Thêm hy vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn
21/08/2017 - 12:40

TĐKT - Ngày 19/8, tại Hà Nội, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 – 2017) và Hội thảo tổng kết “Tuần Lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2017”. Chương trình diễn ra nhân kỷ niệm cột mốc 20 năm Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định cho phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (19/8/1997 – 19/8/2017).

Hội thảo có sự tham gia các bác sĩ, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nam khoa, sản phụ khoa và hỗ trợ sinh sản và hàng trăm cặp vợ chồng đã và đang hoặc có nhu cầu điều trị hiếm muộn.

Với niềm tự hào là bệnh viện tư nhân đầu tiên ở miền Bắc được Bộ Y tế cấp phép, tiên phong thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và chung tay cùng cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức của các cặp vợ chồng về vô sinh – hiếm muộn, thời gian qua, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, đầu tư trang thiết bị, nhân lực để nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Từ ngày thành lập đến nay, Khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đã đón nhận hàng chục nghìn lượt bệnh nhân tới khám, chữa bệnh. Trong đó có hàng nghìn cặp vợ chồng thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) với tỷ lệ thành công rất cao (tương đương với tỷ lệ của các trung tâm TTTON lớn trong nước và quốc tế). Bên cạnh đó, cùng với việc nâng cấp, mở rộng trang thiết bị, cơ sở vật chất như đầu tư kính vi phẫu, máy điều trị rối loạn cương dương Renova cũng như áp dụng công nghệ mới trong nuôi phôi, bệnh viện đã điều trị thành công nhiều ca khó, tưởng chừng như vô vọng.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ thông tin với các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Tại Hội thảo, với vai trò là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, GS.TS. Trần Thị Phương Mai đã cập nhật “Các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện nay” nhằm giúp các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và các khách mời tham gia chương trình có cái nhìn tổng quát về những tiến bộ y học trong việc điều trị vô sinh, hiếm muộn. Đặc biệt, sau 20 năm Bộ trưởng Bộ Y Tế ký quyết định cho phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thì ngày càng có nhiều kỹ thuật mới được các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước áp dụng, giúp hàng chục ngàn cặp vợ chồng chẳng may mắc vô sinh, hiếm muộn sớm thực hiện mơ ước làm cha, làm mẹ.

Trong đó, trữ lạnh và rã đông phôi là một trong những kỹ thuật giúp đưa lĩnh vực hỗ trợ sinh sản lên một bước tiến mới mà Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã áp dụng thành công. Việc trữ lạnh và rã đông phôi sẽ giúp trữ lại những phôi dư có chất lượng tốt của bệnh nhân, tránh được sự lãng phí, tiết kiệm chi phí cho lần điều trị sau và đặc biệt là giảm được gánh nặng về thể chất và tâm lý cho bệnh nhân do quá trình kích thích buồng trứng mang lại.

Tại Hội thảo, Ths.Bs. Lê Thị Thu Hiền cũng đã trình bày vấn đề này qua báo cáo “Các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung trong chuyển phôi trữ”. Ngoài ra, “Hiệu quả trữ lạnh phôi và noãn tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội” cũng được Ths.Nguyễn Minh Đức báo cáo tại hội thảo.

Nhân dịp này, bệnh viện đã tổng kết chương trình Tuần lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2017 với chủ đề “Kết nối yêu thương, ươm mầm hạnh phúc” (diễn ra từ ngày 5-19/8/2017). Chương trình là hoạt động thường niên của bệnh viện với mong muốn tiếp sức, giảm gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng trong hành trình tìm kiếm đứa con của mình.

Sau hai tuần diễn ra, chương trình đã tiếp nhận hơn 2000 cặp vợ chồng đến khám và điều trị. Bên cạnh đó, tất cả các cặp vợ chồng đến khám mới trong thời gian này và có nhu cầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm được bệnh viện hỗ trợ trực tiếp 5,000,000 đồng/ca.

Trong buổi hội thảo, các cặp vợ chồng đã tiến hành bốc thăm để nhận các gói hỗ trợ: 1 gói hỗ trợ đặc biệt điều trị TTTON miễn phí tương đương 60 triệu đồng; 2 gói hỗ trợ vàng, trị giá 30 triệu đồng/gói; 10 gói hỗ trợ bạc trị giá 10 triệu đồng/gói; 20 gói hỗ trợ đồng, trị giá 5 triệu đồng/gói; 30 gói hỗ trợ cơ bản, trị giá 2 triệu đồng/gói.

Phương Thanh