TĐKT - Hướng tới kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/2018), ngày 12/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội thảo “Chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật”.
Đến dự, có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng; Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Văn Hồi; Giám đốc Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác ( NHCSXH) Đào Anh Tuấn.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng cho biết: Cả nước có khoảng 7,6 triệu người khuyết tật, chiếm gần 7,8% dân số, trong đó người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm 29%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Để chăm lo tốt hơn đời sống người khuyết tật cần nhiều hơn nữa những nỗ lực hành động của các cấp, các ngành và sự sẻ chia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Giám đốc Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác (NHCSXH), Đào Anh Tuấn cho biết: Để hỗ trợ tín dụng đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động người khuyết tật, NHCSXH đã cho các đối tượng này vay vốn thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật – Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do người khuyết tật làm chủ” do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ và một số chương trình tín dụng khác.
Theo NHCSXH, về chính sách lãi suất, đối với lao động là người khuyết tật và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, nếu vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm sẽ được hưởng lãi suất bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ (hiện lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm nên lãi suất cho vay đối với các đối tượng này là 3,3%/năm). Lãi suất cho vay của dự án Nippon đối với người khuyết tật bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ (hiện là 6,6%/năm).
Riêng năm 2017, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, NHCSXH đã cho vay 4 dự án cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật và 2.363 dự án của người khuyết tật, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.540 lao động là người khuyết tật. Hiện có trên 11.000 khách hàng vay là người khuyết tật.
Đến ngày 28/2/2018, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người khuyết tật tự phát triển sản xuất đạt 118 tỷ đồng, với 5.838 khách hàng có dư nợ, chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng dư nợ và 0,07% trên tổng số hộ còn dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH.
Trong đó, dư nợ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật là 3,6 tỷ đồng, với 22 cơ sở còn dư nợ. Nợ quá hạn của tín dụng chính sách đối với người khuyết tật làm chủ và doanh nghiệp sử dụng lao động người khuyết tật là 432 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,37% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên. Tỷ lệ nợ quá hạn này thấp hơn so với tỷ lệ nợ quá hạn chung của các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH.
Để người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, đại diện NHCSXH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nghề, cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Hàng năm, tăng cấp bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm; xem xét, bố trí nguồn vốn dành riêng cho vay ưu đãi với người khuyết tật và doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật.
Đồng thời, đề nghị các nhà tài trợ quốc tế quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật.
Được biết, trước đây, người khuyết tật chủ yếu sống dựa vào trợ giúp của gia đình, xã hội và trợ cấp của Nhà nước. Tuy nhiên những năm gần đây quan điểm trợ giúp của xã hội đã có những thay đổi lớn: Đó là trợ giúp theo quan điểm phát triển. Trên cơ sở quyền công dân, Nhà nước, xã hội tạo điều kiện để người khuyết tật được học văn hóa, học nghề có việc làm để tự vươn lên tạo dựng cuộc sống độc lập, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo nghề đối với người khuyết tật với các hình thức đa dạng hóa, linh hoạt về thời gian, tổ chức các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật; hỗ trợ vay vốn, tư vấn và giới thiệu việc làm.
Bộ LĐTBXH cũng xem xét nhân rộng mô hình TP Hà Nội dành một tỷ lệ cố định từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho người khuyết tật vay thông qua ủy thác Hội Người khuyết tật.
Hồng Thiết