TĐKT - Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất với chủ đề “Phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức tại TP Đà Nẵng với sự hợp tác của nhà tài trợ vàng Vietinbank có nhiều nội dung phong phú. Tại đây, các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển đất nước.
70 trí thức trẻ đang công tác, học tập tại 20 quốc gia trong 200 trí thức trẻ tham dự Diễn đàn đã thảo luận, trình bày quan điểm, đóng góp ý kiến tại 3 nhóm nội dung: “Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0”, “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh”.
Ứng dụng STEM để đào tạo nguồn nhân lực
Chia sẻ về các mô hình giáo dục STEM trên thế giới và tính khả thi khi đưa vào Việt Nam, TS. Nguyễn Trọng Hồng Phúc, Đại học Cần Thơ cho biết: Hiện trên thế giới, STEM đã phát triển từ rất lâu. Các trường hàng đầu ở Mỹ, hay những quốc gia lân cận như Singapore, Hàn Quốc... đều đã và đang ứng dụng giáo dục STEM và STEAM. Từ việc phát triển giáo dục STEAM, người ta cũng đưa ra những khung đánh giá năng lực tương ứng. Câu hỏi đặt ra là vì sao giáo dục STEM trên thế giới lại thành công?
Các đại biểu tham dự chủ đề “Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0”.
Theo TS. Hồng Phúc, có 2 lý do chính để các nước phát triển được giáo dục STEAM đó là: Một là sự đồng bộ của giáo dục STEM của họ (bao gồm: Chính sách, cơ sở hạ tầng giáo dục, phương pháp kiểm tra đánh giá). Thứ hai là sự thành công đến từ sự tham gia của các thành phần xã hội (gồm: Nhà trường, gia đình, xã hội).
“Vậy chúng ta làm sao phát triển được nguồn nhân lực của chúng ta để có thể thúc đẩy giáo dục STEM ở Việt Nam? Đó là phải có được đội ngũ quản lý am hiểu về giáo dục STEM, sau đó là đội ngũ giảng viên, sinh viên sư phạm và giáo viên các cấp. Cùng với đó, chúng ta cũng cần có cơ sở vật chất - cơ sở dữ liệu; có các khoá huấn luyện về giáo dục STEM; chính sách giáo dục phù hợp”, TS. Hồng Phúc nói.
Đề xuất với các nhà quản lý giáo dục, TS. Hồng Phúc cho rằng: Chúng ta cần phải thiết lập chính sách khuyến khích giáo dục STEM, tạo bộ khung chuẩn cho STEM Việt Nam; đối với đội ngũ giảng viên cần học tập, áp dụng STEM, tăng cường hợp tác thức đẩy nâng cao năng lực giảng dạy; đối với sinh viên sư phạm cần hiểu về giảng dạy STEM, thực hành về STEM; đối với đội ngũ giáo viên cơ sở cần được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về STEM.
Bạn Nguyễn Minh Luân, Đại học Studencheskaya Ulitsa ( Nga) chia sẻ về chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phổ cập STEAM cho người khuyết tật.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phổ cập STEAM cho người khuyết tật, bạn Nguyễn Minh Luân, Đại học Studencheskaya Ulitsa (Nga) nói về chính câu chuyện của bản thân mình. Đây là nguồn cảm hứng để Luân nghiên cứu vấn đề này. Một tai nạn từ khi còn nhỏ khiến Luân bị chấn thương não. Gia đình nghĩ rằng anh chỉ có thể “học tới đâu hay tới đó”, đến lớp cho bằng bạn bằng bè. Nhưng bản thân Luân chưa từng từ bỏ. Anh tham gia nhiều cuộc thi, nỗ lực học lên. Từ trải nghiệm của bản thân, anh đã phân tích nhu cầu, khả năng tiếp nhận giáo dục STEM của người khuyết tật..
“Những người khuyết tật có sự tự ti, thiếu niềm tin nhưng cũng chính họ là những người nỗ lực và kiên trì nhất với mục tiêu của mình. Việt Nam có 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% nguồn nhân lực Việt Nam, chính vì vậy, không thể không tính đến đóng góp của những đối tượng này cho nền kinh tế. Đó cũng là lý do cần phải quan tâm tới giáo dục STEM dành cho người khuyết tật ở Việt Nam”, Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh.
Chị Lê Thị Kim Anh trình bày tham luận chủ đề “Nữ giới và STEM”. Chị Kim Anh lý giải vì sao tỷ lệ nữ giới tham gia STEM rất thấp so với nam giới, bàn về các biện pháp cải thiện. Theo Kim Anh, biện pháp nhằm cải thiện tỷ lệ nữ giới tham gia STEM là: Phổ cập vấn đề; truyền thông về những hình mẫu, nhà khoa học là nữ tại Việt Nam và trên thế giới; tạo mạng lưới kết nối.
Bảo vệ môi trường với công nghệ 4.0
Trình bày tham luận về "Tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe tại Việt Nam", TS. Trần Trọng Đăng và ThS. Trương Văn Đạt đến từ Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một hiện tượng toàn cầu. Nhưng tác động của nó khác nhau tùy từng địa phương...”
Để minh chứng cho điều nay, TS. Trần Trọng Đăng cho biết: Hiện sốt xuất huyết đang là vấn đề của toàn cầu, cứ sau 10 năm số mắc sốt xuất huyết trên thế giới lại tăng gấp đôi; gần 4 tỷ người sống trong vùng nguy cơ, số mắc ghi nhận ở 128 nước. Năm 2015, tại Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Đài loan, Ấn Độ, sốt xuất huyết cũng đang gia tăng sau nhiều năm không có dịch. Tại Việt Nam, năm 2017, cả nước ghi nhận 148.200 trường hợp mắc trong đó có 30 trường hợp tử vong.
Ngoài ra, phát thải khí nhà kính ngày càng tăng là nguyên nhân chủ yếu của xu thế ấm lên toàn cầu, tầng ozon bị phá hủy dẫn đến sự tăng cường độ bức xạ tử ngoại trên mặt đất. Điều này đã gây bệnh ung thư da và các bệnh về mắt....
TS. Trần Trọng Đăng kiến nghị một số biện pháp để giảm thiểu dịch sốt xuất huyết đó là: Xây dựng hệ thống quốc gia về cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan (Heat-Health Warning) và hệ thống giám sát, cảnh báo dịch bệnh truyền nhiễm, ứng phó với BĐKH; quy hoạch đô thị cần chú ý tới tính thích nghi và giảm thiểu tác động BĐKH (ví dụ: Quy hoạch mảng xanh, phương tiện giao thông công cộng...); tăng cường mạng lưới liên kết 3 nhà: Nhà sử dụng + Nhà chính sách + Nhà nghiên cứu...
Diễn đàn về “Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0” thu hút rất nhiều tham luận của các nhà khoa học tâm huyết về vấn đề phát triển giáo dục hiện đại cho đất nước đáng để tham khảo. Những ý kiến đề xuất của các nhà khoa học sẽ được Ban tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổng hợp, đề xuất với Chính phủ để có những chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển giáo dục Việt Nam.
Hưng Vũ