Phụ nữ Cục Đối ngoại hội nhập và phát triển
02/03/2020 - 10:04

TĐKT – Thời gian qua, công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ ở Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) luôn được các cấp ủy, chỉ huy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi trọng xây dựng và duy trì tốt các mô hình, điển hình tiên tiến. Đặc biệt, mô hình “Phụ nữ Cục Đối ngoại hội nhập và phát triển” được triển khai sâu rộng và ngày càng phát huy hiệu quả.

Hội Phụ nữ Cục Đối ngoại có 170 hội viên, chiếm 44,5% tổng số quân toàn đơn vị. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Chương trình Đại hội Phụ nữ các cấp, công tác Hội đã thực sự đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mà ngành đối ngoại quốc phòng giao cho chị em phụ nữ đơn vị, góp phần thực hiện hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng một cách sâu rộng, toàn diện, đạt được nhiều kết quả quan trọng, có tính đột phá.

Tuy nhiên, công tác đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) đặt ra yêu cầu cao, cường độ lớn trong tình hình mới, đòi hỏi tính toàn diện trong công tác tham mưu, nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện đối với chị em làm công tác này. Bên cạnh đó, biên chế tổ chức của đơn vị có nhiều biến động, chia tách; chị em làm công tác đối ngoại quốc phòng nhiều đồng chí đã có gia đình, bận con nhỏ; cán bộ, hội viên các đơn vị làm kinh tế, kết hợp làm kinh tế thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn... đã có ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Trước tình hình đó, mô hình “Phụ nữ Cục Đối ngoại hội nhập và phát triển” được xây dựng từ năm 2016, nhằm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ Quân đội đoàn kết - sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2016 - 2022, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tiêu chí “Bốn tốt” trong cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ Tổng Tham mưu.

Mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp cho cán bộ, hội viên tích cực học tập, nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt. Từ năm 2016 đến nay đã có 30 chị em có trình độ cao đẳng, đại học...; 100% chị em đăng ký học tập ngoại ngữ, có hơn 100 chị em nói lưu loát một ngoại ngữ; có một số chị nói được 2 thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung)...

Chị em đã có nhận thức sâu hơn về nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng. Hằng tháng, Hội Phụ nữ tổ chức cho chị em xem bản tin quân sự nước ngoài do Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng cung cấp, nghe thông báo tình hình thời sự; học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư...

Mô hình đã tạo đòn bẩy, động viên, khích lệ chị em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn được giao: Phục vụ tốt các hoạt động của đoàn Tùy viên Quân sự các nước tại Việt Nam; đoàn phu nhân, đoàn tùy viên quân sự đi tham quan nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ.... Hoạt động của các Nhà khách luôn bảo đảm hiệu quả, phục vụ tốt các hoạt động ĐNQP, đón tiếp, tiếp kiến của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tại Sở chỉ huy K2000. Đã tiến hành tổ chức đón tiếp nhiều đoàn quân sự cấp cao các nước sang thăm và làm việc; đồng thời tổ chức các đoàn cấp cao của Bộ Quốc phòng đi công tác nước ngoài đảm bảo hiệu quả, trọng thị, an toàn, tiết kiệm, góp phần không nhỏ vào thành công chung của các chuyến thăm cũng như trong việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

Chị em khối làm kinh tế và kết hợp làm kinh tế đã hướng tập trung vào thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng; tích cực trong công tác sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm dịch vụ của các chị luôn đạt chất lượng cao, chiếm lĩnh được thị trường; bảo toàn, phát triển được nguồn vốn Nhà nước giao; phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ ĐNQP...

Chị em làm công tác văn thư - lưu trữ, văn phòng phục vụ đắc lực cho việc chuyển giao công văn, tài liệu nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Công tác văn thư lưu trữ luôn đảm bảo bí mật, an toàn, đúng nguyên tắc.

Chị em làm công tác tài chính, kế toán, thủ kho đã đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính, quản lý tốt tài chính của đơn vị, kịp thời bảo đảm tài chính cho hàng nghìn đoàn ra, đoàn vào. Thực hiện tốt nền nếp kiểm tra, lưu trữ chứng từ, sổ sách kế toán, bảo đảm khoa học. Thông qua các lần kiểm tra, kiểm toán, quyết toán đều được cấp trên nhận xét đánh giá tốt và được nhận Bằng khen của Bộ Tổng Tham mưu là “Đơn vị quản lý tài chính tốt”.

 Chị em làm công tác đảm bảo hậu cần, luôn chăm lo tận tình, chu đáo, cải tiến các bữa ăn, chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ trong đơn vị, đã bảo đảm hơn 135.000 suất ăn nội bộ; bảo đảm 1.278 tặng phẩm đoàn A, 8.372 tặng phẩm đoàn B, 8.215 tặng phẩm đoàn C. Chị em công tác quân y đã khám chữa bệnh, cấp thuốc cho 5.140 lượt cán bộ, công nhân viên; khám, cấp thuốc miễn phí cho 824 người nghèo, người già, vợ liệt sĩ cô đơn... tại xã Trực Chính (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) và xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Bên cạnh đó, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và đã được phụ nữ Cục Đối ngoại triển khai tích cực, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn nhiệm vụ ĐNQP.

Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, hội viên phụ nữ của Cục đã tham gia, đồng triển khai 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và nhiều đề án, sáng kiến, giải pháp cấp ngành; một số đề tài, giải pháp, sáng kiến đã được áp dụng có hiệu quả cao vào thực tiễn. Tiêu biểu là: Đề án cấp Bộ Quốc phòng “Quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc”; Đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác ĐNQP thời kỳ hội nhập quốc tế”; sáng kiến “Xây dựng Nghị định của Chính phủ về Đối ngoại Quốc phòng”, Nghị định 104/CP về đón tầu nước ngoài; giải pháp “Xây dựng và phát triển Trung tâm Gìn giữ hòa bình”...

Đặc biệt, giải pháp “Tổ chức hoạt động Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt Nam - Trung Quốc” đã mang lại hiệu quả thiết thực trong mối quan hệ láng giềng hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đến nay hoạt động Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới đã tổ chức được 5 lần, góp phần tăng cường tình đoàn kết - hữu nghị giữa hai nước.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiều hội viên Hội Phụ nữ của Cục đã trực tiếp tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định số 22 của Chính phủ quy định về ĐNQP; Nghị quyết số 806 của Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế và Đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Đề tài cấp quốc gia “Cách mạng Cam-pu-chia - Những vấn đề đặt ra trong quan hệ giữa Việt Nam với Cam-pu-chia và các nước khác”...

Ngoài ra, thực hiện Nghị định thư Việt Nam - Lào giai đoạn 2009 - 2014, 2015 - 2019, nhiều hội viên Hội Phụ nữ của Cục đã trực tiếp đưa đón hàng nghìn cán bộ, sĩ quan của nước bạn Lào sang khám, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đảm bảo chu đáo, an toàn tuyệt đối.

Với chức năng là cơ quan đầu ngành về ĐNQP, cán bộ nữ làm công tác nghiệp vụ ĐNQP còn tập trung làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động ĐNQP theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, kế hoạch của Bộ Quốc phòng.

Có thể khẳng định mô hình “Phụ nữ Cục Đối ngoại hội nhập và phát triển” đã được hội viên phụ nữ đặc biệt quan tâm. Qua thực hiện mô hình, trên từng cương vị công tác, chị em luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam, xây dựng lối sống lành mạnh, có ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nhất trí, xác định tốt trách nhiệm đoàn kết, hỗ trợ, nỗ lực phấn đấu vươn lên, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Minh Phương