Diễn đàn

Cách mạng tháng Mười Nga và bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong giành và giữ chính quyền

TĐKT - Thế kỷ XX, nhân loại đã chứng kiến những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, tác động sâu sắc tới đời sống chính trị - xã hội của con người. Cách mạng tháng Mười Nga là một sự kiện lịch sử như thế. Cuộc cách mạng thắng lợi đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người từ trước tới nay chưa có một cuộc cách mạng có ý nghĩa sâu xa như vậy”. Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, một trong những bài học đó là phát huy sức mạnh của quần chúng trong giành và giữ chính quyền. Theo V.I.Lênin, nước Nga là nơi tập trung mâu thuẫn cơ bản của thế giới, chế độ Nga Hoàng là chủ nghĩa tư bản quân phiệt - phong kiến, nước Nga không tránh khỏi một cuộc cách mạng sẽ nổ ra do giai cấp vô sản thực hiện. Lúc này, giai cấp tư sản thế giới nhận thức rõ sức mạnh của các Đảng cộng sản, khả năng thành công, lan rộng của chủ nghĩa xã hội và chúng đã tìm mọi cách để phá hoại. Đối với nước Nga, chúng “dùng cả một hệ thống những lời dối trá, vu khống và lừa bịp để chống lại chủ nghĩa Bôn-sê-vích, “ru ngủ quần chúng bằng những hứa hẹn, giai thoại”. Trong tình hình ấy, “vấn đề thái độ của cách mạng xã hội chủ nghĩa, của giai cấp vô sản đối với nhà nước không những có ý nghĩa chính trị - thực tiễn mà còn vì đây là vấn đề làm cho quần chúng thấy rõ những việc họ sẽ phải làm trong một tương lai gần đây để tự giải phóng khỏi ách tư bản” (V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, Mátxơcơva, 1976, tr.5). Để giải thoát cho quần chúng khỏi tình trạng mê muội và bị lừa dối, V.I.Lênin đã viết một loạt các tác phẩm bàn về nhà nước, bảo vệ những quan điểm, tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen về nhà nước, phê phán những quan điểm phản động trong quốc tế II và ở nước Nga lúc bấy giờ, chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng Bôn-sê-vích trong vận động quần chúng để giành, giữ chính quyền. Nhờ đó đã đấu tranh làm thất bại những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, chỉ rõ tính chất phản khoa học, phản động, cơ hội chủ nghĩa trong quốc tế II, nhất là quan điểm của E.Becstanh, C.Cauxky. Trước tình hình đó, V.I.Lênin và Đảng Cộng sản Nga đã thực hiện chính sách “cộng sản thời chiến” nhằm động viên nền kinh tế quốc dân và mọi lực lượng trong nước, đảm bảo cho thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc, chống bọn đế quốc can thiệp, bọn bạch vệ. Nhà nước chuyên chính vô sản phải dựa vào sự ủng hộ của toàn thể nhân dân lao động, vào tính tự giác của họ, chỉ có như vậy, nhà nước chuyên chính vô sản mới trở thành tổ chức chính trị của toàn thể nhân dân, mới có cơ sở thực hiện chức năng tổ chức trong quá trình giải quyết những nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Từ những vấn đề nêu trên, có thể khẳng định bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng để giành, giữ chính quyền Xô Viết vẫn còn nguyên giá trị đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước, trong đó cách mạng Việt Nam. Bài học đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta tiếp thu và vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ bài học trên, chúng ta cần giải quyết tốt những vấn đề cơ bản sau: Một là, cần quán triệt và thực hiện tốt quan điểm Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đó là mục tiêu, nhiệm vụ, chức năng và cũng là nguồn gốc sức mạnh của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Hai là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mọi hoạt động của cán bộ, chịu sự giám sát của nhân dân. Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, lành mạnh, thực sự tâm huyết với công việc, là công bộc của nhân dân. Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Năm là, không ngừng mở rộng, quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế với các nhà nước, tổ chức tiến bộ trên thế giới. Sau hơn 30 năm tiến hành đổi mới đất nước, nền kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược tạo ra thế và lực mới cho nước ta trên trường quốc tế. Có được những thành tựu đó, là do Đảng ta biết phát huy, khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh vốn có trong lòng dân tộc, đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, một nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, một trong những bài học chúng ta cần phải quán triệt và thấu suốt trong mọi hoàn cảnh, tình huống đó là phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đây chính là thành trì kiên cố nhất, vững chắc nhất, là nguồn gốc, động lực của công cuộc đổi mới đất nước. Đây là một trong những bài học sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, được Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.  Cách mạng tháng Mười Nga và bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong giành và giữ chính quyền vẫn luôn hiện hữu và là kim chỉ nam cho những hành động của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, tinh thần đó, khí thế đó vẫn được soi chiếu vào mọi quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta như sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn để chúng ta đạp qua sóng to, gió cả thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra. Nguyễn Tú Anh

Trao đổi kinh nghiệm khen thưởng tại Trung Quốc

TĐKT - Từ ngày 10/10 - 14/10, Đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thăm và làm việc tại Trung Quốc. Ngày đầu tiên đoàn đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, được ngài Đại sứ thông báo những nét chính về quan hệ ngoại giao giữa hai nước, triển vọng hợp tác trên một số lĩnh vực, một số kinh nghiệm trong công tác khen thưởng của Trung Quốc. Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh Đoàn cũng làm việc với Tổng Công hội Trung Quốc do Thứ trưởng Lưu Bình tiếp. Trong gần 3 giờ làm việc đoàn đã được nghe giới thiệu về tổ chức bộ máy, các chính sách cơ bản, những vấn đề được Đảng, Nhà nước Trung Quốc quan tâm chỉ đạo trong lĩnh vực khen thưởng. Tổng Công hội là nơi bảo vệ quyền lợi cho người lao động (giống Tổng Liên đoàn Lao động), đứng ra kêu gọi, tổ chức, phát huy khen thưởng các điển hình tiên tiến. Tổng Công hội thường tổ chức các cuộc thi tay nghề trên toàn quốc để lựa chọn được một điển hình trong số hàng trăm triệu người. Đại diện Đoàn công tác trao quà lưu niệm tặng đại diện phía Trung Quốc Đoàn làm việc với Tổng Công hội Trung Quốc Giải thưởng cho điển hình làm ra của cải vật chất cho xã hội là giải thưởng cao nhất của Quốc gia, người được vinh danh rất được coi trọng trong xã hội, được nhà nước nuôi trọn đời và được hưởng nhiều ưu đãi. Một mẫu Huân chương của Trung Quốc Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi những vấn đề liên quan trong công tác khen thưởng, tổ chức phong trào, nhân điển hình tiên tiến, các hình thức trao giải, tuyên truyền công khai các điển hình để lấy ý kiến toàn xã hội… Về cơ bản, hai nước có nhiều điểm tương đồng trong triển khai thực hiện cũng như cách thức xây dựng mô hình, bộ máy tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng. Đoàn đã ghé thăm Vạn lý trường thành, một địa danh nổi tiếng của Trung Quốc Tại Thượng Hải, đoàn đã làm việc với Cục nguồn nhân lực và an sinh xã hội, thăm một số địa danh nổi tiếng của Trung Quốc như: Vạn lý trường thành, Quảng trường Thiên An Môn, Tháp truyền hình Thượng Hải… Sau 5 ngày làm việc khẩn trương với những kinh nghiệm quý báu mà hai bên chia sẻ trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng, đoàn đã về nước an toàn. Hồng Long

Lấy ý kiến về ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho các doanh nhân và doanh nghiệp

TĐKT - Ngày 6/10, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định số 51/2010/QĐ –TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đến dự, có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban và các bộ, ngành, địa phương… Toàn cảnh Hội nghị Được biết, trong những năm qua, để khuyến khích, động viên và ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân, Đảng và Nhà nước đã có nhiều hình thức khen thưởng kịp thời cho các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu. Ngoài ra, một số bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương đã có hình thức biểu dương, tôn vinh thông qua việc đặt ra các danh hiệu và tổ chức trao giải thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân. Các giải thưởng tôn vinh đã góp phần khuyến khích động viên các doanh nghiệp, doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, tích cực thực hiện công tác xã hội, từ thiện, tham gia các phong trào thi đua… Tuy nhiên, việc tổ chức các giải thưởng tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp đã diễn ra tràn lan. Nhiều cơ quan, đơn vị đứng ra tổ chức giải thưởng không đúng với chức năng, thẩm quyền, dẫn đến việc tổ chức giải thưởng còn hình thức, không đảm bảo chất lượng. Có hiện tượng đơn vị tổ chức thương mại hoá giải thưởng và thu kinh phí của các doanh nghiệp tham gia, gây phản cảm trong xã hội. Nhằm quản lý các hoạt động này và định hướng để tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng đi vào nền nếp, chất lượng, có ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền, nêu gương các điển hình tiên tiến, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Nhằm biểu dương, tôn vinh kịp thời, chính xác, có ý nghĩa động viên doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiến hành sửa đổi, bổ sung Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Tại hội nghị, đã có 12 ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành và các địa phương, đều nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Quyết định. Các đại biểu cho rằng cần làm rõ các nội dung: điều kiện tham gia giải thưởng; xã hội hoá việc tham gia giải thưởng như thế nào... Đồng thời, đề xuất: Bộ nào quản lý ngành nào thì tổ chức giải thưởng thuộc ngành, lĩnh vực đó; khi sửa Quyết định, cần nghiên cứu căn cứ để sửa… Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết: Ban Thi đua - Khen thưởng và tổ soạn thảo sẽ nghiên cứu sâu sắc, tiếp thu tổng hợp từ nhiều ý kiến để sửa đổi theo quy định. Trưởng ban đề nghị các bộ ngành, địa phương các đơn vị tham gia lấy ý kiến cần xây dựng quy chế, thông tư gửi về Ban. Sau đó, Ban sẽ soạn thảo và đưa ra thông tư phù hợp, sau đó gửi về các đơn vị, các đơn vị sẽ theo quy chế đó để làm. Hồng Thiết

Những mốc son lịch sử của ngành Thi đua - Khen thưởng (Kỳ 4): Nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng

Nhằm thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi toàn quốc, ngày 25/8/2004, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương được thành lập trên cơ sở Viện Thi đua, khen thưởng Nhà nước, là cơ quan thuộc Chính phủ và là cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là đồng chí Trịnh Trọng Quyền, Ủy viên Trung ương Đảng. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có nhiệm vụ quản lý Nhà nước và tổ chức các hoạt động thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật, quản lý Nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Ban theo quy định của pháp luật... Cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương giai đoạn này gồm 8 vụ, đơn vị trực thuộc. Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII Sau đó, năm 2008 thực hiện chủ trương Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, Chính phủ chuyển Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương vào đầu mối Bộ Nội vụ, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chính phủ quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng và là cơ quan Thường trực giúp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành chủ trương, chính sách về tổ chức, biện pháp, tổng kết, kiểm tra, giám sát các phong trào thi đua và thẩm định, đề xuất các hình thức phong tặng, khen thưởng trên phạm vi toàn quốc. Trưởng Ban là đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Về cơ cấu tổ chức, Ban có 9 đơn vị trực thuộc: Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp, Vụ Thi đua - Khen thưởng các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, Vụ Thi đua - Khen thưởng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,  Vụ Tổ chức cán bộ,  Vụ Pháp chế - Thanh tra, Văn phòng (có đại diện của Văn phòng Ban tại thành phố Hồ Chí Minh), Tạp chí Thi đua Khen thưởng,  Trung tâm Tin học, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thi đua, khen thưởng. Với vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban đã tham mưu, tổ chức lại, phân công thành viên Hội đồng theo dõi, chỉ đạo các cụm, khối thi đua; đồng thời đôn đốc các cụm, khối thi đua, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng hàng năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm tới; chấm điểm, tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua cho các đơn vị dẫn đầu cụm, khối thi đua hàng năm. Ban đã tham mưu xây dựng các kế hoạch của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tham mưu cho các đồng chí thành viên Hội đồng tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng hàng năm. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa chúc mừng các điển hình tiên tiến tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 Với những nỗ lực, đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, hệ thống các văn bản thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng đã có nhiều đổi mới và ngày càng hoàn thiện.  Các Đề án Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Chính trị, Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013, Chỉ thị số 34 – CT/TW của Bộ Chính trị về Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng... và hàng chục nghị định, thông tư, hướng dẫn khác liên quan tới công tác thi đua, khen thưởng được hoàn thiện và đi vào cuộc sống đã đánh dấu bước phát triển mới và những thành  quả đáng tự hào của cán bộ, công chức, viên chức ngành Thi đua - Khen thưởng trong cả nước nói chung và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nói riêng. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phát động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, tiêu biểu là các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”;’ đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Ban đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng kịp thời thành tích thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội; khen thưởng thành tích đột xuất; khen thưởng quá trình công tác; khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại. Tham mưu với Thủ tướng Chính phủ khen thưởng chặt chẽ, chính xác, công khai, kịp thời; tăng tỷ lệ khen thưởng đối với công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động.        Công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, giới thiệu các điển hình tiên tiến ngày càng được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, trả lời đơn thư công dân; phòng, chống tham nhũng được thực hiện thường xuyên, có nền nếp. Công tác văn thư, lưu trữ, tổng hợp liên tục được cải tiến, nâng cao hiệu quả. Cùng với đó, Ban thường xuyên quan tâm tới việc nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức, đào tạo những chuyên gia, công chức giỏi trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng. Công tác tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng những năm qua đã có những bước tiến mới, đánh dấu bằng việc triển khai Dự án “Hệ thống quản lý tài liệu điện tử ngành Thi đua - Khen thưởng giai đoạn 2012 - 2015”, dự án “Thí điểm triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến và an toàn an ninh thông tin”, xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử... Hoạt động hợp tác quốc tế về thi đua, khen thưởng được đẩy mạnh. Ban đã tổ chức nhiều đoàn đi nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm về thi đua, khen thưởng tại các nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Úc, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... Những đợt nghiên cứu, khảo sát ở các nước đã giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong nước nâng cao nhận thức, tầm nhìn và tư duy, tham mưu, hoạch định, đề xuất với Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương những chủ trương, chính sách về tổ chức phong trào thi đua và thực hiện khen thưởng phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế của đất nước, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, ngành thi đua, khen thưởng đã có những bước tiến vững chắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của dân tộc và đất nước. Thi đua, khen thưởng đã có tác dụng động viên, tạo động lực và nêu gương cho toàn xã hội, nhất là khen thưởng thường xuyên, đột xuất được kịp thời, gắn với tổng kết phong trào, nhân rộng điển hình tiên tiến, đã động viên khuyến khích mọi người tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ mới và khó. Nối tiếp truyền thống vẻ vang 70 năm, các công chức, viên chức và người lao động tại các vụ, đơn vị của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương thường xuyên phấn đấu nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Không ngừng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Phương Thanh

Những mốc son lịch sử của ngành Thi đua - Khen thưởng (Kỳ 3): Thi đua, khen thưởng đón làn gió Đổi Mới

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986 xác định, đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, coi đây là tiền đề bảo đảm thực hiện công cuộc đổi mới. Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết chặt chẽ chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ra sức phát huy những thành tựu đã đạt được, dũng cảm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực, tạo ra những tiến bộ mới trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội…  Điều đó đặt ra yêu cầu đối với công tác thi đua, khen thưởng cũng cần phải thay đổi để phù hợp với  nhiệm vụ trong tình hình mới.   Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI Ngày 8/12/1987 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 223/HĐBT đổi tên Viện Huân chương thành Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước với nhiệm vụ là cơ quan giúp việc cho Hội đồng Thi đua và Khen thưởng Trung ương về thi đua, khen thưởng. Để Viện Thi đua và Khen thưởng Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời kỳ bắt đầu đổi mới, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 57/HĐBT ngày 05/06/1988  về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện Thi đua và khen thưởng Nhà nước. Theo đó, Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu để Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước quyết định chính sách chế độ, các danh hiệu và hình thức  thi đua, khen thưởng, quyết định việc phân công, phân cấp quản lý xét duyệt và quản lý thi đua và khen thưởng. Hướng dẫn kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chính sách, chế độ ấy. Kiểm tra, xem xét để trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước quyết định các đề nghị khen thưởng thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước quyết định. Làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Quan hệ với các Bộ, Ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao. Bồi dưỡng lý luận nghiệp vụ, và hướng dẫn công tác cho cán bộ thi đua, khen thưởng các ngành, các cấp. Thực hiện việc cấp phát, thu hồi, đổi lại hiện vật thi đua, khen thưởng theo quy định Nhà nước. Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước có một Viện trưởng và 1 – 2 Phó Viện trưởng giúp việc. Bộ máy giúp việc Viện trưởng có văn phòng và các tổ chuyên viên. Các đồng chí  Nguyễn Mạnh Luật,  Đỗ Văn Thơm,  Cao Kim Hường lần lượt đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước qua các thời kỳ. Thời kỳ này, công tác thi đua và khen thưởng bộc lộ yếu kém bất cập trước tình hình mới, chưa thành động lực cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân. Trước tình hình trên, ngày 3/6/1998 Bộ Chính trị đã họp và ra Chỉ thị số 35-CT/TW về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, nội dung chính của Chỉ thị là: “Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của 50 năm qua các cấp ủy đảng cần chỉ đạo tiến hành đổi mới công tác thi đua và khen thưởng trong giai đoạn mới tập trung vào các vấn đề cơ bản như: làm rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thi đua - khen thưởng; kiện toàn và đổi mới tổ chức - cán bộ của các cơ quan tham mưu thi đua - khen thưởng, đổi mới nội dung và hình thức thi đua - khen thưởng, quy trình phát hiện, xem xét, lựa chọn, phong tặng các danh hiệu thi đua và những vấn đề có liên quan tới việc khen thưởng như: tiêu chuẩn, danh hiệu, đối tượng khen thưởng”. Thực hiện chủ trương trên, trong thời gian từ ngày 4 - 5/10/2000, tại Hà Nội đã tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI. Đây là Đại hội đầu tiên giai đoạn đổi mới sau một thời gian bị giãn cách lâu nhất trong các kỳ Đại hội. Đại hội biểu dương hàng trăm điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc, Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, là những bông hoa tươi thắm nhất đại diện cho hàng triệu bông hoa tiên tiến trong rừng hoa thi đua của cả nước đã tỏa hương thơm, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 26/11/2003 Luật Thi đua, Khen thưởng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua. Việc ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của công tác thi đua, khen thưởng phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Đây là lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật Việt Nam có Luật Thi đua, Khen thưởng và đưa cả hai nội dung thi đua và khen thưởng vào trong cùng một bộ luật thể hiện rõ mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và khen thưởng. Phương Thanh

Những mốc son lịch sử của ngành Thi đua - Khen thưởng (Kỳ 2): Phất cao ngọn cờ thi đua kháng chiến, kiến quốc

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ một nền kinh tế hết sức nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai mở rộng chiến tranh theo thực dân kiểu mới kéo dài suốt 20 năm, với phạm vi ngày càng mở rộng. Để tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi các kế hoạch của Nhà nước, ngày 4/2/1964, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/CP quy định nhiệm vụ của Ban Thi đua các cấp, trong đó nhiệm vụ của Ban Thi đua Trung ương là: nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ quyết định phương hướng, nhiệm vụ, nội dung thi đua, các chính sách và biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua. Hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các địa phương và phối hợp với các đoàn thể nhân dân trong việc vận động, tổ chức thi đua và trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua của Đảng và Chính phủ tổng kết và phổ biến kinh nghiệm thi đua. Nghị định cũng quy định rõ thành phần của Ban Thi đua Trung ương có Trưởng Ban là Đại diện Hội đồng Chính phủ; các ủy viên gồm đại diện: Bộ Nông nghiệp, Bộ Quốc phòng, Ban Chấp hành Tổng công đoàn, Ban Chủ nhiệm Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương. Ban Thi đua các cấp ra đời đã thổi bùng ngọn lửa thi đua trên toàn quốc. Các phong trào thi đua phát triển rầm rộ từ Bắc vào Nam, từ hậu phương ra tiền tuyến. Tiêu biểu thời kỳ này là các phong trào: Cờ Ba nhất trong quân đội, Gió Đại Phong trong nông nghiệp, Sóng Duyên Hải trong công nghiệp, phong trào Trống Bắc Lý, thi đua Dạy tốt, học tốt trong giáo dục…  Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy cơ khí Duyên Hải, một lá cờ đầu trong phong trào thi đua thời kỳ này Trong giai đoạn này, Ban Thi đua Trung ương hoạt động tích cực, thực hiện các công việc như là một cơ quan quản lý nhà nước về thi đua trên địa bàn toàn quốc. Vai trò nổi bật là tham mưu với Đảng và Chính phủ những chủ trương, chính sách về thi đua; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương  thực hiện những chủ trương, chính sách và chế độ về thi đua của Đảng và Chính phủ. Sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ban Thi đua Trung ương đã đánh giá được tình hình của bộ máy thi đua các cấp, để tăng cường công tác lãnh đạo và tổ chức phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, nhằm thực hiện kế hoạch Nhà nước đề ra, Ban đã tham mưu với Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 48/CP ngày 13 tháng 4 năm 1967 về kiện toàn, bổ sung thêm cán bộ cho đội ngũ thi đua các cấp. Thành phần của Ban Thi đua Trung ương được bổ sung thêm các vị đại diện: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương. Đặc biệt Ban Thi đua Trung ương được thành lập 1 Văn phòng tương đương với 1 vụ giúp Ban tiến hành công tác nghiên cứu, theo dõi, kiểm tra và tổng kết phong trào thi đua, giải quyết công việc hành chính, quản lý hồ sơ, tài liệu…. Tại thủ đô Hà Nội từ ngày 4/5 - 6/5/1962, Chính phủ đã tổ chức Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III. Đại hội tuyên dương 45 Anh hùng Lao động, 985 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 267 đơn vị tiên tiến, tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa. Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tạo sức mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III Phát huy những thành quả đạt được tại Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III, nhất là sau Hội nghị Chính trị đặc biệt, ngày 27/3/1964, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng miền Nam. Từ đó đã xuất hiện nhiều khẩu hiệu hành động “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Vững tay búa, chắc tay súng” trên khắp ruộng đồng, nông trường, nhà máy, xí nghiệp, công trường,… ở miền Bắc - minh chứng sống động về sự đồng thuận của toàn dân tộc đối với nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1964 đầu năm 1965, trước âm mưu đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong thanh niên xuất hiện phong trào thi đua “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” cuốn hút hàng triệu thanh niên tích cực tham gia, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; phụ nữ có phong trào Ba đảm đang… Từ năm 1963 đến năm 1966, ở miền Bắc quân và dân ta đang hăng hái thi đua, vừa sản xuất vừa chiến đấu, liên tiếp đánh thắng các bước leo thang, phá hoại của đế quốc Mỹ, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất và kế hoạch năm 1966, không ngừng đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố miền Bắc về mọi mặt, làm hậu phương vững mạnh của cả nước. Ở miền Nam, quân và dân ta hăng hái thi đua, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, luôn luôn giữ vững thế chiến công, chiến lược trên chiến trưởng. Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ IV Để biểu dương những thành tích đạt được của quân và dân ta ở hai miền Nam, Bắc, từ ngày 6/1 - 7/1/1967 tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ IV. Đại hội có trên 500 đại biểu tham dự; tuyên dương 45 tập thể và 111 cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là Đại hội biểu dương ý chí và lực lượng của toàn quân và toàn dân ta, những người đã và đang làm nên chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất. Trong giai đoạn 1975 – 1987, thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Chính phủ chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở tập trung xét khen thưởng thực hiện trên diện rộng trong cả nước, đối tượng khen thưởng nhiều, đã biểu dương thích đáng thành tích, công lao to lớn của nhân dân và cán bộ đã diễn ra trong nhiều năm. Để đánh dấu thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Nhà nước có chủ trương khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhằm biểu dương công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã mang hết sức người, sức của ra đánh giặc, giữ nước. Năm 1979, khen thưởng đối với thành tích bảo vệ biên giới của quân và dân các tỉnh phía Bắc và Tây Nam. Năm 1981, Nhà nước đặt ra Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy chương Vì an ninh Tổ quốc (năm 1984), Danh hiệu vinh dự Nhà nước: Thầy thuốc, thầy giáo, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú (năm 1985) để khen thành tích cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng quân đội, công an, trong các ngành y tế, giáo dục, văn hóa đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc. Ghi nhớ công lao to lớn các gia đình liệt sĩ đã có nhiều cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, năm 2985, Nhà nước đặt ra chủ trương khen thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ. Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V diễn ra ngày 16 và 17/1/1986 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 218 đơn vị và tập thể Anh hùng, 111 cá nhân Anh hùng và 223 Chiến sĩ thi đua toàn quốc thuộc đủ các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi, các địa phương, miền xuôi và miền ngược. Đây là Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước; là Đại hội biểu dương thắng lợi của dân và quân ta trong lao động, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1986 -1990, mở đầu thời kỳ đổi mới. Phương Thanh (còn tiếp)

Những mốc son lịch sử của ngành Thi đua - Khen thưởng (Kỳ 1): Viện Huân chương – cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về khen thưởng

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo chính quyền cách mạng còn non trẻ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Để có tổ chức bộ máy và cán bộ thực hiện các chủ trương, chính sách khen thưởng, ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 83/SL, đặt ra Viện Huân chương thuộc Chủ tịch phủ. Viện Huân chương có nhiệm vụ: tập trung xét tất cả các đơn từ của tư nhân hay của các bộ, cơ quan Chính phủ, các đoàn thể, xin cấp các thứ huân chương và huy chương. Đề nghị lên Chủ tịch cấp phát huân chương, huy chương và các thứ, các hạng. Ấn định và đề nghị chi tiết thi hành những luật lệ đặt ra các loại huy chương hay huân chương, đề nghị kiểu mẫu các thứ huy chương, huân chương các hạng. Phụ trách làm các huy chương, huân chương các hạng theo đúng các kiểu mẫu đã ấn định. Đề nghị lên Chủ tịch những dự thảo Sắc lệnh để sửa đổi hay bổ khuyết thể lệ hiện hành về huy chương, huân chương. Viện Huân chương do một Viện trưởng Giám đốc và quản trị, gồm có 4 hội viên họp thành một Hội đồng huân chương do Viện trưởng làm Chủ tịch. Viện trưởng và Hội viên do Sắc lệnh Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm. Việc đặt ra Viện Huân chương bên cạnh người đứng đầu Nhà nước là biểu hiện tính pháp luật và giá trị cao quý của các phần thưởng Huân chương, Huy chương trong chế độ ta, đồng thời xác lập tổ chức làm quản lý nhà nước về khen thưởng từ đó được hình thành và hoạt động trong suốt 70 năm qua. Vào thời điểm đó, nhà nước non trẻ của ta gặp muôn vàn khó khăn, phải đương đầu với nạn đói, nạn dốt và giặc ngoại xâm. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng việc tổ chức các phong trào thi đua trên các lĩnh vực đời sống xã hội để huy động sức người, sức của trong dân, thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Ngày 27/3/1948 theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương đã ra chỉ thị “Phát động phong trào thi đua ái quốc”. Ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua Ái quốc Trung ương, do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban. Ban này gồm có đại biểu Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể nhân dân. Theo Sắc lệnh, tại các liên khu, tỉnh, huyện và xã đều đặt Ban Vận động thi đua Ái quốc. Mỗi ban gồm có từ 3 đến 5 người, trong đó có đại diện Ủy ban kháng chiến hành chính, các đoàn thể nhân dân và nhân sĩ. Tuy vậy, các Ban Vận động thi đua Ái quốc cấp huyện và cấp xã, số người có thể ít hơn. Ban Vận động thi đua Ái quốc các cấp có nhiệm vụ vận động, đôn đốc, thu thập và phổ biến kinh nghiệm về việc thi đua. "Các Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu, tỉnh, huyện, xã đặt kế hoạch thi đua Ái quốc cho địa phương mình. Nhưng có thể ủy quyền ấy cho các Ban Vận động thi đua Ái quốc cấp mình." Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua Ái quốc Trung ương Ngày 11/6/1948 nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, kiến quốc; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá." Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, các phong trào thi đua ái quốc được phát động và lan rộng khắp các vùng miền, cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước thi đua hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói; thi đua học tập, xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm… Ngày 20/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 207/SL cử ông Hoàng Đạo Thuý về làm Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương. Trong buổi gặp mặt để nhận nhiệm vụ mới, ông Hoàng Đạo Thuý đã nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh một chiếc quạt giấy cùng lời căn dặn: Chú dùng cái quạt này để quạt phong trào lớn mạnh lên.  Thực hiện lời căn dặn của Người, Ban vận động thi đua ái quốc đã từng bước định hướng được các phong trào thi đua phát triển có chiều sâu, huy động lực lượng tinh thần to lớn phục vụ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, năm 1952. Để tổng kết phong trào thi đua và biểu dương gương điển hình xuất sắc trong cuộc kháng chiến và kiến quốc được phát động từ năm 1948, Chính phủ đã tổ chức Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, họp từ ngày 1/5 - 6/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc, với sự tham gia của trên 154 đại biểu. Họ là những người dân cày, những người thợ, những người trí thức cầm súng giết giặc, giữ nhà, giữ nước, là cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại hội đã tuyên dương 7 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc. Trong đó có: Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sĩ La Văn Cầu, nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Giáp Văn Khương, Quang Vinh... Thành công của Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm và là động lực hết sức quan trọng động viên toàn dân, toàn quân ta hăng hái lập nhiều thành tích xuất sắc trên các chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Phương Thanh (còn tiếp)

Tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

TĐKT -  Từ ngày 28/8 - 29/8, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 91/2017/NĐ - CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng cho cán bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc  Trung ương. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương  Trần Thị Hà. Trong 2 ngày tập huấn, các đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được lắng nghe giảng 4 chuyên đề. Chuyên đề thứ nhất là “Những nội dung cơ bản của Nghị định 91/2017/NĐ – CP của Chính phủ do ông Kiều Sơn, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ I, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trình bày. Chuyên đề hai “Những vấn đề cơ bản về công tác thi đua, khen thưởng đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” do Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ III, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương  Lê Văn Vũ trình bày. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương  Trần Thị Hà phát biểu tại hội nghị Chuyên đề ba “Nội dung kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Tiến sĩ, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ II, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương  Nguyễn Khắc Hà trình bày. Chuyên đề bốn “Nội dung phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020” do Tiến sĩ, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trình bày. Tại Hội nghị, sau mỗi chuyên đề, các đại biểu tham dự đã trao đổi sôi nổi, nội dung chủ yếu mà các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm là Bằng khen cụm, khối, tỷ lệ xét tặng cờ thi đua; đơn vị đạt tiêu chuẩn thi đua và truy tặng cho đơn vị, cá nhân xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao… Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương  Trần Thị Hà đã đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiệt tình của các đơn vị tham dự tập huấn. Nghị định 91 ra đời hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc vì vậy rất mong nhận nhiều ý kiến đóng góp hữu ích gửi về Ban. Hồng Thiết

Hội nghị triển khai Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ và tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng

TĐKT - Từ ngày 23/8 - 24/8, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng cho cán bộ các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương  Trần Thị Hà. Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ra đời đã hợp nhất, sửa đổi, bổ sung 3 Nghị định (số 42/201/NĐ-CP, 39/2012/NĐ-CP và 65/2014/NĐ-CP), tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Hội nghị triển khai Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Tập huấn nghiệp vụ thi đua, khen thưởng tập trung vào 4 chuyên đề trọng tâm. Thứ nhất là chuyên đề “Những nội dung cơ bản của Nghị định 91/2017/NĐ – CP của Chính phủ do ông Kiều Sơn, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ I, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương giảng. Chuyên đề hai “Những vấn đề cơ bản về công tác thi đua, khen thưởng và Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ đối với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước” và chuyên đề “Nội dung kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Tiến sĩ, Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ 2, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương  Nguyễn Khắc Hà trình bày. Cuối cùng là chuyên đề “Nội dung phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020” do Tiến sĩ, Chuyên viên cao cấp Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trình bày. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà đánh giá cao về nội dung buổi tập huấn Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến đóng góp và thảo luận cũng như các câu hỏi  đến từ các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, xoay quanh các vấn đề về hồ sơ khen thưởng, vấn đề khen thưởng đối với lao động nữ; danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; công tác tuyên truyền về phong trào thi đua, điển hình tiên tiến cần chính xác, kịp thời, đúng quy định… Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã đánh giá cao nội dung của buổi tập huấn và hoan nghênh tinh thần làm việc của các đơn vị tham dự tập huấn. Thứ trưởng nhấn mạnh, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ có văn bản trả lời bằng thông tư và sẽ hướng dẫn kịp thời các vấn đề liên quan đến Nghị định 91. Cũng theo Thứ trưởng Trần Thị Hà, Nghị định 91 đi vào thực tiễn cuộc sống còn nhiều bất cập nên cần được hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đóng góp, bổ sung để cùng tìm, phát hiện và xây dựng, cụ thể hoá thêm. Hơn hết, vấn đề nghiên cứu, bổ sung Nghị định 91 phải xuất phát từ thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng. Hồng Thiết

Tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2017

TĐKT - Ngày 18/8 và 22/8, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và Tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2017. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà. Cùng dự, có lãnh đạo các vụ, đơn vị và công chức, viên chức thuộc Ban.   Toàn cảnh tập huấn Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức tập huấn tập trung vào 5 chuyên đề. Thứ nhất là “Những nội dung cơ bản của Nghị định 91/2017/NĐ-CP” do Chuyên viên Cao cấp, Vụ trưởng Vụ I (Vụ Nghiên cứu, tổng hợp) Kiều Sơn trình bày.  Ngày 31/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017. Chuyên đề 2: “Những vấn đề cơ bản về công tác thi đua, khen thưởng”; chuyên đề 3: “Nội dung kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Vụ trưởng Vụ II (Vụ các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương) TS. Chuyên viên cao cấp Nguyễn  Khắc Hà trình bày. Chuyên đề 4: “Triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020” do Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, TS. Chuyên viên cao cấp Phạm Huy Giang trình bày. Kết thúc tập huấn (ngày 22/8) là bài giảng của Vụ trưởng Vụ III (Vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), Chuyên viên cao cấp Lê Văn Vũ với chuyên đề “Những vấn đề cơ bản về công tác thi đua, khen thưởng đối với địa phương”. Qua 5 chuyên đề được tập huấn tại Ban, các báo cáo viên đã truyền tải những kiến thức bổ ích, thiết thực giúp cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban nâng cao kiến thức chung liên quan đến Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới. Kết luận buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà đã đánh giá cao 5 chuyên đề và đề nghị các giảng viên lấy đây làm nền tảng để triển khai các chuyên đề sâu, rộng hơn. Trưởng ban nhấn mạnh, các chuyên đề này là tài liệu để giảng dạy tại các lớp tập huấn cho cán bộ thi đua, khen thưởng các bộ, ngành, địa phương. Hồng Thiết

Trang