TĐKT - Kế thừa tình yêu nông nghiệp từ bố mẹ, thấu hiểu những khó khăn của đồng bào dân tộc, người đẹp vùng cao nguyên đá Đồng Văn Lưu Thị Hòa (dân tộc Cờ Lao) quyết tâm trở về khởi nghiệp từ nông nghiệp, làm giàu cho quê hương. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, hiện nay Hòa đã là Chủ nhiệm HTX Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ Thương mại tổng hợp Po Mỷ với 7 thành viên cùng 2 cửa hàng phân phối các đặc sản của vùng cao Hà Giang ở Hà Nội, với mức doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi tháng.
Lưu Thị Hòa giới thiệu sản phẩm mật ong bạc hà, đặc sản của Đồng Văn
Sinh ra tại Đồng Văn, Hà Giang, với ngoại hình xinh đẹp, cao ráo và khả năng giao tiếp tự tin, Hòa từng đoạt giải Nhất và giải Thí sinh có gương mặt đẹp nhất cuộc thi Người đẹp miền Cao nguyên đá lần thứ nhất năm 2014, lọt top 60 (vòng chung kết) cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2013.
Sau khi tốt nghiệp khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cô đã từ chối làm việc cho một số công ty danh tiếng với thu nhập từ 12-15 triệu đồng để trở về quê hương lập nghiệp.
Đến giờ, Hòa vẫn luôn tự hào về con đường cô đã chọn: “Bản thân em sinh ra và lớn lên ở mảnh đất còn nhiều gian khó, thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn của bà con dân tộc. Cùng với sự hiểu biết về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, sạch, hiện đại sau nhiều năm sinh sống tại Thủ đô, em quyết định thành lập HTX để khởi nghiệp từ nông nghiệp, giúp nền nông nghiệp quê hương em phát triển, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho bà con”.
Mảnh đất Đồng Văn, nơi Hòa sinh ra và lớn lên có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho nhiều loại rau, củ, quả phát triển, được nhiều du khách ưa dùng. Tuy nhiên, bà con nơi đây còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thủ công, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Trăn trở trước thực tại ấy, sau nhiều năm ấp ủ và kiên trì thuyết phục gia đình, Hòa mạnh dạn kêu gọi các thành viên thành lập HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ vào tháng 10/2017. Quy mô của HTX có 2.700 m2 nông trại với quy trình khép kín, trồng, sản xuất, kinh doanh một số nông sản, đặc sản: Mật ong bạc hà, cây ăn quả lâu năm, rau củ ngắn ngày…
Để khảo sát, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, thời gian qua, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều vùng, miền. Đồng thời, HTX cũng đã mở một chuỗi cửa hàng “Về bản” tại Hà Nội. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh bước đầu đạt trung bình mỗi tháng vài trăm triệu đồng.
Các sản phẩm của HTX Po Mỷ được quảng bá tại nhiều hội chợ, triển lãm.
Năm 2018, vượt qua hàng trăm dự án, cô gái dân tộc Cờ Lao đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ” và đạt giải khuyến khích.
Dự án Hòa mang đến cuộc thi là “Farmstay - Nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Văn - Hà Giang”, tập trung triển khai vùng trồng rau an toàn và cây ngắn ngày tại xã Phố Là, Sủng Là. Bước đầu, Dự án liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khắc phục những khó khăn trong quá trình canh tác và kết nối những sản phẩm đặc sản đến với thị trường rộng lớn hơn.
Giai đoạn thứ hai, Dự án tập trung vào khai thác yếu tố văn hóa, du lịch từ nền tảng thế mạnh du lịch địa phương kết hợp nông trại đã xây dựng giai đoạn 1, tiến hành hoàn thiện cơ sở vật chất, liên kết đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Hòa tâm sự: “Em hy vọng đây sẽ là mô hình kiểu mẫu để có thể là động lực cho các thanh niên dân tộc thiểu số khác phát triển, tận dụng tài nguyên bản địa để làm giàu cho quê hương mình.”
Tháng 11/2019, Lưu Thị Hòa đã lọt vào danh sách Short List Women of the future Awards - Giải thưởng Phụ nữ tương lai 2020, tôn vinh phụ nữ thành đạt tại các quốc gia Đông Nam Á, được chọn tham gia mạng lưới hợp tác toàn cầu của các phụ nữ tài năng đi đầu trong lĩnh vực phát triền kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị Đông Nam Á, ở hạng mục Social Entrepreneur.
Giải thưởng ghi nhận sự đóng góp của cô gái Cờ Lao cho cộng đồng, đây sẽ là một cột mốc quan trọng để Hòa phấn đấu hơn nữa, cố gắng hơn nữa cho đồng bào, cho quê hương.
Con đường khởi nghiệp vẫn còn nhiều chông gai phía trước, nhưng những bước đi táo bạo của Lưu Thị Hòa đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Đồng Văn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trên con đường khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Phương Thanh