Chính trị - Xã hội

10 Sự kiện tiêu biểu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội 2017

TĐKT - Năm 2017, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng sự tập trung, nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, công tác lao động, người có công và xã hội đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TBXH) đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Cầu truyền hình "Chung tay vì người nghèo" 2017 10 sự kiện tiêu biểu bao gồm:   1. Năm “Đền ơn, đáp nghĩa”: Bộ LĐ – TBXH đã phối hợp cùng các  ban, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, thiết thực tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. 2. Giải quyết hàng ngàn hồ sơ người có công còn tồn đọng: Theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐ – TBXH đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công nhằm bảo đảm giải quyết kịp thời quyền lợi cho đối tượng với tinh thần "không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân" và tuân thủ nguyên tắc “minh bạch, công khai, đúng đối tượng”. 3. Bộ LĐ – TBXH hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản pháp luật năm 2017. Năm 2017 là năm Bộ LĐ - TBXH hoàn thành 100% đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đánh giá là một trong số ít các bộ có tốc độ xử lý nhanh, hoàn thành đúng hạn nhiệm vụ xây dựng thể chế. 4. Xuất khẩu lao động đạt kỷ lục từ trước đến nay. Năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt trên 130.000 người, vượt gần 24% so với kế hoạch đề ra và đạt con số kỷ lục từ trước đến nay trong lĩnh vực này. 5. APEC Việt Nam 2017 và những đóng góp của ngành LĐ – TBXH. 6. An sinh xã hội góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Với nỗ lực của toàn ngành, năm 2017, cả 3/3 chỉ tiêu: Tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và giảm tỷ lệ hộ nghèo được Quốc hội, Chính phủ giao đều được hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 13/13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao. 7. Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới. 8. Năm đầu triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước và tuyển sinh theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. 9. Luật Trẻ em có hiệu lực, khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Luật trẻ em có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, để đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống. 10. Đẩy mạnh chống tiêu cực, trục lợi chính sách đối với người có công. Năm 2017 là năm kết thúc Chương trình phối hợp giữa Bộ LĐ – TBXH và Bộ Quốc phòng về việc thanh tra liên ngành công tác xác lập hồ sơ thương binh do các cơ quan quân đội thực hiện từ năm 2013 đến năm 2017. Hồng Thiết

Bệnh viện K: Cứu sống bệnh nhân nam mang khối u gan nặng 2,5kg đường kính 30cm

TĐKT - Các y bác sĩ Khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Bùi Tiến D. (45 tuổi, Thái Nguyên) bóc tách khối u gan trái nặng khoảng 2,5kg, đường kính gần 30 x 20cm nguy cơ tử vong rất cao. Kíp phẫu thuật cho bệnh nhân D Người nhà cho biết bệnh nhân đã phẫu thuật kết hợp xương đòn trái và tháo dụng cụ kết hợp xương đòn cách đây 1 năm. Cuối tháng 10/2017, bệnh nhân đi kiểm tra sức khỏe phát hiện u gan và được chẩn đoán HCC gan trái và phân thùy trước gan phải tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội sau đó được điều trị nút mạch hóa chất (TACE). Đầu tháng 11, bệnh nhân được ra viện và hẹn tái khám. Trung tuần tháng 12, bệnh nhân tái khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội trong tình trạng đau bụng hạ sườn phải kéo dài, kèm theo tức ngực, khó thở; sau quá trình chụp chiếu có hình ảnh u gan trái đa ổ, tính chất HCC, khối u lớn nhất kích thước 92 x 120mm, không có huyết khối tĩnh mạch cửa. Bệnh nhân được giải thích cho ra viện về nhà điều trị thuốc nhắm trúng đích, không có khả năng cắt bỏ khối u gan. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức vùng bụng, chụp cắt lớp ổ bụng có tiêm thuốc cản quang, bác sĩ xác định có u gan đa ổ (hàng chục khối) ở gan trái và một phần phân thùy trước gan phải, kích thước khối lớn nhất khoảng 11cm, tính chất HCC, xơ gan, thể tích gan phải là 781 cm3. Nhận thấy khối u với kích thước quá lớn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân,  các bác sĩ Khoa Ngoại Gan Mật Tụy Bệnh viện K chỉ định phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u cho bệnh nhân trên cơ sở đủ thể tích gan còn lại. Cuộc mổ được lên kế hoạch và chuẩn bị rất kỹ các phương án, biến cố nặng và dự trù đủ lượng máu mất đi. Đúng như chẩn đoán, khối u chiếm gần toàn bộ tầng trên mạc treo đại tràng ngang, chiếm toàn bộ gan trái và một phần phân thùy trước gan phải, kèm theo có 2 nhân nhỏ đường kính 0.5 cm ở phân thùy sau gan phải. Một trong những khó khăn cho cuộc mổ là di động gan rất khó khăn, nguy cơ vỡ u gây chảy máu và phát tán tế bào ung thư trong ổ bụng.  Sau khi tiến hành siêu âm, đánh giá lại các tổn thương trong mổ (loại trừ các nhân ung thư bên phần gan sẽ giữ lại, kiểm tra hệ thống tĩnh mạch cửa, các tĩnh mạch gan…) kíp mổ đã quyết định cắt gan trái và một phần phân thùy trước theo phương pháp Tôn Thất Tùng cùng với đó tiến hành lấy 2 nhân phân thùy sau gan phải. Sau cuộc phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ, khối u được cắt bỏ hoàn toàn với trọng lượng nặng khoảng 2,5 kg. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, hiện tại bệnh nhân ổn định, đi lại và hoạt động bình thường. Hồng Thiết

Triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2017

TĐKT - Ngày 16/1, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo triển khai xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2017 và tập huấn công tác điều tra xã hội học, sử dụng phần mềm chấm điểm chỉ số CCHC. Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng chủ trì Hội thảo. Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng phát biểu tại Hội thảo Theo Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng, Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích quán triệt nội dung của Đề án số 2948/QĐ-BNV và Quyết định số 22/QĐ-BNV để thống nhất về nhận thức và cách tổ chức triển khai xác định chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ; giới thiệu bộ mẫu phiếu điều tra xã hội học để đánh giá thực trạng công tác CCHC cấp bộ năm 2017; tập huấn sử dụng phần mềm quản lý chấm điểm xác định chỉ số CCHC. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo hướng dẫn tự đánh giá, chấm điểm để xác định chỉ số CCHC cấp bộ, bảo đảm trung thực, khách quan, đúng quy định. Kế hoạch triển khai xác định chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ gồm 9 nội dung: Tổ chức hội thảo triển khai kế hoạch và hướng dẫn phần mềm chấm điểm xác định Chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ; tổ chức đánh giá và tự đánh giá của các bộ; tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các bộ; điều tra xã hội học; giám sát công tác điều tra xã hội học; tổng hợp, xử lý số liệu để xác định chỉ số CCHC; tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ; họp Hội đồng thẩm định thống nhất kết quả xác định Chỉ số CCHC của các bộ; công bố Chỉ số CCHC của các bộ.  Đối tượng điều tra xã hội học cấp bộ gồm 4 nhóm: Thứ nhất là lãnh đạo cấp vụ/cục/tổng cục của 19 bộ, cơ quan ngang bộ thuộc đối tượng xác định chỉ số CCHC có 1.296 người. Thứ hai là lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 3.591 người. Thứ ba, lãnh đạo phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 3.591 người. Thứ tư là công chức của 19 bộ, cơ quan ngang bộ thuộc đối tượng xác định chỉ số CCHC là 190 người.  Tổng số mẫu phiếu điều tra là 8.668 mẫu phiếu. Thời gian điều tra xã hội học bắt đầu từ tháng 2 đến trước ngày 15/3/2018. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là đơn vị chủ trì công tác điều tra xã hội học. Góp ý vào dự thảo hướng dẫn tự đánh giá, chấm điểm để xác định chỉ số CCHC cấp bộ, các đại biểu đã thảo luận và kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần; cách chấm điểm; tài liệu kiểm chứng tập trung vào 7 lĩnh vực: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Những kiến nghị của các đại biểu đã được Vụ trưởng CCHC, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng trực tiếp giải đáp và tiếp thu để làm căn cứ nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo hướng dẫn, sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức triển khai xác định chỉ số CCHC cấp bộ năm 2017 đảm bảo thống nhất, hiệu quả đúng với kế hoạch đã đề ra. La Giang  

Phát động Chương trình "Tết sẻ chia, Tết yêu thương" năm 2018

 TĐKT - Chiều 12/1, tại Hà Nội, Câu lạc bộ (CLB) Liên kết trẻ, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động Chương trình "Tết sẻ chia, Tết yêu thương" nhằm quyên góp, ủng hộ cho trẻ em vùng cao tại tỉnh Yên Bái. Lễ phát động Chương trình Tại Lễ phát động, các bạn nhỏ của Trường Nguyễn Tri Phương đã được giao lưu, chia sẻ cùng MC Phan Anh về thông điệp "Sẻ chia, yêu thương" của Chương trình "Tết sẻ chia, Tết yêu thương" về truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam. MC Phan Anh mong muốn các bạn trẻ, nhất là những bạn ở thành phố lớn có điều kiện cuộc sống đủ đầy hơn, hãy cùng trao yêu thương, chia sẻ với những khó khăn của các bạn nhỏ vùng cao trong dịp Tết đến, xuân về. Anh Nguyễn Phúc Đại, Phó Ban tổ chức Chương trình cho biết: Chương trình "Tết sẻ chia, Tết yêu thương" là một trong những hoạt động thiện nguyện mà CLB Liên kết trẻ tổ chức định kỳ hàng năm thể hiện tấm lòng, tình cản của những người trẻ hướng tới cộng đồng, xã hội, hướng tới những bạn nhỏ vùng cao có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi mong muốn mang hàng nghìn suất quà chia sẻ một cái Tết ấm áp tình người tới hàng nghìn em nhỏ vùng cao, những chiếc bánh chưng, những món quà ý nghĩa do chính tay các bạn học sinh, sinh viên đang sống tại Hà Nội làm và gửi tặng. Chương trình sẽ góp phần giáo dục cho các em thiếu nhi, các bạn học sinh, sinh viên tinh thần "Tương thân, tương ái", biết sẻ chia, yêu thương tới những bạn nhỏ cùng trang lứa với mình, tới những em học sinh có hoàn cảnh bất hạnh, mồ côi ở vùng cao không được hưởng trọn vẹn niềm vui của ngày Tết đoàn viên. Hưởng ứng Lễ phát động, vào ngày 26/1, thầy và trò trường THCS Nguyễn Tri Phương cùng hàng nghìn các bạn học sinh, sinh viên sẽ tổ chức Lễ hội "Gói bánh chưng, Gói trọn yêu thương". Các bạn nhỏ trong nhà trường và các bạn sinh viên, người nổi tiếng sẽ cùng chung tay gói tặng 1000 chiếc bánh chưng và góp sức xây dựng "Ngôi nhà khăn quàng đỏ" dành cho em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại vùng cao. Được tổ chức tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Lễ hội vừa là món quà nhỏ dành cho thiếu nhi vùng cao, vừa là hoạt động bổ ích giúp các bạn học sinh, sinh viên, các em thiếu nhi thêm hiểu, thêm yêu nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, giá trị truyền thống của ngày Tết Việt Nam. Để kết nối những tấm lòng nhân ái dành cho trẻ em vùng cao, fanpage của Chương trình "Tết sẻ chia, Tết yêu thương" hoặc fanpage "CLB Liên kết trẻ" cũng chính thức ra mắt, là cầu nối để tiếp nhận và chuyển tới tận tay các em nhỏ vùng cao những món quà ý nghĩa của các mạnh thường quân, các bạn học sinh, sinh viên thanh thiếu nhi gửi tới. Ngoài ra, Ban tổ chức còn sẵn sàng tiếp nhận những món quà gửi tới thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (số 67 Cửa Bắc) hoặc tại Lễ hội "Gói bánh chưng, Gói trọn yêu thương". Toàn bộ sự quyên góp, ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm sẽ được công bố công khai tại fanpage của Chương trình và tại Lễ hội. Hành trình mang "Tết sẻ chia, Tết yêu thương" đến với trẻ em vùng cao tại tỉnh Yên Bái sẽ diễn ra từ ngày 27 - 28/1. Cùng với đó, Ban tổ chức còn huy động các nguồn lực để xây dựng nhà Khăn quàng đỏ (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng) dành tặng các em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sớm bươn chải nuôi nhau. Được biết, năm 2017, Ban tổ chức Chương trình đã hỗ trợ xây dựng ngôi nhà Khăn quàng đỏ cho 2 em mồ côi cả cha lẫn mẹ tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; trao tặng 1000 chiếc bánh chưng, 4,5 tấn quà cho trẻ em vùng cao Bắc Kạn và Cao Bằng và tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh.  Phương Thanh

Lễ bàn giao bác sĩ chuyên khoa cấp 1 về vùng khó khăn

TĐKT - Chiều 9/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp I cho các bác sĩ trẻ tình nguyện công tác tại vùng khó khăn. Đến dự, có Bộ trưởng Bộ Y tế NguyễnThị Kim Tiến. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp I cho các bác sĩ trẻ tình nguyện công tác tại vùng khó khăn và tặng hoa các bác sĩ, thầy giáo hướng dẫn các bác sĩ trẻ 7 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 2 đều là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tại Đại học Y Hà Nội và các trường đại học y - dược khác tình nguyện tham gia Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. Sau khi được đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, các bác sĩ này được nhận bằng tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ hành nghề. Tại lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Mục tiêu của Dự án này là tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn trên cả nước. Hiện tại, Dự án đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa I cho 154 bác sĩ thuộc 10 chuyên ngành: Nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền, trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Sau thời gian này, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc Trung tâm y tế huyện nghèo. Để bảo đảm chất lượng bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo Đại học Y Hà Nội và một số trường đại học y - dược khác trên cả nước, tổ chức đào tạo cho các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia Dự án bảo đảm chất lượng, đạt chỉ tiêu vững vàng tay nghề về chuyên môn, để đáp ứng nhu cầu nâng cao công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng khó khăn. Hồng Thiết  

Mùa đông yêu thương – Sẻ chia giá lạnh

TĐKT – Hơn 6 năm là “lính” của Rạng Đông, số lần được cử đến các huyện nghèo, vùng núi cao khó khăn, biển đảo hay những vùng rốn lũ trên khắp cả nước để đem yêu thương của Rạng Đông đến những hoàn cảnh khó khăn, với tôi không còn đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi một chuyến đi đều mang lại những cảm xúc khác nhau, những trải nghiệm đầy ý nghĩa. Nhưng có lẽ, chương trình thắp sáng ước mơ vùng cao và chia sẻ yêu thương với người dân bản Cu Vai, Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là chuyến đi đặc biệt nhất, để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất từ trước đến nay. Gần 3 giờ sáng, đoàn chúng tôi bắt đầu khởi hành từ Hà Nội. Trải qua quãng đường dài hơn 300 cây số, từ cung đường cao tốc rải nhựa, đến những cung đường đèo núi ngoằn nghoèo, gập ghềnh, hiểm trở cho đến những quãng đường lầy lội, đầy bùn đất, trơn trượt…tất cả đều in dấu những bước chân hơn 10 thành viên trẻ tuổi của đoàn. Đường lên bản Cu Vai ngập trong bùn lầy, dính như keo Đường đến Trạm Tấu càng gần thì hình ảnh về một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Yên Bái càng lộ ra. Chúng tôi đến đây vào đúng hôm trời mưa, rét, đường sá đầy bùn đất, trơn trượt, nhiều đoạn đường vẫn còn dấu tích của vụ sạt lở do trận lũ lịch sử đợt vừa rồi gây ra nên việc đi lại khá nguy hiểm. Vất vả lắm mới tới được trung tâm huyện. Tại đây, đồng chí Mùa A Páo, Phó Ban chuyên trách Ban kinh tế Hội đồng nhân dân huyện Trạm Tấu đón và nhập đoàn chúng tôi, trở thành “hướng dẫn viên” đồng hành với đoàn trong suốt hành trình đến với bà con bản Cu Vai. Đồng chí Mùa A Páo nhiệt tình chia sẻ, giới thiệu với đoàn về người dân bản Cu Vai, về xã Xà Hồ và về Huyện Trạm Tấu. Anh bảo, người dân Trạm Tấu nghèo lắm, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đời sống của đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề và từng bị cô lập hoàn toàn do cơn lũ ống, lũ quét lịch sử trong năm 2017. Cơn lũ dữ không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn khiến cho nhiều gia đình vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi bị cuốn trôi nhiều diện tích hoa màu, cây trồng, vật nuôi – những thứ vốn là nguồn thu chủ yếu của nhân dân nơi đây. Anh cũng không quên giới thiệu với đoàn về đặc điểm một số nét văn hóa đặc trưng và những điều kiêng kị của đồng bào người Mông. Chỉ tay về phía đỉnh núi cao trước mặt, anh cho biết, bản Cu Vai nằm ở đó. Người dân xuống chân núi cùng đoàn chuyển đồ lên bản Với sức khỏe, nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau 5 giờ đồng hồ đi bộ trên con đường gập ghềnh và men theo triền núi, cả đoàn mới đến được với người dân bản Cu Vai. Dân trong bản mỗi người một tay, từ đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ đều xuống tận chân núi giúp đoàn vận chuyển những món quà tặng của người miền xuôi gửi lên. Đó là những chiếc chăn bông, bộ quần áo ấm nghĩa tình, những gói bánh, gói kẹo,  những quyển vở, cái bút, đôi giày… Tuy đó là những phần quà bé nhỏ nhưng chan chứa yêu thương, mang theo hơi ấm của bao trái tim con người Rạng Đông dành tặng cho người dân bản Cu Vai, với mong muốn san sẻ những âu lo, gánh nặng trong cuộc sống với người dân nơi đây. Và quan trọng hơn là mong muốn họ có một cái Tết 2018 vui tươi, đồng thời gây dựng niềm tin, cổ vũ tinh thần cho những đứa trẻ ở đây tiếp tục đến trường học con chữ vì một ngày mai tươi sáng hơn. Đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trao quà cho người dân bản Cu Vai Đoàn đến nơi, anh Mùa A Vàng, Bí thư bản Cu Vai ra đón với thái độ đầy trân trọng. Anh chia sẻ: Bình thường nếu ngày khô ráo đi lên bản chỉ mất 3 tiếng thôi, nhưng hôm nay trời mưa, đường ngập trong bùn lầy, dính như keo, làm việc đi lại, vận chuyển đồ thêm khó khăn và nguy hiểm. Bình thường có rất ít đoàn lên tận bản để trao quà cho bà con, mà đa số là dừng lại, tập trung giao quà ở dưới thị trấn, hoặc có khi ở tận thị xã Nghĩa Lộ và huyện phải cử người lên lấy quà về cho bà con. Nên cả cán bộ và người dân trong bản đều rất quý và trân trọng tình cảm cũng như những món quà tặng thiết thực của đoàn. Nằm trên một đỉnh núi cao, bản Cu Vai thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với hơn 80% người dân là đồng bào dân tộc Mông; cách trung tâm xã gần 20 km đường đồi núi. Bản có khoảng 46 hộ dân. Cuộc sống của họ rất khó khăn, chủ yếu trông chờ vào chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Vừa qua, trong đợt mưa lũ lịch sử, người dân bản Cu Vai bị nước lũ cô lập nhiều ngày khiến cho đời sống của đồng bào ngày càng khó khăn chồng chất. Bừa cơm ngày thường của bà con bản Cu Vai 2 ngày 1 đêm được ăn, ở, giao lưu cùng với đồng bào người Mông ở bản Cu Vai, đoàn càng cảm thông sâu sắc hơn với cuộc sống khổ cực của người dân ở đây. Cuộc sống của họ rất giản đơn, mọi sinh hoạt đều mang tính tự cung, tự cấp. Họ tự cấy lúa, giã gạo, tự may vá quần áo để mặc. Nhiều người già và cả trẻ em nhỏ mùa đông thiếu quần áo ấm. Trời rét cắt da cắt thịt nhưng các bé vẫn đi chân trần, mặc áo mỏng manh, thậm chí có những bé phải quấn mảnh ni - lông quanh người để đỡ rét.  Bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình nơi đây vẫn bữa no, bữa đói và chủ yếu bằng khoai, ngô trồng từ nương, rẫy. Với họ, không có khái niệm nhà tắm, nhà vệ sinh. Trời lạnh cũng như trời nắng ráo, họ tắm ngay ngoài trời. Đi vệ sinh có thể tạm ở một bụi cỏ, khe núi hay thậm chí trẻ con có thể đi ngay trước cửa nhà. Cả bản chỉ có duy nhất một vòi nước sinh hoạt chung.  Cuộc sống của người dân bản còn rất lạc hậu, có những em bé mới 11, 12 tuổi đã lấy chồng sinh con, các em bé được sinh ra cũng không có được điều kiện chăm sóc đầy đủ. Mùa Thị Tòng, một em bé 3 tuổi khi vừa sinh ra đã không có tình thương của cha mẹ. Mẹ em đã bỏ em ở lại cho ông ngoại và đi lấy chồng khác. 80 tuổi ông Mùa Văn Thông vẫn một mình nuôi cô cháu ngoại bé nhỏ. Điều ông Thông mong mỏi lớn nhất là đứa cháu ngoại được no cái bụng, ấm cái thân mỗi ngày. Cuộc sống khốn khó vậy nhưng người dân sống tình cảm, thật thà, chân chất đúng như cái cây, cái cỏ vậy. Hầu hết các em bé ở đây rất ngoan ngoãn. Cả đêm mà bản không hề có tiếng trẻ con quấy khóc. Bình thường cứ 7 đến 8 giờ tối là cả bản đã chìm trong giấc ngủ, nhưng đêm đoàn chúng tôi ở lại bản, tất cả các gia đình đã thức đến 23 giờ, quây quần cùng múa hát, giao lưu văn nghệ. Các em bé cũng cùng chúng tôi hát hò rồi ăn uống, vui vẻ. Đêm trên bản, đoàn ngủ trong nhà anh Mùa A Sứ. Những ngôi nhà bằng gỗ trên đỉnh núi cao nhất của Trạm Tấu không che nổi những cơn gió lạnh rít ngoài trời và những giọt mưa dột qua mái nhà. Gia đình anh phải đốt củi cả đêm và ngủ trên những chiếc chõng tre gần bếp lửa để sưởi ấm. Có lẽ người dân ở đây đã quen với lửa, với khói củi. Còn đoàn chúng tôi, lần đầu tiên nằm bên cạnh bếp củi, không ngủ được phần vì lửa sáng, phần vì khói củi cay xè mắt. Anh Sứ tâm sự: “Năm nay lạnh quá, lại có cơn lũ quét tràn qua hồi tháng 10, nên đã nghèo lại càng nghèo hơn. Gia đình tôi vụ mùa vừa rồi vừa thu hoạch được 11 tải thóc, nhưng đã ăn hết 3 tải rồi. Số thóc lại chẳng đủ để đến mùa tiếp theo. Nhưng may quá, năm nay nhà tôi trỉa được nhiều ngô hơn.” Vừa nói, anh vừa chỉ lên nóc nhà, rất nhiều ngô treo trên đó, ám mùi khói bếp cho khỏi mọt. Anh vui vẻ, với số ngô này, gia đình sẽ không bị đói nữa.  Nói xong, khuôn mặt anh giãn nhẹ ra một chút, vẻ mặt khắc khổ, cam chịu của người dân bản ở đây. Con gái anh Sứ, bé Mùa Thị Phương, cứ bám rịt lấy chúng tôi suốt 2 ngày ở đó. Đến bữa ăn, cô bé kéo bằng được tôi ngồi lại gần và bảo “Cô ăn cái này đi, ngon lắm”. Thứ cô bé đưa cho tôi là bát nước cơm – thứ ngon nhất mà người dân ở đây dành để đãi khách quý. Bé Phương bảo: “Hôm nay có cô nên mẹ mới chắt nước cơm và nấu nhiều hơn thế này. Bình thường, con ăn nhiều rau, trời lạnh, nên phải ăn nhiều măng ớt cho ấm nữa cô ạ”. Tình cảm của một cô bé ngây thơ đã làm tan chảy trái tim tôi, nước mắt tự dưng cứ lăn dài. Các em bé xuống tận chân núi tiễn đoàn trong nước mắt và niềm mong mỏi mọi người sẽ quay trở lại bản Ngày hôm sau, sáng ra, một số người trong đoàn thì vận chuyển quà tặng đến các gia đình, vài tình nguyện viên nữ thì tổ chức chơi vặn bóng bay với trẻ con ở đây. Thấy có bóng bay, chúng xúm lại, mắt tròn, mắt dẹt. Chúng tôi đi 1 bước tụi nhỏ theo 1 bước. Chúng bảo: “Chúng em chưa bao giờ được chơi bóng bay, thích quá các cô ạ”. Câu nói ngây thơ đó đã chạm đến nỗi lòng của tất cả tình nguyện viên trong đoàn. Ai cũng nghĩ thương những đứa trẻ ở bản Cu Vai, ước mơ chơi bóng giản dị đó cũng trở nên quá xa xỉ đối với chúng, thảo nào ở đây nhiều cháu trong độ tuổi đi học nhưng vẫn chưa được nếm mùi thơm của sách, vẫn phải ở nhà phụ giúp gia đình, kiếm cái ăn, cái mặc. Thưởng cho mỗi đứa một vài quả bóng, chúng chạy tung tăng, cười lên rạng rỡ. Đoàn chúng tôi chỉ ước, sẽ có nhiều thời gian hơn để dành cho chúng; có thêm nhiều món đồ chơi khác cho các em… Tình cờ, trong chuyến đi này, đoàn được chứng kiến một lễ cưới của người dân  tộc Mông. Nó diễn ra rất đơn giản và mộc mạc; chẳng có chụp hình, cũng không có hoa hay loa đài, phông bạt, cả bản cùng nhau làm cơm tất cả quây quần lại ăn cơm mừng đám cưới, đàn ông ngồi riêng 1 chỗ, đàn bà ngồi 1 chỗ. Chúng tôi kết bóng thành những bông hoa tặng cô dâu, chú rể, bắt nhịp cùng với các em bé trên bản hát vang bài hát tặng họ trong ngày vui đám cưới. 2 ngày 1 đêm không phải là quãng thời gian dài nhưng nó thật ý nghĩa và đáng nhớ, để lại cho tất cả thành viên trong đoàn những cảm xúc thật khó tả về những người Mông và cuộc sống của họ ở bản Cu Vai. Hình ảnh những em bé chạy theo, tiễn chúng tôi xuống chân núi, vừa đi vừa khóc và hỏi “cô và mọi người có trở lại đây chơi với chúng em nữa không, chúng em rất nhớ các cô, chú”, hình ảnh những em bé Cu Vai đứng lưng chừng núi vẫy chào và gọi vang khắp núi rừng “chúng em chào các cô, chú” cho đến khi đoàn tôi khuất bóng đã thực sự làm lay động trái tim biết bao người. Việt Hòa  

Biểu dương 251 điển hình xuất sắc trong khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

TĐKT – Sáng 11/1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình “Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” giai đoạn 2014 – 2017. Toàn cảnh Hội nghị Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2014-2017 được triển khai với quy mô sâu rộng trong toàn quốc với nhiều nội dung hoạt động phong phú, thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhận được sự quan tâm ủng hộ của dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân; huy động được đông đảo lực lượng y sĩ, bác sĩ, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên của các lực lượng tham gia. Với chủ đề “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”, sau 4 năm triển khai, Chương trình đã tổ chức được hơn 13.400 đợt khám bệnh, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 6 triệu lượt người, trị giá triền thuốc hơn 525 tỷ đồng. Đồng thời, đã tổ chức 11.362 đợt tư vấn sức khỏe cho gần 3 triệu người, tặng hơn 3,1 triệu suất quà cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, trị giá hơn 448 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị tham gia Chương trình còn tổ chức 7.578 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cơ bản về sơ, cấp cứu cho 341.302 người, với tổng trị giá trên 39,7 tỷ đồng; tổ chức 201.907 đợt tổng vệ sinh môi trường với gần 100.000 người tham gia, trị giá trên 39 tỷ đồng; hỗ trợ bữa ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo trong bệnh viện, hỗ trợ mổ tim, tặng nhà tình thương, tặng bò… cho hơn 7,7 triệu đối tượng là người nghèo, khó khăn với trị giá trên 225 tỷ đồng. Tổng trị giá Chương trình đạt trên 1.318 tỷ đồng. Chương trình đã huy động đông đảo lực lượng tham gia, nòng cốt là nguồn nhân lực từ các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và Quân đội, các đơn vị, cơ quan phối hợp là các cán bộ, chiến sĩ, hội viên, tình nguyện viên. Đã có 257.303 lượt người tham gia các đợt khám bệnh. Kết quả của chương trình phối hợp đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân các địa phương ghi nhận và đánh giá cao, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, đem lại niềm vui cho hàng triệu người nghèo và đối tượng chính sách xã hội trong cả nước. Nhân dịp này, 8 tập thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 36 tập thể được Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. 56 tập thể, 122 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. 29 tập thể nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Phương Thanh  

Chung kết cuộc thi cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu

TĐKT – Chiều 9/1, tại Hà Nội đã diễn ra Chung kết cuộc thi VietChallenge - cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu dành cho các bạn trẻ Việt Nam trên toàn thế giới. Được tổ chức thường niên từ năm 2012, VietChallenge là cuộc thi khởi nghiệp đầu tiên dành cho người Việt trên khắp thế giới do Hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ phát động. Sứ mệnh của VietChallenge là hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh nhằm vào việc giải quyết những thách thức của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Mục tiêu của chương trình là giúp tạo ra các công ty khởi nghiệp với khả năng đột phá, cạnh tranh cao trên trường quốc tế, đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển nền kinh tế Việt Nam. Tại chung kết, 3 đội thi Elight Education, VIoT Connected Luminaires, VDEs xuất sắc nhất được lựa chọn và tham gia vòng chung kết toàn cầu diễn ra vào tháng 3/2018 tại Boston, Hoa Kỳ. VietChallenge được tổ chức thường niên, do Hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ phát động. Các start-up phải trải qua 3 vòng thi là sơ loại, bán kết và chung kết. Đội chiến thắng nhận được giải thưởng lên đến 25.000 USD. Sau khi khởi động Cuộc thi VietChallenge 2018 vào ngày 1/9/2017, Ban tổ chức đã nhận được 201 hồ sơ dự thi vòng loại từ 17 quốc gia trên  toàn thế giới. Sau 2 cuộc thi vòng loại diễn ra tại Hà Nội ngày 22/12/2017, VietChallenge đã tìm được 6 đội tranh tài của vòng chung kết tại Việt Nam. Sau đó, sẽ có 3 đội xuất sắc nhất được lựa chọn đại diện cho Việt Nam tham gia Vòng chung kết toàn cầu diễn ra vào tháng 3/2018 tại Boston, Hoa Kỳ. Thục Anh

Trao tặng 102 máy cày cho đồng bào vùng bão lũ

TĐKT -  Nhằm giúp bà con nông dân vùng bão lũ khôi phục sản xuất, từ ngày 2-6/1, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức trao tặng 102 máy cày nhãn hiệu BS86-8 mã lực cho nông dân các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Đắk Lắk. Ông Trần Minh Thuân, Chủ tịch Công đoàn VEAM cho biết, trước việc thiên tai gây ra thiệt hại nặng cho người dân cả nước nhất là nông dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, VEAM quyết định dùng chính sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra gồm 102 máy cày với tổng giá trị hơn 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho nông dân 10 tỉnh trong cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt mưa, bão trong năm 2017, mỗi tỉnh 10 máy cày BS 86, riêng Quảng Ngãi là 12 máy cày. Trong đó, đợt 1 từ ngày 2/1 - 6/1, VEAM đã trao tặng tại 5 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. 5 tỉnh miền núi phía Bắc sẽ được VEAM trao tặng vào trung tuần tháng 1/2018. Những chiếc máy cày được trao cho bà con vùng lũ Thanh Hoá  Tại Thanh Hóa, Tổng giám đốc VEAM Trần Ngọc Hà đã chân thành chia sẻ với bà con nông dân về những thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra vừa qua. Ông Hà cho biết, VEAM luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với bà con nông dân, với những vùng nông thôn, là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh các loại máy nông nghiệp, máy cày, máy bừa, xe tải chở nông sản… phục vụ nông nghiệp. Nắm bắt được những khó khăn của bà con nông dân tỉnh Thanh Hóa thời gian sau lũ, cán bộ, CNVCLĐ Tổng công ty VEAM và các đơn vị thành viên đã tổ chức quyên góp, ủng hộ, gửi đến bà con những chiếc máy cày, với mong muốn chia sẻ, góp sức giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.  Thay mặt các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Lưu, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh gửi lời trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất của VEAM đối với nông dân tỉnh bị thiệt hại do thiên tai; đồng thời cam kết sẽ phân bổ và chuyển số máy kịp thời, đúng đối tượng cho nhân dân nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu sản xuất. Những chiếc máy cày được trao cho bà con vùng lũ tỉnh Quảng Ngãi Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn công tác VEAM cùng với Hội Nông dân Việt Nam  đã đến các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Đắk Lắk để trao tặng những chiếc máy cày đến tận tay người nông dân vùng bão lũ. Là một trong những hộ dân được nhận máy cày của VEAM,  ông Đoàn Tấn Sinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi xã Nghĩa Thương (Quảng Ngãi) chia sẻ: “ Được tin VEAM trao tặng máy cày, tôi vô cùng xúc động. Đây là món quà rất ý nghĩa đối với người nông dân, giúp chúng tôi nâng cao năng suất lao động, cơ giới hóa, từng bước áp dụng khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp. Tôi xin hứa sẽ bảo quản và sử dụng món quà này một cách hiệu quả và có trách nhiệm, giúp bà con nông dân trong quá trình cày cấy, phục vụ sản xuất” . Bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: Trong nhiều năm qua, VEAM đã đồng hành cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và ủng hộ bà con nông dân rất nhiều. Đây là chương trình phối hợp  giữa Trung ương Hội nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, nhằm chia sẻ những khó khăn của nông dân vùng bão lũ, giúp các hộ nông dân khôi phục sản xuất cũng là một trong những chương trình đẩy mạnh thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng năng suất và chất lượng nông sản, thủy sản theo tinh thần Nghị quyết đại hội VI Hội Nông dân Việt Nam.  Ngoài việc đồng hành vì sự phát triển của doanh nghiệp, trong thời gian qua VEAM còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, vận động công nhân lao động và trích quỹ phúc lợi ủng hộ tới các vùng bị thiệt hại bởi thiên tai hàng chục tỷ đồng, hàng trăm căn nhà tình nghĩa, mái ấm công đoàn, nhà mẫu giáo… Tiêu biểu là ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do cơn bão số 10 năm 2013 là 1,2 tỷ đồng; ủng hộ quân, dân biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa năm 2014 là 1,5 tỷ đồng; ủng hộ xây dựng tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa năm 2016 là 508 triệu đồng; ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi lũ lụt miền Trung năm 2016 là 3,7 tỷ đồng. Duy Phúc    

Công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng

TĐKT - Chiều 8/1, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng. Tới dự, có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ công bố Cùng dự, có: Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thượng tướng Bế Xuân Trường; Thượng tướng Trần Đơn; Thượng tướng Lê Chiêm; đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, các cơ quan, đơn vị quân đội. Tại buổi lễ, sau khi công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng. Theo đó, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng là đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, giúp Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công nghệ thông tin trong toàn quân. Việc thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng cho thấy sự quyết tâm và chủ động về chủ trương nhằm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, phương thức bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong tình hình mới. Sự kiện này còn đánh dấu bước trưởng thành của QĐND Việt Nam trong quá trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Đại tướng Ngô Xuân Lịch trao Quân kỳ Quyết thắng cho lãnh đạo Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng sau khi được thành lập sẽ đóng vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; là lực lượng quan trọng tham gia bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao và “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc cả trên đất liền, trên không, trên biển và không gian mạng. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng QĐND Việt Nam có thêm lực lượng tinh nhuệ mới. Nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng những yêu cầu mới ngày càng cao hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói chung và nhiệm vụ tác chiến không gian mạng nói riêng; phát huy vai trò tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động tác chiến không gian mạng đạt kết quả cao nhất; sớm nghiên cứu, dự báo chiến lược, đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách, kế hoạch tổ chức của hoạt động tác chiến trên không gian mạng. Đồng thời, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Bộ Tư lệnh và lực lượng tác chiến không gian mạng thực sự trung thành, kỷ luật, trí tuệ, nhạy bén, hiệu quả để đủ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Phối hợp chặt chẽ với các quân, binh chủng trong quân đội, các lực lượng liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo vệ hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng và tham gia bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến và nghệ thuật quân sự; tích cực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những thành tựu tiên tiến trên thế giới về công nghệ thông tin, vũ khí công nghệ cao; chủ động có kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào tác chiến không gian mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan trình độ chuyên môn cao và năng lực thực tiễn, phát huy trí tuệ con người Việt Nam trong việc làm chủ vũ khí hiện đại; chủ động hợp tác, trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành chuyên môn sâu, ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Phương Thanh – Nguyên Hải

Trang