Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số ở Lào Cai
16/08/2017 - 15:28
TĐKT - Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và là nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vậy việc nâng cao chất lượng dân số được Lào Cai xác định là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ hủ tục tồn tại lâu đời không còn phù hợp để đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và bền vững. 

Tại Lào Cai, hiện nay, số cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình luôn tăng hàng năm. Quy mô gia đình có hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi tại các huyện vùng cao vốn có quan niệm sinh nhiều con. Chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đang từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Các vấn đề về chất lượng dân số cả thể chất lẫn tinh thần đang từng bước được cải thiện đã góp phần quan trọng thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh này. 

Mục tiêu cơ bản trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của Lào Cai đến năm 2020 sẽ tập trung duy trì mức sinh hợp lý ở vùng thấp, tiếp tục giảm sinh ở vùng cao, vùng có mức sinh cao, nâng cao chất lượng dân số, khống chế tốc độ gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Để đạt mục tiêu, Lào Cai đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tranh thủ, phát huy nguồn lực của Đề án về một số chính sách hỗ trợ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đồng thời, khích lệ, động viên, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số thôn bản tuyên truyền, triển khai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ công tác dân số ở cơ sở... 

 

Tuyên truyền về các biện pháp tránh thai trong chiến dịch tại xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai

Các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục được triển khai lồng ghép thông qua các chiến dịch truyền thông, các cuộc họp tại xã, thôn, bản đến các đối tượng là người sắp kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người có uy tín trong cộng đồng và đặc biệt chú trọng đến đối tượng cặp vợ chồng đã có một hoặc hai con gái. 

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Điển hình là mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân do Chi cục và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh triển khai khám và tư vấn các vấn đề về: chăm sóc sức khỏe sinh sản, nguy cơ và cách phòng, tránh sinh con khuyết tật, dị tật cho nam, nữ tiền hôn nhân; triển khai các hoạt động ngoại khóa tại các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú để học sinh tìm hiểu kiến thức về giới, sức khỏe sinh sản.

Mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được thực hiện tại 10 xã thuộc 5 huyện là Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai. Đến nay, tại địa bàn các xã triển khai mô hình không còn trường hợp hôn nhân cận huyết, tỷ lệ tảo hôn cũng giảm nhanh, chỉ còn 3,38%.

Ngoài ra, các ngành, đơn vị có liên quan cũng đã thực hiện đề án khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho bà mẹ và trẻ em tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên và TP Lào Cai. Triển khai đề án, các bác sĩ tại tuyến tỉnh, huyện được đào tạo nâng cao, trang bị máy siêu âm được đầu tư hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Riêng năm 2016, đã có 1.135 trường hợp được khám sàng lọc và 341 trường hợp được khám sàng lọc sơ sinh.

 Đề án truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục được duy trì, triển khai các hoạt động sinh hoạt lồng ghép tại 164 câu lạc bộ, tổ chức hơn 600 buổi sinh hoạt, thu hút gần 20.000 người tham gia. Thông qua các chương trình, mô hình, người dân được tuyên truyền, nâng cao nhận thức những nguy cơ suy thoái về giống nòi, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời, phụ nữ dân tộc thiểu số được cung cấp các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh...

Ông Lê Đức Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, sự tham gia tích cực, hiệu quả của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đã góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vốn trước kia khá phổ biến trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Chất lượng dân số được nâng cao đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế - xã hội phát triển là nhân tố quan trọng thúc đẩy việc thay đổi nhận thức của người dân trong công tác nâng cao chất lượng dân số. 

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác nâng cao chất lượng dân số, Lào Cai xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại xã đặc biệt khó khăn. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các lực lượng trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong các vận động quần chúng để thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm, hủ tục lạc hậu. Từ đó, tạo bước ngoặt nâng cao chất lượng dân số, góp phần thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, nhanh bền vững.

Hà Anh