Khởi nghiệp thành công từ sữa sạch - Hanamilk
25/12/2020 - 12:18

TĐKT - Hà Nam được biết đến là tỉnh chăn nuôi bò sữa lớn mạnh và thị xã Duy Tiên là địa phương có diện tích trang trại và số lượng đàn bò đi đầu trong ngành chăn nuôi này. Là mội hội viên nông dân thôn Đô Quan, xã Mộc Nam, song cũng là doanh nghiệp, chị Trần Thị Thanh Thoan đại diện cho Công ty Cổ phần sữa Hà Nam với các sản phẩm hiện đang có trên thị trường như: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm mang thương hiệu Hanamilk. Chị mong muốn có cơ hội chia sẻ, hợp tác và học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm từ các đơn vị anh chị trong nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau.

Chị cho biết, có rất nhiều lý do để chị chọn sữa là sản phẩm cho kế hoạch khởi nghiệp của mình. Chị kể: Lúc đó tôi đang nuôi con nhỏ, tìm hiểu khá nhiều về sữa, lại trùng với thời điểm tôi nhận thấy tỉnh nhà có cơ chế hỗ trợ rất nhiều cho ngành chăn nuôi này. Cộng thêm với ước mơ từ thủa bé rất thích sở hữu một trang trại tự cung tự cấp nên tôi quyết định bắt tay thực hiện kế hoạch riêng của mình.

Chị Trần Thị Thanh Thoan đang chăm sóc bò sữa trong trang trại của mình

Qua tìm hiểu, chị nhận ra rằng, thị trường sữa rất đa dạng, sản phẩm phong phú, mẫu đẹp và có thương hiệu nhưng mong muốn của khách hàng là có 1 nguồn sữa tươi tự nhiên, được kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu thức ăn và minh bạch về thông tin. Khách hàng muốn biết cốc sữa mà con mình đang uống được lấy từ đâu, kiểm soát thế nào, có thật là như thế không… để họ tự đưa ra quyết định lựa chọn. Việc đó không đơn giản như nuôi 1 con bò khỏe mạnh, vắt sữa và đem đi bán là được.

Chính vì vậy vào năm 2014, sau hơn mười năm học đại học và kinh doanh trên thành phố, chị Thoan trở về quê thị xã Duy Tiên xây dựng trang trại mẫu với diện tích 6 ha và 1.500m2 chuồng trại, đàn bò 100 con, với mong muốn sau khi thành công, công ty sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi của mình với các nông hộ trong khu vực để nguồn sữa quê hương thêm giá trị.

Các tiêu chí chăn nuôi trong trang trại mẫu của doanh nghiệp bao gồm: Không sử dụng cám công nghiệp; không hoóc - môn tăng trưởng; không thức ăn biến đổi gien; không tồn dư kháng sinh; không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tá; không chất bảo quản, hương liệu.

Để làm được các tiêu chí trên không phải ngày một, ngày hai mà cần cả một quá trình học hỏi và có trả giá.

Do quá trình thử nghiệm thức ăn tự phối trộn không cân bằng dinh dưỡng mà đàn bò của trang trại Hanamilk chết, loại thải 10/30 ngay ở năm đầu tiên.

“Lúc đó tôi đã lặn lội lên Ba Vì, Mộc Châu, Củ Chi, Lâm Đồng để học tập kinh nghiệm. May mắn trong chặng đường tìm hiểu của mình, tôi gặp bác Cao Trí Áp, thời điểm đó đang là thú y trưởng tại nông trường bò Mộc Châu và nhận được sự giúp đỡ tận tâm của bác. Cũng chính trong quá trình tìm hiểu này, tôi nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ bác Vương Long - chuyên gia dinh dưỡng cho bò sữa hàng đầu Việt Nam. Bác từ miền Nam bay ra đưa các mẫu thức ăn đang có của trang trại đi phân tích và có công thức chính thức cho trang trại. Vậy là truyền thống và hiện đại kết hợp, chúng tôi đã ra được công thức phối trộn thức ăn cho bò.” – Chị Thoan nhớ lại.

Nguồn thức ăn biến đổi gien cũng là vấn đề lớn các mẹ quan tâm và doanh nghiệp phải đưa ra hướng thức ăn thay thế. Chia sẻ điều này trên trang cá nhân mình, chị Thoan đã nhận được rất nhiều gợi ý và giúp đỡ. Cuối cùng, doanh nghiệp của chị đã tìm được nguồn đậu xanh từ phế phẩm của quá trình làm bánh đậu xanh tại Hải Dương.

Ngay sau đó những dòng sữa đầu tiên sau quá trình chuyển đổi được doanh nghiệp của chị đưa đến với khách hàng.

Chị Trần Thị Thanh Thoan thường xuyên quan tâm, kiểm tra sản phẩm sữa rất kỹ trước khi đưa ra thị trường

“Nhận thấy Hà Nội là thị trường rộng lớn, đối tượng khách hàng đa dạng, có nhiều cơ hội để đánh giá đúng sản phẩm của mình. Chúng tôi chọn Hà Nội là thị trường đầu tiên, trong đó các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch là đối tượng chúng tôi hướng tới trước.” – Chị Thoan chia sẻ.

Chị nghĩ, hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch là nơi tập trung của những khách hàng hiểu biết và rất khắt khe khi lựa chọn sản phẩm. Chị cho rằng, nếu sản phẩm được khách hàng ở đó chấp nhận, đánh giá tốt thì có nghĩa là con đường chị và doanh nghiệp đang làm là đúng hướng.

Để có được đánh giá chân thực nhất, doanh nghiệp của chị đã tổ chức rất nhiều chương trình dùng thử, lấy ý kiến đánh giá và có cơ hội để lắng nghe phản hồi cho quá trình hoàn thiện sản phẩm của mình. Đặc biệt, đích thân chị Thoan luôn là người trực tiếp làm, trực tiếp nghe, trực tiếp theo dõi sản phẩm.

Các phản hồi về sản phẩm liên tiếp được đưa đến trong quá trình lưu thông như: Sữa tươi thanh trùng hạn sử dụng ngắn; người tiêu dùng chưa phân biệt được sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng; sự đa dạng về mùi vị không hấp dẫn… Tất cả những khó khăn này khiến các đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch mặc dù yêu mến và hỗ trợ nhưng cũng có phần lo ngại.

Đây cũng là thời điểm vô cùng khó khăn tưởng chừng như có thể dừng lại. Tuy nhiên, đúng lúc đó, Hanamilk nhận được một số cuộc điện thoại từ phía khách hàng: Con nhà chị từ khi biết đến Hanamilk là chỉ uống Hanamilk thôi, tốn kém quá. Hoặc mình ở Hàn Quốc, nay mới tìm được sữa phù hợp, muốn mua thường xuyên thì làm thế nào…

Cuộc gọi ấn tượng nhất là từ một lần xử lý sự cố của chị khách hàng khu vực Cầu Giấy. Chị Thoan kể lại: “Tôi nhận phản ánh từ phía cửa hàng nói sữa chị mua về hỏng trước hạn 2 ngày, cần bên sản xuất giải quyết cùng phía cửa hàng. Tôi nhấc điện thoại gọi cho khách để nói lời xin lỗi, nhưng chưa kịp giải thích gì thì chị nói: Chị hay đi công tác ở châu Âu - sang đó chị đặc biệt chú ý đến sữa thanh trùng của họ, khi trở về đây là loại sữa đầu tiên chị cảm nhận được hương vị tự nhiên đó. Chị rất trân trọng dòng sản phẩm này, chúc các em vững tâm theo đuổi. Lời động viên của chị như 1 liều dopping giúp tôi quyết tâm và tìm phương án tối ưu cho dòng sản phẩm của mình. Cuối cùng chúng tôi đã tìm ra những phương án cụ thể và sản phẩm Hanamilk đã không bị hỏng trước hạn sử dụng.”

Chị Thoan cho biết: Sân chơi ngành sữa là sân chơi của các đại gia lớn. Hanamilk lựa chọn hướng đi không đối đầu mà sẽ định nghĩa lại thị trường theo tâm lý của người tiêu dùng đang mong muốn, đó là một sản phẩm tự nhiên, không chất bảo quản, rõ nguồn gốc và quy trình được trực quan về hình ảnh chứ không đơn thuần về mặt thông tin.

Hanamilk tự hào bởi tất cả các sản phẩm đều được làm từ nguyên liệu sữa tươi nguyên chất không có bất kỳ một chất nào khác ngoài sữa. Những thành quả ban đầu mà chị Thoan và cộng sự đạt được đó là Hanamilk đã có mặt tại hơn 300 hệ thống các cửa hàng, siêu thị khắp các tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung như: Các chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch: Bác Tôm, Ecofood, Bigreen, Đồng Xanh, Đồng Quê, Rau Quê Bắc Ninh, An Phú Đà Nẵng… hay hệ thống siêu thị mi ni: Seveenfood, Easymart… Ngoài ra, sản phẩm của Hanamilk còn có trong hệ thống đại siêu thị Aeon, BigC, Lan Chi, Coopmart, Coopfood; hệ thống thương mại điện tử: Adayroi, các đơn vị bán hàng online...

Việc mở rộng và phát triển thị trường là điều mà tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn. Hanamilk tự hào là không chỉ bán hàng mà còn được đồng hành bền vững với khách hàng từ ngày đầu và chinh phục được những khách hàng khắt khe nhất.

Cùng với việc tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp Hanamilk còn quan tâm giúp đỡ cho các hộ trong thôn cùng phát triển sản xuất, nhất là giúp các hộ về giống, vốn, kỹ thuật hàng năm trên 100 triệu đồng cho vay không thu lãi. Tại trang trại của chị Thoan đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 23 lao động, lao động mùa vụ là: 20 người (trong đó: 10 lao động nghèo), mỗi tháng trả lương cho 1 lao động từ 5 -17 triệu đồng/tháng, giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hàng năm, gia đình chị luôn gương mẫu đóng góp, ủng hộ các quỹ do địa phương, Hội các cấp phát động. Nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình chị đã đóng góp đến nay trên 100 triệu đồng; thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân; đóng góp đầy đủ các khoản thuế hàng năm với Nhà nước.

Kết quả năm 2019, trừ mọi chi phí và khấu hao, lợi nhuận sau thuế từ chăn nuôi bò sữa và sản xuất các sản phẩm từ sữa tươi của gia đình chị khoảng: 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ kinh doanh sữa tươi và các sản phẩm từ sữa gần 500 triệu đồng/năm. Tổng lãi 2 tỷ đồng/năm.

Với những kết quả trên, hàng năm gia đình chị được Hội Nông dân xã Mộc Nam bình xét là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện, được chính quyền công nhận là gia đình văn hóa.

Tháng 6/2018, chị đạt Giải nhất cuộc thi ý tưởng sáng tạo phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Hà Nam lần thứ nhất với ý tưởng “Sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam. Tháng 10/2018, đạt Giải xuất sắc về Đề án “Mô hình kinh doanh khép kín các sản phẩm từ sữa” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Năm 2019, được UBND huyện Duy Tiên tặng thưởng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2019. Năm 2020, chị được tham dự Hội nghị biểu dương nông dân điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 -2 020 của Hội Nông dân thị xã Duy Tiên; được UBND thị xã Duy Tiên lựa chọn đi dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hà Nam lần thứ XI; được Hội Nông dân tỉnh lựa chọn tham gia Chương trình bình chọn danh hiệu“Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020.

“Là một doanh nghiệp còn non trẻ nhưng tôi ý thức rất rõ về hướng đi của mình, mong muốn tạo ra những giá trị kinh tế và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho thế hệ tương lai. Tôi mong muốn tìm được những đối tác là những nhà bán lẻ có cách làm phù hợp để đồng hành cùng Hanamilk. Tôi cũng rất mong lãnh đạo tỉnh nhà quan tâm đến ngành sản xuất sữa nói chung và quan tâm đến Hanamilk nói riêng; tạo điều kiện xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm sản phẩm; xây dựng truyền thông quảng bá cho ngành chăn nuôi tỉnh nhà. Mang các sản phẩm nông nghiệp của Hà Nam tới mọi miền đất nước và hơn thế nữa.” – Chị Thoan mong muốn.

Thục Anh