TĐKT - 30 tuổi là Phó Giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), chuyên gia kỹ thuật Lê Quang Hiếu (sinh năm 1989) đã khẳng định trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực điện toán đám mây, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và truyền cảm hứng cho hàng nghìn sinh viên có đam mê sáng tạo về công nghệ. Anh được đề cử là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019.
Từ sự tò mò, tinh nghịch…
Tiếp chúng tôi tại căn phòng làm việc ngăn nắp, trên bức tường được trang trí bởi các sơ đồ vệ tinh sáng tạo, độc đáo, Phó Giám đốc trẻ tuổi Lê Quang Hiếu vui vẻ kể lại câu chuyện đến với công nghệ thông tin từ một kỷ niệm đầy tinh nghịch.
Sinh ra trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là những chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng Hiếu sớm được khơi dậy niềm đam mê công nghệ từ lúc mới 11 tuổi, nhờ được mẹ mua tặng một chiếc máy tính - một trong những công nghệ hiện đại bậc nhất tại Việt Nam thời bấy giờ.
Thế nhưng, quy định sử dụng máy tính 1 giờ đồng hồ/ngày do người mẹ đặt ra đã không làm thỏa mãn sự tò mò của cậu bé mới lớn ấy. Bởi vậy, mỗi lần được cho tiền tiêu vặt, Hiếu thường dành dụm rồi tìm mua những cuốn sách viết về cách phá khóa máy tính để chơi “lậu” thời gian bố mẹ vắng nhà. Thậm chí, để “hạ nhiệt” chiếc máy tính tránh khỏi sự phát hiện của mẹ, cậu đã nghĩ ra cách dùng đá trong tủ lạnh và quạt cây để làm mát...
Cứ thế, tình yêu, đam mê khám phá, làm chủ các thiết bị máy móc, công nghệ đến với Hiếu một cách tự nhiên. Cậu quyết tâm thi đỗ trường Đại học Bách khoa Hà Nội để có thêm nhiều cơ hội thỏa mãn những mong muốn và sở thích của mình.
Hiếu tự tin trình bày ở nhiều hội thảo do cộng đồng mã nguồn mở thế giới tổ chức
Năm 2009, khi đang là sinh viên năm thứ 3, nhận thấy điện toán đám mây là một trong những trào lưu công nghệ mới của thế giới, có khả năng đem lại hiệu quả ứng dụng cao trong thực tế cuộc sống, Hiếu đã tự nghiên cứu, tìm hiểu, tham gia các hoạt động cùng cộng đồng điện toán đám mây trên thế giới. Đồng thời, dưới sự định hướng của các giảng viên Trung tâm Tính toán hiệu năng cao, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hiếu chọn điện toán đám mây là đề tài nghiên cứu khoa học và là đồ án tốt nghiệp của mình.
Năm 2013, anh và một số người bạn đã đứng ra thành lập OpenStack Việt Nam với mong muốn hội tụ thêm nhiều người hiểu và quan tâm đến điện toán đám mây hơn nữa. OpenStack Việt Nam nhanh chóng phát triển với lượng thành viên ngày càng lớn (hiện nay là hơn 5.000 người), trở thành một trong những cộng đồng đầu tiên trên tổng số hơn 130 cộng đồng điện toán đám mây mã nguồn mở được công nhận chính thức trên toàn thế giới.
Cái tên Lê Quang Hiếu được nhiều người biết đến. Năm 2016, Hiếu được Tập đoàn Fujitsu Việt Nam mời về làm việc, quản lý 10 nhân viên trong lĩnh vực điện toán đám mây. Tại đây, Hiếu có cơ hội được tham gia nhiều hội thảo do cộng đồng mã nguồn mở thế giới tổ chức, nên học hỏi được rất nhiều điều.
“Tuy nhiên, khi nhìn thấy trên bản đồ điện toán đám mây thế giới vắng bóng Việt Nam, tôi không khỏi chạnh lòng. Chính hình ảnh đó đã thôi thúc tôi phải làm gì đó để điện toán đám mây của nước mình có tên tuổi trên bản đồ thế giới. Vì vậy, năm 2018, tôi trở về Viettel để góp sức xây dựng tập đoàn ngày càng lớn mạnh bằng chính tâm huyết của mình” – Hiếu tâm sự.
…đến chủ nhân của sáng kiến phát triển hạ tầng Viettel
Chia sẻ về thời gian đầu làm việc ở Viettel, Hiếu cho biết: Thời điểm đó, điện toán đám mây vẫn là một khái niệm hết sức xa lạ với nhiều người Việt, ngay cả với những thủ lĩnh ở Viettel. Vì vậy, Hiếu vừa phải kiên trì giải thích, đồng thời vừa nghiên cứu tạo ra những sản phẩm cụ thể để chứng minh những tiện ích của xu hướng công nghệ mới này.
Phó Giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) Lê Quang Hiếu
Hiếu kể “Lúc đó, một thực trạng thường xuyên diễn ra ở Viettel đó là: Nếu nhiều khách hàng cùng sử dụng các dịch vụ của Viettel một lúc, thường hay xảy ra hiện tượng bị treo, chậm, gây khó chịu. Mỗi lần như vậy, nhân viên Viettel phải mất nhiều thời gian, công sức để tìm cách đắp thêm hạ tầng, mở rộng máy chủ… nhằm đáp ứng được tải của người dùng. Tuy vậy, chất lượng dịch vụ của Vietel vẫn làm nhiều khách hàng không hài lòng. Tôi đã nghiên cứu, đưa điện toán đám mây vào để giám sát hoạt động của hệ thống máy chủ. Khi có ít người sử dụng dịch vụ, máy chủ được tự động tắt bớt, tiết kiệm điện. Khi nhiều người dùng ồ ạt thì máy chủ sẽ tự động mở rộng ra, tạo thêm những con máy chủ khác để đáp ứng nhiều tải của người dùng…. Nhờ đó, anh em kỹ thuật thay vì hò nhau đi lắp thêm máy chủ thì nay chỉ giám sát qua màn hình; tiết kiệm tối đa các chi phí cho Tập đoàn; tình trạng treo, đơ mạng sử dụng dịch vụ không còn, khách hàng phản hồi tốt... ”.
Từ thành công nho nhỏ nhưng mang lại hiệu quả thiết thực như vậy, dần dần Hiếu giúp lãnh đạo và công nhân viên ở Viettel hiểu và tin tưởng về hiệu quả của công nghệ điện toán đám mây. Hiếu được lãnh đạo Tập đoàn tin tưởng giao thực hiện dự án phát triển hạ tầng của Viettel.
Với quyết tâm cao, chỉ sau 3 tháng, anh cùng các cộng sự đã hoàn thành triển khai hạ tầng điện toán đám mây cho VTNet, chuyển dịch các ứng dụng MOSS của Viettel trên nền điện toán đám mây, rút ngắn thời gian hoàn hiện, đem lại hơn 620 tỷ đồng cho Tập đoàn. Cho tới hết năm 2019, Viettel đã mở rộng lên 585 máy chủ vật lý, có khả năng cấp phát hơn 1.000 máy chủ dịch vụ. Hiện tại, hạ tầng Điện toán đám mây Viettel đang là hệ thống có tổng tài nguyên tính toán lớn nhất Việt Nam.
Đồng thời, Hiếu còn tham gia chính trong việc nghiên cứu xây dựng, triển khai các sáng kiến trong lĩnh vực vận hành khai thác dịch vụ công nghệ thông tin... Hiện nay, quy mô hạ tầng VTNet hiện đang đứng trong nhóm 19% các hạ tầng điện toán đám mây nguồn mở trên thế giới, top 50 doanh nghiệp trên thế giới và số 1 Đông Nam Á đóng góp mã nguồn, thiết kế vào giải pháp điện toán đám mây nguồn mở. Đây không chỉ là thành công của riêng cá nhân Lê Quang Hiếu mà còn là niềm tự hào của công nghệ Việt Nam khi đã khẳng định được tầm vóc và tên tuổi của mình trên trường quốc tế.
…và người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ
Là người đi đầu trong việc đưa điện toán đám mây trở thành trào lưu công nghệ thành công tại Việt Nam, Lê Quang Hiếu đã trở thành thần tượng trong mắt nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ. Năm 2013, Hiếu tạo lập nên cộng đồng Open Stack - một trong 50 câu lạc bộ công nghệ chính thức trên thế giới, nơi giao lưu, chia sẻ những kiến thức, thông tin bổ ích về công nghệ cho nhiều người có cùng niềm đam mê.
Đặc biệt, sau thành công tại Viettel, Hiếu đã trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNet). Dưới quyền quản lý của anh, 500 nhân viên là những người trẻ giàu sức sáng tạo, đảm nhận nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Viettel đã luôn được Hiếu truyền cảm hứng làm việc một cách tích cực.
Lê Quang Hiếu luôn mong muốn chia sẻ, định hướng về các công nghệ mới với sinh viên
Bên cạnh đó, anh còn được biết đến là gương mặt quen thuộc với sinh viên nhiều trường đại học qua các hội thảo định hướng nghề nghiệp và khóa học thực hành về công nghệ.
Hiếu chia sẻ: “Từng là sinh viên, tôi biết nhiều em có đam mê, kiến thức nhưng lại không được định hướng đúng đắn. Bởi vậy, nếu là người khát khao thành công, mỗi bạn trẻ phải có cho mình được một nền tảng kiến thức cơ bản để thích ứng với mọi sự thay đổi của công nghệ trên thế giới, có mục tiêu rõ ràng và tìm cho mình một người định hướng, hướng dẫn có tâm, có tầm”.
Bởi vậy, anh đã mạnh dạn đề xuất đến ban lãnh đạo tập đoàn liên kết với các trường đại học cho sinh viên được tham quan, trải nghiệm, học hỏi ở chính nơi làm việc của các kỹ sư máy tính tại Viettel, nhằm khơi dậy tinh thần ham học hỏi và quyết tâm chinh phục những đỉnh cao trong công nghệ đối với mỗi sinh viên.
Tại đây, Hiếu đã giúp đỡ nhiều em tìm thấy hướng đi đúng đắn cho mình. Đặc biệt, anh đã trực tiếp hướng dẫn 3 khóa sinh viên đại học Bách khoa làm đồ án tốt nghiệp đại học. 7 trong số nhiều sinh viên của trường đại học này trở thành những cộng sự tài năng, đắc lực của anh tại Viettel.
Về phần mình, Lê Quang Hiếu cũng luôn chủ động trong việc cập nhật những xu hướng công nghệ mới để ứng dụng vào thực tiễn đời sống nhằm tránh việc trở nên tụt hậu trong tương lai.
Ngoài công tác chuyên môn, anh còn đảm nhiệm vai trò là người phụ trách công tác thanh niên với nhiều hoạt động sôi nổi nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các đoàn viên, thanh niên, gắn với việc lan tỏa những thành quả trong công việc đến với cộng đồng xã hội.
Từ những thành công đó, Lê Quang Hiếu đã giành được những thành tích xuất sắc: Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2011, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2013, 2014, 2018, 2019; điển hình xuất sắc Toàn cầu Viettel; Bằng khen Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018; Bằng khen của Tổng Cục Chính trị; Bộ Quốc phòng; danh hiệu Lao động tiên tiến năm 2015.
Hưng Vũ