Chính trị - Xã hội

Tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt

TĐKT - Sáng 10/8, tại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ - TTg ngày 19/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tới dự có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.   Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, giai đoạn từ 2014 -2017, do mới được bố trí vốn ngân sách 280 tỷ, bằng 50% so với kế hoạch giao (540 tỷ), nên hầu hết các dự án, công trình an toàn giao thông chưa được triển khai hoặc triển khai thực hiện chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Tổng công ty đã rà soát, cắt giảm những khối lượng không cần thiết và đã làm được 133 đường ngang (năm 2015), hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt xong 127 đường ngang (năm 2016), chuyển tiếp thực hiện thi công 93 đường ngang trong năm 2017. Tất cả các đường ngang sau khi được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đã đảm bảo độ êm thuận, thanh thoát và cảnh báo, cung cấp đầy đủ các tín hiệu báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, việc áp dụng lắp động cơ và cần chắn tự động tại các đường ngang đường sắt năm 2015, sau một thời gian sử dụng, đã phát huy hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), góp phần hướng dẫn giao thông và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi qua đường giao cắt đường sắt. Một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt, giúp việc đi lại của nhân dân thuận tiện, xóa bỏ nhiều lối đi dân sinh, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt. Công tác tuyên truyền đã giúp người dân nhận thức sâu sắc về luật lệ an toàn giao thông đường sắt. Nhiều địa phương đã phối hợp với ngành đường sắt tổ chức rào chắn, thu hẹp lối đi dân sinh, tích cực tham gia bảo vệ các công trình đường sắt, đầu tư kinh phí và bố trí nhân lực cảnh giới tại các vị trí giao cắt tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ATGT. Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí. 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 167 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 38 vụ (18,5%) so với cùng kỳ năm 2016; làm 79 người chết, giảm 4 người (4,8%); 112 người bị thương, giảm 30 người (21,1%). Riêng 41 đường ngang cảnh báo tự động đã lắp cần chắn tự động kể từ khi đưa vào sử dụng (tháng 1/2016) đến nay không xảy ra vụ tai nạn nào. Nhằm tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang đường sắt, giai đoạn 2017 - 2020 và các năm tiếp theo, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai các công việc cụ thể: hoàn thành nâng cấp 93 đường ngang đã được phê duyệt và bố trí vốn năm 2017; dự kiến xây dựng 150 km hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2000 lối đi dân sinh; nâng cấp, cải tạo 452 đường ngang biển báo thành cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động và có gác; triển khai cắm mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt trên tất cả các tuyến và bàn giao cho địa phương quản lý trong giai đoạn 2017 - 2020… Về xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt: thực hiện kết nối giao thông với cầu đường bộ tại 3 cầu: cầu Bắc Giang, cầu Chung Lu và cầu Long Đại để đường bộ không đi chung với đường sắt (giai đoạn 2021 – 2022); hoàn thành xây dựng cầu đường bộ Lục Nam và kết nối giao thông (giai đoạn 2022 – 2025). Về xây dựng các cầu trên quốc lộ vượt đường sắt Quốc gia: giai đoạn 2020 - 2025, xây dựng 36 cầu vượt đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có mật độ phương tiện giao thông lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng các cầu vượt các tuyến còn lại. Phương Thanh

Hội Chữ thập đỏ Hà Nội tiếp nhận 567 triệu đồng hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Bắc

TĐKT - Ngày 9/8, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội tổ chức Hội thu lần 1 để hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Bắc. Tại Hội thu, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã tiếp nhận được trên 567 triệu đồng. Tiêu biểu trong đợt đóng góp lần đầu là các đơn vị: Hội Chữ thập đỏ quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm; Chi hội Tình người và Tập đoàn Sơn Hà... Ngay sau khi tiếp nhận, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã cử Đoàn công tác lên hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Bắc. ​Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội sẽ đi thăm hỏi và hỗ trợ trực tiếp cho gia đình có người chết mỗi gia đình 2 triệu đồng, gia đình có người bị thương là 1 triệu đồng. Thông qua hệ thống Hội Chữ thập đỏ và Ban Cứu trợ các tỉnh, Hội Chữ thập đỏ thành phố hỗ trợ tỉnh Sơn La, tỉnh Yên Bái mỗi tỉnh 100 triệu đồng; tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên mỗi tỉnh 50 triệu đồng để hỗ trợ cho các gia đình bị sạt lở, cuốn trôi nhà cửa và tái thiết cuộc sống. Nhân dịp này, Tập đoàn Sơn Hà cũng trao tặng cho các gia đình và trường học bị sạt lở của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái 10 bồn chứa nước Sơn Hà trị giá 20 triệu đồng. Tổng giá trị hỗ trợ người dân các tỉnh phía bắc đợt 1 là trên 420 triệu đồng. Lãnh đạo Hội chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tiếp nhận hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Bắc từ các đơn vị. Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ thành phố tiếp tục tổ chức các đoàn trao tặng quần áo, mỳ tôm, gạo và tiền mặt để giúp nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ người dân các tỉnh phía bắc khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.                                                                                                                              Hưng Vũ

Phát động “Cuộc thi báo chí viết về công nhân và công đoàn năm 2017 - 2018”

TĐKT – Thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, ngày 8/8, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức họp báo phát động “Cuộc thi báo chí viết về công nhân, công đoàn Việt Nam năm 2017 - 2018” và “Cuộc thi vẽ tranh cổ động chào mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”.     Cuộc thi báo chí viết về công nhân, công đoàn Việt Nam năm 2017 - 2018 có chủ đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, vì quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn của đoàn viên và người lao động (NLĐ)” được tổ chức trong toàn quốc nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá những đổi mới trong tổ chức, hoạt động của các cấp công đoàn, những đóng góp của tổ chức Công đoàn Việt Nam vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; vai trò của tổ chức Công đoàn trong chăm lo lợi ích, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, góp phần tập hợp, phát triển đoàn viên công đoàn.  Đồng thời, biểu dương những doanh nghiệp điển hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ; những tấm gương tận tụy của cán bộ công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, NLĐ; những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt. Thông qua cuộc thi góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ. Nâng cao vai trò, hiệu quả của báo chí nói chung và báo chí công đoàn nói riêng trong tuyên truyền về giai cấp công nhân và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam. Họp báo phát động hai cuộc thi Cuộc thi cũng là dịp để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận, động viên, khen thưởng những nhà báo, cơ quan báo chí có các tác phẩm báo chí chất lượng tốt trong tuyên truyền về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam và là bước khởi động giải báo chí 28/7 thường niên. Ban Tổ chức dự kiến trao 17 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc thuộc các thể loại báo chí. Trong đó: giải truyền hình, phát thanh: 1 giải A trị giá 15 triệu đồng; 1 giải B trị giá 10 triệu đồng; 2 giải C mỗi giải 7 triệu đồng; 3 giải khuyến khích mỗi giải 2 triệu đồng. Giải báo in, báo điện tử: 1 giải A trị giá 15 triệu đồng; 1 giải B trị giá 10 triệu đồng; 2 giải C mỗi giải 7 triệu đồng; 5 giải khuyến khích, mỗi giải 2 triệu đồng. Giải chuyên đề tác phẩm hay viết về “Công đoàn vì lợi ích đoàn viên và xây dựng thiết chế công đoàn”: 1 giải trị giá 15 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức trong toàn quốc. Các tác phẩm dự thi là các tác phẩm được xuất bản kể từ ngày 01/8/2017 đến 01/5/2018. Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ 15/8/2017 – 10/5/2018. Lễ trao giải cuộc thi dự kiến tổ chức vào dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/2018). Cũng tại cuộc họp báo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động Cuộc thi vẽ tranh cổ động chào mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Đối tượng tham gia dự thi là tất cả đoàn viên, CNVCLĐ, cán bộ công đoàn, họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên có thể gửi tranh nghệ thuật số (tranh vẽ bằng máy tính) và tranh vẽ bằng tay để tham gia cuộc thi. Hạn cuối nhận bài dự thi là 30/10/2017.  Ban Tổ chức dự kiến công bố kết quả và trao thưởng vào tháng 12/2017. Dự kiến sẽ trao 11 giải thưởng cho các tác phẩm dự thi xuất sắc, trong đó có: 1 giải nhất: 20.000.000 đ; 2 giải nhì: 15.000.000 đ/ giải; 3 giải ba:  10.000.000 đ/giải; 5 giải khuyến khích: 5.000.000 đ/giải. Các mẫu tranh cổ động đạt kết quả tốt sẽ được trưng bày triển lãm và in tuyên truyền tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Ban tổ chức mong muốn, thông qua tranh cổ động để phản ánh những thành tựu to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; động viên công nhân, viên chức, lao động hăng hái thi đua, lao động, sản xuất thời kỳ đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Các tác phẩm tham dự “Cuộc thi báo chí viết về công nhân và công đoàn năm 2017-2018” và “Cuộc thi vẽ tranh cổ động chào mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam” gửi về Tổng Liên đoàn Lao động VN theo địa chỉ: Ban Tuyên giáo –Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Số 1A Yết Kiêu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mai Thảo

Ngành Ngân hàng hỗ trợ kịp thời các tỉnh phía Bắc chịu thiệt hại do lũ

TĐKT - Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Cao Bằng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh sau khi chịu thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do mưa lũ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam  đã yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố nêu trên thực hiện ngay một số nội dung hỗ trợ. Theo đó, các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch  rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Cụ thể: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được vay mới khôi phục sản xuất sau lũ; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng theo các quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội. NHNN chi nhánh các tỉnh chịu thiệt hại do lũ phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho người dân, đồng thời báo cáo định kỳ hàng tháng kết quả triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngành trên địa bàn về NHNN Việt Nam. Hưởng ứng sự vận động của Thống đốc NHNN, cán bộ, viên chức ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại nhà nước ngay lập tức tổ chức kêu gọi, vận động ủng hộ trong toàn ngành để tổ chức thăm hỏi đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tổng số tiền ủng hộ tính đến thời điểm hiện tại là hơn 12,3 tỷ đồng. Trong đó, 4 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học xã Nậm Păm huyện Mường La, Sơn La; 3 tỷ đồng xây dựng trường Tiểu học và Trung học Võ Thị Sáu, thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái là những ngôi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ. Bên cạnh đó, hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ gia đình có nhà bị sập, các hộ gia đình có người chết, mất tích. Hơn 2 tỷ đồng còn lại hỗ trợ giống cây trồng để khôi phục sản xuất; hỗ trợ sách vở, nhu yếu phẩm cho 15 điểm trường và cho học sinh trước kỳ khai giảng năm học mới. Phương Mai

Ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ

TĐKT –   Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, liên tiếp các đợt mưa to đến rất to gây mưa lũ, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ đã gây thiệt hại rất lớn về người và của cho nhân dân. Đặc biệt, tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… lũ lụt đã làm gần 40 người chết và mất tích, hàng nghìn người đang lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, nhiều bộ, ngành, đơn vị đã có những việc làm thiết thực để góp phần giúp đỡ các địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ. * Chiều ngày 5/8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường lên thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ đồng bào tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả lũ ống lũ quét. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trao 800 triệu đồng và 200 bộ giường tầng giúp Yên Bái khắc phục hậu quả lũ lụt Thay mặt Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại do lũ ống vừa qua tại Mù Cang Chải.  Đặc biệt, Bộ trưởng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái tham mưu cho UBND tỉnh có những phương án khắc phục môi trường, nguồn nước để đảm bảo vệ sinh, tránh tình trạng phát sinh dịch bệnh.  Bộ trưởng cũng giao Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nghiên cứu, đánh giá, rà soát và đề xuất những nguy cơ lũ ống, lũ quét trên địa bàn huyện Mù Cang Chải nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Đồng thời, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ để kịp thời thông tin cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh Yên Bái, các sở ngành địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trao cho tỉnh Yên Bái 600 triệu đồng từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để giúp tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả sau lũ ống; 200 triệu đồng từ nguồn quyên góp ủng hộ của cán bộ, viên chức, người lao động Bộ Tài nguyên và Môi trường; 200 bộ giường tầng cho Trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải.   * Ngày 7/8, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do mưa lũ. Tại buổi lễ, kêu gọi cán bộ, công chức, người lao động của Bộ quyên góp ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại trong đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất vừa qua. Với tinh thần tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách", cán bộ, công chức, người lao động của Bộ đã tự nguyện đóng góp tổng số tiền 800 triệu đồng, góp phần chung sức cùng đồng bào các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các cơ quan trực thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo công tác khắc phục sản xuất, khôi phục cơ sở hạ tầng. Ngay sau lễ phát động, Bộ đã thành lập 2 đoàn công tác đến 4 địa phương trọng điểm bị thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ để hướng dẫn, chỉ đạo việc khắc phục.          * Sáng 7/8, Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã phát động đợt quyên góp ủng hộ, hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung du Bắc Bộ khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất. Theo đó, Ban Thường vụ Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông phát huy truyền thống nghĩa tình, đóng góp tối thiểu 1 ngày lương để chung tay cùng các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, dành cho đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung du Bắc Bộ sự giúp đỡ thiết thực để nhanh chóng khôi phục sản xuất, giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Cũng trong sáng 7/8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 2 đoàn công tác trực tiếp đến 2 tỉnh Yên Bái, Sơn La động viên, thăm hỏi, chuyển những tình cảm, sự ủng hộ của cán bộ, công nhân viên chức ngành tới đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc, giúp người dân khắc phục thiệt hại do bão lũ, sạt lở đất. Phương Linh

Nhiều tiến bộ trong triển khai luật pháp, chính sách về người khuyết tật

TĐKT - 6 tháng đầu năm 2017, với sự chủ động, tích cực và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình triển khai luật pháp, chính sách về người khuyết tật (NKT), Chương trình hành động Quốc gia về NKT đã đạt được nhiều tiến bộ rõ nét. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, trong 6 tháng cuối năm, tiếp tục có thêm 4 luật được ban hành, trong đó có nội dung lồng ghép về NKT rất rõ ràng, cụ thể. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã bổ sung thêm 22 văn bản bao gồm các nghị định, thông tư, các quyết định để triển khai, thực hiện các chính sách NKT, tiếp tục tạo môi trường tương đối đồng bộ, đầy đủ, hoàn thiện cho việc triển khai các trợ giúp cho NKT. Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến NKT đang được các bộ, ngành soạn thảo, lấy ý kiến để ban hành thời gian tới. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Quốc gia về NKT, công tác tuyên truyền về các chính sách, đề án, chương trình trợ giúp NKT cũng được các bộ, ngành, địa phương triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức về quyền của NKT và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác về NKT. Hiện cả nước có gần 900 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng, 70 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.  Theo đó, đến thời điểm này, việc chi trả trợ cấp cho NKT nặng và đặc biệt nặng cho các địa phương rất kịp thời. Việc đổi mới, cải cách phương thức chi trả thông qua một cơ quan độc lập là bưu điện đã góp phần khắc phục được nhiều sai sót, hạn chế trong vấn đề duyệt chính sách và trả tiền cho đối tượng. Ngoài ra, với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống, cải thiện sinh hoạt cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT, năm 2017, ngân sách Nhà nước đã cân đối, bố trí kinh phí cho ngân sách địa phương để triển khai thực hiện quy định trợ cấp xã hội hàng tháng ở cộng đồng, nuôi dưỡng tập trung trong cơ sở bảo trợ xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP là 16.265 tỷ đồng. Các hoạt động chăm sóc y tế, giáo dục cho NKT cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Việc hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho NKT được thực hiện chủ yếu bằng các hình thức cấp thẻ bảo hiểm y tế, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và hỗ trợ dụng cụ trợ giúp.  Việc dạy nghề, tạo việc làm cũng đã có nhiều chuyển biến, đã tháo gỡ một số khó khăn cho NKT trong học nghề, việc làm; và vấn đề vốn, tiếp cận vốn cho NKT cũng đã được thực hiện tương đối tốt. Để triển khai công tác đào tạo nghề cho NKT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản số 921, 922/LĐTBXH-TCDN hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017. Trong đó bảo đảm NKT chiếm ít nhất 10% chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, tạo việc làm đối với lao động nông thôn, NKT. Song song với đó, trong lĩnh vực về tiếp cận giao thông, công trình công cộng, các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm giá vé cho NKT từ 25% - 100% cho NKT khi tham gia giao thông công cộng. Lĩnh vực hàng không giảm 15% giá vé cho NKT, các hãng hàng không đều chấp nhận vận chuyển khách với các dịch vụ đặc biệt không thu phí… Đến nay tỷ lệ đảm bảo tiếp cận đối với NKT đạt 63% cảng hàng không, 26% nhà ga đường sắt, 30% bến xe khách, 3,5% phương tiện vận tải hành khách công cộng. Nhìn chung, các địa phương đều thực hiện tốt chính sách trợ giúp NKT như trợ giúp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn, giảm học phí cho học sinh khuyết tật… Đa số các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch trợ giúp NKT giai đoạn 2012- 2020 và được Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố phê duyệt và bố trí nguồn lực thực hiện. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao từng bước được cải thiện. Để mang lại lợi ích thiết thực cho người khuyết tật, 6 tháng cuối năm 2017, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam tiếp tục chú trọng 7 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của NKT; Luật NKT và Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020. Thứ hai,  phân tích và xây dựng báo cáo và công bố kết quả điều tra quốc gia NKT năm 2016. Thứ ba, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện dự án “Thức đẩy quyền của NKT Việt Nam” do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ tại  6 tỉnh.  Thứ tư, triển khai tuyên truyền về phục hồi nhân cách cho NKT tại cộng đồng, phòng ngừa và phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, tăng cường tham gia bảo hiểm y tế của NKT, trong đó tập trung triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày NKT 3/12. Thứ năm, tổ chức đoàn thể thao NKT Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế dành cho NKT. Thứ sáu, tập trung duy trì mối quan hệ hợp tác về NKT với các đối tác song phương, đa phương trong khu vực và thế giới. Cuối cùng là, đôn đốc kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ giúp việc cho Ủy viên Ủy ban quốc gia các cấp, các ngành và đôn đốc việc thành lập Ban công tác về NKT cấp tỉnh… La Giang

“Thắp sáng ước mơ” – giúp trẻ kém may mắn vươn lên trong cuộc sống

TĐKT – Được tổ chức lần thứ 4 nhằm thực hiện Luật Trẻ em và triển khai Quyết định số 2361/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Tết Trung thu 2017, chương trình “Thắp sáng ước mơ” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức vô cùng nhân văn, ấm áp tình người. Tại buổi thông tin với báo chí về chương trình “Thắp sáng những ước mơ” diễn ra sáng ngày 2/8, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: ngoài việc nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về quyền trẻ em, Chương trình cũng là dịp để động viên những trẻ em kém may mắn, giúp các em nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống, phấn đấu thực hiện được ước mơ của mình. Đồng thời, ghi nhận và tôn vinh những tấm lòng nhân ái, có nhiều đóng góp cho chương trình và cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong thời gian qua. Theo kế hoạch, Ban tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ” sẽ phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Quỹ bảo trợ trẻ em các tỉnh Đắc Nông, Đắk Lắk, Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Hội Bảo trợ người khuyết tật, bệnh nhân nghèo và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Trà Vinh trao 450 suất học bổng và 1050 suất quà cho trẻ em.   Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thông tin tại buổi gặp mặt báo chí Sau sự kiện trao quà và học bổng tại các tỉnh, vào ngày 1/10/2017, sẽ diễn ra chương trình giao lưu, trao học bổng và quà cho trẻ em tại tỉnh Bến Tre. Dự kiến có gần 700 trẻ em tham dự, vui chơi và giao lưu, trong đó có 250 trẻ em được nhận học bổng và 300 trẻ em được nhận quà của Chương trình “Thắp sáng ước mơ” lần thứ 4. Ngày 23/9, tại Hà Nội, Ban tổ chức chương trình sẽ thực hiện trao quà và học bổng cho 50 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của một số tỉnh phía Bắc. Đoàn đại biểu của Hội sẽ được gặp mặt lãnh đạo Quốc hội, thăm tòa nhà Quốc hội. Mục tiêu hướng tới của Chương trình “Thắp sáng những ước mơ” năm 2017 là trao 1.000 suất học bổng và 5.000 phần quà gồm nhu, yếu phẩm học tập, nhu, yếu phẩm gia đình cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con gia đình thương binh, liệt sĩ và trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam, trẻ em có nguy cơ bỏ học ở những vùng bị thiên tai. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đến nay Hội mới vận động được một nửa so với mục tiêu đặt ra. Chính vì vậy, Hội mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để giúp những trẻ em nói trên vơi đi những khó khăn trong cuộc sống. Mai Thảo

Tôn vinh tấm gương kiên trung, mẫu mực của Thượng tướng Song Hào

TĐKT - Chiều 2/8, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng: “Thượng tướng Song Hào - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam”.     Toàn cảnh Họp báo Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì và phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức vào ngày 10/8 tại Hội trường Tỉnh ủy Nam Định, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thượng tướng Song Hào (20/8/1917 – 20/8/2017). Hội thảo nhằm khẳng định và làm sáng tỏ cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Song Hào đối với cách mạng Việt Nam và quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hội thảo tập trung làm rõ các nội dung: quê hương Nam Định là nơi sinh thành, nuôi dưỡng đồng chí Thượng tướng Song Hào cùng nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng và Quân đội; tấm gương đồng chí Thượng tướng Song Hào – Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, đức độ, người cán bộ cách mạng lão thành gương mẫu, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Cách mạng Việt Nam; quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp của đồng chí Song Hào trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và trong thời kỳ cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Thượng tướng Song Hào (tên thật là Nguyễn Văn Khương) là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị công tác, trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Hội thảo là một hoạt động thiết thực góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ cả nước; tăng cường sức mạnh quốc phòng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nguyên Hải

Kết nối tuổi trẻ Việt - Connecting Viet Youth 2017

TĐKT – Sáng 1/8, tại Hà Nội đã diễn ra họp báo Chương trình Kết nối tuổi trẻ Việt - Connecting Viet Youth (CVY) 2017. CVY là sự kiện thường niên được đồng tổ chức bởi Thành đoàn - Hội Sinh viên TP Hà Nội, Cộng đồng Kiến tạo địa cầu (Global Shapers Community – Hanoi Hub) thuộc diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Vương Quốc Anh (SVUK), Tổ chức tình nguyện vì giáo dục V.E.O và Hội sinh viên Việt Nam tại các nước (Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc, Hungary, Singapore). Chuỗi sự kiện sẽ mở đầu với giải chạy tại sân vận động Hàng Đẫy vào ngày 6/8, dự kiến thu hút hơn 4,000 du học sinh Việt Nam từ các nước và sinh viên học sinh học tập trong nước. Đến với giải chạy CVY mùa thứ 3 sẽ có sự tham gia của các khách mời: MC Xuân Bắc, “Người phán xử” Phan Quân, Á hậu Dương Tú Anh, Á hậu Thanh Tú, ca sĩ Văn Mai Hương và nhiều nghệ sĩ trẻ khác.   Họp báo Chương trình Kết nối tuổi trẻ Việt - Connecting Viet Youth 2017 Chuỗi sự kiện được tiếp nối vào ngày 9/8 tại khách sạn JW Marriott với Diễn đàn "Sáng tạo trong kỉ nguyên cách mạng 4.0” và sự góp mặt của Chủ tịch Tập đoàn Bitexco ông Vũ Quang Hội, Đại sứ Mỹ Ted Osius cùng đại diện 50 doanh nghiệp Việt đi đầu trong công nghệ tiên phong: Topica, Momo, Lumi… Diễn đàn thảo luận các xu hướng chính trong công nghệ, vai trò của tuổi trẻ sáng tạo trong cuộc cách mạng 4.0 với 3 chủ đề: trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn; công nghệ tài chính và chuỗi khối;  Internet vạn vật và thành phố thông minh. 50 startups sẽ trưng bày sản phẩm, công nghệ tại Diễn đàn. Tiếp theo là chương trình từ thiện bao gồm các hoạt động hiến máu, phát quà cho hơn 300 em bé đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vào ngày 7/8 và cuối cùng là chương trình xây trường cho trẻ em vùng cao khó khăn tại Tuần Giáo, Điện Biên Chuỗi sự kiện được tổ chức nhằm kết nối thanh niên, sinh viên trong nước với du học sinh Việt Nam tại các nước thông qua các hoạt động thể chất, sáng tạo và tình nguyện; truyền cảm hứng cho thanh niên hướng tới các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ cộng đồng, đóng góp sức trẻ cho các chương trình thiện nguyện, cùng chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, lá lành đùm lá rách. Mọi người có thể đăng ký tham gia CVY 2017 bằng cách truy cập vào địa chỉ của giải chạy http://giaichay.vietyouth.vn/ và diễn đàn http://forum.vietyouth.vn/ hoặc truy cập Cổng Thông tin Sáng tạo trẻ www.vietyouth.vn để có thêm thông tin về chuỗi sự kiện và hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam tại các nước trên thế giới. Mai Thảo

Hành trình Đỏ “Kết nối dòng máu Việt”

TĐKT - Ngày 29/7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Hành trình Đỏ 2017 phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội và Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Ngày hội Giọt hồng tri ân với thông điệp “Mỗi trái tim - Một ngọn lửa anh hùng” và hội quân Hành trình Đỏ 2017. Đây là lần thứ 7, Ngày hội Giọt hồng tri ân được tổ chức và là lần thứ 5 Ngày hội Giọt hồng tri ân được lựa chọn là điểm hội quân tổng kết Hành trình Đỏ toàn quốc. Trong suốt gần 1 tháng, từ ngày 1/7 – 28/7, hành trình vận động hiến máu xuyên Việt - Hành trình Đỏ với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” đã thực hiện thành công sứ mệnh tuyên truyền, tổ chức hiến máu, khắc phục tình trạng thiếu máu hè và nâng cao nhận thức người dân về bệnh tan máu bẩm sinh tại 28 tỉnh/ thành phố mà hành trình đi qua. Hành trình Đỏ 2017 với 140 tình nguyện viên đã tuyên truyền trực tiếp đến trên 500.000 lượt người về hiến máu và bệnh tan máu bẩm sinh, tổ chức được 28 ngày hội hiến máu lớn tại 28 tỉnh/ thành phố, thu hút hàng chục ngàn người dân đến tham gia và tiếp nhận được 34.026 đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận được này không chỉ góp phần đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu, điều trị tại các địa phương trong dịp thiếu máu hè mà còn góp phần điều tiết máu trên phạm vi toàn quốc. Nhiều tỉnh/thành phố đã tổ chức thành công Hành trình Đỏ với trên 1.000 đơn vị máu tiếp nhận được: Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Phòng. Nhiều tỉnh như: Đăk Lăk, Hải Dương, Thanh Hoá, Cao Bằng, Hải Phòng… đã tổ chức thành công việc tổ chức Hành trình Đỏ tại các huyện. Hành trình Đỏ 2017 thu hút sự tham gia của đông đảo tình nguyện viên trẻ tuổi Tại Hà Nội, đoàn Hành trình Đỏ 2017 đã tham gia chuỗi hoạt động liên tục từ ngày 27 – 31/7, trong đó, điểm nhấn là ngày hội hiến máu Giọt hồng tri ân, Hội nghị tổng kết 5 năm Hành trình Đỏ và Lễ bế mạc Hành trình Đỏ 2017. Ngày hội hiến máu Giọt hồng tri ân được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc: Chương trình hiến máu “Kết nối dòng máu Việt”, hội trại “Kết nối đỏ”, giao lưu với Đại tá, hoạ sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Duy Ứng…  Tính đến cuối ngày 29/7, Ngày hội Giọt hồng tri ân tại Hà Nội đã thu nhận được 3.400 đơn vị máu. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Trưởng ban Tổ chức Hành trình Đỏ 2017 đánh giá: “Sau 5 năm tổ chức, Hành trình Đỏ tiếp tục khẳng định là một mô hình tình nguyện độc đáo, xuất sắc và có hiệu quả nhất trong phong trào hiến máu tình nguyện”. Phương Thanh

Trang