Chính trị - Xã hội

Giám sát dịch bệnh trước mùa hè

TĐKT - Trước nguy cơ bùng phát một số bệnh trong mùa hè, ngành y tế Hà Nội đã triển khai gần 700 điểm giám sát dịch bệnh; tổ chức hệ thống tiêm chủng phòng 10 bệnh ở trẻ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất và phương tiện để xử lý dịch bệnh... Nên tiêm chủng để phòng các bệnh truyền nhiễm Thống kê của ngành y tế Hà Nội cho thấy số ca mắc cúm mùa từ đầu năm đến nay không tăng so với cùng kỳ năm 2017, nhưng ở một số khu vực, số ca mắc có chiều hướng tăng. Trước thực trạng trên, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với các đơn vị tăng cường truyền thông và khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu bệnh nặng phải đến các cơ sở y tế. Khi phát hiện những chùm ca bệnh, cơ quan chức năng triển khai các biện pháp bao vây, khoanh vùng, xử lý ngay để không lây lan thành những ổ dịch lớn hơn... Đối với việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Hà Nội sẽ phát động vệ sinh môi trường phòng, chống các loại bệnh, trong đó tập trung vào phòng, chống sốt xuất huyết; phát động toàn dân diệt bọ gậy. Hà Nội sẽ tái lập mạng lưới cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết, cũng như tiếp tục duy trì lực lượng đội xung kích diệt bọ gậy. Còn với bệnh cúm gia cầm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội triển khai công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài để phát hiện sớm bệnh nhân xâm nhập từ nước ngoài vào. Bên cạnh đó, tổ chức giám sát tại cộng đồng và tại cơ sở y tế; phát triển các xét nghiệm để phát hiện sớm. Ngành y tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành thú y giám sát ngay từ khi dịch ở trên gia cầm; phát hiện sớm những bệnh nhân đầu tiên mắc cúm, điều trị tích cực để giảm tử vong và không để bệnh lây lan thành dịch. Biện pháp phòng, chống dịch lâu dài và hiệu quả là tiêm vắc - xin phòng bệnh với những bệnh có vắc - xin phòng. Do đó, ngành y tế đã đẩy mạnh công tác tiêm chủng các loại vắc - xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, chú ý tiêm chủng vắc - xin phòng 10 bệnh truyền nhiễm, với tỷ lệ đạt trên 95%. Đặc biệt từ cuối tháng 11/2017 đến nay, Hà Nội đã triển khai tiêm chủng hằng tuần thay vì tiêm chủng hằng tháng như trước đây. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, tăng miễn dịch tại cộng đồng. Thời điểm này cũng đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân và du khách tăng cao càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trên người, do đó, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa xuân, đặc biệt là tại các nơi diễn ra lễ hội. Bảo Hân  

Bộ Y tế đề nghị công an vào cuộc về “sinh con thuận tự nhiên”

TĐKT - Bộ Y tế vừa có công văn gửi Ban Tuyên giáo TW, Bộ Công An và Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ngăn chặn thông tin truyền bá phương pháp sinh con phản khoa học. Thời gian gần đây, báo chí có đưa tin trên mạng xã hội truyền bá phương pháp sinh đẻ có tên là “thuận tự nhiên”, hướng dẫn bà mẹ sinh con tại nhà, tự chăm sóc, không cắt dây rốn… Tiếp theo, ngày 14/3/2018, một tài khoản facebook có nick name là Minh Phương tiếp tục đưa tin về một sản phụ đã tham gia một lớp tập huấn về sinh con “thuận tự nhiên” với chi phí 15 triệu đồng. Theo thông tin của facebook, sau khi được tập huấn, bà mẹ không đến đẻ tại cơ sở y tế để được cán bộ y tế chăm sóc mà tự sinh con tại nhà. Trong quá trình chuyển dạ, mẹ kiệt sức, con bị ngạt nên cả hai mẹ con bị tử vong. Các thông tin này đã được lan truyền nhanh chóng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân của ngành y tế cũng như đến trật tự an toàn xã hội. Về phương diện chuyên môn, Bộ Y tế khẳng định việc tự sinh đẻ tại nhà là phản khoa học, có thể gây ra những tai biến nghiêm trọng như vỡ tử cung, băng huyết, nhiễm trùng… dẫn đến tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.  Bộ Y tế đang chỉ đạo địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, kiểm chứng độ xác thực về trường hợp sinh con theo phương pháp “thuận tự nhiên”, trong đó có trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh đã được đăng tải thời gian qua. Bộ Y tế đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông vào cuộc xác minh, ngăn chặn và xử lý các tập thể, các cá nhân truyền bá trái phép (nếu có) phương pháp sinh đẻ phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân theo quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo các cơ quan báo chí hết sức cân nhắc khi đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, tạo dư luận xấu trong xã hội. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an giao các đơn vị chức năng điều tra, xác minh độ xác thực về các trường hợp sinh con theo phương pháp “thuận tự nhiên” đã được đăng tải trên mạng xã hội, trong đó có facebook với nick name là Minh Phương phản ánh trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh kể trên. Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường tuyên truyền cho người dân lợi ích của việc sinh con tại cơ sở y tế, sinh con được cán bộ y tế hỗ trợ; không truyền bá và làm theo các phương pháp sinh đẻ phản khoa học để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. La Giang

Lễ hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới

TĐKT – Sáng 20/3, tại Hà Nội,Hội Răng Hàm Mặt (RHM) Việt Nam phối hợp với Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới 20/3 với chủ đề “Nghĩ về răng miệng, nghĩ về sức khỏe”. Lễ hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới Phát biểu tại buổi lễ, Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội RHM Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội cho biết: Với chủ đề của Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới năm nay là “Nghĩ về răng miệng, nghĩ về sức khỏe”, Liên đoàn Nha khoa thế giới FDI muốn phát đi một thông điệp cho ngành nha khoa các nước là cần tăng cường truyền thông cho cộng đồng để nâng cao nhận thức về mối quan hệ mật thiết giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn dân. Hàm răng sữa với 20 răng và hàm răng vĩnh viễn với 32 răng cùng các mô quanh răng nếu có tổn thương bệnh lý thì sẽ là ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng trong khoang miệng và là nguyên nhân của nhiều bệnh nội khoa toàn thân nguy hiểm như viêm cầu thận, viêm khớp, viêm nội tâm mạc… Các ổ nhiễm trùng do răng còn có thể dẫn đến viêm xương hàm, áp xe vùng hàm mặt, viêm tấy lan tỏa sàn miệng, áp xe lan tới vùng hầu họng, áp xe trung thất, nhiễm trùng máu và có thể dẫn đến tử vong. Các bệnh lý ở răng và mô quanh răng thường kèm theo đau nhức kéo dài, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và chất lượng cuộc sống. “Các bệnh lý ở răng và mô quanh răng nếu không được điều trị kịp thời, ngoài các biến chứng nói trên thì còn dẫn đến mất răng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, ảnh hưởng đến ăn nhai, sức khỏe và chất lượng cuộc sống… Như vậy, rõ ràng là răng miệng có liên quan chặt chẽ với sức khỏe toàn thân” – Bác sĩ Trịnh Đình Hải nhấn mạnh. Để có sức khỏe toàn thân tốt, chất lượng cuộc sống tốt thì phải dự phòng được các bệnh răng miệng, phải có sức khỏe răng miệng tốt. Mỗi gia đình và mỗi thành viên trong cộng đồng cần phải tăng cường chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bản thân, cho người thân và cho cộng đồng để góp phần tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện giống nòi. Việt Nam có trên 90% dân số có bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm quanh răng… Đặc biệt, trên 85% trẻ em từ 6 – 8 tuổi có sâu răng sữa và trung bình mỗi em có trên 6 răng đã bị sâu. Giáo sư Trịnh Đình Hải khuyến cáo: Các bệnh răng miệng tuy có tỷ lệ người mắc cao và có thể có các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, nhưng có thể dự phòng được bằng các biện pháp chăm sóc dự phòng: Chải răng với kem đánh răng có flo hàng ngày, ít nhất mỗi ngày 2 lần, trong đó có 1 lần vào buổi tối trước lúc đi ngủ. Có thói quen đi khám kiểm tra răng miệng định kỳ hàng năm để được tư vấn và điều trị sớm, kịp thời. Quan tâm chăm sóc răng miệng cho trẻ em từ tuổi học đường và trẻ em lứa tuổi trước đi học. Trẻ em nếu được chăm sóc răng miệng sớm có thể giữ được hàm răng tốt suốt đời.  Thiết thực hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng năm 2018, Hội RHM Việt Nam và Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc răng miệng cho trẻ em và cộng đồng trong cả nước: Cử trên 40 bác sĩ và điều dưỡng khám, phát biện sâu răng sớm, tư vấn và điều trị sâu răng miễn phí cho trẻ em học đường tại Hải Phòng; tổ chức tháng khám, tư vấn răng miệng miễn phí tại Bệnh viện. Hội RHM Việt Nam đã gửi thư kêu gọi các cơ sở RHM trong cả nước, đề nghị tổ chức hoạt động hưởng ứng. Hội sẽ hỗ trợ kinh phí 5 – 10 triệu đồng cho mỗi cơ sở tham gia. Đến nay, đã có nhiều cơ sở RHM ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam tham gia hưởng ứng. Phương Thanh

Hà Nội: Tổng kết cao điểm đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2018

TĐKT - Sáng 20/3, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2018, triển khai Mệnh lệnh 02 của Giám đốc Công an thành phố về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố năm 2018. Các tập thể, cá nhân xuất sắc được trao tặng Bằng khen của UBND thành phố Các lực lượng đã nghiêm túc triển khai thực hiện đợt cao điểm, xây dựng kế hoạch chung, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, từng chiến sĩ; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, trong hơn 2 tháng triển khai (16/12/2017 - 28/2/2018), đợt cao điểm đã đạt được những kết quả cụ thể. Phạm pháp hình sự và trọng án được kiềm chế và kéo giảm (phát hiện 714 vụ phạm pháp hình sự, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2017; xảy ra 18 vụ trọng án, giảm 10% so với cùng kỳ). Không để hình thành, phát sinh các tụ điểm về tội phạm và tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong dư luận. Điều tra, khám phá nhanh các vụ trọng án, đặc biệt là các vụ giết người, cướp, cướp giật... Hầu hết các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng. Đặc biệt trong 7 ngày Tết Nguyên đán 2018, trên địa bàn thành phố không để xảy ra trọng án. Các lực lượng công an thành phố đã phát hiện, khám phá 1.010 vụ, 1.037 đối tượng vi phạm trật tự quản lý kinh tế (đạt 168% chỉ tiêu), khởi tố 69 vụ, 88 đối tượng, xử lý hành chính 900 vụ, 902 đối tượng. Tổng thu nộp trên 516 tỷ đồng (đạt 491,2 chỉ tiêu). Điều tra, khám phá, xử lý hình sự 734 vụ, 844 đối tượng phạm tội về ma túy (đạt 133,5% chỉ tiêu). Phát hiện, xử lý 2.236 vụ, 2.298 đối tượng tội phạm về môi trường (đạt 162% chỉ tiêu), đã chuyển cơ quan điều tra 16 vụ, 24 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 2.047 vụ, 2.073 đối tượng; thu cho ngân sách Nhà nước trên 10,5 tỷ đồng (đạt 136% chỉ tiêu). Trong công tác quản lý hàng chính, Công an TP Hà Nội đã tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo với trên 2 triệu hộ dân, 32 nghìn cơ quan, doanh nghiệp, trường học; tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm... Cùng với đó, chủ động triển khai 100% lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành, hướng dẫn giao thông tại 352 nút giao thông trọng điểm; bố trí 85 tổ công tác tuần tra kiểm soát để xử lý các vi phạm, phòng, chống ùn tắc giao thông cục bộ các ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 75.877 trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ, phạt tiền hơn 20 tỷ đồng… Ghi nhận những kết quả đã đạt được của Công an TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố đã quyết định tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 8 cá nhân. Tại Hội nghị, Công an TP Hà Nội đã triển khai Mệnh lệnh số 02/ML – CAHN – PV11 ngày 16/3/2018 của Giám đốc Công an TP Hà Nội về tăng cường trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị năm 2018 với những nội dung chính: Tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những vi phạm là nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, các hành vi cản trở giao thông, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và sắp xếp, duy trì chống tái lấn chiếm, tập trung xử lý các vi phạm. Cùng với đó, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn nhằm tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ, giúp đỡ và tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Biểu dương người tốt, việc tốt, lên án, phê phán các hành vi vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; phát hiện, nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Nguyệt Hà

Nâng cao năng lực dự báo thời tiết nguy hiểm và truyền phát bản tin cảnh báo

TĐKT – Sáng 19/3, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tổ chức khai mạc Hội thảo huấn luyện dành cho các dự báo viên thuộc Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) và Hội thảo huấn luyện “Phục vụ thời tiết cộng đồng” dành cho các nước tham gia Dự án. Toàn cảnh Hội thảo Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 19/3 – 30/3, với nội dung xoay quanh các vấn đề: Tìm hiểu về hệ thống truyền, phát bản tin, cơ chế phối hợp giữa cơ quan khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia với cơ quan truyền thông và quản lý rủi ro do thiên tai cũng như các lĩnh vực liên quan tại các nước tham gia Dự án; huấn luyện về công tác dự báo, cảnh báo dựa vào tác động; phục vụ thời tiết cộng đồng hiệu quả; giao tiếp và kỹ năng làm việc với truyền thông; giáo dục, tuyên truyền và đánh giá phản hồi của cộng đồng. Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: Việt Nam  tham gia Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 2010 và được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới (RFSC-Hà Nội). Ngoài việc chia sẻ các sản phẩm mô hình số trị toàn cầu, khu vực, các sản phẩm vệ tinh đã cung cấp hàng ngày hai loại bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm liên quan đến gió mạnh và mưa lớn ảnh hưởng đến các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philipin và gần đây cả Myanmar từ hạn ngắn (1-2 ngày) đến hạn vừa (3-5 ngày). Các bản tin cảnh báo của RFSC-Hà Nội được các dự báo viên của các nước thành viên tham khảo hàng ngày và phần nào đó giúp tăng cường thêm các thông tin dự báo nghiệp vụ chính thức của các nước này. Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu khai mạc Hội thảo Việc WMO tổ chức hằng năm các khóa học đào tạo về các phương pháp dự báo thời tiết nguy hiểm từ hạn cực ngắn bằng các số liệu vệ tinh, radar đến hạn 1-5 ngày thông qua các sản phẩm mô hình số, sản phẩm dự báo tổ hợp sẽ cho phép tăng cường năng lực dự báo của các nước trong thành viên dự án. Phía Việt Nam, cụ thể là Tổng cục KTTV sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường năng lực của chính bản thân trong những năm tiếp theo, với việc đầu tư các hệ thống tính toán mới, nâng cấp các đường truyền tốc độ cao thu nhận số liệu quan trắc, vệ tinh. Ngoài việc cho phép thực hiện chia sẻ các sản phẩm mô hình phân giải cao trên toàn khu vực Đông Nam Á, các bản tin cảnh báo chính thức của RFSC-Hà Nội cũng sẽ được tăng cường, kết hợp với các khóa đào tạo trao đổi giữa các nước thành viên. Qua đó, chắc chắn chất lượng các bản tin cảnh báo ngắn hạn và dài hạn sẽ được nâng lên, gián tiếp tăng cường chất lượng cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các nước thành viên trong dự án. Tại Hội thảo, đại diện của WMO tin rằng các nước tham gia SWFDP ở Đông Nam Á đang được hưởng lợi rất lớn từ các sản phẩm huấn luyện dự báo thời tiết số (NWP) toàn cầu, các sản phẩm hướng dẫn và thông tin vệ tinh được cung cấp thông qua SWFDP. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để duy trì hoạt động và phát triển sự phối hợp với các dự án và sáng kiến ​​có liên quan bao gồm Hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS), nhằm hỗ trợ hoạt động cho hệ thống cảnh báo sớm đa rủi ro và tăng cường các dịch vụ này ở Đông Nam Á. Phương Thanh

Tìm giải pháp xanh quản lý và bảo vệ tài nguyên nước

TĐKT - Ngày 16/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Hội thảo "Giải pháp xanh cho nguồn nước", hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2018 với chủ đề “Nước với thiên nhiên”. Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên dự và phát biểu tại Hội thảo. Cùng dự có các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế ở nhiều lĩnh vực liên quan đến tài nguyên nước. Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội thảo Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên cho biết: Vấn đề ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề nóng ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ quan truyền thông và người dân. Ô nhiễm do nước thải đang là vấn đề thách thức lớn ở nước ta hiện nay. Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước vẫn xảy ra thường xuyên và trên diện rộng. Hậu quả là một số con sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng nước của nhiều dòng sông không đáp ứng yêu cầu của các mục đích sử dụng. Nguyên nhân trực tiếp và sâu xa của các vấn đề trên bước đầu được xác định là do việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa bền vững ở cả các quốc gia thượng nguồn cũng như trong nội tại đất nước ta nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thêm vào nữa nước ta lại phải hứng chịu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Quản lý tài nguyên nước bền vững là vấn đề cấp bách hiện tại để bảo vệ nguồn tài nguyên không thể thiếu được trong quá trình duy trì và phát triển của mỗi quốc gia. Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ TNMT mong muốn tạo diễn đàn để trao đổi, chia sẻ các kiến thức, sự hiểu biết liên quan đến các chính sách quản lý tài nguyên nước (quy hoạch, điều tra tài nguyên nước, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, quản lý nguồn nước xuyên biên giới), quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước và đặc biệt là các giải pháp quản lý và bảo vệ nguồn nước dựa vào thiên nhiên theo tinh thần của chủ đề Ngày nước thế giới năm nay. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các “giải pháp xanh” trong bối cảnh nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước gia tăng trong khi tác động của biến đổi khí hậu có xu hướng diễn biến ngày càng tiêu cực và khó lường. Hội thảo đã được lắng nghe các bài tham luận và trao đổi của các nhà quản lý và các nhà khoa học về các hiểu biết và kinh nghiệm quản lý, các giải pháp khoa học đã và đang thực hiện hiệu quả trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Bình Nguyên

Phát động cuộc thi "Nơi Tôi Sống"

TĐKT - Ngày 15/3, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới chính thức phát động cuộc thi viết và thi ảnh với chủ đề "Nơi Tôi Sống". Ông Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phát động cuộc thi Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" được tổ chức với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: Sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm. Đồng thời, phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, hình thành nên các khu đô thị đáng sống. Cuộc thi cũng là cơ hội tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi Tôi Sống” của chính mỗi cư dân… Phát biểu tại Lễ phát động, ông Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ: "Ngày nay, trong đời sống đô thị hiện đại, giá trị của một ngôi nhà không chỉ được đo bằng giá cả, bằng sự thỏa mãn nhu cầu vật chất mà nó còn được đo bằng những giá trị văn hóa, nhân văn mà không gian sống mang lại. Một không gian sống văn minh không chỉ được tạo lập nhờ các yếu tố phi kỹ thuật như con người, văn hóa. Chúng ta muốn có những khu đô thị đáng sống, những đô thị xanh thì rất cần phải có những "con người xanh". Đó là thông điệp chúng tôi muốn chuyển tải qua cuộc thi này." Hội đồng Giám khảo Cuộc thi gồm 7 thành viên, là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhà biên kịch, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, họa sĩ Thành Chương, nhà báo Trần Đăng Tuấn, nhà thơ Nguyễn Thành Phong, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng và nhiếp ảnh gia Trọng Chính. Để tham dự cuộc thi "Nơi Tôi Sống", các cư dân có thể gửi bài dự thi dưới 2 hình thức là thi viết và thi ảnh. Bài thi là phương thức bày tỏ cách nhìn, ước mơ, sáng kiến… về không gian sống, văn hóa ở với những giá trị mà cư dân mong muốn. Các tản mạn, suy ngẫm về nếp nhà, về “tình làng, nghĩa xóm” trong đời sống đô thị hiện đại; về “ngôi nhà mơ ước”… Bài thi cũng có thể phản ánh những cảm nhận về không gian sống, không gian xanh – sạch – đẹp – hiện đại; cộng đồng cư dân văn minh, những nét đẹp văn hóa – nhân văn tại các khu chung cư, khu đô thị mình đang sinh sống... hay những khoảnh khắc đẹp thể hiện không gian sống hạnh phúc của gia đình, cộng đồng, các hoạt động đời thường… Lễ trao giải Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" dự kiến được tổ chức vào Ngày Đô thị Việt Nam (8/11/2018). Tổng giải thưởng chung cuộc như sau (chia đều cho 2 hạng mục - thi viết và thi ảnh): 2 giải nhất, trị giá 50 triệu đồng/giải (mỗi giải gồm 15 triệu đồng tiền mặt và sản phẩm/dịch vụ là các chuyến du lịch). 4 giải nhì, trị giá 30 triệu đồng/giải (mỗi giải gồm 5 triệu đồng tiền mặt và sản phẩm/dịch vụ là các chuyến du lịch) 6 giải ba, trị giá 20 triệu đồng/giải (mỗi giải gồm 3 triệu đồng tiền mặt và sản phẩm/dịch vụ là các chuyến du lịch. 10 giải khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải (mỗi giải gồm 1 triệu đồng tiền mặt và sản phẩm/dịch vụ). Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các Tặng thưởng ấn tượng tháng dựa trên các tiêu chia: Có nhiều phản hồi, bình luận của độc giả qua fanpage và website của cuộc thi và có ấn tượng đặc biệt được Hội đồng Giám khảo giới thiệu. Những người được tặng thưởng sẽ được đặc cách vào vòng chung khảo. Phương Thanh - Mai Thảo

Ngành Tài chính chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

TĐKT -  Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính vừa ban hành Nghị quyết 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học và sự đột phá của Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo đang là xu thế tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) toàn ngành tài chính, nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng; triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn; bước đầu ứng dụng công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan ASEAN. Ngành Tài chính đã bước đầu đang tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số, đó là giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử và Tài chính điện tử. Là đơn vị nhiều năm dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong khối các cơ quan Chính phủ, Bộ Tài chính chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.  Mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại hiệu quả, hiệu lực cao trong hoạt động quản lý của ngành tài chính, thời gian tới, Bộ Tài chính đặt ra năm nhiệm vụ và một số giải pháp: Thứ nhất, xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số. Trong đó: Xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và chiến lược của từng lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, nợ công, tài sản công, chứng khoán, dự trữ quốc gia, giá, bảo hiểm, kế toán – kiểm toán... phù hợp định hướng phát triển kinh tế số. Trên cơ sở Chiến lược Tài chính đến năm 2030, xây dựng Chiến lược chuyển đổi số ngành tài chính đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Thứ hai, tiếp tục xây dựng, phát triển tài chính điện tử, hình thành hệ sinh thái tài chính số. Ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ mới vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành thông qua việc hình thành các hợp tác chiến lược, các đề án, dự án đầu tư; chú trọng đề xuất về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật. Thứ ba, thiết lập môi trường làm việc điện tử và xây dựng Cổng giao tiếp ngành tài chính tích hợp sâu, rộng và xuyên suốt giữa các Cổng giao tiếp trong ngành, liên thông với Chính phủ và các cơ quan nhà nước theo hướng dữ liệu mở sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo, tương tác và trả lời tự động để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tăng cường xây dựng, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ dữ liệu theo nhu cầu cá nhân hóa qua nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt là qua các thiết bị di động, công nghệ đám mây. Xây dựng các văn phòng điện tử, hình thành môi trường làm việc tích hợp, liên thông, cộng tác và chia sẻ thông tin thông minh trong toàn ngành hướng tới văn phòng điện tử không giấy tờ, triển khai công việc mọi lúc, mọi nơi. Thứ tư, triển khai dịch vụ hạ tầng và an toàn bảo mật thông tin tài chính. Cuối cùng là tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. La Giang  

Tăng cường nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tại Việt Nam

TĐKT - Sáng 8/3, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701). Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì buổi lễ. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 phát biểu tại buổi lễ Văn phòng 701 được thành lập theo Quyết định số 701, ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Nhiệm vụ chính của Văn phòng 701 là tham mưu xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch công tác của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; tuyên truyền, hợp tác, vận động tài trợ trong nước và quốc tế; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; là đầu mối tổng hợp tình hình, xây dựng báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 khẳng định: Khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh đối với con người và môi trường ở Việt Nam là vấn đề cấp bách có tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và sự giúp đỡ về nguồn lực của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu cán bộ, nhân viên Văn phòng 701 cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế tham mưu, xây dựng các văn bản và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của Cơ quan Thường trực và Ban Chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, cần tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện dự án xử lý khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học: Công bố kết thúc dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, khởi công Dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa, khởi công các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, thúc đẩy việc thực hiện chính sách với nạn nhân chất độc da cam/dioxin.... Tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, hợp tác, vận động tài trợ trong nước và quốc tế nhằm tăng cường nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tại Việt Nam. Trang Lê

Khởi động Chiến dịch “Giờ trái đất” năm 2018

TĐKT - Ngày 3/3, tại Hà Nội, Chiến dịch “Giờ trái đất” 2018 tại Việt Nam do Bộ Công thương chủ trì tổ chức đã chính thức khởi động. Khẩu hiệu của Chiến dịch “Giờ trái đất” 2018 là “Go More Green - Hôm nay tôi sống xanh hơn”. Theo đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 60 tỉnh, thành phố khác sẽ đồng loạt tắt đèn từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 24/3. Nghi thức khởi động Giờ trái đất năm 2018 “Giờ trái đất” là sự kiện xã hội có quy mô lớn nhất và có nhiều người tham gia nhất trên thế giới. Đây là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF). Tính đến nay đã có khoảng 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng chiến dịch. Trong gần 1 tháng phát động, nhiều hoạt động trong chiến dịch sẽ được tổ chức trên cả nước: Cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các hộ gia đình, giao lưu với các khối trường học, tổ chức các cuộc thi, trình diễn Flashmob. Các bạn trẻ xếp hình hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2018 Chiến dịch năm nay nhằm kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức tại Việt Nam tham gia các hoạt động tiết kiệm năng lượng, đơn giản nhất là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong 1 giờ diễn ra sự kiện “Giờ trái đất” và sau đó là hành động hưởng ứng xa hơn nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2017, sau 1 giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết hưởng ứng chiến dịch “Giờ trái đất”, hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được 471.000kWh. Mai Thảo

Trang