TĐKT - Với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, tích cực áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật, ông Võ Tuấn Tú (thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã thành công với mô hình nuôi cá chình và là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế ở địa phương.
Trước đây, gia đình ông Tú chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản trên đầm Trà Ổ và thu mua sản phẩm hải sản nhỏ lẻ. Công việc rất vất vả nhưng thu nhập thấp, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Bởi vậy ông luôn suy nghĩ tìm cách để phát triển kinh tế gia đình.
Nhận thấy cá chình là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định do nhu cầu thị trường gần như quanh năm, ông Tú có ý định sẽ nuôi loại cá này. Để tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá chình, ông Tú đã tự nghiên cứu, học hỏi qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng và tham gia tập huấn các lớp nuôi trồng thủy sản do trung tâm khuyến nông tổ chức. Sau khi đã nắm rõ kiến thức, ông quyết định đầu tư số vốn của gia đình vào nuôi loại cá này.
Ông Tú kiểm tra cá chình nuôi
Những năm đầu, vì nguồn vốn còn hạn chế, ông cùng gia đình tự bỏ sức lao động cùng với anh em hàng xóm giúp đỡ ngày công để cải tạo, nạo vét ao hồ. Ông mua chình giống của bà con đánh bắt ngoài đầm để bỏ vào ao hồ nuôi. Sau một vụ nuôi (2 năm), chình đã cho thu hoạch. Kết quả lợi nhuận tương đối tốt, ông mạnh dạn đầu tư thêm vốn, vay vốn của Ngân hàng nông nghiệp 100 triệu đồng và Quỹ Hỗ trợ nông dân 50 triệu đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng diện tích ao hồ, mở rộng quy mô nuôi chình thương phẩm .
Với diện tích mặt nước 15.000 m2, ông Tú chia thành 4 ao nuôi. Trong đó gồm 1 ao nuôi cá chình giống và 3 ao nuôi chình thịt. Cá được nuôi khoảng 16 tháng, khi cá đạt trọng lượng bình quân từ 1,5- 2 kg/con thì xuất bán. Riêng năm 2017, ông Tú nuôi 4000 con chình thương phẩm, 2000 con chình giống, cho thu nhập 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận thu hơn 400 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá chình, ông Tú cho biết: Để đảm bảo thức ăn cho cá chình, đích thân tôi đi thu mua cá vụn của các hộ đánh bắt trên đầm Trà Ổ và về tự chế biến cho chình ăn. Vì vậy chất lượng thức ăn rất tốt, đảm bảo được an toàn, đồng thời giá thành thấp hơn so với thức ăn đã thành phẩm. Bên cạnh đó, được sự hướng dẫn của các nhà khoa học, tôi đã tự ủ các chất sinh học thành chế phẩm sinh học để xử lý các loại vi khuẩn gây bệnh cho chình. Ngoài ra tôi còn nuôi bò lấy phân để ủ giun quế làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho chình.
Ông Tú (ngoài cùng bên phải) đạt giải nhì Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Định năm 2017
Chính vì nhờ áp dụng những giải pháp phù hợp đó mà hàng năm chình thương phẩm và chình giống của gia đình ông không xảy ra dịch bệnh đồng thời mang lại năng suất cao.
Bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi cá chình, ông Tú còn đầu tư cho việc vận chuyển cá giống đến cho khách hàng. Ông cho biết, những năm trước ông bán chình giống cho các tỉnh miền Tây Nam bộ. Vì đường xa, thời gian vận chuyển dài nên chình giống hay bị chết dẫn đến chất lượng không tốt.
Sau nhiều năm trăn trở, ông đã thành lập một trạm trung chuyển tại bến xe miền Đông. Khi chình giống vào đó được thả vào hồ để nghỉ thời gian, sau đó bơm thêm khí o-xi vào để chình giống khỏe rồi tiếp tục vận chuyển đến các tỉnh miền Tây. Bằng cách làm này, chất lượng chình giống rất tốt khi đến điểm giao hàng, khách hàng an tâm hơn và đơn đặt hàng ngày càng nhiều hơn, lợi nhuận mang về hàng năm cao hơn.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, ông Tú cũng tích cực tham gia hướng dẫn bà con trong và ngoài tỉnh nuôi chình thương phẩm và cung cấp chình giống. Ông đã giúp cho 6 hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Ngoài ra, gia đình ông cũng tích cực tham gia ủng hộ cho các hộ gia đình khó khăn. Trong 5 năm (2012 - 2017) gia đình ông đã đóng góp 12 triệu đồng quỹ người nghèo do mặt trận xã vận động với số tiền 12 triệu đồng và 15 triệu đồng xây dựng quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân xã vận động.
Đặc biệt, gia đình ông cũng tích cực tham gia đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trong 5 năm, gia đình ông đã đóng góp 22 xe sỏi để cứng hóa giao thông nội đồng, kinh phí là 11 triệu đồng; tham gia 40 ngày công lao động để tu sửa đường liên xóm; đóng góp 20 triệu đồng để địa phương bê-tông hóa giao thông nông thôn và 5 triệu đồng để thôn bắt điện thực hiện chương trình thắp sáng đường quê…
Với thành công và đóng góp của mình, ông Tú đã nhận được giấy khen của hội nông dân và UBND huyện. Riêng năm 2017 ông vinh dự đạt danh hiệu“Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp trung ương giai đoạn 2012 - 2016.
Bảo Linh