Điển hình tiên tiến

Nguyễn Đức Thiện- Chỉ huy trưởng gương mẫu, trách nhiệm

TĐKT - Gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm- đó là nhận xét của nhiều người về anh Nguyễn Đức Thiện, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã Mai Trung (Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Gặp anh tại Đại hội Thi đua Quyết thắng của huyện Hiệp Hòa, giai đoạn 2012 - 2017, chúng tôi cảm nhận đằng sau vẻ điềm đạm, rắn rỏi là một con người có tác phong nhanh nhẹn, mẫu mực và có tinh thần trách nhiệm cao. Anh Nguyễn Đức Thiện Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Mai Trung (Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông nội, bố anh đều là đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang nên ngay từ khi còn nhỏ anh Thiện đã yêu màu xanh áo lính và ước mơ làm anh Bộ đội Cụ Hồ. Năm 1996, anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được rèn luyện, học tập tại lớp Tiểu đội trưởng tại Trường Quân sự Quân khu 1, sau đó về Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Anh hùng. Tự hào và nhận thức sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm của người quân nhân cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, anh Thiện đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Quân đội và đơn vị giao phó. Sau 1 năm rèn luyện, anh vinh dự được kết nạp, đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với phẩm chất người lính "Bộ đội Cụ Hồ" anh tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Trước yêu cầu chuẩn hóa trong công tác cán bộ, anh tham gia học tập, nâng cao kiến thức và tốt nghiệp lớp đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự xã tại Trường Quân sự tỉnh Bắc Giang với tấm bằng loại Giỏi. Tâm sự về những ngày đầu nhận nhiệm vụ, anh Thiện chia sẻ: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tôi xác định bản thân mình phải luôn gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó luôn gắn học tập, nâng cao trình độ chuyên môn với thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong của người đảng viên, của người lính. Từ những kiến thức được học ở Trường Quân sự tỉnh và với bản lĩnh được rèn luyện trong thực tiễn quân ngũ, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ làm gì, làm thế nào để công tác quốc phòng, quân sự địa phương vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Anh Nguyễn Đức Thiện là một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua Quyết thắng của huyện Hiệp Hòa Với bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm cao, trên cương vị mới, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nguyễn Đức Thiện đã có nhiều tham mưu tích cực cho cấp ủy chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng của địa phương. Nghĩ là làm và làm bằng được, anh Thiện chủ động đề xuất, tham mưu với Đảng ủy, HĐND, UBND xã ban hành Nghị quyết, xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Để xây dựng thế trận toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên cương vị Chỉ huy trưởng, anh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Công an xã, các chi bộ, lãnh đạo các thôn trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục quốc phòng, an ninh. Chú trọng công tác nắm chắc nguồn tuyển quân tại địa phương. Hàng năm, Ban CHQS xã thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi 17, độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, độ tuổi dân quân, nguồn dự bị động viên thực hiện Luật Dân quân Tự vệ và Luật Nghĩa vụ quân sự. Trong đó chú trọng xây dựng lực lượng dân quân nòng cốt với trung đội dân quân cơ động là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.  Cùng đó, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của xã hàng năm bảo đảm chỉ tiêu và chất lượng. Từ năm 2012 đến nay, xã Mai Trung có 96 người lên đường nhập ngũ; trong đó có 8 người trở thành cán bộ, đảng viên phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương được tổ chức đón tiếp, gặp mặt thân mật, tạo điều kiện giải quyết việc làm. Theo đó, hầu hết quân nhân xuất ngũ trở về địa phương đăng ký vào lực lượng dự bị động viên, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ khi có lệnh; đồng thời tiếp tục phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào của địa phương. Để không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện theo quy định, hàng năm anh Thiện luôn chú trọng chuẩn bị giáo án, bài giảng, thao trường, bãi tập, mô hình học cụ huấn luyện... Vì vậy, hàng năm, quân số tham gia huấn luyện của lực lượng dân quân đều đạt trên 98,5%, kết quả kiểm tra các khoa mục 100% đạt yêu cầu, tỷ lệ khá giỏi đạt 75% trở lên, đảm bảo an toàn trong huấn luyện. Cùng với công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Ban CHQS xã, lực lượng dân quân phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, nắm chắc tình hình, bảo vệ an toàn tuyệt đối các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn huyện, xã. Trong gần 10 năm qua, dưới sự điều hành của chỉ huy trưởng ban CHQS xã Nguyễn Đức Thiện, công tác quân sự - quốc phòng xã Mai Trung luôn nằm trong tốp dẫn đầu toàn huyện, từ công tác tuyển gọi quân vượt chỉ tiêu trên giao. Kết quả hội thao hàng năm đều đạt 100% khá, giỏi. Đặc biệt, năm 2016, khi được tuyển chọn vào đoàn vận động viên của huyện tham gia hội thao thể thao quốc phòng tỉnh Bắc Giang, anh Thiện đã nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm trong luyện tập nâng cao trình độ, yếu lĩnh động tác, kỹ thuật bắn súng quân dụng. Kết quả, anh đã giành giải ba cá nhân và giải nhì đồng đội, được Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang chọn tham gia đoàn vận động viên bắn súng của tỉnh thi đấu tại Quân khu 1. Tại đây, anh xuất sắc giành giải nhất cá nhân và nhất đồng đội, tiếp tục được tham gia đoàn vận động viên Bắn súng quân dụng (Tiểu liên AK), đối tượng Dân quân tự vệ thi đấu tại Bộ Quốc phòng. Bằng ý chí quyết tâm, anh Thiện đã cùng đồng đội giành Huy chương vàng toàn quân. Không chỉ giỏi bắn súng, anh Thiện còn có nhiều sáng kiến kỹ thuật được ứng dụng trong thực tiễn. Điển hình năm 2017, trong quá trình chuẩn bị trang thiết bị, mô hình, giáo án cho công tác huấn luyện, anh Thiện đã cùng đồng đội trong Ban CHQS xã nghiên cứu, sáng kiến cải tiến mõ quay chạy bằng pin thay cho quay bằng tay như hiện nay và được cấp trên đánh giá cao. Bí thư Đảng ủy xã Mai Trung - ông Nguyễn Xuân Thảo cho biết: “Đồng chí Nguyễn Đức Thiện là một tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, gương mẫu trong lối sống. Trong quá trình công tác, đồng chí đã có nhiều tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác quân sự, quốc phòng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang xã ngày càng vững mạnh”. Ngoài công tác chuyên môn, anh Thiện đã cùng Ban CHQS xã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tham mưu cho UBND xã bảo đảm các chế độ cho lực lượng dân quân khi tham gia huấn luyện, điều động; tham mưu cho Hội đồng chính sách xã thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội, việc đề nghị trợ cấp cho các đối tượng theo quyết định 290, 142, 62, 49 của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm công bằng, trung thực. Với nhiều đóng góp tích cực của Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nguyễn Đức Thiện trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban CHQS xã Mai Trung nhiều năm liên tục là đơn vị thi đua quyết thắng. Anh Thiện nhiều lần được Quân khu 1, Bộ CHQS tỉnh, cấp ủy chính quyền, các ban ngành các cấp trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc trong công tác tuyển gọi công dân lên đường nhập ngũ, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, chiến sĩ thi đua trong phong trào thi đua quyết thắng. Đạt được những kết quả đáng tự hào nhưng khi được hỏi về thành tích của bản thân, anh Thiện chia sẻ: “Những thành tích tôi đạt được hôm nay, phần lớn là nhờ vào truyền thống của gia đình và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban CHQS huyện Hiệp Hòa; Đảng ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể của xã. Thành tích lớn nhất của tôi chính là niềm tin của đồng chí, đồng đội, của cấp ủy, chính quyền và của nhân dân. Đây sẽ là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu cùng địa phương xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh”. 20 năm tuổi Đảng, gần 10 năm đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng  Ban CHQS xã, anh Nguyễn Đức Thiện nguyện tiếp tục nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, góp phần tô thắm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ đổi mới. Phương Nhung

Thôn đội trưởng thoát nghèo từ mô hình trồng rau an toàn

TĐKT – Xưa nay nhiều người vẫn cho rằng không thể thoát nghèo từ những thửa ruộng 2 vụ lúa/năm. Những năm qua, gia đình anh Lò Văn Nam, thôn đội trưởng Bản Lọng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã khiến nhiều người dân dần thay đổi suy nghĩ đó khi là người đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng trên diện tích 3.000m2 đất trồng lúa sang trồng các loại rau màu đem lại thu nhập cao từ 70 – 90 triệu đồng/năm. Anh Lò Văn Nam chăm sóc vườn rau súp lơ để kịp  thu hoạch trong dịp Tết Dương lịch Với quyết tâm bám đất thoát nghèo, bằng suy nghĩ làm ăn bền vững dựa vào thế mạnh của quê hương, anh Lò Văn Nam đã vươn lên làm giàu bằng việc sản xuất rau an toàn để cung ứng cho thị trường. Mô hình của gia đình anh hiện tại không chỉ góp phần ổn định kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình mà đây còn là mô hình làm ăn tiêu biểu để nhiều nông dân học hỏi, làm theo. Những năm trước, gia đình anh Nam là một trong nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình anh chỉ biết trông chờ vào thu nhập bấp bênh từ việc sản xuất lúa 2 vụ/năm và đi làm thuê thời vụ.  Không chấp nhận số phận, với suy nghĩ thoát nghèo và làm giàu từ đồng đất quê hương, năm 2013, gia đình anh Nam đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng trên diện tích 2.000m2 đất trồng lúa để sản xuất rau an toàn. Thời gian đầu, nhiều luống rau của gia đình anh bị hư hỏng, thu nhập thấp do chưa có kinh nghiệm trong sản xuất. Về sau, được sự hỗ trợ của các cấp tạo điều kiện cho anh tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cộng với việc chăm chỉ, tìm tòi học hỏi qua sách báo, việc sản xuất rau an toàn của gia đình anh đã có nhiều khởi sắc, được thị trường đánh giá cao về chất lượng.  Hiện nay, gia đình anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa 3.000m2 mà gia đình có. Các giống rau đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao được gia đình anh tập trung sản xuất: Rau xà lách, súp lơ, bắp cải, cải ngồng, rau húng chó…đều đang trong gia đoạn sinh trưởng, phát triển tốt và sắp cho thu hoạch. Anh Nam cho biết: “Tất cả các sản phẩm của gia đình làm ra đến đâu đều được tiêu thụ ngay đến đó, các sản phẩm rau, củ được bán đổ cho các thương lái và nhà hàng trên địa bàn thị xã, có những thời điểm không có đủ sản phẩm để cung ứng cho thị trường”. Sự thành công của mô hình trồng rau an toàn đã giúp gia đình anh Nam vươn lên trở thành hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, có thu nhập ổn định ở địa phương. Theo ước tính của anh, mỗi năm trồng luân phiên 4 - 5 vụ rau cùng với việc trồng các loại rau thơm, rau gia vị ngắn ngày cho thu hoạch quanh năm như húng chó, ngải cứu… để cung ứng ra thị trường, gia đình thu lợi nhuận được từ 70 - 90 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều lần so với việc trồng lúa.  Để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng mô hình, vụ đông năm 2017, gia đình anh đã cải tạo đất bị ảnh hưởng của đợt lũ hồi đầu tháng 10 vừa qua để đầu tư đưa vào sản xuất trồng giống khoai tây Hà Lan năng suất cao trên diện tích 1.000m2. Anh Nam cho biết: Đây là giống khoai nhập khẩu từ Hà Lan cho năng suất cao, củ to, dài, thời gian sinh trưởng từ 80 - 95 ngày, có khả năng chịu thâm canh và chịu lạnh tốt. Anh Nam chia sẻ: “Để sản xuất rau đạt hiệu quả, gia đình anh luôn chú trọng từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Tất cả đều được gia đình tôi thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước, chất dinh dưỡng cho rau sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt là gia đình tôi luôn trú trọng đảm bảo an toàn cho người tiêu  dùng nên toàn bộ phân bón cho rau đều được sử dụng từ nguồn phân hữu cơ được ủ hoai mục bằng chế phẩm nấm vi sinh. Công tác phòng, chống sâu bệnh được thực hiện bằng cách thường xuyên thăm vườn. Tôi chủ động phòng, chống và diệt sâu bọ bằng phương pháp sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc từ thiên nhiên nên luôn đảm bảo được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên được thị trường đón nhận”. Bên cạnh mô hình trồng rau an toàn, gia đình anh cũng tận dụng nguồn thức ăn rau xanh có sẵn từ trang trại rau để chăn nuôi lợn và cá thương phẩm. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi gần 20 con lợn và thả các loại cá chất lượng cao như trắm, chép trên diện tích mặt ao gần 500m2. Nhờ đó, gia đình anh có thêm nguồn thu nhập từ 30 – 60 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, thả cá. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn được tín nhiệm giữ chức vụ Thôn đội trưởng tổ bản Lọng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ. Không phụ lòng mong mỏi của người dân, anh luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn gương mẫu đi đầu hoàn thành mọi công tác, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó anh luôn tích hướng dẫn các hộ trong thôn, xóm về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt, nhất là quy trình sản xuất rau an toàn để cùng nhau vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Như vậy có thể thấy rằng, nếu biết cách phát huy những thế mạnh sẵn có của địa phương, cùng tinh thần học hỏi, dám nghĩ dám làm và khát khao vươn lên làm giàu chính đáng thì không gì là không thể. Hộ gia đình anh Lò Văn Nam là một điển hình tiêu biểu trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính đồng đất quê hương. Thùy Hương - Minh Thiền

Chàng trai 9X người Dao kiếm hàng tỷ đồng từ chăn nuôi gà thương phẩm

TĐKT - Đến thôn Đồng Dằm (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) hỏi đến Chìu Quý Nguyên không ai là không biết đến bởi chàng thanh niên người dân tộc Dao này có mô hình chăn nuôi gà cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Để có được thành quả đó, là nhờ sự kiên trì, tự học hỏi của người chủ trang trại trẻ năng động. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, trải qua cuộc sống khó khăn đã tạo cho Nguyên động lực, ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, phấn đấu làm sao để thoát nghèo. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Đa khoa Y tại trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, Nguyên không nộp hồ sơ xin việc mà quyết định về lại mảnh đất quê hương Đạp Thanh để phát triển kinh tế với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.  Với số vốn ít ỏi của gia đình và vay mượn thêm anh em trong gia đình, Nguyên bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi gà thương phẩm với 2.000 con gà giống được anh mua tại trại giống ở tỉnh Hải Dương. Chìu Quý Nguyên là điển hình phong trào phát triển kinh tế ở địa phương Nguyên cho biết: Thời gian đầu khi bắt tay vào chăn nuôi gà, tôi gặp nhiều khó khăn như nguồn thức ăn chăn nuôi chưa thích hợp, dịch bệnh trên đàn gà, đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi cũng gặp trở ngại. Tuy nhiên, những khó khăn ấy không làm chàng thanh niên người Dao nản lòng. Nguyên đã tự mày mò, tham khảo các tài liệu hướng dẫn và lên mạng internet tìm các trang hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà. Đề phòng đàn gà bị dịch bệnh, Nguyên dành nhiều thời gian theo dõi gà ăn, uống, xem gà phát triển bình thường hay có biểu hiện khác lạ để kịp thời xử lý. Dày công tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm, đến nay chỉ cần nhìn vào màu phân gà, quan sát lượng thức ăn tiêu thụ trong ngày của đàn gà là Nguyên có thể chẩn đoán được dấu hiệu bệnh của từng con để phòng ngừa kịp thời. Nhờ vậy, đàn gà của Nguyên phát triển khỏe mạnh. Lứa gà đầu tiên được Nguyên xuất bán và thu về gần 300 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn đi cho lãi gần 100 triệu đồng. Nguyên tự tay chăm sóc đàn gà của mình Nhận thấy lợi thế từ đồng đất quê nhà, cùng với khí hậu thuận lợi và nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, Nguyên bàn với gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình. Từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, Nguyên đã đầu tư mở rộng mô hình. Đến nay đàn gà của Nguyên đã lên đến trên 10 nghìn con. Năm 2016, số tiền bán gà đã cho gia đình Nguyên thu nhập khoảng 400 triệu đồng và 7 tháng của năm 2017 gia đình Nguyên thu 1 tỷ đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi gà thương phẩm, Nguyên cho biết: Yếu tố quyết định giúp tôi thành công trong việc chăn nuôi gà thương phẩm chính là áp dụng công nghệ nuôi khoa học. Hiện khu chuồng trại nuôi gà của tôi đều được xây dựng thoáng mát đúng quy cách, có lót đệm sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường. Khi đã có vốn trong tay, ngoài đầu tư phát triển đàn gà, Nguyên còn đầu tư trồng chè hoa vàng. Đến nay vườn chè của Nguyên đã lên đến hơn 1 ha và hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyên còn luôn tích cực trong các hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên. Đầu năm 2017, Nguyên được bầu là Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Đồng Dằm. Nhận thấy trong thôn vẫn còn nhiều gia đình nghèo, nhiều thanh niên còn thất nghiệp, Nguyên chủ động vận động các hộ gia đình tham khảo mô hình chăn nuôi gà và trồng cây chè hoa vàng của gia đình mình, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế của bản thân cho mọi người. Có thể khẳng định, với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, chàng thanh niên trẻ vừa tròn 24 tuổi Chìu Quý Nguyên đã bước đầu gặt hái được thành công trong quá trình phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp. Nguyên đã khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay, trở thành tấm gương tiêu biểu trong số những thanh niên nông thôn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Bảo Linh

Hòa Bình: Triển khai nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến

TĐKT - Nhằm triển khai, phổ biến và nhân điển hình tiên tiến, khơi dậy tinh thần thi đua lao động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, lập nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, vừa qua UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND về triển khai nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh. Hòa Bình lựa chọn 12 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực để nhân rộng: Mô hình “Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Kim Bôi, giai đoạn 2012 - 2017; mô hình thôn, xóm kiểu mẫu, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; mô hình Làng, bản văn hoá - quốc phòng và an ninh gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại xóm Mè, xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn; mô hình Thôn, xóm kiểu mẫu, tiêu biểu trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; mô hình “Nâng cao thu nhập từ trồng rau hữu cơ”; mô hình “Vườn rau dinh dưỡng trong trường mầm non”; mô hình “Phòng, chống đuối nước cho học sinh trong nhà trường”; mô hình: ’’Hướng dẫn học sinh dân tộc phương pháp tự học”; điển hình trong, phong trào thi đua lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học; điển hình về gương dũng cảm cứu người; điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình trồng cây có múi 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho từ 30 đến 50 người, làm việc từ 10-20 ngày/ tháng, có việc trong 7 tháng vào mùa, thu nhập trung bình của nhân công 4-5 triệu đồng/tháng; điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. UBND tỉnh đề nghị tạo môi trường thuận lợi để các mô hình, điển hình tiên tiến có điều kiện phấn đấu, khẳng định mình trước tập thể, được báo cáo, giới thiệu mô hình trong cộng đồng và tại các Hội nghị tổng kết phong trào thi đua, biểu dương điển hình các cấp, các ngành trong tỉnh. Đồng thời có các hình thức thi đua giữa các điển hình tiên tiến. Thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai nhân rộng điển hình tiên tiến phải được cụ thể hóa thông qua hiệu quả từng mô hình, nhân tố mới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điển hình tiên tiến phải thực sự tiêu biểu, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có cách làm hay, hiệu quả trên từng lĩnh vực công tác, trong lao động, sản xuất và thực hiện nhiệm vụ được quần chúng thừa nhận. Phát huy vai trò, tác dụng nêu gương học tập và là nòng cốt trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo thực hiện các hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Coi đây là một trong những giải pháp quan trọng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và nhân điển hình trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh. Đoàn Cần

LĐLĐ quận Tây Hồ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

TĐKT – Ngày 5/1, tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Tây Hồ tổ chức tổng kết công tác công đoàn (CĐ) năm 2017; phát động phong trào thi đua năm 2018 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng thưởng. LĐLĐ quận Tây Hồ hiện quản lý 148 công đoàn cơ sở (CĐCS) với tổng số 6.940 đoàn viên. Trong 5 năm qua, LĐLĐ quận luôn đổi mới các hình thức, nội dung thi đua ngày càng sát với thực tế CĐCS, vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua tạo năng suất, chất lượng cao, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của quận. Phong trào thi đua từ cơ sở đến quận mà nòng cốt là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phong trào “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, “Mẹ lao động giỏi - Con học giỏi”… đã được CNVCLĐ quận nhiệt tình hưởng ứng với 358 lượt tập thể và 1.098 lượt cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 568 Chiến sĩ thi đua các cấp; 855 lượt cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” các cấp, 891 lượt CNVCLĐ được biểu dương danh hiệu “Công nhân giỏi” các cấp. 5 năm qua quận có hơn 4.000 sáng kiến được công nhận các cấp; trong đó có 4 công trình, sản phẩm với tổng trị giá 165 tỷ đồng được quận gắn biển nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước. Đại diện LĐLĐ quận Tây Hồ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì LĐLĐ quận đã thành lập mới 59 CĐCS, kết nạp mới 3.776 đoàn viên. LĐLĐ quận và các CĐCS đã trợ cấp cho 1761 lượt CNVCLĐ và con CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền là 540 triệu đồng. LĐLĐ quận cũng đã có văn bản can thiệp với 21 doanh nghiệp thanh toán 3,9 tỷ đồng tiền nợ BHXH cho người lao động... Tại buổi lễ, LĐLĐ quận Tây Hồ vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng. Tổng LĐLĐVN cũng tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân; LĐLĐ TP Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 1 tập thể, tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 3 cá nhân; LĐLĐ quận tặng Giấy khen cho 38 tập thể vững mạnh tiêu biểu và 34 cá nhân xuất sắc… LĐLĐ quận đã đề ra một số chỉ tiêu và phát động phong trào thi đua năm 2018 trong CNVCLĐ và các cấp CĐ: Phấn đấu có trên 90% số CĐCS đơn vị hành chính sự nghiệp và trên 70% số CĐCS khu vực ngoài nhà nước đạt danh hiệu CĐCS vững mạnh; 100% cán bộ chủ chốt CĐ các cấp được bồi dưỡng đào tạo nghiệp vụ công tác CĐ. 90% số CNVCLĐ trẻ được học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề… Hưng Vũ

Nỗ lực thoát nghèo bằng ý chí, nghị lực bản thân

TĐKT - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, từng trải qua cuộc sống khốn khó, anh Trần Hữu Đức luôn vươn lên với ý chí và nghị lực hết mình, sống chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tìm tòi những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Trần Hữu Đức (bên phải) trong lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến toàn tỉnh Anh Đức cho biết, sau khi học xong cấp 3, đứng trước hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, vất vả, anh đã khăn gói vào Nam lập nghiệp mà không dám thi Đại học. Thời gian làm ở miền Nam, hằng đêm anh suy nghĩ, trăn trở bởi không thể cứ mãi sống bấp bênh ở xứ người, anh đã quyết tâm chọn cho mình lối đi riêng và trở về quê hương lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất nơi anh sinh ra. Anh vẫn nhớ như in, vào tháng 9/2011, anh quyết định về quê, mạnh dạn vay mượn gia đình, bạn bè với số vốn 200 triệu đồng để xây dựng trang trại vườn – ao – chăn nuôi gia cầm. Không chần chừ và không quản ngại khó khăn, vất vả, anh bắt tay ngay vào làm kinh tế, lúc đầu anh Đức nhận luôn 3 ha đất rừng với thời hạn thuê đất là 50 năm ở khu vực Khe Nước để trồng cây lâu năm như cây lát hoa và cây keo… Đặc biệt, nhờ học hỏi được kinh nghiệm nuôi gà thả vườn ở Bình Dương và Củ Chi – TP Hồ Chí Minh, anh đã mạnh dạn áp dụng mô hình chăn nuôi gà thả dưới tán cây rừng. Trong quá trình chăn nuôi, anh Đức đã lựa chọn nuôi loại giống gà Bình Định đã phát triển nhanh, rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở trang trại, sau gần 4 tháng là có thể xuất bán. Mỗi lứa nuôi 1.000 con và trong một năm trang trại đã xuất bán 3 lứa (3.000 con). Sau 4 tháng chăn nuôi theo cách thả vườn đồi, trừ chi phí anh cũng đã thu lãi 30 triệu đồng. Từ hai bàn tay trắng, xây dựng cơ nghiệp, đối với anh đấy là khoản tiền rất lớn và đã giúp anh có thêm động lực để mạnh dạn đầu tư nuôi tiếp nhiều đợt gà khác với số lượng lớn hơn gấp đôi. Bằng kinh nghiệm chăn nuôi được tích lũy dần, anh đã chọn lấy giống có nguồn gốc rõ ràng, tăng cường công tác phòng dịch, chính vì thế trang trại nuôi gà cỏ thả vườn của anh Đức đã rất thành công. Sản phầm được người dân trong vùng biết đến, các nhà hàng, khách sạn ở huyện Đô Lương và các huyện lân cận đặt mua số lượng lớn… Đền đáp những tháng ngày lao động cần cù, vất vả, đến nay, mỗi năm trang trại của Trần Hữu Đức mang lại nguồn thu thập từ 600 - 800 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Đặc  biệt, mô hình của nhà Đức đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho một số lao động địa phương. Điều đáng trân trọng ở Trần Hữu Đức là Đức không giấu bí quyết làm giàu của mình, ngược lại Đức luôn trăn trở và mong muốn được giúp đỡ bạn bè cùng trang lứa lập nghiệp tại quê hương. Anh đã tham gia tích cực vào CLB thanh niên phát triển kinh tế huyện Đô Lương, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho đoàn viên thanh niên trong và ngoài huyện. Theo kinh nghiệm của Đức, để thu hút lực lượng lao động thanh niên ở lại địa phương hoạt động đoàn và phong trào thanh niên nông thôn ngày càng có chiều sâu, cần tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, đầu tư kỹ thuật, vốn và đầu ra cho sản phẩm. Làm được như thế thì không chỉ giải quyết được nguồn lao động nông thôn mà sẽ có thêm nhiều mô hình nữa ra đời. Đức chính là tấm gương sống đầy nghị lực của mộ thanh niên nghèo bằng ý chí, lòng quyết tâm và sự kiên nhẫn đã vươn lên trong cuộc sống, lập thân, lập nghiệp. Mô hình kinh tế của Đức là mô hình hay đã được huyện đoàn nhân rộng và từ đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát động phong trào thanh niên xung kích trong phát triển kinh tế của tuổi trẻ, tạo động lực thúc đẩy phong trào tài năng trẻ, đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước. Với những thành tích đã đạt được, Trần Hữu Đức đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và là một trong 50 điển hình thanh niên tiêu biểu được Tỉnh đoàn tuyên dương. La Giang

Nghị lực sống của người phụ nữ mang trong mình căn bệnh thế kỷ

TĐKT – Dù mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV nhưng hơn 13 năm nay, chị Đào Phương Thanh, ở phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội luôn mạnh mẽ chiến đấu với nỗi đau của bệnh tật, vượt qua mọi mặc cảm để đối diện với cuộc sống; đồng thời trở thành một bông hoa đẹp rạng rỡ, góp hương thơm cho đời. Hiện chị là chủ nhiệm câu lạc bộ Hoa sữa. Vốn là người con gái xinh đẹp, duyên dáng của xứ Hà thành, nhưng cuộc đời chị nhiều chuyện buồn, lắm gian truân. Chị lấy chồng chưa được bao lâu, khi đang mang thai con gái đầu lòng, thì chồng chị mất trong một vụ tai nạn tàu biển. 20 tuổi, chị một mình nuôi con với khó khăn trăm bề. Những tháng ngày đen tối tiếp tục đeo bám chị khi cậu em trai nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Bỏ công việc ở Hải Phòng, chị về Hà Nội chăm sóc em. Năm 2004, trong một lần chăm sóc em, chị không may bị kim tiêm dính máu đâm vào tay. Chưa có kiến thức về thuốc điều trị phơi nhiễm, mũi kim oan nghiệt đó đã đẩy cuộc đời chị sang một hướng khác. Chị bàng hoàng khi nhận kết quả dương tính với HIV sau 3 lần xét nghiệm máu. Năm đó, chị phải đón 3 cái tang: Mẹ mất, bố mất rồi em trai cũng mất. Đau đớn về cả thể xác và tinh thần, chị như rơi vào bế tắc. Chị Đào Phương Thanh duy trì đều đặn, thường xuyên hành động đi nhặt kim tiêm nơi công cộng. Chị kể: “Những ngày đầu tiên đối diện với căn bệnh thế kỷ, tôi không ăn, không uống, không dám cả bật đèn. Tôi suy sụp, tưởng chừng không thể gượng dậy, chỉ nghĩ mình chết đi là sướng nhất. Nhưng chết đi thì con gái và hai đứa cháu nhỏ ai nuôi ăn học. Thế nên lại phải tự mình vực mình dậy”. Bằng nghị lực, vượt qua sự mặc cảm, định kiến bản thân, chị quyết định công khai tình trạng nhiễm HIV với suy nghĩ “nếu công khai, mình sẽ có nhiều cơ hội để đến với những người có cùng cảnh ngộ, giúp đỡ để họ có niềm tin và sống tốt hơn”. Trước lúc quyết định công khai việc mình “có H”, chị cũng lo mình sẽ bị kỳ thị, con gái sẽ không có bạn, có thể là còn không được đi học… Nhưng rồi được động viên, tiếp sức và với suy nghĩ nếu mình cũng sợ thì chẳng ai dám làm cả và mọi người sẽ hiểu sai về người “có H”, chị bắt đầu đi nhiều nơi tuyên truyền, thuyết trình về kiến thức phòng, tránh, điều trị HIV.  Nhiều tổ chức đã mời chị tham gia, chia sẻ kiến thức về vấn đề này cho cộng đồng và thực hiện những dự án phòng, tránh HIV/AIDS. Sau khi câu chuyện của chị được phát sóng trên truyền hình, chị Thanh may mắn nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân trong khu phố. Điều đó như tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc chị thêm nghị lực sống để làm những điều có ích. “Chị bán hàng ăn sáng ở ngõ nhà tôi còn nói “nhờ có Thanh mà chị không phải đập bát nữa”, vì ở ngõ nhà tôi cũng có một cậu bị HIV. Trước đây, mỗi lần cậu ấy ra hàng ăn sáng xong thì chị chủ hàng phải đập bỏ bát vì sợ sẽ lây bệnh cho khách hàng khác” - chị Thanh kể. Chị Đào Phương Thanh đang làm việc tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. Với mong muốn có thêm nhiều người giúp đỡ đối tượng nhiễm HIV/AIDS, để mọi người hiểu rõ về HIV/AIDS và biết cách phòng tránh, tháng 8/2004, chị Thanh lập nhóm tự lực Hoa Sữa với khẩu hiệu hành động “Một ánh mắt thân thiện, một trái tim yêu thương - Vì chúng tôi, cho mọi người”. Mục đích hoạt động của nhóm là đến với từng người có HIV để tư vấn, hỗ trợ về tinh thần, tổ chức hỗ trợ chăm sóc tại nhà và bệnh viện cho những người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, giới thiệu người phơi nhiễm tới các cơ sở xét nghiệm và điều trị. Nhóm cũng thường xuyên tổ chức nói chuyện, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với người có HIV tại nơi làm việc và cộng đồng, đồng thời, vận động chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người “có H”. Trong câu chuyện của mình, chị chia sẻ, hồi đó, người ta gọi chị là “hâm” bởi nhiều năm, chị cùng nhóm Hoa Sữa đi nhặt kim tiêm nơi công cộng, dậy từ 5 giờ sáng nấu cháo miễn phí cho người HIV, đến tận nhà trò chuyện với gia đình người “có H”… Ban đầu thành viên nhóm chỉ có 6 người, trong đó 5 người là bạn của em trai chị. Mọi người gọi đó là “ngôi nhà chung” của những người “có H”. Nhiều người không có việc làm, không có thuốc ngừa hoặc ở giai đoạn cuối, nhóm đến tận nhà để hỗ trợ. Thậm chí, nhiều gia đình còn sợ người nhiễm HIV/AIDS đến mức không dám khâm liệm khi con họ mắc căn bệnh thế kỷ ra đi. Họ gọi đến trung tâm, chị và các thành viên lập tức lên đường kể cả nửa đêm hay giá rét. “Mình cố gắng làm gì đó để thay đổi suy nghĩ, thái độ của mọi người đối với người nhiễm HIV, họ vẫn có thể là những người có ích cho xã hội” - chị thành thật. Với khát khao được làm nhiều việc có ích cho xã hội và muốn cải thiện hình ảnh của người nhiễm HIV trước cộng đồng, nhóm Hoa Sữa đã từng có tới 200 thành viên, tổ chức nhiều hoạt động từ thiện và gây quỹ ủng hộ những người nhiễm HIV. Nhóm cũng là một trong những nhóm đầu tiên trong cả nước tìm việc làm cho những người “có H”. Sau hơn một năm hoạt động, nhóm Hoa Sữa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều người bệnh và một số tổ chức xã hội. Hiện nhóm có hơn 30 thành viên gồm đủ các thành phần xã hội, từ trí thức đến thị dân quy tụ các tỉnh phía Bắc: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên… Không chỉ là trưởng nhóm Hoa Sữa, thường xuyên đi nói chuyện trong các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn tuyên truyền, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS theo chương trình của dự án Smartwork về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, chị Thanh còn làm việc tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. Hàng ngày tiếp xúc với người “có H”, là “bạn thần chết”, theo dõi tình trạng, tiến triển sức khỏe của họ, chị còn dành thời gian cùng nhóm đến từng nhà động viên, chăm sóc hàng nghìn người nhiễm HIV không có điều kiện đến bệnh viện. Nở nụ cười tươi hạnh phúc, chị bảo: “Nhiều bạn trở về từ cõi chết sau khi được chúng tôi giúp đỡ. Có lẽ cái được nhất là sự tín nhiệm, tình yêu thương của mọi người dành cho chúng tôi và sự sống của những người “có H” khó khăn”. Nhưng điều chị trăn trở nhất giờ đây là hết năm nay 2017 này, dự án US CDC (Mỹ) hỗ trợ thuốc cho người nhiễm HIV không còn và thuốc sẽ phải theo bảo hiểm y tế (BHYT). Lúc đó, nhiệm vụ của chị sẽ nặng nề hơn, phải “dắt tay” từng người, đưa từng bệnh nhân HIV sang BHYT, để mọi người không bỏ điều trị. Nhưng chị quyết tâm không từ bỏ công việc mình đang gắn bó. Bởi chị tâm niệm: “Nếu có tình yêu thương thì sẽ làm được, sẽ vượt qua tất cả khó khăn. Trong khả năng sức khỏe của mình cho phép, tôi sẽ làm tất cả để giúp đỡ không chỉ người nhiễm HIV, người thân của họ mà bất kỳ ai cần sự giúp đỡ”. Thục Anh

“Đôi chân, cánh tay” của những người khuyết tật

TĐKT - Bước ra từ những chiến trường ác liệt, trở về đời thường với những thương tật do chiến tranh để lại, nhưng cựu chiến binh Lê Thành Đô (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã vượt qua những khó khăn, trở ngại đó để làm những việc có ích cho đời, trở thành tấm gương sáng về người thương binh tàn nhưng không phế. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày bác sĩ, cựu chiến binh Lê Thành Đô vẫn cần mẫn, say sưa với việc tạo ra những đôi tay, đôi chân giả cho những người khuyết tật nghèo khổ, nhất là những cháu nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Vốn là Trưởng khoa Kỹ thuật Chỉnh hình, Trường Đại học Lao động Xã hội, từng tham gia thực hiện Dự án sản xuất chân giả cho thương binh, người tàn tật (do Hoa Kỳ tài trợ cho Viện Chỉnh hình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); rồi làm giảng viên y khoa của Dự án đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình (do Đức tài trợ cho Trường Đại học Lao động Xã hội Hà Nội)… nên ông tích lũy được rất nhiều  chuyên sâu về chỉnh hình. Mặt khác, bản thân lại là một thương binh với tỷ lệ thương tật 61%, cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường. Hơn ai hết, ông hiểu rõ và cảm thông với những khó khăn, cực nhọc của những người không may mắn khi trên cơ thể bị khuyết đi một bộ phận nào đó. Do vậy, ngay từ khi còn công tác tại bệnh viện trong ông đã nuôi một ước mơ sẽ thành lập một cơ sở chuyên sản xuất, cung cấp miễn phí dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng. Cựu chiến binh Lê Thành Đô bên xưởng sản xuất chân, tay giả cho người khuyết tật. Năm 2006, khi về hưu, ông quyết định mở xưởng sản xuất chân giả ngay tại ngôi nhà tập thể mà nhà nước phân cho mình và lấy tên là Trung tâm tư vấn và trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người tàn tật. Chia sẻ về những ngày đầu thực hiện ước mơ của mình, ông cho biết: Lúc đó, kinh tế gia đình eo hẹp. Trung tâm được lập nên từ những đồng lương hưu, lương trợ cấp cho thương binh của bản thân ông. Tuy nhiên, với quyết tâm trở thành địa chỉ nhân đạo tin cậy cho nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, bác sĩ Lê Thành Đô đã tích cực kêu gọi thêm bạn bè trong ngành và các tổ chức quốc tế từng hợp tác cùng tham gia. Dần dần, ông có thêm nguồn lực để mua sắm các dụng cụ, trang thiết bị. Đến nay, xưởng sản xuất chân tay giả của ông như một bệnh viện thu nhỏ. 12 năm qua, mỗi người khuyết tật tìm đến với bác sĩ Đô đều có hoàn cảnh khó khăn riêng và tất cả họ đều hạnh phúc khi nhận được món quà vô giá từ ông. Họ đến từ nhiều nơi Bắc, Trung, Nam, với nhiều dạng tật khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một mong muốn, có một bộ phận cơ thể mới để cuộc sống được thuận tiện hơn. Nói về việc sản xuất dụng cụ chỉnh hình, bác sĩ Đô cho biết, nếu có đủ điều kiện cùng với những nguyên vật liệu: Nhựa, nhôm, inox, dây thép, dây gai… xưởng có thể sản xuất được từ 50 - 70 dụng cụ cho người tàn tật. Nhưng theo ông, khó nhất là khâu kỹ thuật áp dụng sao cho khéo léo, tinh xảo. Ông bảo, để làm được một chiếc chân giả mất rất nhiều thời gian. Từ thăm khám cho bệnh nhân đến việc thử chân, đổ bột, mài giũa sao cho phù hợp với từng người, ông còn nhiệt tình động viên và tư vấn cho bệnh nhân cách tập, vận động sao cho họ phục hồi khả năng đi lại, sinh hoạt tốt nhất.  “Với tôi, mỗi một bệnh nhân là một sự đặc biệt rồi, họ ở các vùng miền khác nhau, thương tật khác nhau, mỗi người là một câu chuyện xúc động" - ông kể. Đã có gần 50 năm kinh nghiệm làm dụng cụ chỉnh hình, nhưng bác sĩ Lê Thành Đô chưa bao giờ tự mãn. Ông luôn tìm tòi, học hỏi thêm để đưa những kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả, áp dụng vào xưởng sản xuất của mình. Trải qua những ngày tháng khó khăn, đến nay, trung tâm đã giúp cho 15 trẻ em làm phẫu thuật chỉnh hình, sản xuất được 835 dụng cụ chỉnh hình (chân tay giả, áo nẹp chỉnh hình,…) cấp miễn phí cho 614 người khuyết tật vận động (ở mọi lứa tuổi). “Thế nhưng nếu không có sự trợ gúp của các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện: UniReach International (Mỹ), YoungSan - ChoyoungKi foundation (Hàn Quốc), Mr. Rodd Man… thì tôi khó có thể giúp được nhiều trẻ khuyết tật như vậy” - bác sĩ Đô chia sẻ. Không ngừng nghiên cứu, lao động để giúp đỡ người khuyết tật có được cuộc sống tốt hơn, cách an hưởng tuổi già của ông thật đặc biệt và ý nghĩa. “Cho đi không phải để nhận lại”, với bác sĩ Lê Thành Đô, niềm vui lớn nhất là sau khi đến với trung tâm, anh Tùng hơn 30 tuổi ở Hà Nội trở thành một IT giỏi, ông Nguyên (Sài Đồng, Long Biên) hành nghề xe ôm chuyên nghiệp, cô Then (Thường Tín) kiếm được việc làm ổn định ở làng nghề mây tre đan… Niềm vui đó quả thật đơn giản, nhưng thật cao quý và đáng trân trọng. Những dụng cụ chỉnh hình của người bác sĩ, cực chiến binh già Lê Thành Đô sẽ là niềm động viên vô giá đối với những người khuyết tật và gia đình của họ. Mai Thảo  

Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Tối 26/12, tại Hà Nội, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tới dự, có: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trung tâm Trung tâm Chiếu phim Quốc gia được thành lập ngày 29/12/1997 tại Quyết định số 4008/QĐ-BVHTT của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin và chính thức khai trương ngày 20/11/1998. Từ đó đến nay Trung tâm luôn bám sát thực hiện nhiệm vụ: Chiếu phim phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội, hợp tác quốc tế, điều tra xã hội học về nhu cầu khán giả để phục vụ cho công tác định hướng phát triển ngành điện ảnh, trưng bày điện ảnh, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật; phối hợp tổ chức các tuần phim, liên hoan phim, các sự kiện điện ảnh trong nước và quốc tế… Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Trung tâm luôn cố gắng nỗ lực đổi mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ban đầu, Trung tâm chỉ có 3 phòng chiếu phim nhựa và 2 phòng chiếu video. Tuy nhiên, đến nay Trung tâm đã có 13 phòng chiếu và chiếu được các định dạng 2D, 3D và 4D, các phòng chiếu đều được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số với hệ thống âm thanh 7.1. Từ chỗ bán vé thủ công, đến nay công việc này đã cơ bản chuyển sang bằng máy để khán giả dễ dàng đặt mua qua internet. Từ năm 2012, Trung tâm đã chuyển sang cơ chế tự chủ 100% chi thường xuyên. Trung tâm luôn duy trì cường độ hoạt động tối đa trong công tác chiếu phim với 45 – 50 suất chiếu/ngày để bảo đảm tự chủ cũng như bảo đảm nguồn thu, ổn định đời sống của cán bộ viên chức và người lao động, đồng thời tái đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất. Năm 2012, Trung tâm chỉ thực hiện 16.625 buổi chiếu thì đến nay đã có thể phục vụ được 30.000 buổi chiếu/năm. Về số lượng khán giả, đến nay Trung tâm đã phục vụ được khoảng 2,3 triệu lượt/năm. Theo ước tính, tổng doanh thu trong năm 2017 của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đạt trên 172 tỷ đồng, nộp vào ngân sách nhà nước là 11 tỷ đồng. Kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhân dịp này từ 25/12 đến 29/12/2017, tại Trung tâm, khán giả được thưởng thức miễn phí 6 tác phẩm xuất sắc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX: Em chưa 18 (Giải Bông sen Vàng và Nữ diễn viên chính xuất sắc); Cô hầu gái (Giải Bông sen Bạc và Nhạc sĩ xuất sắc); Yêu đi đừng sợ (Giải phim được yêu thích nhất); 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (Giải của Ban giám khảo bình chọn); Sắc đẹp ngàn cân; Vệ sĩ Sài Gòn. Nguyệt Hà

Giao lưu trực tuyến " Lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt"

TĐKT - Nhằm tiếp tục phát hiện và nhân lên người tốt, việc tốt, chiều 21/12, Báo Hànộimới, Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Lan tỏa những tấm gương Người tốt, việc tốt”. Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Phùng Minh Sơn tặng hoa cho những cá nhân tham gia giao lưu tại Hội nghị. Tới dự có ông Phùng Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội và đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, BáoHànộimới. Đặc biệt, tại buổi giao lưu, 10 điển hình tiêu biểu là những tấm gương người tốt, việc tốt từng được giới thiệu trên Báo Hànộimới năm 2017 cùng chia sẻ về những câu chuyện, những việc làm ý nghĩa, việc làm thiết thực vì cộng đồng. Đó là bà Trần Thị Cỏn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93, Đội trưởng Đội hoạt động xã hội tình nguyện phường Văn Miếu, quận Đống Đa. Bà là nhân vật chính trong tác phẩm “Hồi sinh” những mảnh đời lầm lỡ đăng trên Báo Hànộimới. Hay như tấm gương Nguyễn Thị Ngọc Chang - người sáng lập nhóm “Linh Đàm xanh” vào chủ nhật hàng tuần tham gia dọn vệ sinh môi trường, làm sạch đẹp khu đô thị Linh Đàm. Thấy được việc làm ý nghĩa của Ngọc Chang, phóng viên Báo Hànộimới đã tìm hiểu và viết bài đăng trong chuyên mục Xanh – Sạch – Đẹp của Báo Hànộimới hằng ngày nhằm giới thiệu những cách làm hay, mô hình tiêu biểu góp phần xây dựng Thủ đô văn minh. Sau khi bài viết được đăng đã tạo ra một hiệu ứng lan tỏa, nhất là đối với cư dân của khu đô thị Linh Đàm. Trên trang Facebook chung của cư dân đã chia sẻ bài viết, kèm đó là rất nhiều bình luận. Từ việc làm ý nghĩa của nhóm “Linh Đàm xanh” đã tạo lên phong trào tình nguyện làm sạch môi trường ở khu đô thị này… Tấm gương khác là ông Văn Đình Tiến, Chủ nhiệm CLB Làng lính đa canh, xã Trung Tú, Ứng Hòa, Hà Nội. Từng là người lính, kinh qua nhiều trận chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, nay đã ở tuổi ngoài 70 nhưng ông vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Ông là một trong những người đi đầu trong phong trào sản xuất đa canh ở địa phương. Hay như chị Lê Thị Bích Trang, công chức Văn hóa, xã hội, phường Thạch bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Ngoài việc thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức của một đảng viên, công chức của phường, chị còn tâm huyết đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Lao động - Thương binh và xã hội. Chị là người đã đề xuất gộp hai thủ tục hành chính là “Cấp giấy xác nhận khuyết tật”  và “Giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng” thành thủ tục hành chính với tên gọi: “Cấp giấy xác nhận khuyết tật và giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng”. Giải pháp đó đã đạt giải Nhất cuộc thi "Tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính" do TP Hà Nội tổ chức… Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Phùng Minh Sơn,  Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội cho biết: Sự có mặt của những tấm gương người tốt, việc tốt tại buổi giao lưu ngày hôm nay đã nói lên hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng của thành phố trong thời gian qua. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực, nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho những việc làm tốt, con người tốt, hành động đẹp được phát hiện, được ghi nhận và đặc biệt được lan tỏa sâu rộng ra cộng đồng. "Kể từ Chương trình hành động số 228 cuối năm 2014 về việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, trong 3 năm qua, gần 600 người dân từ các cơ sở được phát hiện và được khen thưởng, ngoài ra còn nhiều việc tốt hàng ngày được phát hiện, khen thưởng bởi rất nhiều kênh khác trong thời gian trước đó, việc khen thưởng dựa vào bình bầu... Theo đó, công tác khen thưởng được lan tỏa rộng khắp. Nhờ có những quy chế, cách làm mới, các cuộc thi về người tốt việc tốt, những nội dung được lan tỏa từ các cấp, ngành đến từng khu dân cư cho thấy xung quanh ta còn rất nhiều người tốt, việc làm tốt..." - Ông Sơn nhấn mạnh. Những câu chuyện, chia sẻ rất thật của những điển hình tiên tiến tại buổi giao lưu đã góp phần thêm lan tỏa, nhân lên những nghĩa cử, hành động đẹp trong toàn xã hội, để cái đẹp, cái tốt thực sự là dòng chảy chủ đạo trong cuộc sống, góp phần dựng xây Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh. Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung họ đều giống nhau ở sự cần mẫn vì cộng đồng, vì xã hội, xứng đáng là những “bông hoa” giữa đời thường cần được tôn vinh. Năm 2017 là năm thứ 25 Hà Nội thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt” và cũng từng ấy năm Báo Hànộimới đi đầu hưởng ứng phong trào, mở các chuyên mục: Người Thủ đô ta, Nét đẹp Người Thủ đô, Người xây dựng, Phóng sự, Xanh - Sạch - Đẹp nhằm phát hiện, tuyên truyền về người tốt, việc tốt, góp phần tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, để cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở và phát triển nhiều thêm, cái xấu ngày càng bị đẩy lùi; qua đó xây dựng nền tảng tinh thần xã hội mỗi ngày thêm lành mạnh, văn minh. Mai Thảo

Trang