TĐKT - Từ ngày Tổ vay vốn và tiết kiệm khu phố 2, phường 1, TP Vũng Tàu được thành lập và đi vào hoạt động, đời sống của chị em phụ nữ trên địa bàn được cải thiện rõ rệt. Đến nay trong khu phố không còn hộ nghèo. Các hộ gặp khó khăn đều được tiếp cận với các chính sách và nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có được sự đổi thay ấy, chị em và bà con khu phố 2 thầm cảm ơn sự tận tâm, tận lực, hết lòng vì nhân dân của người cán bộ dân tộc Hoa - Lại Thị Kim Danh.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà lưu niệm cho chị Lại Kim Danh nhân dịp chị ra dự Hội nghị “Gương đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc” năm 2016 tại Thủ đô Hà Nội
Chị Lại Kim Danh, sinh năm 1947, cư trú tại số nhà 38 Đồ Chiểu, khu phố 2, phường 1, TP Vũng Tàu. Không chỉ là Trưởng Ban điều hành Khu phố lâu năm, chị còn là Chi hội phó Chi hội phụ nữ khu phố 2, Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm thuộc Khu phố 2, là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phường cũng như của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhiều năm liền, trên cương vị công tác của mình, với suy nghĩ làm sao để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, xứng đáng với những tình cảm, sự tin yêu của Đảng, chính quyền, bà con trong khu phố, nhất là chị em hội viên phụ nữ, chị Danh luôn gần gũi tâm sự, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người, từng hộ, kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có thân nhân ốm đau, bệnh tật hoặc qua đời.
Hàng ngày, hàng tuần, chị nhắc nhở, đôn đốc làm vệ sinh đầu hè cuối phố; vận động bà con trong khu phố cũng như chị em phụ nữ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giải quyết kịp thời những tranh chấp, vướng mắc giữa các hộ gia đình...
Trong những đợt vận động quyên góp, ủng hộ từ thiện, đóng góp các loại quỹ xây dựng địa phương, bao giờ gia đình chị Danh cũng gương mẫu đi đầu và là một trong những người tình nguyện đóng góp, ủng hộ nhiều nhất cả về tiền mặt lẫn vật chất.
Hội Liên hiệp phụ nữ phường 1, TP Vũng Tàu có 5 tổ tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng năm các Tổ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, Tổ vay và tiết kiệm Khu phố 2 do chị Lại Kim Danh làm tổ trưởng là xuất sắc nhất.
Những năm trước đây Chi hội Phụ nữ Khu phố 2, vốn được biết đến là chi hội tương đối phức tạp, hội viên đa phần làm nghề buôn bán, kinh doanh cá thể và lao động tự do, đời sống gặp nhiều khó khăn. Qua hơn 10 năm hoạt động của tổ vay vốn, đến nay chi hội đã có nhiều thay đổi, đời sống của hội viên phụ nữ được cải thiện rõ rệt; đường phố, ngõ hẻm trong khu phố được thông thoáng, sạch sẽ; an ninh trật tự luôn đảm bảo; không có người sinh con thứ 3, không còn tình trạng bạo lực gia đình…
Với các phong trào xây dựng địa phương do phường phát động, là một Khu phố trưởng chị đều nhanh chóng triển khai và duy trì thực hiện có hiệu quả. Đến nay, trong khu phố không còn hộ nghèo. Các hộ gặp khó khăn đều được tiếp cận với các chính sách và nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Một số chị em hội viên trong Chi hội có thu nhập thấp, đời sống chật vật, gặp nhiều khó khăn khi đóng lãi vay quỹ tiết kiệm hàng tháng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước. Để đảm bảo được yêu cầu của việc vay vốn, chị Danh đã chủ động bàn với Chi hội trưởng phụ nữ, nghĩ ra hình thức thu theo ngày với số tiền nhỏ, để giảm bớt gánh nặng cho những hộ khó khăn, kiếm sống hàng ngày, đồng thời vẫn đảm bảo được nguồn vốn đối với ngân hàng.
Nghĩ là làm, hàng ngày cứ vào khoảng 19 giờ tối, bất kể thời tiết thế nào, chị cũng đều đến từng nhà để thu lãi và tiết kiệm. Với cách làm đó, Tổ vay vốn và tiết kiệm của khu phố 2 luôn hoàn thành việc thu theo quy định, đảm bảo đúng yêu cầu, không bị nợ quá hạn.
Chia sẻ về những việc làm của mình, chị Danh chỉ khiêm tốn nói: “Tổ vay vốn và tiết kiệm đạt được kết quả như ngày hôm nay chủ yếu là nhờ có sự giúp đỡ rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp của Hội Liên hiệp phụ nữ phường 1, sự ủng hộ của chị em hội viên phụ nữ trong Chi hội 2 cũng như bà con nhân dân toàn khu phố”.
Với những đóng góp của mình, các năm qua, ngoài nhiều giấy khen hàng năm của UBND phường 1, chị còn được chính quyền và đoàn thể các cấp khen thưởng như: UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có Quyết định công nhận chị là “Người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm liền”; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc 5 năm (2001 – 2006) trong phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc”; năm 2012 Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khen thưởng về thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng – chính sách nhân kỷ niệm 10 năm thành lập; BCH Hội Liên hiệp phụ nữ TP Vũng Tàu Khen thưởng về thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” nhiệm kỳ (2006 – 2011); danh hiệu “Cán bộ Hội cơ sở giỏi” hai nhiệm kỳ liên tiếp từ nhiệm kỳ (2006 – 2011) đến nhiệm kỳ (2011- 2016), kỷ niệm Chương “Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam” năm 2017...
Trang Lê
Điển hình tiên tiến
TĐKT - Nhiều năm nay, ngày cũng như ngày nào, dù nắng hay mưa, cứ đều đặn 10h30 sáng và 16h30 chiều, người dân tổ dân phố số 9A, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đều quen thuộc với hình ảnh người nữ tổ trưởng dân phố tận tụy, cần mẫn đi dọc các con đường, ngõ hẻm của khu dân cư để tuần tra, bóc xóa quảng cáo, giám sát về trật tự đô thị. 15 năm gắn bó với công tác xã hội tại địa phương là 15 năm bà Nguyễn Thị Mây không quản ngại đi từng nhà, rà từng ngõ, vận động từng người dân hăng hái tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua.
Quy tắc ứng xử nơi công cộng được bà Mây thông báo trên các bảng tin trong khu dân cư để bà con thực hiện
Đã bước qua tuổi 64, phải chăm sóc người chồng bị bệnh, giúp các con trông nom cháu nhỏ, nhưng chưa giây phút nào người phụ nữ ấy lơ là với việc phường, việc xóm. Là Tổ trưởng tổ dân phố số 9A, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu dân cư số 9, Chi hội phó Chi hội Người Cao tuổi khu dân cư số 9, dù ở vai trò nào, bà cũng chủ động triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - chính trị - an ninh - quốc phòng - trật tự, an toàn xã hội của phường, quận và thành phố giao. Bà bảo: “Là người cán bộ, đã được giao nhiệm vụ là phải nỗ lực hết sức để hoàn thành. Tính tôi như thế, thấy người ta làm được mà mình không làm được thì tâm không yên”.
Tổ dân phố số 9A có 262 hộ gia đình với 789 nhân khẩu, có 2 tuyến phố chạy qua. Trước đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, mất an ninh trật tự… vẫn diễn ra thường xuyên. Từ ngày bà Nguyễn Thị Mây nhận nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ dân phố, bà con trong khu dân cư ai nấy đều phấn khởi, vui mừng, bởi từ nay đã có người để họ tin tưởng giao phó những công việc chung, những việc mà ít ai có thể gánh vác được.
Không phụ lòng trông mong của nhân dân, bà đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đưa tổ dân phố số 9A trở thành điểm sáng của phường Khương Trung trong đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị; thực hiện “Văn hóa ứng xử nơi công cộng”, xây dựng khu dân cư văn hóa, tổ dân phố văn hóa …
Bà Dư Mai Lâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Khương Trung ghi nhận: Bà Mây là một cán bộ nói đi đôi với làm, gần dân, sâu sát cơ sở, luôn thể hiện là cánh tay nối dài hiệu quả của chính quyền địa phương tới nhân dân.
Bà tìm tới từng nhà, nhắc nhở nhân dân giữ gìn trật tự đô thị
Hiện nay, hầu hết các hộ dân trong tổ đều cam kết và nghiêm túc thực hiện “Tổ dân phố 5 không". Các hộ dân trong tổ thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử nơi công cộng. Nhân dân không vứt rác bừa bãi ra đường. Trong công tác phòng, chống cháy nổ, được sự vận động của bà Mây, ngoài 2 bình xịt chữa cháy do tổ trang bị, hiện nay đã có 62 hộ dân trên địa bàn tự trang bị bình chữa cháy tại gia đình.
Để ngõ phố sáng – xanh – sạch – đẹp, bà đã trực tiếp vận động nhân dân trong tổ ủng hộ làm 3 cổng chào tại ngõ 102, 124 và 97 Vũ Tông Phan, với số tiền 7 triệu đồng (trong đó, bà và gia đình đóng góp 2 triệu đồng); ủng hộ gần 9 triệu đồng để mua 120 đế cờ và 130 lá cờ Tổ quốc để gắn và treo dọc các tuyến phố. Giờ đây, được gắn đế cờ và trang bị cờ đồng bộ, nên vào các ngày lễ lớn, các hộ dân trong tổ đều phấn khởi và tích cực hưởng ứng việc treo cờ.
Đặc biệt, được bà nhắc nhở, đôn đốc thường xuyên, đến nay, công tác vệ sinh môi trường trong tổ đã đi vào nền nếp. Vào mỗi tối thứ sáu và sáng thứ 7 hàng tuần, nhân dân tích cực tham gia cùng cán bộ tổ dân phố vệ sinh môi trường ngõ phố, xóa biển quảng cáo; không còn tình trạng hộ dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh.
Phát hiện trên địa bàn có tình trạng lấn chiếm trong xây dựng, gây ra khiếu kiện, mâu thuẫn, tranh chấp, bà chủ động tìm tới các hộ gia đình liên quan, trao đổi, nắm bắt thông tin, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, khuyên nhủ họ, kết hợp với chính quyền giúp dân tháo gỡ. Nhờ có bà Mây tổ trưởng “dân vận khéo”, hầu hết các mâu thuẫn trong tổ dân phố số 9A tới nay đều được giải quyết một cách ổn thỏa, không có tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp đông người, được lãnh đạo UBND phường ghi nhận, biểu dương.
Không chỉ là một tổ trưởng gương mẫu, bà Nguyễn Thị Mây còn là người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, thương người như thể thương thân. Bà luôn quan tâm, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ, động viên, trực tiếp gần gũi, hỗ trợ các hộ dân trong tổ, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết.
Ngày ấy, trong tổ có gia đình anh Dương Nghĩa Thành làm nghề lao động tự do, mắc bệnh ung thư nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có tiền chữa chạy. Sau khi xin ý kiến của chi bộ, bà đã đi khắp các nhà vận động quyên góp được 14 triệu đồng, trực tiếp đưa vào viện để giúp đỡ anh. Tuy nhiên, anh Thành vẫn không thể chống chọi được với căn bệnh hiểm nghèo và qua đời không lâu sau đó. Gia đình neo người, không có anh em, họ hàng, chỉ có vợ và đứa con nhỏ, không đủ sức lo liệu cho anh. Nửa đêm, nghe điện thoại báo tin dữ từ vợ anh, bà lập tức báo cáo chi bộ, ban công tác mặt trận khu dân cư, nhanh chóng huy động đội cơ động đang tuần tra ban đêm sang hỗ trợ gia quyến. Ngày hôm sau, bà lại tiếp tục vận động nhân dân trong tổ tới phúng viếng, tổ chức đám tang long trọng, tiễn đưa anh về trời.
Cảm động trước tấm lòng nhiệt thành của bà, học và làm theo bà, nhân dân trong tổ dân phố cũng tích cực tham gia công tác thiện nguyện tại địa phương; tích cực đóng góp các quỹ theo quy định. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, tổ dân phố đã hoàn thành xuất sắc việc thu nộp các quỹ do UBND phường đề ra, vượt chỉ tiêu so với quy định. Tổ dân phố luôn đi đầu trong việc hiến máu nhân đạo, quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, đồng bào vùng sâu, vùng xa…
Dù được nhiều cấp, nhiều ngành biểu dương, khen thưởng bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng với bà Mây, phần thưởng lớn nhất chính là được nhân dân ghi nhận, tôn trọng, tin yêu. “Vừa rồi, khi phường có chủ trương sáp nhập tổ, tôi phải vào gõ cửa từng nhà để xin ý kiến, chữ ký của từng hộ dân. Người ta bảo, nếu bà Mây còn làm tổ trưởng thì người ta mới chịu ký đồng ý sáp nhập tổ. Qua đó mới biết người ta yêu quý, tin tưởng mình đến như thế nào.” – Vừa kể, bà vừa tủm tỉm cười, trong mắt ánh lên niềm vui khôn tả.
Phương Thanh
TĐKT - Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Tim mạch Việt Nam (VTMVN) đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, trở thành viện chuyên khoa đầu ngành, ngang tầm với các trung tâm tim mạch lớn trong cả nước và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 4 cá nhân thuộc Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai được thành lập vào ngày 11 tháng 11 năm 1989 theo quyết định số 704/BYT/QĐ của Bộ Y tế, trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Từ năm 1959, “Tổ tim mạch” đầu tiên do GS Đặng Văn Chung làm tổ trưởng cùng với một số bác sĩ ban đầu như Đỗ Đình Địch, Bùi Thế Kỳ, Trần Đỗ Trinh, Phạm Khuê, Phạm Gia Khải, Đinh Văn Tài… được coi là tiền thân của ngành Tim mạch Việt Nam.
Đến năm 1972, khoa Tim mạch đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai được thành lập đúng vào giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Mặc dù vậy, các thầy thuốc chuyên ngành tim mạch đã vô cùng cố gắng, vượt qua khó khăn, không chỉ đảm bảo tốt nhiệm vụ chăm sóc người bệnh tim mạch, sẵn sàng chi viện cho chiến trường mà đã cố gắng đi đầu chiếm lĩnh các mũi nhọn.
Giai đoạn này, thiết bị chủ yếu là điện tâm đồ, tâm thanh cơ động đồ, nghiệm pháp gắng sức với xe đạp lực kế, thông tim ống nhỏ… Nhưng chính trong giai đoạn sơ khai này, những buổi phân tích chi tiết kết quả về điện tâm đồ của GS. Trinh, về tâm thanh cơ động đồ của GS Khải và thông tim thăm dò huyết động của GS Tài đã thực sự khơi dậy niềm đam mê, ham học hỏi của các thầy thuốc trong lĩnh vực Nội khoa nói chung và trong chuyên ngành tim mạch nói riêng.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, điều kiện hội nhập quốc tế được mở rộng, các giáo sư, thầy thuốc tiên phong của khoa Tim mạch đã nắm bắt cơ hội để thúc đẩy phát triển. Ngày 11/11/1989 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về chất khi Viện Tim mạch Việt Nam chính thức ra đời. Kể từ đó, Viện đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành Viện chuyên ngành Tim mạch hàng đầu trong cả nước và ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bước đột phá đầu tiên để nâng tầm của các thăm dò chuyên ngành Tim mạch có lẽ chính là sự tiếp cận của phương pháp siêu âm tim từ những năm 1975, với những nhà tiên phong là GS Phạm Gia Khải, GS Nguyễn Lân Việt; GS Đỗ Doãn Lợi…
Hiện nay, Viện Tim mạch Việt Nam triển khai hàng loạt các kỹ thuật siêu âm tim khác như siêu âm cản âm, siêu âm Dobutamin, siêu âm trong lòng mạch (IVUS)…Chính các bác sĩ của Viện tim mạch đã có công lớn trong việc đào tạo và triển khai kỹ thuật tiên tiến này cho hầu hết các tỉnh trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc áp dụng một phương pháp thăm dò không chảy máu rất hữu hiệu để chẩn đoán chính xác nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau.
Đặc biệt, lĩnh vực làm nên tên tuổi và trở thành mũi nhọn của Viện đó là ngành Tim mạch can thiệp, khởi nguồn khá sớm từ phương pháp thông tim thăm dò huyết động với hình ảnh của cố PGS. Đinh Văn Tài, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Tim mạch.
Bước ngoặt quan trọng trong sự tiến bộ của Viện Tim mạch và ngành Tim mạch nước nhà là khi Viện Tim mạch là nơi đầu tiên trong cả nước (từ năm 1995) đã tiếp thu và triển khai nhanh chóng được kỹ thuật chụp động mạch vành qua da, nong và đặt Stent động mạch vành. Những người tiếp cận đầu tiên là các bác sĩ Trần Văn Dương, Nguyễn Quang Thư, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Lân Hiếu, Nguyễn Quốc Thái… Với sự triển khai của các phương pháp tim mạch can thiệp này, không những hàng vạn bệnh nhân bị động mạch vành đã được cứu sống mà nhiều kỹ thuật tiên tiến khác cũng đã được thực hiện rất ngoạn mục.
Hơn hết, chính các bác sĩ cùa Viện Tim mạch là những người đầu tiên trong cả nước (năm 2001) đã triển khai việc can thiệp qua đường ống thông để điều trị rất nhiều bệnh tim bẩm sinh như con ống động mạch, thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp van động mạch phổi… Bệnh nhân tim bẩm sinh đã có cơ hội không phải chịu đựng một cuộc phẫu thuật. Nhiều bác sĩ của Viện còn được mời sang giảng dạy và chuyển giao những kỹ thuật điều trị tiên tiến này cho các nước trong khu vực và kể cả các nước phát triển.
Bên cạnh các thủ thuật trên, từ những năm 1998, lĩnh vực thăm dò điện sinh lý và điều trị các rối loạn nhịp phức tạp của Viện Tim mạch đã có những bước tiến vượt bậc. Bên cạnh việc đặt các máy tạo nhịp thông thường thì việc cất máy ICD, CRT việc sử dụng các song có tần số radio (RF) để điều trị khá triệt để các cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, ngoại tâm thu thất, rung nhĩ… đã được triển khai khá thường xuyên tại Viện.
Từ năm 2002, Viện Tim mạch Việt Nam trở thành một Viện tuyến cuối hoàn chỉnh, có sự phối hợp đồng bộ của cả ba lĩnh vực chính: Nội tim mạch, ngoại tim mạch và tim mạch can thiệp.
Gần đây nhất, nhiều kỹ thuật rất tiên tiến như đặt Stent Graft để điều trị các bệnh lý động mạch chủ, thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI), sửa van hai lá bị hở nhiều bằng Clip (Mitra Clip)… cũng đã được triển khai đầu tiên tại Viện Tim mạch với kết quả rất ngoạn mục.
Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Tim mạch Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể cả về “lượng” và “chất”. Cụ thể: Từ chỗ chỉ có 55 giường bệnh, với khoảng 50 cán bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu…đến nay VTMVN có 475 giường bệnh và nhiều đơn vị chuyên sâu như cấp cứu hồi sức tim mạch, thăm dò hình ảnh, điện tim và đặc biệt là đơn vị tim mạch can thiệp với 6 phòng máy, một đơn vị phẫu thuật với 4 phòng mổ hiện đại.
Đội ngũ nhân lực đã gần 400 người, trong đó có rất nhiều các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… với trình độ chuyên môn hàng đầu, đẳng cấp ngang tầm quốc tế. Từ chỗ, VTMVN chủ yếu là các thực hành lâm sàng với các thăm dò thô sơ thì nay đã trở thành trung tâm hàng đầu trong cả nước và khu vực trong lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành tim mạch. Là tuyến cuối của chuyên ngành, hàng năm, VTMVN đã điều trị nội trú cho trên 20.000 lượt người bệnh tim mạch phức tạp, thăm khám cho hàng trăm nghìn lượt người bệnh, phẫu thuật cho hàng nghìn trường hợp.
Đặc biệt, mỗi năm VTMVN có tới hơn 12.000 bệnh nhân được can thiệp tim mạch và đã trở thành trung tâm lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này. VTMVN là nơi đi đầu trong việc triển khai, áp dụng và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chuyên ngành.
Cùng với đó, Viện cũng là trung tâm đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, chuyên môn cho các bệnh viện trong nước và quốc tế. Đồng thời là cơ sở thực hành và đào tạo chính nguồn nhân lực tim mạch từ cơ sở đến chuyên sâu cho các đối tượng từ đại học đến sau đại học.
Với những đóng góp tích cực cho nền y học Việt Nam, VTMVN đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước: Danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba…
Hồng Thiết
TĐKT - Trách nhiệm, năng nổ và tâm huyết với công việc, cô giáo Lâm Thị Bích Sương, Tổng phụ trách Ðội của Trường THCS Mạc Ðĩnh Chi (thị trấn Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh) luôn là điểm tựa để giúp học sinh vượt khó, học tốt. Gần 28 năm gắn bó với công tác đội ở ngôi trường, cô được các thế hệ học trò và phụ huynh tin yêu, đồng nghiệp quý trọng.
Cô Sương luôn gần gũi với các học trò
Ra trường cách đây 29 năm, cô Sương được phân công về giảng dạy tại trường THCS Nguyễn Tri Phương với bộ môn phụ trách là sinh học. Là một giáo viên trẻ nên khi về công tác tại trường, ngoài công tác giảng dạy trên lớp, cô Sương luôn hăng hái, chủ động hỗ trợ giáo viên Tổng phụ trách Ðội trong việc tổ chức, dẫn dắt các em học sinh tham gia các cuộc thi lớn, nhỏ của trường, của tỉnh.
Sau 1 năm, Ban giám hiệu trường nhận thấy khả năng dẫn dắt học sinh của cô nên đã tin tưởng đã phân công cô giữ nhiệm vụ giáo viên Tổng phụ trách Ðội.
“Sự thật khi được nhận nhiệm vụ tôi vừa vui mừng mà cũng rất lo lắng. Với nhiệm vụ không được qua đào tạo, thời gian đầu tôi gặp không ít khó khăn. Thế nhưng mọi khó khăn đó rồi cũng dần vượt qua, chính nhờ vào tinh thần luôn cầu tiến, không ngừng học hỏi, tìm tòi nghiên cứu trong công việc và lòng yêu nghề mến trẻ cứ thế lớn dậy trong tôi lúc nào không rõ.” - cô Sương chia sẻ.
8 năm phụ trách công tác Ðội ở trường THCS Nguyễn Tri Phương, cô Sương đã đưa mọi hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi của Liên đội trường đi lên. Cô đã góp phần giúp cho công tác Đội của nhà trường đạt được nhiều thành tích và được các cấp ghi nhận.
Ðầu năm học 1998 - 1999, cô Sương được điều động về trường THCS Mạc Ðĩnh Chi công tác. Tại đây, cô vẫn được Ban giám hiệu tin tưởng giao vị trí giáo viên Tổng phụ trách Ðội.
Với 8 năm kinh nghiệm làm Tổng phụ trách, cô Sương nhanh chóng bắt nhịp giảng dạy của các giáo viên cũng như nền nếp của học sinh tại trường và từng bước tiếp cận, làm quen với các em học sinh.
Theo cô Sương, trường THCS Mạc Ðĩnh Chi là một trong những trường điểm của huyện Hòa Thành. Vì vậy, việc học tập ở ngôi trường này được học sinh và cha mẹ học sinh hết sức coi trọng. Nhiều phụ huynh không muốn các em tham gia vào hoạt động văn nghệ, thể thao tại trường vì muốn con mình có thời gian tập trung tốt nhất cho việc học. Đó cũng là lý do khiến phong trào tại trường chưa thật sự được các em hưởng ứng tham gia.
Nắm bắt được tâm lý đó, cô Sương đã chủ động giải thích với phụ huynh, đồng thời phối hợp với giáo viên bộ môn sắp xếp cho học sinh thời gian học và tham gia phong trào một cách hợp lý.
Không chỉ vậy, cô còn chủ động đưa, đón các em đi tập luyện, đi thi khi phụ huynh bận việc và tham mưu Ban giám hiệu trường cộng điểm cho các em đạt thành tích khi tham gia phong trào. Nhờ vậy, phụ huynh dần hợp tác, ủng hộ và tích cực cho con em mình tham gia phong trào Ðội hơn.
Bên cạnh đó, để thu hút học sinh tham gia nhiệt tình vào các phong trào, hoạt động Đội của nhà trường, cô Sương thường xuyên quan tâm đến tâm lý học sinh, tránh để các em cảm thấy bắt buộc, gượng ép trong việc tham gia. Đồng thời, cô luôn sát cánh cùng với các em đội viên, tận tình hướng dẫn, thu hút các em tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Đội.
Đối với những học sinh thiếu tự tin, cô thường xuyên tổ chức các trò chơi để hướng các em vào sinh hoạt tập thể, giúp các em mạnh dạn. Cô còn quan tâm động viên học sinh nỗ lực học tập, đặc biệt là những em cá biệt, giúp các em học sinh này vươn lên học tập tốt, cùng tiến bộ.
20 năm gắn bó với trường THCS Mạc Ðĩnh Chi, cô Sương đã dẫn dắt các đội viên của trường tích cực tham gia nhiều phong trào, hoạt động, góp phần đưa phong trào Ðội của trường có nhiều bước tiến mới. Qua đó, cô đã trở thành người bạn tin cậy của phụ huynh cũng như học sinh ở trường.
Với sự đóng góp của cô, Liên đội Trường THCS Mạc Ðĩnh Chi nhiều năm liền là đơn vị trường dẫn đầu về phong trào thi đua ở cấp huyện, cấp tỉnh. Trong năm học 2018 - 2019, trường đã đạt hạng nhất hội thi “Khéo tay vui Trung thu” cấp tỉnh, hạng nhất toàn đoàn Hội khoẻ Phù Ðổng cấp huyện cùng nhiều giải cao trong các cuộc thi nghi thức Ðội, văn nghệ, năng khiếu.
Ngoài việc là một Tổng phụ trách Ðội tận tình, cô Sương còn là một giáo viên sáng tạo trong công việc. Cô luôn chủ động tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường thành lập nhiều mô hình hoạt động thiết thực, câu lạc bộ năng khiếu dành cho học sinh, đội viên như: Lễ hội Trung thu với các hoạt động khéo tay trung thu, phong trào thể dục, thể thao, chương trình văn nghệ…
Cô còn thành lập CLB Rubik thu hút gần 100 em học sinh yêu thích bộ môn trí tuệ này tham gia. Ngoài ra, cô cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi vòng trường để tạo điều kiện cho các em vui chơi lành mạnh trong giờ ra chơi và ngoài giờ học.
Vào nghề hơn 29 năm thì có tới 28 năm cô Sương tham gia làm Tổng phụ trách Đội, cô đã giành được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Đặc biệt cô Sương vinh dự được nhận được giải thưởng “Cánh én hồng” dành cho các Tổng phụ trách Ðội giỏi do Hội đồng Ðội Trung ương trao tặng trong Liên hoan phụ trách thiếu nhi toàn quốc năm 2018.
Có thể nói, niềm đam mê công tác Đội cùng tình yêu thương học trò đã giúp cô giáo Lâm Thị Bích Sương luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của trường THCS Mạc Ðĩnh Chi, trở thành tấm gương sáng trong công tác Đội của ngành giáo dục.
Bảo Linh
TĐKT - Gần 20 năm gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai là chừng ấy năm thầy Vũ Tam Thăng gắn nhiệm vụ giảng dạy với công tác chủ nhiệm. Thầy tâm niệm: “Một giáo viên chủ nhiệm tốt là một người cán bộ dân vận khéo, người cha, người mẹ thứ 2 của học sinh. Tôi hạnh phúc khi luôn đảm bảo sĩ số suốt hơn 18 năm liền làm chủ nhiệm, dù vẫn luôn có những học trò thử thách lòng kiên nhẫn của mình”. Gần gũi học trò, giúp đỡ các em nhiều nhất có thể - đó là mong mỏi lớn nhất của người thầy giáo tâm huyết với trẻ em vùng cao Ia Pa.
Với học sinh dân tộc nội trú huyện Ia Pa, anh không chỉ là người thầy mà còn là người cha thứ hai hiền hậu luôn quan tâm, yêu thương các con.
Đảm bảo sĩ số cho lớp học - mới nghe tưởng chừng là chuyện bình thường nhưng đó lại là thách thức không nhỏ đối với những thầy, cô giáo ở vùng cao. Học sinh phần lớn là người dân tộc thiểu số, nhà ở vùng sâu, vùng xa, đa số có hoàn cảnh khó khăn. Trong suốt hơn 18 năm liền làm chủ nhiệm, bằng tình yêu thương và trách nhiệm của người thầy, thầy Vũ Tam Thăng đã kiên trì vận động, giúp đỡ các em bám lớp, bám trường.
Cô Võ Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa tự hào: “Lớp nào quậy phá, lớp nào có học sinh thường xuyên nghỉ học, nhiều học sinh yếu kém mà giao cho thầy Thăng chủ nhiệm là coi như mọi chuyện tốt đẹp. Bên cạnh nghiệp vụ sư phạm và chuyên môn vững vàng, thầy Thăng còn rất tâm huyết với học sinh, thực sự coi các em như người thân trong gia đình để lo lắng từng ly từng tí.”
Lớp lớp thế hệ học trò của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa đến nay vẫn còn nhớ như in hình ảnh người thầy giáo tận tụy rong ruổi đi theo học sinh chăn bò để tranh thủ giúp em ôn bài, người thầy không quản ngại sẵn sàng lội giữa đồng nhặt trứng vịt còn sót mang về cho học trò cải thiện bữa ăn… Những món quà nho nhỏ thấm đượm tình yêu thương của thầy, khi là quả trứng, khi là mớ rau, củ, quả… trở thành nguồn tiếp sức vô giá, động viên, chắp cánh cho các em vươn cao, vươn xa hơn trong học tập.
Năm ấy, Ksor H’Binh (xã Ia Tul) học đến lớp 8. Vốn là học sinh giỏi, chăm chỉ và viết chữ đẹp nhưng H’Binh khi ấy bắt đầu lại học tập sa sút và thường xuyên nghỉ học. Được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện lớp 9 nhưng H’Binh nhất quyết không đi thi vì còn bận đi chăn bò. Không những thế, em còn có ý định bỏ học. Nhận ra đôi mắt đượm buồn của H’Binh mỗi lần lên lớp, thầy Thăng đã lặng lẽ tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình em.
“Nhà H’Binh nghèo lắm, bố bỏ đi từ lâu, một mình mẹ phải nuôi 4 người con. Tôi đến tận nhà để ôn tập nhưng em không chịu học mà vẫn ra đồng chăn bò. Trước tình hình đó, tôi bèn... theo em ra đồng” - thầy Thăng nhớ lại. Vậy là, suốt những tháng ngày ấy, thầy cần mẫn đi theo sau cô học trò nhỏ, vừa chăn bò, vừa giúp em ôn thi.
Không phụ lòng thầy, năm ấy, H’Binh đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ văn, trở thành học sinh đầu tiên của nhà trường đạt giải học sinh giỏi cấp huyện.
Cô bé H’Binh ngày nào giờ đã trở thành cô giáo dạy Ngữ văn tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên huyện Ia Pa. Nói về người thầy của mình, cô xúc động: “Hình ảnh 2 thầy trò trên cánh đồng ngày ấy cách đây đã 18 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in. Thầy Thăng là người đã gieo vào lòng tôi tình yêu với văn học để tôi có được ngày hôm nay. Thầy dạy chúng tôi phải biết xây dựng ước mơ và theo đuổi nó. Với tôi, thầy quá tuyệt vời, tôi vô cùng biết ơn và tự hào về thầy”.
Hơn 18 năm, biết bao lứa học sinh đã đi qua ngôi trường này, nhưng với họ, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa không chỉ là nơi ươm mầm ước mơ mà còn là gia đình thân thuộc. Nơi ấy có người thầy – người cha thứ hai luôn yêu thương, nâng đỡ các em.
Trang Lê
TĐKT - Trở về quê hương sau khi tốt nghiệp đại học năm 1987, chứng kiến chữ Thái đang dần bị mai một, nhiều người dân tộc Thái không biết đọc, biết viết chữ của chính dân tộc mình, nghệ nhân Sầm Văn Bình (bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) bắt đầu ấp ủ ước mơ “đánh thức” con chữ Thái. Ông dành hầu hết thời gian miệt mài biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái, xuất bản gần một chục đầu sách có giá trị; nghiên cứu thành công 5 phông chữ Thái để cài đặt vào máy vi tính được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái ở Nghệ An.
Nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình (ngoài cùng bên trái) - điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019, giao lưu với khán giả.
Ông Sầm Văn Bình cho biết: Chữ Thái là một kho báu linh thiêng, có tuổi đời trên dưới cả ngàn năm, đầy ắp những tinh hoa văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc Thái. Tuy nhiên, từ năm 2005 trở về trước, chữ Thái hầu như đã bị lãng quên.
Thế rồi ở xã vùng cao Châu Cường (Quỳ Hợp), một câu lạc bộ chữ Thái đã tự phát ra đời, ông được mời tham gia và trở thành linh hồn của câu lạc bộ này.
“Qua học tập, tôi thấy chữ Thái rất hay, hiểu được nhiều điều để những cái hay cái đẹp phát huy, còn cái lạc hậu thì mình bỏ đi. Mình đi học để biết được chữ của chính dân tộc mình sau bày lại cho con, cho cháu.” – ông Bình chia sẻ.
Một trong những thành công của ông là đã soạn gần như hoàn chỉnh (từ năm 2006 - 4/2010) bộ sách Hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai Tay, gồm 2 tập. Tập 1 dày 108 trang, với 21 bài học có hệ thống rất khoa học từ giản đơn đến phức tạp, giống như những cái bậc đi lên rẫy trên núi cao của người miền Tây, học viên cứ từng bước, kiên trì nhẫn nại mà leo lên. Tập 2 với 20 bài được nâng cao, đảm bảo cho học viên có thể không chỉ đọc thông, viết thạo, mà còn nhớ rất lâu, có thể truyền dạy lại cho người khác được.
Song song và tiếp theo hai cuốn sách được coi như giáo trình này, ông còn hoàn chỉnh được đến 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giàu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái trong vùng và trong cả nước, như: “Hệ chữ Lai - xứ Mường Ham”; “Hệ chữ Lai - xứ Thanh Hoá”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Mùn”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Muỗi”; “Hệ chữ Lai Pao”; “Lịch sử hình thành và phát triển Mường Ham” (viết chung với Thái Tâm). Ông còn viết khá nhiều bài báo giới thiệu về chữ Thái và văn hoá Thái trên các báo trung ương và địa phương.
Đặc biệt ông đã nghiên cứu thành công 5 phông chữ Thái để cài đặt vào máy vi tính được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái ở Nghệ An và được sử dụng cho chuyên mục “Bảo tồn vốn cổ” của Báo Nghệ An cuối tuần từ nhiều năm nay.
Nhiều người tìm đến nghệ nhân Sầm Văn Bình để nhờ ông chỉ dạy thêm về chữ Thái
Sau 10 năm, ông đã mở được hơn 10 lớp học tại huyện với hơn 400 người tham gia học tập. Ngoài ra, ông còn về mở lớp dạy chữ Thái tại gia đình cho khoảng 10 chị em tham gia học tập vào thứ 7, chủ nhật.
Những cố gắng của ông đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều ban, ngành. Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp đã tạo mọi điều kiện để ông nghiên cứu và giảng dạy chữ Thái. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng luôn quan tâm, động viên để ông đạt nhiều thành quả hơn nữa trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển chữ Thái. Đặc biệt, những năm gần đây, Báo Nghệ An còn mở chuyên mục riêng về chữ Thái, thường xuyên có bài viết của ông.
Qua 5 khoá học do ông giảng dạy, với một hình thức sư phạm khá độc đáo, đến nay huyện Quỳ Hợp đã có trên 100 người biết đọc thông, viết thạo chữ Thái hệ Lai Tay, trong đó đến 75% là các em học sinh người dân tộc Thái với độ tuổi từ 15 đến 18. Hiện nay khoá 6 đang tiếp tục, với 3 lớp học và trên 90 học viên, tuổi ít nhất là 13 và nhiều nhất là 45.
Ông tâm niệm: “Việc lưu giữ và truyền dạy chữ Thái là mục tiêu chung trong bảo tồn và phát triển văn hóa của nhà nước. Nhưng ở tầm bản Mường và gia đình, nó là một công việc của mỗi người, trong đó có tôi. Với vai trò là trưởng họ, tôi thấy nên lưu giữ lại những phong tục, tập quán tốt đẹp.”
Từ năm 2011 đến năm 2017, ông Bình đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mang tên “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy, học chữ Thái hệ Lai Tay trên địa bàn Nghệ An”. Tháng 5/2017, đây là đề tài duy nhất trong tổng số 43 công trình được Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Nghệ An trao giải đặc biệt trong cuộc thi sáng tạo KHCN Nghệ An năm 2017.
Ông Sầm Văn Bình đã được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2016; bằng khen của UBND tỉnh đạt giải đặc biệt với công trình “Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai - Tay”; giải thưởng của “Quỹ Tâm tài Nghệ An”; được Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn tham dự chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.
Nguyệt Hà
TĐKT - Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân thì ta nên làm, việc gì có hại đến dân thì ta nên tránh”, được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Dạ 2, xã Cam Đường (TP Lào Cai), chị Sầm Thị Hoàn luôn gương mẫu đi đầu, hết lòng vì công việc chung, được bà con trong thôn quý mến, tin tưởng.
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của chị Sầm Thị Hoàn
Về thôn Dạ 2 hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay ở nơi đây. Đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ; khuôn viên mỗi nhà có tường xây bao quanh, có công trình nước sạch hợp vệ sinh, có vườn rau, chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm; nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng… Nhiều ngôi nhà dột nát, tạm bợ đã được thay thế bằng các ngôi nhà vững chắc; xuất hiện thêm những ngôi nhà mới khang trang. Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của người trưởng thôn gương mẫu Sầm Thị Hoàn.
Từ những ngày đầu nhận trọng trách “vác tù và hàng tổng”, trưởng thôn Sầm Thị Hoàn đã quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới.
Chị cho biết: Thôn Dạ 2 được xã Cam Đường chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới từ năm 2013. Do vậy, Ban phát triển thôn đã thực hiện ngay việc rà soát, triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện đối với 4 tiêu chí chưa đạt gồm tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hoá, cơ cấu lao động và môi trường.
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, chị cùng Ban phát triển thôn đã tổ chức các cuộc họp dân triển khai công việc, lấy ý kiến của các hộ về mức đóng góp chi phí phục vụ các hoạt động thôn và biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, phong trào thi đua đã đề ra. Qua cách làm này, các hộ dân dần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nhiệt tình đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới.
Để bà con tin tưởng và làm theo, chị đã cùng với một số đồng chí trong chi ủy, chi hội phụ nữ gương mẫu làm trước và thành công với mô hình nhà sạch, vườn đẹp do Hội Phụ nữ TP Lào Cai phát động.
Chị tiên phong quy hoạch lại diện tích vườn tạp để trồng các loại rau, củ, quả sạch cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình, đồng thời mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học mới, giống mới vào sản xuất rau màu. Nhờ đó, vườn rau hơn 0,5 ha của chị không những đủ cung cấp cho gia đình mà còn có dư cung cấp ra thị trường thành phố, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 20 - 30 triệu đồng/năm.
Có đồng vốn tích lũy, năm 2016, chị chuyển đổi diện tích trồng rau vườn nhà sang nuôi chăn nuôi lợn thịt và gà Ai Cập. Gà Ai Cập là giống gà dễ nuôi, ăn tạp và khỏe nên chóng lớn, khả năng đề kháng cao, hơn 3 tháng tuổi đã đạt trọng lượng khoảng 1,5 - 2 kg/con, thịt thơm, ngon như thịt gà ta. Nhà lại tận dụng vườn rau cũ để thả gà, vì vậy gà tự đào bới kiếm thêm thức ăn. Trứng gà Ai Cập nhỏ nhưng lòng đỏ to, thơm ngon, xuất bán ra thị trường giá dao động từ 4.000 – 5000 đồng/quả.
Với đàn gà gần 500 con, trừ đi các khoản chi phí, một tháng gia đình chị Hoàn thu lãi 5 - 7 triệu đồng. Kết hợp với nuôi đàn lợn thịt, tận thu rau màu vụ đông canh tác tại ruộng 2 vụ lúa đem lại cho gia đình chị Hoàn thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Thấy mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của chị thành công, nhiều bà con trong thôn đã học tập, làm theo, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, chị Hoàn còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở địa phương. Bỏ qua những khó khăn, trở ngại, chị luôn sâu sát với dân. Mọi khó khăn trong thôn đều được chị cùng các đồng chí trong chi bộ, ban công tác mặt trận thôn giải quyết ổn thỏa.
Nhờ những nỗ lực của trưởng thôn Sầm Thị Hoàn cùng đội ngũ cán bộ thôn, đời sống của bà con thôn Dạ 2 không ngừng được nâng lên; các phong trào văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi; bộ mặt nông thôn mới của thôn ngày càng khởi sắc. Thôn Dạ 2 trở thành lá cờ đầu trong xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, là thôn tiêu biểu nhất trong xây dựng nông thôn mới của xã Cam Đường, được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố Lào Cai công nhận là “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”.
Trang Lê
TĐKT - Với niềm đam mê trồng lan cảnh, từ 1.000 m2 đất của gia đình, chị Nguyễn Thị Thúy Thẩm (khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, Cần Thơ) đã cải tạo, xây dựng vườn lan cho thu nhập trên 70 triệu đồng mỗi năm.
Trước đây, công việc của chị Thẩm chính là thợ may, tuy nhiên theo chị, nghề may chiếm rất nhiều thời gian, hơn nữa thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Do đó, chị quyết tâm tìm hướng đi mới cho mình.
Từ xuất phát yêu thích trồng lan cảnh và nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn, chị đã bắt tay vào thử nghiệm trồng loại cây này.
Năm 2017, vợ chồng chị đã cải tạo 1.000 m2 vườn tạp tại nhà, bố trí nhà lưới, lắp đặt giàn sạp, hệ thống phun tưới tự động… để trồng lan. Với sự hỗ trợ của địa phương, chị Thẩm đã mua khoảng 600 giống lan Dendro. Ngoài ra chị còn nhập thêm một số giống khác như lan canttleya, lan hồ điệp…
Chị Thẩm tự tay chăm chút vườn lan của gia đình
Quá trình trồng lan, chị Thẩm gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Bởi vậy khi trồng, các giò lan bị hỏng rất nhiều. Nhưng nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi nên chỉ sau hơn 2 năm, tay nghề trồng lan của chị đã vững hơn và có thể điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi.
Cũng theo chị Thẩm, những ngày mới bắt đầu trồng lan, ngoài đọc các sách hướng dẫn, chị nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm rất nhiệt tình từ những người trong Hội Lan của quận Bình Thủy về cách trồng, cách chăm bón.
Theo kinh nghiệm của chị, để cây cho hoa đẹp thì người trồng phải hiểu được đặc tính của loài lan là ưa ánh nắng vừa phải, thoáng nên trước khi trồng cần phải thiết kế vườn đảm bảo có điều kiện trên.
Vườn lan của chị được xây dựng bằng giàn để treo hoa, phía trên được bố trí loại lưới có độ che nắng khoảng 40% để che mát, ngoài ra chị còn để một số cây dùng để ghép mầm. Vườn lan được chị chia thành nhiều tầng khác nhau. Chính vì sự sắp xếp khoa học mà vườn lan của chị luôn xanh tốt, cây lan rất khỏe.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm trồng lan, chị Thẩm cho biết: Lan có đặc điểm thẩm thấu phân bón qua lá nhiều hơn qua rễ, nên việc bón phân được thực hiện đều đặn 2 tuần/lần bằng cách phun trên lá, kết hợp với xịt rửa sạch lá trước đó. Điều quan trọng trong kỹ thuật trồng chính là cách phối trộn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sao cho phù hợp với đặc tính của cây. Mỗi giống đòi hỏi tỷ lệ và thời điểm tưới khác nhau để tạo điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt nhất.
Bằng bàn tay khéo léo, chăm sóc công phu, tỉ mẩn, hiện vườn lan của chị có hơn 7.000 chậu với nhiều giống đa dạng như lan hồ điệp, lan cattleya… và sẽ tiếp tục tăng lên để đáp ứng nhu cầu thị trường tại các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… Mỗi chậu có giá dao động từ 30.000 đồng đến vài triệu đồng, sau khi trừ lãi, mỗi năm chị thu được khoảng 70 triệu đồng cho gia đình.
Có thể nói, từ đam mê và tình yêu dành cho hoa lan, mô hình trồng lan của chị Thẩm đã bước đầu mang lại thành công. Sự nhanh nhạy khi nắm bắt nhu cầu thị trường cùng quyết tâm đã giúp cho gia đình chị Thẩm trở thành hộ dân tiêu biểu của phường Thới Đông về làm kinh tế từ vườn hoa phong lan.
Tùng Chi
TĐKT – 33 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Nguyễn Xuân Hùng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nấu ăn – Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để đào tạo những khóa học sinh xuất sắc. Không chỉ là tấm gương sáng trong công tác lãnh đạo, quản lý, thầy còn là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, chân thành, luôn được các thầy cô giáo, đồng nghiệp và các em học sinh yêu mến, kính trọng.
Thầy Nguyễn Xuân Hùng đại diện tập thể Nhà trường đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập trường.
Dù đã thành danh, trở thành những bếp trưởng trong các nhà hàng, khách sạn có tên tuổi tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn khác, nhiều thế hệ học sinh hôm nay vẫn không thể quên công lao của “người đưa đò” cần mẫn Nguyễn Xuân Hùng. Chính thầy là người đã thắp lên ngọn lửa đam mê đối với ẩm thực và truyền dạy cho họ con đường dẫn tới thành công.
Theo học trường Kỹ thuật ăn uống phục vụ Hà Nội từ năm 1985, trong suốt những năm tháng trên giảng đường, cậu học sinh Nguyễn Xuân Hùng luôn thể hiện là một người thông minh, ham học hỏi, đạt thành tích xuất sắc và được giữ lại làm giảng viên của nhà trường. Vừa ra trường, cuộc sống khó khăn, ăn còn không đủ, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng bằng lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy luôn tìm tòi, đưa những phương pháp giảng dạy mới vào từng bài giảng để các học sinh dễ hiểu và có thể tiếp thu kiến thức, kỹ năng nghề một cách nhanh chóng.
Vừa công tác tại trường, thầy Xuân Hùng còn dành thời gian tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ, tiếp tục học chương trình đại học. Những năm tháng học tập tại khoa Khách sạn - Du lịch - trường Đại học Thương mại đã luôn thôi thúc thầy phải phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp.
Say sưa tìm tòi, khám phá, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhiều năm liền thầy giành giải cao trong các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố và cấp toàn quốc. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của thầy đã được áp dụng hiệu quả trong nhà trường và được nhiều trường bạn học tập. Đặc biệt, thầy đã trực tiếp bồi dưỡng cho nhiều em học sinh tham gia và đạt giải tại Hội thi học sinh giỏi tay nghề các cấp.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Hùng (đứng thứ 2 từ phải sang trái), Chủ tịch Hội đồng thi số 4 tại Hội thi tay nghề thành phố Hà Nội động viên các thí sinh dự thi
Năm 2013, được tín nhiệm bầu làm Hiệu trưởng nhà trường, bắt tay vào làm công tác quản lý trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thầy Hùng luôn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo. Thầy không ngừng tu dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị; tự giác học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm; xây dựng khối đoàn kết, cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đẩy mạnh các phong trào thi đua.
Xác định yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường chính là cơ sở vật chất và xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, thầy đã tham mưu với các cấp lãnh đạo về việc đầu tư, sữa chữa, nâng cao cơ sở vật chất nhà trường, đảm bảo phục vụ các hoạt động giáo dục ở điều kiện tốt nhất. Cùng với đó, hàng năm, thầy đều yêu cầu xây dựng kế hoạch tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên.
Ngoài việc bản thân tự học để không ngừng nâng cao về chuyên môn, thầy Xuân Hùng cũng luôn phát huy dân chủ, quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thầy đã động viên cán bộ, giáo viên nhà trường bồi dưỡng thêm về ngoại ngữ, công nghệ thông tin và nhiều kỹ năng mềm khác để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục Thủ đô và hội nhập quốc tế.
Với vai trò người đứng đầu nhà trường, thầy Hùng cũng luôn quan tâm và tạo điều kiện để các phong trào thi đua, cuộc vận động được triển khai hiệu quả trong trường. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ, cổ vũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nỗ lực hơn trong mỗi công việc đảm nhận.
Không chỉ vậy, công tác tuyên dương, khen thưởng học sinh vượt khó, học sinh đạt thành tích cao trong học tập cũng được thầy quan tâm sâu sắc. Bằng sự vận động của thầy hiệu trưởng, quỹ học bổng dành cho học sinh luôn nhận được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
Dưới sự dẫn dắt của thầy Xuân Hùng, người Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy tâm huyết, trách nhiệm, nhà trường đã gặt hái được nhiều thành tích đáng khích lệ và tự hào như: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Bằng khen của UBND TP Hà Nội, Giấy khen của Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội...
Thầy chia sẻ: Tâm nguyện lớn nhất của thầy đó là cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thực hiện được mục tiêu: Đưa trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội đến những tầm cao mới, xứng đáng với những gì các nhà giáo lão thành đã gây dựng và kỳ vọng.
Phương Linh
TĐKT - Ngày 18/11, Trường Đại học Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1959 - 2019). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tới dự. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo các thế hệ sinh viên, giáo viên của nhà trường.
Trường Đại học Hà Nội tiền thân là Trường Bổ túc Ngoại ngữ, được thành lập ngày 16/7/1959. Ban đầu trường chỉ có 3 cán bộ phụ trách, 50 giáo viên (tiếng Nga và tiếng Trung Quốc), hơn chục nhân viên phục vụ và cấp dưỡng, cơ sở vật chất nghèo nàn với vài ba căn nhà tranh tre nứa lá.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trường đã thực sự trưởng thành là một trong những trường đứng đầu cả nước về đào tạo ngoại ngữ và là một trong 4 trường đại học ở Việt Nam thực hiện thành công tự chủ toàn diện.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi lễ
Hiện nhà trường có 473 giảng viên và 234 cán bộ, nhân viên. Trường cũng đã bồi dưỡng ngoại ngữ cho hơn 30.000 lưu học sinh, trên 10.000 thực tập và nghiên cứu sinh và trên 70.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Công tác hợp tác quốc tế là một điểm nổi bật, đánh dấu sự năng động, tầm nhìn xa mang tính chiến lược, đón đầu xu hướng phát triển, hội nhập quốc tế của nhà trường.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2009 – 2019, nhà trường đã ký 547 thỏa thuận hợp tác với 315 đối tác nước ngoài đến từ hơn 28 quốc gia trên thế giới; tiếp nhận và giảng dạy cho gần 7.000 lưu học sinh nước ngoài của hơn 45 quốc gia và lãnh thổ. Gần 300 sinh viên/năm của nhà trường được tham gia các chương trình trao đổi, học bổng tại các trường đối tác nước ngoài.
Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ
Tự hào với những thành tích đã đạt được trong 60 năm lịch sử xây dựng và phát triển nhưng Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Trào cho rằng, nhà trường sẽ không tự mãn với những kết quả đó mà luôn đặt ra mục tiêu chiến lược, định hướng phát triển trong bối cảnh mới.
Trường xác định sứ mệnh phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân, hướng tới cung cấp các dịch vụ giáo dục theo tiêu chuẩn xuất sắc của quốc tế.
Theo định hướng đại học ứng dụng, trường lựa chọn quốc tế hóa toàn diện là phương châm phát triển chiến lược. Thông qua đó, một mặt trường thu hút nhiều sinh viên và giảng viên quốc tế đến học tập và giảng dạy tại nhà trường; mặt khác giúp sinh viên tiếp cận chất lượng đào tạo quốc tế và thúc đẩy giao lưu học thuật.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong suốt quá trình 60 năm xây dựng và phát triển. Đồng chí mong rằng, nhà trường tiếp tục phát huy thế mạnh của mình để cung cấp cho xã hội một nguồn lực chất lượng cao, vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi ngoại ngữ, sinh viên ra trường không chỉ làm việc được ở trong nước mà có thể làm việc được ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
“Trong thời đại thế giới phẳng, công nghệ và khoa học phát triển, Trường Đại học Hà Nội cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và phải không ngừng nỗ lực, cố gắng để tiến kịp, sánh cùng thế giới”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhắn nhủ tới các thế hệ tiếp theo của Trường Đại học Hà Nội.
Mai Thảo
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 79
- 80
- 81
- 82
- 83
- …
- sau ›
- cuối cùng »