Lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng
TĐKT - Sáng 23/10, tại Hà Nội, Bộ Công an long trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cho lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công an chủ trì buổi lễ. Cùng dự có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các đồng chí công an lão thành, đại diện gia đình các đồng chí công an chi viện chiến trường miền Nam. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam Trải qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, 75 năm qua, lực lượng công an nhân dân đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đã cùng với toàn dân, toàn quân ta bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong đó, lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam đã không quản mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, lạc hậu về phương tiện, vũ khí, sự khắc nghiệt của chiến tranh, mưu trí để chiến đấu đầy sáng tạo và quả cảm, lập nên những kỳ tích, cùng dân tộc vượt qua cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam đã tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho Ban An ninh các cấp ở miền Nam; đẩy mạnh công tác đấu tranh với các hoạt động tình báo, gián điệp, công tác diệt ác, trừ gian, bảo vệ an toàn cán bộ, cơ quan đầu não, căn cứ, vùng giải phóng và xây dựng, phát triển lực lượng an ninh miền Nam. Cùng với đó, lực lượng công an chi viện cán bộ và kỹ thuật thám không đã phát hiện, theo dõi hàng trăm mạng đài, hàng ngàn bức điện, bản tin về các chủ trương, kế hoạch quân sự về các cuộc càn quét lớn, các trận rải bom B52; phát hiện nội gián, cơ sở gián điệp của Mỹ, Ngụy cài cắm trong nội bộ ta...; chi viện cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ, sản xuất hàng vạn thẻ căn cước, giấy miễn quân dịch, sự vụ lệnh của Mỹ, Ngụy, tạo thế hợp pháp đi lại, hoạt động trong nội đô, đặc biệt là các thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế…; triển khai rộng khắp mạng lưới thông tin liên lạc và cơ yếu toàn miền Nam khép kín từ Bộ đến địa phương và các đầu mối liên lạc đặc biệt theo các mũi công tác, lưới điệp báo, bảo đảm kịp thời, thông suốt, an toàn, nhất là các tin tức tuyệt mật, phục vụ các chiến dịch lớn... Lực lượng đã chi viện những cán bộ ưu tú, tinh thông nghiệp vụ, chiến đấu sắc bén, bảo vệ vững chắc căn cứ, an toàn cho cán bộ lãnh đạo của ta từ trung ương đến địa phương, làm nòng cốt chống xây dựng các đơn vị trinh sát vũ trang đặc biệt, thực hiện và đẩy mạnh tiêu diệt những tên cầm đầu nguy hiểm, có nhiều tội ác, lập lên những chiến công vang dội... Để lập được những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc trên, đã có 909 cán bộ, chiến sỹ hy sinh trên khắp các chiến trường miền Nam; 46 đồng chí bị địch bắt, tù đầy; hàng trăm đồng chí bị thương tật, nhiễm chất độc da cam, mắc các bệnh hiểm nghèo do di chứng chiến tranh. Đó là những minh chứng cho sự hy sinh kiên trung của lực lượng công an nhân dân trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trao danh hiệu Anh hùng Lượng lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận: Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần cách mạng tiến công, lực lượng CAND đã cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kiên cường, bất khuất, lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian tới, sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội càng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng công an nhân dân quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, gần dân, dựa vào nhân dân, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhân dân. Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an nhân dân ở 4 cấp theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn công tác trong tình hình mới. Đề cao tinh thần cảnh giác, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, không ngại gian khổ, hy sinh, đoàn kết, thống nhất, xứng đáng là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các câu lạc bộ, ban liên lạc cán bộ công an hưu trí trong toàn lực lượng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đề cao phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ công an, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, nghĩa tình đồng đội ngày càng đạt được nhiều kết quả tốt, đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Tô Lâm đã phát động đợt học tập chính trị, thực hiện công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam và phát động ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Nguyệt HàĐiển hình tiên tiến
“Lá chắn thép” bảo vệ trẻ em bị xâm hại và bạo hành
TĐKT - Bất chấp việc mỗi ngày dù phải nhận rất nhiều lời hăm dọa, thậm chí là bị đuổi đánh nhưng luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh vẫn kiên định với con đường đấu tranh, bảo vệ cho những đứa trẻ bị xâm hại, bạo hành. Bà được mệnh danh là “Lá chắn thép” bảo vệ trẻ em bị xâm hại và bạo hành. Năm nay đã 64 tuổi nhưng bà vẫn đi lại như con thoi giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Không ngại nắng mưa, đường xa, bất chấp vụ án "hóc búa" đến mấy, bà vẫn ra sức bảo vệ trẻ em. Chỉ cần có tin báo ở đâu có xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em là bà cùng các đồng sự lên đường ngay. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ 5 năm trước, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Chi hội luật sư để công tác bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn và luật sư Trần Thị Ngọc Nữ được bầu làm Chi hội trưởng. Từ đó, bà cùng với 10 cộng sự là những luật sư, thẩm phán đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em hoàn toàn miễn phí tại các phiên tòa. Bằng kiến thức pháp luật, bằng tâm huyết của mình, luật sư Ngọc Nữ và các luật sư trong Chi hội luật sư đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc trong đó, 22 vụ đã xét xử thành công, 19 vụ đang tiếp tục được xem xét (chủ yếu là các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em). Thông qua đường dây nóng 18009069, bà đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 48 trường hợp là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành; chủ động phối hợp với Hội LHPN thành phố, Hội LHPN tại địa phương bảo vệ cho trẻ em, phụ nữ, nhiều trường hợp đã được bà can thiệp và hỗ trợ tâm lý sau khi đưa đi giám định pháp y; thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện, động viên; hiện nay có 2 vụ đã được xem xét lại và khởi tố. Trong thời gian qua, bà đã giúp đỡ 25 trường hợp là các trẻ em bị lạm dụng, bị sàm sỡ và bị bạo hành (tư vấn, điều tra đến khi kết thúc phiên tòa); 50 trường hợp trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi làm giấy khai sinh; phối hợp với Hội LHPN quận, huyện, phường, xã giúp đỡ 54 trường hợp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Hàng năm, bà dành thời gian đến thăm, hỗ trợ và trò chuyện cùng thiếu nhi ở các mái ấm (hiện nay có 32 em thiếu nhi đang được Chi hội của bà thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ). Không chỉ bảo vệ trẻ em tại TP Hồ Chí Minh đúng như chức năng, nhiệm vụ của Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, nhiều lần “cánh tay” của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và cộng sự còn vươn dài đến các địa phương khác. Trong số các vụ việc này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhớ như in một người cha ở tỉnh Bình Thuận đã lặn lội vào TP Hồ Chí Minh cầu cứu bà bảo vệ con gái bị xâm hại tình dục, vụ án có nguy cơ bị chìm xuồng. Ngay lập tức, bà và cộng sự đã bỏ tiền túi, tự lo kinh phí lên đường đến Bình Thuận. Sau khi có sự vào cuộc của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án và công lý đã được thực thi. Tâm huyết đeo đuổi nhiều vụ việc bảo vệ trẻ em nhưng có lúc luật sư Trần Thị Ngọc Nữ suýt không thể bảo vệ được mình, bà bị hành hung khi đại diện bảo vệ quyền lợi cho một trẻ em trong vụ hiếp dâm chấn động dư luận tại Cà Mau năm 2017. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhớ lại, ngay khi kết thúc phiên tòa, một số đối tượng lạ mặt đã lợi dụng sự lộn xộn để tấn công các luật sư, nhất là các luật sư bảo vệ cho bị hại. May mắn, bà chỉ bị đấm sượt vai và nhanh chóng ra xe có đồng sự chờ sẵn. Suốt quãng đường từ Cà Mau về đến TP Hồ Chí Minh, bà không dám dừng lại ăn uống, nghỉ ngơi. Sau sự việc đó, bà bị ốm phải nghỉ ở nhà suốt một tuần. Khi được hỏi bà có sợ hãi, chùn chân không, bà cười hiền: “Sợ chứ, sợ thì vẫn sợ nhưng trẻ đã tìm đến mình rồi thì làm sao mình từ chối được. Nhiều hoàn cảnh thương tâm lắm”. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trong một lần đến thăm và bảo vệ quyền lợi miễn phí cho một bé gái bị xâm hại Năm nay luật sư Trần Thị Ngọc Nữ bước vào tuổi 64 – lứa tuổi đáng lẽ ra cần ngơi nghỉ, vui vầy bên con cháu nhưng bà vẫn tiếp nhận các vụ việc bảo vệ trẻ em, bất chấp mưa gió, đường xa, bất chấp vụ án “khó nhằn” thế nào. Không nhớ nổi số lần gõ cửa cơ quan chức năng, đi tìm chứng cứ nhưng bà lại nhớ như in từng gương mặt trẻ mà mình đứng ra bảo vệ. Có những trẻ để lại trong bà sự day dứt dai dẳng. “Dù ra tòa thắng lợi, dù đòi được công lý cho các con nhưng làm sao có thể trả lại tuổi thơ hồn nhiên đúng nghĩa, làm sao để các con thoát khỏi bóng ma ám ảnh của sự sợ hãi. Có những em mới 14 - 15 tuổi đã phải làm mẹ, các con phải đối mặt với cuộc sống khó khăn như thế nào?”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vẫn luôn trăn trở. Mỗi lần tự vấn mình như vậy, ánh mắt bà lại buồn xa xăm vời vợi. Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, một đồng sự của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ luôn khâm phục sự kiên trì, dẻo dai của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ. Chỉ với một chiếc xe gắn máy, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ sẵn sàng đi đến những địa chỉ xa xôi, hẻo lánh để tìm gặp trẻ, tìm chứng cứ bảo vệ trẻ. Như một “lá chắn thép”, trước tòa, bà là một nữ luật sư cứng rắn với nhiều lập luận chặt chẽ và đanh thép khiến nhiều kẻ xâm hại trẻ em không kịp chối tội. Còn với nhiều người khác thì ấn tượng về bà là một người có trái tim nóng ấm, một tình thương rất riêng cho những đứa trẻ bị xâm hại, bạo hành. Bên cạnh đó, bà đã kêu gọi các bậc phụ huynh quan tâm, theo dõi con em mình nhiều hơn, đặc biệt hướng dẫn các phụ huynh nghiêm túc thực hiện 4 quyền của trẻ em được quy định trong Luật trẻ em năm 2016 và dạy trẻ nhớ 3 nguyên tắc vàng khi gặp người lạ. Bản thân bà đã thực hiện được khoảng 61 phiên tòa giả định tại các trường THCS, tiểu học về bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống ma túy, phòng, chống tai nạn giao thông… cho khoảng 15.000 học sinh, giúp các em phòng tránh tệ nạn xã hội. Tại các khu dân cư, khu nhà trọ, khu công nghiệp, bà đã phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền pháp luật miễn phí cho khoảng 5.000 công nhân lao động và chị em phụ nữ. Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (ở giữa) chúc mừng luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (bên phải) tại lễ tuyên dương gương tập thể, cá nhân “Thầm lặng mà cao cả” Bà đã chủ động phối hợp với các phóng viên mảng pháp luật - gia đình ở các báo để lan tỏa thông tin về hoạt động của Chi hội; chia sẻ, khẳng định quan điểm của Hội bảo vệ quyền trẻ em về các vấn đề pháp luật liên quan đến trẻ em trên báo, đài. Xây dựng mối quan hệ đặc biệt mật thiết cùng Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh - cơ quan ngôn luận của Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, cũng là một đầu mối tiếp nhận rất nhiều thông tin liên quan đến phụ nữ và trẻ em qua Đường dây khẩn (0913.159.315). Riêng năm 2017, khi Luật trẻ em vừa ra đời và chuẩn bị có hiệu lực thi hành, hai đơn vị đã tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ trẻ em từ mái ấm gia đình”, qua đó, đã nhận được rất nhiều ý kiến, hiến kế giúp thực thi Luật. Năm 2018, từ 16 ca tư vấn, can thiệp của bà và các luật sư trong chi hội, các phóng viên đã đề xuất Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và tổ chức thành công chuyên mục “Đừng để các vụ xâm hại trẻ em bị chìm xuồng” (đạt giải B - Giải báo chí TP Hồ Chí Minh năm 2018). Trong thời gian qua, bà cũng tích cực tìm tòi, nghiên cứu về luật của một số quốc gia trên thế giới và đề xuất phương án thiến hóa học đối với những đối tượng xâm hại trẻ em trình lên Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù phương án này còn nhiều tranh cãi và chưa được thông qua nhưng những việc làm đó đã thể hiện những nỗ lực và tâm huyết của bà trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Ngoài các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, bà tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội chăm lo cho trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Khi giúp đỡ các gia đình có trẻ em bị xâm hại, các vụ án được đưa ra ánh sáng và xét xử thành công, bà đã chuyển toàn bộ quà tặng cảm ơn của các gia đình vào quỹ xã hội, từ thiện của Hội LHPN thành phố hoặc Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố. Có vụ việc sau khi giải quyết xong, gia đình đã đóng góp ủng hộ quỹ với số tiền hơn 70 triệu đồng. Nhờ đó, quỹ có kinh phí tổ chức nhiều chuyến công tác xã hội từ thiện chăm lo trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Bà đã cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố đóng góp kinh phí trao tặng 7 căn nhà tình thương cho huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Long An với tổng số tiền là 280 triệu đồng; hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà vệ sinh cho các trường mẫu giáo tỉnh Đắk Lắk; trao 40 suất học bổng với tổng kinh phí 40 triệu đồng cho các em học sinh nghèo hiếu học của Trường Lê Hữu Trác, huyện Cư M’Gar tỉnh Đắk Lắk và trao tặng cho khoảng 5.000 chị em phụ nữ và các em học sinh huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh với tổng kinh phí 48 triệu đồng, hỗ trợ mái ấm tình thương, sân chơi cho trẻ em ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai với tổng số tiền là 20 triệu đồng. Hưởng ứng Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN Việt Nam phát động và triển khai thực hiện, cá nhân bà đã ủng hộ 20 triệu đồng đề thực hiện chương trình. Với những cống hiến của mình, bà đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh. Hưng VũLễ tổng kết và trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam, Giải thưởng WIPO
TĐKT - Tối 21/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Tổng kết và trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam, Giải thưởng WIPO năm 2019. Đến dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương… GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu khai mạc buổi lễ trao giải. Phát biểu khai mạc buổi lễ, GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, giải thưởng VIFOTEC được tổ chức nhằm tôn vinh các nhà khoa học, công nghệ đã có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam. Giải thưởng VIFOTEC 2019 có gần 200 công trình tham dự trong các lĩnh vực: Cơ khí - tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Hàng năm, giải thưởng đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học, các nhà công nghệ trong cả nước, có khoảng 2.500 công trình tham gia và 900 công trình đoạt giải. Các công trình đoạt giải đã và đang được áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao giải Nhất cho nhóm các tác giả Lễ tổng kết đã trao cho 40 công trình, gồm: 5 giải nhất, 8 giải nhì, 8 giải ba và 19 khuyến khích. Năm nay, giải nhất VIFOTEC 2019 được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Ban Tổ chức, Bằng Lao động Sáng tạo, Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo và tiền thưởng là 80 triệu đồng. Dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho nhóm các tác giả là chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm các công trình đoạt giải nhất giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2019. GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, TS. Lê Xuân Thảo - Phó Chủ tịch thường trực Quỹ VIFOTEC cũng đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp sáng tạo khoa học Việt Nam cho 10 cá nhân danh dự, trong đó có ba Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam là TS. Phạm Văn Tân, TS. Phan Tùng Mậu, TS. Nghiêm Vũ Khải, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, ông Lê Đăng Thọ - Giám đốc Quỹ VIFOTEC... Tại buổi lễ tổng kết và trao giải thưởng VIFOTEC năm 2019, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Xuân Tạc đã phát động Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020 với mong muốn giải thưởng sẽ tiếp tục có nhiều sáng tạo để đóng góp thiết thực cho việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp kinh tế đất nước ngày càng phát triển. Hồng Thiết40 công trình Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2019 sẽ được trao giải thưởng
TĐKT - Chiều 20/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm, họp báo thông báo về Lễ tổng kết và trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019. TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức giải thưởng; TS Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC chủ trì tọa đàm. Tọa đàm, họp báo thông báo về Lễ tổng kết và trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019 TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức giải thưởng cho biết, trong 25 năm qua, giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã được tổ chức rất thành công. Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học, các nhà công nghệ trong cả nước. Các công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng. Đã có khoảng 2.500 công trình tham gia và 900 công trình đoạt giải. Những công trình đoạt giải được tặng các phần thưởng gồm: Bằng khen và tiền thưởng của Ban Tổ chức; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tác giả đạt giải cao; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Được biết, từ năm 2001 đến năm 2014 đã có 14 doanh nghiệp được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Huy chương vàng WIPO do áp dụng xuất sắc hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh và 14 tác giả nữ được tặng Huy chương vàng WIPO. Bên cạnh đó, từ năm 2001 đến năm 2019 đã có 26 công trình được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Huy chương vàng WIPO cho những công trình xuất sắc nhất. Riêng giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2019, Ban Tổ chức Giải thưởng đã họp và quyết định trao giải cho 40 công trình bao gồm: 5 giải nhất, 8 giải nhì, 8 giải ba và 19 giải khuyến khích. Năm nay, Ban Tổ chức Giải thưởng sẽ tặng Bằng khen cho 12 đơn vị và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức Giải thưởng. Thủ tướng Chính phủ xét và tặng Bằng khen cho 10 tác giả là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm các công trình đoạt giải nhất giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2019. Cùng với đó, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã xét và trao bằng chứng nhận và Huy chương vàng cho công trình: “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội” của tác giả TS Lê Văn Tri và các cộng sự - Công ty CP phân bón PHITOHOOCMON. Lễ công bố và trao Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 21/10 tại Nhà hát lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2. 5 giải Nhất được trao cho các công trình : Lĩnh vực cơ khí – tự động hóa : Công trình “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị thi công khoan hạ cọc ống thép phù hợp với điều kiện thi công ở khu vực đảo Trường Sa” của tác giả Đại tá.TS. Trần Hữu Lý và các cộng sự Viện kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục kỹ thuật – BQP Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới : Công trình “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống qui mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường (gọi tắt là dây chuyền đồng bộ tiết kiệm năng lượng)” của tác giả PGS.TS Nguyễn Đình Tùng và các cộng sự Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp RIAM (Bộ Công Thương) Lĩnh vực công nghệ vật liệu: Công trình “Nghiên cứu, cải tạo thiết bị điện phân kiểu near gap sang zero gap nhằm gia tăng công suất và giảm chi phí sản xuất xút” của tác giả ThS. Văn Đình Hoan và các cộng sự - Công ty CP Hóa chất Việt trì Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống: Công trình “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế xã hội.” của tác giả TS Lê Văn Tri và các cộng sự - Công ty CP phân bón PHITOHOOCMON Lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên : Công trình “Hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo lũ lụt và vận hành hồ chứa nước” của tác giả ThS Văn Phú Chính và các cộng sự - Công ty Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) Hồng ThiếtTĐKT - Thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động, coi người lao động là vốn quý của doanh nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện hướng tới cộng đồng... đó là những việc làm rất đỗi bình dị nhưng chứa đựng ân tình của bà Mai Thị Hồng Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Song Tinh, phường Phúc Thắng (thành phố Phúc Yên). Với nhiều đóng góp thiết thực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và sự phát triển của tỉnh, bà xứng đáng là một trong những nữ doanh nhân tiêu biểu thời kỳ hội nhập.
Tổng Giám đốc Mai Thị Hồng Nguyên kiểm tra chất lượng sản phẩm
Với ước muốn làm giàu từ chính đôi bàn tay và sức lao động của bản thân, tạo việc làm cho người dân địa phương, sau nhiều năm phục vụ trong trong quân ngũ, chuyển về công tác tại Công ty Z121 (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) và khởi nghiệp với nhiều ngành nghề, năm 2003, bà Mai Thị Hồng Nguyên sáng lập Công ty TNHH Song Tinh do bà làm Tổng Giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong các khu công nghiệp, tái chế nhôm và kinh doanh phế liệu.
Ở tuổi 79 nhưng doanh nhân Mai Thị Hồng Nguyên vẫn trẻ trung, năng động, đôi chân bà vẫn dẻo dai, vẫn bước thoăn thoắt xuống các phân xưởng để kiểm tra tiến độ tái chế nhôm, nhắc nhở công nhân thực hiện đúng quy trình bảo hộ lao động.
Là doanh nghiệp tiên phong và uy tín hàng đầu của tỉnh với 16 năm hoạt động trong lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại và chất thải không nguy hại, tái chế nhôm, xỉ bã bọt nhôm, Công ty TNHH Song Tinh đã và đang đóng góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Để có được sự thành công như ngày hôm nay, bà Nguyên chia sẻ: Về nghỉ hưu, bà cùng với chồng xoay xở đủ thứ nghề như: Bán tạp hóa, vá xe, bán hàng ăn, chăn nuôi… song thu nhập cũng không được bao nhiêu, gánh nặng cơm áo gạo tiền, nuôi 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, bố mẹ già, các em chồng còn nhỏ, tôi quyết định phải khởi nghiệp bằng ngành nghề khác, có thu nhập ổn định hơn”.
Năm 2003, bà Nguyên quyết định thành lập Công ty TNHH Song Tinh, với việc mở lò đúc nhôm. Để sản phẩm nhôm thô của Công ty được thị trường đón nhận, bà Nguyên cùng với chồng lặn lội đi khắp các địa phương học hỏi các kỹ thuật đúc nhôm hiện đại nhất, song phải bảo vệ được môi trường. Khẳng định được chất lượng sản phẩm nhôm tái chế, dần dần Công ty của bà Nguyên được nhiều đối tác tìm đến với yêu cầu làm sạch môi trường cho họ. Chính từ đây, Công ty TNHH Song Tinh còn đảm nhận thêm công việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.
Bà Mai Thị Hồng Nguyên (thứ 2 từ phải sang), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Song Tinh, phường Phúc Thắng, TP Phúc Yên giới thiệu với đồng đội về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Mới đầu, Công ty chỉ thu gom rác thải, phế liệu cho các đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình hoạt động, nhận thấy việc thu gom rác thải chưa làm sạch được môi trường, bà Nguyên mạnh dạn liên hệ với các đơn vị xử lý chất thải trong và ngoài tỉnh, tiếp nhận vận chuyển và xử lý chất thải cho hơn 20 đơn vị trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Mở rộng quy mô sản xuất, đến nay Công ty của bà Nguyên đã giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân hơn 7,5 triệu đồng/tháng và hơn 40 lao động thời vụ, với thu nhập hơn 250 nghìn đồng/ngày.
Nói về phương châm hoạt động của Công ty, bà Mai Thị Hồng Nguyên cho biết: Bên cạnh việc tạo môi trường làm việc an toàn, chuyên nghiệp cho các công nhân, Công ty kiên quyết không xả thải trái phép chất thải công nghiệp khi chưa qua xử lý ra môi trường. Công ty cũng rất chú trọng ứng dụng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015 về hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý môi trường. Để bảo đảm an toàn lao động, nữ Tổng Giám đốc rất quan tâm đến việc tập huấn bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, giúp nhân viên yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc.
Không chỉ kinh doanh giỏi, với doanh thu gần 20 tỷ đồng/năm, hàng năm nữ doanh nhân Mai Thị Hồng Nguyên còn dành một phần lợi nhuận (từ 300 - 500 triệu đồng) tham gia công tác thiện nguyện xã hội. Số tiền này, bà đã dành để thăm hỏi các gia đình chính sách, trẻ em lang thang cơ nhỡ, nạn nhân chất độc da cam và đặc biệt giúp các tổ chức xã hội được duy trì và phát triển.
Hiện nay, bà Nguyên đã cho “CLB doanh nhân nữ phường Phúc Thắng” vay 300 triệu đồng, “CLB nữ doanh nhân tỉnh Vĩnh Phúc” vay 100 triệu đồng không lấy lãi…, giúp một số hội viên phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, với các nhân viên, công nhân trong công ty, hàng năm, tổ chức công đoàn xây dựng kế hoạch thăm hỏi, động viên người lao động và người thân trong gia đình khi có ốm đau, bệnh tật hoặc gặp những điều không may mắn trong cuộc sống. Ngày lễ, ngày Tết đều có các chế độ khen, thưởng xứng đáng, tạo được sự đồng thuận, gắn bó trong Công ty….
Chia sẻ về những dự định sắp tới, bà Nguyên cho biết: Ngoài việc thu gom và xử lý rác thải công nghiệp, gia công, tái chế nhôm, Công ty còn thu gom các phế liệu khác như sắt, thép, gỗ... sau đó làm sạch, tái chế thành các sản phẩm có ích, thân thiện với môi trường. Đồng thời, Công ty TNHH Song Tinh sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động một Tổ hợp trung tâm thương mại, với quy mô hơn 5.000m2, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân trên địa bàn.
Với sự đầu tư bài bản, có kế hoạch vào sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, gắn phát triển doanh nghiệp với bảo vệ môi trường, Công ty TNHH Song Tinh đã giành được nhiều giải thưởng cao quý trong công tác bảo vệ môi trường, đóng góp tích cực vào công tác xã hội, phát triển kinh tế của tỉnh.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, bà vinh dự được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, đoàn thể, cơ quan trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Cúp vàng doanh nhân thời hộp nhập; Bông hồng vàng Á Đông; Doanh nhân Việt Nam Vàng; Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh; Giải thưởng Bản lĩnh doanh nhân thời hội nhập; Doanh nhân điển hình tiên tiến thời kỳ đổi mới; Bằng khen Vì thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công thương Việt Nam. Năm 2019, bà vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến của tỉnh trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, bà đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn từ 2016 -2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Hồng Thiết
TĐKT - Bà Nguyễn Thị Thúy Liễn, Thủ kho bảo quản, Chi cục Dự trữ Nhà nước Phong Châu, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh Phúc, Tổng cục Dự trữ Nhà nước là người trực tiếp làm công việc thủ kho bảo quản gần 30 năm. Bà là người gắn bó với ngành Dự trữ từ những năm tháng còn khó khăn, gian khổ.
Sáng kiến xử lý hệ thống điện kho đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả
Bà vẫn nhớ như in, thời gian ấy, cơ sở vật chất của ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) còn nghèo, vùng kho nơi bà công tác còn chưa được đầu tư sửa chữa đầy đủ như bây giờ, hình thức bảo quản còn giản đơn (bảo quản thóc đổ rời, thông thoáng tự nhiên ....). Công việc của người thủ kho bảo quản lúc bấy giờ rất vất vả, nhiều việc phải thực hiện thủ công như: Kê lót kho thủ công bằng phương pháp đóng gông, tre... phủ và treo cót, rồi cào đảo, đánh luống xử lý bốc nóng khối hạt, tìm các biện pháp chống chuột hay phun thuốc diệt trùng.
Không những thế, mỗi khi xuất kho để thực hiện nhiệm vụ cứu trợ, hỗ trợ, bà lại cùng anh em trong đơn vị bám hàng, bám xe đi giao hàng dự trữ quốc gia đến những điểm miền núi xa xôi, giao thông đi lại khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như: Xuất cứu trợ nhân dân ở Thừa Thiên Huế trong đại hồng thủy miền Trung lịch sử 1999, xuất cứu trợ nhân dân do ảnh hưởng mưa sau bão số 4 và bão số 6 đã gây lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất các tỉnh miền núi Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang năm 2008, xuất gạo cứu trợ cho nhân dân cứu đói giáp hạt, khắc phục thiên tai, khoanh nuôi bảo vệ rừng những năm vừa qua; rồi những lúc xảy ra mưa, bão bất ngờ, lại cùng anh em vùng kho vất vả chèo chống, che đậy, chèn cửa chống mưa hắt. Công việc người thủ kho bảo quản vốn dĩ đã thầm lặng, nhiều hy sinh, vất vả; đối với nữ thủ kho, để hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn chu toàn việc gia đình, dạy dỗ con cái học hành thì nỗi vất vả, sự hy sinh lại thêm vài phần.
Trong những năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Cục DTNN khu vực Vĩnh Phú nói chung và Chi cục DTNN Phong Châu nói riêng đã được đầu tư, xây dựng cải tạo cơ sở vật chất tương đối khang trang; các quy định về công tác bảo quản hàng hóa đã từng bước được hoàn thiện. Việc triển khai ứng dụng thiết bị công nghệ, cải tiến quy trình, đổi mới phương thức bảo quản hàng dự trữ quốc gia giúp kéo dài thời gian bảo quản hàng dự trữ quốc gia, đồng thời giảm đi phần nào nỗi vất vả của những người thủ kho bảo quản như bà. Ngoài ra, cơ chế chính sách cho cán bộ, công chức ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) đã có những thay đổi đảm bảo cán bộ, công chức yên tâm công tác.
Sáng kiến cắt vát góc dùng máy hàn nhựa dán lô gạo xuất dở để bảo quản
Mặc dù vất vả là thế nhưng trong bất cứ điều kiện nào, khi đã được giao nhiệm vụ thì bà và các đồng nghiệp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, tích cực, tự giác, sáng tạo. Đặc biệt hơn nữa là thực hiện nhập, xuất, bảo quản hàng hóa DTQG hoàn thành 100% kế hoạch.
Ở vai trò nào khi được phân công, bà luôn nhận thức rõ trách nhiệm công việc của mình là giữ gìn an toàn tuyệt đối về số lượng cũng như chất lượng hàng hóa vật tư dự trữ từ khi nhập, bảo quản đến khi xuất kho. Với nhiều năm kinh nghiệm trong làm thủ kho, bà luôn trăn trở, tìm tòi nghiên cứu tài liệu áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật vào thực tiễn, học hỏi anh em đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn nữa. Chính sự mở mang ấy đã giúp bà tìm tòi được nhiều điều mới lạ và áp dụng vào thực tiễn trong công tác kê lót chuẩn bị nhập kho để thực hiện tốt công tác bảo quản gạo; giảm áp suất đối với thóc, làm cho vi sinh vật hại không phát triển và không làm ảnh hưởng đến chất lượng vật tư hàng hóa.
Bà luôn phối hợp với các đồng nghiệp thực hiện theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn cho hàng hóa trong quá trình bảo quản.
Bà cho biết thêm, trong quá trình thực hiện phải vệ sinh kho, màng PVC sạch sẽ, tìm các phương pháp cắt dán màng để làm sao không mất thời gian, nhân lực, đồng thời đảm bảo tuyệt đối độ kín của màng. Cụ thể muốn màng dán quây lô được phẳng, bà cắt 3 đường màng quây theo chiều dài của lô gạo và dán ngoài trời do đường dán dài từ 30 - 31m/đường sau đó dán ghép đỉnh, chiết góc. Sau khi phủ lô gạo thì dán đáy, như vậy không mất nhiều đường dán, tiết kiệm được nhân lực và thời gian. Những hôm thời tiết nắng nóng, để cho màng dán không bị ảnh hưởng do nhiệt độ ngoài trời lên cao, bà bố trí làm từ sáng sớm.
Bên cạnh đó, công tác nhập kho cũng phức tạp không kém bởi việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi nhập kho được thủ kho đặc biệt quan tâm chú trọng. Chất lượng hàng hóa nhập kho có yếu tố quyết định và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vật tư, hàng hóa trong quá trình bảo quản. Kiểm tra chặt chẽ hàng hóa trước khi nhập kho, đảm bảo đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn, chất lượng quy định. Khi cho lên bàn cân, bà đều giám sát kiểm tra từng bao gạo, dùng xiên lấy mẫu kiểm tra trực tiếp. Mỗi cán bộ thủ kho như bà khi kiểm tra trước tiên bằng kinh nghiệm và cảm quan, sau đó căn cứ theo các chỉ tiêu quy chuẩn chất lượng. Bằng phương pháp như vậy kiểm tra đảm bảo chỉ tiêu chất lượng thì mới cho nhập kho; gạo sau khi nhập kho được đưa vào bảo quản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật.
Thêm vào đó là công tác bảo quản thường xuyên, bảo quản định kỳ vật tư hàng hóa. Hàng ngày, công việc của bà là vệ sinh sạch sẽ kho tàng cả bên trong và bên ngoài; kiểm tra, theo dõi diễn biến các ngăn kho và ghi chép phản ánh kịp thời, trung thực. Thực hiện các biện pháp để bảo quản an toàn chất lượng hàng hóa trong kho như: Mở cửa thông thoáng thường xuyên trong điều kiện nhiệt độ thời tiết ngoài trời đáp ứng cho phép; phủ rèm cửa bằng tấm màng PP, đóng cửa kho kín để ngăn không cho gió lùa trực tiếp vào lô gạo, thóc, khi thời tiết thay đổi đột ngột trong mùa lạnh, đảm bảo nhiệt độ trong kho luôn được ấm, ổn định, tránh hiện tượng đọng sương trong lô gạo. Qua các đợt kiểm tra của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh Phú công tác bảo quản đều được đánh giá thực hiện tốt.
Ngoài ra, trong công tác xuất cấp cứu trợ, hỗ trợ, không ngại khó, ngại khổ, không quản ngại giao thông đi lại khó khăn, bà trực tiếp bám hàng giao đến tận những nơi huyện, lỵ miền núi xa xôi, có đời sống khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, thiếu đói khi giáp hạt và các cháu học sinh miền núi các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đảm bảo an toàn về chất lượng, đầy đủ về số lượng.
Trong những năm qua, từ kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với sự tìm hiểu học hỏi, bà và đồng nghiệp đã phát huy cải tiến, đưa ra được các sáng kiến cấp cơ sở áp dụng trong công tác bảo quản hàng dự trữ, trong đó có 2 sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp ngành là: Sáng kiến Cải tiến hệ thống điện trong kho hàng đảm bảo an toàn hàng hóa và sáng kiến nghiên cứu cải tiến phương pháp cắt, dán màng lô gạo xuất dở.
Trong suốt những năm làm thủ kho bảo quản, công việc nhiều vất vả, bản thân là nữ còn bận nhiều công việc gia đình, nhưng bà luôn xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình là đang giữ gìn, bảo quản là tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Bà đã nỗ lực, vượt khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn hoàn thành 100% kế hoạch được giao, hàng DTQG đảm bảo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, kho tàng luôn sạch sẽ.
Từ kết quả rèn luyện và phấn đấu trong nhiều năm qua, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được khen thưởng: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và trong năm 2019 bà được xét đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba. Đó là cả quá trình phấn đấu, là cả chặng đường nỗ lực không ngừng, nắm chắc về nghiệp vụ, học hỏi thêm kinh nghiệm, các cách làm hay từ đó áp dụng vào thực tiễn công việc sao cho hợp lý.
Hồng Thiết
TĐKT - Vinh dự là 1 trong 10 nữ quân nhân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên Hợp quốc (LHQ) tại Phái bộ Nam Xu-đăng, Trung úy Sa Minh Ngọc, Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục GGHB Việt Nam cùng những đồng đội đã làm tốt sứ mệnh GGHB, để lại hình ảnh tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam và những chiến sĩ QĐND Việt Nam trên toàn thế giới nói chung và nhân dân Nam Xu-đăng nói riêng.
Trung úy Sa Minh Ngọc phát biểu tham luận tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X
Chia sẻ về cái duyên gắn với hình ảnh chiến sĩ “mũ nồi xanh”, Trung úy Ngọc cho biết: “Tôi biết đến hoạt động GGHB LHQ từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Cùng với mơ ước được trở thành người chiến sĩ trong QĐNDVN anh hùng, ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Malaysia về nước, tôi đã viết đơn tình nguyện xin vào phục vụ quân đội và nộp hồ sơ tuyển dụng vào Cục GGHB Việt Nam, chính thức được lựa chọn và tham gia lực lượng GGHB từ năm 2015. Thời điểm đó, Cục GGHB Việt Nam vừa mới được thành lập tròn 1 năm”.
Công tác tại đây đến cuối tháng 10/2016, chị được Thủ trưởng các cấp tin tưởng và giao nhiệm vụ tham gia vào đội hình BVDC2.1 đang tập kết tại Bệnh viện Quân y 175 ở TP Hồ Chí Minh và đảm nhận vị trí trợ lý tham mưu kế hoạch.
Trung úy Ngọc cho biết: “Tính đến thời điểm nhận nhiệm vụ, tôi vừa mới lập gia đình tròn 5 tháng. Đứng trước nhiệm vụ mới, tôi và chồng đã thống nhất, tạm thời gác lại chuyện riêng tư, để lên đường nhận nhiệm vụ mà Tổ quốc, Quân đội giao cho”.
Cũng theo Trung úy Ngọc chia sẻ, các thành viên trong đội BVDC2.1 mỗi người một hoàn cảnh, có những khó khăn, vất vả khác nhau. Có đồng chí thì con nhỏ, bố mẹ lại già yếu, nơi ở chưa ổn định, nhà còn phải thuê mượn; nhiều đồng chí nữ, chồng cũng là bộ đội, lại vắng nhà thường xuyên… Nhưng vớ
i phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, cùng sự quan tâm, động viên sâu sát và tạo điều kiện của Thủ trưởng các cấp, mọi thành viên luôn xác định rõ tinh thần trách nhiệm, cùng đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó.
Sau hơn 5 năm chính thức hoạt động, Cục GGHB Việt Nam đã cử 43 lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ với hình thức cá nhân; 29 đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc nhiệm kỳ công tác về nước; 100% được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Đặc biệt là tháng 10/2018, Việt Nam chính thức triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tới Ben-tiu, Nam Xu-đăng đã được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận sự đóng góp rất thiết thực của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Ngày 28/11/2019, đơn vị của chị đã hoàn thành nhiệm vụ và chào đón những đồng đội trong BVDC2.2 sang thay thế, tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình tại Ben-tiu, Nam Xu-đăng.
Dù nhiệm kỳ công tác của đội BVDC2.1 chưa phải là dài, nhưng những vất vả, khó khăn là những thử thách mà chị cùng đồng đội đã vượt qua. Đặc biệt là nữ quân nhân, thì khó khăn, vất vả đó lại nhân lên gấp bội.
“Có những thời điểm chúng tôi triển khai cũng là đúng giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng sắc tộc và nội chiến giữa các phe phái. Có thời điểm chúng tôi phải đến những nơi không có bất cứ thứ gì ngoài bụi, đất và cây khô, những nơi mà do giao tranh, đường thông tin liên lạc, cung ứng lương thực, thực phẩm bị cắt đứt. Cũng có những lúc vào đỉnh điểm mùa mưa, chúng tôi phải đối mặt với các loại bệnh dịch, có những lúc hệ thống lọc nước gặp trục trặc, chúng tôi thậm chí không có đủ nước ăn, nước sinh hoạt…” - chị Ngọc nhớ lại.
Tuy nhiên, những vất vả, thử thách này không làm chị cùng đồng đội chùn bước, mà ngược lại, càng trong khó khăn, gian khổ, thì ý chí, nghị lực và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ càng được phát huy, tỏa sáng dù ở trong nước hay ở bất cứ nơi xa xôi, gian khổ và khắc nghiệt nào.
Có một kỷ niệm mà chị Ngọc nhớ mãi không quên trong đợt công tác, đó là khi đơn vị triển khai đến Bentiu, Nam Xu-đăng; ở đây có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, nước sạch rất khan hiếm và lúc đó mỗi người trong đơn vị chỉ được cấp 5 lít nước/ngày để phục vụ sinh hoạt. Để sử dụng số lượng nước ít ỏi đó, các thành viên phải tiết kiệm, tái sử dụng nhiều lần, như vừa tắm, vừa giặt, vừa vệ sinh và tưới rau.
Thông cảm cho chị em, nhiều đồng chí quân nhân nam có ngày đã phải nhường cơ bản phần nước sinh hoạt của mình cho chị em, chỉ sử dụng một lượng nước vừa đủ thấm ướt khăn để lau mặt và một phần cơ thể.
“Bên cạnh sự đoàn kết và tinh thần đồng đội, có lẽ chúng tôi cũng rất may mắn khi luôn có hậu phương vững chắc là vợ, chồng, là gia đình, là những người đồng đội ở quê nhà luôn ở phía sau tin tưởng, động viên và tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi vượt qua các khó khăn, thử thách ở nơi tiền tuyến…” - chị Ngọc cho biết.
Chị và các đồng đội của mình đã có 14 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng và theo chị Ngọc có lẽ đó là những ký ức mà chị sẽ không bao giờ quên được trong cuộc đời quân ngũ của mình.
“Khoảnh khắc khi lá cờ Tổ quốc được tung bay trên bầu trời Nam Xu-đăng, các em nhỏ tại khu vực Bảo vệ thường dân của LHQ chạy đến thi nhau chạm vào Lá cờ Tổ quốc Việt Nam, các em cố gắng đánh vần hai chữ Việt Nam và rồi đồng thanh hô to Việt Nam, Việt Nam. Tất cả những khoảnh khắc đó giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết về tình cảm ấm áp mà người dân địa phương nơi đây dành cho chúng tôi, dành cho “Bộ đội Cụ Hồ” và dành cho dân tộc Việt Nam.” - Trung úy Ngọc chia sẻ với niềm tự hào.
Với những đóng góp của mình, Trung úy Sa Minh Ngọc vinh dự là 1 trong những điển hình được tuyên dương tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X.
Bảo Linh
TĐKT - Dù công tác dưới một mái trường miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nhưng cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng (sinh năm 1991) người dân tộc Mường, giáo viên trường THPT Hương Cần đã không ngừng nỗ lực, có nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy, áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, giúp các thế hệ học sinh thêm tự tin, hứng thú và say mê với hành trình khám phá tri thức. Đồng thời, thắp lên ngọn lửa sáng tạo cho nhiều thầy cô giáo trong xã hội hiện đại.
Chủ nhân của những sáng kiến giáo dục
Tốt nghiệp với tấm bằng Thạc sĩ trường Đại học Hà Nội với bảng điểm loại giỏi, cô gái trẻ Hà Ánh Phượng được chọn về công tác tại một trong các trường THPT trong tỉnh. Không chần chừ, băn khoăn, Hà Ánh Phượng quyết định lựa chọn trường THPT Hương Cần để công tác, một ngôi trường xa xôi của tỉnh Phú Thọ nằm sát với tỉnh Hòa Bình. Ngôi trường này có hơn 85% là học sinh dân tộc thiểu số. Những em học sinh nơi đây còn chịu nhiều thiệt thòi, chưa có nhiều cơ hội học tập và phát triển như các bạn cùng trang lứa ở thành phố.
“Điều khiến tôi trăn trở nhất đó là làm sao để “bất cứ học sinh nào cũng có quyền được hưởng những nền giáo dục tốt nhất” và “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố” – Cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng chia sẻ.
Với tâm niệm “giáo dục là không giới hạn”, trong 5 năm qua, với vai trò là giáo viên tiếng Anh, cô giáo Hà Ánh Phượng đã cố gắng tìm hiểu những phương pháp dạy học, những giải pháp để thu hẹp những khoảng mà học sinh của mình đang có so với đà phát triển của thế giới.
Cô giáo Hà Ánh Phượng và học trò trong buổi báo cáo dự án “Nói không với ống hút nhựa”
Nhớ lại những ngày đặt chân lên bục giảng dưới mái trường THPT Hương Cần, cô Phượng chia sẻ: Ngày đầu tiên đến lớp, tôi hết sức ngỡ ngàng bởi các em ở đây rất ngoan ngoãn lễ phép, chân thật nhưng cũng còn rất nhiều em còn chưa biết cách tra từ điển.
Từ trong ánh mắt thơ ngây của các em học sinh, cô giáo Hà Ánh Phượng nhận ra sự khao khát được khám phá kho tri thức khổng lồ vẫn đang còn ẩn chứa. Cô đã chủ động tiếp cận, gặp gỡ các em học sinh, trao đổi, nắm bắt thông tin của từng em; từ đó, định hình ra trong đầu một cách dạy phù hợp nhất. “5 năm qua, cô và trò trường Hương Sơn chúng tôi đã cùng nhau trải qua một quá trình vô cùng đáng nhớ” – Cô Phượng tự hào.
Mô hình “Lớp học xuyên biên giới” được coi là sáng kiến giáo dục nổi bật đầu tiên, mang đến sự hứng khởi cho các học sinh trong trường. Với mô hình này, lớp học và học sinh của cô Phượng được kết nối với lớp học và các bạn học sinh của các nước trên giới qua các giờ học tiếng Anh. Ở đó, các em không chỉ có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa mà còn được truyền niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu. Thông qua các giờ học đó, cô và trò trường Hương Cần thêm tự tin, được tìm hiểu và giới thiệu với bạn bè quốc tế về văn hóa và con người Việt Nam; đồng thời có cơ hội “du lịch không visa” tới hơn 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới, mở mang kiến thức.
Ngoài ra, cô Phượng cùng các học trò của mình còn tham gia rất nhiều dự án quốc tế như “Nói không với ống hút nhựa”, dự án về môi trường được hưởng ứng bởi nhiều trường học ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Trong dự án này, học sinh của cô Phượng đã kết hợp kiến thức liên môn để làm ra những chiếc ống hút bằng tre, nứa. Sau đó, chính họ phát miễn phí tới tay những thầy cô và học sinh cũng như những quán nước gần trường. Học sinh được tự do chế tạo ra những cỗ máy cắt STEM và thiết kế những chuyến du lịch ảo tuyên truyền, giới thiệu tới nhiều học sinh trên thế giới.
“Điều quan trọng mà tôi nhận lại được là sự tự tin, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng công nghệ thông tin của các em học sinh ngày được tăng lên. Đó là hành trang để các em thực hiện ước mơ sớm được trở thành những công dân toàn cầu” – Cô Hà Ánh Phượng chia sẻ.
Nhắc đến cô trò Hà Ánh Phượng, người ta còn biết đến Dự án “Thư viện hạnh phúc”. Thông qua dự án này, các em học sinh có thêm nguồn sách ngoại văn miễn phí trong việc học tập và tìm kiếm tri thức…
Chia sẻ toàn cầu
Không chỉ nỗ lực xây dựng và thiết kế những mô hình giáo dục sáng tạo, kích thích sự hứng thú của học sinh; cô giáo Hà Ánh Phượng còn sẵn sàng kết nối học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm giáo dục với bạn bè quốc tế.
Đó là những buổi chia sẻ và phát triển chuyên môn với những người đồng nghiệp mà cô chưa hề gặp mặt trực tiếp lần nào mà chỉ gặp họ hàng ngày qua màn hình máy tính. Đó là những bài nghiên cứu khoa học và những nỗ lực, thành tích được quốc tế công nhận ….
Theo cô, mỗi một người thầy, người cô, không kể tuổi tác, phải không ngừng nâng cao năng lực và kiến thức chuyên môn, vì đây là "mốc định vị" của mỗi người giữa một thế giới rộng lớn. “Người dám dạy phải là người không bao giờ ngừng học”. Một người hời hợt về kiến thức chuyên môn thì sẽ không có "điểm nhấn" giữa đám đông. Ngược lại, có kiến thức chuyên môn sẽ giúp chúng ta chủ động, tự tin và đạt được hiệu quả công việc cao.
Học sinh luôn được quan tâm trong giờ học tiếng Anh trên lớp của cô Phượng
“Trong những lần chia sẻ kết nối trực tuyến, tôi vẫn thường xuyên tương tác với rất nhiều thầy, cô giáo bằng tuổi cha, tuổi mẹ của mình. Họ vẫn ngày đêm tìm tòi và học hỏi các phương pháp dạy học trực tuyến hiệu quả. Thông qua hoạt động đó, tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Chia sẻ các kiến thức chuyên môn và những bài giảng về ứng dụng công nghệ thông tin tới những người đồng nghiệp chính là việc làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập tốt hơn và có thể giúp đỡ được nhiều em học sinh tốt hơn.” – Cô Phượng khẳng định.
Cô Phượng cho rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0, PowerPoint không còn là công cụ duy nhất để các thầy cô đưa vào những tiết học của mình mà còn rất nhiều ứng dụng tuyệt vời nữa và dạy học trực tuyến đã trở thành một trong những hình thức học tập hiệu quả. Những công cụ đó đã trực tiếp làm tăng hiệu suất lao động. Hơn nữa, thị hiếu của mọi người nói chung luôn bị thu hút bởi các sản phẩm đa phương tiện như hình ảnh, video… Học sinh cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, vốn ngoại ngữ sẽ giúp ta có cơ hội được giao lưu, được tiếp cận và học hỏi nhiều nền văn hóa tiên tiến. Từ đó, vận dụng phù hợp vào tình hình thực tiễn để đưa đất nước phát triển, đi lên. Do đó, những người làm giáo dục cần trang bị cho mình khả năng ngoại ngữ tương đối và thay đổi trong cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ vào giáo dục.
Cũng theo cô, mỗi giáo viên cần hiểu được rõ bản chất của dạy học phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh từ đó thay đổi các phương pháp dạy học tích cực và thay đổi vai trò truyền thống của người thầy. Từ “người dạy” trở thành người “hướng dẫn” học sinh cách học. Điều giáo viên truyền đạt mỗi ngày không còn là kiến thức cụ thể, mà phải là phương pháp giúp học sinh nắm vững kiến thức. Phương pháp đó bao gồm cách phân tích, đánh giá vấn đề; tìm nguồn thông tin, chọn lọc và xử lý dữ liệu; biến dữ liệu thành kiến thức của mình. Sự thay đổi này là tất yếu và có lợi cho cả thầy và trò. Bởi học sinh sẽ tự chủ động việc học cá nhân còn thầy sẽ có thời gian dành cho nhiều dự định khác.
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô giáo Hà Ánh Phượng ghi danh không chỉ trong ngành giáo dục nước nhà mà cả trên trường quốc tế. Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt đối với cô, lần đầu tiên tên cô xuất hiện 2 lần trong danh sách đại diện duy nhất của Việt Nam trong 2 sự kiện quốc tế: Là giáo viên duy nhất của Việt Nam được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lựa chọn trong chương trình thủ lĩnh Đông Nam Á cùng với 5 em học sinh có thành tích xuất sắc nhất trên cả nước. Đồng thời, là giáo viên duy nhất của Việt Nam lọt vào top 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do tổ chức Varkey trụ sở tại London bầu chọn. Cô vinh dự được trao huy hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2020.
“Tôi biết ơn, trân trọng và cảm ơn những người đồng nghiệp của tôi, những người luôn tạo động lực để tôi được phát huy năng lực của bản thân và không ngừng cố gắng trong mọi lĩnh vực công tác, nghiên cứu, giảng dạy. Tôi tự thấy rằng trách nhiệm của mình bây giờ là rất lớn lao, làm sao để lan tỏa được nhiều hơn nữa giá trị tích cực, tốt đẹp nhất tới những người đồng nghiệp và các em học sinh.” – Cô Hà Ánh Phượng chia sẻ.
Mai Thảo
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương – Chung tay vì sức khỏe cộng đồng
TĐKT - Được cấp phép là doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ khám, chữa bệnh từ tháng 9 năm 2010, 10 năm qua, bằng lương tâm, đạo đức và trách nhiệm, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Giám đốc và tập thể những người thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) đã vượt qua mọi rào cản, khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển. Đến nay, Bệnh viện trở thành đơn vị y tế tư nhân hoàn chỉnh cả về bộ máy quản lý, hệ thống chuyên môn và đội ngũ y, bác sĩ; góp phần cùng cả nước nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chú trọng đầu tư từ con người cho đến thiết bị Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương, căn cứ vào các điều kiện, khả năng quản lý, điều hành, cơ sở vật chất, nguồn lực con người…, các thành viên sáng lập của Công ty TNHH phát triển Y học Việt (có trụ sở hoạt động tại xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) đã quyết định xây dựng đề án thành lập Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hùng Vương, trực thuộc Công ty TNHH phát triển Y học Việt. Với sự cố gắng cao độ của HĐQT, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, đến ngày 28/9/2010 Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hùng Vương được đưa vào hoạt động. Nhận thức rằng, đầu tư công nghệ kỹ thuật cao là điều quan trọng và rất cần thiết, nhưng người sử dụng kỹ thuật cao là yếu tố quyết định, do đó, rất cần những người có trình độ cao, kiến thức rộng, nắm bắt và làm chủ được công nghệ để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân…, HĐQT và Ban Giám đốc Bệnh viện đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế, coi đây là 1 trong 3 yếu tố quan trọng để Bệnh viện tồn tại và phát triển. Khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khang trang, sạch sẽ và hiện đại Do đó, những năm qua, nguồn lực con người đã được Bệnh viện tăng cường rõ rệt cả về số lượng và chất lượng tương ứng. Từ đội ngũ chỉ có 6 bác sĩ, 40 điều dưỡng, 1 dược sĩ đại học khi mới thành lập, đến nay Bệnh viện đã có 149 bác sĩ, 247 điều dưỡng, 20 nữ hộ sinh, 16 dược sĩ. Đội ngũ này đã được đào tạo cơ bản tại các trường, khi về Bệnh viện tiếp tục tham dự các khóa đào tạo cơ bản theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại chỗ hoặc tại các bệnh viện tuyến Trung ương, do đó đã đáp ứng các tiêu chí về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, Bệnh viện còn có nhiều chương trình hợp đồng, liên kết với các giáo sư, bác sĩ tại các bệnh viện ở tuyến Trung ương. Hàng tuần, các chuyên gia này về Bệnh viện để truyền dạy, cập nhật kiến thức mới hoặc trực tiếp thăm khám, rút kinh nghiệm với từng bệnh án cụ thể. Đây là cách làm tốt, tạo hiệu quả cao trong thực tiễn khám, chữa bệnh của Bệnh viện. Bên cạnh việc quan tâm đào tạo về chuyên môn, Bệnh viện cũng dành sự quan tâm có hiệu quả tới đời sống vật chất và tinh thần cho tất cả cán bộ, nhân viên. Cụ thể, Bệnh viện có chế độ đãi ngộ (lương và phụ cấp) minh bạch, công bằng; bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt và làm việc đầy đủ tiện nghi, có nơi gửi trẻ, có xe đưa đón cán bộ đi làm, xe đưa đón các cháu (từ mẫu giáo đến THPT) đi học miễn phí; chế độ nghỉ ngơi hàng năm, chế độ đi tham quan, nghiên cứu học tập ở nước ngoài… Vì vậy, tại cuộc thăm dò ý kiến nội bộ nhân kỷ niệm 9 năm thành lập Bệnh viện, có hơn 95% số cán bộ, nhân viên biểu hiện sự hài lòng và cảm thấy tự hào khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. Gặt hái những “trái ngọt” Từ ngày 27/5/2019, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chính thức là bệnh viện tư nhân đầu tiên trong cả nước, là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K Trung ương và tham gia Đề án 1816 của Bệnh viện Bạch Mai. Với việc triển khai mô hình vệ tinh tại đây, các kỹ thuật điều trị ung thư như hóa trị, điều trị đích; các kỹ thuật mới liên quan đến hô hấp, tim mạch, cơ xương khớp, lọc máu... sẽ được Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao và thực hiện ngay tại Bệnh viện Hùng Vương. Số lượng các ca phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương ngày càng tăng cao Có thể nói rằng, bên cạnh rất nhiều cơ hội cũng có không ít khó khăn thử thách đối với tập thể cán bộ nhân viên trong toàn Bệnh viện. Nhưng với tinh thần đoàn kết, cán bộ, nhân viên trong toàn viện đã làm việc bằng trí tuệ, bằng trách nhiệm, bằng lương tâm, đôi khi cả máu và nước mắt để xây dựng bệnh viện ngày một bền vững và phát triển. Năm 2010, khi mới khai trương, cả năm Bệnh viện chỉ có 478 lượt khám ngoại trú, 133 lượt điều trị nội trú; năm 2014 có 81.925 lượt khám ngoại trú, 11.048 lượt điều trị nội trú; thì năm 2019, Bệnh viện đã có trên 150.000 lượt khám ngoại trú và trên 30.000 lượt khám điều trị nội trú. Về công tác thực hiện phẫu thuật tại Bệnh viện: Năm 2012 là 1280 ca; năm 2018 là 4.579 ca; năm 2019 là 5.139 ca, trong đó đáng chú ý từ năm 2016 đến nay Bệnh viện đã được chuyển giao và đưa vào sử dụng một số kỹ thuật mới như: Chụp Cộng hưởng từ (MRI), CT đa dãy, chụp Mamo vú, tán sỏi ngoài cơ thể, sử dụng dao siêu âm trong phẫu thuật, sinh thiết tế bào dưới hướng dẫn hệ thống máy CT 128 dãy, phẫu thuật nội soi, tán sỏi, phẫu thuật sọ não, thần kinh cột sống đến các kỹ thuật vi phẫu tạo hình, ứng dụng công nghệ plasma vào y học, phẫu thuật và điều trị ung thư, triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục trong điều trị bệnh nhân nặng... Số ca phẫu thuật loại I, loại II có xu hướng tăng rõ rệt. Đó là những con số biết nói, cho thấy sự phát triển không ngừng của Bệnh viện, sự tin tưởng gửi gắm của nhân dân dành cho cơ sở khám, chữa bệnh Bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương. Nối dài thêm những cánh tay chăm sóc sức khỏe nhân dân Với mong muốn nối dài thêm những cánh tay chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hệ thống bệnh viện, phòng khám vệ tinh trực thuộc Công ty TNHH Phát triển Y học Việt đã và đang phát triển, mở rộng thêm, không chỉ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn vươn ra các địa phương khác trong cả nước như: Phòng khám đa khoa Hùng Vương – Chân Mộng (Phú Thọ); Phòng khám đa khoa Hùng Vương – Sơn Dương (Tuyên Quang); Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hùng Vương (Gia Lai). Y, bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện thường xuyên được trau dồi kiến thức và nâng cao đạo đức nghề nghiệp Cùng với đó, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cũng đặc biệt quan tâm đến những hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Hàng năm, Bệnh viện tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người thuộc các nhóm đối tượng là người cao tuổi, người có công hoặc người có hoàn cảnh khó khăn. Bệnh viện còn nhận nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đáng nói là, ngoài nuôi dưỡng, Bệnh viện còn hỗ trợ để các em được theo học các chương trình, bậc học phù hợp độ tuổi, trong đó có em đã đỗ đại học hoặc các trường chuyên nghiệp khác… Trong giai đoạn phát triển mới, Bệnh viện định hướng sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế có chất lượng cao, được đào tạo chuyên sâu các chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến Trung ương và nước ngoài. Cùng với đó, chú trọng triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, chung tay bảo vệ môi trường. Cụ thể: Nỗ lực giảm thiểu đến mức tối đa những can thiệp vào môi trường như không in phim X-Quang, sử dụng cặp lồng inox thay cho hộp xốp, túi nilon… Bên cạnh đó, Bệnh viện ứng dụng, phát triển tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu suất điều trị, giúp công tác khám, chữa bệnh không dừng lại ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương mà thông qua đội ngũ y, bác sĩ sẽ mang những kiến thức, kinh nghiệm từ các bệnh viện lớn về phục vụ nhân dân địa phương, giúp hiệu quả điều trị tăng lên. Hưng VũTĐKT - Trải qua quá trình hình thành và phát triển, tập thể khoa học nữ Phòng thí nghiệm cúm Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm, đứng đầu là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ virus cúm tới chế phẩm vắc xin cúm mùa và vắc xin cho đại dịch cúm. Đồng thời tích cực tham gia nghiên cứu phát triển vắc xin phòng, chống cúm và kiểm soát sự kháng thuốc của các virus cúm; phát triển các phương pháp nghiên cứu toàn diện đánh giá vai trò của virus cúm trong nhóm bệnh viêm đường hô hấp…
Tập thể khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, phòng thí nghiệm Cúm tiền thân là Phòng thí nghiệm các virus hô hấp, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, được Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG - WHO) công nhận là Trung tâm Cúm quốc gia vào tháng 3/2000. Với chức năng, nhiệm vụ giám sát, phát hiện, nghiên cứu các tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp, PTN là đơn vị đầu tiên thu thập, phân lập và xác định căn nguyên gây dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng tại Việt Nam tháng 3/2003 là tác nhân virus lạ.
Hiện tại, PTN Cúm là thành viên của Hệ thống Giám sát cúm toàn cầu (GISRS), thường xuyên cập nhật số liệu virus học cúm hàng tháng vào mạng lưới Flunet của TCYTTG và chia sẻ các chủng cúm mùa đại diện của Việt Nam hàng năm (50 chủng/năm) tới các trung tâm nghiên cứu Cúm chuẩn thức để lựa chọn thành phần vaccine cúm hàng năm.
Ngoài ra, tập thể khoa học nữ cũng chính là đơn vị, tham gia công tác khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm (SARS) năm 2003, phát triển quy trình thực hành An toàn sinh học tại Việt Nam.
Viện đã định hướng nghiên cứu của phòng thí nghiệm (PTN) Cúm đã được xây dựng từ những năm 2003, khi dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với TCYTTG về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh với tỷ lệ tử vong cao.
Tại thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của PTN Hô hấp, đứng đầu là PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên điều trị tại bệnh viện Việt - Pháp (3/2003). Virus SARS-CoV – một tác nhân hoàn toàn mới đã được định danh vào tháng 4/2003. Các khái niệm và thực hành về an toàn sinh học (ATSH) lần đầu tiên được cập nhật tại Việt Nam, PTN được giao trách nhiệm phát triển các quy trình đánh giá nguy cơ và quy trình thực hành ATSH trong PTN ở các mức độ khác nhau. Những quy trình kỹ thuật này đã được Bộ Y tế phê duyệt và phổ biến trong toàn bộ hệ thống PTN trên phạm vi toàn quốc vào đầu năm 2005.
Cùng với đó, PTN đã đóng góp vào chẩn đoán, nghiên cứu virus cúm gia cầm độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người A/H5N1 (2003 - 2014).
Với bài học kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch SARS năm 2003, nhóm nghiên cứu tiếp tục trực tiếp xét nghiệm xác định trường nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 trên người đầu tiên tại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 12/2003.
Những kết quả PTN và các vật liệu nghiên cứu (virus cúm A/H5N1, bệnh phẩm lâm sàng) đã được PTN chia sẻ cho các đơn vị nghiên cứu quốc tế: Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật CDC, Mỹ; Viện Quốc gia Nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm, Nhật Bản; Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia Canada; Trung tâm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng Hồng Kông; Viện Khoa học Y tế, Đại học Tokyo, Nhật Bản; Trường Thú y, Đại học Wisconsin, Mỹ. Virus cúm A/H5N1 do PTN phân lập được đã được TCYTTG lựa chọn là virus dự tuyển để phát triển vaccine phòng, chống cúm A/H5N1.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, nhóm nghiên cứu cũng đã tham gia tạo chủng virus cúm A/H5N1 trong sản xuất vaccine cúm tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã tham gia tạo chủng virus rgA/H5N1 không độc lực bằng phương pháp di truyền đảo ngược. Thiết lập được hệ chủng gốc và chủng sản xuất vaccine cúm A/H5N1 với đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của TCYTTG.
Từ những kết quả đã đạt được khi phát triển vaccine cúm A/H5N1, vaccine cúm A/H1N1/2009 đại dịch cũng đang được tiến hành phát triển trên tế bào thận khỉ tiên phát (PMKc). Các kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine cúm A/H1N1/2009 đại dịch đáp ứng đầy đủ tính an toàn, hiệu lực và có giá thành hợp lý.
Hiện tại, thuốc kháng virus (Oseltamivir- Taminflu) được đánh giá là thuốc đặc hiệu nhất trong điều trị nhiễm virus cúm A (A/H5N1; H1N1) và chưa có các chế phẩm khác thay thế hoặc bổ sung. Nhóm nghiên cứu đã xác định 1 chủng virus cúm A/H5N1 (2005) xuất hiện đột biến liên quan đến kháng thuốc oseltamivir, 2 virus cúm A/H5N1 cũng xuất hiện đột biến liên quan đến sự giảm độ nhạy của thuốc kháng virus. Các phát hiện này đã thúc đẩy sự phát triển các thuốc kháng virus cúm thế hệ mới và các phương pháp phát hiện đột biến chỉ điểm kháng thuốc của virus cúm A/H5N1. Phát hiện chùm ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1pdm09 nhưng chưa có khả năng lan truyền rộng trong quần thể virus cúm A.
Cùng sự hợp tác của CDC-Hoa Kỳ, nghiên cứu về sự tương tác giữa virus cúm A/H5N1 trên người và trên gia cầm tại miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 2003 - 2010 đã khẳng định giả thuyết các trường hợp người nhiễm virus H5N1 tại Việt Nam là kết quả của việc truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.
PGS. TS. Lê Thị Quỳnh Mai Phó Viện trưởng – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kiêm Trưởng Phòng thí nghiệm Cúm cho biết, PTN đã mở rộng, phát triển các phương pháp nghiên cứu toàn diện đánh giá vai trò của virus cúm trong nhóm bệnh viêm đường hô hấp do căn nguyên virus và miễn dịch cộng đồng với virus cúm
Trong giai đoạn 2006 - 2015, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật – Mỹ và TCYTTG, hệ thống giám sát cúm đã được triển khai trên 15 điểm tại 4 vùng trên toàn quốc: Miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Hệ thống giám sát đã đưa ra bức tranh tổng thể về sự lưu hành của virus cúm mùa tại Việt Nam với đặc điểm di truyền và đặc tính kháng nguyên tương đồng cao với các virus dự tuyển vaccine cho khu vực Nam bán cầu. Tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp nặng (SARI) rất đa dạng: Virus cúm vẫn là căn nguyên chính gây viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm, ngoài ra các virus khác: Hợp bào đường hô hấp (RSV), viêm phổi (hMPV), á cúm (Parainflueza) cũng đóng vai trò quan trọng.
Hiện tại, việc sử dụng vaccine cúm mùa tại Việt Nam bắt đầu được quan tâm, tuy nhiên phát triển các chính sách, chiến lược cho sử dụng vaccine cúm cần rất nhiều các thông tin về dịch tễ, virus, miễn dịch đã có trong cộng đồng. PTN đã cùng với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng đại học Oxford đã tiến hành nghiên cứu thuần tập (Corhot study) tại Hà Nam từ năm 2007 đến nay. Kết quả công bố trên gợi ý cho việc sử dụng để phát triển vaccine cúm mùa tại Việt Nam để làm tăng hiệu quả của vaccine, đồng thời cũng bổ sung thêm minh chứng để thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển vaccine cúm phổ rộng (universal vaccine) trong tương lai.
Tuân chỉ mục tiêu nghiên cứu, PTN cúm tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, các nghiên cứu hiện tại tập trung xác định ảnh hưởng của tình trạng miễn dịch đã có sau khi tiêm vaccine cúm mùa đến khả năng dự phòng của vaccine nhắc lại hàng năm, đặc biệt với virus cúm A/H3N2.
Ngoài công tác chuyên môn, các nhà khoa học nữ của PTN Cúm tham gia tích cực vào công tác quản lý, lãnh đạo Viện/Khoa. PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai hiện tại Phó Viện trưởng – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từ năm 2013, kiêm Trưởng Phòng thí nghiệm Cúm từ năm 2005 đã có 30 năm làm việc tại Viện trong lĩnh vực virus học.
PGS. Lê Thị Quỳnh Mai phụ trách 5 Khoa/Phòng trên tổng số 16 Khoa/Phòng chuyên môn và chức năng trong Viện: Khoa Virus, Khoa HIV, Trung tâm Nghiên cứu Y sinh, Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Kiểm chuẩn, Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất Động vật chuẩn thức. Trong suốt 30 năm công tác, PGS. Mai liên tục duy trì các nghiên cứu thế mạnh cùng với các đồng nghiệp để góp phần chia sẻ thông tin khoa học với cộng đồng các nhà khoa học trong nước và trên thế giới; xây dựng chiến lược dự phòng các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Hiện tại, TS. Hoàng Vũ Mai Phương đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Virus; PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng với vai trò Phó Trưởng khoa Virus, Bí thư Chi bộ Khoa Virus và thành viên Ban chấp hành Công đoàn Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Th.S Ứng Thị Hồng Trang đảm nhận vị trí Bí thư Ban chấp hành Đoàn thanh niên Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Th.S Lê Thị Thanh, CN. Phạm Thị Hiền tham gia Ban chấp hành Công đoàn Khoa Virus.
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã trao tặng PTN Huân chương Lao động hạng Ba vì “Đã có thành tích xuất sắc trong việc phòng, chống và khống chế dịch SARS, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Tập thể khoa học nữ Phòng thí nghiệm cúm Khoa Virus được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia 2019.
Ngoài ra, từ thành công và nỗ lực không ngừng nghỉ, các nhà khoa học nữ được tặng nhiều Bằng khen về các hoạt động xuất sắc: Giải thưởng Nữ khoa học trẻ Châu Á năm 2009; Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019; Giấy khen của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng; Bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”; Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” về thành tích đóng góp vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng tổ chức Đoàn; Giấy khen của Ban chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Quận Đoàn Hai Bà Trung đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi...
Các nữ Đảng viên nhiều năm liền đạt Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tham gia tích cực và đi đầu trong các hoạt động công đoàn, đền ơn đáp nghĩa, hiếu hỷ, hiến máu nhân đạo và các đợt vận động ủng hộ cho đồng bào lũ lụt, biển đảo, vùng núi cao.
Hồng Thiết
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 60
- 61
- 62
- 63
- 64
- …
- sau ›
- cuối cùng »