TĐKT – Sáng 29/12, tại Hà Nội, CLB “Trái tim Người lính”, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc tổ chức Toạ đàm “GS. TS Bùi Danh Lưu – Một trí thức tài năng, nhà lãnh đạo và quản lý tâm huyết của ngành Giao thông Vận tải Việt Nam”. Đây là sự kiện có ý nghĩa nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh (28/8/1935 – 28/8/2020) và 10 năm ngày mất (30/12/2010 – 30/12/2020) của GS. TS Bùi Danh Lưu.
GS. TS Bùi Danh Lưu (còn có tên là Quốc Linh) sinh ngày 28/8/1935 tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, xuất thân trong một gia đình nho học.
Năm 1953, khi đang là học sinh cấp III (THPT), ông tham gia Ban Vận tải tiền phương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch kết thúc, ông về trường học tiếp rồi được điều về Tổng cục Đường sắt làm liên lạc viên, đảm bảo giao thông trong kháng chiến chống Mỹ ở khu IV.
Năm 1970, ông được cử sang Tiệp Khắc du học và về nước năm 1976 với tấm bằng Phó Tiến sĩ, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Giao thông Vận tải. Suốt bốn năm ở đây, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông Bùi Danh Lưu vẫn hoàn thành xuất sắc nhiều công trình khoa học; nhiều đề tài nghiên cứu của ông đã được ứng dụng vào thực tiễn.
Ông Bùi Danh Lưu (người đứng giữa, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Trưởng Ban Chỉ đạo công trình) báo cáo về công trình xây dựng cầu Chương Dương với Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Chính phủ Đồng Sỹ Nguyên, năm 1985
Tháng 10 năm 1982, ông được thăng lên làm Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện; sau đó 17 ngày thì được Trung ương bổ nhiệm làm Thứ trưởng.
Tại buổi Tọa đàm, nhiều đại biểu đã chỉ ra rằng: GS. TS Bùi Danh Lưu được coi là “cha đẻ” cầu Chương Dương (Hà Nội). Ông tự thiết kế cây cầu và chịu trách nhiệm về tính khả thi của dự án; đồng thời trực tiếp chỉ huy thi công cầu Chương Dương. Sau thời gian ngắn kỷ lục 1 năm 9 tháng, cầu Chương Dương được khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, khắc phục rõ rệt cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên.
Tháng 6 năm 1986, sau những nỗ lực xây dựng cầu Chương Dương, ông Bùi Danh Lưu tiếp tục được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện (GTVTBĐ). Đó là thời kỳ đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Ngành GTVTBĐ cũng không nằm ngoài bối cảnh chung của dân tộc khi đó, là một bức tranh cực kỳ bi đát.
Trước tình thế đó, để cứu lấy ngành GTVTBĐ, ông Bùi Danh Lưu đã có những quyết sách sáng suốt đạt thành quả toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Với tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đưa ra Chương trình 11 điểm phát triển ngành Giao thông Vận tải.
Trước hết, đó là hành động “tự phẫu thuật chính mình” thay đổi lớn về ngành GTVTBĐ: Chấm dứt mô hình đơn vị hỗn hợp, tách công tác quản lý khỏi sản xuất, kinh doanh khi cho lập các cục chuyên ngành - hoàn toàn làm công tác quản lý nhà nước và các tổng công ty kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm kinh doanh và nộp tiền cho ngân sách. Quyết sách này tác động mạnh trong toàn ngành. Sau khi tách ra, người và nghề duy tu được trả lại đúng tên, nhiều hoạt động được chấn chỉnh hoặc khôi phục trở lại.
Khi đó, nhiều đường liên thôn, liên xã nhỏ hẹp, cầu cống tạm bợ, vẫn còn hơn nghìn xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu trực tiếp phát động Chương trình phát triển giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên phạm vi cả nước. Cách làm hợp lòng dân được hầu hết các địa phương hưởng ứng nhiệt tình, mang lại hiệu quả cao, cải thiện một bước rất đáng kể bộ mặt giao thông nông thôn. Sau 10 năm ông giữ vai trò Bộ trưởng, đã có thêm gần 1.000 xã được xóa khỏi danh sách chưa có đường ô tô tới trung tâm.
Cụ bà Trần Thị Quế, vợ cố GS. TS Bùi Danh Lưu, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT - Bưu điện và gia đình xúc động chia sẻ tại tọa đàm
Chính sách táo bạo thứ hai đó là xã hội hóa kinh doanh vận tải, huy động xe tư nhân tham gia vận tải. Chỉ trong một thời gian ngắn, tình thế đã đảo ngược, cung cầu từ hụt hẫng nghiêm trọng trở lại cân bằng mà nhân tố quyết định là do các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, chủ yếu là tư nhân đầu tư phương tiện mới chiếm tỷ trọng lên đến 70 đến 80% tham gia kinh doanh vận tải.
Một quyết sách đúng đắn khác của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đó là chủ trương “lấy đường nuôi đường, lấy công trình nuôi công trình” (thu phí giao thông) để tạo vốn xây dựng và duy tu hạ tầng cơ sở giao thông. Những phương sách này đã tạo tiền đề cho việc triển khai hàng loạt dự án BOT và PPP sau này. Đến nay, chúng ta đã rất quen thuộc với việc thu phí giao thông hay cách thức xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT) nhưng vào thời điểm GS. TS Bùi Danh Lưu làm Bộ trưởng, điều đó còn rất xa lạ. Những phương sách mới này lúc đó bị phản đối kịch liệt bởi thói quen bao cấp kéo dài.
Hay như quyết sách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đi tắt đón đầu. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mang tính đột phá được ông đẩy mạnh khiến cho trong thời Bộ trưởng Bùi Danh Lưu mới có hàng loạt cầu lớn đẹp ra đời như cầu Mỹ Thuận, cầu Phong Châu, cầu Đò Quan, cầu Lạc Quần…
Chương trình 11 điểm của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược và tính dự báo cho sự phát triển sôi động giao thông vận tải trong kinh tế thị trường đầu thế kỷ 21.
Trong suốt 10 năm làm Bộ trưởng, ông đã có rất nhiều những quyết sách đúng đắn tạo ra bước ngoặt, mở đường cho sự phát triển của ngành GTVTBĐ, thoát ra khỏi thế bí để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.
Với vốn tri thức được đào tạo bài bản, tầm nhìn hơn người, với bản lĩnh và tâm huyết dành cho ngành GTVTBĐ, GS. TS, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã “vực” ngành giao thông qua khỏi khủng hoảng những năm thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20 và bắt đầu có những bước phát triển khởi đầu cho sự bùng phát mạnh mẽ trong thế kỷ sau.
Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Là người có học hàm học vị cao, một chính khách lẫy lừng nhưng khi trở về nhà, GS. TS Bùi Danh Lưu lại là người chồng, người cha bình dị và chăm lo vợ con hết mực.
GS. TS Bùi Danh Lưu xây dựng gia đình với bà Trần Thị Quế từ năm 1956 và có với nhau 3 người con. Hơn 50 năm sống bên nhau, dù bận trăm công nghìn việc nhưng ông luôn dành cho người vợ của mình tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc. Điều hạnh phúc của gia đình cố GS. TS Bùi Danh Lưu là con cháu ông đều trưởng thành. Đặc biệt là thế hệ các cháu, đã nối tiếp truyền thống hiếu học của người ông, đều học rất giỏi, trở thành những nhà nghiên cứu khoa học trẻ, là niềm tự hào của quê hương, đất nước.
Mai Thảo