Công tác xây dựng Đảng góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Y tế
20/09/2020 - 15:28

TĐKT -  Đảng bộ Bộ Y tế, tiền thân từ chi bộ đầu tiên được thành lập năm 1953. Từ một chi bộ đã phát triển và được nâng cấp thành Đảng bộ Cơ quan Bộ Y tế năm 1965. Ngày 5/11/2006, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã có Quyết định số 1012-QĐ/ĐUK thành lập Đảng bộ Bộ Y tế là Đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Đảng ủy Bộ Y tế đã đoàn kết, thống nhất, cùng Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, đơn vị trong toàn Đảng bộ nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Y tế nhiệm kỳ 2020 - 2025

Bí thư Ban cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sự phát triển của ngành Y tế với nhiều cơ hội, nhưng cũng sẽ phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ Y tế và ngành Y tế luôn phát triển, nâng cao vị thế trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới, đặc biệt là trong giai đoạn 2020 - 2025 và tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho, đó là "Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới".

Với phương châm: "Đoàn kết - Đổi mới - Nêu gương - Trách nhiệm", Đại hội Đảng bộ Bộ Y tế lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Y tế lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trên cơ sở kết quả thảo luận của Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội tiếp tục thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIII.

Giai đoạn 2015 - 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Y tế đã có sự phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Việt Nam là điểm sáng thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, thực hiện vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm về số giường bệnh trên 1 vạn dân và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, tuổi thọ bình quân tăng, chất lượng dân số từng bước được cải thiện và nâng cao.

Hệ thống tổ chức, bộ máy ngành Y tế tiếp tục được rà soát, củng cố và hoàn thiện từng bước theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, nhân lực y tế ngày càng được củng cố, tăng cường, nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn. Việt Nam cũng kiểm soát, ngăn chặn và khống chế thành công các bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới như Ebola, Mers-CoV. Mạng lưới y tế cơ sở, khám chữa bệnh được củng cố, phát triển rộng khắp toàn quốc, hướng tới sự hài lòng của người dân. Đồng thời làm chủ được ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị. Việc sản xuất, cung ứng dược phẩm được đảm bảo. Cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế từng bước được đổi mới. Năng lực chuyên môn, đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ được chú trọng và nâng cao.

Đặc biệt, ngành y tế đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, nhất là khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Mỗi cán bộ, bác sĩ là những chiến sĩ áo trắng được nhân dân tin yêu trong trận chiến phòng, chống dịch bệnh, trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngành Y tế đã được ghi nhận, đánh giá cao bởi nhân dân, bạn bè quốc tế với thành công của giai đoạn đầu của phòng, chống dịch COVID-19 và đang hết sức nỗ lực trong giai đoạn hai của phòng, chống đại dịch.

Có được kết quả như vậy, chính là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt sự chỉ đạo sát sao và hiệu quả của các cấp lãnh đạo trong đó có Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và các ban bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh, thành phố, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân.

Bí thư Đảng ủy Bộ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình đổi mới toàn diện của ngành, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20, Nghị quyết 21 Ban Chấp hành Trung ương, trong đó: Tập trung tăng cường kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành; thúc đẩy mạnh mẽ chương trình khám, chữa bệnh, hỗ trợ y tế toàn tuyến, bảo đảm người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại y tế cơ sở; đẩy mạnh triển khai y tế cơ sở trong tình hình mới; tiếp tục sắp xếp hệ thống y tế tinh gọn, hiệu quả, phục vụ người dân một cách tốt nhất; đổi mới phương thức chi trả quỹ bảo hiểm y tế; công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm; củng cố hệ thống y tế phục vụ cho phòng, chống đại dịch và đẩy mạnh huy động nguồn lực cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn cam go và rất nhiều thử thách, Đảng bộ và ngành Y tế luôn tiếp tục cố gắng hơn nữa, phát huy những thành công, những bài học kinh nghiệm để quyết tâm chiến thắng trong trận chiến này

Phát huy những kết quả đã đạt được, Đảng bộ Bộ Y tế tiếp tục tập trung vào 6 nội dung quan trọng:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt các giải pháp để cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị, chủ trương của Đảng thành các chính sách, pháp luật cụ thể nhằm tiếp tục tăng cường chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện trách nhiệm nêu gương, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, hoàn thành mô hình tổ chức hệ thống y tế trên các lĩnh vực đảm bảo đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đảm bảo công khai, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20, Nghị quyết 21 (khóa XII).

Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy các cấp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Thứ năm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ gắn với quy hoạch, luân chuyển, phù hợp với vị trí việc làm và hoàn thiện tổ chức bộ máy, đảm bảo giữ vững đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao và bảo vệ chính trị nội bộ.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác đảm bảo ngắn gọn, thiết thực, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phó.

Để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn 2020 - 2025 nêu trên, yêu cầu đặt ra đối với Đảng bộ Bộ Y tế là hết sức nặng nề và thử thách. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Ban Cán sự Đảng Nguyễn Thanh Long tin tưởng Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Bộ Y tế, tập thể Ban Thường vụ Đảng Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đoàn kết, thống nhất một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng mọi mặt của ngành Y tế, đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

          Hồng Thiết