Cũng như nhiều địa phương khác, trước đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ gia tăng dân số và số gia đình sinh con thứ 3 trở lên khá cao.
Nguyên nhân chủ yếu là nhiều gia đình muốn có con trai để nối nghề đi biển, “nối dõi tông đường”, hay tư tưởng “đông con hơn đông của”. Đặc biệt, nhận thức của chị em phụ nữ còn nhiều hạn chế nên rất nhiều người chưa được tư vấn và khám để ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng bào thai. Trẻ sơ sinh chưa được phát hiện dị tật bẩm sinh để can thiệp, điều trị sớm nên đã để lại hậu quả đáng tiếc.
Tuyên truyền chính sách DS/KHHGĐ cho thanh niên
Vì vậy, ngay khi bắt tay vào triển khai Đề án, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đầy trách nhiệm với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương. Xác định công tác truyền thông về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ là vấn đề trọng tâm nhằm giúp cho người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và thực hiện tốt công tác giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, Quỳnh Lưu đã tổ chức vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức: tuyên truyền qua hệ thống loa đài của xã, pa nô, áp phích, sách báo và tờ rơi về công tác DS - KHHGĐ.
Xác định nam giới và trưởng tộc có vai trò quan trọng về công tác DS - KHHGĐ, huyện chỉ đạo thành lập câu lạc bộ Nam giới để tăng cường công tác tuyên truyền tại 2 xã Quỳnh Thuận và Quỳnh Thọ, ưu tiên những người trong độ tuổi, đặc biệt là các đối tượng đông con chưa thực hiện các biện pháp tránh thai, thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia.
“Đây được coi là cách làm mang lại hiệu quả, bởi từ trước đến nay, đối tượng này hầu như rất ít khi được tuyên truyền về công tác dân số. Phần lớn mọi người đều nghĩ thực hiện chính sách DS - KHHGĐ là việc của phụ nữ. Mô hình các câu lạc bộ này đang được huyện Quỳnh Lưu nhân rộng và thu hút đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.”- Ông Hoàng Đình Tùng, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Quỳnh Lưu nhận định.
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ. Thành lập đội tuyên truyền lưu động cung cấp các dịch vụ về công tác DS - KHHGĐ, thường xuyên tổ chức các hoạt động ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu về công tác tư vấn và cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cho bà mẹ, các biện pháp tránh thai, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khi có nhu cầu sử dụng. Triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai an toàn.
Có thể thấy, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng với sự tham gia tích cực của người dân, sau hơn 7 năm triển khai đề án, công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực.
Hiện nay, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của huyện giảm còn 0,9%; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 2,5%; tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng…Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong công tác kiểm soát dân số ở vùng biển, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng bền vững.
Bảo Linh