơn. Đợt lũ vừa rồi chị chịu trách nhiệm hậu cần, phục vụ cơm nước cho các anh túc trực tại các thôn của xã Nam Phương Tiến. Chị phải chèo thuyền dài đến tận mấy cây số đến các điểm đưa cơm cho mọi người trong Đội.
Các anh trong Đội quản lý điện số 2 phải đi thuyền hỗ trợ bà con nhân dân
Khi được thông báo nước vào, dâng cao, đội của anh Lâm phải chia thành 5, 6 nhóm người túc trực tại các điểm ngập. Để đảm bảo an toàn công tác điện, tránh thiệt hại về người và của cho nhân dân, đội anh đã kiểm tra những hộ dân ở thấp, sau đó lập tức sa thải toàn bộ hệ thống điện của hộ dân ra khỏi lưới. Những nhà cao tiếp tục để lại và theo dõi thường xuyên để đảm bảo điện cho từng hộ dân. Kết hợp với Đoàn thanh niên xung kích, anh em toàn đội đã bố trí người trực 24/24h, hầu như không nghỉ trong những ngày mưa lũ.
Nhớ lại thời điểm đó anh Lâm cho biết: Dường như không ai có thời gian nghỉ ngơi, chỉ thi thoảng về qua nhà thay quần áo rồi lại đi liền, mệt quá thì nghỉ luôn tại chỗ. Lúc đó, anh em toàn đội phải đi thuyền là chính, lội nước đến nỗi nước ăn chân, mắc ghẻ, ngứa ngáy.
Động lực để gắn bó, trách nhiệm hơn với nghề
Đội Quản lý điện số 2 quản lý 4 xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và xã Hữu Văn, với trên 10 ngàn công tơ điện. Với số lượng 10 cán bộ, công nhân viên, thực sự công việc không hề dễ dàng.
Để có thể chủ động, kịp thời ứng phó với những trường hợp khẩn cấp, hàng năm, Đội Quản lý điện số 2 đều được triển khai kịch bản, có chương trình diễn tập với áo phao, thuyền hơi. Ngoài ra, khi bước vào mùa mưa bão, cán bộ đơn vị đã tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa các địa phương, phát tờ rơi nhằm đảm bảo và phối hợp tốt với quần chúng nhân dân trong công tác an toàn điện, tránh thiệt hại về người và tài sản xảy ra.
Năm 2018, khi mưa lũ xảy ra, cùng với các đoàn hỗ trợ về lương thực, nước uống cho nhân dân, Công ty điện lực Chương Mỹ đã phân về Đội quản lý điện số 2 1.000 cây nến, hỗ trợ tất cả các trang thiết bị điện cho 3 trường học của xã Nam Phương Tiến.
Đội trưởng Lâm chia sẻ: Anh em thường xuyên phải túc trực tại các thôn, quãng đường đi lại khó khăn và xa xôi. Nhưng bất kể có sự cố gì, các anh em trong đội đều kịp thời có mặt, xử lý rất nhanh và hiệu quả. “Chúng tôi ăn cơm với người dân còn nhiều hơn cơm nhà”.
Hơn 16 năm gắn bó với ngành điện, anh Lâm cũng như các đồng nghiệp có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Họ nhớ cả những lần ngắt điện của một hộ dân vì để đảm bảo công tác an toàn lúc mưa bão, nhưng người nhà gia đình cứ năn nỉ cấp điện trở lại, họ viết giấy cam kết để được có điện. Rồi có lần kéo điện miễn phí cho hộ nghèo trên địa bàn, gia đình cụ bà neo đơn rất đáng thương, khắc khổ, cụ xúc động cảm ơn và thỉnh thoảng cụ lại mang cả buồng chuối, bắp ngô lên đãi anh em trong đội mặc dù quãng đường từ nhà cụ tới trụ sở dài mấy cây số…
Với họ, những tình cảm thân thương của người dân dành cho những người thợ điện thực sự đáng quý và đáng trân trọng biết nhường nào, giúp họ cảm thấy yêu và gắn bó hơn với nghề.
Thục Anh