Chính trị - Xã hội

Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba nhận bài dự thi đến ngày 21/6/2021

TĐKT - Sáng 16/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020 - 2021. Dự cuộc họp có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Giải; Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Giải; Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Giải cùng các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải. Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài, qua hai lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã tạo được dấu ấn, tiếng vang trong xã hội. Sau khi phát động Giải lần thứ ba, trên cơ sở thống nhất với các cơ quan phối hợp, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành các Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải. Cùng với đó, đã ban hành Thể lệ Giải để phát hành tới Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan báo chí trong cả nước. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải phát biểu tại cuộc họp Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho biết, trong thời gian tới, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về Giải nhằm thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí và các phóng viên, hội viên nhà báo trong cả nước. Theo thể lệ Giải, thời gian tiếp nhận bài dự thi được tính từ ngày phát động đến ngày 21/6/2021 (tính theo dấu bưu điện). Lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức trong tháng 9/2021. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định, qua 2 lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã tạo được tiếng vang, khẳng định được vị thế của mình. Cùng với Giải Báo chí quốc gia và Giải Búa liềm vàng, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” ngày càng khẳng định được uy tín và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo trong cả nước. Để Giải ngày càng nhận được nhiều bài viết có chất lượng, ông Thuận Hữu cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đẩy mạnh phổ biến và giới thiệu về Giải tới các cấp Hội; đồng thời chỉ đạo các cấp Hội nhà báo trong cả nước tuyên truyền, vận động hội viên cùng các nhà báo tích cực tham gia và gửi các tác phẩm có chất lượng tham dự Giải. Là cơ quan đồng tổ chức giải, ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cam kết, VTV sẽ đẩy mạnh việc truyền thông sâu rộng về Giải đến toàn xã hội. Theo đó, Đài Truyền hình Việt Nam có kế hoạch xây dựng trailer và cho phát sóng tuyên truyền, giới thiệu về Giải trên các kênh của Đài vào thời gian phù hợp. Cũng theo ông Trần Bình Minh, để nâng cao chất lượng của giải, nội dung các tác phẩm bên cạnh việc đối diện thẳng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cần đề xuất những giải pháp, cơ chế để bảo vệ người đấu tranh với tham nhũng, lãng phí. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng phải đẩy mạnh công tác truyền thông để việc tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí không chỉ là nhiệm vụ của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm, sự tham gia của toàn dân. Chính vì vậy, theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có công văn đề nghị Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban, bộ ngành, các tổ chức thành viên, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai hưởng ứng, tham gia Giải. Tại cuộc họp, các ý kiến đề nghị Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải cần tổ chức cho các nhà báo được tập huấn để tiếp cận thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách chính thống; hoàn thiện tiêu chí, thể lệ giải. Bên cạnh đó Ban Tổ chức cần chủ động đặt hàng các cơ quan báo chí trong việc bảo vệ người đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đi sâu vào phản biện những lỗ hổng trong cơ chế chính sách để đấu tranh với tham nhũng vặt và sự nhũng nhiễu của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức… Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu, để Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba tiếp tục tăng thêm về số lượng và chất lượng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là vai trò chủ lực của MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Các tác phẩm tham dự Giải cùng với việc phản ánh kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng, bảo vệ người phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, cần đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt phải có sự tham gia đồng hành của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí. “Qua phòng chống đại dịch Covid -19, thành công của chúng ta chính là sự đồng hành, đồng thuận của người dân khi sẵn sàng sẻ chia khó khăn với đất nước. Chính vì vậy, để Giải có sức lan tỏa, phải tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu và đồng thuận hưởng ứng. Có như vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới thành công”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, song song với việc hoàn thiện Thể lệ Giải, Ban Tổ chức cần phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến cho các nhà báo về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. “Cùng với việc huy động sự tham gia hưởng ứng của Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các địa phương cần phối hợp với các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Giải trong hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên để vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng, tham gia Giải”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị. Mai Thảo  

Bộ Y tế Việt Nam trao tặng 200.000 khẩu trang y tế khẩu trang y tế cho Bộ Y tế CHDCND Lào

TĐKT - Chiều 15/7, tại Hà Nội, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trao tặng 200.000 khẩu trang y tế cho Bộ Y tế nước CHDCND Lào. Phát biểu tại Lễ trao tặng, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Việt Nam và CHDCND Lào nói chung, Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế CHDCND Lào nói riêng có mối quan hệ gắn bó sâu sắc, truyền thống lâu đời, luôn kề vai sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh. Chính phủ Việt Nam thông qua tham mưu của các bộ, ngành trong đó có Bộ Y tế đã kịp thời hỗ trợ vật tư y tế cho Chính phủ CHDCND Lào. Trên tinh thần đặc biệt đó, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định trao tặng cho Bộ Y tế CHDCND Lào 200.000 khẩu trang y tế nhằm hỗ trợ các đồng nghiệp Lào trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Toàn cảnh Lễ trao tặng Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, số khẩu trang này có thể còn khiêm tốn so với nhu cầu hiện nay của CHDCND Lào, nhưng là tấm lòng và tình cảm của Bộ Y tế Việt Nam dành tặng cho Bộ Y tế CHDCND Lào. Số hàng này đã có sẵn và sẽ nhanh chóng được chuyển tới Đại sứ CHDCND Lào tại Việt Nam để chuyển về nước bàn giao chính thức cho Bộ Y tế CHDCND Lào. Bộ Y tế Việt Nam trao tặng khẩu trang y tế (tượng trưng) cho Bộ Y tế Lào thông qua Đại sứ quán Lào tại Việt Nam Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHDCND Lào, Sẻng phết Hung Bun Nhuông chúc mừng GS.TS. Nguyễn Thanh Long trên cương vị mới Quyền Bộ trưởng Y tế Việt Nam. Đại sứ CHDCND Lào cũng chúc mừng Việt Nam đã trải qua 90 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng cao uy tín của ngành y tế và đất nước Việt Nam trên diễn đàn quốc tế. Đại sứ bày tỏ sự tin tưởng, Việt Nam sẽ chiến thắng trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19. Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân Việt Nam vẫn chia sẻ nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình. Ngài Đại sứ cũng chia sẻ CHDCND Lào đã qua hơn 3 tháng không có ca nhiễm mới nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. 200.000 khẩu trang y tế là món quà quý giá, thể hiện quan hệ truyền thống, tình cảm cao cả, trước sau như một của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là của Bộ Y tế Việt Nam dành cho Chính phủ và nhân dân CHDCND Lào, góp phần đẩy lùi đại dịch ở Lào. La Giang  

Bộ Y tế: Tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng

TĐKT - Bộ Y tế chỉ đạo tích cực triển khai các hoạt động vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín... để phòng bệnh tay chân miệng trước tình hình gia tăng bệnh này tại một số tỉnh, thành. Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%, tuy vậy một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, dự báo số mắc tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh chuẩn bị tập trung vào năm học mới. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống lây nhiễm tay chân miệng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo trí, truyền hình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác. Chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, điện thoại: 024.38456255, fax: 024.37366241, email: baocaobtn@gmail.com) theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng,  chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau: 1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. 3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. 4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. 6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất La Giang  

Chuỗi hoạt động của Đảng ủy Bộ Nội vụ hướng tới 73 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ

TĐKT - Hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), Đảng ủy Bộ Nội vụ đã về dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 từ ngày 13 -15/7. Địa bàn tỉnh Quảng Trị là chiến trường ác liệt, nơi có hàng nghìn người con đất Việt đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị Trong trận chiến 81 ngày đêm khói lửa ấy, Mỹ - ngụy đã sử dụng một lượng bom đạn khổng lồ. Riêng ở khu vực thị xã Quảng Trị, tổng số bom đạn mà Mỹ sử dụng trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968 - 1969. Cùng với dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị được coi là nghĩa trang không bia mộ của miền đất khói lửa Quảng Trị - khúc ruột miền Trung, điểm tỳ vai của chiếc đòn gánh trĩu nặng giang sơn, hứng chịu biết bao nỗi mất mát, đau thương, chia cắt, góp phần tạo nên thắng lợi to lớn của quân, dân ta. Thăm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Hiện tại, Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị còn trưng bày bức thư di vật của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê ở Thái Bình). Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh cùng biết bao anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, dành trọn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Sau 48 năm, Thành cổ Quảng Trị đã ngát xanh bởi cây cỏ, nhưng dưới những rặng cỏ xanh ấy là máu, xương của biết bao chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống cho nền hòa bình hôm nay. Máu, xương của các anh đã hòa vào lòng đất, bất tử với thời gian. Những nén hương thơm Đoàn công tác của Đảng ủy Bộ Nội vụ được thắp lên cùng những lời tri ân sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ và lời hứa của các thế hệ con cháu tiếp tục sống, làm việc cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước, ra sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sau lễ viếng, các thành viên trong Đoàn công tác đã đến thắp hương tại phần mộ các liệt sĩ. Đoàn công tác của Đảng ủy Bộ Nội vụ gặp mặt và tặng quà các gia đình chính sách, các gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Quảng Trị Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về trách nhiệm đối với người có công với cách mạng, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong Bộ Nội vụ tổ chức với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Nhiều việc làm có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nội vụ, được các tổ chức, cá nhân, địa phương ghi nhận. La Giang

8 chuyên gia đến từ Nga dương tính với SARS-CoV-2

TĐKT - Theo bản tin lúc 18h ngày 15/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận 8 chuyên gia đến từ Liên bang Nga dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Đến thời điểm này, Việt Nam có 381 ca bệnh. CA BỆNH 374 (BN374): Nam, 35 tuổi, quốc tịch Liên bang Nga. CA BỆNH 375 (BN375): Nam, 51 tuổi, quốc tịch Liên bang Nga. CA BỆNH 376 (BN376): Nam, 35 tuổi, quốc tịch Liên bang Nga. CA BỆNH 377 (BN377): Nam, 32 tuổi, quốc tịch Liên bang Nga. CA BỆNH 378 (BN378): Nam, 35 tuổi, quốc tịch Liên bang Nga. CA BỆNH 379 (BN379): Nam, 31 tuổi, quốc tịch Liên bang Nga. CA BỆNH 380 (BN380): Nam, 30 tuổi, quốc tịch Liên bang Nga. CA BỆNH 381 (BN381): Bệnh nhân nam, 55 tuổi, quốc tịch Liên bang Nga. Ngày 11/7 có 69 chuyên gia từ Liên bang Nga trên chuyến bay IO4405 nhập cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất - TP Hồ Chí Minh, chuyển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách ly tại phường 8, TP Vũng Tàu. Các chuyên gia được sắp xếp mỗi người một phòng riêng và được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấy mẫu bệnh phẩm ngày 13/7. Tại thời điểm nhập cảnh và khám sàng lọc vào khu cách ly, không có trường hợp nào có triệu chứng bệnh. Các mẫu bệnh phẩm được gửi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ngày 14/7 xét nghiệm đã phát hiện 8 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Các trường hợp dương tính đều chưa ghi nhận triệu chứng bệnh và đã được chuyển điều trị và cách ly y tế tại Bệnh viện Bà Rịa với tình trạng sức khỏe ổn định. Tổng số ca mắc: Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 15/7: Đã 90 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 18h ngày 15/7: Việt Nam có tổng cộng 241 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính từ 6h đến 18h ngày 15/7: Ghi nhận 8 ca mắc mới. Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.337, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 79. Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.855. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 403. Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Trong ngày có 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, đó là BN330 (nữ, 28 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Như vậy, đến thời điểm này, đã có 353/381 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 92,7 % tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi. Tính đến chiều ngày 15/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với COVID-19. Trong các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khỏe ổn định, hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị đông bệnh nhân nhất với số lượng 15 ca bệnh, tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa- Vũng Tàu điều trị 2 ca bệnh; Trung tâm y tế huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu 2 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị 1 ca; Bệnh viện Bà Rịa điều trị 8 ca bệnh là các chuyên gia đến từ Nga vừa được Ban Chỉ đạo công bố. Hồng Thiết  

Nỗ lực điều trị ung thư cho người cao tuổi

TĐKT - Thực tế hiện nay, nhiều gia đình có người thân trên 80 tuổi mà phát hiện bệnh ung thư thì thường có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Họ cho rằng nhiều tuổi rồi bệnh tiến triển chậm, đụng chạm dao kéo càng nặng thêm. Với sự tư vấn, giải thích của các bác sĩ, trong những năm gần đây, Bệnh viện K đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật thành công cho những người bệnh ngoài 80, thậm chí hơn 90 tuổi. Rất vui mừng vì đánh sau giá sau mổ, kết quả của các bệnh nhân này đều khả quan, sức khỏe đã ổn định và sinh hoạt bình thường, tiếp tục được thực hiện phác đồ điều trị. Từ đó nhiều gia đình khi đưa người bệnh đã lớn tuổi đến bệnh viện để điều trị lại động viên nhau “đừng buông xuôi” mà đặt niềm tin vào các bác sĩ. Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân cao tuổi Hai tháng trở lại đây, cụ Nguyễn Văn M. quê ở Hà Nam (90 tuổi) có dấu hiệu đi ngoài khó, kèm đại tiện phân lẫn máu, bụng chướng gây khó chịu. Khi đến khám tại bệnh viện K, chẩn đoán trên MRI và nội soi cho thấy có dấu hiệu bán tắc ruột, khối u chít hẹp hết lòng trực tràng. Sau khi hội chẩn, ngay lập tức các bác sĩ đã đưa ra chỉ định bệnh nhân M. cần được tiến hành phẫu thuật cắt đoạn trực tràng vì đã có dấu hiệu biến chứng bán tắc ruột. ThS, Bác sĩ Đoàn Trọng Tú, Trưởng khoa ngoại bụng 2 chia sẻ: “Đây là trường hợp người bệnh ung thư trực tràng cao. Mặc dù tuổi đã cao nhưng sau khi đánh giá toàn trạng người bệnh, chúng tôi nhận định có thể phẫu thuật được và cần phải thực hiện sớm bởi cụ M. đã có biến chứng bán tắc ruột, nếu không thực hiện nhanh chóng thì sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Do đó, các bác sĩ đã tư vấn rất kỹ cho người nhà để chuẩn bị tâm lý trước khi phẫu thuật cho cụ M.”. Bác sĩ Tú cũng cho biết: “Không phải gia đình nào cũng sẽ đồng ý phẫu thuật, bởi có nhiều vấn đề họ còn lo ngại, băn khoăn, thậm chí là buông xuôi vì người bệnh đã 80, 90 tuổi rồi. Nhưng nếu bệnh nhân đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện thì chúng tôi sẽ cố gắng tư vấn, giải thích kỹ để người nhà đặt niềm tin vào các bác sĩ. Chúng tôi sẽ rất trăn trở nếu gia đình người bệnh từ chối phẫu thuật chỉ vì bệnh nhân tuổi cao, ngại đụng chạm dao kéo, bởi như vậy là mất đi cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh”. Rất may mắn là gia đình bệnh nhân đã tin tưởng và phối hợp cùng các bác sĩ để động viên tinh thần cho người bệnh trước ca phẫu thuật. Sau khi nhận được sự đồng thuận của gia đình người bệnh, các bác sĩ lại bước vào giai đoạn đầy khó khăn phía trước về phẫu thuật và gây mê. Các bác sĩ đánh giá, vì người bệnh đã 90 tuổi nên quá trình gây mê cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi phẫu thuật có thể có nhiều biến chứng như tim mạch, nguy cơ mất máu... Ca mổ đã diễn ra thuận lợi, bệnh nhân được cắt đoạn trực tràng nối ngay một thì, không phải đeo hậu môn nhân tạo nên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân chắc chắn sẽ tốt hơn. Sau khi theo dõi được 10 ngày thì bệnh nhân đã ổn định và ra viện. Cụ bà Phạm Thị L., 90 tuổi, mạnh khỏe ngày xuất viện Cũng tại khoa Ngoại bụng 2, cụ bà Phạm Thị L., 90 tuổi quê tại Hà Tĩnh được chẩn đoán ung thư dạ dày. Trước khi vào viện, cụ L. có triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị nếu không mổ sẽ rất nguy hiểm, suy kiệt sức khỏe vì thiếu dinh dưỡng, do chảy máu dạ dày. “Bà bị đau dạ dày thường xuyên, ăn không nhiều nhưng cảm giác luôn đầy tức bụng khó chịu. Nhưng vì tuổi cao, quê ở xa nên cũng không thăm khám thường xuyên. Khi các bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày, gia đình tôi khá lo lắng và cũng băn khoăn không biết có nên phẫu thuật không”, người nhà bệnh nhân chia sẻ. Tuy nhiên, sau khi đánh giá thể trạng của cụ L. tương đối tốt, các bác sĩ đã giải thích với gia đình, sau đó thì ekip phẫu thuật đã phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày và vét hạch. Sau mổ bệnh nhân khỏe mạnh và đã được xuất viện. ThS, Bác sĩ Đoàn Trọng Tú khuyến cáo, tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng người bệnh đừng vội từ bỏ. Ngay cả khi phát hiện bệnh ở tuổi 80 - 90 thì vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh trong điều kiện tốt nhất. Nếu trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Với trình độ của các bác sĩ phẫu thuật ung thư cũng như khả năng gây mê hồi sức tốt như hiện nay, Bệnh viện K là một địa chỉ tin cậy cho người bệnh. Trần Hà  

Bệnh ung thư và những định kiến sai lầm

TĐKT - PGS.TS Lê Văn Quang, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ, có một số định kiến sai lệch về bệnh ung thư không những ở người còn hạn chế về kiến thức khoa học, mà cả ở giới có học thức. Định kiến sai lầm phổ biến nhất là mắc bệnh ung thư thì đương nhiên là mang bản án tử hình, nếu có điều trị thì cũng chỉ có thể vớt vát, kéo dài sống thêm một thời gian ngắn.   PGS.TS Lê Văn Quang, Giám đốc Bệnh viện K Theo đó, hệ luỵ của định kiến này là tâm lý bi quan quá mức, buông bỏ và không tuân thủ điều trị. Thực tế, các tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc có thể kéo dài sống thêm đáng kể tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại bệnh ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng… Hiện tại Bệnh viện K đã có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định 10 năm, 20 năm, 30 năm… Lý do có lẽ là mọi người thường có cảm nhận chủ quan, nhận thấy xung quanh mình có nhiều bệnh nhân ung thư sau một thời gian điều trị là tử vong mà ít biết đến, rất nhiều người bệnh ung thư đã được điều trị thành công, đang sống khỏe mạnh. Nhưng tâm lý chung là ít ai "khoe" bệnh của mình cho người khác biết kể cả khi được điều trị có hiệu quả, trong khi bệnh đã rất nặng hay cận tử thì người thân, bạn bè ai cũng biết và đến thăm hỏi. Khó tin nhưng hiện vẫn có không ít người dân nghĩ rằng bị ung thư là do quả báo, nghiệp quật, trời hành. Trên thực tế ai cũng có thể mắc bệnh ung thư, mọi lứa tuổi, giới tính, sắc tộc và thành phần xã hội. Ung thư xuất hiện ở mọi vùng, hầu như mỗi xóm làng, cơ quan, đơn vị đều thấy có người mắc ung thư. Nhưng đa phần ung thư xuất hiện ở người ngoài 50 tuổi khi các yếu tố nguy cơ đủ thời gian tích lũy để hình thành phát sinh bệnh. Tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng cao hơn ở xã hội phát triển, nơi tuổi thọ người dân tăng cũng như liên quan đến mức độ và lối sống công nghiệp hóa. Vậy nguyên nhân, yếu tố nào gây bệnh ung thư? Ung thư hình thành do các tế bào tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư, gây thương tổn DNA của tế bào không hồi phục. Các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát được, thoát ra khỏi sự kiểm soát sinh lý bình thường, mất khả năng biệt hóa, xâm lấn cục bộ phá hủy các tổ chức xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó nguyên nhân từ môi trường, ăn uống chiếm tới khoảng 80% nguyên nhân sinh ung thư như dùng thuốc lá, rượu, bức xạ ion hóa, tia cực tím… Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như di truyền, nhiễm vi sinh vật… Một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng được như hút thuốc, uống rượu, nhai trầu, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt tình dục không an toàn lây nhiễm Virus HPV, không tiêm phòng viêm gan B dẫn đến lây nhiễm và tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời... Tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được là tuổi tác, các yếu tố di truyền và rối loạn nội sinh. Càng nhiều tuổi, sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật càng giảm, thời gian tiếp xúc, tích lũy các yếu tố nguy cơ càng nhiều, ung thư càng dễ phát sinh. Rất may chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn nội sinh từ bên trong cơ thể, các tổn thương có tính di truyền, những nguyên nhân không thay đổi được. Mặc dù khoa học đã xác định được các tác nhân, yếu tố nguy cơ gây ung thư nhưng trên thực tế hầu hết từng trường hợp cụ thể, bác sĩ không thể đưa ra chẩn đoán nguyên nhân vì không thể hồi cứu hết các tác nhân, yếu tố nguy cơ mà người bệnh phơi nhiễm trong cuộc sống. Chính vì các bác sĩ không phải lúc nào cũng có thể tìm ra nguyên nhân mắc ung thư chắc chắn, nên nhiều người tự đưa ra những lời giải thích riêng cho mình theo cách tâm linh để trả lời câu hỏi mình đã làm gì để dẫn đến mắc bệnh ung thư. Nhiều người tin rằng mình bị trời phạt do việc đã từng làm ở kiếp trước hoặc trong quá khứ. Cổ nhân cũng có câu nhân định thắng thiên, nếu loại bỏ, tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư trên, có thể phòng được 1/3 bệnh ung thư. Một định kiến sai lầm phổ biến khác là ung thư mà đụng dao kéo sẽ làm bệnh lan tràn nhanh và tử vong sớm hơn. Trong thực tế hoàn toàn ngược lại, đối với đa số các loại ung thư, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất để cứu chữa bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm. Hậu quả của quan niệm này cũng rất nguy hiểm, tai hại, bệnh nhân sợ hãi và trốn tránh phẫu thuật, thử dùng thuốc này thuốc kia các nơi, khi bệnh đã nặng mới vào viện, thời điểm vàng của quá trình điều trị đã trôi qua, thời cơ chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật đã mất. Có một số lý do có thể giải thích cho hiện tượng này. Đầu tiên nhiều người bệnh, đặc biệt giai đoạn muộn, vẫn có chỉ định phẫu thuật để giải quyết biến chứng của khối u chứ không phải là phẫu thuật để khỏi bệnh như phẫu thuật cầm máu, phẫu thuật mở thông dạ dày nuôi dưỡng khi người bệnh không ăn uống được, phẫu thuật tắc ruột, nên sau mổ có thể bệnh vẫn tiến triển xấu đi. Nhưng thường gặp hơn là các trường hợp phẫu thuật thất bại, tai biến phẫu thuật, phẫu thuật quá giai đoạn, quá chỉ định. Tai biến phẫu thuật là điều không ai mong muốn nhưng là rủi ro luôn có thể xảy ra như bất kỳ can thiệp nào khác trong y khoa kể cả thông thường như tiêm thuốc kháng sinh. Cuối cùng, cũng có khi bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn, thuận lợi nhưng bệnh vẫn có thể tái phát do đây là bản chất của bệnh ung thư. Trong nhiều trường hợp, sau khi phẫu thuật triệt căn, bệnh nhân không được điều trị bổ sung sau mổ một cách bài bản, bệnh cũng có thể tái phát lại trong thời gian ngắn. Khi điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật không phải là sự kết thúc điều trị, mà chỉ là nền tảng cho các điều trị bổ sung tiếp theo. PGS. TS Lê Văn Quang nhấn mạnh: “Khách quan mà nói thì một số cơ chế bệnh sinh học ung thư còn chưa được làm sáng tỏ, căn bệnh này vẫn còn nhiều bí ẩn cần được khám phá, nhiều phương thức điều trị mới cần được nghiên cứu để chữa trị. Dường như điều này lại là nguyên nhân thông tin về bệnh ung thư dễ bị sai lạc, phản khoa học, dẫn tới không ít người bệnh ung thư bị lợi dụng. Chúng tôi cho rằng điều đúng đắn nhất và nên làm là người bệnh và gia đình hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ nhất về bệnh, điều trị và tiên lượng cũng như dùng các phương thức, thuốc điều trị chính thống tại cơ sở chuyên khoa, không nghe theo những lời đồn đại để mất đi thời gian quý báu có thể chữa được bệnh mà sẽ là tiền mất tật mang”. Hồng Thiết  

Kiện toàn thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung, kiện toàn thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2020. Cụ thể, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Phó Chủ tịch Thường trực thay bà Trần Thị Hà đã nghỉ hưu. Ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm Ủy viên Thường trực. Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm Ủy viên thay bà Nguyễn Thị Thu Hà đã nhận nhiệm vụ khác. Ông Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm Ủy viên. Theo Quyết định 168/2007/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, nhiệm vụ của Hội đồng là thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp trong việc tham mưu đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức các phong trào thi đua trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, định kỳ đánh giá tình hình phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kiến nghị, đề xuất với Đảng và Chính phủ đề ra các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua trong từng năm và trong từng giai đoạn, tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về tổng kết lý luận và thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng đối với các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xét chọn các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu tỉnh Anh hùng, thành phố Anh hùng. Chí Kiên (Theo baochinhphu.vn)

Thực dưỡng không chữa khỏi bệnh ung thư, người bệnh chớ nên “mù quáng”

TĐKT – Cả tin nghe theo các lời quảng cáo, bài viết lan truyền trên mạng xã hội và những lời khuyên vô căn cứ về việc “thực dưỡng chữa khỏi ung thư”, không ít gia đình đã lâm vào hoàn cảnh tiền mất, tật mang, có những người bệnh đã bỏ lỡ giai đoạn vàng trong quá trình điều trị bệnh, thậm chí là tử vong. Không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra vì chữa bệnh thực dưỡng Gần đây, trước thông tin về bệnh nhi 30 tháng tử vong chẩn đoán ung thư máu nhưng không điều trị tại Bệnh viện mà đặt niềm tin vào lời quảng cáo “chỉ cần chữa bệnh bằng thực dưỡng, bé chắn chắn khỏi bệnh” đã để lại hệ quả vô cùng đáng tiếc. Bé gái chưa đầy 3 tuổi đã tử vong trong sự xót thương của nhiều người và nỗi ân hận vì sự cả tin của cha mẹ. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với những người bệnh đang điều trị bệnh ung thư, đừng “mù quáng” tin vào phương pháp không có cơ sở khoa học. TS. BS Đỗ Huyền Nga, Phụ trách khoa Nội hệ tạo huyết, Bệnh viện K  Được biết em bé này có các dấu hiệu xuất huyết dưới da. Bệnh viện Trung uơng Thái Nguyên chẩn đoán là "theo dõi Lơ xê mi cấp" - ung thư máu dạng cấp. Sau đó, Bệnh viện đề nghị chuyển cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để điều trị tiếp. Tuy nhiên, mẹ của bé đã quyết định bỏ điều trị và tìm đến một nhân vật bán hàng thực dưỡng trên mạng để "điều trị" một thời gian. Người bán quả quyết rằng ung thư máu ở trẻ em là thách thức đối với Tây y chứ với thực dưỡng thì chẳng khó khăn gì. Người bán còn nhiều lần khẳng định: Nếu tuân theo thực dưỡng ngay ở giai đoạn đầu, khi chưa bị tây y can thiệp gì cả thì cơ hội cứu sống cháu bé gần như chắc chắn. Cách "điều trị" cho cháu bé là nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước, do chính người bán tự pha chế từ các nguyên liệu thực dưỡng), ăn tương sắn dây.  Người mẹ cũng phải ăn theo "số 7" (chế độ ăn chỉ bao gồm cơm lứt muối vừng) trong khi cho con bú. Người bán cũng giải thích kỹ: Đến khi nào các vết bầm biến mất hoàn toàn nghĩa là cháu đã khỏi bệnh, vì những chỗ bầm tím là dấu hiệu cho biết tình trạng máu độc hay sạch (bầm đen là máu độc, hết bầm là máu sạch). Đánh trúng tâm lý của bậc làm cha mẹ, con có bệnh thì vái tứ phương, những lời quảng cáo đầy hấp dẫn và quả quyết như vậy đã nhận được niềm tin của rất nhiều gia đình. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng may mắn để dừng lại kịp thời, cảnh tỉnh và đến bệnh viện để tiếp tục điều trị. Như câu chuyện của bé gái trên là hậu quả vô cùng đáng tiếc. Thời gian qua, có nhiều câu chuyện đáng tiếc được cảnh báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về những trường hợp tin vào thực dưỡng, tập thiền, điều trị ung thư. Tuy nhiên chia sẻ tại chương trình tư vấn trực tuyến “Tư vấn tâm lý và chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh ung thư”, GS. TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K cho biết “Trong cơ thể của bệnh nhân ung thư đương nhiên là cùng tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, chúng đều tồn tại và phát triển bằng các nguồn thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể. Hiểu một cách đơn giản bất kỳ loại dưỡng chất, nguồn năng lượng nào nuôi sống chúng ta thì cũng nuôi sống tế bào ung thư. Việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein... chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường mà nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học. Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư. Ung thư là một bệnh mạn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh. Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư với ý nghĩa hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Cùng với đó các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh. Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư, do đó bệnh nhân ung thư nên đến gặp bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả.”  Ung thư máu có thể điều trị ổn định nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng theo phác đồ điều trị TS. BS Đỗ Huyền Nga, Phụ trách khoa Nội hệ tạo huyết, Bệnh viện K chia sẻ: “Một căn bệnh phổ biến nhất trong các bệnh ung thư trẻ em, đó là ung thư máu, chiếm 1/3 tổng số trường hợp mắc ung thư hàng năm ở trẻ. Đây là một căn bệnh ác tính của tổ chức máu, gây nên hiện tượng rối loạn quá trình sinh sản và phát triển của dòng bạch cầu, lấn át dòng hồng cầu và tiểu cầu trong máu. Ung thư máu ở trẻ em có xu hướng tiến triển nhanh hơn so với người lớn. Cũng giống như những căn bệnh ung thư khác, kết quả điều trị của bệnh ung thư máu ở trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện ra bệnh và mức độ nguy hiểm của bệnh. Phát hiện bệnh ung thư máu ở giai đoạn sớm thì càng có nhiều cơ hội chữa trị bệnh. Với sự phát triển của nền y học hiện nay, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh có thể lên tới 80%, so với trước đây chỉ đạt 50% - 60%. Rất nhiều bệnh nhân ung thư máu đã được điều trị ổn định, quay trở về cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc, thậm chí là đã có gia đình riêng và sinh con. Là bác sĩ điều trị chuyên ngành ung thư, chúng tôi rất lấy làm tiếc trước những trường hợp từ chối điều trị theo phương pháp y học hiện đại, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, truyền tai nhau uống thuốc nam hay thực dưỡng. Đấy cũng là điều chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tại bệnh viện, tại khoa điều trị để tâm lý người bệnh luôn ổn định, đặt niềm tin vào các bác sĩ”. Cũng theo chia sẻ từ TS. BS Đỗ Huyền Nga, ung thư máu ở trẻ em không có những biểu hiện điển hình, tuy nhiên chúng ta có thể căn cứ vào một vài dấu hiệu dưới đây có thể là một cách để nhận biết sớm được bệnh ung thư máu ở trẻ em: Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân; xuất hiện các vết bầm tím trên da hoặc bị chảy máu mũi: Trẻ bị thiếu máu da xanh xao; sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân: Trẻ bị khó thở; trẻ hay bị nhiễm trùng: Đau bụng, chướng bụng; đau nhức xương khớp. Máu thường được sản xuất trong tủy xương, nhưng khi bị ung thư máu, lượng hồng cầu bị suy giảm do bạch cầu tăng cao, sự tích tụ quá mức của bạch cầu sẽ chèn ép, tác động lên các mô xương gây đau nhức. Điều trị bệnh ung thư máu là sự kết hợp phác đồ đa mô thức, các phương pháp điều trị như hóa trị, phẫu thuật..., các bác sĩ cân nhắc tùy theo thể trạng sức khỏe, dạng bệnh và tuổi của trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là tâm lý của trẻ và gia đình. Phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, lo lắng, hãy trao đổi và chia sẻ với bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình hình sức khỏe và quá trình điều trị của con em mình. Đừng vì cả tin mà bỏ dở điều trị, đi theo những lời khuyên hay phương pháp thiếu cơ sở khoa học và không có đích đến. Bởi để chiến thắng ung thư, không có phương pháp nào ngoài y học hiện đại và chính tâm lý lạc quan của người bệnh. Hồng Thiết

Thêm một ca mắc Covid-19 được cách ly ngay khi nhập cảnh

TĐKT - Ngày 14/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm một ca mắc Covid-19 mới là người trở về từ Liên bang Nga, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Bệnh nhân 373: Nam, 53 tuổi, có địa chỉ tại Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 9/7/2020, bệnh nhân về nước trên chuyến bay VN5062 từ Liên bang Nga. Sau khi nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Cần Thơ, được cách ly tập trung tại tỉnh Cà Mau. Ngày 12/7, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Như vậy đến thời điểm này, 89 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng; 373 ca mắc Covid-19; 232 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.357 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 72 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.871 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 414 người. Tính đến sáng 14/7, đến thời điểm này, Việt Nam đã có 352/373 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,4% tổng số ca bệnh Covid-19 của nước ta. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay 50/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 - 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với Covid-19. Các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khỏe ổn định. La Giang

Trang