TĐKT - Bằng niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo, những năm qua, Thượng úy - Quân nhân chuyên nghiệp Phan Anh Giang, Tiểu đoàn 17, Lữ đoàn 543 (Quân khu 2) đã tích cực nghiên cứu và có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng, mang lại hiệu quả cao trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ. Những sáng kiến của anh đã giúp tiết kiệm công sức cho bộ đội, thời gian tác nghiệp, tiết kiệm xăng dầu... góp phần vào hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị.
Thượng úy Phan Anh Giang (ngồi thứ hai, bên trái sang) trao đổi với đồng đội kinh nghiệm trong công tác bảo đảm kỹ thuật
Là một người đảng viên, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của đơn vị, hơn ai hết, Thượng úy Phan Anh Giang nhận thức sâu sắc rằng phong trào thi đua quyết thắng luôn tạo cơ hội tốt nhất để mỗi cán bộ, chiến sĩ được tham gia một phần sức lực nhỏ bé của mình góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tiêu biểu, mẫu mực, qua đó càng làm tỏa sáng thêm phẩm chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
Bởi vậy, với vốn kiến thức đã được học ở trường, những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn làm nhiệm vụ tại đơn vị, kết hợp với nghiên cứu, tìm hiểu thêm trong sách, báo, anh luôn nỗ lực, cố gắng nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công tác.
Anh Giang cho biết: Tiểu đoàn 17 là đơn vị công binh vượt sông, nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống cháy nổ, cứu sập; phòng, chống cháy rừng và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác do Lữ đoàn giao. Đơn vị quản lý số lượng xe máy lớn, nhiều chủng loại, tuy nhiên các phương tiện, trang bị kỹ thuật đã qua nhiều năm sử dụng, nên xuống cấp và thiếu đồng bộ.
Thực tiễn công tác đặt ra nhiều khó khăn, đó là làm sao để vũ khí trang bị (VKTB) luôn có hệ số kỹ thuật cao, vận hành an toàn trong điều kiện sông nước nguy hiểm, địa hình phức tạp dễ xảy ra mất an toàn; làm sao để tiết kiệm, đỡ tốn công sức bộ đội và kinh phí của đơn vị.
Được lãnh đạo, chỉ huy các cấp động viên, định hướng nghiên cứu, Thượng úy Phan Anh Giang cùng đồng đội đã có nhiều sáng kiến cải tiến hữu ích, làm lợi cho đơn vị. Trong đó có nhiều sáng kiến được Hội đồng khoa học Quân khu và Bộ Quốc phòng công nhận.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ và thực tế tác nghiệp, anh thấy khi tời ca nô BMKT lên xe cơ sở, do điều kiện địa hình bến bãi phức tạp, nước sông có lúc chảy xiết nên việc tời ca nô hay bị lệch, trượt khỏi puly. Để khắc phục tình trạng này, bộ đội phải tốn nhiều công sức, thời gian, ảnh hưởng đến thời cơ làm nhiệm vụ.
Anh đã trăn trở suy nghĩ là làm thế nào để tời ca nô lên xe vừa nhanh chóng, nhẹ nhàng, nhưng chính xác, không phải làm đi làm lại nhiều lần, giải phóng sức lực của bộ đội, đỡ tốn xăng dầu, bảo đảm thời cơ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ những suy nghĩ đó, anh đã tìm tòi, nghiên cứu và phát kiến ra “Kích vít điều chỉnh khi tời ca nô BMKT lên xe cơ sở” và sáng kiến đã được ứng dụng ngay vào thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Sáng kiến tham dự hội thi cấp Quân khu được tặng giải A.
Sáng kiến được ứng dụng vào thực tế đã khẳng định rõ tính ưu việt. Số lượng người tham gia tời ca nô giảm từ 15 người xuống còn 5 người, khi điều chỉnh, mức độ an toàn cao hơn và bộ đội không mất nhiều công sức. Kích vít này có thể sử dụng rộng rãi trong toàn quân nhất là các đơn vị có sử dụng ca nô BMKT. Sản phẩm có cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, giá thành chỉ từ 300 - 400.000 đồng.
Bên cạnh đó, đối với ca nô BMKT, hệ thống lái bằng điện từ, tuy hiện đại nhưng rất phức tạp, khi gặp sự cố thì việc khắc phục rất khó khăn. Nhất là khi tác nghiệp thực hiện nhiệm vụ, nếu hệ thống lái bằng điện từ hỏng hóc, khó có thể khắc phục được ngay, như vậy sẽ không điều khiển ca nô và không thể hoàn thành nhiệm vụ. Để khắc phục sự cố đó, là người trực tiếp lái ca nô, anh đã nghĩ đến việc làm sao để có thể lái được ca nô trong điều kiện hệ thống lái bằng điện từ bị hỏng.
Sau nhiều ngày đêm mày mò, tự chế, làm đi làm lại nhiều lần, gắn thử trực tiếp trên ca nô, anh đã sáng kiến ra “Hệ thống lái ca nô BMKT bằng cơ khí”. Với hệ thống này, có thể điều khiển ca nô khi hệ thống lái điện từ bị sự cố, bảo đảm cho ca nô hoạt động bình thường trong mọi điều kiện. Sáng kiến đã được áp dụng vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị và đã đem lại hiệu quả thiết thực; tham gia thi cấp Quân khu đạt giải B.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, trước những khó khăn trong việc phải đưa bình điện lên và xuống ca nô, trọng lượng mỗi bình điện từ 60 - 70 kg, lên độ cao 3 m, để giảm thiểu sức lực của bộ đội, anh đã sáng kiến ra “Giá nâng hạ bình điện lên ca nô”, sản phẩm phục vụ thiết thực cho các nhiệm vụ của đơn vị.
Sáng kiến “Bộ đèn báo tín hiệu an toàn khi hạ thủy phà PMP trong đêm”, cũng xuất phát từ những khó khăn đó là: Phương tiện khí tài đã qua nhiều năm sử dụng, bến bãi thường xuyên thay đổi, nhất là khi tổ chức vượt sông vào ban đêm, tầm nhìn bị hạn chế, khả năng mất an toàn cao cho người và phương tiện. Anh đã nghiên cứu thành công bộ đèn báo tín hiệu, khi gắn vào thành xe, nhờ lực hút của 2 thanh nam châm, giữ đèn ở đúng vị trí, khi lùi xe, nước ngập 1/3 bánh xe sau, đẩy phao nổi lên thanh nhựa gắn trong phao, đi lên chạm vào rơ le làm thông mạch. Hệ thống sẽ phát sáng và rú còi báo hiệu, giúp cho phà trưởng hoặc lái xe biết được độ sâu của mực nước để dừng xe. Chính vì vậy, quá trình hạ thủy phà đảm bảo chính xác, an toàn cho người và phương tiện.
Năm 2014, anh nghiên cứu và ứng dụng thành công sáng kiến “Bơm hút nước bằng tay đối với cầu phao PMP”, được Lữ đoàn đánh giá cao. Năm 2015, với sáng kiến “Giá liên kết máy đẩy với thuyền vượt sông nhẹ - 1.500”, tham gia Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp Quân khu đạt gải A và đạt giải Ba toàn quân. Năm 2016, anh có cải tiến “Bộ bia bắn di động phục vụ cho huấn luyện bắn súng Bộ binh”; năm 2019, anh tiếp tục có sáng kiến “Thùng ngâm chân vịt nổ máy xuồng và máy đẩy 15-25-40 mã lực”.
Trong những năm qua, Thượng úy Phan Anh Giang đã có 18 sáng kiến, cải tiến được ứng dụng hiệu quả thiết thực, phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Từ năm 2014 đến năm 2018, anh luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhiều bằng khen, giấy khen; vinh dự là một trong 12 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân, được Trung ương Đoàn tặng danh hiệu: “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” và được Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen. Với sự nỗ lực vươn lên không ngừng, anh đã được Tổng Tham trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng 1 bậc lương trước niên hạn; được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn (2014 - 2017). Đặc biệt vinh dự hơn cả, anh được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng danh hiệu cao quý nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Chi đoàn Cứu quốc.
Anh chia sẻ: Để có được những kết quả ấy, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của tập thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, bản thân người nhân viên kỹ thuật phải có lòng ham mê công việc, yêu nghề và hăng say, có tinh thần tự giác rèn luyện, cố gắng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo trong nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, không quản ngại khó khăn, vất vả, dám nghĩ, dám làm…
Phương Thanh