TĐKT - Là một trong những người đầu tiên của xã Phú Phúc đưa giống cá lăng về nuôi thử nghiệm trong lồng trên sông Hồng, sau hơn 4 năm, mô hình này đã đem lại cho gia đình anh Trần Văn Thụ (xóm 1, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Mô hình nuôi cá lồng của anh Thụ mang lại hiệu quả kinh tế cao
Trước đây, anh Thụ cũng như bao người dân nơi đây quanh năm chăm chỉ với công việc đồng ruộng và chăn nuôi. Nhưng cuộc sống cũng không mấy khá giả. Bởi vậy, anh Thụ luôn suy nghĩ làm cách nào để vươn lên phát triển kinh tế.
Nhận thấy gần quê nhà có con sông Hồng rộng lớn, có thể là điều kiện thuận lợi cho nuôi cá lồng, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, năm 2014, anh Thụ đã bàn với gia đình dùng số tiền tích góp và vay thêm bạn bè, người thân đầu tư 500 triệu đồng mua vật liệu làm 8 lồng với diện tích gần 300 m2 để nuôi cá. Loại cá mà anh lựa chọn để nuôi là cá lăng. Bởi theo anh Thụ, cá lăng là loại cá giàu chất dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, giá thành cao.
Tuy nhiên, do ban đầu còn thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chưa cao nên cho thu hoạch chưa được như mong muốn. Không nản chí, anh Thụ lặn lội vào các tỉnh ở phía Nam để tham quan, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.
Đến năm 2016, sau khi nắm vững kỹ thuật, anh tiếp tục vay vốn để đầu tư thêm 20 lồng, thả 3 nghìn con cá lăng. Nắm chắc kiến thức, lứa cá này cho anh thu hoạch trên 50 tấn cá thương phẩm, giá bán trung bình từ 80 - 100 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Mỗi kg cá lăng anh Thụ bán được 80 - 100 nghìn đồng
Anh Thụ cho biết: Yếu tố quyết định thành công của nghề nuôi cá là nước sạch. Nhờ có dòng nước lưu thông trên sông Hồng, tôi không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá như nuôi trong ao. Hơn nữa, giảm thiểu được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ của ao sau mỗi vụ, từ đó giảm được rất nhiều chi phí. Lợi thế dòng nước lưu thông liên tục còn cung cấp lượng oxi cho cá khi nuôi với mật độ cao.
Cá lăng được anh nuôi từ 1 - 2 năm. Khi cá đạt trọng lượng từ 3 kg trở lên có thể xuất bán. Thức ăn của cá lăng chủ yếu là cám và cá rô phi nhỏ. Khi cá lăng trưởng thành sẽ chuyển sang ăn thức ăn bằng cá con.
Hiện tại, anh Thụ đã phát triển 48 lồng nuôi cá. Ngoài cá lăng, anh còn nuôi thêm cá chép giòn, trắm cỏ và cá diêu hồng. Dự kiến cho thu hoạch khoảng 100 tấn cá, thu lãi 450 - 500 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ của loại cá này chủ yếu là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa. Để thuận tiện cho người tiêu dùng, anh còn đầu tư xe tải, giao hàng tận nơi khi có đơn hàng
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, anh Thụ cho biết: Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nhất là do thiên tai, khi vào mùa bão lũ. Chính vì vậy phải nắm chắc kỹ thuật nuôi cũng như áp dụng tốt biện pháp phòng, chống thiên tai.
Có thể khẳng định rằng, mô hình nuôi cá lồng bè trên sông của gia đình anh Thụ thực sự mang lại giá trị kinh tế to lớn. Từ mô hình của anh, nhiều hộ dân đã học tập và đạt hiệu quả kinh tế.
Nói về hướng phát triển trong tương lai, anh Thụ cho biết: Để tiếp tục mở rộng sản xuất, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn. Để tháo gỡ khó khăn này, tôi đang vận động một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại xã thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, từ đó đề nghị cấp trên tạo nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.
Tùng Chi