Chính trị - Xã hội

Phát động cuộc thi viết về đề tài phòng, chống HIV/AIDS

TĐKT  - “Cuộc thi viết bài về đề tài phòng, chống HIV/AIDS năm 2017” vừa được Dự án VUSTA - Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS chính thức phát động trên toàn quốc. Thống kê mới nhất cho thấy cả nước có 209.754 người nhiễm HIV còn sống. Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước phát hiện khoảng 3.546 ca dương tính HIV mới phát hiện, trong đó, tử vong khoảng 641 ca. Có 20 tỉnh phát hiện số ca nhiễm HIV tăng so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh và Phú Thọ. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có số nhiễm HIV mới phát hiện chiếm 25% tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện trong cả nước. Phát động cuộc thi viết về đề tài phòng, chống HIV/AIDS Chính vì thế, cuộc thi lần này nhằm tiếp tục tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trong thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS và chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Mặt khác, thông qua cuộc thi, Ban tổ chức tiếp tục quảng bá, giới thiệu những gương điển hình, các mô hình, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS.  Tác phẩm tham dự cuộc thi là các bài viết (dưới dạng ngôn ngữ báo chí) phản ánh công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, khuyến khích các bài viết tập trung vào các chủ đề liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS: gương điển hình trong cộng đồng kết nối những người nhiễm HIV, các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV như người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ đồng tính, người chuyển giới với  các dịch vụ  y tế như xét nghiệm HIV, điều trị ARV, điều trị Methadone... Bài dự thi thể hiện theo loại hình báo viết (ký sự, phóng sự, bút ký, tản văn, phân tích, bình luận…kèm theo hình ảnh), đã được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 30/10/2017.  Nơi nhận tác phẩm dự thi: Dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Tầng 9, 193 C3, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngoài phong bì ghi rõ: tác phẩm tham dự “Cuộc thi viết về đề tài phòng, chống HIV/AIDS năm 2017”. Thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 30/10/2017 (theo dấu bưu điện). Hồng Thiết

Chương trình “Môi trường xanh và hạnh nguyện tốt lành”

TĐKT – Từ ngày 3/9 – 4/9, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phối hợp với chùa Văn Tràng xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tổ chức Chương trình “Môi trường xanh và hạnh nguyện tốt lành”. Đây là một hoạt động vì cộng đồng có ý nghĩa thiết thực nhân dịp 72 năm Ngày Quốc khánh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2017) và Tháng Vu Lan báo hiếu – truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.   PGS. TS. Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trao Chứng nhận Ngôi chùa Xanh cho chùa Văn Tràng Theo đó, Đoàn công tác của Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam do PGS TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn đã đến trao Chứng nhận Ngôi chùa Xanh cho chùa Văn Tràng; đồng thời tặng 26 suất quà đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sĩ và các cháu học sinh nghèo vượt khó vươn lên học giỏi, những người cô đơn tại xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức cũng tổ chức Lễ cầu an và tọa đàm Phật giáo với bảo vệ môi trường.   Ban tổ chức trao quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sĩ Chùa Văn Tràng là điển hình tiêu biểu trong phong trào phụng sự yêu nước xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy. Trụ trì chùa Văn Tràng Thích Đàm Lương cho biết: những năm qua, nhà chùa đã tích cực cùng với chính quyền địa phương động viên, vận động Phật tử và nhân dân chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đoàn kết yêu thương nhau, chống lại các tệ nạn xã hội, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân, tín đồ Phật tử đi bầu cử … Đây cũng là ngôi nhà ấm áp, cưu mang, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội. Hiện nhà chùa đang nhận nuôi 3 cháu mồ côi, chăm sóc 2 cụ già cô đơn, không nơi nương tựa. Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua Phật giáo tham gia bảo vệ môi trường, nhà chùa không ngừng xây dựng môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp với những việc làm thiết thực: trồng và chăm sóc nhiều cây xanh, tạo khuôn viên ngôi chùa xanh. Đồng thời, hàng năm nhà chùa cùng với nhân dân thực hiện sang cát cho các phần mộ nhằm đảm bảo môi trường sống của nhân dân.   Những hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường được Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tặng Bằng khen Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức, TS Trương Thanh Tùng cho biết: ngay từ ngày đầu thành lập, Hội luôn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và chăm sóc cộng đồng. Do đó Hội luôn coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật công tác bảo vệ môi trường đến người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo các nguồn lực để hỗ trợ giúp đỡ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đại lễ Vu lan năm 2017 càng ý nghĩa hơn với Chương trình “Môi trường xanh và hạnh nguyện tốt lành”, góp phần kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn, đáp nghĩa, khuyến khích con người hướng đến những đạo hiếu tốt đẹp của dân tộc. Mai Thảo

Diệt khuẩn an toàn để bảo vệ sức khỏe gia đình

TĐKT - Công ty cổ phần Karofi Việt Nam vừa ra mắt thiết bị diệt khuẩn bằng công nghệ Nano Bạc tươi nguyên chất có tên là NanoSilvor. Thiết bị này có hiệu quả diệt khuẩn lên đến 99.99% và có tác dụng khử khuẩn lên tới 12 h, được chứng nhận bởi Bộ Y Tế. NanoSilvor được gắn kèm với máy lọc nước RO (Karofi Plus) và có vòi nước ra chứa tinh chất Nano Bạc tươi, giúp diệt khuẩn hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho sức khỏe và rất linh hoạt khi sử dụng (dùng khử mùi, rửa tay, rửa thực phẩm, giặt giũ, rửa bình sữa, vệ sinh, sát trùng vết thương…).   Thiết bị diệt khuẩn NanoSilvor được tích hợp cùng máy lọc nước RO Karofi với 2 vòi lấy nước riêng biệt Công nghệ diệt khuẩn bằng Nano Bạc hiện đang là công nghệ tiên tiến và hiện đại được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết mọi vật dụng trong gia đình nhất do khả năng diệt khuẩn hiệu quả cao và an toàn với sức khỏe. Nano Bạc là các hạt có kích thước 15-25nm rất nhỏ, số nguyên tử nằm trên bề mặt rất lớn do đó diện tích bề mặt tiếp xúc sẽ lớn, dễ dàng giải phóng ion Bạc Ag+  vào môi trường với tốc độ cao và liên tục. Cơ chế diệt khuẩn của Nano Bạc chính là cơ chế diệt khuẩn của ion Bạc. Ion Bạc tác động lên vi khuẩn bằng cách tác dụng với lớp màng của tế bào vi khuẩn, đi vào bên trong tế bào và phản ứng với nhóm sunphohydril (SH) của phân tử men chuyển hóa oxy và vô hiệu hóa men này dẫn đến ức chế quá trình hô hấp của tế bào vi khuẩn. Ngoài ra, các ion bạc còn có khả ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn bằng cách sản sinh ra oxy nguyên tử hoạt tính trên bề mặt của hạt bạc. Ngoài ra, còn có cơ chế khác là lý thuyết hấp phụ: tế bào vi khuẩn bị vô hiệu hóa là do kết quả của quá trình tương tác tĩnh điện giữa bề mặt mang điện tích âm của tế bào và ion Bạc được hấp phụ lên đó, các ion này sau đó xâm nhập vào bên trong tế bào vi khuẩn và vô hiệu hóa chúng. Khả năng diệt khuẩn của Nano Bạc là kết quả của quá trình chuyển đổi các nguyên tử bạc kim loại thành dạng ion tự do và các ion này sau đó tác dụng lên các vị trí mang điện tích âm trên vi khuẩn. Diệt khuẩn bằng Nano Bạc là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Ngoài ra, dung dịch chứa Nano Bạc còn là một chất lỏng có tính chất trơ đối với axit, muối và kiềm, đồng thời cũng không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng, nhiệt hoặc các chất khác nên cũng rất an toàn khi sử dụng. Phương Thanh

Nô nức đón chào năm học mới 2017 – 2018

TĐKT - Sáng 5/9, học sinh cả nước đã dự lễ khai giảng năm học mới 2017-2018, đúng Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường. Năm học này, thầy và trò Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã vinh dự đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và đánh trống khai trường. Cùng dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.   Trường THCS Trưng Vương, tiền thân là trường nữ sinh Đồng Khánh, được thành lập năm 1917. Năm 1948, trường đổi tên thành Trưng Vương. Trường vinh dự năm lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào các năm 1946, 1954, 1956, 1959, 1960.   Trưng Vương là trường THCS đầu tiên trong khối công lập của TP Hà Nội tiến hành hợp tác quốc tế về giáo dục. Nhà trường hiện đang giảng dạy bốn ngoại ngữ: Anh, Đức, Nhật và Pháp, trong đó 40% học sinh của trưởng sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ. Trường THCS Trưng Vương là ngôi trường có bề dày truyền thống “Thầy dạy hay, trò học giỏi”, với 2 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.     Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội   Những năm qua, Trưng Vương luôn là một trong ba trường THCS của thành phố Hà Nội có nhiều học sinh đạt giải nhất trong các cuộc thi quốc tế. Đặc biệt, năm học 2016 - 2017, nhà trường đạt được 44 giải cấp quốc tế, 21 giải cấp quốc gia và 144 giải cấp thành phố. Trường THCS Trưng Vương có nhiều năm liền được công nhận là Lá cờ đầu của ngành Giáo dục Hà Nội. Năm 2005, Trường THCS Trưng Vương được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.   Phát biểu tại Lễ khai giảng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững đất nước, quyết định tương lai của dân tộc; giáo dục vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển xã hội. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo, Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đặt giáo dục ở vị trí cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ có tri thức, kỹ năng để phát triển mạnh mẽ, bền vững, đưa đất nước ta tiến lên ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.   Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận những thành tựu của ngành Giáo dục Hà Nội, trong đó có Trường THCS Trưng Vương. Đồng thời nêu rõ những nhiệm vụ đối với thầy và trò Trường THCS Trưng Vương trong năm học mới. Nhà trường cần giữ vững truyền thống “Thày dạy hay, trò học giỏi”, tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, độc lập và khả năng kết nối học tập, tinh thần hợp tác; phát triển hơn nữa văn hóa đọc, góp phần tạo hành trang kiến thức toàn diện cho các em học sinh.   Cùng với đó, nhà trường cần chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, không để xảy ra bạo lực học đường; xây dựng cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp. Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh. Quan tâm giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật, ý thức công dân, lồng ghép giáo dục tích hợp cho học sinh. Kết hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội…   Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi. Mỗi cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo cần tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, duy trì kỷ cương, kỷ luật, thực sự là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” để học sinh noi theo.   Các cháu học sinh cần nỗ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện, thực hiện tốt năm điều Bác Hồ dạy để trở thành con ngoan, trò giỏi, sau này trở thành những tài năng, chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, sánh vai với bạn bè năm châu, như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.   Nguyệt Hà

Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Lào 2017

TĐKT - Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ ngày 5 - 10/9, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng (TNNDCM) Lào tổ chức Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Lào năm 2017 tại Việt Nam. Gặp gỡ hữu nghị thanh niên là hoạt động thiết thực góp phần giáo dục cho thanh niên hai nước về tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; ý nghĩa to lớn, quan trọng của việc thiết lập quan hệ ngoại giao và ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào. Đồng thời là dịp để thanh niên hai nước ôn lại truyền thống liên minh chiến đấu đặc biệt, sự ủng hộ, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam – Lào 2016 Hoạt động này cũng là dịp để Đoàn Thanh niên và tuổi trẻ hai nước Việt Nam - Lào tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau; tổng kết những kết quả đạt được trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Đoàn Thanh niên hai nước giai đoạn 2012 - 2017, ký kết Thỏa thuận hợp tác mới giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn TNNDCM Lào giai đoạn 2017 - 2022. Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Lào năm 2017 được tổ chức với sự tham gia của 200 đại biểu thanh niên tiêu biểu Lào vào đúng dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962-5/9/2017). Dẫn đầu đoàn đại biểu thanh niên Lào là đồng chí Sỏn-Thạ-Nu-Thăm-Mạ-Vông, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNNDCM Lào. Các đại biểu thanh niên Lào là những đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trên mọi lĩnh vực: viên chức, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, doanh nhân trẻ, thầy thuốc trẻ, văn nghệ sĩ, vận động viên và thanh niên lực lượng vũ trang. Các hoạt động của Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Lào 2017 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với nhiều nội dung: Đoàn 10 đại biểu cấp cao Trung ương Đoàn TNNDCM Lào chào xã giao lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; Lễ khai mạc Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Lào; ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn TNNDCM Lào giai đoạn 2017 - 2022; Hội đàm cấp cao giữa Lãnh đạo Trung ương Đoàn hai nước Việt Nam – Lào; hoạt động vẽ tranh khổ lớn kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào; tham quan các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa, tìm hiểu về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào… Ngoài ra còn có hoạt động tham quan, tìm hiệu một số mô hình hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại các trường đại học, cơ sở kinh tế: Đoàn 10 đại biểu cấp cao Lào thăm và làm việc tại Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel; Đoàn 190 đại biểu thanh niên Lào tham quan tìm hiểu tại Đoàn thanh niên Bộ Công an, Trường Đại học FPT và Tổng công ty hạ tầng mạng VNPTnet. Mai Thảo

Lễ phát động chiến dịch “Vì mọi trẻ em”

TĐKT - Ngày 1/9, tại Hà Nội, hưởng ứng ngày toàn dân đưa trẻ đến trường (5/9) hàng năm, Tổ chức Cứu trợ trẻ em cùng với đại sứ chiến dịch, ca sĩ  Đỗ Mỹ Linh phối hợp Báo Thời Đại chính thức phát động chiến dịch “ Vì mọi trẻ em”. Chiến dịch toàn cầu “Vì mọi trẻ em” được triển khai với mong muốn trở thành xúc tác cho những thay đổi tích cực đối với trẻ em yếu thế trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tổ chức Cứu trợ trẻ em đặt mục tiêu chung tay cùng chính phủ, các cơ quan tổ chức, cộng đồng và cha mẹ với trẻ em nhằm nâng cao nhận thức về các thách thức mà trẻ em dân tộc thiểu số đang phải đối mặt trong việc tiếp cận với nền giáo dục chất lượng.   Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hiện nay, Việt Nam có 53 nhóm dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 12 triệu người trên tổng số 90 triệu dân cả nước nhưng chiếm tới trên 2/5 tổng số người nghèo. Mặc dù nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, luôn chú trọng, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tuy nhiên so với trẻ người Kinh, trẻ em dân tộc thiểu số vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với nền giáo dục chất lượng. Nghèo đói, khoảng cách giàu nghèo cũng như những thách thức trong việc thực hiện các chiến lược tổng thể khiến cho tỷ lệ đọc, viết của trẻ em dân tộc thiểu số luôn thấp hơn mức kì vọng  (chỉ 71% trẻ em dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết, trong khi con số này là 84% đối với trẻ em dân tộc Kinh). Những nguyên nhân này khiến chỉ 87,7% trẻ em dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục bậc tiểu học so với 97,5% trẻ em người Kinh.  Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã cùng với các đối tác nỗ lực cải thiện cuộc sống của trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam trong nhiều năm nay. Đồng thời phối hợp với ngành giáo dục các cấp nhằm cải thiện khả năng đọc, viết của trẻ thông qua các bộ công cụ đã được chứng minh về tính hiệu quả như “Hỗ trợ phát triển kỹ năng làm quen với Toán và Đọc viết cho trẻ mầm non “ và “Tăng cường khả năng đọc hiểu” cho học sinh tiểu học. Thông qua việc áp dụng các công cụ này, kỹ năng đứng lớp của giáo viên được nâng cao, đồng thời môi trường học tập ở nhà của trẻ cũng được cải thiện. Chiến dịch này là một trong các nỗ lực của Tổ chức Cứu trợ trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Hồng Thiết

BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý

TĐKT - Chiều 29/8, tại Hà Nội, Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 8/2017. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì.  Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì Hội nghị Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho biết: trong điều kiện mức đóng không tăng và chính sách cũng như mức chi tiêu như hiện nay, dự kiến mỗi năm quỹ BHYT phải bù 10.000 tỷ đồng cho chi khám, chữa bệnh BHYT. Đến năm 2020 sẽ sử dụng hết nguồn dự phòng. Còn nếu điều chỉnh chính sách theo hướng đang được xây dựng (sửa đổi Nghị định 105, chi trả ARV, thuốc lao, điều chỉnh giá dịch vụ y tế có kết cấu công nghệ thông tin  và khấu hao trang thiết bị, tài sản cố định…), chi phí sẽ còn tăng cao hơn nhiều lần. Đề cập đến thực trạng lạm dụng quỹ BHYT ngày càng tinh vi và trầm trọng, ông Phúc chỉ rõ, theo nguyên tắc, cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng vượt trần quỹ khám, chữa bệnh BHYT được giao sẽ phải giải trình về lý do tăng hợp lý để cơ quan BHXH xem xét, làm căn cứ thanh toán. Tuy nhiên, trong năm 2016, khi quỹ BHYT bội chi khoảng 7.590 tỷ đồng, có nhiều đơn vị có mức chi tăng đột biến đã không giải trình được phần chi này. Kết quả kiểm tra của BHXH Việt Nam vừa qua đã phát hiện một số bệnh viện (Phục hồi chức năng, y học cổ truyền tại Nghệ An) chỉ định 100% bệnh nhân đến khám bệnh vào điều trị nội trú… Giải đáp các băn khoăn của báo chí về những nội dung cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và cân đối quỹ BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định: quỹ BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận những chi phí bất hợp lý, lãng phí nguồn tài chính quan trọng này. Cụ thể như chỉ định điều trị nội trú để tăng tiền ngày giường, chi phí điều trị; chỉ định cận lâm sàng không cần thiết, sử dụng biệt dược gốc đắt tiền tràn lan, không hợp lý cả với mức độ bệnh và phạm vi hoạt động của cơ sở y tế, làm tăng chi trong khi nguồn quỹ có hạn… Theo Luật BHYT, trách nhiệm quản lý quỹ BHYT không chỉ thuộc về cơ quan BHXH, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ sở khám, chữa bệnh. Do vậy, muốn kiểm soát tốt quỹ BHYT, cần phải dựa vào tất cả các công cụ đã được quy định trong Luật hiện hành: xây dựng, điều chỉnh chính sách về BHYT; giao dự toán; kiểm soát sử dụng quỹ. Tại Hội nghị, chia sẻ một trong những điểm nhấn quan trọng của Quyết định 595/QĐ - BHXH ngày 14/4/2007 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Phó trưởng Ban Thu Vũ Mạnh Chữ - cho biết, từ ngày 1/8/2017, BHXH Việt Nam thực hiện cấp mã số BHXH mới cho người tham gia BHXH. Đây là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia, giúp cơ quan BHXH quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ và chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT; làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử. Theo đó, việc làm này sẽ mở ra rất nhiều lợi ích. Đối với người tham gia, chỉ cần cung cấp mã số BHXH của mình để được hưởng các chế độ BHXH, BHYT thuận lợi trên phạm vi toàn quốc; đồng thời có thể tự kiểm tra thông tin quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT của mình. Trường hợp không nhớ mã số BHXH, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu quản lý.  Đối với đơn vị sử dụng lao động, sẽ thuận tiện trong việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT; giảm thời gian trong việc kê khai, cập nhật thông tin người tham gia BHXH, BHYT. Còn đối với cơ quan BHXH, hệ thống dữ liệu thống nhất này sẽ giúp quản lý được chặt chẽ quá trình đóng, hưởng BHXH, BHYT của từng người; có thể cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT tại bất kỳ cơ quan BHXH trên toàn quốc; cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời giờ và tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi giao dịch với cơ quan BHXH. La Giang

Dự án 600 Phó Chủ tịch xã hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng

TĐKT - Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo trong cả nước. Đến dự, có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, các cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ và đồng thuận chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thu hút trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo trong cả nước. Đây là nguồn nhân lực trẻ để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Các đội viên trí thức trẻ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, các trí thức trẻ cũng nâng cao được phẩm chất và năng lực công tác, đa số đội viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, dự án còn góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn và đào tạo, bồ dưỡng cán bộ, công chức trẻ trong cả nước. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau khi các đội viên trí thức trẻ được phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch xã, UBND xã đã thông báo phân công công tác cho các đội viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Kết quả, có 322/580 (chiếm 55,52%) đội viên Dự án được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế, 258/580 (chiếm 44,48%) đội viên dự án được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội. Một số nơi, ngoài lĩnh vực được phân công phụ trách, đội viên Dự án còn được giao quản lý các mảng công tác khác.   Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị Hằng năm, hầu hết đội viên Dự án của 20 tỉnh đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng năm 2016 có 523 đội viên được đánh giá thực hiện nhiệm vụ, trong đó có 128 đội viên (chiếm 24,47%) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có 376 đội viên (chiếm 71,90%) hoàn thành tốt nhiệm vụ, có 17 đội viên hoàn thành nhiệm vụ, có 2 đội viên không hoàn thành nhiệm vụ. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao sự cống hiến, nhiệt huyết và dấn thân phục vụ nhân dân, cống hiến cho đất nước của gần 600 trí thức trẻ ưu tú đã xung phong về các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc 64 huyện nghèo nhất cả nước trong suốt 5 năm qua. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các địa phương phải tạo nguồn cán bộ thật tốt. Đó phải là trí thức trẻ có tâm huyết, nhiệt tình cống hiến, hoài bão, hăng hái thực hiện lý tưởng, chứ không phải chỉ là những người hết nhiệm vụ rồi đi. Trí thức trẻ hiện nay được đào tạo bài bản nên có thể đáp ứng đủ năng lực công tác, chỉ một số ít trí thức trẻ cần nỗ lực hơn từng bước đáp ứng công việc. Các đội viên trí thức trẻ cần luôn gương mẫu, đi đầu trong công việc, chấp hành tốt sự phân công của cấp có thẩm quyền, nâng cao bản lĩnh chính trị, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để xây dựng hình ảnh người cán bộ trẻ, xứng đáng là đội viên tình nguyện, xây dựng phong cách của người cán bộ trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân.  Không ngừng nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, giáo dục thế hệ trẻ. Hồng Thiết

Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm

TĐKT - Chiều 29/8, tại Hà Nội, Báo Hànộimới, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm”. Tại Tọa đàm, các chuyên gia, khách mời đã giải đáp các câu hỏi của bạn đọc về những vấn đề liên quan đến sử dụng thực phẩm sạch, hạn chế những thực phẩm bẩn, không an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Nội dung chính của Tọa đàm chia làm 3 phần: người tiêu dùng trước nỗi lo thực phẩm bẩn; trách nhiệm của cơ quan chức năng, doanh nghiệp với vấn đề thực phẩm; hãy là người tiêu dùng thông thái. Toàn cảnh Tọa đàm Hiện nay, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Chưa bao giờ sự lo ngại trước vấn đề an toàn thực phẩm lại tăng cao như hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 1.600 người mắc, khoảng 1.400 người nhập viện và 17 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố ghi nhận 7 vụ ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với 31 trường hợp mắc và 6 trường hợp tử vong. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm, trong đó các cơ quan báo chí tăng cường có bài, chuyên mục về an toàn thực phẩm; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và lên án, phê phán các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm. Phát biểu tại Tọa đàm,Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đó là vấn đề dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hoá chất bảo quản trong nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, hải sản vẫn chưa kiểm soát được. Vấn đề chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế do trình độ, quy mô sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta với gần 90% là chế biến thủ công, hộ gia đình, cá thể. Vì vậy, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến thực phẩm loại này hầu như không đạt yêu cầu. Vấn đề thực phẩm buôn bán trên thị trường vẫn chưa kiểm soát hiệu quả, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường. Việc thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hoá chất bảo vệ thực vật và thuốc thú y nhập lậu qua biên giới diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc cho tất cả các cơ quan quản lý và xã hội. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng còn chưa cao… Thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển giống nòi. Sử dụng thực phẩm không an toàn có khả năng mắc các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và nhất là gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tổng Biên tập Nguyễn Hoàng Long khẳng định, trước bối cảnh trên, để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn, ngoài việc tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng. Việc tổ chức Tọa đàm trực tuyến về “Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm” trên Báo Hànộimới là rất cần thiết, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc... Mặt khác, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Bình Nguyên

Tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

TĐKT - Ngày 28/8, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tư vấn, đối thoại với các đơn vị sử dụng lao động về việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Duy Hiện, Giám đốc BHXH tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hội nghị lần này sẽ giúp các đơn vị sử dụng lao động nắm rõ và đầy đủ chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN; tạo được sự đồng thuận của các đơn vị trong việc tổ chức thực hiện chính sách, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Công tác tuyên truyền, tư vấn về chính sách BHXH, đặc biệt chú trọng tới đối thoại, giải đáp vướng mắc cho đơn vị sử dụng lao động luôn được các cơ quan chức năng trên địa bàn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Các tập thể cá nhân được nhận Bằng khen của Bảo hiểm xã hội Việt Nam Hàng năm, BHXH tỉnh Tuyên Quang luôn tích cực triển khai tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; coi việc thu đúng, đủ, kịp thời là nhiệm vụ hàng đầu, gắn kết quả thu với việc giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 3.293 đơn vị tham gia BHXH, BHYT (tăng 113 đơn vị so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, có 743 đơn vị, doanh nghiệp đã và đang tham gia BHXH, BHYT (chiếm 51%); số tiền thu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 594,3 tỷ đồng (tăng 101,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016)...  Cùng với công tác thu, các mặt công tác khác cũng được BHXH tỉnh chú trọng thực hiện tốt. Đặc biệt, công tác cấp sổ BHXH đi vào nền nếp; công tác cấp thẻ BHYT được thực hiện theo đúng quy định; giải quyết và chi trả kịp thời các chế độ cho người hưởng. Trong thời gian tới, BHXH tỉnh Tuyên Quang sẽ triển khai toàn diện nhiều giải pháp để đảm bảo thuận lợi và đúng, đủ quyền lợi cho những người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đôn đốc các doanh nghiệp trích nộp và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật... Nhân dịp này, ông Đào Duy Hiện đã trao Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho 7 tập thể, 3 cá nhân ngoài ngành có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT năm 2015 - 2016. La Giang

Trang