“Từ mẫu” của người nghèo làng biển
07/02/2020 - 09:03

TĐKT - Mỗi ngày, phòng khám quân dân y của Đồn Biên phòng Hải Vân tại Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đón hàng chục bệnh nhân đến châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và chữa trị. Hơn 10 năm gắn bó với phòng khám, bằng tấm lòng và y đức của “người thầy thuốc quân hàm xanh”, Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Ninh Công Khánh đã giành trọn tình cảm yêu mến, tin tưởng của bà con làng biển.

Thiếu tá, QNCN Ninh Công Khánh khám bệnh và tư vấn điều trị cho bà con

Được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng điều động về công tác tại phòng khám từ năm 2009 với cơ sở vật chất, trang thiết bị đơn sơ, thiếu thốn, ngay từ những ngày đầu, y sĩ Ninh Công Khánh cùng đồng đội đã luôn nỗ lực phấn đấu để làm tròn nhiệm vụ được giao.

Phòng khám khi đó chỉ có 1 ống nghe, 1 bộ đo huyết áp, 1 máy châm cứu, 1 đèn chiếu tia hồng ngoại, 1 giường bệnh và một cơ số thuốc điều trị bệnh thông thường. Vượt lên khó khăn, anh cùng đồng đội đã giúp đỡ được hàng ngàn lượt người dân trên địa bàn thoát khỏi bệnh tật, được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân quý mến.

Hơn 10 năm công tác tại đây, Thiếu tá Ninh Công Khánh luôn tích cực nghiên cứu, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, y đức; thường xuyên cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là khu dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân nắm được mục đích, tác dụng của mô hình “Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên” trong đó có công tác quân dân y kết hợp; khám và điều trị miễn phí cho nhân dân.

Anh kể: “Lúc đầu mọi người còn e dè, nhưng người này đỡ bệnh rồi, đi nói với người kia nên bà con dần dần tin tưởng và đến với phòng khám ngày một đông”.

Không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân tại phòng khám, anh còn tranh thủ đi khắp làng biển để khám, chữa bệnh “lưu động” cho những bệnh nhân đi lại khó khăn, không có khả năng đến với phòng khám. Anh cũng không ngại đến khám cho bà con nghèo, không có khả năng đi lại ở các khu dân cư lân cận.

Cuối năm 2015, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố điều chuyển anh về công tác tại Bệnh xá Biên phòng thành phố, bàn giao công tác quân dân y kết hợp tại khu dân cư văn hóa biển Kim Liên cho một đồng nghiệp khác. “Biết tin tôi đi, bà con làng biển kéo về chật kín cả phòng khám quân dân y kết hợp đề nghị giữ tôi lại, nhưng nhiệm vụ cấp trên phân công nên tôi phải thực hiện và hứa với bà con tôi sẽ tranh thủ sắp xếp thời gian để về chăm sóc cho bà con.” - Anh xúc động kể lại.

Trong 1 năm đó, anh được bà con cho mượn một căn nhà ở làng biển để làm chỗ khám bệnh miễn phí cho mọi người. Mọi máy móc, vật dụng đều do anh bỏ tiền túi ra mua sắm. Kể từ đó, hàng ngày, cứ sau giờ làm việc ở Bệnh xá Biên phòng thành phố và không trực, anh lại chạy xe máy vượt hơn 20 km về với bà con làng biển để khám, chữa bệnh.

Về sau, anh được địa phương tạo điều kiện cho mượn nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc để khám bệnh. Cũng từ đó đến nay, nơi ấy được bà con làng biển gọi với cái tên thân thương là “Trạm xá của người nghèo”.

Năm 2016, theo đề nghị của bà con nhân dân khu vực Kim Liên, anh được Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố điều động trở lại với Phòng khám quân dân y Kim Liên. Một vai hai trách nhiệm, anh vừa làm tròn trách nhiệm ở phòng khám, vừa tranh thủ chữa bệnh miễn phí cho bà con ở Trạm xá của người nghèo.

Nghe tin anh trở lại khám, chữa bệnh, bà con Kim Liên và bà con ở khắp các địa phương về phòng khám “Quân dân y kết hợp” ngày một đông dần. Mỗi ngày trung bình anh chữa trị cho gần 50 người, ngày nào cũng phải đến gần 22 giờ tối mới hết bệnh nhân.

Anh cho biết: “Trước đây, chúng tôi có thể vận dụng số thuốc dự phòng sẵn sàng chiến đấu không sử dụng hết để cấp miễn phí cho bà con; nhưng từ năm 2017 đến nay, thuốc được quyết toán theo quy định của bảo hiểm y tế nên không thể lấy thuốc cấp miễn phí cho bà con được.”  

Trước khó khăn đó, anh đã bàn với khu dân cư vận động các nhà hảo tâm và cả sự đóng góp, ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân để mua thuốc; thậm chí có lúc bí quá anh đã bỏ tiền túi ra để mua. Tính đến nay, anh đã ủng hộ được trên 60 triệu đồng, tiền mua thuốc và trang thiết bị phục vụ bà con.

Để chia sẻ với phòng khám, nhiều lần bà con đề nghị xin được góp 15 ngàn đồng/2 ngày thuốc điều trị. Anh đồng ý nhưng nhất quyết không nhận quá 15 ngàn và không nhận tiền của những người có hoàn cảnh khó khăn. Các nhà hảo tâm ủng hộ thông qua Đồn và địa phương, sau đó chuyển đến phòng khám.

Từ khi thành lập Phòng khám “Quân dân y kết hợp” đến nay, anh đã khám và chữa bệnh cho hàng ngàn lượt bệnh nhân trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc cũng như bệnh nhân từ các quận, huyện khác đến…

Bằng những phương pháp kết hợp đông tây y hay phương pháp tác động cột sống tùy theo từng bệnh nhân cho phù hợp, anh đã chữa trị thành công nhiều bệnh nhân mắc bệnh xương khớp mãn tính, tai biến mạch máu não. Tiêu biểu như bệnh nhân Lê Thị Thanh Hiền tổ 28 Phường Hòa Hiệp Bắc bị tai nạn giao thông năm 2006 với chẩn đoán của Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng là chấn thương sọ não, liệt tứ chi, qua thời gian điều trị tại phòng khám “Quân dân y kết hợp”, đến nay bệnh nhân đã chống nạng đi lại và làm được những việc sinh hoạt cá nhân. Bệnh nhân Nguyễn Văn Định bị liệt tứ chi do tai biến mạch máu não, qua thời gian điều trị đến nay bệnh nhân đã tự làm được những việc phổ thông…

Ngoài thời gian phụ trách phòng khám “Quân dân y kết hợp”, anh tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch, bệnh chăm sóc sức khỏe chu đáo mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ ốm đau. Kiểm tra thường xuyên, kê đơn thuốc điều trị hiệu quả các bệnh thông thường tại đơn vị. Những ca bệnh nặng, phức tạp được kịp thời chuyển lên tuyến trên điều trị dứt điểm. Do vậy quân khỏe của đơn vị phục vụ sẵn sàng chiến đấu luôn đạt trên 98,5%.

Hàng năm, anh luôn được tín nhiệm và cử đi tham gia các đợt khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho phụ nữ và người dân nghèo nơi biên giới các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Hà Tĩnh… theo Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Về nguồn”…

Thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng 5 năm qua, anh được Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng và các ngành địa phương kịp thời ghi nhận và biểu dương khen thưởng. Năm 2019, anh tiếp tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Tuy nhiên, đối với anh, phần thưởng lớn nhất là được nhân dân trìu mến gọi tên “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Bác sĩ quân hàm xanh”…

Nguyệt Hà